Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 18
Hai Lần Phán Quyết, Con Giả Thành Con Thật
Ba Lần Nung Tượng, Vàng Thật Hóa Vàng Hư

Ở trong vô tướng tướng bỗng sinh,
Đúng đúng sai sai vẫn tranh giành.
Cuối cùng hữu tướng về vô tướng,
Trách kẻ tham lam vẫn mải mê.
Trên đây là bốn câu kệ do Tinh Thiền sư làm, ông khuyên người đời không nên bộc lộ mình. Những người bộc lộ mình, phần lớn đều bộc lộ ở ba khía cạnh: tham lam, giận dữ, ngu ngốc (tham, sân, si). Tham của cải của người khác là tham, tham phúc của trời là tham. Tham không được thì sinh giận dữ. Giận người là ngu, giận trời càng ngu. Rốt cục cái đã định thì không thể cưỡng lại, mà cái không định thì lại không giữ được. Biết mọi sự đã được định đoạt thì không nên tham. Biết nó không phải của mình thì lại càng không nên tham.
Thời Chu Thế Tông cuối Ngũ Đại, ở Quy Đức, Hà Nam, có một người tên là Kỷ Diễn Tộ. Gia đình vào loại thường thường bậc trung, đã gần bốn mươi tuổi mà chưa có con nối dõi. Vợ là Cường thị, tính lại hay ghen tuông, không cho chồng lấy vợ lẽ. Trong nhà chỉ có một đứa ở tên là Nghi Nam mười sáu tuổi rất xinh đẹp. Sợ chồng gian díu với cô ta, Cường thị không cho cô chải đầu, bó chân và luôn quản chặt Kỷ Diễn Tộ, không lúc nào buông lơi. Kỷ Diễn Tộ có một đứa cháu trai Kỷ Vọng Hồng, là con người anh đã qua đời tên là Kỷ Diễn Tự. Từ nhỏ Kỷ Vọng Hồng đã được cha mẹ cưng chiều, lớn lên chẳng biết làm gì suốt ngày cờ bạc, và đã trở thành một đứa hết sức vô lại. Cha mẹ chết sớm, Kỷ Diễn Tộ không sao dạy bảo được Kỷ Vọng Hồng. Vợ Kỷ Vọng Hồng là Trần thị cũng là đứa thích ăn diện, bị chồng đuổi đi, may được bố chồng Trần Nhận Phủ nhận về nuôi. Kỷ Diễn Tộ thấy cháu hư hỏng, nên không muốn nhận làm con thừa tự. Nào ngờ Vọng Hồng thấy chú không con, nhòm ngó gia tài của chú, cho rằng chú không quan tâm đến mình, cứ nài nĩ xin xỏ. Khi Diễn Tộ giúp cho ít đồ đạc, cầm chưa nóng tay Vọng Hồng đã bán sạch. Vọng Hồng như thế thì làm sao Kỷ Diễn Tộ thỏa mãn được lòng tham vô đáy của hắn. Bởi thế Cường thị nói với chồng:
- Chỉ vì ông không có con nên mới phải chịu nó hành hạ. Trước đây ta muốn tới chùa Đại Tướng Quốc cúng cầu tự, song vẫn không được, nay tôi muốn ông cùng tôi đi cầu tự, ông thấy thế nào?
Kỷ Diễn Tộ nói:
- Đàn bà không nên đi cầu tự, hơn nữa đường xá xa xôi, rất bất tiện. Nếu bà muốn cầu con thừa tự, thì sớm chiều dâng lễ cúng Phật tại nhà là được rồi!
Thấy chồng nói thế, Cường thị bảo chồng làm một pho tượng Phật không phải bằng gỗ mà phải đúc bằng đồng, pha thêm vàng để thờ cúng. Theo lời vợ, Diễn Tộ mời một người thợ giỏi là Dung Tam đến nhà đúc một pho tượng Phật bằng đồng nặng mười cân và hai lạng vàng. Pho tượng đúc xong sáng choé trông như vàng ròng. Cường thị đặt pho tượng trong gian phòng rất thanh tịnh, suốt ngày lễ bái, cầu con thừa tự.
Cầu cúng gần một năm trời mà chẳng thấy Cường thị có mang, Diễn Tộ ngấm ngầm để ý đến Nghi Nam. Tuy cô không chải đầu, không bó chân, anh đâu có cần đến phần đầu, chỉ cần phần đuôi thôi, và chỉ cần cái chân ngồi, chứ không cần cái chân đi của cô. Người ta thường nói: "Mất trộm rồi mới rào giậu”. Dù cho vợ quản chặt, nhưng đến đêm Cường thị ngủ say, Diễn Tộ mới lén lút gian díu với Nghi Nam. Đúng là:
Mặc cho sư tử Hà Đông rống
Nào có ai ngờ mất chim loan.
Gã xưa nay vẫn sợ vợ, đêm đến lén lút vụng trộm với đứa ở. Quá trình lén lút ấy đều có biệt hiệu riêng. Trước hết gối đầu lên gối theo dõi hơi thở của vợ, gọi là "cáo nghe nước đóng băng"; đến khi vợ ngủ say, len lén chui ra khỏi chăn, gọi là "ve sầu lột xác"; trong đêm tối ngồi trên giường dùng chân quơ dép gọi là "rửa chân ở sông Thương Lang"; đi trong đêm sợ chạm vào đồ vật nên hai tay phải đặt trước bụng, gọi là "Bá Nha ôm đàn"; đến chỗ ngủ của con ở, xoa xoa, nắn nắn, cả hai đều không dám nói, gọi là “người câm đánh nhau”; sợ vợ tỉnh dậy biết được, vội vàng làm cho nhanh chóng, gọi là "chuồn chuồn đạp nước"; về tới giường vợ, lại rón rén chui vào chăn như cũ, gọi là "rắn vàng về lỗ".
Kỷ Diễn Tộ vụng trộm với Nghi Nam, nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không được tự do thoải mái, đang lúc muốn cùng với cô ta vụng thầm cho thật đã, thì rất may, buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Cường thị vốn ăn chay niệm Phật, nên có một ni cô thường hay lui tới. Ni cô người họ Tất, pháp danh là Ngũ Không. Am của ni cô gần chùa Long Hưng, Thành Nam, bởi thế cô thân quen với một vị hòa thượng trong chùa: Chùa Long Hưng có hai sư trụ trì, đó là Tĩnh Tu và Huệ Phổ. Tĩnh Tu hiểu kinh Phật rất sâu sắc, không thích ồn ào, thường đóng cửa ngồi tĩnh tọa. Huệ Phổ thì chỉ nắm được cái tổng quát, giảng kinh thuyết pháp. Việc tiếp đãi thiện nam, tín nữ hoàn toàn dựa vào Ngũ Không. Ngũ Không thường tới các nhà giàu có, giáo hóa nữ giới quy Phật. Bởi thế, Ngũ Không cũng khuyên Cường thị nên đi nghe giảng kinh. Ngày mười chín tháng hai là ngày sinh nhật Quan âm Đại Sĩ, chùa lại càng đông vui. Cường thị muốn đi, Diễn Tộ không muốn vợ đi, song ông ta lúc nào cũng tơ tưởng tới Nghi Nam, nên nghĩ nếu Cường thị đi vắng thì việc dan díu sẽ không bị ngăn trở. Trước hôm Cường thị đi chùa, ông ta bảo Nghi Nam vờ đau bụng nằm rên. Hôm sau, Cường thị thấy Nghi Nam ốm, không thể đi cùng, đành cho hai vợ chồng người giúp việc là Hỷ Tường đi theo, để Hưng Nhi một đứa ở mười hai tuổi và Nghi Nam ở lại trông nhà. Lúc đầu Diễn Tộ cùng đến chùa với vợ, song khi vào chùa thì nam ngồi bên đông, nữ ngồi bên tây, sau khi Huệ Phổ an tọa giảng kinh, thì nhân lúc đông người, Diễn Tộ lẻn về, thả sức ong bướm với Nghi Nam. Chỉ thấy:
Vợ vào chùa xem Phật đường thanh tịnh
Chồng về nhà hưởng cực lạc Niết Bàn
Người thì thành tì kheo cúng Thế Tôn quỳ rạp đất
Kẻ lại hóa thành tiên, khiến gái hầu chổng vó lên trời
Trước đây đêm tối vội vàng hành sự chỉ chớp mắt là mây tạnh trời quang
Nay giữa ban ngày ban mặt ung dung tường tận chẳng khác gì rung cành lá rụng tả tơi
Trước đây thường trách Thủy Mẫu Quy sơn độc ác không chút buông tay.
Nay lại gặp sư tử Hà Đông lễ Phật, mới có dịp may
Dựa vào sức mạnh Quan âm bắt đi La Sát Dạ Xoa
Nhờ vào sức sống của Thiền dựng nên Cao Đường Vu Giáp
Trước đây vợ tại phòng the chiêu chửi, chẳng khác nào đọc kinh cầu nguyện cho chồng
Nay mụ ác vào chùa nghe kinh Phật, chẳng khác gì niệm chú cho đứa hầu hòa hợp
Hoàn toàn nhờ Phật mở đường phương tiện
Quả là Bồ Tát rộng lượng từ bi
Diễn Tộ hành sự xong, gọi thằng nhỏ Hưng Nhi dặn rằng:
- Khi bà về không được nói là tao về nhà nhé.
Nói rồi, Diễn Tộ đến ngay chùa, đúng lúc đón kiệu Cường thị cùng về. Cường thị không biết được trò ma mãnh của chồng, cũng chẳng biết được, lần này Nghi Nam đã mang thai. Hơn một tháng, thấy Nghi Nam lông mày dựng ngược, mắt đờ đẫn mệt mỏi, Cường thị sinh nghi, bèn gọi ra tra khảo, Nghi Nam đành phải nói thực. Cường thị vô cùng tức giận, rầy la chồng. Diễn Tộ vì sợ vợ, nên lúc đầu không nhận, sau bị truy bức đành phải khai ra. Cường thị xô bàn đạp ghế gào khóc, chửi bới, rồi bảo Nghi Nam đi. Đúng là:
Đàn bà thường đánh ghen,
Đánh ghen phản tu hành.
Mình không từ bi được,
Cúng phật cũng bằng không.
Đến hai tháng ròng, ngày nào Cường thị cũng nhiếc móc Nghi Nam. Một hôm Cường thị vào gian thờ Phật, hướng về pho tượng đồng giận dữ nói:
- Phật cũng chẳng thiêng. Ta suốt ngày cầu mong ngươi, nhưng ngươi lại phù hộ cho con đĩ ấy có thai, thật là ta uổng công hương khói bấy lâu nay.
Cường thị cứ vừa lễ vừa oán trách phật.
Mà cũng lạ thật, hôm trước Cường thị nói thế, thì hôm sau pho tượng đồng trên bệ thờ biến mất. Cường thị giật mình, ngờ rằng pho tượng bị đánh cắp. Trong nhà chỉ có bốn người: vợ chồng Hy Tường, Hưng Nhi và Nghi Nam, song Cường thị cứ đổ hết cho Nghi Nam lấy cắp. Nghi Nam không chịu nhận. Cường thị định đánh Nghi Nam tra khảo, thì có người tới báo, pho tượng ấy hiện đang ở đâu. Người báo tin lại là người nhà của phú hộ Tất Viên Ngoại ở trong thành này. Thế thì kẻ nào đã lấy cắp pho tượng? Đó chính là Hỷ Tường, anh ta đã nghe thấy bà chủ oán trách tượng, nhân đêm tối đã lẻn vào lấy cắp pho tượng, sáng sớm hôm sau đem bán cho nhà Tất Viên Ngoại lấy mười lạng bạc. Tất Viên Ngoại là Tất Tư Phục, một người hết sức tham lam, ni cô Ngũ Không là em họ ông ta, và ông ta thường nghe thấy Ngũ Không nói: "Nhà họ Kỷ có một pho tượng đồng đúc lẫn vàng vô cùng tinh xảo". Nay Hỷ Tường ăn trộm mang đến bán, ông ta mua với giá rất hời. Cát Phúc biết Hỷ Tường lấy trộm bán, đòi chia hai lạng. Hỷ Tường không cho. Cát Phúc tức giận đến báo cho nhà họ Kỷ. Nhưng khi Kỷ Diễn Tộ hỏi kẻ nào lấy trộm thì Cát Phúc không chịu nói. Diễn Tộ mười phần thì chín phần ngờ cho Hỷ Tường, song chỉ vì Hỷ Tường là người theo về hầu hạ vợ mình khi cưới, vợ coi là người tâm phúc, nên luôn bao che cho anh ta, Diễn Tộ không dám truy hỏi, chỉ thưởng cho Cát Phúc năm đồng. Sau đó sai Hỷ tường mang mười lạng bạc đến chuộc. Cát Phúc lại bàn kín với Hỷ Tường rằng:
- Tôi không khai rõ người lấy với chủ anh, thì anh cũng đừng lộ việc này với chủ tôi.
Hỷ Tường bằng lòng. Thấy Diễn Tộ thúc dục gấp, Hỷ Tường phải mang bạc tới chuộc. Vì mua được pho tượng đồng quá rẻ, nên Tất Tư Phục không cho chuộc, bèn nghĩ ra một kế, nói rằng bạc kém phẩm chất, phải đưa thêm. Tất Tư Phục lại bàn kín với Cát Phúc, ngay đêm ấy gọi Dung Tam, thợ đúc tượng Phật tới nhà, bảo đúc một pho tượng hoàn toàn bằng đồng, cũng giống như pho tượng có lẫn vàng, rồi sẽ trọng thưởng. Khi nhà họ Kỷ đưa bạc tới chuộc, lại bị thoái thác rằng Viên Ngoại không có nhà. Trì hoãn liền trong mấy ngày, tới khi Dung Tam đúc xong tượng giả rồi mới cho chuộc, còn pho tượng thật để mình thờ phụng. Quả là:
Tham vàng lén lút kế gian manh
Thờ Phật toàn là kẻ bất lương.
Mang tượng về, Diễn Tộ hoàn toàn không biết đó là tượng giả vẫn đặt tại gian thờ Phật như cũ.
Cường thị thấy Phật đã chuộc về không thể đổ cho Nghi Nam lấy cắp tượng được nữa, song không thể tha Nghi Nam, suốt ngày đánh chửi, rầy la. Diễn Tộ thấy Nghi Nam khó mà dung thân, bèn bàn kín với Hỷ Tường, bí mật tìm một người tới xin, rồi mang đi một nơi xa nuôi dưỡng. Nào ngờ thằng hầu Hỷ Tường lại ton hót hết với chủ. Cường thị nổi giận, hỏi Hỷ Tường:
- Lão vô liêm sỉ làm như thế thì ta nên đối phó thế nào?
- Bà chủ cứ bán đứa con hầu này đi, - Hỷ Tường hiến kế nói, - đừng bán cho nhà nghèo, ông sẽ chuộc lại, mà phải bán cho nhà giàu không chuộc được, lúc đó mới chặn đứng ý muốn của ông chủ.
Cường thị nghe theo, bèn bảo bà mối tìm khách bán. Mấy hôm sau, ni cô Ngũ Không biết tin có ý đến dẫn mối, nói là mua về làm thiếp cho cháu mình là Tất Tư Phục. Tất Tư Phục đã luống tuổi mà vẫn chưa có con, vợ là Đan thị rất hiền thục, thấy chồng không có con, muốn cưới thêm cho ông một người vợ lẽ vì thế Ngũ Không đến nói vun vào. Cường thị chỉ mong Nghi Nam đi cho khuất mắt, nên chẳng kể chi đến đắt rẻ, chỉ sợ chồng lén lút chuộc về. Ngũ Không nói:
- Điều đó không lo, cháu tôi là con nuôi của Thái úy Hô Diên Ngưỡng cũng ở thành này, chỉ cần nói với chồng bà là phủ Hô Diên lấy đi là được rồi.
Cường thị còn đang do dự, Ngũ Không biết được Cường thị thường nghe theo Hỷ Tường, bèn ngấm ngầm hứa cho Hỷ Tường hai lạng. Hỷ Tường tìm cách vun vào. Cường thị liền nghe theo. Diễn Tộ về làng thu hoạch lúa mạch, nhân lúc chồng vắng nhà, Cường thị bèn nhận mười sáu lạng bạc nhà họ Tất và ngay hôm ấy Tất Tư Phục cho người mang kiệu đưa Nghi Nam về. Hỷ Tưởng sợ Nghi Nam không chịu đi, lừa cô rằng:
- Ông chủ sợ bà không tha cô, nên đã nhờ sư phụ Ngũ Không đến nói vun vào, xin cho cô đi lấy một người chủ khác.
Nghi Nam tin là thật, để họ dắt lên kiệu đưa tới nhà họ Tất. Về nhà, Diễn Tộ không thấy Nghi Nam, hỏi Hỷ Tường, anh ta chỉ nói là phủ Hô Diên bắt đi rồi. Diễn Tộ rất đỗi đau buồn, song lại sợ vợ không dám nói, đành ngửa mặt lên trời mà than thở. Đúng là:
Của quan hun hút sâu như biển
Từ đó chàng Tiêu khách qua đường.
Nghi Nam đến nhà họ Tất, biết chủ đã bán mình, gào lên khóc lóc thảm thiết, muốn chết đi cho rảnh, song lại thương cái thai trong bụng mình. Đang lúc chưa biết nên thế nào, thì ngờ đâu Cát Phúc biết Nghi Nam đã có thai, nói với chủ rằng:
- Ông chủ bị sư Ngũ Không đánh lừa rồi?
Tư Phục cho gọi ngay Ngũ Không tới hỏi chuyện này.
- Làm gì có chuyện ấy, - Ngũ Không nói, - ai nói thế.
- Cát Phúc nói. - Tư Phục nói.
- Nó không được lót tay, - Ngũ Không nói, - cho nên nó gièm pha, cháu đừng nghe nó.
Tư Phục bán tín bán nghi, nói chuyện này với vợ, bảo vợ truy hỏi Nghi Nam. Lúc ấy Nghi Nam đang thút thít khóc, không muốn ở nhà họ Tất nên đã nói thực với Đan thị:
- Tôi đã có thai từ tháng hai, giữa tháng năm này là tròn ba tháng. Tuy bà chủ mua tôi về, song tấm thân này quyết không chịu nhục, cúi xin bà rộng lòng thương trả tôi về chủ cũ.
Đan thị nói chuyện ấy với chồng, Tư Phục nói:
- Đúng là ta đã bị cô Ngũ Không lừa rồi, nay nếu trả về chủ cũ thì phải đòi trả lại nguyên giá.
- Vợ cả ông ta không dung tha, - Đan thị nói, - nếu nay ta trả về thì tốt nhất là bán cho người khác. Hay là ta làm phúc để cô lại.
- Nếu giữ lại, - Tư Phục nói, - thì phải mua thuốc trụy thai cho cô ấy uống. Có như thế thì mới thụ thai được.
- Không được. Đan thị trầm ngâm nói. - Một là để cô trụy thai thì phải tội, hơn nữa anh lại đang cầu mong con trai, sao lại đi làm trụy thai người khác. Hai là, thuốc trụy thai rất nguy hiểm, tôi nghe người ta nói, thai đã hai tháng rất khó ra, phải dùng thuốc mạnh, nếu chết người không phải chuyện đùa. Ba là dù cho có trụy thai, chẳng may uống phải lãnh dược thì lần sau khó thụ thai, có phải lỡ việc của mình không. Thôi thì cứ chờ cô ấy đẻ, lúc ấy quen dạ, thụ thai càng dễ. Tính đi tính lại mình đang khát con trai, nay cô ta đã về nhà mình, còn sáu bảy tháng nữa thì đẻ. Dù đẻ con trai hay con gái ta cũng cho đi, nhưng mười tháng nữa mới đẻ, thì coi như hạt máu của nhà ta, giữ lại để làm người thừa kế khói hương sao lại không được.
- Bà nói đúng. - Tư Phục nghe xong gật đầu nói.
Thế rồi họ đổi tên cho Nghi Nam thành Tử Thư, bảo cô vào phòng nghỉ ngơi. Đêm đến, Nghi Nam sợ Tư Phục sán lấy cô bèn dùng giải áo buộc chặt lấy chỗ ấy, và để quần áo ngủ. Đến tối Tư Phục ngủ ở giường vợ, bỗng thấy đau bụng, dậy đi ngoài mấy lần. Khi trời sáng, mệt mỏi rã rời không dậy được, bèn mời thầy về khám bệnh. Thầy thuốc nói:
- Không những bụng đau mà còn mắc chứng phong hàn, phải chăm sóc cẩn thận.
Đan thị nghi chồng đêm đã dậy ăn nằm với Nghi Nam, hoặc là mắc chứng phạm phòng. Nào có biết, Tư Phục hoàn toàn không hề động chạm tới cô, chỉ vì đi tả gặp gió lạnh nên đã mắc liền một lúc hai bệnh. Nằm tụy tới hai ba tháng trời mới thấy đỡ, song vẫn chưa khỏi hoàn toàn. Bởi thế Nghi Nam không bị ô nhục, ngày ngày cô tới Phật đường lễ Phật, cầu mong cho đứa con trong bụng, nếu mười ba tháng mới ra đời thì có thể giữ được giọt máu cho người chủ cũ. Đó cũng là tấm lòng không quên chủ cũ của cô. Có một bài thơ làm chứng như sau:
Gái hầu nuốt lệ đến cửa người,
Chỉ nhớ tình xưa chẳng đoái nay.
Đâu phải bèo trôi không có rễ.
Giống xưa giữ lại đó mà thôi.
Đan thị thấy Nghi Nam ngày nào cũng lễ Phật, bèn chỉ tượng Phật nói với cô:
- Pho tượng đồng này vốn là pho tượng nhà chủ cũ của cô.
- Tôi cũng đang nghi, pho tượng Phật giống pho tượng của chủ tôi. - Nghi Nam nói, - thế mà đúng thật. Người ta lấy trộm tới đây bán, chủ tôi đã chuộc về, nhưng sao nay vẫn còn ở đây
Đan thị kể lại hết. Nghi Nam than vãn:
- Tôi cứ tưởng chủ tôi đã chuộc được tượng rồi, nhung ngờ đâu không chuộc được. Phật và tôi đều giống nhau, chỉ đến mà không về.
Thế rồi cô nói với Đan thị là Cát Phúc đã báo tin đòi tiền thưởng. Lập tức, Đan thị gọi Cát Phúc tới mắng:
- Mày là đồ chó má, nhà mua tượng đồng, sao mày lại đến báo cho nhà họ Kỷ. Không những mày đi báo mà còn lừa nhà họ Kỷ lấy tiền thưởng, xúi bẩy chủ đổi tượng giả lấy tượng thật. Nếu ta nói việc này với ông chủ thì mày nhừ đòn. Hiện ông ấy đang ốm, sợ ông nổi khùng nên ta tạm tha cho mày.
Cát Phúc bị Đan thị mắng chỉ biết cúi đầu, chẳng dám nói năng gì. Hắn nghĩ: "Đã bảo ta làm việc xấu thì dứt khoát ta sẽ có cách khác". Thế rồi hắn đến bàn với Dung Tam thợ đúc đồng, bảo ông ta đúc một pho tượng đồng đúng như thế, sau đó đổi lấy pho tượng có lẫn vàng đem nấu chảy, tách vàng ra dùng. Dung Tam nghe theo, ngay đêm ấy đúc một pho tượng khác. Dung Tam đã đúc pho tượng Phật này hai lần nên rất thành thục, không cần phải xem mẫu, đúc mò một pho tượng mới giống hệt như hai pho trước. Cát Phúc rất khoái, bèn lén lút mang về đổi lấy pho tượng thật, đưa đến nhà Dung Tam, mong nấu chảy tách lấy vàng. Lạ thay, pho tượng cho vào lửa nấu một ngày mà vẫn không sao chảy được. Hai người không biết làm cách nào, bàn nhau hồi lâu, rồi đem pho tượng đến phủ Hô Diên cầm lấy mười lạng bạc chia nhau. Đúng là:
Trộm lại gặp trộm.
Gian lại gặp gian.
Trên làm thế nào,
Dưới làm thế vậy.
Đan thị và Nghi Nam hoàn toàn không biết tượng Phật đã bị đánh tráo, chỉ chú tâm vào thắp hương lễ bái. Nghi Nam cầu Phật được mẹ tròn con vuông. Đan thị cầu mong chồng khỏi bệnh.
Ngờ đâu bệnh tình Tư Phục vừa thuyên giảm, thì lại gặp phải hai việc rắc rối, bệnh càng nặng thêm. Vốn là trước đây, Tư Phục là con người cầu lợi. Ông ta có hai bộ quần áo, hai bộ mặt, thấy người thân thích nghèo túng thì mặc áo cũ, mặt mày nhăn nhó kêu nghèo; thấy khách giàu sang, thay áo đẹp, xum xoe nịnh nọt, săn đón bợ đỡ. Ông ta có một người em họ tên là Tất Tư Hằng, là con ông chú Tất Tư Vũ, tính vốn an phận thủ thường, mở cửa hàng thuốc buôn bán kiểu cò con. Tư Phục không hề cho em mượn một xu nào. Ông của Kỷ Vọng Hồng là Trần Nhân Phủ, là cậu của mẹ Tư Phục. Nhà nghèo không có con trai, chỉ có một người con gái chưa chồng, sống ở nhà, Tư Phục cũng không hề quan tâm đến ông, chỉ xu phụ Hô Diên Ngưỡng, một viên quan hiển đạt ở thành này. Hô Diên Ngưỡng làm tới chức Thái úy, được nghỉ tại nhà. Tư Phục đến tận nhà nhận làm con nuôi, biếu quà rất hậu. Trước cửa nhà Tư Phục đều dán thiếp báo hỉ của Hô Diên Phủ. Trước đây ba năm, tú tài Tất Đông Ly từng quen biết Tất Tư Hằng, viết một tờ thiếp nói là em họ, muốn đến nhà Tư Phục thăm viếng. Tư Phục cho là tú tài kiết xác, không muốn anh ta đến quấy rầy, nên đã trả lại thiếp. Tất Đông Ly rất bực. Không ngờ năm ấy Tất Đông Ly thi đỗ tiến sĩ, về nhà chờ bổ nhiệm. Đúng dịp Hô Diên Ngưỡng bị người ta dâng sớ vạch tội, vì đã lén lút đúc tiền đồng. Theo lệnh quan địa phương nơi ấy phải kiểm tra báo lên cấp trên. Tư Phục sợ liên lụy, vội vàng xé những tờ danh thiếp của Hô Diên Phủ dán tại nhà mình. Nhờ Tất Tư Hằng lén lút đến bái kiến Tất Đông Ly, muốn nhận là anh họ, cầu mong ông che chở. Tất Đông Ly nghĩ đến việc trước đây, khăng khăng chối từ. Tư Phục phải bỏ ra hai trăm lạng mới mua được tờ báo hỉ tiến sĩ mới, đem dán tại cửa nhà mình. Không lâu sau, việc Hô Diên Ngưỡng đúc tiền đồng, được bao che nên không việc gì. Song Tất Đông Ly lại bị vạch tội là quan giám khảo vì tình riêng đã cho Tất Đông Ly đỗ. Theo lệnh Bộ ấy phải kiểm tra lại. Đông Ly muốn tới Bộ đút lót, thiếu một trăm lạng, bèn sai người đến Tư Phục mượn. Tư Phục không hề cho mượn một xu, còn mắng rằng:
- Trước đây, ta đã đưa hai trăm lạng, nay ta sẽ trừ cho một trăm lạng, còn lại một trăm lạng trả lại ta.
Đông Ly tức giận tuyệt giao với Tư Phục. Sau kiểm tra, Đông Ly vô sự, vẫn là tiến sĩ. Biện Phương Dận, quan Thiêm phán mới đến nhậm chức tại phủ này lại là bạn học của Đông Ly. Vì Tư Phục sai Cát Phúc đi đòi nợ đã bức tử một bệnh nhân, bị người nhà kiện lên Thiêm phán đài. Bệnh vừa thuyên giảm, sợ người thân của người đã chết đến làm rày rà, Tư Phục phải trốn tạm sang nhà Tất Tư Hằng, và nhờ Tất Tư Hằng nói với Đông Ly, mong ông đến nói với Biện Phương Dận. Đông Ly nhớ tới mối hận trước, đòi phải đưa năm trăm lạng thì mới xong việc.
Tư Phục bị một vố đau, buồn bã ra về. Đang lúc buồn rầu, thì ni cô Ngũ Không đến đòi bạc. Vốn là trước đây Ngũ Không đưa cho Tư Phục một trăm lạng quay vòng kiếm lời, nay thấy Tư Phục bị kiện, sợ Tư Phục tiêu đi không có tiền trả, nên cố ý đến đòi. Tư Phục lo lắng nói:
- Cô thấy tôi không trả được nên mới vội vã đòi có phải không? Đi tu thì cần gì đến tiền, hơn nữa cháu lại không giữ được tiền của cô ư?
Ngũ Không thấy vậy làm ầm lên:
- Sao ngươi lại trở mặt như thế? Tiền của cô ngươi không quịt được, tiền của người tu hành không thể quịt được.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết