Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 22
Nhờ Vế Đối Tìm Ra Thủ Phạm

Trịnh Bản Kiều (1693-1765) tên chữ Khắc Nhu, ở Giang Tô là người giỏi văn chương và giỏi vẽ, nhưng thi cử lận đận; mãi tới hơn bốn mươi tuổi mới đỗ tiến sĩ, được trao chức quan thất phẩm là một chức quan "nhỏ như hạt vừng". Tuy vậy, lúc nào ông cũng nghĩ đến dân, việc gì cũng cẩn thận, lo lắng làm đến nơi đến chốn. Bài thơ của ông sau đây chính là thể hiện tinh thần đó:
Xào xạc tre đưa nơi nhiệm sở,
Ngờ dân lên tiếng tố oan khiên.
Bọn mình thư lại dù quan nhỏ,
Một lá cành kia chớ bỏ quên.
Truyền rằng sau khi ông được làm quan huyện, ông từng dùng phương thức trưng cầu vế đối mà phá được một vụ án oan, cứu một người học trò thật thà khỏi tội chết.
Năm ấy, Trịnh Bản Kiều tới nhận chức, dân chúng nghe nói ông là một vị quan thanh liêm, xét án công minh nên đều ngóng trông. Trước cửa huyện nha, người đứng đông đặc chờ đón quan huyện mới; có người muốn xem phong thái, mặt mũi quan như thế nào, có người chờ để kêu oan. Thấy cảnh đó, Trịnh Bản Kiều biết ngay trách nhiệm của mình rất nặng nề, sau khi đến nhận chức được một ngày, việc đầu tiên ông làm là xem hồ sơ những vụ trọng án sắp xử trảm vào mùa thu tới. Có một hồ sơ viết: "Thư sinh Vương Sinh Tân sau ngày cưới một hôm đã giết chết vợ, bị khép vào tội tử hình vì giết người. Vương đã nhận tội giết vợ mới cưới". Hồ sơ không nói gì về việc chú rể tại sao giết cô dâu và giết như thế nào, chỉ nói cô dâu bị giết trong phòng, ngoài ra không có chứng cớ gì khác.
Quan huyện Trịnh Bản Kiều càng nghĩ càng thấy vụ này khó hiểu nên quyết định tra lại vụ án. Ông cho gọi Vương Sinh trong nhà ngục tử tù ra tra hỏi. Khi ngục tốt đưa Vương Sinh đến, Trịnh Bản Kiều thấy thư sinh này mặt mũi hiền lành, nho nhã đoan trang, không hề có chút gì giống với bọn giết người, đốt nhà cả. Ông liền hỏi:
- Nhà ngươi làm sao lại giết chết vợ mới cưới? Giết như thế nào?
Chàng kia chỉ cúi đầu sụt sùi mà không trả lời, bởi chàng đã cung khai như trong hồ sơ, nay sợ nói khác đi sẽ bị roi hèo đánh đập chịu không nổi.
Trịnh Bản Kiều hiểu rõ cách thức xét hỏi rồi kết án ở nha môn là nếu ai bị bắt mà không chịu cung khai thì sẽ bị đánh rất dữ, bởi vậy nhiều người đã phải khai bừa. Vương Sinh này hẳn cũng bị đánh đau nên đã khai bừa, cho nên ông ôn tồn bảo:
- Nhà ngươi có oan khuất gì cứ nói ra, kể lại từ đầu cho rõ bản quan sẽ phân xử. Nếu có gì khác với lần khai trước cũng không ngại.
Nghe quan nói thế, Vương Sinh vẫn còn bán tín bán nghi, chưa dám hé răng. Một viên lại già đứng gần đấy bảo chàng:
- Đại quan đã nói sẽ xử công minh cho anh, sao anh còn không nói? Quan lớn mới đến nhận chức, là vị quan liêm chính công minh...
Nghe nói vậy, Vương Sinh nghĩ việc đã đến lúc này, có chết thì cũng sắp bị chết, thôi thì cứ khai thật, biết đâu được giải oan, bèn cung khai:
- Bẩm quan lớn, tiểu sinh lấy vợ họ Lý là một tài nữ dòng dõi thư hương. Vợ con từ nhỏ đã học thi thư, xuất khẩu thành chương. Ngày cưới của chúng con, đêm ấy khi đám khách trêu chọc cô dâu mới cưới đã về hết, con trở lại phòng thì cửa đã đóng, vợ con ra một câu đối, nếu đối được thì nàng mở cửa, nếu không đối được thì ngủ ngoài cửa. Con bảo "Được!", vợ con liền ra vế đối:
Hảo, hảo, hảo, duyệt tận thế văn chương tri điệu
(Hay, hay, hay, đọc hết văn đời mới biết điệu)
Trong vế đối này có ba chữ nhắc lại, con suy nghĩ và hiểu ra ý nàng mong con sau này cưới đừng bịn rịn gia đình mà nên cố gắng học tập để đạt được công danh, nên con đối lại là:
Cần, cần, cần, đãi văn độc thư bất đoạn thanh
(Chăm, chăm, chăm, đợi nghe đọc sách chẳng ngưng tiếng)
Vợ con thấy câu đối thì vừa lòng lắm, nói: "Quan nhân đã hiểu được nỗi dụng tâm của thiếp và hiểu ra mai ngày phải hành động như thế nào là điều thật may mắn cho thiếp. Nhưng xin quan nhân hãy đối thêm câu nữa!". Thế là vợ con ra vế trên:
Kim nhật đồng đăng phượng hoàng đài
(Hôm nay cùng lên đài phượng hoàng)
Con vừa nghe vế đối ấy đã thấy rất hay lại sâu sắc nữa. Người xưa cho phượng hoàng là loài chim mang điềm lành. Con đực là phượng, con cái là hoàng. Vế đối của vợ con vừa có ý mong vợ chồng hài hòa như phượng hoàng lại vừa có ý mong con sau này đạt được nguyện ước vẻ vang. Thế là con bèn đối:
Tha niên độc chiếm kỳ lân các
(Năm sau riêng chiếm gác kỳ lân)
Con muốn tỏ cho nàng biết con cũng có hùng tâm tráng chí là ngày sau đạt được công danh to lớn để tên được ghi trên gác Kỳ Lân như các bề tôi giỏi giang thủa xưa. Không hiểu do vợ con đang đứng ra câu đối hay là còn muốn thử tài chồng thêm nữa, nàng lại ra thêm vế đối thứ ba:
Di ỷ ỷ đồng đồng vọng nguyệt
(Xích ghế tựa ngô đồng cùng trông trăng)
Vợ con nhìn cảnh sinh tình mà ra vế đối này. Hôm ấy là rằm trung thu, sân nhà con có hai cây ngô đồng, lúc ấy trăng sáng giữa trời khiến vợ con dạt dào thi hứng. Vế đối ra chẳng những có tình thơ ý họa mà chữ ra được vận dụng rất thông minh tinh tế. là ghế đồng âm với là tựa, đồng là ngô đồng đồng âm với đồng là cùng. Như vậy vế đối cũng phải có hai cặp chữ đồng âm như thế. Con nghĩ một lúc lâu mà không nghĩ ra, vừa buồn vừa ngượng, con trở ra thư phòng qua đêm mà không được động phòng với vợ con.
Sáng hôm sau, vì hôm qua không đối được câu thứ ba nên con tới gặp vợ mà lòng buồn phiền, luôn miệng lẩm bẩm: "Di ỷ ỷ đồng đồng vọng nguyệt". Vợ con thấy vậy bèn hỏi: "Lang quân, đêm hôm qua chàng chẳng đối được là gì? Còn buồn phiền, lẩm nhẩm gì thế?”. Con đáp: "Tôi ngồi trong nhà học nghĩ suốt đêm mà không nghĩ ra, nên ngượng không dám vào phòng". Vợ con nghe nói thế, thần mặt ra quay luôn vào phòng. Con cũng không chú ý, ăn cơm trưa xong lại ra ngồi ở nhà học. Đến tối, người nhà mới chạy tới báo tin vợ con treo cổ tự tử ở trong buồng. Con tức khắc sai người sang báo cho nhạc phụ nhạc mẫu, bên ấy liền thưa lên quan, bảo con giết vợ con, thế là lính huyện bắt con vào ngục. Quan huyện ra lệnh giải con lên công đường tra hỏi, con nói con không hề hại vợ nhưng quan không tin, thế là nọc luôn con ra đánh. Con không chịu nổi đau đớn phải nhận là giết vợ, quan huyện khép vào tội giết người phải đền mạng. Con quả thục không giết vợ, cúi xin quan lớn minh oan cho con.
Nghe Vương Sinh kể hết đầu đuôi, Trịnh Bản Kiều thấy trong vụ này ắt có điều lắt léo liền sai người hãy giải Vương Sinh về nhà lao và bảo:
- Vương Sinh, ngươi hãy về nhà giam, ta còn phải báo với quan trên xin hoãn thi hành án để tra xét kỹ từ đầu.
Lời khai của Vương Sinh để lại nỗi nghi ngờ lớn trong óc Trịnh Bản Kiều: chàng rể vì sao lại giết cô dâu ngay ngày hôm sau? Chợt ông nhớ tới lời người vợ hỏi Vương Sinh ngày hôm sau: "Lang quân, đêm hôm qua chàng chẳng đối được là gì?". Ông cảm thấy đây là đầu mối của vụ án, quyết định điều tra từ vế đối.
Tuy vậy, vợ Vương Sinh đã chết, không biết cái kẻ thừa dịp chiếm vợ người đã đối vế dưới ra sao mà vào được buồng? Không biết được điều này, làm sao tra ra vụ án?
Tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong
, Trịnh Bản Kiều đi tới đi lui trong sân nhà Vương Sinh, suy nghĩ cách phá án. Đi một lúc mỏi chân, ông dừng lại bên cây ngô đồng, ngẩng đầu nhìn trời. Bỗng thấy trong phòng học phía trên cao có cậu học trò đốt đèn mang lên đó học. Trước cảnh đó, trong óc ông bật ra vế đối hoàn chỉnh:
Đẳng đăng đăng các các công thư
(Đợi đèn lên gác ai nấy đọc sách)
Vế đối này thật là một cặp trời sinh với vế ra của cô dâu: đăng là đèn, đồng âm với đăng là lên; các là gác, đồng âm với các là ai nấy. Thế là ngày hôm sau, Trịnh Bản Kiều sai người ra các phố huyện dán cáo thị, nói nếu ai đối được vế Di ỷ ỷ đồng đồng vọng nguyệt thì ông sẽ nhận làm cháu nuôi, được ông tiến cử với quan chấm thi trong kỳ thi Hương tới... Chỉ sau một loáng, nhiều thư sinh đã kéo nhau tới xem cáo thị, nhưng đều chịu không đối được, buồn thiu kéo nhau ra về. Chợt có một thư sinh trẻ tuổi vỗ tay nói:
- Tôi đối được rồi!
Nha dịch đưa thư sinh kia về gặp quan huyện. Quan hỏi họ tên, học ở đâu, thầy dạy là ai. Thư sinh kia đáp:
- Tiểu sinh họ Đông Quách, tên Lượng, học ở Vương Trang, thầy dạy là Vương Thái Hòa.
Thì ra nơi học và thầy dạy của Đông Quách Lượng cũng chính là nơi học và thầy dạy của Vương Sinh Tân. Trịnh Bản Kiều lại hỏi:
- Trong lớp học của các anh có một người tên Vương Sinh Tân anh có biết không? Nghe nói cưới vợ hôm trước, hôm sau anh ta đã giết vợ, anh có biết không?
Nghe hỏi, đột nhiên Đông Quách Lượng tái mét mặt, người run bần bật, không nói được câu nào. Thấy vậy, Trịnh Bản Kiều biết chắc người này là thủ phạm, bèn đập bàn quát:
- Ngươi đã giết vợ mới cưới của Vương Sinh ra sao, khai mau:
Đông Quách Lượng tham lam nên hớ hênh lộ tẩy, lại sợ bị đánh nên khai ra ngay:
- Đêm hôm cưới, thấy Vương Sinh trở lại nhà học, chúng con hỏi mới biết chuyện anh ấy không đối được vế ra của vợ nên vợ không cho vào động phòng. Con thấy đây là thời cơ bèn chờ đến đêm khuya mới tới cửa buồng đọc vế đối, cô dâu nghe xong mở cửa, con mạo nhận là chú rể và thành thân với nàng...
Thế là đã rõ: sáng hôm sau khi biết đêm qua chồng mình ngủ lại ở nhà học, biết có kẻ thừa dịp thành thân với mình, cô dâu hối hận đã để mất tiết trinh nên đã tự treo cổ tự tử.
Trịnh Bản Kiều làm quan công minh, xét án rõ ràng, bắt đúng người đúng tội, giải được nỗi oan cho Vương Sinh khiến dân chúng xa gần đều phục.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết