Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Tập 2 - Chương 1
Giữ Phép Nước, Trung Thần Trừ Kẻ Ác
Gây Án Oan, Gian Đảng Hại Người Trung

Người ta thường nói: "Trừ cỏ tận gốc", có nghĩa là, trừ ác cũng phải trừ tận gốc. Song thánh nhân lại nói rằng: "Ghét kẻ bất nhân quá đáng sẽ sinh loạn". Quá khích thì sinh biến loạn, bởi thế không thể không đề phòng. Chẳng hạn như thời Gia Tĩnh triều Minh, có một vụ án oan mà khiến cho ai ai cũng phải nghiến răng căm giận. Chỉ vì trị bọn tiểu nhân mà liên quan đến đại thần quốc thích. Vì triều đình bảo vệ quốc thích mà tha cho bọn tiểu nhân, khiến bọn gian manh lọt lưới còn viên quan thẳng thắn thi hành pháp luật thì lại bị cho là hãm hại người vô tội, rồi bị bắt giam vào ngục đền tội. Các quan trong Đài gián, có người đứng ra tranh luận đều bị giết một cách nhục nhã, và trở thành thảm họa trong giới quan lại. Há đây chẳng phải là sự thưởng phạt hết sức vô cớ sao! Song quân tử cũng có chỗ không đúng. Cổ nhân xưa từng nói: "Đánh chuột phải loại trừ đồ vật". Thiết nghĩ, các bậc quân tử phải biết tính toán từ trước, sao lại để đến nỗi phải đắm chìm vào án oan, đến khi quan mới lên thay, công luận mới đề cập tới. Thế mới thấy, ghét kẻ ác đừng ghét quá đáng, và không thể không theo lời dạy của thánh nhân.
Thời Gia Tĩnh triều Minh, huyện Quách Đại Châu, Sơn Tây, có một kẻ gian ác tên là Vương Lương, hắn đã xướng lập ra tà đạo Bạch Liên, phù phép lừa dối những người ngu muội. Những người theo đạo Bạch Liên, dù nam hay nữ đều gọi là "Phật tử", kết bè kết đảng, sống chung chạ với nhau. Vương Lương có ảo thuật mê hoặc người, tất cả những con gái xinh đẹp trong vùng và các ni cô trẻ đều bị hắn làm ô nhục. Ngay đến cả những nhà giàu có cũng đều bị tà đạo lừa dối. Tay chân của hắn có tới hàng vạn tên, đều luyện phép thuật yêu ma quỷ quái chúng ra ngoài mặc sức gian dâm với đàn bà con gái, cướp bóc tài sản, không từ một việc gì.
Có một vị tú tài, vợ anh ta không đẹp lắm. Một hôm vào buổi tối, một cô gái tới nhà xin ngủ trọ, thấy cô đẹp, tú tài muốn dụ cô gian dâm, bèn giữ cô ngủ lại tại buồng của vợ, rồi bàn với vợ rằng, khi cô ta vào phòng thì tắt đèn đi ra, sau đó anh ta vào phòng ngủ với cô. Vào lúc canh hai, chờ cho vợ ra, vị tú tài bèn rón rén tới bên giường, chưa dám hành sự ngay. Nào ngờ người trên giường chờ đợi từ lâu, nghe thấy tiếng bước chân bèn nhổm dậy ôm chầm lấy. Thấy thuận lợi, tú tài nhảy tót lên giường để thỏa dục mây mưa. Nào ngờ, cái của người ấy cất lên, to cứng hơn cả của mình. Tú tài nhảy vọt ra, kêu rầm lên bảo mọi người bắt người ấy trói lại. Hỏi ra thì đó là đồng bọn của Vương Lương. Hắn thường giả làm đàn bà để lừa vợ con người khác. Bất chợt tú tài giận dữ, cắt phăng dương vật của hắn, sợ hắn chết trong nhà bất ổn, bèn đắp thuốc vào vết thương, rồi thả ra. Đó chẳng phải là một chuyện lạ ư?
Lại có một làng, đêm đêm ma quỷ cứ tác oai, tác quái. Vừa chập tối đã thấy có bóng đen đột nhập vào nhà, có khi thì giống lừa ngựa, có khi hình người mặt xanh răng chìa ra như quả chuối mắn, trẻ con sợ khóc thét lên, suốt đêm không lúc nào yên giấc. Biết được bọn tà giáo của Vương Lương có thể trừ tà đuổi quỷ, họ thu gom tiền bạc, xin Vương Lương dùng phép bắt ma. Vương Lương bảo họ, nếu thôn ấy theo đạo của hắn thì quỷ quái không tới quấy nhiễu nữa. Quả nhiên đúng như thế. Từ đó những người xa kẻ gần không ai không sùng bái. Việc tác oai tác quái như thế không phải chỉ một lần mà thôi, ngờ đâu bọn yêu tặc lại còn nhiều lần dùng phù phép trêu người.
Tên cấp phó của chúng là Lý Phúc Đạt, dũng mãnh có thừa và cũng vô cùng giảo hoạt, hắn đã dùng thủ đoạn mê hoặc ngu dân như Vương Lương. Về sau, quan phủ biết được, bắt mấy kẻ đồng đảng của chúng trị tới cùng. Lý Phúc Đạt bèn liên kết với Vương Lương ngang nhiên chống lại. Hắn tụ tập hàng ngàn người giết hại dân thường, đốt nhà cướp của rất hung hãn. Phủ quan đem quân đánh vào sào huyệt, song bị chúng giết không còn đường thoát.
Vương Lương lại có thuật cấm binh khí, đao gậy, cung tên đều không chạm vào người được. Do đó thế giặc ngày càng mạnh, quan quân triều đình không sao chống nổi. Phủ quan hỏi mọi người về cách chống giặc. Có một tướng quân nói:
- Phép thuật vặt ấy phá chẳng khó khăn gì. Hãy bảo quân lính mỗi người cầm một chiếc gậy tùy thân, gặp giặc dùng gậy đánh, không dùng dao chém, thì bọn chúng không sao chống cự nổi.
Phủ quan làm theo kế ấy. Bọn giặc cứ dựa thế binh khí sẽ không chạm vào người được, bởi thế mà chúng cứ ung dung không hề phòng bị. Nào ngờ quan quân bất thần ập tới, dùng gậy đánh. Một người thắng, tất cả ồ ạt xông lên. Trận ấy bọn yêu đảng chết không sao kể xiết. Thấy yếu thế, đội quân ô hợp hè nhau chạy tán loạn. Tên đầu sỏ Vương Lương bị bắt, cùng với hơn hai mươi tên đồng đảng, tất cả bọn chúng đều bị trảm thủ bêu đầu. Chỉ còn Lý Phúc Đạt là một tên giảo hoạt, thấy Vương Lương thất thế bèn hoảng hốt cải trang chạy trốn.
Quân tướng nhà Minh rất chủ quan, tìm không thấy hắn, cho thế là xong việc. Nào ngờ Lý Phúc Đạt trốn tới huyện Từ Câu phủ Thái Nguyên, đổi tên là Trương Dần. Khi hắn chạy trốn, mang theo nhiều vàng bạc châu báu. Huyện ấy có một người họ Trương, là người vừa giàu lại vừa có thế lực. Trương Dần lân la kết giao, nhận là người trong nhà, ghi vào gia phả để che mắt mọi người. Con mắt người đời rất thiển cận, thấy hắn có tiền của, có thế lực, cũng chẳng để ý gì đến, chỉ biết hắn là Trương Dần, chứ hoàn toàn không hiểu được trước đây hắn là Lý Phúc Đạt. Sau này thấy việc truy bắt đã buông lơi, hắn bèn đem tiền của đến kinh đô kết giao với những người quyền quý để làm bùa hộ mệnh. Thời ấy quốc thích Vũ Định hầu - Quách Huân - ngang nhiên nhận hối lộ, hắn là kẻ tiểu nhân tham lam vô liêm sỉ, ai có tiền cũng có thể mua chuộc được. Trương Dần dùng lễ vật hậu đút lót, chui vào làm thợ. Những ngày lễ tiết quanh năm đều mang lễ hậu đến dâng tặng. Thăm dò, biết được Vũ Định hầu là người mê gái, Trương Dần bỏ ra một ngàn lạng vàng mua một mỹ nữ, vờ làm con đẻ của mình dâng hiến, khiến Vũ Định hầu vô cùng sung sướng, ngay cả tính mệnh của mình cũng muốn hi sinh cho Trương Dần.
Trương Dần giả, dựa vào thanh thế của Quách Huân, kết giao với các quan trong triều thân thiết như anh em ruột thịt. Vừa lúc triều đình mở ra một lệ mới, Lý Phúc Đạt theo lệ ấy, bỏ ra một ngàn thạch thóc, được bổ nhiệm làm Chỉ huy vệ Thái Nguyên Sơn Tây. Một tên hung đồ trốn chạy, lại làm quan theo lệnh của triều đình, thật đáng nực cười!
Phúc Đạt có hai con trai, con trưởng là Đại Nhân, con thứ là Đại Nghĩa, đều làm thợ cho Quách Huân, sống tại kinh đô. Đây là nơi đầu mối giao thông quan trọng, đúng là con thỏ giảo quyệt đã tìm được ba cái hang để lánh mình? Có được chỗ dựa vững chắc như Thái Sơn, quả là hắn đã phủ nhung lụa, gấm vóc lên tội ác của hắn, có tài thánh cũng không nhận ra được hắn là ai.
Đại Châu có một người tên là Tiết Lương, chơi thân với Phúc Đạt từ khi còn bé. Nghe nói Phúc Đạt phạm tội chạy trốn, quân triều đình không truy lùng ra, lại nghĩ hắn ẩn nấp ở nơi xa, nhất định sẽ phải bỏ xương nơi đất khách quê người. Ngẫu nhiên đến Thái Nguyên thăm người thân, đang đi lang thang trên đường, thì thấy một quan võ cưỡi ngựa, quát thét dạt đường, đằng sau là bốn năm người lính hầu áo mũ oai vệ, khí thế ngang tàng, trông rất hách dịch. Tiết Lương đứng dẹp vào vệ đường để cho họ đi qua. Khi ngựa Trương Dần tới nơi, Tiết Lương chợt nhận ra người ấy là Lý Phúc Đạt. Tiết Lương giật thót mình, nghĩ rằng: "Sao người ấy lại được thế này?". Rồi lại thấy một người tới nói chuyện với ông ta, Tiết Lương lắng nghe tiếng nói, thì quả không sai. Song cũng không dám tin: "Có thể là người giống nhau, chứ chưa chắc đã đúng". Trong lòng Tiết Lương thắc thỏm không yên, nửa tin nửa ngờ. Chờ cho đoàn người đi qua, Tiết Lương đến một nhà trước mặt phố lễ phép hỏi:
- Thưa ông, người cưỡi ngựa đi trước là quan gì vậy?
- Đấy là ngài Trương, Chỉ huy vệ Thái Nguyên, tên là Dần. - Người hàng phố nói.
Tiết Lương vẫn không sao cả quyết được, nghĩ: "Nếu là ông ta thì sao lại vinh hiển đến thế? Nếu không phải là ông ta thì sao nụ cười, tiếng nói, nét mặt lại đúng là ông ta?". Nghĩ đi nghĩ lại mãi, rồi Tiết Lương tự nói thầm với mình: "Đúng rồi, ông ta sợ nên đổi tên là Trương Dần, rồi tìm cách làm quan ở đây. Thôi thì cứ mặc ông ta, ngày mai mình tới thăm ông ta xem sao, chưa biết chừng mình không những được dối xử tốt, mà lại còn mua chuộc, mình đừng lộ ra, và biết đâu lại được một món tiền to!”.
Nghĩ thế, Tiết Lương yên tâm ngủ. Sáng sớm hôm sau, cơm nước xong Tiết Lương tìm đến dinh quan Phúc Đạt. Tới cửa ông ta chắp tay nói với người gác cổng:
- Ông lớn các ông có nhà không?
- Đang ở nhà. - Người ấy đáp.
- Xin phiền ông nói với ngài rằng có người bạn cũ đến thăm. - Tiết Lương nói.
Người gác cổng hỏi họ tên, Tiết Lương nói:
- Ông không cần phải hỏi, lát nữa gặp ông chủ khắc biết.
Người gác cửa vào bẩm. Phúc Đạt thấy nói là người bạn cũ không đoán được là ai, nói:
- Hãy mời ông ấy vào?
Người ấy vừa vào, Trương Dần biết ngay là Tiết Lương, mặt bỗng tái đi, nhưng vẫn tỏ vẻ tươi cười bước xuống thềm chắp tay nói:
- Từ ngày xa nhau đến giờ bạn vẫn bình an chứ?
Tiết Lương chắp tay nói:
- Nghe thấy cố nhân ở đây, tôi nhã ý tới thăm.
Thế rồi Phúc Đạt mời Tiết Lương vào thư phòng.
Tiết Lương thấy xung quanh không có ai mới hỏi:
- Trước đây ông lâm sự, sao đến được đây làm quan, vinh hiển tới mức này?
Phúc Đạt xua tay nói:
- Việc trước ông đừng nhắc tới nữa. Sao ông lại biết tôi ở đây?
- Hôm qua thấy ông trên đường, vì tùy tùng đông tôi không tiện hỏi, nay nhã ý đến thăm ông. Chỉ mình tôi lưu lạc tới đây, vốn liếng hết sạch, nhờ ông giúp cho chút ít, không biết ý ông thế nào.
- Điều này không cần phải nói. - Phúc Đạt nói. - Nhưng ông đã đến đây cũng phải lưu lại chơi mấy ngày, chờ tôi thu xếp lúc đó tôi sẽ tiễn chân ông về phủ, ông thấy thế nào?
Tiết Lương thấy ông ta có lòng tốt, hết lời cảm tạ. Rồi Phúc Đạt cho dọn cơm rượu ra, hai người cùng ăn uống rất vui vẻ. Cơm nước xong, Phúc Đạt dặn dò bọn tay chân rằng:
- Hãy sắp xếp giường chiếu cho ông nghỉ tại thư phòng.
Chuyện trò hồi lâu, cuối cùng Phúc Đạt nói:
- Ông cứ yên tâm nghỉ tại đây.
Rồi Phúc Đạt vào nhà trong, nghĩ thầm: "Chẳng ai biết được tông tích của ta, nay hắn biết được, nếu hắn ra ngoài nói cho người khác biết thì nguy to! Thôi thì ta ra tay giết hắn trước để trừ hậu họa". Ngấm ngầm tính toán xong, hắn gọi hai tên tâm phúc đến thì thào dặn rằng:
- Lão đến hôm nay là kẻ thù truyền kiếp của ta, ta đã giữ hắn ở lại thư phòng. Ta nhờ vào lưỡi dao sắc của ngươi để giết hắn. Vào canh ba đêm nay hãy kết liễu đời hắn, rồi vứt xác hắn ra ngoài đồng hoang. Phải làm cho thật mau lẹ gọn gàng, xong việc ta sẽ thưởng cho các ngươi hai mươi lạng bạc, và sau này ta sẽ cất nhắc các ngươi. Các ngươi có muốn làm việc này không?
Hai tên đầy tớ vui vẻ đáp:
- Xin ngài cứ ngủ ngon. Việc khác chúng con không làm được chứ việc này là việc vặt, có đáng gì. Xin hứa với ngài sẽ làm êm ru.
Phúc Đạt rất mừng. Hai người cũng hớn hở bước ra, định nửa đêm hành sự.
Tiết Lương ăn cơm tối xong, ngồi một lúc lâu mới đóng cửa thư phòng, lên giường nằm nghỉ. Tự nhiên Tiết Lương thấy đau bụng, định tìm chỗ vắng đại tiện, bèn ra khỏi thư phòng. Đêm ấy ánh trăng lờ mờ, thấy mé nhà có một lối đi nhỏ, Tiết Lương lẻn ra xem chuồng ngựa chỗ nào, nhưng đây là một khu đất trống. Định ra đó thì bỗng nghe thấy bên kia tường có tiếng thì thào. Một người nói:
- Vì sao ông lớn lại định giết người ở thư phòng?
- Anh không nghe ông lớn nói, - người kia nói, - người ấy là kẻ thù của ông lớn ư?
Tiết Lương nghe thấy rụng rời chân tay, ngay đi đồng cũng không kịp, nghĩ: “Không ngờ tên giặc ấy lại lòng lang dạ sói như thế! Nếu chậm chút nữa thì tính mạng mình sẽ đi đời, phải chạy trốn ngay mới là thượng sách". Tiết Lương rón rén bước qua chuồng ngựa, thấy có bức tường đất, tìm chỗ thấp leo qua. Rất may bên ngoài lại là đường cái thông đi các ngã. Tiết Lương chạy thục mạng, không biết đã bao xa.
Đúng lúc ấy Tri phủ Thái Nguyên đi dự tiệc trở về, Tiết Lương nhìn thấy, cắm cổ chạy thẳng vào đường ông lớn đang đi bị quân lính tóm được, hỏi anh là ai. Tiết Lương nghĩ rằng, phải tố cáo Lý Phúc Đạt, nhưng chưa nghĩ ra cách nào, nay lại thấy Tri phủ Thái Nguyên, Tiết Lương xông vào, ra sức kêu oan. Ông lớn quát hỏi:
- Ngươi có việc gì oan khuất mà đêm hôm kêu gào?
- Con gặp nạn phải chạy trốn, có sự việc tày trời muốn cáo giác nhưng người đông không dám nói, xin ngài cho về tư dinh con sẽ mật báo.
Tri phủ cho dẫn anh ta về dinh. Vừa vào cửa, đã cho gọi Tiết Lương vào nhà riêng hỏi tố cáo việc gì. Tiết Lương bẩm rằng:
- Con là người Đại Châu, tên giặc Lý Phúc Đạt là người đồng hương quen biết. Trước đây con nghe hắn trốn đi biệt xứ, hôm qua con gặp Trương Dần, Chỉ huy vệ Thái Nguyên, nhìn kĩ mới nhận ra hắn chính là Lý Phúc Đạt. Vì con đến thăm, Phúc Đạt dặn con không được nói ra, giữ con lại qua đêm. Con tưởng hắn tốt, nào ngờ hắn định giết con để bịt đầu mối. Con bỗng nhiên đau bụng ra ngoài tìm chỗ đại tiện, song nghe thấy bên kia đường hai người mưu giết con nói chuyện với nhau. Con đã vượt tường chạy trốn và đến cáo giác với ngài.
Quan Tri phủ nói.
- Tên quan chỉ huy Trương Dần có đúng là Phúc Đạt đổi tên không? Ngươi không được cáo giác bừa.
- Nếu con nhận không đúng thì làm sao con dám tố cáo. - Tiết Lương trả lời.
Quan phủ nghĩ: "Lý Phúc Đạt là tên tội phạm nguy hiểm, hiện các nơi đang truy nã nghiêm ngặt mà vẫn chưa bắt được. Nay hắn thay tên đổi họ, chạy đến đây làm quan. Đã có người tố giác thì nhất định đúng hắn rồi!”. Ngay đêm ấy dẫn người đi báo với Đô viện. Đô viện được tin bèn truyền lệnh cho trung quân đem tiêu binh hiệp đồng với Tri phủ, Tri huyện bắt gian đảng.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết