Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 20
Vắt Óc Nghĩ Ra Hình Phạt Ác
Mọc Lên Nhọt Độc Chết Thảm Thê

Vùng Hào Châu, An Huy, có một nơi, dân chúng thường đeo bên mình một con dao nhỏ, bất kể thân thích hay bè bạn, nói câu gì trái ý là lôi ngay đao ra. Dân ở đây rất thích đánh nhau. Thường thì khi hai nhà mâu thuẫn nhau, hoặc là hai thị trấn hiềm khích nhau, hai bên bèn tự động đi tụ tập lôi kéo mấy trăm người, hẹn nhau vào một ngày nào đó, đến một nơi nào đó đánh nhau. Đã hẹn rồi thì phải đến. Nếu không đến thì người ta coi người ấy chẳng ra gì, thậm chí người ấy không phải là giống người. Người bị hẹn tuy chẳng có liên quan gì đến mình, nhưng đã nhận lời thì phải liều mạng. Tới ngày hẹn, đợi hai bên đến đủ, thì xông vào đánh nhau. Tuy không có súng ống, hỏa pháo, nhưng dao kiếm, câu liêm đều có cả. Nếu thôn Đông chết năm người, thôn Đoài cũng chết năm người, thì coi như huề, tất cả đều vô sự. Song nếu như thôn Đoài chết nhiều hơn hoặc thôn Đông chết nhiều hơn, thì thôn chết ít bèn họp lại, cử ra mấy người đền mạng để số người chết ngang bằng nhau. Người bị cử cũng hiên ngang như mình đồng da sắt không chau mày không thoái thác. Bởi thế họ đánh nhau rất hung bạo, cứ động một cái là mấy chục người toi mạng.
Làm quan ở vùng này vô cùng khó. Nếu dùng đạo đức lễ nghĩa để cảm hóa, thì hoàn toàn thất bại, cho nên dần dần buộc quan địa phương phải dùng hình phạt hà khắc tàn khốc. Có người xảo quyệt, sau khi nhậm chức, chỉ cần dùng một chút thủ đoạn độc ác, đã làm họ phải khuất phục, không những họ không kêu là quan tàn ác, mà ngược lại họ rất bái phục, ca ngợi là quan tốt. Nếu như ông quan nào nhân hậu một chút, thì họ lại chê là quan tồi. Nhũng án mạng và án trộm cắp ở địa phương tự nhiên tăng vọt, thậm chí khu vực sát cổng thành cũng xảy ra án mạng lớn. Bởi thế, mỗi lần quan địa phương vùng này khuyên cấp trên chọn từ hàng ngũ hậu bổ tìm ra người dũng mãnh, không cần phải trong sạch đứng đắn. Người ấy lại vốn là người hay luồn lọt thích phong chức, tìm đến người có quyền cao chức trọng viết thư tâu trình lên mấy lần, thì mới được gọi tới dinh thự giao việc.
Lần này một vị người Hà Nam tên là Đan Tán Cao, xuất thân từ cống sinh, lên tỉnh chưa đầy một năm thì vừa hay chức quan huyện ấy khuyết và ông ta được chọn vào thay thế. Bởi khi tới tỉnh ông ta có mang một bức thư của vị Quân cơ đại thần, lại có mấy vị hậu bổ tại phủ, đạo khoác lác tâng bốc cho ông ta rằng, ở Phát thẩm cục, ông ta là người thủ đoạn lão luyện, rất giỏi phát hiện kẻ gian. Phiên đài thấy thế rất mừng, bèn trở về Phủ đài yết bảng chọn ngài Đan nhậm chức ở Hào Châu. Gia đình ngài Đan vốn ít người, chỉ có một mình bà lớn, không con cái. Để giảm bớt người đi theo, ngài vẫn để bà lớn ở tỉnh một mình một ngựa tới nhiệm sở. Chưa đầy một ngày thì tới địa giới Hào Châu, thư lại, nha dịch đã có mặt từ sớm đón tiếp. Ngài tới ngay công đường chọn ngày nhận ấn tín.
Đến ngày xử kiện, ngài Đan ngồi giữa công đường nhận đơn xem xét phê chuẩn và bác bỏ. Bỗng ngoài cửa có tiếng gào lên kêu oan, ngài Đan cho gọi vào, hỏi họ tên. Đó là Trương Đại tố cáo Lưu Ngưu Nhi cướp mất quan tiền của mình ngoài phố. Theo Trương Đại nói thì nhà có một người khách đến chơi nên mang một quan tiền lên phố mua chút thức ăn về đãi khách. Vừa tới ngã tư thì bị Lưu Ngưu Nhi giật lấy, bởi thế hai người đánh nhau. Không ngờ Lưu Ngưu Nhi lại kêu oan trước, xin ngài phân xử.
Ngài Đan nghe xong mỉm cười, rồi hỏi Lưu Ngưu Nhi, anh ta nói:
- Con mang tiền đi trả Từ Ngũ. Vừa đi tới ngã tư thì Trương Đại giật lấy bảo là tiền của anh ta, bởi thế cãi nhau. Trương Đại nghèo đói, thấy của tối mắt lại, thật là đáng ghét, xin ngài phân xử.
- Tiền của ngươi lấy ở đâu ra. - Ngài Đan hỏi.
- Hôm qua con bán gạo được một đồng, - Lưu Ngưu Nhi nói..- Hôm nay con tới hiệu tiền Tụ Phong để đổi.
Ngài Đan lại hỏi Trương Đại:
- Tiền của ngươi từ đâu ra?
- Con mở cửa hàng bán bánh rán và bánh trứng gà. - Trương Đại nói. - Hàng bán khá chạy, đây là tiền hằng ngày con bán bánh thu về.
- Bán tiền lẻ, chắc rằng quan tiền này phải tự ngươi xâu?
- Ngài Đan hỏi.
- Vâng, chính tay con xâu tiền ạ!
- Nếu ngươi tự xâu thì tất cả đều phải đủ trăm chứ, hay là xâu thiếu? - Ngài Đan hỏi.
Trương Đại không ngờ quan hỏi như thế, bèn cứng lưỡi, ấp úng mãi mới nói:
- Đủ trăm ạ.
Ngài Đan bảo người cởi quan tiền ra đếm lại một lượt, trong đó có xâu thứ năm và xâu thứ sáu chỉ có chín mươi sáu đồng, các xâu còn lại đều đủ. Ngài Đan bèn gọi người giúp việc mang tiền đến hiệu Tụ Phong đổi.
Một lát sau người đi đổi tiền về, ngài Đan lại bảo cởi tiền ra đếm lại một lần, cũng giống như quan tiền trước chỉ có tám xâu là đủ trăm, còn hai xâu chỉ có chín mươi sáu đồng. Ngài Đan nghiêm sắc mặt, trước hết gọi Lưu Ngưu Nhi nhận lấy quan tiền đó đem xuống rồi đập bàn quát mắng Trương Đại:
- Mày là đồ vô lương tâm, mày cướp tiền của người ta, lại dám kêu oan tại bản huyện. Tội này về tình lí thật khó dung tha, tội mày chưa đáng chết, song một tên điêu oa như mày, pháp luật không thể tha thứ. Hơn nữa ta vừa tới nhậm chức, ngươi đến vu cáo, rõ ràng là ngươi muốn thử tài ta. Ngươi đã thế thì ta cũng cho ngươi trông gương.
Nói rồi ngài nói người trực công đường rằng:
- Hôm trước ta dặn ngươi đóng cái cũi đã xong chưa?
Người trực công đường nói:
- Đã mang tới một chiếc.
- Rất tốt. - Ngài Đan nói.
Sau đó ngài gọi sai nha trực ngày hôm ấy, cho Trương Đại vào cũi đứng. Trương Đại nghe thấy hết sức kinh sợ, khóc lóc van xin:
- Con bỗng chốc ngu tối, từ nay về sau con không dám làm thế nữa, cầu mong ngài gia ân. Con còn vợ và một đàn con dại, con chết, thì cả nhà chết đói, xin ngài hết sức thương tình. Con cầu mong ngài đời đời hiển đạt.
Vừa nói Trương Đạt vừa khóc, rồi cứ đập đầu cồng cộc xuống đất. Ngài Đan như chẳng nghe thấy gì, dùng bút son đánh dấu một chiếc phong bì, rồi thúc Trương Đại bước vào. Trương Đại vẫn đứng đó khóc lóc van xin, sai nha hai bên bèn xông tới lôi Trương Đại. Ngài Đan nói:
- Thật là phiền phức! Dù thế nào cũng cứ lôi nó vào cũi.
Thấy quan không buông tha, sai nha đành phải ra tay, chẳng nói chẳng rằng, cứ lôi bừa nhét vào cũi, độn vào năm viên gạch, toàn thân co dúm lại, chưa đầy một giờ đồng hồ Trương Đại tắt thở. Ngài Đan rời khỏi công đường, ngồi thờ thẫn tại thư phòng, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi rút ra một tờ giấy, vẽ đi vẽ lại dập dập xóa xóa, cuối cùng đã vẽ xong, ngài còn chú thêm một dòng chữ nhỏ, xem lại một lần nữa, ngài cười ha hả rồi sai người đi gọi thợ mộc, thợ rèn tới nha môn. Khi họ tới, ngài Đan đưa bức vẽ cho họ. Thợ mộc phải làm hai tấm ván, chiều dài tương tự bằng thân người, đúng như ngài vẽ không thể nào khác được. Thợ rèn phải rèn năm chiếc đinh to, bốn cái bằng nhau, một cái thật dài và to; một chiếc búa sắt to; ba thanh sắt tròn, một dài hai ngắn, cái ngắn cũng phải dài bốn thước, tiết diện cắt ngang thanh sắt phải to bằng quả trứng gà. Ngài lại cử người giám sát đốc thúc chế tạo gấp. Mọi người không hiểu ngài dùng làm gì, cũng không đám hỏi, chỉ việc tuân lệnh làm ngay. Chưa đầy ba ngày thì làm xong. Ngắm những dụng cụ ấy, ngài Đan rất thích thú, bảo mang vào công đường rồi ngài khăn áo chỉnh tề bước ra, lôi hai tên ăn cắp trong nhà giam tới.
Vốn là vùng Hào Châu cách tỉnh rất xa, những tên trộm bình thường thì ở Hào Châu tự xử lấy, cấp trên không hỏi đến. Nếu theo các châu huyện Nam Hoãn, cứ gọi giải về, thì quan địa phương không có tiền bồi phụ, hơn nữa đọc đường lại sợ xảy ra việc cướp tù. Cho nên những châu huyện Bắc Hoãn không có châu nào huyện nào không có cũi đứng. Lúc ấy ngài cho lôi hai tên tù trộm cắp, đó là phạm nhân trước đây quan tiền nhiệm bắt được chưa xử, giao cho ngài. Ngài gọi tên, cũng chẳng hề hỏi han gì, bèn cho lôi ngay một tên, đặt nằm ngửa trên tấm ván, trước hết dùng bốn chiếc đinh sắt đóng chặt hai chân hai tay. Tên trộm kêu gào, la hét, chửi bới, ngài Đan vẫn cứ lờ như không. Đóng chân tay xong, tên trộm đau đớn không sao chịu nổi, cứ gào lên chửi. Ngài Đan bảo lấy chiếc đinh to, đóng vào đúng tim tên trộm. Bọn sai nha đưa mắt nhìn nhau không dám làm. Ngài Đan đùng đùng nổi giận quát mắng:
- Chúng mày là đồ vô dụng, đồ cơm toi.
Ngài Đan lại lệnh cho hai người đứng ngay bên cạnh phải đóng. Có một người đặt mũi đinh vào buồng tim, song tay run cầm cập không sao giơ nổi búa. Ngài thấy thế đùng đùng nổi giận, lập tức rời khỏi bàn, nhảy xuống, tát hai tên sai nha ngã gục xuống đất, nằm lăn quay bất động. Rồi ngài cúi xuống cầm chiếc búa sắt và đinh sắt, nhằm thẳng vào tim tên trộm, đóng chan chát. Vừa đóng được vài nhát búa, thì thấy một dòng máu nóng phọt ra, phun vào mặt ngài đỏ lòm. Mặt tên trộm trắng bệch như tờ giấy, mắt, tai, mũi, lưỡi đều phun ra máu, rồi chết.
Ngài Đan đóng xong, lại bước lên ghế ngồi, mặt đầy máu cũng không thèm rửa, lại bảo lôi một tên khác ra, cũng để nằm ngửa. Sau đó dùng hai thanh sắt, một thanh đè lên đùi, một thanh đè lên ngực. Khí hai đầu không lưu thông, tích tụ lại ở khoang bụng. Phút chốc, bụng chướng lên, căng phồng như chiếc trống cái. Ngài Đan nói:
- Đã đến lúc rồi, ta ngờ rằng việc này các ngươi cũng không biết làm, đợi ta làm mẫu cho các ngươi xem.
Thế rồi ngài lại rời khỏi chỗ ngồi, cầm thanh sắt dài, giơ thẳng cánh đập trúng bụng tên trộm, nổ đánh bốp một tiếng thật to lục phủ ngũ tạng theo đầu thanh sắt bắn ra tung tóe.
Ngài Đan làm xong hai việc, bảo sai nha rằng:
- Các ngươi hãy bình chọn ra mấy người đi luyện tập ngón nghề này. Nếu lần sau không làm thành thạo, thì tao sẽ đuổi về với mẹ chúng mày.
Nói xong ngài ra khỏi công đường. Người xem hai bên, ít nhất cũng có tới hai, ba trăm, ai ai cũng nghiến răng lè lưỡi lắc đầu, nói:
- Thật là ác độc thật là ác độc. Chúng ta ở đây mấy trăm năm nay, chưa từng thấy viên quan nào tàn ác như thế.
Người thì ta thán, người thì oán hận, rồi lũ lượt ra về. Song những sai nha võ dũng không còn cách nào khác, đành phải cử người ra luyện cách dùng hình phạt ấy. Khó khăn lắm mới cử được một người họ Sử, nhận làm việc ấy.
Ngài Đan đặt tên cho hai loại hình phạt này. Hình phạt đánh vào bụng gọi là "Ba tiên ông vào động", phép đóng đinh gọi là "Ngũ tử đăng khoa" (năm con thi đỗ). Hình phạt "Ngũ tử đăng khoa" chuyên trừng trị trộm cướp, còn "Ba tiên ông vào động", thì không định ra tiêu chuẩn. Hai tên trộm trừng trị lần đầu tiên này không có khổ chủ, hoàn toàn do ngài Đan trừng trị. Vì Hào Châu cách tỉnh rất xa, lại không có tiền lộ phí nên các vụ án oan, không ai tới tỉnh thành cáo giác. Còn như đạo hoặc phủ đều từng nhận lễ vật trong các dịp lễ tết, mừng thọ... nên quan trên cũng không hề quan tâm đến, nếu thấy người kháng cáo, không những không phê chuẩn mà trả về huyện, đã về huyện, thì cầm chắc sẽ chết. Bởi thế ngài Đan mặc ý giải quyết, và đương nhiên ngài Đan cũng không sợ, chỉ có điều khổ dân, họ chẳng khác nào con sâu cái kiến.
Tính ngài Đan hiếu động chứ không hiếu tĩnh, nếu không có việc gì làm ngài không chịu nổi cảnh thanh nhàn. Thường là ngay từ tờ mờ sáng, hoặc tới gần tối, ngài Đan thay quần áo, mang theo một vệ sĩ đi lùng sục khắp mọi ngõ ngách, gặp kẻ nào đánh chửi nhau, bất kể đúng sai, tất cả đều bắt về nha môn, nhẹ thì đứng cũi, nặng thì "Ba tiên ông vào động". Cũng có khi ngài mang gói đồ vứt bừa trên đường rồi nấp một chỗ theo dõi, nếu ai nhặt liền bắt ngay về cho đứng cũi. Trừng trị một lần như thế quả nhiên chưa đầy hai tháng, thì người đi nhường đường nhau, của rơi không ai dám nhặt. Vì bọn trộm cướp ở Hào Châu rất nhiều, nên ngài Đan đề ra kế hoạch rồi ra lệnh cho người đi bắt cứ nửa tháng mà không bắt được một hai tên trộm thì sẽ bắt bổ dịch(1) phải đứng cũi, khép họ vào tội nhận tiền hối lộ rồi tha tội chúng. Bởi thế những bổ dịch này phải thuê rất nhiều người tới các vùng nông thôn bắt bừa, khiến cho gà chó cũng không yên.
(1) Bổ dịch: người thừa hành đi bắt bớ.
Có một người mới được sung vào bổ dịch tên là Hồ Tác, đến cửa hàng đổi tiền Du Phong, thấy một thanh niên đứng trước quầy đổi tiền, ăn mặc rất sang trọng, bê một bao bạc, đặt lên quầy, rút ra hai đồng đổi. Nhà hàng hỏi anh ta bao nhiêu. Anh ta nói:
- Ông cân bao nhiêu thì đổi bấy nhiêu.
Bổ dịch thấy anh ta không giống tên ăn trộm, song lại thấy anh ta có vẻ lúng túng, rất lấy làm lạ, bèn tới vỗ vai anh ta nói:
- Anh bạn vẫn phát tài đấy chứ?
Anh ta quay lại nhìn, mặt đò nhừ, miệng lắp bắp nói không thành tiếng. Bổ dịch càng sinh nghi, bèn chỉ vào bao bạc nói:
- Bao bạc của anh có tất cả bao nhiêu lạng?
Nghe hỏi thế, anh ta ngớ người ra không sao trả lời được.
Thấy thế bổ dịch nghi anh là kẻ gian, bèn lôi đi rồi bảo anh ta ra chỗ khác gặp. Anh ta nói:
- Tôi đang bận việc.
- Bận việc cũng phải đi, - bổ dịch nói, - mà không có việc cũng phải đi.
Rồi vừa nói vừa lôi đi. Người ấy sợ hãi, mặt lúc thì tím tái, lúc thì trắng bệch. Vừa đi qua chỗ rẽ, thì gặp ngay ngài Đan cũng đi dò xét. Từ xa thấy bổ dịch lôi người, ngài bèn gọi ngay tới. Bổ dịch vội vàng nói lại sự nghi ngờ của mình với ngài. Ngài Đan bảo giải ngay về nha môn, rồi lập tức tới công đường. Đầu tiên ngài đập bàn quát:
- Ngươi là tên cầm đầu của bọn nào? Ngươi to gan thật, dám dẫn xác vào đây nộp mạng.
Người ấy hoảng sợ, hai hàm răng va vào nhau cầm cập, giọng run run nói:
- Con là người huyện Thẩm Khâu, Hà Nam, họ Vu. Cậu con họ Vương ở Chu Gia Trang ngoài Cửa Bắc vùng này. Lâu nay con thường đọc sách tại thư phòng, vì thầy cho nghỉ, mẹ con bảo đưa số tiền này cho cậu con. Mẹ con dặn, đi qua thành mua chút gì ăn biếu cậu, cho nên con mới đến hiệu đổi tiền.
- Có tất cả bao nhiêu nén bạc, nặng bao nhiêu, - ngài Đan hỏi - thư mẹ ngươi gửi cho cậu đâu?
Anh họ Vu nói:
- Mẹ con bảo cứ trực tiếp nói với cậu ấy, không phải viết Thư. Bạc là do chính tay mẹ con gói, không bảo với con là bao nhiêu.
- Ngươi là thằng ma mãnh, - ngài Đan nói, - mới một tí tuổi đầu mà đã lọc lõi giảo hoạt! Mẹ ngươi gửi tiền cho cậu mợ ngươi, nếu không viết thư thì cũng phải nói rõ số bạc là bao nhiêu chứ? Cho dù không nói rõ số tiền, thì đã có số bạc lớn gửi cho nhà mẹ, sao lại không đưa vài đồng bạc lẻ cho ngươi mua quà, mà lại bảo ngươi lấy bạc trong bao ra dùng, điều đó thật là vô lí. Ta xem ra ngươi không phải là kẻ cắp mà là tên trùm trộm cắp ngồi đấy mà được chia của và nếu không thì cũng là con cháu của bọn oa trữ của ăn cắp. Tóm lại ngươi là kẻ bất lương. Ngươi không thấy ta phát hiện kẻ gian giỏi như thần thánh sao. Ngươi quả là to gan lớn mật, đã đến đây thì không có ngày về. Ngươi còn trẻ, ta sẽ cho ngươi chết toàn thây.
Nói xong, ngài Đan lật từng trang cuốn sổ ghi cũi đứng, rồi nói:
- Cũi số mười chín vẫn còn để trống, hãy cho hắn vào đó, sau hai ngày mới cho chết.
Anh họ Vu thấy thế kêu khóc thảm thiết:
- Con quả thực là con nhà tử tế, hoàn toàn không phải là trộm cắp. Thưa ngài, ngài cứ để con sống, con chẳng chạy đâu cho thoát. Nếu ngài không tin thì ngài cho người đến trang trại nhà họ Vu ở huyện Khâu hỏi một câu sẽ rõ. Nếu sai xin ngài cứ trừng phạt thật nặng, hoặc ngài cho người đến nhà cậu con hỏi, nếu không có người thân, thì con xin chịu ngài ghép con vào tội ăn cắp
- Đừng có lôi thôi, làm gì phải phí công như thế!
Ngài Đan nói xong, cầm ngay bút son đánh dấu vào chiếc phong bì, bảo người lôi anh họ Vu đi, và đem số bạc ấy nhập kho, lần đầu tiên gã bổ dịch này lập công to. Anh họ Vu vẫn cứ van nài kêu xin, nhưng ngài Đan đã rời khỏi công đường.
Sai nha lôi anh họ Vu đi, anh vẫn kêu khóc thảm thiết, cầu xin mọi người thương xót. Sai nha nói:
- Ngài Đan đã quyết, chúng tôi không thể làm khác được.
- Xin các ông rộng lòng từ bi bác ái, - anh họ Vu nói, - cử một người đến nhà tôi, bảo cha mẹ tôi đến nhận, nhà tôi cũng có chút của cải, nếu các ông đi thì nhất định cha mẹ tôi không dám quên ơn, mà các ông cũng tích đức cho con cháu.
Lúc ấy có một người hầu trong công đường tên là Bạch Lão Tứ, ngẫm nghĩ một lát, thấy anh nói phải, thôi thì thử đi giúp anh xem sao. Nếu đúng, thì may ra có thể được món tiền lớn, nếu sai thì cũng phí một chút công thôi. Thế rồi ông hỏi họ tên, nhà cửa ở đâu, tên cha mẹ là gì rồi vội vã ra đi.
Nhưng sai nha vẫn mở cũi đứng rồi lôi anh họ Vu vào. Vì quan bảo là cho đứng hai ngày, nên họ không kê gạch. Nhà họ Vu cách huyện không đầy bốn mươi dặm, vừa đi vừa về chỉ mất một ngày, nếu đứng cũi hai ngày, thì người nhà sẽ đến kịp. Không ngờ tối hôm ấy, bỗng quan huyện lệnh phải trị anh họ Vu chết ngay. Mọi người chẳng hỏi vì sao, chỉ biết thương anh. Song đây là lệnh quan, không ai dám trái, đành phải theo lệnh kết liễu đời anh.
Nào ngờ vào lúc canh hai, quả nhiên thấy một ông già và Bạch Lão Tứ, mồ hôi đầm đìa lao tới. Sai nha biết ngay đây là cha anh họ Vu. Ông già họ Vu chạy đến chiếc cũi, thấy con mình đã chết, khóc rống lên:
- Cha đến muộn rồi! Cha nghe ông Bạch nói ngày mai con mới chết, không biết tại sao con đã chết rồi.
Mọi người bảo với ông đây là lệnh của ngài Đan. Ông già họ Vu vừa đau đớn, vừa vội vã vừa uất ức, chạy ngay tới cửa công đường, nhặt một thanh gỗ đập thùng thùng vào chiếc trống kêu oan, làm náo động cả công đường. Sai nha ngăn cản cũng không được, đành phải vào bẩm quan, song bên trong ngài đã nghe rõ.
 

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết