Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 21 (C)

Tới thành, bổ sảnh gặp quan huyện, cho sai nha nghỉ. Quan huyện định thẩm vấn ngay, song người lập bản án bước tới nói là, chờ gọi chủ mất đến nhận tang vật rồi sẽ thẩm vấn. Quan huyện vốn là người rất lười nhác, nghe thấy nói thế gật ngay. Nhân viên lập bản án trở ra, gọi Ngô Lương nói:
- Việc này do ngươi chịu trách nhiệm chính, ta nghe nói vốn liếng Chu Tử Ngọc cũng kha khá. Ngươi là người hiểu, đừng chỉ có biết mình thôi nhé.
- Vâng, vâng, - Ngô Lương vội đáp, - ông đã dạy thế, đương nhiên chúng tôi sẽ hết sức cố gắng. Ngay như ông không dạy bảo chúng tôi cũng không dám cả gan như thế. Ông hãy yên tâm.
- Khá, khá lắm, - ngươi lập bản án nói, - ngươi đi nhé!
Thế rồi quan huyện sai người gửi giấy báo cho người mất của đến nhận tang vật. Ngô Lương dựa Chu Tử Ngọc vào phòng giam riêng. Vợ Chu Tử Ngọc thì cho bà môi giới dẫn di coi giữ.
Chu Tử Ngọc tới phòng giam riêng, ngồi một lát thì Ngô Lương giả vờ ân cần nói mấy câu bâng quơ. Sau đó Chu Tử Ngọc hỏi mình phạm tội gì. Ngô Lương nói:
- Tôi cũng không biết. Nếu ngươi muốn biết thì tôi sẽ đi nghe ngóng xem sao. Có điều việc này không có tiền thì không xong. Việc quan chắc ngươi cũng hiểu rõ, không thể nói bằng nước bọt.
Chu Tử Ngọc biết được Ngô Lương muốn đòi tiền, vì khi tới đây Tử Ngọc đã nhờ người cậu là Tôn Hữu Đức lo liệu việc này, sao không biết bao giờ mới đến, bỗng chốc lo lắng, cởi chiếc áo khoác đang mặc đưa cho Ngô Lương, nhờ Ngô Lương dò xem mình đã phạm tội gì. Ngô Lương xem qua chiếc áo thấy tuy mới song không mấy giá trị, bực bội nói:
- Ngươi mắc tội này lẽ nào không nhờ người đút lót chút ít chỉ dựa vào phép thần thông của chiếc áo này sao?
Chu Tử Ngọc vội cười lấy lòng, nói:
- Ông đừng nghĩ ngợi gì, ta đã nhờ người rồi, có lẽ tối nay mới tới. Song tôi muốn biết ngay tôi đã phạm tội gì, đây mới là chút tình xin ông nhận cho, tôi sẽ đưa thêm. Ông không chịu nhận, thì khi cậu tôi tới cũng sẽ xin gặp ông, cái áo cũng chẳng đáng gì.
- Việc này ta không biết. - Ngô Lương nói. - Chờ người thân ngươi đến, lúc đó sẽ nghĩ cách.
Ngô Lương biết rằng nhất định Chu Tử Ngọc sẽ có người đến đút lót, nên cũng không gây khó dễ nữa, rồi đúng dậy ra ngoài, thấy một người ăn mặc tươm tất, tay xách một liễn cơm, bên trên còn có hai bát thứ ăn, đang định đi vào. Thấy Ngô Lương, người ấy vội chạy ào tới.
Thuận tay Ngô Lương tát người ấy một cái, người ấy kêu ối lên một tiếng, tiếp đó Ngô Lương quát:
- Mày làm gì thế?
- Chu tiên sinh ở đây. - Người ấy đáp. - Tôi đến đưa cơm.
- Chu Tử Ngọc ăn cắp, mắc trọng tội, - Ngô Lương cười lạnh nhạt nói, - đây là nơi nghiêm cấm, các ngươi cứ xông bừa vào được ư? Hãy cút mau.
- Từ sáng sớm đến giờ Chu tiên sinh chưa ăn, - người ấy van nài, - xin ông rón tay làm phúc.
- Đồ mù, - Ngô Lương nói, - có cút ngay đi không, còn lải nhải ta trói lại, bảo quan đánh què chân.
Thấy thế người ấy sợ quá, né sang một bên, vẫn cứ đứng đấy. Ngô Lương nổi giận đá cho người ấy một cái, cơm nước văng vãi tung tóe, lũ chó thấy thế chạy tới ăn hết sạch. Người ấy đứng nhìn, tức giận mà không dám hé răng, không sao được, đành ngượng ngùng bỏ đi.
Ngô Lương định quay trở lại bàn bạc gì đó với những người đồng nghiệp, thì đã thấy một người hầu bàn ở quán trà Phi Vân Các đến tìm gọi:
- Ông Ngô, có người mời ông, ông Chu, ông Ngưu và ông Mã tới.
Ngô Lương biết ngay là người thân của Chu Tử Ngọc tới, vội đáp:
- Ta đến ngay đây.
Thế rồi cùng người bồi bàn đến quán trà.
Vừa bước vào cửa, những người cùng làm việc với Ngô Lương trông thấy, tới chào, lại thấy một người tầm thước mặt mũi sáng sủa, mặt chiếc áo dài màu lam, đứng lên mời ngồi, người ấy tự tay rót trà, đặt trước mặt Ngô Lương. Ngô Lương hỏi bạn bè rằng:
- Vị này tên là gì?
- Đây là Tôn Hữu Đức, - những người bạn nói, - là thân thích của Chu Tử Ngọc.
- Tôi đã ngưỡng mộ ông từ lâu. - Ngô Lương nói.
Đầu tiên nói mấy câu xã giao, rồi chuyển ngay sang việc chính hỏi dò xem cuối cùng Chu Tử Ngọc đã phạm tội gì, Ngô Lương bèn nói với Tôn Hữu Đức, là phải chờ khổ chủ đến mới xét xử.
- Vụ án này quả thực là oan uổng quá. - Tôn Hữu Đức nói.
- Điều ấy thì chúng tôi không biết, đợi khi nào xét xử, quan thẩm vấn mới rõ trắng đen.
Tôn Hữu Đức vội cười lấy lòng nói:
- Tôi chẳng có liên can gì, vì nhà ấy không có người, tôi mới thay ông ấy lo liệu tiền phí tổn cho sai nha. Vốn là việc sét đánh ngang tai, không biết rồi sẽ như thế nào, nghe các ông nói mới biết qua loa như thế. Thôi thì chẳng biết có oan hay không, song các ông vất vả nhọc nhằn, ngày mai lại xét xử thì sự phí tổn ấy không thể thiếu được. Tôi là người nông thôn, không biết việc, nhà em rể tôi cũng chẳng giàu có gì. Xin các ông nới lòng cho một chút, đây không coi là vận may của em rể tôi, mà đây là sự chiếu cố của các ông đối với tôi, tôi vô cùng biết ơn các ông, bây giờ nhận trước một số, sau này tôi sẽ lo liệu thêm.
- Việc này không phải chỉ một chỗ. - Ngô Lương nói. - Một là hai vị lập bản án, hiện mồm đang há to như mồm sư tử ông nói thế, tôi là người rất am hiểu sự đời, chúng tôi cũng không muốn anh phải chạy, đường xa, đi vòng vèo ngoắt ngoéo, tôi cũng nói thẳng một câu xin ông chỉ bảo, các ông giữ tiền hay giữ người. Lẽ nào người thân của ông không đáng bảy tám ngàn đồng ư!
Tôn Hữu Đức nghe xong trợn tròn mắt, lát sau mới nói:
- Ông nói sao?
- Nếu giữ tiền ư, - Ngô Lương nói, - thì tôi khuyên ông không cần phải hỏi tin tức nữa, hãy về cho sớm để lo liệu việc nhà. Còn nếu giữ người thì lẽ nào vị người thân của ông không đáng giá bảy tám ngàn đồng! Vì hai ông lớn đã nói với tôi rồi, ông ấy nói tình hình rất nghiêm trọng, nếu ông chịu bỏ ra tám ngàn đồng thì tôi đảm bảo với ông chẳng việc gì, mà yên ổn trở về. Tôi đã nói giúp cho ông là Chu Tử Ngọc người nông thôn, lấy đâu ra nhiều tiền như thế. Hai ông lớn nói là ông đã biết rõ nhà họ Chu có nhà cửa, có ruộng vườn, có cửa hàng cửa hiệu, chứ đâu phải là kẻ khố rách áo ôm. Về sau tôi nói mãi ông ấy mới chịu nhân nhượng lấy một ngàn, không thể thiếu một đồng. Tôi lại van nài một hồi, hai ông lớn nổi giận, chửi tôi như tát nước vào mặt, tôi không dám nói nữa. Ngoài ra tất cả các loại tiền phí tổn cũng phải tới một ngàn, ông cũng phải biết rằng người các ban của ta đông, đi biền biệt suốt ngày, đến hột cơm cũng chẳng kịp vào miệng, lẽ nào việc này không bồi dưỡng họ mấy đồng! Hơn nữa phận sự của mỗi người đều có hạn, tôi cũng rất muốn nói giúp cho ông, nhưng rất tiếc là tôi làm không nổi, bởi thế tôi mới nói với ông là giữ tiền hay giữ người. Còn như người của chúng tôi thì cũng có hạn thôi, móc ra mấy đồng thưởng cho họ cũng xong. Tôi cũng là người lân la bên ngoài, lẽ nào tôi không biết số tiền ấy quả là không ít!
Tôn Hữu Đức nghe xong im lặng không nói, cầm lấy điếu rít sòng sọc một hơi dài. Ngừng một lát mới nói:
- Khoản tiền ấy xin nhờ ông giúp đỡ, tôi vô cùng biết ơn ông. - Rồi vừa quỳ xuống vừa nói. - Quả thực em rể tôi không lo nổi.
Ngô Lương vội kéo Tôn Hữu Đức dậy nói:
- Coi như ông hết lòng với em rể. Tôi khuyên ông đừng hỏi nữa.
- Nói thế sao được! Tôi là người lo lắng việc này, xin mong các ông giúp đỡ cho.
- Tôi không làm được, không làm được đâu. - Ngô Lương lắc đầu nói.
Tôn Hữu Đức ngừng một lát nói:
- Đúng ra thì người làm ra của, chứ của không làm ra người, còn người thì còn của. Chúng tôi cần người, còn tiền thì không quan trọng. Song tài sản của chú ấy, tôi biết chứ, lấy đâu ra nhiều như thế!?
- Tôi xem ra ông là người rất từng trải, - Ngô Lương nói, nên tôi không hề nói dối ông một câu nào. Ông lo được thì lo không lo được thì thôi. Theo tôi, ông thôi không hỏi nữa là tốt nhất, chẳng phải lo nghĩ cho ông ta làm gì cho mệt xác, mặc cho ông ta sau này oán trách.
- Oán trách cũng chẳng được. - Tôn Hữu Đức nói. - Tôi được chú ấy dặn trực tiếp thì làm sao bỏ mặc chú ấy được.
Nói xong Hữu Đức vò đầu bức tai không tìm ra cách nào khác. Địa bảo bèn tới nói chêm vào.
- Chúng tôi tới từ sáng sớm, bây giờ đã trưa rồi, chúng ta cũng phải cho cái dạ dày nó ăn thôi.
- Xem ra đều quấy rầy ông anh Tôn Hữu Đức. - Ngô Lương nói. - Thôi thì chúng ta ăn cơm, rồi sẽ nói dần dần.
Nói xong Ngô Lương bèn đứng dậy. Tôn Hữu Đúc phải trả tiền trà, đi theo họ tới quán ăn gần bờ sông, gọi bốn cân rượu, thịt gà, thịt lợn, thịt vịt và cá bày la liệt đầy bàn. Mọi người thả sức ăn cơm no rượu say. Có mấy người đòi đến tiệm thuốc phiện hút, Tôn Hữu Đức đành phải đi theo. Về vụ này, Ngô Lương cứ lúc nắn lúc buông, làm cho Tôn Hữu Đức cuống lên, mồ hôi đầu vã ra, nhỏ tong tong, suýt nữa phát khóc lên. Những người ngồi bên chau mày nheo mắt nhếch mồm làm trò cười.
Lúc ấy Ngô Lương mới kéo Tôn Hữu Đức đến một chiếc bàn khác nói:
- Tôi nói thực với ông nhé, rốt cục ông lo được bao nhiêu?
- Khi tôi đi đã biết rõ, ít thì không thể xong được, chỉ chuẩn bị bảy tám trăm quan, nay thì còn thiếu quá nhiều.
- Thế này vậy, - Ngô Lương nói, - ông cứ chi ra ba ngàn đồng tôi sẽ cố gắng lo cho.
Tôn Hữu Đức thấy Ngô Lương nhượng bộ khá nhiều, thấy đã có chút hy vọng. Nghĩ ngợi một lát rồi nói rõ là hai ngàn bốn trăm, trong đó một ngàn đưa cho hai ông lớn, năm trăm tiền án phí, năm trăm tiền bồi dưỡng mọi người vất vả, trừ đi hai trăm tiền cơm rượu, hai trăm cho những người hầu hạ quét tước và tiền vui vẻ cho những người áp giải.
Nói thế nhưng Tôn Hữu Đức không có tiền mặt, chỉ có hai tờ văn khế, song không có khách mua, không bán được. Lúc ấy có một người lao công nói là nhà Trịnh Hương Thân trên phố cần mua ruộng, Tôn Hữu Đức nhờ người ấy dẫn đi, rồi cho ít tiền, quả nhiên Tôn Hữu Đức tới đó ba mặt một lời thỏa thuận bán hai ngàn sáu trăm, trả trước một nửa, còn lại xem ruộng sẽ giao nốt. Tôn Hữu Đức dùng nửa số tiền ấy chi được khá nhiều việc, số còn lại làm giấy cam đoan trả đúng hạn. Ngô Lương gọi Tôn Hữu Đức cùng tới chỗ Chu Tử Ngọc để ông kí vào.
Chu Tử Ngọc bị đói mất hai ngày một đêm. Hai bên bàn ngã ngũ mới được đưa cơm vào cho Chu Tử Ngọc, lúc ấy Chu Tử Ngọc mới biết qua về sự việc mới xảy ra. Tử Ngọc vừa tức vừa oán giận, lại vừa tiếc tiền và cũng không biết vợ mình đã bị làm tình làm tội như thế nào rồi. Song rất may là bà mối là chị em nuôi của Tôn Hữu Đức. Hơn nữa bà ta lại biết Chu Tử Ngọc là nhà có tiền, thế nào cũng đến dàn xếp. Còn vợ Chu Tử Ngọc đã cao tuổi chẳng trẻ đẹp gì, bởi thế cũng không bị làm tình làm tội. Về sau Tôn Hữu Đức cũng đưa cho bà mối một trăm đồng.
Mọi việc xong xuôi, thì cũng đã báo tin cho người mất biết. Ngô Lương tới nói với Chử Trung:
- Ngày mai xét hỏi, nếu như mình mất của không nhận tang vật, quan hỏi ngươi, đánh ngươi thì ngươi phải linh hoạt một chút, rằng vì sợ tra tấn mà khai bừa, con không biết Chu Tử Ngọc, mà là do bạn con nói với con, nhà cửa như thế nào, có những ai, đằng sau có nhà thờ Quan âm, trong nhà thờ có cỗ khám đặt tượng Quan âm, vì bạn lấy trộm đồ không có chỗ bèn để vào đó. Nhà nó còn có chút gạo ăn, mấy bộ quần áo vải không đáng giá, cho nên không lấy. Còn như mấy đồng bạc thật, và một ít quần áo có phải là vụ án này không thì con không rõ. Số bạc ấy của khổ chủ, quả thực con không lấy. Còn như bạn như thế nào, quả tình con không biết. Khai xong cứ một mực xin tha. Xem ra thì ngươi cũng chỉ bị đánh hai ba trăm tay thước thôi. Ngươi phải nghiến răng mà chịu, thì mới tốt được.
Chử Trung nhất mục nghe theo, song thực ra cũng không dám trái lời. Quả nhiên quan xét hỏi không xảy ra to chuyện. Chử Trung chỉ bị đánh năm trăm tay thước rồi trả về cho người áp giải. Chu Tử Ngọc vô tội được tha. Chử Trung tuy bị đánh năm trăm tay thước, song có Ngô Lương phối hợp, cho nên cũng chỉ vài ba chục gậy vào người. Chu Tử Ngọc tuy được minh oan, song gia tài khánh kiệt, chỉ còn lại mấy gian nhà ở, cửa hàng không thể duy trì được, hàng quán ở nông thôn không đủ nộp thuế, đành phải để cho bảo an địa phương bán đi. Bảo an địa phương lại muốn cả nhà ở nữa, cho nên không cho Chu Tử Ngọc đi qua cửa trước. Không còn cách nào khác Tử Ngọc bèn trổ cửa sau đi lại, sống rất khổ sở vất vả.
Ngô Lương kiếm được món tiền lớn rất mừng, mấy hôm sau lại dẫn Từ Lão Bát tới trước cửa hàng của Vĩnh Thuận Hòa, quát:
- Chủ hiệu có nhận ra người này không?
Người quản lí cửa hàng bước ra, thấy Ngu Lương là một bổ khoái, chợt giật mình, vội hỏi:
- Có việc gì đấy ông Ngô?
- Có nhận ra người này không? - Ngô Lương chỉ vào Từ Lão Bát nói.
Người quản lí nhìn Từ Lão Bát nói:
- Tôi chưa từng quen biết.
- Ông là kẻ vô lương tâm. - Từ Lão Bát quát mắng. - Quen hay không quen, ta không thèm nói. Ta gửi ngươi mười hai tấm lụa, ngươi cần thì trả ta hai trăm đồng, ngươi không cần thì trả lại vải, ta đang cần tiền tiêu.
- Sao người lại nói thế - Người quản lí nói. - Ta có quen biết gì ngươi đâu! Ngươi gởi ta mười hai tấm lụa bao giờ? Đưa cho ai?
- Buổi chiều ngày cuối tháng, chính tay ta giao cho ngươi, ngươi bảo mấy hôm nữa đến lấy tiền, vì ta bị bắt, không tới lấy được, ngươi định nuốt không của ta ư! Thật là đồ mặt dày tim đen. Ngươi không thương ta, còn ức hiếp ta, thật chẳng còn đạo lí gì cả.
Người quản lí điên tiết, quát mấy người làm công ra đối chất. Từ Lão Bát nói:
- Họ đều là người làm công của ngươi, ai mà chẳng bênh ngươi.
- Các người phải nhớ cho kĩ. - Ngô Lương nói chen vào, rồi lại chỉ vào Từ Lão Bát nói. - Ngươi không nhận sai cửa hàng này chứ! - Rồi lại quay sang nói với người quản lí. - ông chủ đừng nói những điều hồ đồ nữa.
- Thật là nực cười, - người quản lí nói. - Quả là vô căn cứ.
- Đúng chứ chẳng sai chút nào, ông ta nhẫn tâm ăn hiếp tôi - Từ Lão Bát nói.
- Ông chủ - Ngô Lương nói, - công bằng mà nói, tôi là người bênh ông. Nếu có việc ấy thì phải trả lụa cho người ta, không thì phải trả tiền. Anh ta hiện là phạm nhân, các khoản chi tiêu không phải ít, cuống lên đã khai trước công đường. Ông chủ ạ! Không phải tôi nói bừa đâu, dù ông có lắm mồm đến mấy cũng chẳng thanh minh nổi.
Người quản lí thấy thế mới vỡ lẽ ra đôi chút, biết rằng muốn cho xong chuyện bèn mời Ngô Lương vào nhà trong, và để Từ Lão Bát ngồi ở một chiếc ghế băng gần cửa.
Ngô Lương vào nhà trong, người quản lý rót trà mời thuốc, cung kính lễ phép chào mời một hồi, mới nói tới việc chính. Ngô Lương nói:
- Vì là chỗ quen biết tôi không thể không quan tâm. Nếu như vào tay người khác thì sẽ đưa ông tới công đường cáo quan. Dù có trả đi chăng nữa, thì ông cũng phải tốn kém, có điều chỉ khổ những người làm việc quan như chúng tôi, ông nên thể tất nhân tình một chút.
Người quản lí vội vàng cảm ơn, rồi nói: - Tôi chẳng hiểu việc này thế nào.
- Xem ra, - Ngô Lương nói, - thực ra chẳng có chuyện gì.
Người quản lí chỉ trời vạch đất, thề bồi để thanh minh. Ngô Lương lim dim mắt ngồi thừ ra một lúc rồi nói:
- Tôi hiểu rồi. Đúng là trong trại giam có người đòi tiền hắn, không còn cách nào cũng chẳng biết kẻ nào đã bày mưu cho hắn. Hắn mới giở cái trò này ra. Song lòng dạ hắn đã như thể cũng khó mà phủi tay được, huống hồ hắn đã thù ông, cho nên hắn không tới nhà khác, mà chỉ đến quý hiệu của ông. Tục ngữ có câu, cơm không lành canh chẳng đặng, không phải là tôi bênh hắn, xem ra ông cũng phải tốn phí ít nhiều, chỉ rón tay làm phúc cho hắn một tí là xong.
- Nó há cái miệng Sư tử to như thế, - người quản lí nói, thì làm sao mà chiều được nó. Ông đã nói thế thì tôi xin tuân theo, nhưng nên cho nó bao nhiêu, mong ông định cho.
- Tùy ông, tôi làm sao mà định thay cho hắn được. - Ngô Lương nói. - Tôi thấy ông là người yên phận, ông đã nói thế thì tôi cũng mạnh dạn thử định xem sao, ông theo đó mà làm. Việc này ít cũng sợ không xong, mà nhiều cũng không được, thôi thì cho nó một phần tư vậy.
- Nó nói giá hai trăm đồng, vậy thì mất cho hắn năm mươi đồng cơ à! Đúng là tay bay vạ gió.
- Ông đừng nói thế. Người xưa nói, trộm đã cắn thì thối đến xương. Nếu như ông bỏ ra số tiền ấy, nó không nghe, e rằng tới cửa quan cứ khai bừa, như thế chẳng phải càng hổ thẹn ư?
- Đã thế thì tôi cũng không dám trái lời ông. - Người quản lí nói. - Nhưng mà cái tin này loang ra, thì rõ ràng mình ngay thẳng mà bị nghi ngờ. Vả lại sau này các ông bắt được người, lại đến chiếu cố tới hiệu chúng tôi, thì cái hiệu này liệu có mở được không?
- Điều ấy thì ông cứ an tâm, - Ngô Lương nói, - đã có tôi.
Như thế thì hôm nay ông cứ giao số tiền ấy cho tôi, khi về tôi sẽ giao cho hắn, giao tiền trước mặt mọi người cho nó sẽ khiến người ta sinh nghi: Tôi trở ra chỉ chửi hắn một trận, lôi hắn đi, người ngoài sẽ không ai biết đến. Sau này ông cứ an tâm mà mở cửa hàng, phàm có việc gì đã có tôi lo, tôi không hề nói sai chút nào. Không phải tôi nói khoác, đồng sự của tôi đều kính nể tôi, lẽ nào những bạn bè tôi lại không chịu xuê xòa cho ông!
- Thế thì tốt quá! - Ngươi quản lí nói. - Trăm sự nhờ ông.
Nói rồi người quản lí gọi người đưa cho năm mươi đồng, đếm giao cho Ngô Lương.
Ngô Lương gói vào khăn, song vẫn đứng đấy vẻ ngập ngùng không nói ra được. Một lát sau mới nói:
- Người thân của tôi ở huyện Hu Di sắp cưới vợ cho con, tháng trước gửi thư về bảo tôi mua giúp bốn chiếc áo dài, sáu tấm nhiễu Hồ màu hồng, sáu tấm nhiễu Hồ màu lục, tối qua lại sai người đưa tiền đến. Thấy rằng vải vóc ở đây cũng sẵn, tôi định tới quý hiệu mua một thể, rồi giao luôn cho người ấy mang về. Hôm nay lại rất bận, vậy thì chiều mai xin ông cho một người giúp việc mang mấy loại hàng tốt nhất đưa đến nhà nghỉ Nghĩa Hưng trên phố. Tôi chờ ở đấy. Cùng với người họ Kỷ của ông ấy, xem vải xong sẽ tiền trao cháo múc, nhưng mà giá cung phải chăng một chút đấy!
Người quản lí nghe thấy ngoài ông ta ra còn có người xem hàng, tiền hàng trao tay, bèn sơ ý, vội vàng nhận lời ngay. Ngô Lương lại dặn đi dặn lại đừng làm lỡ hẹn, rồi mới đứng dậy, nhét tiền vào tay áo, bước ra cửa, lôi chiếc xích tay của Từ Lão Bát nói:
- Đi! Đi!
- Tiền đâu? - Từ Lão Bát hỏi.
- Mày là thằng mù, - Ngô Lương chửi, - ta đã kiểm tra sổ xuất nhập hoàn toàn không có việc này. Mày định lừa người ta ư? Chúng mày là bọn trộm cướp vô lương tâm.
- Sao ông lại bênh người ta? - Từ Lão Bát nói.
Ngô Lương giận dữ xấn tới vả vào mặt Từ Lão Bát, chửi:
- Lẽ nào ta lại bênh thằng nói dối.
Vừa nói vừa quay vào nói với người trong quầy hàng ngày mai gặp nhau, rồi lôi Từ Lão Bát đi. Người quản lí thấy việc đã xong, như cất được hòn đá đè lên người.
Tối hôm sau, sai người mang số hàng tới khách sạn Nghĩa Hưng, quả nhiên Ngô Lương đang ở đó. Khi đã chọn xong hàng, bảo người giúp việc mở tờ hóa đơn ra ghi. Ngô Lương cùng với mấy người ấy xem qua hàng, rồi nói với người làm công.
- Tối nay khi lên đèn tới đây lấy tiền, nếu không thì đến nhà tôi mà lấy.
Người làm công gói số hàng còn lại đưa về hiệu, rồi trở lại khách sạn Nghĩa Hưng lấy tiền, song người ấy đã đi rồi. Người quản lí cửa hàng khách sạn nói:
- Chẳng phải ông Ngô Lương đã dặn đến nhà ông ấy ư?
Người làm công đến nhà Ngô Lương, song Ngô Lương không ở nhà. Người nhà nói là không biết. Người làm công kể sơ qua, rồi hẹn ngày mai tới lấy.
Chiều hôm sau, lại tới nhà Ngô Lương, chỉ thấy Ngô Lương trong nhà chửi:
- Sao nó không mở mắt ra, sự việc hôm ấy nếu không có ta thì bây giờ vải vóc trong cửa hàng ấy đã sang tay người khác rồi. Nó bảo ta ăn của nó ư! Đồ bố láo! Nếu bọn làm công của nó tới thì chúng mày bảo với nó rằng, chút vải ấy là công lao của tao. Nếu nó đòi tiền, thì bảo nó lên quan mà đòi. Nếu nó còn lắm lời, chúng mày cứ cho nó vài cái tát.
Người làm công nghe thấy hết, vội vã lui ra, chuồn thẳng về cửa hiệu, nói hết với người quản lý. Người quản lí tức điên đầu nhưng cũng chẳng làm sao được, sợ Ngô Lương moi lại chuyện hôm trước, đành ấm ức một mình, coi như chẳng có việc gì xẩy ra. Chỉ mới quấy có thế thôi mà cửa hàng này mất không hơn bốn trăm đồng, đó chính là vô vàn những bằng cứ mà bọn bổ khoái gieo vạ vu cáo người lương thiện.
Cũng chẳng phải thấy rằng, nếu Tôn Hữu Đức không thay mặt Chu Tử Ngọc chỉ ra một món tiền lớn, hôm sau Chử Trung cứ khăng khăng nói thế, thì Chu Tử Ngọc cũng chịu thiệt to. Còn như việc khổ chủ nhận tang vật chẳng hề quan trọng gì cho lắm. Nếu như khổ chủ thấy không phải, thì bổ khoái sẽ đến xin họ, bảo họ cứ tạm thời nhận lấy, rồi có thể truy tìm kẻ khác. Hoặc là nói, nếu người không nhận án này thì về sau không có hi vọng phá án nữa. Nếu không thì dùng khổ nhục kế, nói là quan chẳng khác gì lang sói, chẳng ai xơi được đâu, xin họ cứ tạm thời nhận đi để mọi người xả hơi. Người khổ chủ ấy mềm lòng nghe theo lời họ, thì tội của Chu Tử Ngọc to như trái núi. Còn như vụ Vĩnh Thuận Hòa, vẫn là biện pháp mềm dẻo của Ngô Lương. Nếu như người quản lí không hiểu thời thế thì lại có mưu kế mới. Tóm lại dọa nạt, lùa gạt là bí quyết của chúng, càng là kẻ già đời chúng làm càng gọn ghẽ. Phàm là sai nha, bổ khoái trong thiên hạ đều như thế cả, hoàn toàn không phải chỉ có ở huyện Thiên Trường, An Huy.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết