Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 3 (B)

Một người nhà quê mang một con ngỗng còn sống đi thăm người thân. Anh ta để ngỗng xuống vệ đường đi tiểu tiện. Tên trộm đi tới xách lấy con ngỗng, rồi đem cân. Khi người nhà quê đuổi kịp, hai bên giằng co đánh chửi nhau. Vừa lúc ấy quan Bổ sảnh Hồ Bá Liên đi tới. Mọi người đều thưa lên quan, quan Tổng bổ Hồ nói:
- Ngỗng không nói được, các anh hãy khai xem nó nặng bao nhiêu?
- Bẩm quan, - anh nhà quê nói, - cách đây nửa tháng con cân được bốn cân bảy lạng.
- Bẩm quan, - tên trộm nói, - con ngỗng của con là năm cân ba lạng.
Hồ Bá Liên lấy cân cân thử. Đầu tiên ông đặt quả cân vào chỗ bốn cân bảy lạng, cán cân vọt lên. Ông nhích quả cân đến chỗ năm cân ba lạng, cán cân ngang bằng như mặt nước. Thế là ông ta quở trách người nhà quê nọ, trả ngỗng cho tên trộm. Xử xong ông bỏ đi. Nhưng anh nhà quê quyết không chịu mất ngỗng. Hai bên vẫn giằng co. Đúng lúc đó Cát Công đi tới, hai người ngăn ông lại, quỳ xuống bẩm. Tên trộm bẩm lại quyết án của quan Bổ sảnh, còn người nhà quê chỉ biết khóc lóc kêu xin thảm thiết. Cát Công nghĩ rằng: "Một người thì vô cùng giảo hoạt, một người thì chất phác thật thà. Nếu không phải ngỗng của mình thì tại sao anh ta lại cố công giành lại bằng được như thế?”. Cát Công nói với tên trộm rằng:
- Anh nói đúng trọng lượng con ngỗng thì đương nhiên con ngỗng ấy là của anh rồi. Con ngỗng của anh ăn gì mà béo thế?
- Nó ăn cám. - Tên trộm nói.
- Ngỗng của anh ta rồi. - Cát Công bảo với anh nhà quê. - Nhưng anh thử đoán xem con ngỗng ăn gì.
- Nó ăn thóc. - Anh nhà quê nói.
Cát Công sai người lấy dao mổ diều ngỗng, chỉ thấy diều toàn thóc lép. Cát Công hỏi tên trộm:
- Vì sao trong diều ngỗng chẳng thấy chút cám nào?
Tên trộm khấu đầu nhận tội. Ông sai người đánh cho hắn ba mươi tay thước, cùm một tháng. Hóa ra hắn là Mao Giáp Thủ, một tên trộm nổi tiếng, song không che được mắt Cát Công.
Lại có một lần, tên trộm lọc lõi Hàn Lâm Quỷ, dò la biết được một nhà giàu cưới vợ. Nhân lúc đông người hắn lẻn vào buồng cô dâu, nấp dưới gầm giường. Tối đến, đôi vợ chồng mới cưới đóng cửa đi ngủ. Ở dưới gầm giường, hắn nghe hết cả những chuyện riêng tư thầm kín của đôi vợ chồng. Một lát sau, anh chồng ngủ, ngáy gỗ vang nhà. Tên trộm thấy yên ắng, bèn khẽ sột soạt đánh động thăm dò. Cô dâu mới vẫn còn tỉnh, thấy lạ lại sợ xấu hổ không dám gọi chồng. Tiếng động mỗi lúc một rõ hơn, cô mới lay người chồng dậy, nói:
- Dưới gầm giường có tiếng động.
Tên trộm im thin thít không dám cựa quậy. Anh chồng nói:
- Có thấy gì đâu?
- Hay là đốt đèn soi xem. - Cô vợ nói.
Thế rồi họ gọi người ở đốt đèn. Quả nhiên thấy có người nấp dưới gầm giường, họ gọi người nhà lôi ra, lấy thừng trói lại. Bị đánh túi bụi, tên trộm nghĩ ra một kế, nói:
- Các vị đừng đánh nữa, không phải tôi vô cớ mà đến đây. Chính người vợ mới cưới của anh ấy bảo tôi đến. Cô này ở nhà đã từng ăn nằm với tôi, hẹn tôi đúng vào ngày cưới đến phòng để tiếp tục thú vui xưa và hứa tặng đồ nữ trang cho tôi.
Mọi người nghe xong, toát mồ hôi, hết sức kinh ngạc, bán tín bán nghi, muốn bịt mồm hắn lại, nhưng không được. Trong buồng, cô dâu nghe thấy mặt đỏ bừng, không sao thanh minh được, phải treo cổ tự tử. May mà người chồng cứu được, rồi anh an ủi rằng:
- Em không phải là loại người như thế, nếu chết đi sẽ không rõ trắng đen, em tự vẫn khiến người ta nghĩ, do xấu hổ mà làm thế. Nếu quả là tên trộm ngậm máu phun người, thì nhất định em sẽ được minh oan, qua sự việc vừa rồi anh biết, em là người vô tội.
Cô dâu nghe thấy chồng nói thế, đành nhẫn nhục không tự vẫn nữa. Tuy cả nhà đều cho là tên trộm vu tội, nhưng ngay người ngu đần nhất cũng không thể không ngờ vục: "Không có lửa thì sao có khói. Nếu không chuyện, thì hắn chỉ nhận là ăn cắp. Còn đặt điều cho cô dâu, thì tội càng nặng, gỡ sao nổi". Mọi người thấy thế càng nghi hoặc. Đúng là:
Mẹ Tăng nghe thấy ba lần nói,
Lầm tưởng Tăng Sâm giết chết người.
Hôm sau người ta giải tên trộm lên quan xét xử. Cát Công chưa hỏi, tên trộm đã khai như hắn nói tối qua. Cát Công quát:
- Đêm tối vào nhà người ta không gian dâm thì là đạo tặc, đó là luật pháp đã định. Ngươi đã nhận là gian dâm, thì không phải là tội nặng. Chờ bắt người đàn bà kia tới, sẽ định tội.
Rồi ông cho hắn vào nhà giam. Cát Công rời khỏi công đường. Đến canh hai, ông bí mật gọi một người lính lệ thì thầm với anh ta một hồi... rồi ông lập tức ra sau nhà gọi một cô gái ăn mặc thật đẹp, giao cho viên lính lệ. Thế rồi ông lên công đường bắt tên phạm nhân quỳ trước mặt, và cho gọi cô gái vào, cũng bắt quỳ xuống. Cát Công nói:
- Việc gian dâm chưa có chứng cớ, nay đã bắt người đàn bà này tới, hai người phải nói thẳng ra với nhau, thì sẽ miễn tội.
Người đàn bà tỏ vẻ xấu hổ, ấp a ấp úng, hồi lâu mới nói:
- Con là phận gái luôn giữ mình, làm gì có việc đó, song chỉ thương cho con oan khuất mà không sao minh oan được!
Tên trộm len lén nhìn qua ánh đèn, thấy một người con gái dáng vẻ lả lướt, bèn dùng những câu thô bỉ nói xấu cô:
- Tôi đã ăn nằm với cô mấy lần, chính mồm cô bảo tôi rằng, đến hôm cưới, thừa lúc đông người, trốn vào gầm giường trong buồng, rồi cô sẽ tặng cho những đồ trang sức bằng vàng, sao bây giờ cô lại chối phắt đi như thế?
- Tội gian dâm đã quá rõ ràng. - Cát Công nói.
Ông bảo tên trộm quỳ xuống bên cạnh cô gái, để trực tiếp đối chất Tên trộm quỳ sát vào cô gái nói:
- Cô với tôi gắn bó khăng khít, đã thông dâm với nhau nhiều lần. Cô đã bảo tôi như thế, vậy mà bây giờ cô lại không chịu nhận, cô đã hại tôi, bắt tôi phải nhận là tên ăn trộm, tôi dù có chết cũng không tha cô.
Người con gái một mực kêu oan. Cát Công bảo tên trộm rằng:
- Nhất định anh đã thông dâm với người khác rồi, còn cô gái này chắc là vô can.
- Bẩm quan, - tên trộm nói, - quả là cô ta thông dâm với con từ lâu rồi. Con thông thuộc tiếng nói và nét mặt của cô ta, đúng là cô ta chứ không phải ai.
- Có thật đúng như thế không? - Cát Công hỏi.
- Đúng, đúng, đúng ạ, bẩm quan đèn trời soi xét. - Tên trộm nói.
Cát Công sai người kẹp tên trộm lại, tên trộm vẫn không chịu nhận. Cát Công cười ha hả nói:
- Ngươi có còn nói ngươi đã thông dâm với người ấy nữa không? Đây chính là người gái hầu trong nha môn của ta.
Ông bảo cô gái hầu đứng dậy, cô gái khúc khích cười rồi đi vào nhà trong. Cát Công nói:
- Ta đã biết ngay mày là tên trộm.
Lúc đó ông lại gọi năm người đầy tớ, dùng gậy đánh chết. Chưa đầy một giờ đồng hồ, tên trộm tắt thở. Đúng là:
Phép quan ba tấc kiếm,
Biển oan rửa sạch làu.
Cha mẹ cô dâu thấy mối nhân duyên lỡ dở, ngay hôm sau đến huyện đường nghe ngóng. Thấy việc chưa giải quyết xong, họ vô cùng buồn bã. Họ không ngờ Cát Công đã vạch trần sự gian dối và xử tử tên trộm. Hai nhà mừng rỡ, chờ khi Cát Công mở cửa công đường, họ đội lễ, thắp hương vào bái tạ.
Các bạn thân mến, tên trộm ấy quả là ghê gớm. Hắn tức giận vì cô dâu ấy đã gọi chồng dậy, nên nảy ra kế hiểm, hại cô. Hắn tưởng rằng sẽ không mang tiếng là đứa ăn trộm, mà lại trả thù được cô dâu. Làm cho hai nhà lâm vào vụ án lớn, khiến cô dâu phải quyên sinh. Song không ngờ, hắn gặp phải Cát Công, mưu trí tài giỏi. Ông không phí đến một tờ giấy, không cần gọi người của hai nhà, mà cô dâu được giải oan. Nếu như gặp một viên quan huyện ngu tối, gọi cô dâu tới công đường thì không biết sự thể sẽ ra sao. Thấy ông trí tuệ khôn lường, chỉ trong phút chốc sự việc được giải quyết, nhân dân cả huyện đều khâm phục sự thông minh sáng suốt của ông. Quả là:
Đục ngầu ta ngỡ mè là chép.
Trong veo, thấy chúng khác hẳn nhau.
Thời gian trôi đi rất nhanh, mới thoáng cái mà đã năm năm. Cát Công nhận được giấy gọi về kinh đô. Đúng hẹn, ông cùng vợ con lên đường. Khi kiệu tới bến đò, thấy một tốp thư sinh nhảy bừa lên thuyền, người chủ thuyền ra sức kêu oan. Vừa lúc đó Cát Công đi tới, ngồi trong kiệu hỏi:
- Có việc gì thế?
- Chúng tôi đi thi, - bọn tú tài nhao nhao nói, - bị chủ thuyền lấy cắp, không liên can gì đến thân hào.
- Ta là Cát Thủy Nguyên, các anh có nhận ra người thân hào này không?
Mọi người thấy đó là Cát Công, cảm thấy nhờn nhợn, mặt nhăn nhó như khỉ ăn gừng. Cát Công gọi chủ thuyền và bọn tú tài tới ngay dịch trạm xét hỏi. Cát Công vừa ngồi xuống, năm anh tú tài thưa:
- Chúng con là khóa sinh đến phủ dự thi, đã thuê chiếc thuyền này để ăn nghỉ. Thừa lúc chúng con đi thi, chủ thuyền lấy trộm hết quần áo tư trang.
- Năm ông này thuê thuyền của con, - chủ thuyền nói. - Họ nói thuê trong một tháng, trả mười lạng bạc. Tính đến nay đã được hai mươi bảy ngày, thế mà các ông ấy bớt của con mất ba lạng.
- Các anh này ở thuyền của anh, - Cát Công nói, - thì anh phải có trách nhiệm coi giữ, nếu để mất thì anh thoái thác sao được. Anh phải hiểu rằng ở thuyền thì một chiếc kim cũng chẳng thể nào lọt được.
- Các ông ấy còn cử hai người ở lại trông coi. - Chủ thuyền nói.
Cát Công không nghe, gọi tay chân cùm chủ thuyền lại. Cát Công lại hỏi những tú tài:
- Các anh có làm đơn kiện không?
- Có. - Bọn tú tài đồng thanh trả lời.
Cát Công bảo họ mang đơn tới, thấy trong đơn liệt kê tất cả quần áo, lò hương, và một chiếc nghiên mực. Cát Công gật gật đầu nói:
- Đã là tú tài thì ta sẽ dạy các anh một bài học.
Lập tức ông gọi dịch phu mang năm chiếc ghế đặt cách xa nhau, và mang nghiên, bút giấy phát cho cả năm người. Ông đuổi hết mọi người ra, rồi ngồi vào giữa. Những tú tài cứ tưởng là làm văn thật, rất muốn trổ tài, lặng lẽ chờ ông ra đề. Cát Công lấy một tờ giấy viết: "Các anh hãy vẽ chiếc nghiên đã mất, không cần phải viết văn cho mệt nhọc". Năm anh tú tài ngồi cách nhau quá xa, không biết vẽ thế nào. Ngồi một lúc lâu, đành phải tự vẽ. Thấy mỗi người vẽ một khác, Cát Công cười phá lên, nói:
- Làm tú tài trước hết phải rèn luyện bản thân, đừng làm trò vô liêm sỉ, táng tận lương tâm. Nếu để bọn các anh chăn dân, thì các anh là lũ tham quan ô lại, bòn rút của dân. Để các anh chấp chính thì sẽ trở thành kẻ phản nghịch lật đổ triều đình. Cớ sao một chiếc nghiên mực mất mà mỗi người vẽ một khác? Ba lạng bạc tiền thuê thuyền chẳng đáng là bao, song thật đáng tiếc, các anh đã làm băng hoại đạo đức.
Năm gã tú tài cứng họng, đưa mắt nhìn nhau, đứa nào mặt cũng vàng như nghệ, không dám ho he. Cát Công bèn cho gọi hai tên gia nhân của bọn tú tài tới bảo:
- Chủ các anh mỗi người đáng chịu mười cái tát, còn các anh, tôi mượn cái mông đít.
Hai người kia ra sức kêu gào xin tha tội, song chẳng ai thương. Họ vẫn phải nhận đủ hai mươi lăm gậy. Năm gã tú tài kia phải khai rõ họ tên, báo lên quan Đề học(1) xử lí. Từ đó tiếng tăm Thủy Nguyên lại càng lan truyền khắp trong triều ngoài nội. Sau vụ xử đó ông lại tiếp tục lên đường về kinh, vừa đúng hạn. Thật là:
Xe loan dừng tại đô đình,
Mà ông vẫn kịp về kinh đúng ngày.
(1) Đề học: quan trông coi việc học hành tại phủ huyện.
Tri huyện Cát trở về kinh đô được thăng lên Lại khoa Cấp sự. Thời ấy hoàng đế Chính Đức rất ngu ngốc. Ông ta làm đủ điều hoang dâm thất đức. Cát Thủy Nguyên dâng sớ thẳng thắn can gián, song vẫn như đá ném ao bèo. Ông nghĩ: "Làm sao gặp được hoàng đế, để nói hết những sai lầm của ông cho hả dạ, xử tử hết những kẻ xu nịnh hoàng thượng, thì dù cho mình thịt nát xương tan cũng cam lòng!".
Một hôm người ta thấy Cát Thủy Nguyên mặc thường phục, đi lang thang trên đường phố. Đang đi ông nhìn thấy một người đội mũ vuông, mặc áo hoa đi ô cầm một tấm thảm, ông lững thững theo sau, thì thấy đó là Mễ Niên người đã từng được ông xem tướng trước đây. Dáng vẻ sang trọng, giống như một người rất đắc ý. Cát Nguyên cứ theo, cho đến khi ông ta vào một kĩ viện. Đây là kĩ viện nổi tiếng nhất thời bấy giờ, gọi là Tiêu Lang viện. Đường vào kĩ viện rất vắng vẻ và ngoắt ngoéo, bên trong thoáng đãng và cực kì tráng lệ. Cát Thủy hỏi thăm rất tỉ mỉ. Thấy người chủ kĩ viện là một cô gái phấn son, tên là Tiết Phượng Nhi. Hoàng đế Chính Đức thường lui tới đây ân ái với nàng và lại biết Mễ Niên là một Giáo phường ti, quyền uy lẫy lùng, miệng thét ra lửa. Trở về nhà, Cát Thủy Nguyên nói với vợ là Thị Cầm rằng:
- Tôi phải đi thăm một người bạn cũ, mấy ngày mới về. Phủ quan có tới, thì bảo là tôi ốm chưa khỏi, không thể tiếp kiến được.
Hôm sau ông sai cấp dưới đến cáo bệnh xin nghỉ. Tối đến ông đội mũ, mặc áo xanh tới Tiêu Lang viện. Tới nơi, ông hỏi:
- Ngài Mễ Niên có ở đây không, nói với ông là có người bạn cũ tới thăm.
Người đó trở vào, lúc sau thấy Mễ Niên cầm hai cây nến đỏ bước ra, vái chào Cát Công rồi hỏi:
- Ngài ở đâu tới, xin ngài cho biết tính danh.
- Trước đây sáu năm, - Thủy Nguyên trả lời, - tôi từng xem tướng cho ngài. Nay ngài vô cùng giàu sang, đã quên tôi rồi ư?
Mễ Niên dơ ngọn nến nhìn kĩ, nói:
- Đúng rồi! Ngài là Cát Tiên sinh ở Giang Tây phải không? Đúng là tôi tốt số. Chẳng giấu gì tiên sinh, từ khi lấy người đàn bà ấy, quả là tôi đã gặp được vận may hiếm có.
Rồi Mễ Niên lại ghé vào tai Cát Công nói:
- Đúng là tôi phải đền đáp lại công ơn của ông, ông đến thật là đúng lúc, thật tuyệt diệu. Tại sao tiên sinh không ở đây hành đạo?
- Chẳng giấu gì ngài, - Cát Công nói, - tôi đang bị người ta kiện, nên trốn tới đây, không tiện xuất đầu lộ diện, muốn giấu mình tại quý viện để lánh nạn. Được nghe hoàng thượng thường tới nhà ông, sao không để tôi nhìn một chút xem ngài như thế nào, đó chính là niềm may mắn của đời người.
- Điều đó có khó gì, - Mễ Niên nói. - Hoàng đế thường cùng với chúng tôi chơi trò phạt rượu(1). Hôm nay là ngày mười ba tháng chín, ngày rằm nếu như có trăng, thế nào hoàng thượng cũng đến. Muốn tới gần, chỉ cần ngài chịu nhận làm người hầu chải đầu sửa móng chân là được.
- Chỉ cốt được gần hoàng đế, thì bất kể làm gì cũng được. - Cát Công nói.
(1) Phạt rượu: một loại trò chơi mua vui khi uống rượu.
Bàn bạc xong, bèn lưu Cát Công ở lại, tạm thời gọi Cát Công là Phúc Man.
Quả nhiên, ngày mười rằm trăng rất sáng, trong kĩ viện nơi nào cũng treo đèn, các loại hương liệu quý hiếm đốt lên thơm lừng. Đêm càng trở nên tĩnh mịch, một đoàn người trong hoàng cung, tiền hô hậu ủng quanh một chiếc xe có rèm, mui xe làm bằng the màu tía đi thẳng vào sảnh đường. Thiên tử từ trong xe bước ra, dáng vẻ oai nghiêm như rồng, như hổ. Hai đứa hầu cầm đèn soi, còn thiên tử một mình đi sau. Mễ Niên quỳ dưới đất, đón vào. Cát Công đứng đằng sau khe cửa nhìn thấy hết, ông nghĩ: "Hoàng đế thật chẳng đúng đắn chút nào, tại sao lại đến mức như thế?". Một lát sau, Mễ Niên tới bảo Cát Công rằng:
- Ngài có thấy hoàng đế không?
- Nhìn rất rõ. - Cát Công nói.
- Ngài có thể tới đứng bên cạnh Lộ đài, phía vườn sau, - Mễ Niên nói, - có cơ hội tôi sẽ gọi vào.
Theo lời Mễ Niên, Cát Công tới Lộ đài, ở đó chỉ có một đôi đèn lồng. Đang chờ ở đó, chợt Cát Công thấy hoàng đế Chính Đức dặn kĩ nữ Tiết Phương Nhi đến. Nàng đi uyển chuyển, nhẹ nhàng như tiên nữ, tới Lộ đài ngắm trăng.
Nhẹ tựa mây vờn lồng bóng nguyệt,
Thường Nga dáng vẻ luống mơ màng.
Trên Lộ đài bày chiếc ghế khảm trai rất rộng, một chiếc bàn bằng gỗ tử đàn, một chiếc đôn sứ. Trên bàn bày lư hương, hộp hương liệu, ấm trà và khay chén. Mễ Niên theo sau, quỳ xuống nói:
- Giáo phường ti Mễ Niên có việc bẩm với hoàng thượng. Thần mới thu nhận được một thằng hầu chải tóc, sửa móng chân, tên là Phúc Man, xin được cho vào hầu hạ.
Phúc Man bước tới cúi đầu, rồi đứng sang một bên. Ngài Chính Đức dặn dò Mễ Niên rằng:
- Sau này phải dặn những người trong viện không được tiết lộ những chuyện hoàng đế đã đến đây chơi, bọn quan lại lắm mồm lại can gián trẫm. Hôm trước có một viên Lại khoa cấp sự tên là Cát Ngu, dâng lên một bản tấu sớ cứ làu bà làu bàu nói trẫm như Kiệt Trụ, can hệ đến xã tắc. Nói về việc trẫm đến hạnh viện, ngay cả Kiệt Trụ cũng không đến mức như thế! Quả là hắn to gan lớn mật, khiến ta vô cùng tức giận. Trẫm phải xử tội hắn. Song các quan trong triều nói rằng hắn là một viên quan thanh liêm bậc nhất, gọi hắn là Cát Chiếu Đản, mọi người ai cũng sợ hắn. Trẫm đành phải tha tội chết cho hắn. Ngày mai trẫm phải đích thân hỏi hắn, rằng hắn thấy trẫm đã hạnh viện ở đâu, để bịt mồm hắn lại.
Cát Thủy Nguyên nghe thấy kinh sợ, lạnh toát mồ hôi. Ông nghĩ: "Ai ngờ rằng hôm nay Cát Nguyên được may mắn, đều do ân đức cao dày của hoàng thượng!”. Ông vô cùng cảm kích, muốn làm việc gì đó, đưa thiên tử khỏi chốn chơi bời, để báo đền công ơn. Đúng là:
Thánh thượng khoan dung người cương trực,
Sao ta dám tiếc vạn ngôn thư.
Một lát sau, đêm khuya, trăng lạnh, ông cầm đèn đưa hoàng thượng về lầu sưởi ấm. Tấm lòng trung nghĩa của Cát Thủy Nguyên bỗng chốc trổi dậy, rồi nhanh chóng nghĩ ra mưu kế. Chờ đêm yên ắng tĩnh mịch, ông tới nhà bếp phóng hỏa. Hôm ấy gió thu đang thổi mạnh, ngọn lửa ngùn ngụt bốc cháy. Cát Thủy Nguyên xông vào phòng sưởi ấm, kêu thất thanh:
- Cháy nhà! Cháy nhà! Nguy cấp! Nguy cấp! Hoàng thượng ngự tại đâu?
Chỉ thấy a hoàn chạy ra khỏi cửa nói:
- Đây! Ở đây!
Cát Thủy Nguyên nhận ra, vội vã cõng vua vượt qua ngọn lửa chạy vọt ra ngoài. Mễ Niên thấy ông cõng hoàng thượng nói:
- Ngài hãy hầu hạ hoàng thượng chu đáo.
Cát Thủy Nguyên vâng dạ. Mọi người vội vàng dập tắt ngọn lửa.
Dặm xa đường thẳm hay ngựa quý,
Năm tháng dài lâu biết lòng người.
Các bạn thân mến, tấm lòng trung nghĩa của Thủy Nguyên, phải nhờ vào tình thế khẩn cấp. Ông cõng hoàng đế Chính Đức về nhà, gọi người mở cửa, mời hoàng đế ngồi vào ghế chính giữa. Một mặt đuổi những người chạy theo về Tiêu Lang viện, báo cho người đến đón hoàng thượng. Chính Đức nói:
- Ngươi là Phúc Man của nhà Mễ Niên ư?
- Thần đội ơn thánh thượng. - Cát Thủy Nguyên cúi đầu nói. - Thần đỗ hoàng giáp tiến sĩ, rồi được bổ làm Lại khoa Cấp sự Thần là Cát Ngu, đội ơn hoàng thượng, đã có tấm lòng nhân từ tha tội chết.
Chính Đức kinh sợ nói:
- Trẫm hỏi ngươi, làm sao mà ngươi lại ở nhà Mễ Niên? - Thần từng nghe, - Cát Nguyên đáp, - hổ không thể xa rời núi, rồng không thể xa rời biển. Thánh thượng là đấng chí tôn, lại hạ mình chơi bời, lửa cháy còn là việc nhỏ, nếu chẳng may xảy ra điều bất trắc, thì ai là người dám chết để bảo vệ bệ hạ? Quả thực thần lo thay cho bệ hạ, nên không sợ mình chịu nhục, vào giáo phòng, thay đổi họ tên để bảo vệ hoàng thượng. Việc xảy ra hôm nay quả thật là một bài học lớn.
Cát Ngu quỳ dưới đất, ra sức can gián, rồi khóc nức nở. Chính Đức bỗng thấy được lòng trung thành của ông, nói:
- Trẫm đã biết được nỗi khổ tâm của ngươi, từ nay về sau trẫm sẽ sửa chữa.
Nói xong, người trong hoàng cung đã tới đón. Hoàng thượng lên chiếc xe rèm tía về cung thì lúc đó đã vào canh năm.
Ngày hôm sau, Chính Đức cất nhắc Cát Ngu lên nhậm chức Đô sát viện. Từ đó về sau, những người có việc làm sai trái, nghe nói đến ông đều phải sợ hãi. Họ nói với người xung quanh rằng: "Nhất thiết đừng để cho Cát Chiếu Đản biết”.
Các bạn thân mến, khi Cát Thủy Nguyên còn làm tú tài, ông luôn giữ tiết tháo thanh cao, khi thi đỗ ông thề rằng: "Nguyện dốc lòng với triều đình, không thể bẻ cong luật pháp". Thờ vua trị dân, rốt cục vẫn không xa rời hai câu ấy. Đó là kẻ sĩ không đánh mất lương tâm. Vợ ông là Thị Cầm sinh được một người con trai, thời trẻ đỗ đầu khoa, làm quan tới chức thượng thư, trở thành một gia đình quan lại thanh liêm ở Dự Chương. Chuyện được ghi lai trong cuốn Cô song thanh dạ lục của Trương Lăng Nhai. Thơ rằng:
Xưa nay vốn vô sự,
Suy Vưu(1) chế ra cung.
Làm quan cần nhân ái.
Phò vua phải hết lòng.
Trời rét hay tùng bách.
Thanh cao biết gỗ đồng.
Tú tài trong thiên hạ.
Chẳng kể cùng hay thông.
(1) Suy Vưu: nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết