Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 24 (B)

Thoạt đầu Địch công ngờ là người đưa dâu gây nên chuyện vì bà này là người hầu ở ngay bên cạnh cô dâu, lại ngờ Hoa Quốc Tường tham giàu ghét nghèo, muốn mưu toan chuyện khác nên sai người hầu này ám hại, vì vậy Địch công cố ý đem người hầu này ra tra hỏi. Lúc này nghe người hầu khai ra, biết là người hầu cũ của nhà họ Lý, cô dâu do bà này bế ẵm từ nhỏ, không lẽ nào đột nhiên nảy ra ý độc hại được. Quan huyện không biết tính sao, đành hỏi thêm:
- Nhà ngươi đã do bên họ Lý cho theo sang, mấy ngày qua lấy nước pha trà đều do một tay ngươi làm, vậy ấm trà buổi tối hôm đó nhà ngươi pha từ lúc nào?
Bà Cao đáp:
- Buổi chiều con pha một lần, sau khi lên đèn lại pha lần nữa. Nước trà cô con uống ban đêm là trà pha lần thứ hai.
Địch công lại hỏi:
- Sau khi pha trà, ngươi có rời phòng không? Lúc ấy trong thư phòng đã bày tiệc rượu hay chưa?
Bà Cao đáp:
- Đến bữa ăn tối, nô tì có ra khỏi phòng một lần, ngoài ra không rời phòng lần nào. Lúc ấy trong thư phòng đang có tiệc rượu thiếu gia nhà cô con cùng Hồ thiếu gia đều uống rượu ở đấy, nhung Hồ thiếu gia tối ấy quả thực tức giận bỏ về và nói những lời cay độc. Thuốc độc này hẳn là do cậu ấy bỏ vào trà.
Địch công nói:
- Cứ như ngươi nói thì chẳng qua mới chỉ là hiềm nghi. Ta lại hỏi ngươi, ấm trà pha buổi chiều đã có ai uống chưa?
Bà Cao nghĩ hồi lâu cũng không nhớ được có ai đã uống. Địch công nghe lời khai của bà Cao lại càng không biết phán quyết ra sao, đành quay sang bảo Hoa Quốc Tường:
- Lời của ông và mấy người khai vừa rồi đều là tự mình giữ riêng ý mình. Trà buổi chiều mới pha, lúc ấy Hồ Tác Tân đang uống rượu trong thư phòng; ngoài một lần sau bữa ăn tối, người bầu bạn với cô dâu không ra khỏi phòng, cô dâu không thể tự mình lại bỏ thuốc độc vào trà. Ta đã cho hỏi người hầu ấy xem buổi chiều có ai vào phòng cô dâu không nhưng người ấy không nhớ rõ. Vụ án như vậy làm sao có thể ức đoán được? Thôi hãy đợi bản huyện nghiệm xác xong đã rồi sẽ phán xét sau.
Nói rồi Địch công đứng lên bước vào bên trong. Lúc này bà họ Lý cùng già trẻ lớn bé nhà họ Hoa khóc ầm ĩ đến điếc cả tai, kể lể cô dâu xinh đẹp đến thế mà bỗng chết thảm đến thế.
Địch công vào đến sân nhà trên, trước hết cho đàn bà tránh ra hết, rồi ông đi xem xét quanh một lượt, sau đó cùng Hoa Quốc Tường bước vào bên trong. Trong phòng, rương hòm và vật dùng đều đã chuyển đi hết, chỉ riêng để lại ấm trà, chiếc thẻ tre sơn đỏ đặt trên bàn ghép bằng bốn mảnh sơn dầu, khá nhiều người hầu gái đứng cạnh trước giường. Địch công hỏi:
- Ấm trà này vốn đặt trên bàn phải không? Các ngươi đem bát ra đây để bản huyện thử xem sao.
Vừa dứt lời, sai dịch đã đưa chén trà tới, Địch công tự cầm lấy rót một chén nước trà trong ấm ra, quả nhiên thấy màu trà khác lạ với trà thông thường, nước tím đen tựa như nước mật, lại thoang thoảng mùi tanh. Xem xét một lát, bảo người cho gọi chó đến, lại bảo trộn một ít thức ăn với nước trà rồi Địch công cho đổ xuống đất. Con chó đến ngày tận số, cúi đầu hít ngửi vài cái là cắm đầu ăn. Chỉ khoảnh khắc sau, con chó hực cắn loạn lên chừng ăn một bữa cơm rồi lăn cổ ra chết. Địch công lấy làm lạ, vội bảo sai dịch niêm phong ấm trà tránh cho người khác uống lầm phải. Sau đó ông tới bên giường xem quanh một lượt, thấy người chết miệng vẫn còn rỉ máu, cả người xám xanh sưng mọng, biết chắc là uống phải thuốc độc rồi. Ông quay trở ra sân, sai người đưa bà Lý đến rồi nói với Hoa Quốc Tường:
- Cô gái này trúng độc mà chết, không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng hai nhà cả bên trai cũng như bên gái đều là dòng dõi thư hương, xảy ra việc này cũng đủ bất hạnh lắm rồi. Nay ông đã có đơn kêu bản huyện cứu xét, lẽ nào ta lại không đến nghiệm xác? Có điều, người chết bỏ mạng vì thuốc độc là điều không ngờ tới, nay nếu lật thây khám nghiệm thì người sống và người chết đều không được yên. Người chết càng thấy oan khuất mà người sống cũng mất thể diện. Bản huyện thấy rằng chi bằng định án là chết vì chất độc, sau này tra ra được thủ phạm, ắt lấy lời khai của nó làm bằng, đỡ phải lật xác khám nghiệm. Đây vốn là ý thương xót của ta, ta cho mời riêng hai nhà đến để nói rõ nguyên do. Nếu hai nhà không nỡ để cho người chết phải khổ thì thôi không phải nghiệm xác nữa, kẻo sau này lại hối là không nghe theo.
Hoa Quốc Tường chưa kịp có lời thì bà Lý đã kêu khóc:
- Bẩm quan lớn, nhà chúng tôi chỉ có một đứa con gái này, vì cháu chết không được rõ ràng nên mới phải cứ sự thực mà kêu lên. Nay quan lớn đã định án như thế để tránh cho cháu chết rồi mà còn chịu khổ thì đàn bà chúng tôi tình nguyện xin miễn khám nghiệm.
Thấy nhạc mẫu nói thế, Hoa Văn Tuấn cũng vì vợ chồng nghĩa nặng, không muốn xác vợ bị người khác đụng chạm đến nên cũng nói với cha:
- Cha hãy cho phép làm như thế đi, con thấy vợ con chết thảm quá, may được quan lớn cho hoàn tất, định án là trúng độc, cha cũng nên nghe theo lời quan để còn nhận về liệm chôn.
Hoa Quốc Tường thấy con trai và mẹ người chết đều nói như thế không thể đòi hỏi gì hơn nên đành im xuống, cùng bà Lý làm cam kết miễn nghiệm xác; sau đó nói với Địch công:
- Quan lớn có bảo cử nhân tôi nên miễn nghiệm xác. Tuy ý ngài là muốn thương xót, giữ thể diện cho, nhưng con dâu tôi bỏ mạng vì trúng độc thì việc này mọi người đã thấy cả rồi. Chỉ xin quan lớn thế nào cũng phải tra hỏi tên Hồ Tác Tân rồi theo lệ mà trừng trị. Nếu để hai nhà cam kết, nhận về khâm liệm rồi đậy nắp áo quan đem chôn không thôi thì lúc đó quan lớn cũng chẳng hay ho gì.
Địch công gật đầu, nhận tờ cam kết, cho sai dịch lui hết ra khỏi nhà sau. Lòng ông thực rất phân vân, cảm thấy không tiện bỏ về ngay liền lên nhà trên ngồi, để ý xem khi mọi người đi ra có động tĩnh gì không.
Tất nhiên lúc ấy nhà trong nhà ngoài náo loạn cả lên. Đám người hầu và bạn bè thân thích của gia chủ đều lo việc ở nhà trong, may mà quan tài và mọi thứ khác cần đến đều lo liệu đầy đủ từ hôm qua. Bà họ Lý và Hoa Văn Tuấn là hai người đau đớn nhất, lệ trào không dứt.
Đợi cho quan tài đặt xong xuôi, chỉ còn thay quần áo cho người chết nữa là khâm liệm, Địch công mới theo mọi người vào nhà trong. Chỉ thấy từng luồng hơi tanh từ phía giường người chết xộc lên tận óc, ông cũng không nhận ra đó là mùi gì thầm nghĩ: "Xưa nay ta tùng xét nhiều vụ kỳ án, đã là do trúng độc gây ra thì trong ấm trà chẳng qua cũng mấy thứ phê sương, thạch tín, uống vào bụng thì thất khiếu ứa máu, lập tức mệnh vong, làm sao lại có mùi tanh tưởi đến thế? Xác cô gái tuy tím tái sưng mọng song da không nát, vả ngực lại trương mọng như trái dưa, hiển nhiên là do nguyên nhân khác. Không biết dưới gầm giường có loài vật gì độc hay không? Một mình Địch công cứ thầm suy nghĩ như vậy.
Bỗng nghe một người la lớn:
- Nguy rồi! Làm sao chết đã hai ngày mà bụng còn máy động được? Phải chăng muốn tác quái đây?
La rồi người ấy nhảy ngay khỏi giường, mặt cắt không còn hạt máu, bỏ chạy luôn. Người đứng xem thấy người kia la như thế đều lấy hết can đảm tới chỗ đó xem nhưng lại không thấy động đậy gì nữa, đến nỗi ai cũng bảo người kia trông gà hóa cuốc. Lúc ấy ai nấy vội vàng tay năm tay mười mặc quần áo vào cho người chết. Thầy cúng gọi mang vào nhập quan, mọi người ùa nhau xuống khỏi giường, nâng xác lên đưa đi khâm liệm.
Đợi mọi người đi ra hết, Địch công mới tự tới bên giường cưới, xem kỹ một lượt, lại nhìn kỹ dưới gầm giường thấy có rất nhiều máu nhỏ giọt, trong giọt máu có lẫn chút lông tơ đen dường như đang chuyển động.
Nhìn kỹ xong, Địch công ra khỏi nhà sau, lên sảnh trên ngồi, thầm nghĩ: "Vụ này nhất định không phải Hồ Tác Tân gây ra, trong đó ắt có chuyện quái dị gì đây. Hoa Quốc Tường tuy một mực khai cho cậu ta, không chịu buông tha, nếu ta không làm theo cách này thì ông ta không chịu nghe theo".
Chủ ý định xong, việc khâm liệm cũng hoàn tất, Địch công cho người mời Hoa Quốc Tường đến, bảo:
“Việc này dường như có điều gì đó rất đáng ngờ, bản huyện thông thể không tra cho ra. Hồ Tác Tân tuy là bị cáo, bà Cao là người bầu bạn với cô dâu, cả hai đều không thể đứng ngoài. Mong ông giao nộp cả bà ta để cùng tra hỏi cho được công bằng. Nếu chỉ một mực đòi hỏi Hồ Tác Tân cung khai không thôi, há lại chẳng bị người đời dị nghị ? Bản huyện không khi nào đối xử khắc bạc với bà giúp việc nhà ông đâu!
Nghe quan huyện nói như vậy, Hoa Quốc Tường thấy vụ án này ắt phải do quan phụ mẫu địa phương xét đoán, vì vậy đành gọi bà Cao ra cho quan thẩm vấn tại công đường. Địch công lập tức lên kiệu về huyện nha. Lúc này chỉ có mẹ Hồ Tác Tân là muôn phần cảm kích, biết Địch công có ý tốt, liền ngầm mua chuộc sai dịch đưa tin vào cho con trai được biết.
Lại nói Địch công về tới huyện nha song không thăng đường thẩm vấn, chỉ truyền giao Cao thị cho đàn bà cai quản, ngoài ra không hỏi gì đến những việc khác của vụ án, mấy ngày liền đều như thế. Hoa Quốc Tường sốt ruột quá, oán con trai:
- Thằng súc sinh kia, việc này chỉ do mày làm lỡ. Mẹ vợ mày đồng ý miễn nghiệm xác vì bà ấy là đàn bà, không hiểu mối hại điều lợi của việc công. Xưa nay người làm quan chỉ muốn càng ít việc càng tốt, chỉ cốt sao bản thân đứng vững, còn oan khuất của người khác chẳng cần hỏi đến. Hôm kia hắn nhất định xin ta cho miễn nghiệm xác. Mày đã thấy viên quan chó chết ấy chưa? Đến hôm nay cũng chưa hỏi tra. Hắn cậy vào tờ cam kết của hai nhà chúng ta đó mà! Tuy trúng độc là sự thực còn tên Hồ Tác Tân bỏ thuốc độc thì chưa có chứng cớ hắn vin vào đó mà trì hoãn, có ý bênh che cho tên chó họ Hồ, há tất cả chẳng phải do mày làm lỡ hay sao? Hôm nay ta phải đến giục giã xem hắn đối xử với ta ra sao? Nếu không thì tờ đơn gửi lên cấp trên là điều không tránh khỏi.
Dứt lời, Hoa Quốc Tường sai người mang mũ áo tới, đội mặc vào rồi đi thẳng đến huyện Xương Bình.
Địch công vì sao không thẩm vấn vụ án này cho xong đi? Bởi ông là vị quan tốt, không bao giờ chịu vu cáo cho người dân. Ông thấy vụ án này quyết không phải do Hồ Tác Tân gây ra, cũng không phải do bà Cao mưu hại. Tuy biết rõ như thế song lại nghĩ chưa ra nguyên do, thuốc độc từ lúc nào được bỏ vào vì thế chưa tiện xử. Chiều hôm ấy, đang trao đổi với Mã Vinh rằng:
- Vụ án ở Lục Lý Đôn ngay từ đầu bản huyện đã biết là dễ. Chỉ cần bắt được tên họ Thiều là có thể kết thúc được rồi. Có điều khám nghiệm không ra thương tích của tên Tất Thuận, ta đã tự kiểm điểm rồi. Nào ngờ sóng này chưa lặng, sóng kia đã nổi, con dâu Hoa Quốc Tường lại mắc vào vụ nghi án. Nếu chỉ đổ dồn cho Hồ Tác Tân, ta không khỏi cảm thấy không nỡ. Hôm trước, người ở nhà ấy đã từng thấy các tình tiết vụ án đều không thể đoán định được. Ta đòi Cao thị về đây cũng chẳng qua để ngăn Hoa Quốc Tường giục giã mà thôi. Các vụ án qua tay ngươi cũng không ít, vậy hãy khá nghĩ giùm cho bản huyện, hỏi thăm xem xung quanh đây có người nghiệm xác nào giỏi thì tìm đến hỏi han, may chi có thêm manh mối.
Hai người đang trò chuyện như vậy thì có sai dịch vào báo:
- Hoa cử nhân hiện đang ở trên công đường, ông ta muốn gặp quan lớn để hỏi xem vụ án kia tiến hành đến đâu rồi.
Địch công nói:
- Bản huyện biết thế nào ông ta cũng đến giục mà! Ngươi hãy ra mời ông ta vào. Gọi người đón tiếp chu đáo nhé!
Người ấy vâng lời đi ra. Lát sau, Hoa Quốc Tường đội mũ mặc áo chỉnh tề bước vào, Địch công đành mời vào thư phòng, chia ngôi chủ khách cùng ngồi. Hoa Quốc Tường cất lời nói trước:
- Hôm kia tôi có được quan lớn cho gọi người hầu tới hỏi tra, trong mấy ngày vừa qua, vụ án hẳn đã tra xét xong. Rốt cuộc ai là kẻ bỏ thuốc độc, xin quan lớn cho biết, tôi cảm kích vô cùng.
Địch công đáp:
- Bản huyện suy nghĩ về vụ này đã lâu nhưng tạm thời vẫn chưa tìm ra nguyên do, cho nên chưa đưa người ra thẩm vấn. Nay tôn ông đến vừa đúng lúc. Xin hãy ngồi chơi để ban huyện thẩm vấn xem ra thế nào.
Dứt lời, ngoài công trường đã chuẩn bị xong, Địch công lập tức thay áo lên công đường thẩm vấn. Trước hết ông sai đưa Hồ Tác Tân lên hỏi. Công sai vâng dạ ra khỏi công đường điệu Hồ Tác Tân tới.
Hồ Tác Tân quì trước án, Địch công nói:
- Bản huyện đã tới hiện trường nghiệm xác vợ Hoa Văn Tuấn, rõ ràng là trúng độc mà thiệt mạng. Mọi người đều khai cho một mình ngươi mưu hại. Ngươi hãy thành thực khai ra, khi nào ngươi bỏ thuốc độc cho người ta?
Hồ Tác Tân thưa:
- Hôm kia học trò đã khai rõ, rằng đùa bỡn là chuyện thực mưu hại là việc oan uổng. Học trò còn biết khai thế nào nữa?
Địch công nói:
- Ngươi đừng hòng chối quanh, hiện có người hầu bầu bạn với cô dâu làm chứng. Lúc mời rượu hôm đó, Hoa Văn Tuấn đi tạ ơn khách khứa, ngươi cùng mọi người thỉnh thoảng ra vào phòng cô dâu rồi thừa lúc không ai để ý bỏ thuốc độc vào trà. Ngươi còn gian ngoan chối bỏ hay sao?
Hồ Tác Tân nghe xong vội kêu:
- Quan lớn soi xét, nếu người ta bảo con cùng mọi người thỉnh thoảng lại vào phòng cô dâu, đủ thấy không phải chỉ một mình học trò vào phòng. Đã không phải một mình vào phòng thì mắt ai cũng thấy, học trò làm thế nào thừa cơ được? Dù cho học trò có bỏ thuốc độc thì một ngày hôm ấy, thời gian rất dài há lại không có ai tới rót nước ở ấm? Làm sao người khác uống thì không chết, chỉ riêng cô dâu uống thì lại có thuốc độc?
Trà ấy do ai rót, ai pha, pha lúc nào? Xin quan lớn tra xét ngọn ngành. Học trò không dám chỉ đầu danh ai song người bầu bạn với cô dâu hẳn biết. Trừ bạn hữu thân quen vào phòng ra, đàn bà hầu hạ trong nhà há lại không có một ai vào phòng? Quan lớn không truy hỏi những điều nói trên mà chỉ hỏi một mình học trò, thì dù có khảo đả bằng cực hình, học trò cũng không thể có khẩu cung khai nhận được. Cúi mong quan lớn xét rõ.
Địch công nghe Hồ Tác Tân trình bày như thế, cố ý nổi giận mắng:
- Tên học trò vô sỉ kia, tự mình có tâm địa bất lương gây nên tai họa, thật là tình, lý khó dung tha. Đến nơi công đường oai nghiêm này thì phải thực thà khai nhận, cớ sao lại lôi kéo người khác vào để mong thoát thân? Ngươi phải biết rằng bản huyện là bậc quan soi sáng vạn dặm, há cho phép người bẽo mép tranh cãi? Nếu còn dám loanh quanh chối cãi thì quốc pháp ở đây sẽ ra oai khảo đả đấy!
Hồ Tác Tân nghe nói vậy, bất giác gục đầu kêu xin:
- Học trò thực là oan uổng, quan lớn nếu không tra hỏi nữ tì nhà họ Hoa thì dù có đánh chết học trò, vụ án này vẫn không sáng tỏ được. Vả xưa nay xét án không có lẽ nào chỉ nghe riêng một phía. Nếu Hoa Quốc Tường không cho giải người hầu đến đây, ắt bên trong có duyên do gì khác, kính mong quan lớn nghĩ lại.
Địch công nghe nói, quát to:
- Hồ Tác Tân, bản huyện thấy ngươi là học trò hàng huyện, không nỡ đánh đập khổ sở. Nay ngươi cãi hăng như thế, nếu ta không thẩm vấn nữ tì nhà họ Hoa, hẳn ngươi cũng không cam tâm?
Lập tức Địch công cho đưa bà Cao lên, hai bên hô lấy oai, Cao thị bị đưa vào, quì trước án. Địch công nói:
- Theo lời khiếu kiện của gia chủ ngươi, án mạng thực do Hồ Tác Tân mưu hại, song hắn dứt khoát không nhận. Ngươi hãy khai ngày hôm trước, hắn vào quấy phá trong phòng cô dâu ra sao, khi nào thì thừa cơ bỏ thuốc độc để cùng đối chất với hắn.
Cao thị khai:
- Việc Hồ Tác Tân quấy đảo hôm cưới vào ngày lành, gia chủ nô tì đã nói rõ rồi. Chỉ vì gia chủ nặng lời với hắn khiến cho hắn nuôi ý xấu trong lòng, trước khi ra về còn bảo chúng tôi hãy cẩn thận phòng bị trong ba ngày tới. Lúc bây giờ ai cũng cho là nói đùa, nào ngờ ngày hôm sau trở lại, thừa cơ bỏ thuốc độc. Tính ra chỉ vào khoảng trước sau lúc lên đèn, lúc ấy nhà trong nhà ngoài đều bày tiệc rượu. Nô tì tuy ở trong phòng nhưng trong khoảng hoàng hôn đó cũng không nhận thấy, vả chăng người vào ra rất nhiều. Chỉ riêng một mình hắn thì từ sáng tới chiều đã vào ra mấy bận, có phần chắc lúc đó mượn tiếng là rót trà mà bỏ thuốc độc vào. Chỉ mong quan lớn hãy tước bỏ danh hiệu học trò của hắn, dùng hình phạt tra hỏi, thì chẳng còn sợ hắn không chịu nhận nữa.
Địch công chưa cất lời thì Hồ Tác Tân đã vội nói:
- Đồ chó nô tài kia, ngươi đừng có bẻo mép làm hại tính mệnh người khác. Hôm trước quấy phá phòng cô dâu cũng đâu có một mình ta? Chỉ vì lão gia nhà ngươi mắng một mình ta, ta mới nói bừa một câu để giữ thể diện ra về, sao lại dẫn câu đó ra làm bằng chứng? Nếu bảo ta rót nước trước sau khi lên đèn rồi bỏ thuốc độc thì điều này là vu khống. Từ buổi sáng khi cùng với các bạn cười đùa một hồi trong phòng cô dâu, sau đó ta không còn vào lần nào nữa, mà người khác cũng không vào. Trước sau lúc lên đèn đúng là lúc công tử nhà ngươi đang đi cảm ơn khách, ngay cả công tử cũng không tới phòng mới cưới mà cùng uống rượu ở thư phòng với bạn bè. Nói như ngươi thì há chẳng phải nói không thành có, cố ý hại người hay sao? Huống hồ lúc ấy cách lúc đi ngủ còn lâu, há không có ai vào rót trà hay sao? Làm sao người khác không chết mà chỉ mình tiểu thư nhà ngươi chết. Hẳn là bọn các ngươi ngày thường oán phu nhân tiểu thư cay nghiệt, hoặc trong lòng bất mãn nên mới hạ thủ độc địa như vậy. Nếu không thì cha con họ Hoa thông đồng mưu hại để tiện lấy vợ nhà cao sang. Những việc đó bất luận thế nào cũng không liên can gì tới ta. Ngươi cứ nghĩ mà xem, ta cùng với mọi người vào phòng cô dâu buổi sáng rồi ra về, ngươi là người bầu bạn theo từ nhà gái sang, tất nhiên là lúc nào cũng ở cạnh cô dâu, ngươi có thấy ta một mình vào phòng lúc nào hay chưa?

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết