Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 16 (B)

Viên quan huyện ấy qua kiểm tra hằng năm thấy có thiếu sót, nên bị miễn nhiệm. Quan mới được bổ nhiệm họ Lâm, là người yêu thương dân và có tài năng thực sự. Tử Lương đệ đơn kêu oan, vì quan mới được bàn giao, công việc rất bận chưa kịp xét hỏi. Tối mồng sáu tháng Ba, là ngày sinh nhật Tử Lương. Ngũ thị vợ Tử Lương đem hương nến, trầu rượu cùng với cháu là Quế Nguyên tới đền chùa miếu mạo thắp hương, kêu cầu Bồ Tát phù hộ cho chồng thoát nạn. Tới cung Nam Hoa thắp nhang, chưa kịp cúi đầu vái lạy, đã thấy chuột kêu rúc rích trên nóc khám thờ, khiến chị giật mình. Cúng thần xong, Quế Nguyên là đứa táo gan, trèo lên xem, thấy một con chuột chạy ra, bèn bò lên, thấy một bộ quần áo, lôi ra xem, thì đó là quần áo của thầy Lạc. Nó nói:
- Hôm trước thầy mất bộ quần áo này, nhờ hết người này đến người khác đi tìm, sao hôm nay lại thấy ở đây.
- Có đúng là của thầy ấy không? - Ngữ thị hỏi.
- Chiếc áo này cháu biết mà, - Quế Nguyên nói, - tết bằng vải đen, không tin thím cứ đi hỏi chúng nó mà xem.
Lúc ấy bọn học trò nhóc đang chơi trước sân, đều nói là của thầy. Ngữ thị thấy chiếc áo đầy máu đã bị chuột gặm thủng hai lỗ. Chuột đang nhai chiếc áo máu, chợt đốt vàng hương, hơi nóng và khói xông lên, chuột kêu chin chít, chạy tán loạn.
Ngũ thị cầm áo, dặn lũ học trò đừng nói với thầy, về nhà nói với bố mẹ chồng. Bố chồng nói:
- Đúng là người ấy bị thầy giết rồi, xem ra ông ta có tình ý với Bành thị, tới thông dâm, đụng đầu chị Vương Tam, chị kêu lên, nên đã giết đi. Nếu không thì tại sao ông ta nói là phải lòng nhau?
Mọi người đều cho rằng đúng là ông ta giết, không còn nghi ngờ gì nữa. Thế rồi họ lập tức lên huyện cáo giác, và trình chiếc áo máu lên quan làm chứng cứ.
Quan xem xong, lại lấy bản án ra xem, rồi ông so sánh vết máu trên hai chiếc áo, lật xem cả trong ngoài, sau đó ông xem tới con dao. Ông nói:
- Người đàn bà ấy là do người này giết.
- Tại sao ngài biết? - Những người cấp dưới hỏi.
- Chiếc áo trước máu không thấm vào bên trong, chỉ là bôi máu lên mà thôi, dao không có dấu vết, nên biết đó là giả. Còn chiếc áo này máu thấm cả trong lẫn ngoài, thì quả thật người đó giết người rồi.
Những người cấp dưới hết sức bái phục. Quan lập tức lệnh cho sai nha bắt Lạc Tâm Điền. Quan hỏi:
- Ngươi là đồ chó má, tại sao làm thầy mà không giữ pháp luật dám cả gan hành dâm, giết người, việc đã bại lộ mà vẫn không khai?
- Con làm thầy nên luôn giữ gìn đức hạnh, con chưa từng hành dâm, giết người, xin ngài đừng vu tội cho con.
- Đồ chó má, mày đã gian dâm với Bành thị vợ Nghê Trạch Sơn rồi giết chị Vương Tam. Vẫn còn chiếc áo máu, tại sao mày không nhận?
- Mấy hôm trước đây con mất chiếc áo, - Tâm Điền nói, - có thể người khác đã lấy trộm áo, rồi đi giết người cũng nên. Xin ngài xem xét kĩ.
- Mày không lừa dối được ai đâu. - Quan nói. - Áo là của mày, hơn nữa mày còn nói với học trò là "phải lòng nhau”, mày cãi sao được nữa.
- Đó là do con thấy cử chỉ không đẹp nên nói thế, con biết như thế là sai, còn như giết người thì quả thực con không biết.
Quan ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Không có hành động dâm đãng, sao lại nói những lời bậy bạ.
Thế rồi ông lệnh cho bọn tay chân đánh hai trăm roi. Tâm Điền vẫn không nhận. Quan lại kẹp thật đau, Tâm Điền không sao chịu nổi, kêu khóc:
- Ngài kẹp con đau quá, khiến con nuốt nước mắt chịu đựng. Mồ hôi vã ra đầm đìa, toàn thân rát bỏng, đau đớn hơn cả xéo da cắt thịt. Quả thật là tai bay vạ gió, dù có mồm năm miệng người cũng không sao thanh minh được. Con là người có học, tại sao ngài cứ đổ riệt cho con. Con tuy nhát gan, chân yếu tay mềm, song con đọc hết sách Thánh hiền, đêm tối con có ra khỏi cửa đâu mà bảo con giết người.
- Kẻ sĩ vô hạnh thì làm bất cứ điều gì. Quân bay đâu hãy tra khảo nó cho ta. - Quan nói.
- Lại tra khảo thì con đến chết mất. Đánh con đến sống dở chết dở, lục phủ ngũ tạng như thiêu như đốt, đầu như vỡ tung, mắt như lồi ra. Thưa ngài, cách đây mười năm con đã mấy lần thi đỗ. Lòng những mong rằng sẽ được ghi tên trên bảng vàng bia đá, được đỗ hai khoa. Con không thể hủy hoại phẩm giá tự gây nên tội, bỗng dưng xóa bỏ cả công danh của mình. Hơn nữa chị là người hàng xóm có con học hành, lẽ nào lại lòng lang dạ thú, thông dâm với người ta?
- Mày vẫn còn cãi bướng, - quan nói, -. quân bay đâu, hãy tra khảo cho ta.
- Thưa ngày, quả thực là lần này con càng thấy không thể nào chịu đựng nổi. Kẹp con đến nỗi vãi cứt vãi đái, suýt nữa con tắt thở, kết liễu cuộc đời, thế rồi bỗng chốc không biết sao con sống lại. Con nghĩ rằng nhận thì thanh danh mất hết, nếu không nhận thì nhất định cũng phải gặp Diêm vương. Là người có học không thể làm mất thanh danh, dù có chết đi cũng bị người đời vạch mặt chỉ tên. Thôi thì ngài cứ kẹp con tan nát, song việc oan uổng con quyết không nhận, ngài làm gì được con.
- Đồ chó má, quả thục nó không khai thì hãy buông nó ra.
Sau một thời gian quan lại lệnh cho tra khảo.
Lạc Tâm Điền nghĩ: "Lần tra khảo này vô cùng độc ác, tàn nhẫn, chết đi sống lại như thế thì chịu đựng sao nổi. Trước đây ta không nhận quả thực là sai, dù cho có lên trời hay chui xuống đất cũng không sao thoát được. Thôi thì chịu oan khuất, khai ra, sẽ có Quan âm Bồ Tát cứu giúp. Điều này hoàn toàn do mình có ý nghĩ tà dâm nói năng bừa bãi mà gây họa. Thế thì mình chịu đánh đập cùm kẹp, còn trách ai nữa!".
- Hãy khai mau. - Quan quát.
- Thưa ngài, đúng là ngài sáng suốt, quả thật con đã giết người.
- Vậy thì dao mày giấu ở đâu?
- Hôm ấy con hốt hoảng chạy trốn, con đã giấu dao vào hốc đá, con quên mất chỗ rồi.
- Thế thì ngươi với Bành thị đã gian dâm chưa? - Quan hỏi.
- Nói về hành dâm thì đây là lần đầu, nhưng chưa hành sự con chỉ làm bại hoại thanh danh vì đã ăn nói bậy bạ.
Khai xong, bèn cho Tôn Tử Lương ra khỏi ngục, và tha ngay tại chỗ.
Lạc Tâm Điền chưa có vợ, chỉ có một người mẹ đã góa chồng, nghe thấy con mắc oan, vội vã lên huyện. Hỏi thăm đến nhà giam, bọn coi tù cho vào. Thấy con mang xiềng, chân tay bị khóa, không áo quần, đứng dưới hố phân, người teo tóp gầy như que củi, bà kêu lên một tiếng "Con ơi!" rồi ngã vật xuống. Tâm Điền vội vã gọi mẹ, một lúc lâu sau mới tỉnh, khóc rằng:
- Mẹ chỉ khuyên con học hành đỗ đạt cho mẹ mở mày mở mặt, nào ngờ chịu oan vào tù, khiến mẹ không sao tưởng tượng
- Đây là nghiệp oan kiếp trước của con, - Tâm Điền nói, - nên ngày nay mới chịu tội, chỉ nói sai một câu mà dẫn đến tai họa này, nay có hối thì cũng đã muộn rồi.
- Con hãy viết một lá đơn kêu oan để mẹ liều mạng lên trên kháng cáo. - Người mẹ nói.
- Lòng con bây giờ rối như tơ vò, - Tâm Điền nói, - sao có thể viết đơn được. Con nghĩ rằng dù mẹ có kháng cáo lên trên cũng chẳng được nữa.
- Không kháng cáo lên trên, nếu có điều gì bất trắc thì mẹ dựa vào ai.
- Mẹ đừng lo, áo máu tuy là của con nhưng không có hung khí thì vụ án cũng chưa phán quyết được, dần dà tìm cách, sẽ có cơ hội sống được. Hãy đút lót cho người coi ngục thì con mới thoát chết.
Mẹ Tâm Điền nói với họ rất thảm thiết, đút lót cho họ, nhưng họ vẫn không nghe. Tâm Điền bảo mẹ tới nhà Cục Thân. Tuy Tâm Điền nói năng hoạt bát sắc bén, song không có thiếu sót gì lớn những nho sĩ đều nể mặt. Cục Thân thấy được nhờ cậy, bèn bỏ ra một quan tiền đút lót mới xong. Lúc ấy quan đưa Tâm Điền ra truy hỏi con dao dùng để giết người. Tâm Điền cắn răng chịu đựng. Viên quan này là người tài giỏi, lại là người có học, chỉ đánh hai mươi roi để răn dạy, bởi thế mấy lần truy hỏi cũng không đến nỗi phải chịu đòn đau. Tâm Điền nghĩ: "Ta là thầy, mà lại nói những lời bậy bạ, nên gặp phải nỗi oan này, đạo đức tổn thương, danh dự không còn, tiếng tăm mất hết, làm ô uế cửa Khổng sân Trình, quả là tội của kẻ sĩ vậy. Nếu không mau mau hối cải thì e rằng sẽ phải tù mọt gông". Từ đó Tâm Điền lặng lẽ cầu trời khấn Phật: phải sửa sang đức hạnh, chặn đứng ý nghĩ tà dâm, giáo dục nhân tài, thường xuyên hối cải.
Nào ngờ người đã thành tâm thì thần Phật cũng phù hộ, một hôm ngài Lâm đi khám nghiệm thi thể trở về, cách Thái Bình Trường không xa, đường rừng núi hẹp và hiểm trở rất khó đi. Bên đường có một ngôi mộ cổ, kiệu của quan đi quanh co ngoắt ngoéo, qua ngôi mộ cổ, bỗng nhiên trượt chân, phu khiêng kiệu rơi xuống hố, thấy một con dao, người ấy nhặt lên.
Quan hỏi vật gì, phu kiệu giao cho quan. Quan thấy dao có vết máu, lại có chỗ han gỉ, nghĩ rằng Lạc Tâm Điền khai dao giấu ở hốc đá, vậy thì con dao này nhất định là của nó rồi. Trở về nha môn quan gọi Tâm Điền lên hỏi. Tâm Điền vẫn khai như thế. Quan nói:
- Con dao giết người ấy ta đã tìm thấy rồi, giấu ta làm sao được?
Thế rồi ông đưa con dao ấy cho Tâm Điền xem. Tâm Điền nói:
- Con dao này là của người đầu bếp của con.
- Đồ chó, mày đã khai là giấu ở hốc đá, con dao này tìm thấy ở hốc đá, tại sao lại đổ cho đầu bếp?
- Đây là con dao mà nhà bếp thường dùng, học trò đều biết cả. Thực ra con sợ tra tấn mà nhận bừa đó thôi, quần áo con cũng mất. Tấm lòng con quả thật có thiên địa quỷ thần hai vai chứng giám, con hoàn toàn không lừa dối.
- Áo mất từ bao giờ? - Quan hỏi.
- Người đầu bếp giặt quần áo đưa cho con, con gối xuống đầu giường, hôm sau nhà họ Nghê xảy ra án mạng, rồi hai hôm nữa con mới biết, con tìm mãi mà không thấy.
Quan bỗng nhiên hiểu ra nói:
- Vụ án này, ngươi mắc oan rồi, người đầu bếp của ngươi tên là gì?
- Thưa ngài đó là Hà Tứ Ma.
Quan lập tức sai người đi bắt Hà Tứ Ma. Chửi rằng:
- Đồ chó má, hãy khai mau việc mày giết chị Vương Tam.
- Việc giết người, quan hỏi thầy mới biết, chứ con sao mà biết được.
- Đồ chó má, mày lấy trộm áo để đội lốt giết người mà vẫn không nhận ư?
- Thưa ngài, thật là oan cho con, quả tình con không biết.
Quan lệnh mang kẹp ra, kẹp hắn lại. Hà Tứ Ma trông thấy kẹp sợ run cầm cập, nói:
- Thưa ngài, đừng tra tấn nữa, con xin khai.
Thế là hắn khai tỉ mỉ từ đầu:
- Ngài đừng tra khảo, con xin khai tường tận từ đầu. Con là một thằng khốn nạn, nhà nghèo. Năm nay con làm thuê cho lớp học. Mỗi lần ra khỏi cửa, con thấy một người đàn bà rực rỡ. Chị mặc quần áo rất đẹp. Ngày nào con cũng ước mơ. Một hôm con đến nhà xép lấy củi, con nghĩ rằng thầy đã mê người ấy nhất định thầy muốn hái hoa, nếu thầy cùng cô chung chăn gối thì ta sao thưởng thức được niềm khoái lạc. Ta phải ra tay trước, giả danh thầy đến phòng cô, nói là thầy thì hẳn là cô ấy phải kính trọng, chẳng tốn sức mà lại được chung chăn gối. Bỗng nghe thấy chồng cô lên phủ, con lấy trộm quần áo lẻn ra ngoài. Lấy dao nhét vào bụng phòng thân. Vào lúc canh hai, con nhẹ nhàng vọt qua tường. Thấy có người mang đèn đi về phía con, bỗng đèn phụt tắt. Rồi thấy bóng người đàn bà thấp thoáng hiện ra. Con nói Bành thị đẹp quá, rồi chạy tới ôm chầm lấy cô. Người đàn bà cuống lên, định kêu nhưng con bịt chặt lấy mồm không kêu được. Người ấy bóp dái con đau điếng, thế là con đâm chết. Sợ hãi quá con quay đầu chuồn thẳng. Con len lén tới miếu giấu chiếc áo máu trên nóc khám thờ, nghĩ rằng có mà trời biết được. Con dao dính đầy máu, mà đi lại sáng quắc. Sợ người khác biết được, con giấu nó vào ngôi mộ cổ. Ai ngờ kẻ ác, trời không phù hộ. Ngày ngày oan hồn cứ bám riết lấy con. Bị lũ chuột ngầm chỉ cho nhà họ Tôn tìm ra quần áo máu. Thấy thầy mắc oan con yên tâm tưởng rằng thoát khỏi tai vạ. Khi kiệu của ngài đi qua ngôi mộ cổ, phu khiêng kiệu trượt chân ngã, đã vớ được con dao trình lên quan. Bởi thế quan hiểu ra, bắt con lên xét hỏi. Sợ quá, không còn cách nào khác con phải khai ra. Đây là lần đầu con giết người, mong ngài rộng lòng thương, tha cho con.
Khai xong quan Hà Tứ Ma ký tên, tống hắn vào ngục và tha cho Lạc Tâm Điền. Quan nói:
- Vụ án này do lời nói của ngươi mà gây ra oan khuất. Lẽ ra phải đánh để răn đe ngươi, song ta nghĩ rằng trước đây ngươi đã bị tra khảo, cho nên ta tha. Đã là kẻ sĩ không được nói bừa, tuân theo bốn điều đừng làm của Nhan Tử(1). Làm gì cũng phải thận trọng theo lời dạy "tam tư” của Quý Văn(2), Còn như việc dâm dục nhất thiết không được sai phạm. Từ nay về sau phải cải tà quy chính, đừng coi thường thanh danh kẻ sĩ là được.
(1) Nhan Tử Nhan Uyên, học trò của Khổng Tử. Ông nói: "Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động". Đại ý là cái gì không phải là lễ thì đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói, đừng làm.
(2) Quý Văn: là học trò của Khổng Tử. ông nói: "Tam tư nhi hậu hành", có nghĩa là phải suy nghĩ kĩ rồi mới làm.
Tâm Điền cúi đầu nhận lỗi, về nhà tu thân lập chí, nói năng, làm việc thận trọng, hết lòng dạy học. Thường nghiêm ngặt, dạy bảo học trò phải thực hành điều hiếu và bỏ điều dâm. Năm sau ông thi đậu tú tài, về sau được cử làm cống sĩ. Hà Tứ Ma bị giam vào ngục, chịu biết bao cực hình, đao phủ tới chặt đầu trước đông đảo mọi người. Bành thị tuy thích trang điểm, nhưng là người rất hiền thục, kính trọng chồng, cho nên hai lần chịu tiếng oan, nhưng danh tiết vẫn bảo toàn. Về sau Bành thị hối cải, không trang điểm nữa, biết kính trọng yêu quý sách vở và được hưởng hạnh phúc suốt đời. Tôn Tử Lương sửa chửa lỗi lầm giữ gìn bổn phận, về sau cửa nhà khá giả, và suốt đời vẫn là người tốt.
Từ vụ án này ta thấy, lòng người vừa mới nhen lên, thần Phật đã biết ngay. Con người không chỉ gây ra tội ác khó tránh khỏi báo ứng, mà ngay cả một ý nghĩ xấu mới nẩy sinh cũng bị báo ứng. Ngay cả những kẻ mới có ý nghĩ tà dâm nói ra miệng, thì có kẻ nào thoát khỏi tai họa, khổ nhục đâu. Ta mong rằng người đời hãy lấy Tôn Tử Lương, Lạc Tâm Điền làm bài học cho mình.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết