Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 18 (B)

Thấy Ngũ Không làm toáng lên, Đan thị phải khuyên can mãi. Ngũ Không thầm nghĩ: "Trước đây sợ mất nên ta đã không cho đứa cháu nghèo là Tư Hằng vay, đem cho cháu giàu là Tư Phục vay, thì ai ngờ bây giờ Tư Phục lại trở mặt, thế chẳng hóa ra Tư Hằng sẽ cười cho ư?", và vô cùng tức giận. Vì hay đi lại Hô Diên phủ nên Ngũ Không nói với vợ lẽ của Thái úy, nhờ người trong Hô Diên phủ tới đòi. Đúng lúc ấy, Tư Phục lại mắc phải một tội khác, rơi vào tay Thái úy Hô Diên. Lúc ấy vào cuối thu đầu đông, Tư Phục tới trang trại dưỡng bệnh thu tô một tá điền bướng bỉnh là Đào Lương còn nợ tô chưa trả. Tư Phục đã cùm anh ta tại trang trại. Ngờ đâu vợ của Đào Lương thông đồng với Cát Phúc, ngấm ngầm mở khóa thả Đào Lương, rồi bảo vợ anh ta tới trang trại tìm chồng, sau đó Cát Phúc lại mách cho chị ta làm đơn tố cáo với Thái úy Hô Diên. Trước đây Hô Diên rất phẫn nộ vì Tư Phục bỏ không nhận cha nuôi, nay nhân việc này Hô Diên đòi phải đưa năm trăm lạng mới ngơ đi cho. Tư Phục bèn bán một số tài sản, gom đủ năm trăm lạng bạc đút lót cho Hô Diên. Song bị Thái úy trừ đi một trăm lạng trả cho Ngũ Không, thành thử số tiền ấy chỉ còn bốn trăm lạng. Không còn cách nào, Tư Phục buộc phải bán nhà cửa nộp thêm cho Thái úy. Uất quá Tư Phục ngất đi, phải dìu ngay về nhà, trượt ngã, trúng phong, bị bại liệt, nằm một chỗ không dậy được. Đáng thương thay một ông chủ giàu có, bỗng chốc bệnh tật nghèo túng. Trước đây khi gặp người thân thích cứ kêu là nghèo túng, thì bây giờ lại nghèo túng thật. Bởi thế có thơ rằng:
Người nghèo kêu nghèo mong được nhờ.
Người giàu kêu nghèo để khước từ.
Một bên là thật một bên giả.
Ai ngờ giả dối lại đúng thay.
Tư Phục đau ốm tới bốn năm tháng, không ngờ mùa xuân năm sau Nghi Nam đẻ con trai. Thụ thai từ tháng hai năm trước đến giữa tháng ba năm nay sinh ra, tính ra là mười hai tháng mới đẻ. Đan thị không biết nội tình thế nào, chỉ biết rằng cô ấy về vào tháng năm năm ngoái, đến nay tròn mười hai tháng mới đẻ, nên rất vui mừng, nói với chồng rằng:
- Không còn nghi ngờ gì nữa, nó đúng là con nhà mình.
Tư Phục vẫn nằm liệt trên giường, lắc đầu nói:
- Nó không phải là con ta. Từ đêm cô ấy về tới nay ta mắc bệnh, chưa từng gần cô ấy lần nào. Đứa con này chẳng có liên can gì đến ta.
- Ông đang ốm rề rề ra đấy, - Đan thị khe khẽ nói, - trước mắt khó mà nuôi được con nuôi. Ông xem hoàng đế nhà Chu ngày nay là người họ Sài, còn nhận cơ nghiệp của họ Quách, huống hồ mình là người thứ dân, đã trót thì cho trét, chẳng ngại gì.
- Hãy bàn lại xem. - Tư Phục trầm ngâm nói.
Hơn một tháng sau trong nhà không còn tiền tiêu, đành phải nấu chảy pho tượng đồng, mong tách vàng ra để chi dùng. Nào ngờ khi nấu lên chỉ có đồng chẳng thấy vàng đâu. Tư Phục kinh ngạc, gọi Nghi Nam tới hỏi. Nghi Nam nói:
- Chính mắt tôi thấy chủ cũ bỏ vào đó mấy lạng vàng, tại sao lại không còn?
Tư Phục chỉ nghĩ rằng dạo ấy đã đổi nhầm, lại gọi Cát Phúc đến truy hỏi. Cát Phúc nói:
- Hoàn toàn không đổi sai.
Đan thị cứ nghĩ lung tung, nói với chồng rằng:
- Đúng là thần Phật linh thiêng, không cho phép chúng ta đổi pho tượng thật nên thần Phật đã về nhà họ Kỷ.
Thấy thế Tư Phục kinh ngạc nghi ngờ, và càng hoang mang. Bỗng nhiên nghe thấy tin Hô Diên Ngưỡng bị người ta cáo giác từng liên hệ với nước Liêu, bị bắt giải về kinh đô, khép vào trọng tội, gia sản bị tịch thu. Vì Tư Phục từng làm con nuôi ông ta, sợ bị vạ lây, nên bệnh ngày càng trầm trọng. Tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, bởi thế Tư Phục cho người mời cậu của mẹ là Trần Nhân Phủ, và em họ Tất Tư Hằng dặn dò việc ma chay. Rồi chỉ vào Nghi Nam nói rằng:
- Cô này về nhà, tôi chưa từng gần cô, nay con cô đẻ ra hoàn toàn không phải là con tôi. Trước đây tôi nhận cha giả, anh giả rốt cục chẳng được lợi lộc gì. Nay giữ lại đứa con giả này làm gì! Sau khi tôi chết có thể gọi nhà họ Kỷ tới đem mẹ con cô ta về. Tôi chỉ còn mấy chục mẫu ruộng bạc màu, nghĩ rằng vợ tôi đàn bà con gái không đảm đương nổi việc thuế má. Tôi chết đi, nhờ cậu đứng dựng cho, rồi tìm một người nào tốt để bà ấy tái giá. Những bạc điền và nhà cửa ở đó đều giao cho chú Tư Hằng quản lí. Trước đây tôi không quan tâm đến chú, xin vì tình anh em, lo thuế mà giúp tôi, có thế tôi chết mới nhắm mắt được.
Nói xong Tư Phục đột nhiên trút hơi thở cuối cùng. Đúng là:
Người sắp lìa đời nói lời thiện.
Chim muông sắp chết ai oán kêu.
Đan thị khóc thương vật vã, chết đi sống lại. Nhân Phủ và Tư Hằng lựa lời khuyên nhủ. Đan thị nuốt nước mắt nói:
- Ông ấy dặn cho mẹ con Nghi Nam về nhà họ Kỷ thì được, còn như bảo tôi tái giá là nói bừa. Tôi thà chết cũng không nghe theo.
- Nếu chị có chí thủ tiết, - Tư Hằng nói, - thì đây là việc rất vinh hạnh. Tất cả những việc trong nhà, em sẽ lo thay chị.
Hôm ấy Đan thị giao hết giấy tờ sổ sách cho Tư Hằng. Lại đem những đồ trang sức của mình cho Tư Hằng bán đi để lo cuộc sống. Tư Hằng trực tiếp xuống làng rà soát lại ruộng đất, những mảnh ruộng trước đây bị Cát Phúc chuyển từ đất thuộc sang đất hoang hóa, để giảm mức tô, nay đều được điều chỉnh lại. Rồi lại dùng số bạc bán trang sức mua thêm một ít ruộng đất. Đan thị được giúp đỡ, an tâm thủ tiết. Chỉ có mẹ con Nghi Nam là chưa được toại nguyện. Đan thị bàn với Tư Hằng, theo lời trăng trối của chồng trả về chủ cũ. Tư Hằng nói:
- Phải tìm người mối cũ nói với người ta.
- Người mối cũ là sư Ngũ Không. Từ khi đòi tiền, cô ấy tức giận không đến nữa, thì nay làm sao mà nhờ cô ấy được. Cậu Trần thân quen với nhà họ Kỷ, thôi thì phiền cậu đi nói giúp.
- Thế thì tốt quá - Tư Hằng nói.
Đan thị mời ngay Trần Nhân Phủ tới nhờ ông đến nhà Kỷ Diễn Tộ nói cho ông ta tới đưa mẹ con Nghi Nam về. Đúng là:
Không cho anh em xa nhờ vả
Ai ngờ lá rụng phủ gốc cây.
Từ khi Nghi Nam đi, Kỷ Diễn Tộ suốt ngày thở ngắn than dài, tình cảm đối với Cường thị ngày càng nhạt nhẽo. Dù cho Cường thị có nổi giận lôi đình, cũng không làm cho băng giá biến thành mây mưa. Cường thị phẫn uất đau buồn, rồi đổ bệnh. Khi mắc bệnh cứ oán hận, cầu cúng Phật chẳng được lợi lộc gì bèn phá giới không ăn chay nữa. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, chữa trị, cầu cúng không qua khỏi. Chưa đầy nửa năm đã quy tiên. Khi lâm chung vẫn oán hận Thần Phật không thiêng, dặn Diễn Tộ nấu chảy pho tượng Phật đó, không thờ nữa. Có một khúc Hoàng oanh Nhi, nói về Cường thị hằng ngày thờ Phật, nhưng đến lúc lâm chung lại oán Phật. Thật đáng chê cười:
Thờ Phật đã bao năm,
Đến nay bỗng thay lòng đổi dạ.
Hoàn toàn khác hẳn ngày xưa.
Uổng công thắp hương đốt nến.
Khi hấp hối bản chất hiện nguyên hình
Thi dã nói những lời ai oán Phật.
Thề chẳng về Tinh Thổ Tây Thiên.
Cường thị chết, Diễn Tộ không nghe theo những lời dặn dò xằng bậy. Hằng ngày vẫn thờ Phật, thất thất lai tuần vẫn mời sư về cầu siêu cho âm hồn. Hết tuần cuối cùng, có một bà đến làm quen, cũng có người khuyên Diễn Tộ lấy vợ kế, có người khuyên tìm một người thiếp. Song Diễn Tộ lúc nào cũng nhớ tới Nghi Nam. Ông nghĩ rằng: "Cái thai ba tháng không biết rồi sau sẽ thế nào?" và thường tới phủ Hô Diên nghe ngóng. Vốn là Hô Diên Ngưỡng có một người thiếp là Nghê thị, tên là Loan Di, khi Hô Diên Ngưỡng bị bắt, thừa lúc rối ren cuỗm một ít tài sản trốn về nhà mẹ đẻ. Đúng lúc Tất Đông Ly cần thiếp bèn cưới cô về. Diễn Tộ cứ ngỡ Nghê Loan là Nghi Nam, biết cô đã trở thành vợ bé của Tất Tiến Sĩ nên vô cùng đau buồn. Chợt thấy Trần Nhân Phủ đến nói chuyện về mẹ con Nghi Nam. Diễn Tộ nửa tin nửa ngờ. Trần Nhân Phủ nói:
- Tôi rất cảm động thấy ông lúc nào cũng quan tâm đến cô ấy cho nên tôi có nhã ý đến báo cho ông biết. Nếu ông không tin, ông có thể cùng đi với tôi đến nhà họ Tất thăm mẹ con cô ấy.
Diễn Tộ bèn cùng Nhân Phủ tới nhà họ Tất. Nhân Phủ gọi Nghi Nam ra gặp mặt, thấy chủ cũ, Nghi Nam nước mắt giàn giụa. Nghi Nam bế con ra. Diễn Tộ thấy giờ đây cô chải đầu bó chân, trang điểm gọn gàng, trông đẹp hơn xưa rất nhiều. Diễn Tộ vừa mừng vui vừa buồn rầu, bế đứa bé lên xem, thấy chân trái có ngón liền nhau. Diễn Tộ cả mừng, vì chân trái anh cũng có một ngón liền nhau. Mọi người thấy vậy đều nói:
- Thằng bé này đúng là con ông rồi.
Ngay hôm sau Diễn Tộ mang đi mười sáu lạng bạc theo nguyên giá, và mười lạng để cảm ơn Đan thị đã có công bảo toàn mẹ con Nghi Nam, và đêm ấy đón mẹ con Nghi Nam về. Họ sống bên nhau tràn đầy hạnh phúc. Đúng là:
Đi rồi lại về.
Tan rồi lại hợp.
Chủ sau là chồng trước.
Vợ mới là hầu cũ.
Kế phụ là cha mới.
Con giả hóa con thật.
Chuyện này quá hiếm thay.
Khó ai tưởng tượng được.
Đêm ấy Nghi Nam kể hết mọi chuyện đã xảy ra, lúc ấy Diễn Tộ mới biết Hỷ Tường đã lấy cắp pho tượng và đồng mưu với Cường thị lén lút bán Nghi Nam. Diễn Tộ vô cùng tức giận, ngay ngày hôm sau gọi Hỷ Tường lại mắng chửi thậm tệ, rồi đuổi vợ chồng hắn đi. Diễn Tộ thuê vợ chồng Lai Ninh làm người ở, họ là người rất chịu khó, lại thật thà chất phác. Sau đó lại mượn một vú nuôi về chăm sóc đứa trẻ. Diễn Tộ và Nghi Nam đặt tên con là Hoàn Lang.
Nào ngờ, người cháu Kỷ Vọng Hồng biết được tin này, nghĩ: "Chú không có con tài sản sẽ phải thuộc về mình, vậy mà nay bỗng dưng đưa một đứa bé về. Nó rõ ràng là giống nhà họ Tất, chứ đâu phải là con nhà họ Kỷ". Thế là Vọng Hồng đến nói xấu Diễn Tộ, nhưng ông cứ lờ đi. Vọng Hồng vô cùng tức tối, đem chuyện làm rối loạn họ tộc, lại kiện lên quan Thiêm phán phủ ấy. Biết được việc này, Diễn Tộ cũng đưa đơn kiện, và có cậu là Trần Nhân Phủ làm chứng. Biện Công bắt tất cả đương sự đến xét hỏi. Diễn Tộ định lại việc đứa con mà mẹ nó mang thai mười hai tháng mới đẻ. Biện Công hỏi lại Trần Nhân Phủ, thấy Nhân Phủ cũng nói lại như thế. Song Vọng Hồng không chịu, Biện Công lệnh bế Hoàn Lang tới, cùng chích máu ngay trước mặt mọi người, để làm rõ đúng sai. Mà cũng thật lạ. Diễn Tộ trích giọt máu xuống chậu nước, nó ngưng lại đáy chậu, trước đó nhỏ một giọt máu của một đứa trẻ khác xuống chậu, chúng không hòa trộn với nhau. Tới khi nhỏ giọt máu của Hoàn Lang xuống thì thấy giọt máu của Diễn Tộ nổi lên, bao bọc lấy giọt máu của Hoàn Lang thành một khối. Tất cả mọi người có mặt ở đó đều cho họ là bố con, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là:
Cái giả khó thật,
Cái thật khó giả.
Vụ án tồn nghi,
Bỗng nhiên sáng tỏ.
Biện Công giải quyết xong vụ án, biết đích xác Kỷ Vọng Hồng giả dối, ông mắng chửi mấy câu rồi đuổi về. Kỷ Vọng Hồng vô cùng uất ức và xấu hổ, nghĩ rằng phải kiếm cớ khác để trị ông chú này. Hơn một năm sau vì chất lượng tiền xấu, phải tuyển chọn đồng tốt để đúc tiền, lệnh vua ban rằng: "Phàm là trong chùa có tượng Phật bằng đồng đều phải nấu chảy để đúc tiền. Nhà dân nếu có tượng đồng, phủ quan phải định giá thu mua, người nào còn cất giấu sẽ chịu tội". Trong triều thần có những người thờ Phật đã dâng sớ nói rằng không nên nấu chảy tượng đồng. Chu Thái Công đã đích thân phê trát rằng:
"Phật dạy dân làm điều thiện. Nên lập chí làm điều thiện thì đó là thờ Phật. Những tượng đồng đó sao gọi là Phật được? Vả lại trẫm được biết Phật làm lợi tho mọi người, ngay cả tấm thân mình cũng bố thí cho dân. Nếu tấm thân trẫm có thể cứu dân, thì trẫm cũng không tiếc".
Lệnh ấy đã ban ra, ai dám chống lại? Nếu triều đình muốn đúc tiền mới, lẽ ra nên thu đồng trong tiền cũ để dùng, làm gì đến nỗi phải hủy cả tượng Phật. Vốn là chất lượng tiền đồng thời ấy rất xấu, những tiền cũ đúc lậu bằng vụn chì hoàn toàn không có đồng, cho nên không có giá trị.
Phủ quan vâng lệnh vua, công bố với dân chúng rằng tất cả những nhà có tượng đồng phải mang đến phủ quan để hóa giá. Kẻ nào còn lén lút tàng trữ không khai báo thì coi như phạm tội chống lại chiếu chỉ. Kỷ Vọng Hồng thấy tờ cáo thị ấy, nghĩ rằng nhà chú có pho tượng đồng, bèn tới Thiêm phán Biện Công cáo giác Kỷ Diễn Tộ cất giấu tượng đồng. Biện Công lập tức sai người bắt Kỷ Diễn Tộ đến xét hỏi. Diễn Tộ bẩm rằng:
- Đúng là con có tượng đồng, song trong đó có vàng chứ không phải chỉ là đồng, hơn nữa pho tượng rất linh thiêng, e rằng không hủy hoại được, cho nên không dám báo quan.
- Sao ngươi biết pho tượng linh thiêng? - Biện Công hỏi.
Diễn Tộ thuật lại việc mất cắp, đến tay nhà họ Tất rồi lại chuộc tượng trở về. Biện Công cười đáp:
- Ta không tin Phật đúc bằng đồng tự đi tự về. Nếu thiêng như thế thì đã không bị đánh cắp. Hãy mau mang tới nấu chảy lấy đồng, nếu nấu không chảy thì ngươi sẽ mang về.
Nói xong bèn sai người cùng Diễn Tộ đi nấu chảy pho tượng. Diễn Tộ không dám trái lệnh, đành phải cùng công sai nấu chảy pho tượng đồng, song không thấy vàng đâu. Diễn Tộ sợ quá đứng ngay như phỗng đá. Công sai giải Diễn Tộ, mang đồng đã nung chảy về bẩm báo với Biện Công. Biện Công nói:
- Ta biết rằng tượng Phật tự đi tự về là hoàn toàn vô lí. Đó chẳng qua là do ngươi tự bịa đặt ra mà thôi.
- Thưa ngài, quả tình nhà họ Tất đã đánh tráo. - Diễn Tộ khấu đầu thưa. - Bởi thế nấu chảy không thấy vàng. Quả đó là sự thực.
- Như thế thì, - Biện Công trầm ngâm nói, - nhất định nhà họ Tất đổi giả lấy thật, rồi sau đó lại bị người đổi trộm một lần nữa lấy mất pho tượng thật. - Rồi ông hỏi tiếp. - Thợ đúc pho tượng là ai?
- Bẩm quan, người ấy là Dung Tam.
- Phải gọi Dung Tam lại hỏi, - Biện Công nói, - thì mới biết được sự thực về pho tượng.
Ngay đêm ấy, Biện Công sai người gọi Dung Tam. Hôm sau Dung Tam bị giải tới công đường. Biện Công ra sức truy hỏi, Dung Tam không sao thoái thác được, đành phải khai rõ sự thực, hắn nói:
- Việc ấy hoàn toàn là do Cát Phúc xúi bẩy.
- Pho tượng ấy nếu ở Hô Diên phủ, - Biện Công nói, - thì cũng đã bị tịch thu rồi, không thể truy cứu được nữa. Nay phải bắt Cát Phúc tới, khép hắn vào tội lừa đảo, lấy cắp.
Nói xong, đang định sai người đi bắt Cát Phúc, thì lúc ấy nhà họ Tất tới trình báo hắn về tội đầy tớ phản chủ, lấy cắp rồi bỏ trốn. Vốn là, Cát Phúc bị Tất Tư Hằng phát hiện ra rất nhiều điều xấu xa, hắn nghĩ khó có thể an thân, nên trước đó mấy hôm hắn đã lén lút xuống làng, mạo danh lấy một thuyền thóc tô rồi bỏ trốn nay chưa tìm thấy. Bởi thế Tất Tư Hằng đã sai người nhà tới trình đơn tố cáo, khẩn thiết mong quan truy bắt. Biện Công xem cáo trạng, một mặt sai người truy lùng, một mặt giải Dung Tam lên Cục đúc tiền giam giữ, chờ bắt được Cát Phúc để đối chất cho rõ ràng. Diễn Tộ nhận tiền đồng, và được cho về.
Kỷ Vọng Hồng vốn muốn hại chú, nào ngờ Biện Công không buộc tội ông, càng thấy xấu hổ và tức giận. Hắn nghĩ ra một kế rất ác độc, tìm cách bắt trộm Hoàn Lang, nên hằng ngày, cứ sáng sớm là hắn tới cổng nhà Diễn Tộ rình mò. Một hôm, Diễn Tộ cùng Nghi Nam đưa quan tài Cường thị đi chôn cất, chỉ gọi vợ chồng Lai Ninh đi theo, giao Hoàn Lang cho vú nuôi chăm sóc, còn thằng nhỏ Hưng Nhi trông coi nhà. Khi ấy Hoàn Lang mới ba tuổi, vợ chồng Diễn Tộ đi, Hoàn Lang đang ngủ say, tỉnh dậy không thấy mẹ nó òa lên khóc, cứ đòi Hưng Nhi bế đi tìm. Vú nuôi dỗ mãi không được, đành bảo Hưng Nhi bế đi chơi, đi được một lúc thì nghe tiếng vú nuôi gọi:
- Hưng Nhi bế cậu nhỏ về đây cho ta, rồi sang nhà hàng xóm xin lửa.
Hưng Nhi bế Hoàn Lang về, nhưng Hoàn Lang nào có chịu. Hưng Nhi đành để nó ngồi ngoài hiên, một mình vào bếp tìm mồi giấy đi xin lửa. Ngờ đâu Kỷ Vọng Hồng dậy từ sớm, giả vờ đến nhà Diễn Tộ đưa thi hài Cường thị. Thấy Hoàn Lang ngồi một mình ngoài cửa, hắn bèn nẩy ra ý định xấu, lừa Hoàn Lang:
- Cháu tìm ai? Chú sẽ bế đi tìm.
Hoàn Lang chẳng biết gì, bị hắn bế đi, rồi lủi mất.
Chỉ trong nháy mắt Kỷ Vọng Hồng luồn lách qua các ngõ ngách, phút chốc đã bế Hoàn Lang ra khỏi thành. Đang đi thì Vọng Hồng chạm trán Hỷ Tường. Hỷ Tường hỏi:
- Ông anh bế cậu nhỏ đi đâu thế?
Vọng Hồng biết Hỷ Tường bị chủ trách mắng đuổi đi, hắn cũng chẳng thích gì chủ nhà, bèn đứng lại nói rõ ý định. Hỷ Tường nói:
- Anh đến thật là đúng lúc. Từ khi bị đuổi tới nay, ta đã dựa vào ngài Tất Đông Ly. Bà vợ bé của ông là Loan Di ở một mình tại trang trại, cách đây độ một vài chục dặm. Trước đây bà vợ bé ấy mang thai, sắp đẻ thì đúng dịp ngài Tất được điều vào kinh làm quan. Loan Di đẻ được cô con gái, song cứ nói là con trai, sai tôi vào kinh báo tin mừng. Ở kinh đô được hơn hai năm, nay bà cả mất, ngài Tất muốn đưa bà hai về kinh chung sống. Bà hai đang muốn tìm gấp một đứa con trai chừng hai ba tuổi, giả làm công tử để lừa ông chủ, hiện rất lo lắng vì chưa tìm được đứa bé nào thay thế. Nếu anh bán đứa bé này cho bà ấy, thì có thể được mấy chục lạng, nếu được chúng ta sẽ chia nhau. Anh thấy thế nào?
- Thế thì tuyệt quá. - Vọng Hồng vui mừng nói.
Thế rồi cùng với Hỷ Tường đến cửa hàng, ăn uống xong cùng bế Hoàn Lang đến trang trại. Hỷ Tường bế Hoàn Lang cho Loan Di xem. Thấy đứa bé khôi ngô sáng sủa, tuổi cũng xấp xỉ con gái mình, Loan Di rất mãn nguyện, rồi mua với giá mười lạng bạc. Hỷ Tường và Vọng Hồng chia nhau mỗi người năm lạng. Vọng Hồng trở về nhà rất mãn nguyện, hắn đã đạt được mục đích. Loan Di bảo Hỷ Tường mang đứa con gái của mình cho nhà Vương Tiểu Tứ nhà ở sau trang trại làm nghề bán đậu phụ nhự, lại đưa cho ông ta mười lạng bạc, dặn ông nuôi dưỡng chu đáo, chờ ít lâu sẽ về đón đi. Tiểu Tứ nhận bạc, hứa sẽ trông nom cẩn thận. Loan Di cùng vợ chồng Hỷ Tường bế công tử giả vào kinh đô.
Vú nuôi nhà họ Kỷ, thấy Hưng Nhi vào một mình vội chạy ra xem, thì đã không thấy Hoàn Lang ngồi ngoài cửa. Hốt hoảng chạy ra đường gọi ầm ĩ, nhưng chẳng thấy thưa, bà gọi ngay Hưng Nhi chạy sang nhà bên hỏi, lúc ấy trời vẫn còn sớm, nhiều nhà vẫn còn đóng cổng. Có mấy nhà đã mở cổng thì đều bảo không trông thấy Hoàn Lang. Vú nuôi và Hưng Nhi cứ trách oán nhau, và chia nhau tìm khắp chỗ, soát xét hết các giếng nước, bến sông đều không thấy bóng dáng Hoàn Lang đâu. Cuống cuồng trên suốt cả ngày, đến đêm Diễn Tộ và Nghi Nam mới về, nghe nói Hoàn Lang biến mất, cả hai đều giậm chân đấm ngực kêu gào khóc lóc vô cùng thảm thiết. Thật là:
Ngọc bích trở về thật là may,
Ngọc về lại mất đớn đau thay.
Diễn Tộ viết thông báo dán khắp nơi để tìm kiếm, nhưng biệt vô âm tín. Thấy không sao tìm được, mới cho rằng số mình không có con, cưỡng lại số mệnh cũng không được. Vì thương nhớ con nên Nghi Nam thường ốm đau luôn. Đã ba bốn năm rồi mà Nghi Nam vẫn chẳng đẻ thêm được mụn con nào.
Nhớ tới Cường thị, người vợ đã qua đời, trước kia khi còn sống bà từng ước ao đến chùa Đại tướng Quốc phủ Khai Phong dâng hương mà không được, bởi thế mà đường con cái khó khăn. Diễn Tộ nẩy ra ý định muốn đi lễ Phật. Ông chọn ngày tốt, dặn dò vú nuôi, mẹ con Lai Ninh chăm sóc Nghi Nam và trông coi nhà cửa còn mình cùng với Lai Ninh lên đường tới phủ Khai Phong. Đi được mấy ngày đường, bỗng một đêm ngủ tại quán trọ, thấy bên dưới chiếc đệm cỏ trải giường có một vật gì cồm cộm. Trong đêm tối, Diễn Tộ thò tay xuống, thì thấy một gói, sờ sờ thì hình như bên trong có tiền, ông cất đi. Sáng hôm sau mở ra xem, quả nhiên là một túi bạc, trong đó thấy ghi là mười lăm lạng, cả thảy là chín nén rưỡi. Trên túi in một con dấu nhỏ màu đỏ, ghi bốn chữ "Chi thứ hai họ Tất". Thấy thế Diễn Tộ nghĩ: "Không biết người khách này vội vàng thế nào mà lại để quên túi bạc này ? Rất may mà ta nhặt được, phải tìm cách trả lại". Hôm ấy ông không đi mà ở tại quán trọ chờ, song không thấy người mất bạc tới. Diễn Tộ nghĩ: "Nếu ta cứ ở đây chờ thì lỡ việc đi hành hương, làm thế nào bây giờ” Trầm ngâm hồi lâu, Diễn Tộ nghĩ ra một kế, niêm phong kĩ túi tiền lại, đưa cho chủ quán, nói rằng:
- Gói bạc này là của người bạn họ Tất gửi tạm tôi, hẹn đến đây xin lại. Nay không thấy ông ấy đến, hoặc có thể đến mà không gặp, rồi đi đâu đó chăng. Nhất định ông ấy sẽ quay lại song tôi không thể chờ được, vậy tôi xin gởi gói bạc lại cho quý ông. Nếu ông ấy có đến hỏi, xin phiền ông chuyển giúp. Xin cám ơn ông.
Chủ quán chỉ vào tấm biển của hàng nói:
- Quán họ Trương của tôi có tiếng xưa nay, phàm là những khách vãng lai có gì gửi tạm ở đây, không ban giờ mất mát suy suyễn.
Diễn Tộ rất mừng, lấy ra ba lạng bạc của mình đưa cho chủ quán để trả ơn. Rồi dặn đi dặn lại rằng:
- Ông nhớ kĩ cho, người bạn thân của tôi là chi thứ hai họ Tất, đừng giao nhầm cho người khác nhé.
Chủ quán nhận gói bạc, hứa sẽ trao lại chu đáo cho người họ Tất. Trước khi đi Diễn Tộ dặn lại lần nữa rồi mới từ biệt.
Phủ Khai Phong là nơi đô thành của đế vương, nơi đây rất nhộn nhịp. Diễn Tộ tìm đến quán trọ. Ngày hôm sau đến ngay chùa Đại Tướng Quốc hành hương. Sau đó về quán trọ ăn cơm trưa, dắt theo một ít tiền cùng Lai Ninh đi dạo phố, xem phong cảnh, mua ít đặc sản vùng này. Đang dạo chơi, ngẫu nhiên đi vào một ngõ vắng, thấy có một nhà cửa đóng, ngoài cửa có tấm biển đề: "Nơi ở của Ban kịch nhỏ nhà họ Hầu”. Nghe thấy bên trong có nhiều trẻ con ca hát. Diễn Tộ dừng chân lắng tai nghe, khi ngừng hát, thấy có tiếng trẻ con khóc rất thảm thương, lại nghe có tiếng người lớn quát thét. Rồi thấy cụ già ở nhà đối diện chống gậy đứng đó, lẩm bẩm nói:
- Thương cho thằng bé, là con nhà khá giả, nếu gặp người nào tốt nhận nó thì thật là phúc đức.
Thấy thế Diễn Tộ chắp tay cung kính hỏi cụ già vì sao. Cụ già nói:
- Ngài Tất Đông Ly, quan Hình bộ viên ngoại, là người phủ Quy Đức. Ông có một người vợ bé là Nghê thị, thường gọi là Loan Di, sinh được một công tử. Tất Đông Ly quý như vàng, nhưng không ngờ gần đây ông ốm nặng. Loan Di bị bệnh rồi qua đời. Ông chú nhà ấy nói rằng, công tử là đứa con nuôi, không phải con đẻ. Bởi thế người con cả là Tất Hiến Phu đưa linh cữu hai người về quê hương, bỏ rơi thằng bé tại kinh thành. May mà có Hầu Sư Phụ, người dạy kịch ở nhà đối diện mang về nuôi, bắt nó học kịch, thằng bé không chịu học, nên nó khóc.
Nghe xong Diễn Tộ cám cảnh nói:
- Tôi cũng là người phủ Quý Đức, cùng quê với Tất Đông Ly. Tôi xin đứa trẻ ấy mang về thôi.
- Ông nói thật sao? - Cụ già nói. - Đây quả là một việc phúc đức.
- Cháu nhờ cụ nói giúp cho. - Diễn Tộ nói.
Cụ già chống gậy bước vào, gọi ông họ Hầu ra nói ý định của Diễn Tộ. Người ấy nói:
- Đứa trẻ này không chịu học, tôi giữ lại cũng chẳng ích gì. Song tôi cũng đã nuôi không bốn năm tháng rồi.
- Điều đó không ngại, - Diễn Tộ nói, - tôi sẽ trả tiền công ông đã nuôi nó.
Nói xong, Diễn Tộ lấy ra ba lạng bạc đưa cho người ấy. Người ấy hớn hở dẫn đứa bé ra, giao cho Diễn Tộ dẫn đi. Diễn Tộ lại tạ ơn cụ già mấy đồng bạc, sau đó bảo Lai Ninh dẫn đứa trẻ về nhà trọ tắm giặt chải đầu. Nhìn kĩ khuôn mặt nó thì hao hao giống Hoàn Lang. Hỏi tuổi thì nó bảo tên tám, tính ra đúng bằng tuổi Hoàn Lang. Diễn Tộ rất ngạc nhiên, hỏi kĩ cha mẹ đẻ nó là ai. Đứa trẻ nói:
- Cháu còn nhỏ đã phải xa cha mẹ, không nhớ được. Chỉ nghe người ta nói, lúc ba tuổi bị người ở thành Quy Đức bắt trộm.
Thấy thế Diễn Từ càng kinh ngạc, bèn vạch chân trái đứa bé lên xem, thì thấy có hai ngón chân liền nhau, bất giác vừa kinh ngạc, vừa vui mừng ôm đứa bé vào lòng khóc:
- Con là Hoàn Lang, do chính ta đẻ ra, con có nhận được cha đẻ của con không?
Thế rồi Diễn Tộ kể cho nó nghe tất cả mọi chuyện. Lúc ấy Hoàn Lang mới biết Diễn Tộ là cha mình. Đúng là:
Trải qua thất lạc buồn vô hạn
Nay được đoàn viên sướng bội phần

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết