Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 20 (B)

Vốn là ngài Đan định cho anh họ Vu đứng cũi hai ngày, để xem anh là người thế nào. Sau khi rời khỏi công đường, thì Tôn Tự Lan một người thầy chính trực có tiếng hiểu biết pháp luật đến xin cho anh. Ngài Đan hứa sẵn sàng tha, song thầy vừa ra khỏi cửa ngài bèn ra lệnh giết chết ngay anh họ Vu. Tính khí của ngài Đan là như vậy, ngài rất không thích người nào đó thọc vào công việc của ngài. Nếu như có người nào đó hỏi, thì bao giờ ngài cũng làm ngược lại. Đúng thì nhất định ngài bảo là sai; rõ ràng là sai, thì ngài cứ khăng khăng là đúng. Bởi thế anh họ Vu bị người thầy nổi tiếng hiểu biết pháp luật giết chết.
Khi nghe thấy bên ngoài đánh trống, ngài Vu lập tức ra công đường. Thấy ông già kêu khóc bước tới, nói:
- Con ta phạm tội gì mà bị người giết chết, người phải đền mạng. Ta không cần cái mạng già này nữa, ta sẽ liều chết với ngươi!
Ngài Đan biết ngay là cha anh họ Vu bèn nói:
- Không cho phép ngươi làm loạn công đường, ngươi nghe ta nói đây. Con ngươi chết rồi, bạc của ngươi vẫn còn đây, ngươi cầm về lo chôn cất.
Lão Vu nghe xong nổi giận lôi đình, gào lên chửi. Ngài Đan cười lạnh lùng, gọi người cùm ông lại, bảo sai nha xem có chiếc cũi nào còn trống thì nhét ông vào cho xong chuyện. Thế rồi ngài Đan lập tức lấy ra một chiếc phong bì viết rằng: "Chẳng coi quan ra gì, kêu gào náo loạn công đường, mắc trọng tội, hãy cho đứng cũi chết để làm gương cho mọi người”, Sai nha lập tức lôi ông đi. Ngài Đan rời khỏi công đường.
Về tới thư phòng, thầy Tôn Tự Lan đã ngồi ở đó, chủ khách chuyện trò một vài câu. Ngài Tôn hỏi người nào đánh trống ngoài đó, ngài Đan nói đó là cha anh họ Vu, rồi nói:
- Không ra tay thì không chịu nổi, thôi thì dứt khoát làm cho tuyệt giống.
Thầy Tôn nghe xong, tức dựng tóc gáy, nghĩ một hồi, rồi khuyên lên mặt bàn một vòng tròn, chặc lưỡi khen:
- Chà chà! Thật là một ý hay, ta không thể không bái phục.
Ngài Đan rất đỗi kinh ngạc, nói:
- Sao thầy lại khen ngợi như thế?
- Hiện ngài ở đây, cách tỉnh rất xa, dù cho hình phạt tàn khốc đến thế nào quan trên cũng không thể biết. Nếu không giết chết lão Vu, nhất định lão ta sẽ kháng cáo lên cấp trên, lúc ấy việc thăng tiến của ngài sẽ rất khó khăn. Bởi thế bây giờ phải bảo toàn công danh của mình, ngoài việc trị tội cho lão Vu chết đi, không còn cách nào khác. Ta tính đã lâu rồi, không ngờ ngài cũng nghĩ như thế, đúng là ý kiến của anh hùng thật giống nhau. Những việc ngài làm trước đây tôi không hiểu được, nay chỉ một việc này tôi có thể đoán ra.
Vừa nói ông vừa khuyên những vòng tròn lên bàn: Thấy thế ngài Đan nói thầm: "Ngươi là một thằng ngu, ngươi nói đã đoán được dụng ý của ta, song ta không để cho ngươi đoán được đâu”. Chuyện phiếm một hồi, thầy Tôn trở về thư phòng. Đúng vào lúc sai nha cho lão Vu vào cũi đứng thì ngài Đan nói:
- Giao số bạc trong kho cho ông ta, rồi thả ông ta ra.
Nghe thấy thế, sai nha hết sức kinh ngạc, không đám nhiều lời sợ ngài Đan sẽ làm trái lại, chỉ biết vội vàng làm theo, thả lão Vu ra khỏi cũi, rồi khuyên giải an ủi ông. Sai nha lấy bạc từ trong kho ra giao cho ông. Chẳng còn cách nào khác, lão Vu lấy một đồng bạc tạ ơn Bạch Lão Tứ, lại mua một cỗ quan tài mỏng, thuê người khiêng con đến một ngôi miếu hoang để tạm, rồi lão Vu về nhà tìm kế khác.
Sau khi việc này xảy ra, mấy ngày sau ngài Đan thấy mệt mỏi. Bà lớn cũng theo đường thủy đến chỗ ông. Bà kể lại chuyện từ ngày tạm xa nhau, và những chuyện nghe thấy dọc đường về những lệnh cấm và những việc làm oai nghiêm ở đây, ngài Đan rất đắc ý.
Mới chỉ mấy tháng, mà ngài đã thi hành biết bao nhiêu vụ án, song cách tra tấn cũ như gậy nhỏ, bàn vả, roi da... ngài không hề dùng đến.
Vào một hôm ngài Đan mừng thọ tuổi bốn mươi, trong nha môn ồn ào náo nhiệt. Bà lớn chuẩn bị riêng một mâm cỗ để tỏ rõ tấm lòng của mình, rồi mời ngài Đan vào nhà trong uống rượu. Bà lớn nói tới chuyện hiện nay chưa có đứa con nào, rồi nhân đó khuyên ngài tu thân tích đức. Nghe thấy vậy ngài Đan rất không vui, đỏ mặt nói:
- Như thế nào mới là tu thân tích đức?
- Như thế nào ư? - Bà lớn nói. - Lẽ nào cứ phải niệm Phật ăn chay. Chẳng hạn như mỗi lần ra công đường là mấy mạng người phải chết. Nếu như họ đáng chết, thì cũng phải theo phép nước, hoặc là chém đầu hoặc treo cổ, thì họ chết cũng không oán. Còn như ông tự tạo ra hình phạt sẽ động đến lòng trời.
- Theo bà, - ngài Đan nói, - ta xử tội cũng là gây ra oan nghiệt ư?
- Xử kiện sao coi là oan nghiệt, có điều mọi việc ông cũng phải biết khoan dung, thì người ta sẽ đội ơn ông. Mới nhậm chức chưa đầy nửa năm, mà nghe nói ông đã bắt đứng cũi chết mất gần hai ngàn người. Lẽ nào trong số hai ngàn ấy, không có một ai chết oan ư? Hơn nữa hình phạt "Ba tiên ông vào động", "Năm con thi đỗ" chỉ nghe nói cũng đã sởn tóc gáy, huống hồ là người trực tiếp chịu hình phạt! Thịt da người ta cũng như mình, có điều cảnh ngộ của mình có khá hơn, mà lại chà đạp họ như con sâu cái kiến, nếu tự vấn lương tâm, mình cũng thấy chẳng an lòng.
Ngài Đan gật gật đầu nói:
- Bà nói chí phải, tôi rất phục bà.
Bà lớn rất hiểu tính khí chồng, không nên nói quá lời, vội vã nói lảng sang chuyện khác.
Sau khi tiệc tan, ngài Đan trở về thư phòng, lấy cuốn danh sách phạm nhân, xem qua một lượt, thấy tất cả còn ba mươi mốt ngươi, bèn lệnh gọi tất cả ra công đường. Phút chốc họ đã có mặt đầy đủ. Ngài Đan mặc thường phục, điểm danh phạm nhân, cho quỳ sang một bên. Sau đó ngài bảo lấy một chiếc thanh la lớn, đứng ngoài cửa khua thật to, nói là ngài Đan lên công đường, ai muốn xem thì cho vào hết không hề ngăn cản. Chỉ chốc lát trong công đường đã có mấy chục người. Ngài Đan nói:
- Các người là những tội phạm, song không đáng tội chết, trong đó phần lớn là trộm vặt, ta không muốn xử tội các ngươi. Vì rằng bà lớn khuyên ta nên tích đức, để mong có con cái, cho nên ta không thể không xét hỏi.
Thấy nói thế những phạm nhân tưởng rằng ngài sắp tha mình, tất cả đều cúi đầu nói:
- Cầu xin ngài gia ân.
- Bây giờ chẳng có gì phải nói, - ngài Đan nói, - ta sẽ đuổi tất cả về nhà các ngươi, đó chính là ta rất thương các ngươi vậy!
Bọn phạm nhân đều kinh hoàng cúi đầu xin tha.
Ngài Đan chẳng nói chẳng rằng, rồi bắt hai mươi bốn người đứng cũi, còn bảy người kia đập vỡ bụng. Bọn sai nha đứng hai bên dạ vang. Bọn tù nhân biết rằng không thể sống được, gào thét chửi bới. Trong phút chốc tiếng sai nha lôi kéo người, tiếng quát thét, tiếng tù nhân chửi bới, tiếng nhục mạ, và tiếng gậy sắt đập vào bụng nổ đôm đốp, náo loạn cả công đường. Song ngài Đan mắt như mù, tai như điếc, chưa đầy vài khắc đã xong xuôi tất cả. Ngài Đan cười ha hả nói:
- Khoái thật, khoái thật!
Ngài Đan rời khỏi công đường, bà lớn biết được, tự oán trách mình:
- Đúng là ta đã hại họ rồi?
Càng nghĩ bà càng đau đớn, khóc lóc suốt đêm. Ngài Đan mặt mày hớn hở như chẳng có việc gì xảy ra, và như ngài chẳng biết gì.
Sau khi xử vụ này, thì nhà tù trống rỗng, người kiện cáo cũng ít đi dần dần đến kì xử kiện chỉ nhận được vài tờ trình, hoặc không có lá đơn nào. Ngài Đan rất khó chịu cảnh vắng vẻ này, ngài bèn gọi một số người đi gây sự quấy nhiễu xóm làng. Dân chúng không sao sống nổi. Tiếng đồn nhanh chóng lan truyền tới tỉnh thành, Phủ Phiên Niết đều ca tụng tài năng chăn dân của ngài: Còn như việc lạm dụng hình phạt giết người, thì chỉ vì dân Hào Châu đáng phải chết như thế. Hơn nữa phủ, đạo đều bị tiền của ngài Đan, sai khiến họ nói với cấp trên. Bởi thế cấp trên có ý định để ngài Đan nhậm chức lâu dài tại Hào Châu. Song bà lớn suốt ngày thấp thỏm lo âu, không sao quyết được, nhân lúc rảnh rỗi bèn nói với ngài Đan rằng, phần mộ ở quê hương lâu ngày không tu sửa, phải về hương khói, đắp điếm phần mộ tổ tiên. Ngài Đan thừa hiểu ý bà lớn, bèn bằng lòng ngay, và nói còn phải tiễn đưa bà. Bà lớn cho rằng đó chỉ là một bữa cơm bình thường mà thôi, ai ngờ lần tiễn chân này xuýt xảy ra to chuyện.
Đêm ấy vào lúc canh hai, ngài Đan mặc thường phục, nai nịt gọn gàng, đeo một con dao bên hông, tay cầm một khẩu súng lục trước hết ngài gọi mấy vệ sĩ tùy thân, đứng đợi phía sau tường, ngài vượt tường ra ngoài. Ngài Đan là người Hà Nam, tuy xuất thân từ con đường thi cử, song ngài cũng có mấy miếng võ. Lần hành động này, ngài không cho những người gác cổng biết. Lúc ấy kể cả ngài Đan là chín người, họ len lỏi qua các đường phố, vừa đi được một đoạn thì thấy cỏ một nhà cửa mở toang, người ra kẻ vào rất nhộn nhịp.
Ngài Đan bèn dẫn người ập vào. Đi vòng vèo, thấy một sảnh đường lớn, có ba gian quay hướng tây, đèn nến sáng choang, chiếc bàn bên trái có bốn người ngồi đánh bài, chiếc bàn bên phải cũng có tới mười mấy người đánh bài xương, dưới hiên còn có mấy người đứng hầu, người thì quạt lò, người thì ngủ gà ngủ gật. Ngài Đan dẫn người xông thẳng vào sảnh đường, người dưới hiên tới hỏi, thì ngài Đan quát thét:
- Hãy khóa tay chúng lại, không cho đứa nào trốn thoát.
Bọn đi theo thét vang tuân lệnh. Thấy bọn người này nai nịt gọn gàng, hông đeo dao, tay lăm lăm súng, người trong nhà tưởng cướp, có người chuồn ra cửa sau, cũng có người bị bắt, tất cả đều run rẩy, kêu:
- Xin đại vương tha chết!
- Nói láo, - ngài Đan nói, - Ai là đại vương! Ta đã nhiều lần cấm cờ bạc, nếu kẻ nào vi phạm sẽ trong trị nghiêm minh, cớ sao các ngươi công nhiên mở toang cửa, tụ tập đánh bạc, các ngươi ghê thật, dám bất chấp pháp luật.
Đang nói thì thấy một ông già đầu râu, tóc bạc bạc tới, cúi chào ngài Đan nói:
- Xin ngài bớt giận. Hôm nay là ngày mừng thọ của tôi, tôi mời bạn bè thân thích tới chuyện trò, không có việc gì, chơi một chút cho vui, chứ hoàn toàn không dám mở sòng bạc, xin ngài xem xét kĩ.
Ngài Đan cười lạnh lùng:
- Thật là bẻm mép, mặc lão ta, điệu hết về nha môn xét xử.
Hai tên vệ sĩ định lôi đi. Ông già nói:
- Hãy từ từ, để tôi đi, không cần phải lôi. Tôi cũng là người có công danh, há lại để cho các ông chà đạp ư?
Ngài Đan nhìn ông già, rồi bảo:
- Không cần phải lôi lão ta.
Lúc ấy, ngài Đan có tất cả chín người, còn cả khách và chủ nhà ấy có cả thảy tám người, còn nhũng người khác thừa cơ bỏ chạy. Ngài Đan cho thu tất cả những cỗ bài trên bàn, sau đó cũng không đi đâu khác, mà về thẳng nha môn. Ngài cũng không về phòng mình, mà vào thẳng công đường xét xử. Trước hết giải ông già có râu ra, hỏi ông có công danh gì, tên là gì ông già nói:
- Tôi là Ân Hạo, biểu Tử Trình là Đô Ty(1) Sơn Tây, trước đây theo Tằng Vương tới nơi này đánh giặc, sau đó định cư tại đây. Tôi luôn nghiêm chỉnh tuân theo luật pháp. Hôm nay là ngày mừng thọ sáu mươi tuổi, tôi mời bạn bè thân hữu tới chơi, đêm đánh chút bài tiêu khiển, chứ hoàn toàn không phạm pháp, không biết vì sao khiến ngài nổi giận.
(1) Đô ty: chức quan võ thuộc hàng tứ phẩm đời Thanh (ND).
Ngài Đan cười lạnh nhạt nói:
- Nay đã bắt được người và tang vật, ngươi còn cãi bướng. Ngươi là Đô ty, chẳng phải công danh gì to lớn. Pháp luật như Sơn, ngươi đứng sang bên chờ đã.
Ngài Đan nhìn những người kia một lượt rồi nói:
- Những tên tội phạm cờ bạc này ta không hoài hơi dài lời với chúng, hãy xem xem có còn cũi đứng để trống không.
Người theo dõi cũi đồng quỳ xuống trả lời:
- Cũi đứng đều đầy hết cả rồi, không còn chiếc nào để không.
Ngài Đan cảm thấy khó xử, một lát sau nói:
- Như thế thì may cho chúng.
Thế rồi ngài Đan bảo sai nha đốt một lò than, lấy mười đồng tiền đồng to, chỉ một lát sau họ đã mang tới. Ngài Đan lệnh bỏ tiền đồng vào lò nung đỏ, dùng kẹp than gắp ra, "bỏ vào tay mỗi đứa một đồng".
Bọn người ấy sợ mất vía, khấu đầu lia lịa xin tha, ngài Đan vẫn điềm nhiên không chút động tâm. Cứ hai người phục dịch một người, một người giữ chặt tay, còn người kia gắp đồng tiền đỏ rục bỏ vào lòng bàn tay phạm nhân. Phút chốc, tiếng kêu rên thảm thiết, hết sức thương tâm và thấy mùi thịt cháy khét lẹt xông vào mũi mọi người. Có người đau giãy đành đạch, lăn lê trên mặt đất. Ngài Đan bèn lệnh đuổi ra từng người một, nói:
- Vì thấy các ngươi hám tiền, cho nên ta cho mỗi đứa một đồng tiền mẹ. Nhưng ta muốn các ngươi cứ vĩnh viễn nắm lấy nó mà không buông ra là tốt rồi.
Sau đó ngài lại gọi mang Ân Hạo tới, nói:
- Công danh của ngươi thật hay giả ta không cần xét hỏi. Hiện bọn kia đã mang tiền đồng đi rồi, song ngươi là chủ nhân cần phải được nhiều hơn thế. Ta cho ngươi hai đồng, mỗi tay một đồng.
Thấy thế Ân Hạo đùng đùng nổi giận, nói:
- Ta đã ngần này tuổi đầu, ngươi giết thế nào cũng được. Nếu ngươi không giết thì ta cũng quyết chết cùng ngươi.
Thấy vậy ngài Đan đang định ra tay, thì một sai nha chạy vào, ghé vào tai ngài Đan nói mấy câu. Ngài Đan bỗng chốc sững sờ, ngay cả Ân Hạo nói cũng không nghe thấy.
Ngừng một lát, mới quay lại nói với già Ân rằng:
- Ngươi đã nói thế, chỉ cần ngươi biết sửa chữa lỗi lầm, ta sẽ rộng lòng tha thứ không truy cứu nữa. Đi đi!
Nói xong ngài Đan đứng dậy rời khỏi công đường. Người đứng hai bên không hiểu vì sao! Chỉ thấy trước cửa nha môn có tới một trăm mấy chục người đứng lố nhố. Ân Hạo vẫn khoa chân múa tay gào lên chửi, rồi cùng đám người ấy bỏ đi.
Ân Hạo vốn là người Sơn Tây, trước đây theo Tăng Trung Thân vương đánh quân Thái Bình tới An Huy. Về sau Trung Thân Vương chết, đại quân tan tác. Ân Hạo bèn đi nơi khác buôn bán. Trong gia tài ngổn ngang bừa bãi ấy, ông cũng kiếm được một ít. Ông có hai người con đều là người có tài năng, cũng làm mấy năm Đoàn trưởng(1). Đoàn trưởng vùng Hoãn Bắc, thế lực rất lớn, quan địa phương chẳng làm gì nổi, ngược lại họ càng tỏ rõ sức mạnh mà thôi. Mấy năm nay tuy không giữ chức Đoàn trưởng nữa, nhưng những thuộc hạ vẫn còn tới năm sáu trăm người, có người buôn bán nhỏ, có người trồng cấy ở nông thôn. Song nếu nhà họ Ân có việc, chỉ cần ới một tiếng là lập tức họ tụ tập rất đông. Hôm ấy, khi ngài Đan tới nhà bắt người, hai người con ông thấy việc chẳng lành, lập tức chạy ra lối sau, phút chốc tụ tập tới hơn một trăm người, tất cả đều cầm dao, gậy và các loại vũ khí, nhất tề xông tới nha môn. Nếu ngài Đan không gây khó dễ cho Ân Hạo thì thôi, nhưng nếu nhất loạt thi hành hình phạt tàn khốc, thì họ sẽ giết quan cướp kho. Người lính gác cổng thấy tình thế nghiêm trọng vào nói ngay với lính trực công đường, thế rồi người này lại vào nói nhỏ với ngài Đan. Ngài Đan định cố trừng phạt, song lại thay đổi ngay ý định nói: "Bậc anh hùng trước mắt không nên chịu thiệt. Ta nhượng một bước, sau này chúng có chạy đằng trời". Thế rồi ngài vui vẻ tha cho Ân Hạo giải trừ mối đại họa tức mắt. Ngài trở về thư phòng, suy đi tính lại hồi lâu, định giăng một mẻ lưới tóm gọn, và tạm thời gác chuyện đó sang một bên, coi như chẳng có việc gì xảy ra.
(1) Đoàn trưởng: một chức quan võ.
Đến ngày thứ năm, ngài sai người đi năm trăm..dặm báo lên cấp trên tin bọn võ biền mưu phản, chọn ngày dựng cờ điều quân đi bắt. Việc này là kế hoạch bên trong, người ngoài không ai biết. Sau khi báo cáo việc này, ngài Đan ngấm ngầm sai người đi dò la ngay tên tuổi và chỗ ở của những người này, để thực hiện một kế sách sét đánh mà không kịp trở tay. Nào ngờ Ân Hạo thấy ngài Đan quyết không chịu buông tay, đã chuyển toàn bộ gia đình đi nơi khác. Ngài Đan cụt hứng, đành gửi giấy bẩm lên trên rằng, ngay đêm ấy, đi bắt, song thủ phạm đã trốn thoát bọn tòng phạm giải tán, địa phương vẫn yên ổn như thường. Các Đại hiến trong thành, hôm trước nhận được văn thư của ngài Đan, vội vàng truyền lệnh luyện quân, chuẩn bị đêm sau hành quân gấp tới tận sào huyệt bắt bọn mưu phản.
Đang chuẩn bị hành động, thì lại nhận được văn thư lần thứ hai của ngài Đan nói là đã dẹp xong. Thượng Hiến quả thực rất mừng, tán tụng ngài mấy câu, rằng ngài Đan đã dẹp được tai họa ở chỗ vô hình, quả là một người tài giỏi nhất tỉnh. Lần này cụt hứng, ngài rất buồn. Mặc dù Thượng Hiến ngày càng quý mến tín nhiệm, song không thể che mắt mọi người, càng nghĩ ngài càng chán nản. Sau khi đã hết nhiệm kì ở Hào Châu, ngài Đan lại tiếp tục nhậm chức thêm một năm nữa. Tuy ngài Đan thi hành những hình phạt tàn khốc, song hình như không ảnh hưởng gì đến những công việc ở Hào Châu. Nào ngờ về tiền bạc ngài Đan cũng rất ranh mãnh, quyết không. chịu buông rơi một đồng nào, dù không tới mức ra sức vơ vét, song so với tiền công, tiền tư và những khoản thu tồi tệ của vị tiền nhiệm, thì ngài Đan chẳng kém chút nào. Ai cũng biết rằng mặc dù ngài dùng hình phạt tàn khốc, song số tiền đút lót cho ngài cũng không thể thiếu được. Trong hai năm ngài đã tích cóp được khá nhiều tiền, bỗng nhiên ngài muốn thăng quan. Năm ấy đúng vào lúc Tần Tấn mất mùa, ruộng nương hoang hóa hàng ngàn dặn, triều đình mở cuộc bán quan tước, với giá rất rẻ. Ngài Đan bỏ ra một ít bạc mua chức tri phủ, rồi được cử về Giang Tô. Chờ chiếu chỉ tới tay bèn dâng một tờ thiếp bàn giao. Đúng vào lúc phủ đài cần thay người. Từ lâu đã thấy ngài Đan dùng hình phạt tàn khốc, thấy có thiếp bẩm lên, lập tức phê chuẩn, và Phiên đài chọn một người khác nhậm chức. Ngài Đan bàn giao xong, định ngày mười bốn tháng năm sẽ lên tỉnh bằng đường thủy. Trước đó ba ngày ngài thuê một chiếc thuyền lớn, trên thuyền treo một lá cờ "quan Hào Châu, hậu bổ phủ Giang Tô". Lúc ấy những người dân bị hại, chờ tại một nơi cách thành hơn hai mươi dặm. Ngờ đâu ngài Đan rất ranh mãnh, thuê thuyền treo cờ để che mắt những người dân "ngu xuẩn". Còn ngài thì vào ngày mình một tháng Năm, nhân lúc trời chưa sáng, cưỡi ngựa, đem theo mấy người tùy thân, đi thẳng tới Hà Nam. Hành lí mang theo có hạn, số còn lại gửi quan vừa tới nhậm chức. Tiền còn lại, ngài đã gửi về nhà theo phiếu chuyển tiền. Gia quyến chỉ có mình bà lớn, song bà cũng đã về từ lâu rồi.
Đám người đón đường tới hai ngày, mà không thấy thuyền ngài Đan tới, lẽ nào hắn lại thay đổi ngày đi. Họ sai mấy người trở về dò la, thì thuyền vẫn còn đó, mà cờ thì đã hạ rồi. Họ vội vàng hỏi nhà thuyền, mới biết rằng ngài Đan đã đi theo đường bộ tới Hà Nam từ ngày mười một tháng Năm. Biết đích xác rồi họ vội vã báo cho mọi người biết. Tính ra thì ngài Đan đã đi được năm trăm dặm, có đuổi cũng không kịp nữa. Không còn cách nào, họ gào lên chửi một hồi, rồi bỏ về.
Ngài Đan đã dùng một kế nhỏ để ra khỏi Hào Châu, tới Hào Nam nghỉ lại mấy ngày sau đó mới tới Hà Bắc, rồi từ Vũ Hán đáp tàu thủy tới An Huy, xin lệnh tới tỉnh Giang Tô làm Hậu bổ. Lần đi tàu xe này ngài Đan mệt mỏi, người khó chịu. Đến tỉnh thành lại gặp bạn bè cũ, yến ẩm liên miên, vui chơi tới mấy ngày, ngài vô cùng mệt mỏi, dần dần thấy người phát sốt ngày một trầm trọng, đêm ngày không yên giấc. Ngài thấy sau lưng nóng như lửa đốt, toàn thân nặng nề, không cất mình lên được. Ngài cho người mời Kha Xuân Kiều, một thầy thuốc giỏi trong thành đến chữa trị, uống mấy ngày thuốc. Kha Xuân Kiều cho rằng ngài mắc bệnh thương hàn, càng chữa càng quá ra, dần dần không ngồi dậy được, sau lưng thấy một chỗ bị sưng. Ngài Đan cuống lên, lại mời một thầy lang khác chữa trị ông nói rằng ngài lên hậu bối, rồi ông điều chế thuốc, rửa sạch chỗ đau, đắp thuốc vào, cắt cho ngài mấy chén thuốc tống độc thấy đỡ dần.
Lúc ấy, lệnh của Phiên Đài đã gửi xuống từ lâu, ngài Đan bèn gắng gượng đến các nha môn chào từ biệt. Chọn ngày đáp tàu thủy, tới Trấn Giang thì lên bờ, chuyển sang thuyền dân tới Tô Châu. Ngài Đan chưa khỏi hẳn, vất vả mấy ngày liền, nên bệnh lại tái phát. Ngài Đan kêu rên suốt ngày, muôn phần khổ sở dần dần ở cổ lại sưng một cái mụn, rồi vỡ, chảy ra rất nhiều nước vàng: Nước vàng chảy đến đâu thì ở đó lại lở loét. Đến Tô Châu thì khắp người như một quả dưa hấu nẫu. Ngài vội vàng bảo người tìm nhà ở, nộp lại lệnh cho cấp trên, rồi cho người mời thầy chạy chữa. Tô Châu có khá nhiều thầy thuốc, song họ đều không biết đây là chứng bệnh gì. Thuốc uống vào mà như ném sỏi xuống biển sâu, chẳng có chút kiến hiệu nào. Hơn nữa ngài Đan lại không tự tin và khiếp sợ, suốt ngày bắt người ngồi bên mình, đầu giường ngài không lúc nào vắng bóng người. Hễ không có người thì ngài thấy ma quỷ cứ gào khóc. Đi Tô Châu lần này bà lớn không đi cùng ngài. Mấy người theo hầu và những vệ sĩ cho rằng ngài khó mà sống nổi.
Tục ngữ có câu, ốm lâu không có con hiếu thảo. Huống hồ nhũng người theo hầu thì sao họ thật sự yêu thương ngài. Thấy tình hình ngày một xấu đi, họ lần lượt vờ cáo ốm, hoặc xin nghỉ bỏ về. Nhũng người mới tìm đến càng không ai quan tâm. Ngài Đan đến Tô Châu, hai mắt thâm quầng, tứ cố vô thân, khốn đốn vô cùng. Toàn thân thối rữa, đầu óc ngài vẫn tỉnh táo, song tay chân thì vướng víu. Ngài Đan bèn đánh điện về cho bà lớn, và tìm người lo việc tang ma. Khi bà lớn tới, thì cánh tay ngài rữa nát, chỉ còn trơ lại chiếc xương, thân thể không còn mẩu nào nguyện vẹn. Bà lớn nói là ngài Đan bị quả báo, bèn đi khắp các đền chùa miếu mạo cầu thần khấn Phật cho ngài song hoàn toàn vô dụng. Đến tháng Tư năm sau thì ngài trút hơi thở cuối cùng. Toàn thân chỉ còn là một nhúm xương, không thể mó tay khiêng lên được, người ta đành chèn cả chăn đệm, bỏ vào quan tài. Đây là kết cục cuộc đời ngài Đan. Theo những người hầu hạ nói lại thì, trước khi ngài Đan chết tiếng ma quỷ cứ rên rỉ khóc suốt đêm ngày, ngài vẫn gào lên đòi đánh đuổi. Những chuyện đó hư hư, thực thực, không đáng tin. Người viết chuyện này hoàn toàn không theo những người thủ cựu, khuyên người ta thắp hương niệm Phật. Song ngài Đan tới Hào Châu mới được hai năm mà thảm sát biết bao nhiêu nhân mạng. Ông ta tàn ác hiếu sát mà vẫn phú quý trường thọ, con cháu đầy nhà, thì chẳng khác nào khuyên người ta làm điều ác.
 

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết