Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 17 (C)

Nghe xong Dã Nương vô cùng ngạc nhiên, hỏi:
- Lẽ nào Tồn Nô không phải là con gái, mà lại là con trai. Tồn Nô, chị hãy kể hết sự thực cho em nghe!
Sinh Ca khe khẽ thuật lại, rồi dặn:
- Em không được tiết lộ với ai!
Dã Nương rất kinh sợ, nhân đó cười nói:
- Em cứ đùa chị là con trai, ai ngờ lại là con trai thật.
- Vì trước đây giả làm con gái, - Sinh Ca nói, - nên không thể sống chan hòa được, nay đã rõ nhau rồi thì anh em mình có thể kề đùi kề vế, cùng ngủ chung giường với nhau.
Nói xong bèn tới ngồi sát vào Dã Nương. Dã Nương mặt đỏ bừng vội đẩy Sinh Ca, đứng dậy tránh sang một bên. Sinh Ca nói:
- Khuôn mặt em giống con gái, chứ có phải em là gái thật đâu mà xấu hổ như thế?
- Anh tưởng em là con trai thật ư? Anh không giấu em thì sao em nỡ giấu anh.
Thế rồi Dã Nương lấy bút viết một bài thơ
Chị chẳng thật còn em thật sao?
Trốn Tần ta cùng khổ như nhau.
Nếu ta kết nghĩa đào viên được,
Em chỉ mong mình hóa con trai.
Sinh Ca đọc thơ, kinh ngạc nói:
- Anh không ngờ em lại là con gái. Em hãy nói rõ sự thật với anh.
Dã Nương kể lại hết, Sinh Ca rất lạ lùng nói:
- Anh với em, một người giả gái, một người giả trai, thật là duyên trời run rủi. Ta nên kết duyên chồng vợ. Em vừa nói, nhạn đàn không như uyên ương. Từ nay chúng ta không phải là anh em mà là vợ chồng.
- Nếu anh muốn thế, - Dã Nương nói, - phải nói với cha mẹ cho danh chính ngôn thuận, chứ không thể vội vàng được.
Hôm ấy Sinh Ca nói cho Vương Bảo biết. Còn bên này Dã Nương cũng kể hết những chuyện của Sinh Ca cho Nhan Quyền nghe. Hôm sau Vương Bảo tới gặp Nhan Quyền, bàn về chuyện kết hôn, Nhan Quyền bằng lòng ngay. Họ chỉ nói với mọi người rằng nhà họ Tu xin Tồn Nô về làm dâu, rồi nhờ một bà hàng xóm làm mối, chọn ngày lành tháng tốt đón Sinh Ca về. Vương Bảo phá thông tường phía sau, hai nhà thành một. Láng giềng có mấy kẻ xấu, nói ra nói vào:
- Con cái mới mười lăm tuổi, xưa nay không nên cho chúng sống chung với nhau. Nay tự nhiên cưới vợ cho nó. Chưa biết chừng sau này họ lấy nhau. Như thế thì tồi quá.
- Lúc đầu, - có người nói, - bà quả phụ họ Trình muốn con gái xuất gia, thế mà bây giờ lại gả cho Đài Quan nhà họ Tu. Chắc trước đây họ đã có tình ý với nhau, nay thì hai người thông gia ấy đẹp đôi rồi.
Vương Bảo chẳng hề để ý tới những lời thị phi ấy, thời gian như
 thoi đưa, thấm thoắt đã hai năm. Sinh Ca mười bảy tuổi Dã Nương mười sáu tuổi. Nhan Quyền chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới. Dã Nương vẫn mặc lối con trai. Chàng rể chải tóc con gái, cô dâu lại mặc áo xanh, đội mũ hoa như con trai, trông thật buồn cười. Người mang lễ đến, mời Vương Bảo ra nhận lễ, Vương Bảo không dám nhận, lấy cớ đau bụng đi nằm sớm. Từ ngày kết hôn, Sinh Ca và Dã Nương sống với nhau thật là ân ái. Chỉ ngại có điều âm dương đảo lộn, không thể thay đổi trang phục, trở lại đúng họ tên thật của mình.
Ai ngờ cũng có cái may, vì học vẽ mà có cuộc hôn nhân này, lại vì bán tranh mà lại dẫn đến một cuộc gặp gỡ bất ngờ khác vốn là thời ấy, hiếu liêm Hoa Hắc đậu tiến sĩ được tuyển vào Hàn lâm, song vì bất hòa với thừa tướng Nghiệp Ách Hổ nên từ quan về sống tại quê hương. Phu nhân của ông là Lam thị muốn vẽ một bức tranh trong cảnh vui thú điền viên. Nghe tin vợ chồng Trình Tồn Nô nhà họ Tu ở Hậu Thôn giỏi vẽ truyền thần, bèn sai người mang kiệu tới mời về phủ vẽ trực tiếp. Dã Nương khuyên Sinh Ca không nên đi. Vì nghĩ tới công ơn Hoa Hắc đã chôn cất cha mẹ mình, nay không nỡ trái lệnh. Vị phu nhân chỉ biết Sinh Ca là con gái, mời thẳng vào phòng riêng. Chào hỏi xong, bà mời Sinh Ca dùng trà, rồi đưa cho Sinh Ca một vuông lụa trắng. Sinh Ca nhìn kĩ phu nhân hồi lâu, rồi cầm bút vẽ. Chỉ phút chốc, bức chân dung đã vẽ xong, trông rất đẹp và giống hệt. Phu nhân vô cùng vui sướng, gọi bọn hầu gái vào xem, đều tấm tắc khen. Phu nhân vô cùng thán phục, nói với Sinh Ca rằng:
- Chân dung mẹ tôi bị anh em chúng tôi làm mất, nay muốn vẽ lại một bức, vẽ mô phỏng thì quả là khó thực. Nay ta tả lại hình dáng, nhờ cô giúp đỡ. Nếu vẽ đúng ta sẽ hậu tạ.
Sinh Ca nhận lời. Bà chỉ vào khuôn mặt của mình, chỗ nào giống mẹ, chỗ nào khác mẹ. Theo lời bà, Sinh Ca tưởng tượng vẽ ra một bức chân dung. Song thật lạ lùng, bức họa rất sống động. Phu nhân xem, vỗ tay thán phục, vừa nhìn vừa khen, càng nhìn càng thấy giống. Bà cảm thấy như được gặp lại mẹ mình, rồi bất giác òa lên khóc. Thấy bà khóc, tự nhiên Sinh Ca cũng nước mắt giàn giụa. Phu nhân thấy lạ hỏi:
- Ta khóc vì nhớ mẹ, còn cô thì vì sao lại khóc.
Sinh Ca lau nước mắt nói:
- Tôi còn bé đã mất cha mẹ, nên không biết mặt cha mẹ. Nay phu nhân có được bức ảnh của mẹ mình, tôi nghĩ mình là người vẽ truyền thần, song không sao vẽ được cha mẹ, nên không cầm được nước mắt.
Thấy vậy phu nhân hỏi:
- Ta nghe tin mẹ cô vẫn còn, nhưng sao lại nói cha mẹ đã mất từ khi còn nhỏ.
Sinh Ca vội nói chữa lại rằng:
- Phu nhân nghe lầm rồi, thiếp nói là cha mất từ khi còn nhỏ
- Ta lầm sao được, rõ ràng cô vừa nói cha mẹ mất từ khi còn nhỏ. Vậy bà quả phụ Trình không phải là mẹ đẻ cô ư? Hãy nói thực với ta đi!
Sinh Ca thầm nghĩ: "Ngài Hoa là một người tình nghĩa, nếu ta nói thực với phu nhân, chắc chẳng có gì đáng ngại". Thế rồi Sinh Ca chắp tay lạy bà nói:
- Phu nhân là đấng bề trên, xưa kia cha con nhờ ân đức ngài Hoa, trước mặt phu nhân con đâu dám giấu. Nhưng xin bà hãy tha chết cho con, con mới dám nói.
- Sao lại lạ lùng thế? - Phu nhân nói. - Ta vốn chẳng quen biết gì nhà cô, thì làm gì có ơn với huệ. Hơn nữa bây giờ cô có tội gì đâu!
- Xin phu nhân cho người nhà lui ra, - Sinh Ca nói, - con sẽ thưa lại tường tận.
Phu nhân cho những người hầu ra ngoài. Trước hết Sinh Ca nói là mình giả làm con gái, lẽ ra không được vào nội thất, song không dám trái lệnh phu nhân, đành phải miễn cưỡng vào đó là tội đáng chết. Sau đó kể lại tỉ mỉ vì sao mình phải cải trang lánh nạn, vì sao mình lại lấy Dã Nương làm vợ. Phu nhân nghe xong vô cùng kinh ngạc, mời Hoa Hắc vào để nói lại chuyện này, và cho Sinh Ca vào gặp. Hoa Hắc thấy hết sức lạ lùng.
Đang lúc ấy, gia nhân vào thưa:
- Có người ở trên về báo, ngài lại được phục hồi chức cũ.
Thời ấy, Hải Lăng Vương ngự giá đánh xuống phương Nam, giữa đường bị hại. Thừa tướng Nghiệp Ách Hổ bị loạn quân giết chết. Trong triều lập Thế Tông làm vua. Thế Tông là người sáng suốt, những quan viên xúc phạm Hải Lăng Vương bị Nghiệp Ách Hổ giết, đều được truy tặng, tìm lại con cháu cho tập ấm. Nhũng người bị phế truất, bị đày đều được phục hồi. Bởi thế Hoa Hắc được bổ nhiệm lại chức cũ. Nhận được lệnh gia ân, Hoa Hắc nói với Sinh Ca rằng:
- Vua mới rất sáng suốt, vẫn cho tìm lại con cháu các hiền thần bị hại để giao chức vụ. Liêm Gián Nghị cũng trong số đó. Ngài không có con, nay anh là con rể cũng coi như con ngài. Còn như việc cha mẹ đề thơ mà bị giết, ta sẽ dâng sớ để minh oan. Anh không những thoát tội mà còn được phong quan.
- Xưa kia ngài đã chôn cất cha con, - Sinh Ca nói, - nay lại quan tâm chu đáo tới con như thế, ơn ấy thật như trời biển. Con không thể nào quên được.
Nói xong Sinh Ca quỳ xuống lạy. Đúng là:
Nhờ ơn quân tử rủ lòng thương.
Cứu thoát cùng dân khỏi nỗi oan.
Sinh Ca bái tạ ông bà Hoa ra về, rồi kể lại chuyện đã xảy ra cho Dã Nương, Nhan Quyền và Vương Bảo nghe, họ rất vui mừng. Ngay ngày hôm ấy, Hoa Hắc về kinh, yết kiến vua, dâng sớ minh oan cho Lý Chân, nói:
- Hai bài thơ Lý Chân làm, một bài than vãn Nam triều không có người, một bài than vãn Nam triều chưa từng không có người, chỉ vì gian thần hãm hại, vô cớ bị giết chứ không hề xúc phạm đến triều đình. Thật đáng thương cho cả gia đình ông. Vợ ông là Giang thị đã chết để bảo vệ tiết hạnh, cũng rất đáng thương. Nay Sinh Ca con họ lại lấy con gái Liêm Quốc Quang. Quốc Quang không có con trai, nên tập ấm cho con rể để báo đền lòng trung thành của ông.
Sau đó lại kể chuyện Vương Bảo được trời cảm động mà cho vú, Nhan Quyền mơ thấy thần cho râu. Thế Tông xem tấu, ra lệnh:
- Cho Sinh Ca được tập ấm Liêm Quốc Quang, giao cho chức Hàn lâm chờ chiếu chỉ. Phong Dã Nương làm Nho nhân. Vương Bảo là người trung nghĩa đáng thương, giao chức Thái bộc thừa. Thái giám Nhan Quyền được triệu về kinh sư, giao chức Lục cung Đô đề điểm.
Lệnh vua được ban ra, Sinh Ca và Dã Nương mới được thay đổi trang phục. Một người đàn ông vú to, một người thái giám râu dài đều được khôi phục lại diện mạo thật của mình. Chuyện kì lạ ấy, đâu đâu cũng thấy người ta đồn đại.
Trước đó âm dương đảo lộn
Bây giờ nam nữ đúng rồi.
Mọi người nhận ơn vua, đều trở về kinh. Sinh Ca dâng sớ tâu rằng: "Trước đây thần gặp hoạn nạn, chưa để tang cha mẹ. Nay muốn được để tang cha mẹ, ở lều cỏ bên phần mộ ba năm, sau xin nhậm chức". Thiên tử khen ngợi Sinh Ca là người có hiếu, nên chuẩn y theo nguyện vọng. Sinh Ca cùng với Dã Nương mặc áo xô gai, chống gậy, đến nơi phần mộ cha mẹ bày lễ cúng. Nghĩ lại cha mẹ đã chết oan khuất, lúc còn sống lại không biết mặt, khi chết không được chăm sóc mộ phần, cho mãi tới bây giờ mới đến trước mộ bái lạy. Nỗi đau đớn trong lòng ùa dậy, họ nằm lăn ra đất khóc lóc thảm thiết. Điều đó khiến cho những người xung quanh không ai không thương tâm.
Vương Bảo thấy vợ chồng Sinh Ca tới mộ, nhân lúc chưa tới nhiệm sở, mang lễ vật đến mộ lễ. Lúc ấy Vương Bảo mặc áo triều đình ban cho, đến trước mộ, ông bảo người hầu mang áo xanh và mũ nhỏ để ông thay.
Sinh Ca hỏi:
- Sao lại phải làm thế.
- Xưa kia ta được mẹ ông nhỏ nhờ cậy bảo vệ ông nhỏ. - Vương Bảo nói. - Nay ta đến để thưa lại với bà. Nếu như đội mũ đeo đai, sợ rằng người dưới mộ không nhận được.
Nghe xong bất giác Sinh Ca òa lên khóc. Vương Bảo thay áo mũ, đứng trước mộ bái lạy thưa rằng:
- Thưa bà, con là Vương Bảo, xưa kia ở thành Ký Châu, vì muốn về gấp báo tin cho bà chủ, không kịp khâm liệm thi thể ông chủ. Đến khi bà chủ chết, con vội vàng bảo vệ ông nhỏ, đưa ông đi trốn, không kịp khâm liệm thi thể bà, cũng không kịp đến mộ để cúng. Nay nhờ trời, được ân xá, con mới tới mộ ông bà. Trước đây nhờ trời cho vú, tiên ông che chở nên chủ tớ chúng con mới được sống tới ngày nay. Nay may mà mối thù đã trả ông nhỏ đã thành gia thất, lại được thăng quan. Không biết ông bà chủ có biết cho không? Nếu linh hồn tại đây, cúi lạy xin chứng giám.
Cứ như thế, ông vừa khấn vừa vái lạy, rồi nước mắt ông cứ trào ra. Những người theo hầu nhìn thấy, ai ai cũng khóc.
Vương Bảo lễ xong, thay mũ áo. Lúc ấy Nhan Quyền cùng đến cúng. Chờ lễ xong họ cùng đến từ biệt vợ chồng Sinh Ca, chuẩn bị lễ vật đến Song Trung miếu lễ tạ. Nhan Quyền cho đúc lại tượng thần, trùng tu lại miếu, rồi sau đó cùng với Vương Bảo trở về kinh thành. Sinh Ca cùng với Dã Nương ở lại chịu tang. Sau đó lại nghe thấy chiếu chỉ của triều đình, sắc cho quan huyện Ngọc Điền xây dựng miếu thờ Liêm Quốc Quang, hằng năm thờ cúng. Sinh Ca cùng với Dã Nương tới đó cúng lễ xây dựng lại lăng mộ. Hết hạn chịu tang, họ cùng trở về kinh đô tạ ơn vua rồi nhậm chức.
Ở kinh đô chưa được bao lâu, nghe tin tại huyện Lâm Thành, Triệu Châu có một mụ yêu quái, đó là Ngưu thị. Mụ ta đã liên kết với bọn cướp hung hăng ngang ngược nổi loạn. Ngưu thị là vợ Y Đại Kiên, Đại Kiên là người Lâm Thành. Khi còn sống hắn đã dựa vào sự sủng ái của Hải Lăng Vương, làm nhiều điều ác độc. Sau đó bị cáo giác, Thế Tông đã ra lệnh tịch thu gia sản. Không ngờ Ngưu thị là vợ, biết nhiều yêu thuật, bèn cùng với con là Y Bưu trốn vào núi Thái Hàng, tụ tập bọn cướp nổi loạn, tự xưng là "Thông Thánh Nương Nương". Quan địa phương đem quân truy bắt, song đều bị chúng đánh bại. Sinh Ca biết được tin này, tấm lòng trung thành sôi sục trào dâng, nói:
- Đây là vợ tên kẻ thù, ta phải tự tay giết nó.
Thế rồi Sinh Ca dâng sớ xin tới sào huyệt kẻ thù. Thiên tử chuẩn y, lệnh cho giữ chức Hàn lâm Đãi chiếu kiêm Hành quân Thiên hộ, đem ba ngàn quân đến Lâm Thành dẹp bọn yêu tặc. Sinh Ca vâng lệnh, ngày đêm thúc quân thẳng tiến. Ngưu thị thống lĩnh quân giặc, chiếm cứ núi cao hiểm yếu, xây dựng doanh trại, rồi dùng phép thuật chống lại. Nào ngờ Sinh Ca được Bích Hà Chân Nhân truyền cho kiếm thuật. Sinh Ca không chờ giao phong, một mình bay lên đỉnh núi, vung kiếm chém đầu Ngưu thị và Y Bưu. Sau đó đốc quân phá tan sào huyệt bọn cướp, dẹp tan quân giặc, chiến thắng trở về triều. Thiên tử thấy Sinh Ca lập công lớn, thăng làm Trung thư Tả thừa, kiêm Xu mật Phó sứ, truy tặng cha mẹ là Lý Chân và Giang thị. Sinh Ca cảm động đến rơi nước mắt, tạ ơn vua, trở về tư dinh. Đêm ấy nằm mơ thấy một vị quan mặc áo đi hia, và phu nhân mặc áo gấm đội mũ cánh phượng. Hai người nói với Sinh Ca rằng:
- Ta là cha mẹ của ngươi. Được Thượng đế rủ lòng thương, vì một người là văn nhân bị tai họa, một người vì tiết nghĩa mà quyên sinh, cho ta thoát khỏi kiếp ma quỷ mà được làm thần. Không những được ơn vua, mà còn được Thượng đế yêu mến. Con không phải buồn phiền thương xót cha mẹ nữa.
Sinh Ca tỉnh dậy, nhớ lại hình ảnh cha mẹ, vẽ ra hai bức chân dung, gọi Vương Bảo tới xem. Vương Bảo vô cùng kinh ngạc nói:
- Rất giống ông bà chủ lúc sinh thời.
Sinh Ca vô cùng sung sướng, đưa vào miếu thờ. Đúng là:
Trung, trinh trời đất biết.
Nhân, hiếu quỷ thần hay.
Vương Bảo làm quan được ba năm, rồi xin từ chức, đi tìm Bích Hà Chân Nhân vào núi tu luyện. Đến từ biệt vợ chồng Sinh Ca, mang theo hộp đựng hạt ngân mẫu linh đan, nhẹ nhàng phơi phới ra đi. Sinh Ca luôn luôn nhớ tới lòng trung thành của ông, vẽ một bút chân dung của ông đặt bên cạnh Lý Chân, hằng năm thờ cúng. Lại vẽ bức chân dung Bích Hà Chân Nhân, đặt thờ ông tại am cỏ xưa kia, và cùng thờ Vương Bảo tại đó. Về sau Hoa Hắc đi sứ trên biển, thấy Vương Bảo người hồng hào tóc trắng xóa, nhẹ nhàng bay lướt trên mặt nước. Khi trở về, kể lại với Sinh Ca. Sinh Ca biết ông đã thành tiên. Nhan Quyền ra vào cung, người ta đều gọi ông là thái giám Râu, và ông được vua sủng ái, thọ tới chín mươi bảy tuổi mới qua đời. Dã Nương mặc áo xô tang ông, đặt bức chân dung lên bàn thờ. Đây là việc báo đền hai người trung nghĩa. Các bạn thân mến, nếu người ta có lòng trung thành, có nghĩa khí, thì trời sẽ phù hộ, thần sẽ giúp đỡ. Hãy xem nô bộc, hoạn quan còn như thế, huống hồ những sĩ đại phu. Kinh Dịch viết: "Tận trung với vua, không phải vì bản thân mình".

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết