Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 11 (B)

Lúc ấy quan huyện cũ mất chức, quan mới tới nhiệm sở là Bạch Lương Ngọc, người huyện Tử Đồng, Tứ Xuyên, xuất thân từ tiến sĩ, nổi tiếng thanh liêm. Lã Quang Minh đệ đơn kêu oan. Bạch Công lấy bản án ra xem, lại xem vết máu trên áo, thấy máu dính đầy, lật xem bên trong, nhiều chỗ ngấm vào trong, còn một số chỗ lại không thấy ngấm vào, tự nhiên ông đập tay xuống bàn nói: "Oan rồi! Nếu người này giết, thì máu phải ngấm vào trong, nhưng tại sao máu lại động lại thành vảy không thấm vào? Đúng là vấp vào xác chết rồi ngã, máu dây vào áo. Vậy thì kẻ nào giết người. Ta phải nghĩ cách thế nào đây?". Nghĩ ngợi mãi, ông mới lệnh cho các bộ phận giúp việc tới cầu Bình An dựng rạp.
Hôm sau, tới cầu Bình An, đã thấy lý trưởng chuẩn bị sẵn cuốc xẻng đứng chờ. Quan nói:
- Không cần phải mở quan tài, chỉ cần chiếc đầu thôi, còn khám nghiệm gì nữa. - Rồi ông hỏi. - Người bị giết chỗ nào?
- Thưa ngài bị giết ở trước miếu Thổ thần, tại đầu cầu. - Lý trưởng nói.
Quan xem xét lại một lần nữa, rồi trở về rạp ngồi, bảo sai nha:
- Đưa Thổ thần lại đây ta xét hỏi.
Mọi người cười rộ lên, nói:
- Thổ thần làm bằng đất, thì tra hỏi làm sao được?
Họ túm đông túm đỏ, xem quan tra hỏi Thổ thần.
Sai nha đành phải mở cửa miếu, khiêng Thổ thần tới đặt trước bàn. Quan hỏi:
- Thổ thần, ngươi to gan thật, ngươi là tai mắt của Thượng đế được nhân dân thờ cúng, khuyến thiện trùng ác, ban phúc giáng họa, cai quản một vùng, bảo vệ nhân dân, tại sao nó giết người, cắt đầu người trước mặt ngươi, mà ngươi không biết. Kẻ nào giết người, hiện nó trốn ở đâu, phải khai thực cho quan huyện biết.
- Thưa ngài, Thổ địa không trả lời. - Sai nha bẩm.
- Ngươi cậy giữ chức quan to, ngạo mạn đối với quan huyện ư? - Quan huyện đùng đùng quát thét. - Quân bây đâu, vả vào mồm Thổ thần bốn mươi cái cho ta.
Thấy thế sai nhân khúc khích cười, quan giận dữ quát:
- Ngươi là đồ chó, cười ta bất tài ư? Hãy quất hắn tám chục roi.
Bọn tay chân quất viên sai nha ấy tám chục roi, rồi đặt ngửa Thổ thần xuống đất, lấy bàn vả bằng da vả bôm bốp vào mặt bốn chục chiếc. Quan nói:
- Ta làm quan ở đây, phải quản dưới sâu ba thước đất, ngươi to gan thật, dám ngạo mạn với ta, hãy khai ra ngay hung thủ, nếu không ta sẽ đánh ngươi tan xác.
Sai nha nói:
- Thần không mở miệng.
Quan liền đập bàn để uy hiếp, rồi hầm hầm đứng dậy nói:
- Gã Thổ thần này quả thực vẫn còn ngoan cố, đánh tiếp tám chục cái nữa!
Sai nha lấy bàn vả giơ thẳng cánh vả thật mạnh, mới đánh được mười chiếc, bỗng nhiên thấy một luồng gió quạt thốc vào trong rạp, xoáy mấy vòng, rồi thổi tạt theo hướng bắc. Quan hỏi:
- Đây là gió gì?
Có người thưa rằng:
- Bây giờ đúng giờ Ngọ, gió nam nổi lên, đó là chính gió nam (chính nam phong, chữ "chính" đồng âm với chữ "trịnh").
Quan lệnh đưa Thổ thần về miếu, sau đó ra lệnh cho sai nha đi bắt Trịnh Nam Phong. Sai nha nói:
- Thưa ngài, gió vô hình vô ảnh, văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, thì bắt làm sao được?
- Các ngươi ngu như lợn, - quan nói, - Ăn bổng lộc của vua, phải báo đền ơn vua. Các ngươi đã làm sai nha cho ta, thì phải nghe ta sai bảo, các người không đi ư? Hạn cho các ngươi nửa tháng phải về bẩm với ta. Rồi ông vứt lệnh xuống đất lên kiệu về nha môn.
Mọi người đều nói:
- Quan quả là người hồ đồ, gió thì bắt làm sao được. Nếu bắt được, thì chúng ta đều phải đi bắt gió.
Sai nha cầm lệnh, rất uất hận, rồi nghĩ: "Đây là quan thấy Thổ thần không nói, cho nên làm ra vẻ như thế để che mắt mọi người, thoát thân cho dễ", và cũng chẳng thèm để ý tới nửa.
Nửa tháng sau quan hỏi sai nha:
- Hôm trước ta lệnh cho các người đi bắt Trịnh Nam Phong, các ngươi đã đi bắt chưa?
- Quả thực chúng con chưa đi. - Sai nha nói.
Quan đùng đùng nổi giận, quát:
- Đồ chó má, tại sao các ngươi lại bê trễ việc công.
Quan lập tức đánh cho mỗi người một ngàn roi, hạn cho nửa tháng nữa, nếu không bắt được sẽ bỏ tù.
Hai người sai nha vô cùng kinh hãi, bàn với nhau rằng:
- Đất này ta không sống nổi, ngài hà khắc như thế thì ta phải chạy trốn thật xa, may ra mới thoát chết. Rồi họ làm một bài theo điệu Liên hoa náo, cầm hai tờ lệnh, đi khắp mọi nơi đóng vai người hát rong để khuyên người đời. Một hôm, họ tới bãi Ngũ Lý, hát rong trên đường để khuyên người ta đừng dâm đãng:
"Trên đời bể khổ rộng mênh mông. Những kẻ dâm đãng bao giờ cũng phải đền tội. Có kẻ phải chết sớm, có kẻ vì thế mà đói rét. Có kẻ bán hết ruộng vườn nhà cửa, cũng có kẻ ngồi tù. Kẻ giàu có mất hết nhà cao cửa rộng, kẻ đỗ đạt bảng vàng bia đá thì mất hết cả thanh danh. Cũng có kẻ vì thế chết tuyệt tự không người thờ cúng, kỹ nữ bôi nhọ thanh danh của tổ tông. Lộc Cứ đang là quan hiển đạt bị mất chức, Lý Đăng vì dâm mà mất chức trạng nguyên. Tịch Giai xem tướng phải đói rét. Đừng bàn tới chuyển phòng the sẽ tăng tuổi thọ. Đường Khanh ra làm quan phạm tội dâm đãng. Cha mơ thấy di họa đến cháu con. Xem ra món nợ ấy, nhất định phải trả. Xa thì con cháu phải vào nhà chứa, gần thì vợ ngủ với trai. Người ta bảo cái tội chơi gái là tội tày đình. Một là làm bại hoại cả thanh danh, hai là bệnh quái ác sẽ nhiễm ngay vào bản thân mình, ba là con cháu sẽ bắt chước mình, bốn là mất tiền bạc. Khi chết đi phải xuống điện Diêm Vương, ôm cột đồng nung đỏ, thịt xương cháy thành than. Đàn ông thì biến thành lợn dẽo, đàn bà thì biến thành lợn sề để đền tội. Tại sao người ta sống trên đời không tính toán, chỉ tặc lưỡi vui sướng chốc lát. Đời trước tu nhân tích đức, mà phút chốc đổ xuống sông xuống biển, ân đức của tổ tiên để lại nay mất sạch sành sanh. Đã mắc phải thì đừng tái phạm, chưa mắc phải thì phải giữ mình. Nay ta khuyên mọi người hãy quay đầu lại. Đánh mất mình thì muôn đời muôn kiếp gặp tai nạn. Hỡi các bậc chính nhân quân tử, hãy nhìn xa trông rộng, hãy bố thí cho vài đồng. Được tiền lộ phí đi điều tra vụ án. Kính chúc các chủ hiệu buôn, tiền vào như nước chảy".
Đang hát thì thấy một người ở cửa hàng đối diện nói:
- Các ngươi đi ăn xin thì cứ đi mà xin, việc gì phải nói lung tung như thế. Nếu gian dâm mà có tội, thì trên đời ai dám gian dâm!
- Tại sao ngươi bảo không phải tội? - Hai sai nha nói. - Ngươi xem từ xưa tới nay, những kẻ dâm đãng đều bị báo ứng.
- Các ngươi nói thối lắm! - Người ấy nói. - Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến nay, ta hoành hành khắp thiên hạ, thấy sắc là thèm, thấy gái là chơi, ta vẫn cứ sống trên cõi đời này mà chẳng thấy báo với bổ gì hết. Các ngươi chỉ là đồ bố láo, đừng nói bậy với ta.
- Đây là chúng tôi tự khuyên mình, - hai sai nha nói, - có liên quan gì đến ông, nếu không lọt tai thì ông đừng nghe nữa.
Rồi người ấy nổi khùng, bước ra khỏi quầy hàng, tống luôn. Một người ở cửa hàng bên vội kéo ra, nói:
- Anh Nam Phong, họ là ăn mày, cần gì anh phải bắt họ nhận lỗi.
Thế rồi anh ta quay vào lấy trong tủ ra cho mấy đồng đưa cho người ăn mày rồi đuổi đi. Người hàng xóm kéo anh ta vào nhà. Sai nha rất phẫn uất, hỏi những người xung quanh:
- Người ấy họ gì? Sao lại tàn ác như thế!
- Anh ta họ Trịnh, - người bên cạnh nói. - Tên là Nam Phong, mới dọn về đây bán thuốc hồi đầu năm. Đó là một tên anh chị nức tiếng một thời.
Hai sai nha bàn nhau rằng: "Ông lớn lệnh cho ta đi bắt Trịnh Nam Phong, nhất định là hắn rồi. Sao chúng ta không bắt hắn giao cho quan lớn".
Quá trưa, hai sai nha thấy Nam Phong đang nói chuyện trong cửa hàng, liền bức vào lấy xích khóa tay. Nam Phong định bỏ đi, một người rút dao ra đánh cho hắn mấy cái sống dao. Nam Phong kêu lên:
- Cướp cướp, đánh cướp làng nước ơi!
Năm sáu người gào thét, xông tới định đánh. Sai nha nói rõ nguyên do, khách hàng cũng đến xem giấy, thấy đúng, mới bảo mọi người dừng tay, để cho sai nha bắt đi. Hai sai nha về huyện bẩm với quan.
Quan lập tức tới công đường hỏi:
- Trịnh Nam Phong, tại sao ngươi giết Quách Ngạn Trân tại cầu Bình An, tới giờ ngươi vẫn không khai thực?
- Thưa ngài - Trịnh Nam Phong nói. - Con sống ở bãi Ngũ Lý, chẳng biết cầu Bình An, và cũng chẳng biết Quách Ngạn Trân là ai thì làm sao con biết chuyện giết người được?
- Ngươi giết Quách Ngạn Trân, - quan nói, - tại cầu Bình An, rồi cắt đầu vứt vào nhà Ngô Đậu Phụ, sao lại bảo là không biết?
- Thưa ngài thật oan cho con quá. - Nam Phong nói. - Con cách đó rất xa, ngay cả việc ấy con cũng chẳng nghe tin, thì làm sao mà biết được.
Trong số sai nhân cũng có người biết hắn, bẩm rằng:
- Chỗ hắn ở trước đây rất gần Quách Ngạn Trân, tới dốc Đại thụ cũng phải qua cầu Bình An.
- Thế thì đúng rồi! - Quan nói. - Rõ ràng là mày, thế mà vẫn còn chối cãi. Các người đâu đánh cho nó tám mươi gậy.
Nam Phong cứ kêu oan, quan lệnh cho sai nha kẹp hắn lại Nam Phong cứng họng, song vẫn không khai, quan lập tức rời khỏi công đường.
Hôm sau đang còn đêm, quan gọi xét hỏi:
- Trịnh Nam Phong, Quách Ngạn Trân đích thực là ngươi giết. Ngươi còn chối quanh làm gì? Ta khuyên ngươi hãy khai ra mau, ta sẽ tha tội.
- Bẩm quan lớn, - Nam Phong nói, - quan lớn cứ một mực bảo con giết, vậy thì ai đã nhìn thấy? Ai là người cáo giác? Nếu cứ hỏi như thế, thì con cũng có thể nói, chính quan lớn là người giết. Nếu quan lớn chịu nhận thì con mới khai.
Quan đùng đùng nổi giận, nói:
- Ta hỏi ngươi tử tế, mà ngươi lại nói bậy, quân bay đâu, đánh cho nó bốn trăm gậy.
Vừa đánh xong, bỗng thấy một luồn gió ào ào thổi tới, đèn phụt tắt, bên ngoài có tiếng cười sằng sặc. Người trong công đường chạy tán loạn. Quan hỏi có việc gì, chỉ thấy một người xách chiếc đầu, tóm chặt lấy Trịnh Nam Phong, vừa kêu vừa khóc, quan sợ hãi, cuống cuồng chui xuống gầm bàn. Lúc ấy Trịnh Nam Phong sợ run như cầy sấy, lại thấy trong công trường không một bóng người, khẽ nói:
- Ngươi đừng bắt ta, đợi vụ án này kết thúc, ta sẽ mở đàn tràng bốn mươi chín ngày, siêu sinh tịnh độ cho oan hồn ngươi.
Quan đứng phắt dậy nói:
- Ngươi nói gì, thằng chó má này to gan thật, thế mà mày còn già mồm, oan hồn đòi mạng mày, mà mày vẫn không khai ư?
Nam Phong thấy không thể thoát được, hắn run như cái giẽ, bèn khai thực từ đầu:
- Bẩm quan lớn, con xin khai đầy đủ. Thưa ngài, đời con là một thằng khốn nạn, chuyên cưỡi ngựa sử dụng đại đao. Kết bè đảng với những tên tàn ác như chó sói, hằng ngày thường lui tới nhà chứa, lừa dối gây tai họa khắp mọi nơi. Thấy đàn bà bèn nghĩ cách chiếm đoạt, tung tiền ra để mua chuộc, không được thì tìm cách đánh lừa. Hôm ấy, con đứng ở dốc núi, thấy một người đàn bà rất đẹp, tuổi trạc hai nhăm hai sáu, tuy áo vải nhưng rất duyên dáng. Con vội đuổi theo, thì đó là con dâu họ Quách. Con hỏi cô đi đâu, cô nói rằng cô đi lấy chồng, mời cô đến tiếp khách. Con cho cô mượn chiếc trâm cài đầu, cô im lặng không nói, rồi cầm lấy cài lên đầu, trông cô rạng rỡ hẳn lên. Thế rồi cô bỏ đi, bỗng thấy cô đánh rơi một chiếc túi, mà không thấy cô quay lại. Con lặng lẽ nhặt lấy giắt vào người. Người đàn bà về nhà thấy mất túi, nước mắt lưng tròng, xin lại thì sợ lỗ vốn, và sẽ bị chồng đánh. Thế rồi cô ấy quay lại tìm nhưng không thấy, sẽ phải treo cổ mà chết. Lúc ấy con mới đến nói thực với cô, đòi cô lấy con thì con mới trả. Hẹn gặp cô lần thứ hai, cô nói rằng chồng cô rất ngang ngược, nếu chồng biết được sẽ đánh cô chết. Nghe thấy cô ấy nói thế con đùng đùng nổi giận, trâm cài đầu giá hơn mười lạng bạc, nếu vào nhà chứa thì sẽ được ngủ nhiều đêm liền tới sáng, hãy tới dốc túi trả nợ cho ta. Trên thế gian này làm gì có thuận lợi như thế. Cô ta nói rằng chồng cô đang ốm, thôi thì hãy chờ chồng cô chết đã. Khi ấy con và cô ấy thường đi lại với nhau và cũng chẳng biết sợ hãi gì. Con nghe thấy cô nói bèn nghĩ bừa rằng, nếu anh ta không chết thì sẽ lỡ mất cơ hội tốt. Quách Ngạn Trân đi buôn, hằng ngày tối mịt mới về. Con cầm dao chờ ở cầu Bình An, tối ấy con đã kết liễu đời anh ta. Cắt đầu thì sẽ không biết người chết là ai. Xác chết ấy không có người thân thì khó kết án. Trước đây con đã ghẹo vợ Ngô Đậu Phụ, bị anh ta dùng dây trói và đánh tho một trận nên thân. Nay nhân cơ hội, bèn vứt đầu vào nhà anh ta, rồi lẻn về nhà trốn. Sau đó nghe thấy Lã Quang Minh mắc tội oan, con rất mừng. Nào có ngờ đâu quan lớn biết được, lệnh cho sai nha đến bắt con. Bị tra khảo, con vô cùng đau đớn, khiến con chết đi sống lại. Đêm ấy, oan hồn đã hiện hình, và nghĩ rằng sẽ không sao thoát được lưới trời, không cách nào khác con đành khai ra thực. Mong ngài tha cho con.
Cung khai xong, quan hạ lệnh giam vào ngục.
Từ khi Trịnh Nam Phong giết Quách Ngạn Trân, đêm nào hắn cũng mơ thấy Quách Ngạn Trân xách đầu đòi đền mạng. Không còn cách nào hắn bèn dọn nhà đến bãi Ngũ Lý. Tên này đã quen thói hung ác, oan hồn không chịu buông tha, cho nên buộc hắn phải lộ họ tên, rồi bị xích tay giải lên huyện. Đến khi oan hồn hiện hình hắn mới chịu khai.
Các bạn thân mến, làm gì có ma hiện hình, mà dù có đi chăng nữa thì cũng là do sợ hãi hoảng hốt mà thôi. Con ma oan nghiệt này là do quan lớn thấy Nam Phong không chịu khai, nên ông đã vờ làm ra thế để dọa hắn. Nào ngờ Nam Phong giết người nên bụng lát dạ, thấy oan hồn nên hắn hoảng sợ đã khai ra sự thực. Lập tức quan cho giam Nam Phong vào nhà giam, lại cho người bắt Diễm Cô tới. Lúc đầu thị không nhận, sau quan quát mắng, lại dùng hình phạt, Diễm Cô sợ quá phải khai thực từ đầu. Quan phán:
- Con này không giữ phép nhà, bỏ nhà đi lung tung, chỉ thích trang điểm, tỏ ra ta đẹp hơn người. Hoàn toàn không biết rằng làm dáng như thế là khiêu dâm, đến nỗi hủy hoại cả danh tiết. Nói một câu mà khiến cho chồng chết. Tội ngươi không thể chối cãi được. Thế rồi quan cho giam ngay Diễm Cô vào ngục, tâu trình vụ án lên cấp trên.
Cấp trên sức giấy về huyện, tha cho Lã Quang Minh, sau đó đao phủ tới, đưa Ngô Đậu Phụ, Trịnh Nam Phong, Diễm Cô tới pháp trường. Ngô Đậu Phụ bị treo cổ; Trịnh Nam Phong bị chém đầu, xác vứt ngoài đồng hoang, đầu bị treo trước cổng thành cho mọi người biết; Diễm Cô bị treo cổ. Trước khi chết, cha mẹ thị là Lạc Niên Phong và Kim thị trông thấy đã hối hận vì trước đây quá nuông chiều, không khuyên răn, dạy bảo con để đến nỗi con phải chết thê thảm. Họ vô cùng đau đớn, mang xác con về an táng. Vợ chồng Niên Phong đau thương quá rồi chết. Sau khi Trịnh Nam Phong chết, vợ hắn bỏ tiền ra mua dâm rồi theo trai chạy trốn. Tên này được tiền rồi bỏ mặc giữa đường, thị đói rét quá rồi chết. Con thị bị người ta nhặt được bán cho nhà chứa nuôi lớn để sau này tiếp khách làng chơi, và rất thạo nghề! Vợ Ngô Đậu Phụ tái giá. Lã Quang Minh trở về, bán hết nhà cửa trả nợ, trở thành kẻ nghèo rớt mồng tơi, phải đi ăn mày. Lão Quách đưa con về quê chôn, nuôi đứa con nhỏ thành người, sau này cuộc sống cũng dư dật.
Xem ra thì, trong thế gian này rượu chè, sắc dục, tiền của, và sự tức giận làm hại người ta không ít. Song thiếu nó cũng không được. Bởi thế Thánh nhân dạy người ta không ngoài chữ "Trung", "Trung" có nghĩa là không thiên lệch. Rượu, sắc đẹp, tiền tài và sự tức giận, phải đạt tới chữ "trung" thì con người sẽ có lợi, quá chữ "trung" thì sẽ có hại. Chúng ta thấy Lã Quang Minh nếu không ham rượu, thì sao mắc oan được; Quách Ngạn Trân trái lời cha, dâm dục, thách đố cha, mặc cho vợ ăn diện, bảo mẹ là lắm mồm để đến nỗi đầu lìa khỏi cổ, đầu một nơi người một nẻo. Trịnh Nam Phong tham sắc, kết cục vợ chạy trốn, con vào nhà chứa, phải phơi thây nơi đồng hoang; gã đồ tể Yến thấy việc vòi tiền, lại vì tiền mà chết; Ngô Đậu Phụ nổi giận giết người, phải chết vì treo cổ, Diễm Cô lười nhác thích ăn diện, bỏ đi lăng nhăng để đến nỗi thất tiết, mất chồng, phải treo cổ nơi pháp trường. Cha mẹ không thấy được lỗi lầm vì mình không dạy con, ngược lại vì con chết, uất ức mà chết. Các bạn hãy trông gương những người ấy mà răn mình, hãy nhìn nhận thật thấu đáo về rượu chè, dâm dục, tiền của và sự tức giận, đừng để nó làm lụy đến thân.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết