Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 17 (B)

Viên quan này xuất thân từ người có công lao trong chiến trận, chưa từng học hành, tính tình lại hung bạo đa nghi, thích dùng hình phạt. Thấy Tất Đạt nhận minh oan cho Khấu thị, ông ta lại càng nghi gian tình là thực, cho giam hai người vào nhà giam. Cử sai nha đến nhà tìm áo máu.
Từ khi con bị mắc oan, mẹ Tất Đạt khóc lóc suốt đêm ngày, thấy sai nha đòi áo máu, bà nói:
- Quan là cha mẹ của dân, không suy xét thục hư, đánh đập tàn nhẫn để bức cung, coi những người có công danh là kẻ hung ác, không biết lòng dạ ông ta thế nào. Con tôi không giết người thì làm gì có dao?
Sai nha trở về bẩm quan, quan lại lôi Tất Đạt ra tra tấn, cứ dăm ba ngày lại bức cung một lần. Tất Đạt van nài:
- Áo máu mẹ tôi giấu đi, sợ rằng đưa ra tôi phải đền mạng. Ngài hãy lệnh cho sai nha áp giải về nhà thì sẽ có áo máu trình lên quan.
Theo lời quan lệnh bốn sai nha áp giải Tất Đạt về lấy áo. Mẹ con trông thấy nhau khóc như mưa như gió, đứt hơi khan tiếng. Diệp thị nói:
- Con ơi! Tại sao khai ra áo máu!? Con không giết người thì lấy áo máu ở đâu ra?
Tất Đạt khóc lóc nói với mẹ:
- Thấy mẹ con nghẹn ngào không sao nói được. Không cầm nổi nỗi thương tâm, nước mắt con trào ướt đầm vạt áo. Con bất hạnh gặp oan, quan tra hỏi, không khai quan đánh con, máu tươi lênh láng. Ngài lại đánh đập bắt Khấu thị phải khai, dùng kẹp và đinh tre hành hạ, khiến chị chết đi sống lại. Con không nỡ thấy chị chịu oan khuất, hủy hoại danh tiết. Không còn cách nào khác con đành phải nhận con giết Chu Vinh. Quan hỏi dao giết người để kết án. Bởi thế con mới khai ra áo máu để làm bằng chứng. Không có áo máu cứ dăm ba ngày quan lại đánh đập tra khảo con thập tử nhất sinh. Có áo máu thì nhất định con phải đền mạng, không có áo máu thì con cũng chịu cực hình mà chết. Có áo hay không có áo, sớm hay muộn thì cũng chết. Thôi thì chết sớm cho đỡ phải chịu tra tấn cực hình. Nếu không tin thì mẹ hãy nhìn những vết đánh đập trên hai chân con, thịt da tướp hết, lòi cả xương ra.
- Quả là oan nghiệt, quan là kẻ bất lương.
- Ôi đau lòng lắm mẹ ơi. Mẹ nỡ lòng nào để con phải chịu nhục hình. Sao mẹ không đưa áo máu ra để con khỏi phải đau đớn?
- Là mẹ sao lại không đau, nhưng không có áo máu, thì bảo mẹ lấy đâu ra mà nộp.
- Ôi! Đau lòng lắm mẹ ơi! Không có áo máu thì nghĩ cách để có áo máu đem nộp. Con chịu khổ đau lẽ nào mẹ không thương xót.
- Được rồi, con mẹ đừng khóc nữa, mẹ biết rồi.
- Ôi mẹ ơi, từ nay về sau mẹ tha thứ cho đứa con bất hiếu này. Khi mẹ hai năm mươi về già, con không thể mặc áo xô chống gậy, đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Con chết là hồn con về nhà chăm sóc mẹ ngay. Mẹ ơi, mẹ đừng lo nghĩ quá mà tổn hại đến tinh thần, sức khỏe.
Diệp thị làm cơm rượu thết đãi sai nha, bà nghĩ: "Làm thế nào để có áo máu bây giờ? Thấy tình cảnh con như thế, bà đứng ngồi không yên. Không có áo máu khiến ruột gan mẹ như vò xé. Thôi thì cắt đùi mình bôi lên áo, để giải thoát nỗi bức thiết của con". Thế rồi bà lấy chiếc áo cũ, cầm dao ra sau nhà vừa khóc vừa cắt vào chân lấy máu bôi lên áo, rồi hơ vào lửa cho khô giao cho sai nha mang về huyện trình quan. Quan kết án, trình lên cấp trên. Mẹ Văn Tất Đạt ngày ngày tới quán Tam Vương kêu oan, cầu mong thần hiển linh phù hộ. Nhà mẹ chồng Khấu thị đệ đơn kháng cáo lên cấp trên, nói là hung thủ đã khai tự nó giết người, song quan lại tra khảo tàn khốc, vu cho là gian dâm. Quan trên phê chuẩn, lệnh cho quan huyện hãy xem xét kĩ càng rồi tường trình lên. Quan đưa Khấu thị ra xét hỏi. Khấu thị cứ một mực kêu oan. Lại hỏi Tất Đạt, Tất Đạt khai:
- Chị ấy hoàn toàn không có gian tình. Giết chồng mưu lấy vợ người, hoàn toàn là do một mình con.
Quan lập tức tha cho Khấu thị, rồi tường trình lên cấp trên rằng, vì thấy vợ Chu Vinh đẹp định lấy làm vợ mà giết Chu Vinh. Khấu thị được tha rất biết ơn Tất Đạt, đêm đêm cầu trời khấn Phật, mong anh được minh oan thoát khổ.
Viên quan này chuyên dùng cực hình để lấy cung, một phạm nhân quan trọng đã bị ông ta đánh chết, quan trên đòi người, ông ta cứng họng không nói được, bởi thế bị bãi miễn, ngài Tiêu được bổ nhiệm về nhậm chức. Tiêu Công xuất thân từ tiến sĩ, là một vị quan thanh liêm, thương yêu dân. Khi về nhậm chức, mọi người trong huyện đều ra đón. Đang trên đường về nơi chậm chức, cách thành không xa, một con chim khách sà vào trong kiệu, quan giơ tay bắt, nó bay đi, lát sau lại bay tới cứ như thế tới ba bốn lần. Tiêu Công nghĩ: "Chim khách thường sợ người, nay lại thấy chim bay vào kiệu, hẳn là do oan hồn sai khiến”. Rồi ông bảo với chim khách rằng:
- Nếu quả thật có oan tình thì chim hãy bay tới chỗ bị oan, ta sẽ tới khám nghiệm ngay.
Thế là chim khách bay trước dẫn đường. Tiêu Công lệnh khiêng kiệu đưa ông theo sau. Đi tới hai mươi dặm, thấy bên đường có một chiếc giếng, bỗng chim khách bay xuống đó. Tiêu Công lệnh sai nha xuống xem, giếng sâu hun hút nên phải dùng giây thừng buộc vào một chiếc ghế, người ngồi vào ghế rồi từ từ thả xuống. Thấy đây là một chiếc giếng cạn, trong giếng có một chiếc áo và một chiếc quạt lụa. Sai nha đưa lên trình quan. Tiêu Công thấy áo có máu, quạt một mặt vẽ hoa, còn mặt kia có dòng lạc khoản "Lý Văn Ngọc”. Tiêu Công thu lấy áo và quạt về huyện nhận bàn giao, lệnh cho Hình phòng(1) trình hồ sơ vụ án cho ông xem. Đọc tới hồ sơ vụ án Văn Tất Đạt ông thấy nghi hoặc, anh ta là một thư sinh, không có gian tình, tại sao thấy người đẹp, lại giết chồng cướp vợ? Xem biên bản khám nghiệm thì người ấy bị chết do một nhát dao đâm vào ngực, lập tức truyền gọi thân nhân của người đã chết đến. Khấu thị tới công đường, quan cho xem áo. Khấu thị nhận ra nói:
- Chiếc áo này là của chồng con.
(1) Hình phòng: bộ phận theo dõi hồ sơ các vụ án.
Quan cho Khấu thị về, đồng thời cho bắt Lý Văn Ngọc.
Lý Văn Ngọc là bạn học của Tất Đạt. Anh ta cũng hay nói chuyện phòng the, thường hay đùa cợt với Tất Đạt, hay dùng tài ăn nói để đánh cuộc thắng thua. Tới công đường, quan đưa cho anh xem chiếc quạt. Văn Ngọc nói:
- Chiếc quạt này, trước đây con đã đánh mất, không biết nó rơi ở đâu, vì sao nay lại trong tay quan.
Quan chửi:
- Đồ chó, mày đã giết chết Chu Vinh, trời không dung tha, làm mày đánh rơi quạt, nay thấy ta mày không khai ư?
- Thưa ngài, con đi chợ uống rượu say, đánh rơi mất chiếc quạt mấy tháng nay không thấy, chứ con có giết người đâu. Mong ngài soi xét.
- Ta hỏi, ngươi không khai ư?
Thế rồi quan lệnh tát cho bốn mươi cái, Văn Ngọc vẫn một mực kêu oan, nói rằng quả thật con mất quạt.
- Ngươi đánh rơi ở đâu?
- Hôm ấy con uống rượu say, - Văn Ngọc ngẫm nghĩ nói,
- Chắc rằng rơi ngoài phố.
- Căn cứ vào đó ta biết ngay là ngươi lừa dối.
Ông lệnh vả cho bốn mươi cái nữa. Văn Ngọc khóc lóc kêu oan. Quan thấy Văn Ngọc tuy sống phóng khoáng, song dáng vẻ nho nhã, không giống bọn hung ác, bèn cho vào nhà giam, rồi dần dà tìm hiểu ra sự thực.
Văn Ngọc vào nhà giam, đút lót cho bọn coi ngục, gặp Tất Đạt nói rằng:
- Anh gặp vụ án này, lại liên lụy đến em. Hai chúng ta lâu nay không học với nhau, ai ngờ hôm nay lại cùng ngồi tù. Văn chương đã quên mất quá nửa rồi, chúng ta thường chuyện gẫu với nhau anh còn nhớ không?
- Anh và tôi đều gặp oan khuất. - Tất Đạt nói. - Hoàn toàn là do mình nói chuyện phòng the mà sinh ra. Từ nay chúng ta phải sửa chữa nhũng lỗi lầm xưa. Hằng ngày ta hãy ngửa mặt lên trời cầu trời phù hộ cho hai chúng ta được minh oan. Đừng giẫm vào vết xe đổ trước đây nữa.
Văn Ngọc gật đầu. Rồi hai người hướng lên trời cao, hết sức thành khẩn xin sửa chữa lỗi lầm. Em của Văn Ngọc là Văn Hoàn đi khắp nơi dò la xem ai nhặt được quạt. Một hôm có một người thợ hàn nồi tới nhà, nói tới chuyện vì mất chiếc quạt mà anh mắc tội oan. Người thợ hàn nồi nói:
- Hôm ấy tôi thấy Ngũ Hắc Ngưu quạt một chiếc quạt, dòng lạc khoản có đề tên anh anh, hỏi nhặt được chiếc quạt này ở đâu, anh ta nói nhặt được ở cửa hàng.
Văn Hoàn bèn lấy tiền thuê anh thợ hàn nồi làm chứng. Quan hỏi thấy đúng bèn ra lệnh bắt Ngũ Hắc Ngưu tới xét hỏi: Hắc Ngưu không khai. Đánh hắn tám mươi roi, hắn vẫn không nhận. Thấy vẻ mặt hắn hung ác, quan nghi hắn là kẻ sát nhân, lệnh cho quân bay kẹp hắn, song Hắc Ngưu vẫn không khai, lúc ấy hắn nghe văng vẳng bên tai tiếng oan hồn quát: “Khai mau!". Biết rằng không thể chối được, hắn buộc phải khai từ đầu:
- Ngài tra tấn, con không sao chịu nổi, lòng con đau như dao cắt. Ngài hãy tháo kẹp ra, con xin khai để ngài rõ. Từ khi ra đời con sống rất bừa bãi, suốt đêm ngày con ở sòng bạc. Gặp cơn đen vận túng con thua nhẵn túi. Hôm ấy Chu Vinh đi lấy nợ, con nghĩ thế nào anh ta cũng phải về nhà. Rồi con cầm sẵn một dao chờ ở đèo Hoàng Giác. Chu Vinh đi tới, con chém một nhát chết ngay. Rủi thay, trong người anh ta không có một xu, con đành lột áo mang vào thành bán. Đi được mấy dặm, con mới nghĩ ra, trên áo có máu, sợ bị lộ, tiện tay con vứt áo xuống giếng. Nào ngờ chiếc quạt cũng rơi theo. Về nhà, suốt từ hôm đó con vô cùng sợ hãi và lo lắng. Ngài vừa tới nhậm chức, chim khách sà vào kiệu kêu ai oán, chim đã dẫn ngài tới giếng, sai nha tìm thấy áo và quạt nộp cho ngài. Con đã bị ngài bắt về tra khảo cùm kẹp. Quả thực không sao chịu nổi, con đành phải cung khai, xin ngài gia ân tha cho con.
Ngữ Hắc Ngưu vốn là một tên vô lại, không có việc gì xấu mà hắn không làm. Một hôm Hắc Ngưu thua bạc nhẵn túi, thấy Chu Vinh đi lấy nợ về, định giết người cướp của. Hôm ấy thấy trời tối anh định về, song lại gặp một người mời uống rượu, nói là có việc cần, muốn mượn anh số bạc và trả lãi cao. Chu Vinh cho người ấy mượn, rồi uống rượu tới say khướt mới trở về nhà. Có lẽ vì trước đây Chu Vinh là một kẻ ngỗ ngược, bất hiếu, lại hay rượu chè, đến nay những cái xấu đã tích tụ chồng chất cho nên bị Hắc Ngưu giết chết. Mẹ Văn Tất Đạt ngày ngày thành tâm cầu nguyện tại quán Tam Vương, Tất Đạt hằng ngày hết lòng hối cải, bởi thế Tam Vương động lòng, lệnh cho chim khách tới sà vào kiệu. Tiêu Công đã tìm được áo và quạt nên bắt Hắc Ngưu tới truy hỏi. Ngay hôm ấy Hắc Ngưu bị giam vào nhà ngục. Tiêu Công cho gọi Tất Đạt và Văn Ngọc tới. Ngài nói với Tất Đạt rằng:
- Tới nay vụ án đã được sáng tỏ, mới hay ngươi oan uổng. Song vì tìm thấy áo máu nên vụ án này mới tìm ra thủ phạm. Ngươi lại dùng áo máu để tạo ra chứng cứ giả, vậy chiếc áo máu ngươi lấy ở đâu ra?
- Quả thực con không biết, - Tất Đạt nói, - việc này phải hỏi mẹ con mới biết được.
Quan mời mẹ Tất Đạt lên hỏi, mẹ Tất Đạt trả lời:
- Thấy con con chịu nhục hình, con vô cùng đau đớn, nên đã cắt chân lấy máu bôi vào áo.
- Không có áo máu thì vụ án không kết thúc được, - quan nói, - quan có thể hiểu ra nỗi oan mà tha cho. Nay lại nộp áo máu, há chẳng phải làm cho con chết nhanh ư?
- Chịu oan mà chết, chỉ đau một nhát dao thôi, - mẹ Tất Đạt nói, - còn tra khảo để bức cung chết đi sống lại, hết khổ này đến khổ khác, cho nên nhanh còn hơn chậm.
Nhân đó bà vén áo cho quan xem. Quan thấy vết dao cắt nói:
- Ôi người cai trị dân xử án không thể không thận trọng, nếu lạm dụng hình phạt thì án oan sẽ chồng chất, còn dân, tiếc rằng họ không thể làm gì được.
Ông lại hỏi mẹ Văn Tất Đạt đã ở vậy từ khi nào.
- Từ khi con hai mươi hai tuổi. - Mẹ Tất Đạt nói.
- Bà cắt thân cứu con, quả là một người mẹ hiền trên thế gian này. Ta sẽ tâu lên cấp trên xin được nêu gương bà. - Ông lại quay sang nói với Tất Đạt. - Ngươi mắc nỗi oan là vì thường ngày hay nói năng bừa bãi. Kẻ sĩ nhất thiết nói năng hay làm gì cần phải thận trọng, như thế mới xứng đáng là học trò của Đức Thánh. Bởi thế người xưa kén rể tất phải chọn người tốt như ngọc trắng. Thế mới biết cái tai hại của lời nói thật là khôn lường. Các ngươi về nhà phải sửa chữa ngay những lầm lỗi trước đây đùng mắc sai phạm nữa.
Sau đó quan tha cho hai người về, lại cho dùng kiệu của mình đưa mẹ Tất Đạt tới tận nhà. Rồi ông cho gọi Uông thị tới mắng:
- Tại sao ngươi bảo Tất Đạt giết người?
- Đó là con nói đùa. - Uông thị nói.
- Đã là nói đùa, tại sao coi đùa là thật, khiến người ta phải chịu oan. Lẽ ra phải trừng trị ngươi, ta thấy ngươi đã già, nên chỉ vả ngươi hai trăm cái.
Thị bị đánh đến nỗi rụng cả răng, mặt mũi sưng húp, trở về nhà không lâu thì chết. Quan tường trình vụ án lên cấp trên. Tới mùa thu thì có trát súc về, chém đầu Ngũ Hắc Ngưu. Văn Tất Đạt, Lý Văn Ngọc trở về sửa chữa lỗi lầm, luôn luôn làm điều thiện, về sau cả hai người đều thành đạt.
Khấu thị vô cùng biết ơn Tất Đạt đã bảo vệ danh tiết cho mình, vì chồng chết không biết nương tựa vào ai, nhờ người mối mang nguyện làm vợ Tất Đạt để báo đền ân đức chàng. Tất Đạt nói:
- Trước đây là nói đùa, nay lại thành sự thật.
Rồi nhờ mối đem sính lễ đến hỏi làm vợ. Từ đó hai người sống rất hòa hợp. Về sau sinh được hai con, một người được cử làm hiếu liêm.
Các bạn thân mến, người ta sống trên đời, vợ chồng phải hòa thuận, dù xấu cũng không nên chê, nói năng phải cẩn thận, đừng đổi trắng thay đen. Hãy trông gương Văn Tất Đạt chê vợ rồi giày vò vợ nói đùa mà chuốc lấy tai vạ, khiến mẹ phải cắt chân, vậy thì có hiếu ở chỗ nào? May mà thấy chim khách rồi tỉnh ngộ, chịu oan nhận tội để bảo toàn danh tiết cho Khấu thị lại biết cải tà quy chính mới được minh oan, thoát nạn. Văn Diệp thị chịu khổ ở vậy thờ chồng nuôi con nên người mới được ân mưa móc vua ban. Khấu thị chịu oan mà không oán hận, suốt đời không quên ơn cứu mạng, cho nên đẻ được con ngoan, hưởng phúc suốt đời. Lý Văn Ngọc nói năng bừa bãi, hay bàn chuyện phòng the, cho nên bị liên lụy. Ngũ Hắc Ngưu cướp của giết người nên bị chém đầu. Uông thị hại người nên chịu tội. Chu Vinh bất hiếu nên hãm hại. Tất cả đều do lưới trời lồng lộng, thưa mà không kẻ nào trốn thoát. Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, quả là đúng thay.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết