Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 13
Thẩm Vấn Chó Sói

Đời lắm kẻ mặt người dạ thú
Cũng có khi mặt thú dạ người
Có đức được đền, oán phải trả
Tự đến pháp đình nghe xét hỏi chẳng sai.
 
Sử Chính Cương người Mậu Châu, xuất thân từ thợ bạc, nhà nghèo. Vì trộn đồng làm bạc giả bán mà trở nên giàu có. Hắn kiếm được bốn trăm quan tiền, mở cửa hàng ở thị trấn, gọi là Minh Nguyệt Lâu. Vì tay nghề giỏi cho nên cửa hàng của Chính Cương rất đông khách. Chính Cương là kẻ gian dối xảo trá, bất hiếu với cha mẹ. Cha nghiện rượu, mỗi ngày uống hai bữa. Có một hôm nhà hết rượu, cha định mang tiền đi mua. Chính Cương chửi:
- Ông chỉ là một gã kiết xác, chẳng có tài cán ý chí gì, chẳng mua cho con cháu được mảnh ruộng nào, nếu ta không kiếm được tiền, thì có mà đi ăn mày. Đã có miếng ăn lại còn đòi rượu.Nếu từ nay trở đi còn như thế thì ngay cơm ta cũng không cho, xem ông làm gì ta.
Thấy cha mẹ già, nước mắt nước mũi lúc nào cũng chảy ròng ròng, hắn không cho cha mẹ ăn cùng. Hằng ngày hắn uống rượu ăn thịt một mình, cha mẹ đi qua đi lại hắn không thèm gọi lấy nửa lời. Vợ hắn là Hồ thị, trước đây do cha mẹ hỏi cho. Người tuy xấu nhưng lại rất hiếu thuận. Hằng ngày chị vẫn lét lút đưa rượu thịt, nên bố mẹ chồng không đến nỗi phải đói rét. Sử Chính Cương không vừa ý, đánh mắng chị suốt ngày, sai khiến như trâu ngựa. Còn hắn thường xuyên đi chơi gái.
Một hôm, hắn đang uống rượu tại nhà chứa. Ô Thất Ma Tử là người hay đâm bị thóc, chọc bị gạo, thấy Sử Chính Cương đang uống rượu ở đó, hắn dùng sống dao đánh và bảo sẽ đi kiện. Sử Chính Cương không còn cách nào đưa cho hắn bốn quan tiền. Về nhà Sử Chính Cương cứ ấm ức mãi. Hắn có một người anh họ tên là Hà Nhị Oa, nghe thấy hắn bị đánh, đến thăm, nói rằng:
- Trên đời này, người nào có tiền của là có thế lực, mềm nắn rắn buông. Có tiền mà không có thế thì lúc nào cũng bị khinh bỉ, ở đâu cũng bị bắt ức. Dù anh có tiền vạn, cũng không bằng người kết nghĩa của chúng tôi.
- Như thế nào mới có thế lực. - Sử Cương nói.
- Anh không thấy anh em giang hồ chúng tôi ư? - Hà Nhị Oa nói. - Lúc thì chơi gái, lúc thì giả làm quan, đêm nay nghỉ nhà này, ngày mai ngủ nhà khác. Không những không chịu nhục, mà không phải tiêu tiền. Há lại như các anh chỉ quanh quẩn ở xó nhà, không đáng mặt chơi. Ra ngoài sống tự do, tiêu tiền không cần tính đếm, lại được đánh chén no say. Hôm nào anh Trịnh sẽ làm việc này, chỉ cần mấy quan tiền, tôi đảm bảo anh sẽ thành bậc anh chị. Chẳng có đứa nào dám động đến mình. Ra khỏi cửa là tha hồ nói năng hoa chân múa tay, đứng trên ghế xưng ông, chửi người. Nếu có việc gì xảy ra, anh em xúm lại nâng đỡ chúc mừng, đông hàng trăm hàng ngàn, muốn đánh thì đánh, muốn giết thì giết. Cái gì mà chẳng làm được!
Sử Chính Cương nghe bùi tai, bỏ ra sáu quan tiền nhập bọn. Thế rồi hắn vênh vang đắc ý, đêm đêm không về nhà.
Một hôm, thấy phố sau có một cô gái rất xinh đẹp, hỏi ra mới biết đó là vợ của Vương Gánh Nước, tên là Trần Thúy Thúy, mới về nhà chồng năm ngoái. Cô là người đẹp nhất thành. Chính Cương muốn ngủ với cô, nên bàn với Hà Nhị Oa. Nhị Oa nói:
- Cô này quen biết Chu Ngũ ở phố Nam, sợ rằng anh không thể động đến cô ta được, tôi khuyên anh hãy thư thư một chút. Anh Chu Ngũ là một tay anh chị nổi tiếng trong thành, ai ai cũng đều ngán. Anh ta là người thét ra lửa, lừa dối trộm cướp giết chóc chẳng từ một việc gì, thẳng ai dám động đến lông chân anh ta.
Sử Chính Cương cũng biết anh ta là tay ghê gớm, khó mà động tới được. Song lúc nào cũng thèm khát Thúy Thúy, cứ đòi Hà Nhị Oa tìm cách. Nhị Oa nói:
- Luật lệ của cánh giang hồ chúng tôi là người dưới phải nghe theo người trên, chỉ cần anh tung tiền ra hối lộ cho ông anh cả. Nếu anh ta đến với anh, thì anh dùng phương pháp cho ăn thả cửa, phải dùng thật nhiều tiền để mua kỹ nữ, thì sợ gì Chu Hổ.
Sử Chính Cương mừng rơn, lệnh cho Nhị Oa mang bốn mươi quan tiền đi các bến tàu tìm kiếm. Nhị Oa nuốt không mười quan. Thế là tìm cho Sử Chính Cương một đại ca mới. Chính Cương khoe khoang khắp thành, làm cỗ mời mọi người. Lập tức bảo Nhị Oa nói rõ với vợ chồng Vương Gánh Nước, mỗi tháng trả hai thùng gạo hai quan tiền. Quần áo, đồ trang sức thì tùy theo sở thích. Từ nay trở đi không cho quan hệ với người ngoài, Thúy Thúy cũng nghe theo. Sử Chính Cương dọn giường chiếu tới, đêm ngày thả sức đi về. Người ta thường nói: "Tiền bạc như quốc bảo, có thể biến xấu thành tốt, nếu không được tiền thì ái ân thành phiền não". Bởi thế Chu Lão Ngũ đi qua nhà, Vương chửi ngay. Chu Lão Ngũ thấy Sử Chính Cương chiếm đoạt kỹ nữ của mình rất phẫn uất, tìm cách gây sự với Chính Cương, song lại sợ không địch nổi, thế là gã mới nảy ra một kế. Thấy Chính Cương uống trà thì trả tiền trà, uống rượu thì trả tiền rượu, nhiều lần như thế Sử Chính Cương cũng không hề nghi hoặc gì.
Cách thành hai mươi dặm, có một cái chợ ở rìa núi, vào ngày mồng ba tháng Ba, mở hội bách hóa, rất đông vui. Sử Chính Cương mang đồ trang sức đi bán, hàng vặt đã bán hết, chỉ còn chín chiếc to chưa bán xong. Bỗng thấy Chu Lão Ngũ đến mời cơm trưa. Sử Chính Cương thối từ. Chu Lão Ngũ cứ năn nỉ mời mọc nói rằng cửa hàng cô Dương đã sắp sẵn rồi. Chính Cương dọn hàng vào bao, tới cửa hàng, thấy thức ăn đã bày sẵn. Chu Lão Ngũ lại gọi ba cô gái họ Dương rót rượu tiếp khách, ân cần mời mọc, lần lượt mang ra tám chín món ăn. Chính Cương nói:
- Tôi làm phiền anh nhiều quá, mà chưa báo đáp được, sao anh lại dở de thịnh soạn thế này.
- Ông anh ơi có gì đâu. - Chu Lão Ngũ nói. - Anh cứ cho em là người tốt là em cảm ơn lắm lắm. Đây chỉ là chuyện vặt chứ có phiền nhiễu gì đâu.
Họ uống với nhau mãi tới tận tối mới chia tay.
Cách thành mười dặm có một người là Kiều Cảnh Tinh, là thầy thuốc nội ngoại khoa rất giỏi, phong hàn, cảm sốt, nhiễm độc sưng tấy, cứ thuốc vào là khỏi ngay. Hơn nữa ông lại có lòng từ thiện, thương người yêu vật. Khi bào chế thuốc không dùng sinh vật. Trị bệnh không mặc cả tiền nong, tính tình ngay thẳng, không kiêu ngạo. Vì chưa gặp vận, nên chỉ đủ ăn mà không tích góp được của cải. Một hôm đi chữa bệnh, trên đường trở về, trời gần tối, đang vượt qua một ngọn núi cao, ông thấy trước mặt, sau lưng có hai con sói cản đường. Cảnh Tinh vô cùng sợ hãi, ngồi tựa vào vách núi. Thấy hai con sói lắc đầu vẫy đuôi mồm ngậm một chiếc túi nhỏ, rồi nhả xuống trước mặt, Kiều Cảnh Tinh đi lên phía trước, quay đầu lại rồi đi tiếp, cứ thế ba bốn lần, Kiều Cảnh Tinh không hiểu được. Thấy dáng vẻ chó sói hiền lành, ông nhặt túi xem, thì bên trong có ba bốn chiếc trâm cài đầu, khoảng hơn một lạng. Ông nghĩ: "Chắc rằng sói mời ta chữa bệnh, đem những thứ này biếu ta đây" . Rồi ông nói:
- Nếu quả là mày mời ta chữa bệnh thì hãy gật đầu ba cái.
Quả nhiên sói gật đầu. Ông Kiều thấy tiến thoái lưỡng nan. Trời lại sắp tối, đành liều mạng phó mặc số phận cho trời, đi theo chó sói. Đi sâu vào núi hai ba dặm, thấy trong hang có một con sói lớn, đầu mọc một chiếc mụn to bằng cái bát, thối khắm, nhung nhúc giòi bọ. Kiều khoét hết chỗ thịt thối rữa, rồi ngậm nước suối phun, rửa sạch mủ, sau đó đắp thuốc. Xong xuôi hai con sói tiễn Kiều về. Chưa được nửa đường, thấy mười mấy con sói vây lấy ông, định cắn. Con sói đi trước bước tới, như nói với chúng. Đàn sói bỏ đi hết. Sói dẫn ông tới dốc núi. Kiều Cảnh Tinh vừa đi vừa nghĩ, rồi luôn miệng nói, "Lạ thật, kỳ lạ thật".
Được gần nửa tháng, nhà hết gạo, mấy hôm ấy lại chẳng có ai mời. Kiều Cảnh Tinh đem đồ trang sức lên thành bán. Đi mấy chỗ mà chẳng có ai mua. ông vào hàng uống trà, đặt đồ trang sức và chiếc túi lên bàn. Bỗng thấy một ông già, quần áo rách rưới, cầm đồ trang sức và chiếc túi lên xem, hỏi:
- Chiếc túi này ông lấy ở đâu?
- Đây là của vợ tôi, - Kiều Cảnh Tinh nói, - nhà hết tiền mang đi bán.
- Ông đánh ở đâu? - ông già hỏi.
- Đây là của hồi môn vợ tôi đem về, tôi không biết vợ tôi đánh ở đâu Kiều Cảnh Tinh nói.
- Thế ông đòi bao nhiêu? - ông già hỏi.
- Một lạng tám, - Cảnh Tinh nói, - lấy ông hai quan bảy là phải rồi.
Ông già cầm lấy đồ trang sức, bảo Kiều Cảnh Tinh đi theo lấy tiền. Đến nha môn, Kiều Cảnh Tinh hỏi:
- Lấy tiền ở đâu?
- Trong nha môn. - ông già nói.
Vừa tới sảnh đường, ông già gào lên kêu oan. Kiều sợ hãi định bỏ đi, ông già giữ chặt lấy. Quan hỏi:
- Việc gì thế?
- Con tôi đi bán hàng một tháng nay mà chưa về. - ông già nói. - tìm mãi vẫn biệt vô âm tín. Nay thấy người này mang hàng của con tôi đi bán. Nhất định là nó đã cướp của giết người rồi. Xin quan lớn soi xét.
Quan bảo sai nha tạm giam, rồi đệ trình đơn. Ông già này là cha Sử Chính Cương. Hôm ấy Sử Chính Cương đi chợ ở chân núi chưa về, ông tới hỏi Vương Gánh Nước, Vương nói rằng đêm qua anh ấy không tới đây. Tới chợ ven núi hỏi, thì người ta bảo đã về lúc chạng vạng tối. Tìm khắp mọi nơi vẫn chẳng thấy tông tích đâu. Cả nhà cuống lên, đi rút thẻ, xem bói đều nói là dữ nhiều lành ít. Chính Cương lại chưa có con cái, nên ông bà già suốt ngày khóc lóc. Hôm ấy lại thấy đồ trang sức của Kiều Cảnh Tinh. Ông nhận được đó là của con mình, cho nên lừa Cảnh Tinh tới nha môn kêu oan. Sai nha giải vào nhà giam, trình đơn lên quan. Kiều Cảnh Tinh như sét đánh ngang tai, sợ run như cầy sấy.
Quan ngồi trên công đường hỏi lão Sử:
- Con ông đi bán hàng chưa về, trâm cài đầu của Kiều Cảnh Tinh, có thể con ông bán mà ông không biết, tại sao lại tố cáo anh ta giết người cướp của?
- Nếu như con con bán, - lão Sử nói, - thì tại sao bán tới một tháng nay chưa về? Hơn nữa, chiếc túi ấy cũng là của con con. Con hỏi rằng nó từ đâu ra, thì anh ta bảo, đây là của hồi môn của vợ anh. Điều ấy thật đáng nghi. Anh ta không giết người cướp của thì ai vào đây nữa.
- Trâm cài đầu của ngươi ở đâu ra? - Quan hỏi Kiều Cảnh Tinh. - Hãy khai thực đi.
Kiều Cảnh Tinh run cầm cập, cúi đầu nói:
- Thưa ngài, đèn trời soi xét, con xin khai rõ từ đầu chí cuối. Từ nhỏ con đã học nội ngoại khoa, đi chữa bệnh cho mọi người. Con chữa bệnh nơi gần cho chí nơi xa. Hôm ấy khám bệnh trở về, đi qua Nam Lĩnh, thấy hai con sói chặn đường phía trước và phía sau, đúng là con tiến thoái lưỡng nan. Sói ngậm một chiếc túi, nhả xuống trước mặt con, rồi lắc đầu vẫy đuôi như mời con.
- Sói là loài thú ăn thịt người, - quan nói, - làm sao mà nó biết mời anh? Lúc ấy anh có đi không?
- Con theo nó vào hang núi, - Cảnh Tinh nói, - thấy một con sói mắc bệnh, đầu nó mọc một chiếc mụn thối khắm. Con cắt hết chỗ thịt thối ứa, rồi rửa sạch, rắc thuốc bột, đắp cao rồi về. Sói tiễn chân con, đi trước dẫn đường, bỗng thấy mười mấy con sói định xông ra ăn thịt con. Hai con sói ấy vào giữa bầy sói, như nói với chúng. Thế rồi bọn sói bỏ đi, con mới về nhà. Mấy hôm sau hết tiền tiêu, lại không có người mời chữa bệnh, con mới đem trâm vào thành bán thì gặp hạn. Lão Sử thấy đồ trang sức sinh lòng tham, vu cho con giết người cướp của. Mong ngài tìm hiểu kỹ, minh oan cho con.
- Thằng chó má này cả gan nói láo. - Quan nói. - Ngươi bảo những chiếc trâm này là do sói tặng, chó sói là dã thú, nói thế là không có chứng cứ, ngươi không lừa dối được ai đâu. Rõ ràng là ngươi thấy của sinh lòng tham, cướp của giết người, sao ngươi không khai thực. Quân bay đâu đánh nó bốn mươi gậy cho ta!
- Trời ơi, bẩm quan lớn. - Cảnh Tinh nói. - Con suốt đòi sống yên phận, thật thà ngay thẳng, chữa bệnh cứu sống nhiều người, chưa từng cướp của giết người, cớ sao lại vu vạ cho con. Đúng là ngài dồn người sống vào chỗ chết.
- Mày không cướp của giết người thì mày lấy đâu ra chiếc túi này? - Quan hỏi.
- Xin ngài đừng lo, - Cảnh Tinh nói, - nó đã biết mời thầy chữa bệnh, dùng bạc để tạ ơn, biết đền ơn, cho nên không thể coi nó như loại sói tầm thường được. Nếu nó thấy con bị oan nhất định nó sẽ tới công đường đối chất, thì lập tức sẽ sáng tỏ, mong ngài tha thứ.
Quan lập tức chuẩn y, lệnh sai nha áp giải Cảnh Tinh tới Nam Lĩnh. Vào hang sói xem, thì chẳng thấy con sói nào, chỉ thấy đống xương khô ngổn ngang trên đống cỏ. Sai nha giận dữ quát:
- Kiều Cảnh Tinh, mày là đồ chó, lừa dối quan, làm chúng ta mất công trèo đèo lội suối, tìm sói của mày. Thế bây giờ sói đâu? Hãy mau gọi nó ra đây. Nếu nó ra thì thôi, nó mà không ra thì mày sẽ no đòn.
Kiều Cảnh Tinh trèo lên núi hướng ra bốn phía gọi, song không thấy đáp lại. Xem ra trời sắp tối rồi, sai nha vừa đi vừa chửi, giơ tay định tống, Kiều Cảnh Tinh cuống lên, nước mắt giàn giụa, khóc kêu trời kêu đất.
“Tìm chó sói, gọi trời xanh, nước mắt như mưa không sao nói được. Nghĩ lại xưa kia ta học nghề y, kỹ thuật không tồi, nửa để tích đức, nửa để kiếm tiền. Trời ơi! Đáng ra phải được quanh năm yên ổn, bốn mùa vô sự, có nhiều khách hàng, mua vườn tậu ruộng. Thế mà tại sao lại làm tôi khốn khổ thế này. Bỗng dưng bị kiện, khiến tôi phải chịu oan khuất. Vì sói mời tôi chữa bệnh, biếu tôi một vài lạng bạc. Về nhà bán bạc chi dùng lại gặp số phận long đong thế này. Lão Sử bảo ta giết con cướp của, kiện lên quan. Ta không nhận, quan rút roi, tay thước cùm kẹp tra khảo ta đủ điều. Ta van nài ngài nhón tay làm phúc, ngài mới bằng lòng cho giải đến đây. Trời đất ơi! Vào hang không thấy sói, tìm khắp mọi nơi, gọi khô cả cổ, từ sáng sớm tới giờ đã gần tối rồi, mà chẳng thấy đâu. Sai nha hằm hằm tức giận, miệng chửi, tay đánh. Đúng là ta chẳng khác nào người trồng hoa mà bị chết oan. Đã gặp khó khăn nay càng khó khăn thêm. Trời ơi! Hay là trước đây ta mắc nhiều tội lỗi, mất hết lương tâm. Suy xét kỹ, bấm đốt ngón tay tính toán, thì chẳng thấy chỗ nào ta làm nên tội. Hay là vì ham làm giàu, coi mạng người như trò đùa, mặc cả trước, thấy nhiều tiền thì bán thuốc tốt, ít tiền thì làm cho bệnh hoạn triền miên kéo dài, bởi thế nên trời giận dữ mà trừng phạt, khiến ta ngã quỵ không sao gượng dậy nổi. Trời ơi, từ nay ta nguyện sẽ phải sửa mình, phải chuyên tâm chữa bệnh cho mọi người, cho dù người ấy có tiền hay không. Trời ơi, trời vòi vọi cao xanh, hãy mở con mắt thần, sai khiến cho sói ra ngay. Lại đi lên phía trước nhìn, hoàn toàn không thấy một con sói nào ở đó. Trời ơi! Sao trời không hiển linh, bắt sói đáp lại nguyện vọng chính đáng của con. Con sẽ giết dê mổ lợn hát xướng cúng thần. Đi vòng vèo thất tha thất thểu tới một hõm núi. Bỗng nhiên gặp vị cứu tinh, nhìn kỹ, thấy con sói vết sẹo chưa lành hẳn. Trời ơi! Sói ơi! Người làm ta thê thảm đến thế này. Ngươi làm ta phải chịu biết bao nỗi giày vò. Ta đã tìm ngươi toát cả mồ hôi, ta đã mỏi mắt trông chờ ngươi. Nếu không tìm thấy ngươi, thì ta phải treo cổ. Mong ngươi đừng nấn ná nữa. Hãy cùng ta đến cửa quan minh oan. Xin ngươi đừng biến ân thành oán. Chỉ một lời nói của ngươi ta được sống. Con người ai cũng giàu lòng nhân ái, loài vật cũng biết kết cỏ(1) ngậm vành(2). Ta đã khóc đứt hơi, khan tiếng, rát cổ miệng khô. Sói ơi, ta thật đáng thương biết bao.”
(1) Kết cỏ (kết thảo): Ngụy Vũ Tử thời Xuân Thu, có một người thiếp Yêu. Khi ốm Ngụy Vũ Tử dặn con trai là Ngụy Khỏa rằng: "Hãy chôn bà theo ta". Ngụy Khỏa cho rằng trước khi chết tâm trí rối loạn, nên không theo lời cha dặn, vẫn để bà tái giá. Sau này khi Ngụy Khỏa giao chiến với quân Tần, đột nhiên có một ông già dùng cỏ tết thành những sợi dây dài, khiến cho tướng Tần là Đỗ Hồi vấp ngã. Ngụy Khỏa thừa cơ bắt sống Đỗ Hồi. Ngay đêm ấy, Ngụy Khỏa nằm mơ thấy một ông già nói với mình: "Ta là cha người đàn bà ngươi đã gả chồng, cứu con gái ta, ta vô cùng biết ơn. Hôm nay trên chiến trường ta đã kết cỏ làm cho Đỗ Hồi vấp ngã, để đền ơn ngươi".
(2) Ngậm vành (hàm hoàn): Tương truyền, lúc lên chín tuổi Dương Bảo thời Hán thấy một con sẻ vàng bị chim ưng mổ, rơi xuống gốc cây. Dương Bảo đem về nuôi, chuyên cho nó ăn hoa cúc. Được hơn một trăm ngày lông sẻ vàng dài ra, rồi bay đi. Đêm hôm ấy có một bé trai mở áo vàng nói với Dương Bảo rằng:"Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, tỏ lòng biết ơn ngươi đã cứu ta, xin biếu ngươi bốn chiếc vòng bạch ngọc (Xem Từ điển điển cố Trung Hoa, NXB' Văn hóa - Thông Tin, H, 2002)
Khóc xong, sói nhảy đến trước mặt Kiều, dùng vuốt quặp chiếc khóa, lôi ra mà không được. Nó quay lại cắn sai nha. Sai nha rút dao định chém, sói tung mình lên mô đất cao, nhìn vào trong núi, tru lên mấy tiếng, sói trên khắp núi lao tới, không sợ dao gậy, xông vào cắn sai nha, quần áo họ rách bươm. Không sao được, sai nha đành van nài Kiều Cảnh Tinh xin sói tha chết cho họ. Lập tức Kiều Cảnh Tinh nói với con sói có vết sẹo rằng:
- Ngươi hãy bảo các con sói kia vào núi đi, đừng cắn người nữa. Nếu cắn chết sai nha thì ta sẽ mắc tội thêm, và ta chỉ có chết mà tôi. Rất mong ngươi nể mặt ta, tha chết cho họ.
Sói gườm gườm nhìn rất lâu, rồi lắc đầu vẫy đuôi với lũ sói kia. Lũ sói lập tức trở về hang. Kiều Cảnh Tinh nói với sói rằng:
- Lần trước ngươi lên mụt nhọt, ta không sợ chết lần vào hang của ngươi, nặn hết mủ lấy hết chất độc và thịt thối rữa cho thịt mới sinh ra. Ta không tiếc thuốc để chữa trị cho ngươi. Số bạc ngươi tạ ơn ta, chẳng biết ngươi lấy ở đâu, khiến ta phải chịu cảnh đánh đập, oán ghét. Đó chỉ là việc nhỏ. Song quan lớn còn bắt ta đền mạng. Ta không giết hại Sử Chính Cương, cũng không biết anh ta sống chết thế nào. Ngươi xem ta phải làm thế nào bây giờ? Thôi thì ngươi hãy đi cùng ta đến gặp quan, nới rõ ta bị oan uổng. Nếu không thì ngươi hãy ăn thịt ta ngay tại đây, để ta khỏi phải chết trong ngục, làm ma quỷ không được sạch sẽ gì. Nghe xong sói hiểu ra, thấy Kiều Cảnh Tinh đi, nó cũng cất bước theo sau.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết