Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 22
Dạo Công Viên Cò Cưa Kháng Cáo, Tất Cả Đều Vô Ích
Trở Về Theo Gia Tô Giáo, Tiếp Tục Kiện Lên Quan

Ở Dương Bối Đầu thành Nhân Hòa, phủ Hàng Châu, Chiết Giang, có một tú tài rất uyên thâm tên là Ngụy Hoán hiệu Hữu Văn, trạc hơn hai mươi tuổi. Chàng vốn là người cực kì thông minh, lại rất chuyên cần, thông kim bác cổ, hạ bút thành thơ. Thấy thời thế ngày càng suy vi, chàng ngày đêm than vãn, song vốn tính thăng trầm, không thổ lộ ra ngoài, thường viết chữ "chao ôi” vào khoảng không trung(1), tỏ ý không thể làm sao cứu vãn được. Có một người bạn học cùng lớp rủ ông đi Đông Dương chơi. Ngụy Hữu Văn nói:
(1) Nguyên văn là "đốt đốt thư không": viết hai chữ “đốt đốt" (chao ôi) lên trời. Ân Hạo đời Đường khi bị bãi chức, suốt ngày dùng tay viết hai chữ vào khoảng không. Có người ngầm theo dõi thấy ông ta chỉ viết bốn chữ "chao ôi lạ quá" (đốt đốt quái sự). Về sau dùng "đốt đốt thư không" để hình dung việc xảy ra quá bất ngờ khiến người ta kinh ngạc. Xem Từ điển điển cố Trung Hoa, NXB Văn hóa - Thông tin, H, 2002.
- Đây là việc rất hay. Song tôi sinh trưởng tại Hàng Châu mà chưa ra khỏi nhà. Nếu nay muốn ra nước ngoài, thì trước tiên hãy đi hết hai mươi hai tỉnh trong nước, khảo sát nhân tình phong tục hình thế sông núi các nơi, rồi hãy ra nước ngoài, như thế mới có ích.
Từ khi có ý định ấy chàng không thiết học hành, hơn nữa gia đình lại giàu có, cha mẹ đều qua đời, người vợ mới cưới là Mai thị lại thùy mị hiền thục, rất giỏi thu xếp việc nhà, Hữu Văn rất yên tâm, không phải lo nghĩ gì về nhà cửa, bèn chọn ngày tốt lên đường. Trước hết tới Thượng Hải, từ Thượng Hải đi tàu thủy tới Thiên Tân, từ Thiên Tân tới Bắc Kinh, rồi từ Bắc Kinh tới Hà Nam, Sơn Đông, quay sang Yên Đài, rồi lại từ Yên Đài lên tàu thủy về Thượng Hải theo ca nô tới Hán Khẩu từ Hán Khẩu tới Thiểm Tây. Mặc sức thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, Hữu Văn lại mang theo mấy cuốn sổ, ghi những điều mắt thấy tai nghe trên suốt dọc đường.
Trước lầu trống thành Thiểm Tây, có khách sạn Tam Nghĩa. Hữu Văn ở đó mười ngày. Phòng Hữu Văn ở có ba gian. Hữu Văn ở gian đầu, gian giữa người giúp việc đi theo đặt một chiếc giường, còn gian bên kia là một người vùng này ở. Ngụy Hữu Văn thường thấy người ấy khóa cửa khi đi khi về. Thấy nét mặt người ấy buồn rầu ủ rũ như có việc gì ghê gớm lắm. Hữu Văn còn trẻ, nên cũng thích những chuyện không đâu, chàng luôn luôn để ý tới hành tung của người này. Tối hôm ấy, thấy có một người ở ngoài vào, mặc áo dài màu lam, khoác một chiếc áo lông, tay xách đèn lồng, trên đó có viết bốn chữ "nhân viên hành chính". Thấy người ấy đứng ngoài gọi:
- Anh Lâm có nhà không ?
Người bên trong thưa rồi bước ra nói:
- Lâu nay không gặp chú, hãy vào đây.
Họ vào phòng, không biết thì thầm với nhau những gì, chỉ nghe thấy người họ Lâm nói:
- Thế nào thế nào!
Những câu sau nói khẽ quá nghe không rõ. Ngừng một lát, lại thấy người vừa đến nói:
- Anh Hai, không sao khác được, chỉ có tám chữ là ba mươi sáu cách trốn là thượng sách.
Song không thấy người họ Lâm nói gì. Một lúc lâu sau, người họ Lâm tiễn người ấy ra về, miệng cảm ơn rối rít. Hữu Văn thấy rất lạ.
Một lát sau thì người họ Lâm về, chỉ nghe thấy phòng bên ấy có tiếng gói buộc đồ đạc loạt soạt. Vốn là ngày mai Hữu Văn lên đường, bèn rụt rè đi tới, đứng ngoài cửa nhìn vào. Người họ Lâm có chiếc rương tre, chiếc lăn và bọc chăn đệm, trông thấy Hữu Văn cũng không lên tiếng. Không nén nổi, Hữu Văn hỏi:
- Ông họ Lâm ư?
Người họ Lâm rất ngạc nhiên, vội đáp lại:
- Vâng ạ!
Hữu Văn lại hỏi tên hiệu của ông ta, ông ta bảo tên là Thiêm Khải. Hữu Văn cũng cho người ấy biết họ tên mình, rồi hỏi người ấy đi đâu. Người họ Lâm nói:
- Tôi tới Đồng Quan.
- May quá, chúng ta đi cùng đường.
Rồi nói rõ lai lịch của mình. Lâm Thiêm Khải bèn vội mời ngồi, nói:
- Ông Hữu thật là người có phúc.
Hai người trò chuyện với nhau rất tâm đắc, rồi hẹn ngày mai dậy sớm cùng đi. Vì đi một mình buồn, nên Lâm Thiêm Khải vui vẻ nhận lời.
Sáng sớm hôm sau, xe họ thuê đã tới, trả tiền khách sạn rồi lên xe. Người xà ích ra roi, xe chạy như bay, phút chốc đã rời khỏi thành. Đi suốt ngày, đến tối nghỉ tại nhà họ Hàn. Cơm nước xong xuôi hai người lại chuyện trò rất tâm đắc. Họ đều tiếc rằng gặp nhau quá muộn. Hữu Văn hỏi Thiêm Khải lần này tới tỉnh làm gì. Lâm Thiêm Khải thở dài nói:
- Nói ra thì dài và cũng thật đau lòng. Tôi là người huyện Bảo An, quê tôi rất khổ. Hai anh em tôi thì tôi là anh cả. Tôi cũng cắp sách tới trường được bốn năm. Chú em kém tôi bốn tuổi, năm nay cũng mười bảy tuổi. Chúng tôi được ông chú nuôi nấng trưởng thành. Chú đối xử với tôi rất tốt. Từ nhỏ, em tôi đã đính hôn với cô gái nhà họ Vệ. Cô ấy rất xinh đẹp, định sang năm thì cưới. Không ngờ chỗ chúng tôi có một ác bá, tên là Tưởng Minh Doãn, vốn là một quan võ, chẳng biết vì sao giàu có. Lão ta chỉ có một đứa con trai tên là Tưởng Diệc Lương, nay đã mười sáu tuổi. Hắn xuống làng thu tô, chẳng biết ai đã nói với hắn, cô gái nhà họ Vệ rất đẹp, hắn bèn nhờ người tới cầu hôn. Nhà họ Vệ nói là đã có nơi có chốn rồi, hắn bảo nhà họ Vệ đến dãn cuộc hôn nhân này. Nhà họ Vệ sợ thế lực của hắn, nhờ người đến nói, bị chú tôi mắng cho một trận. Nhà họ Vệ không còn cách nào, đành trở về nói lại với Tưởng Minh Doãn. Tưởng Minh Doãn tức giận luôn luôn kình địch, song chưa từng giáp mặt với chúng tôi. Lại vì một đằng ở thành, một đằng ở nông thôn, xa xôi cách trở, chứ không có cách gì khác. Chú tôi cũng hết sức đề phòng, không tùy tiện tới thành, sợ rằng vô ý xảy ra việc gì. Nào ngờ lòng dạ Tưởng Minh Doãn rất ác độc, hắn thuê một số người xuống làng bắt thỏ, giẫm nát cả hoa màu của chúng tôi. Chú tôi chạy ra làm ầm cả lên, bọn chúng xông vào đánh chú tôi một trận thừa sống thiếu chết. Tôi đang dạy học ở một thôn cách đó ba dặm, nghe tin trở về thì chúng đã bỏ đi rồi. Chú tôi nằm bất động. Theo bảo an địa phương nói, thì bọn ấy là người nhà họ Tưởng, và họ lại nói, trước khi chúng đi, còn bảo hãy từ bỏ hôn nhân với nhà họ Vệ đi thì sẽ chẳng có việc gì xảy ra nữa, nếu không thì họ nhất định sẽ đánh chết. Tuy tôi về nhà, cũng chẳng biết làm sao, chỉ nhờ người đặt chú tôi nằm trên tấm phản khiêng tới thành kêu oan, xét nghiệm thương tật. Chờ ba ngày, tưởng rằng ngài quan huyện sẽ ra lệnh bắt người. Nào ngờ chẳng thấy động tĩnh gì. Tôi có một người thân thích tại thành, nhờ ông tìm đến người thư biện, hỏi vì sao mà chưa có người đi bắt, lúc ấy mới biết trong đó còn sự ngoắt ngoéo tế nhị. Và người thư biện nói, nếu cho sai nha đi, thì trước hết phải nộp tiền phí tổn, tôi không còn cách nào khác. Huyện Bảo An chúng tôi đều dùng tiền giấy, một lạng bạc có thể đổi được hơn bốn quan tiền.
Họ cứ nhất định đòi lấy bạc. Sau đó người thư biện tới, nói là phải trả tiền phí tổn để làm đơn. Tôi nghĩ, anh em tôi được chú nuôi nấng trưởng thành, sao không hết lòng vì ông. Vì muốn minh oan cho chú nên buộc phải nghe theo họ, quả nhiên bạc vừa trao xong thì sai nha tới ngay: một người là Lam Năng, một người là Khả Quý. Hai người này cầm lệnh, họ lại đòi nào là tiền phí tổn ăn ở dọc đường, nào là khi lên đường phải lễ cầu may mắn... Đận ấy, tiền tôi mang đi hết nhẵn, mai mà vị thân quen ấy rất là hào hiệp, đã bỏ ra hết cho chúng tôi. Trước sau chúng tôi mất tới ba mươi lạng, ấy thế mà sai nha vẫn chưa bước ra khỏi cửa.
- Vụ này khó mà kiện được. - Ngụy Hữu Văn nói.
- Đợi tới ngày thứ hai lên đường, - Lâm Thiêm Khải nói, - tôi chờ họ ngoài quán trà, từ sáng sớm cho mãi tới non trưa, hai người sai nha mới tới. Trà thuốc xong rồi lên đường, đi đã mươi dặm, họ kêu đói không nhấc nổi chân. Tôi bảo không còn xa nữa, tới đó các ông sẽ dùng cơm. Họ bỗng sa sầm mặt lại nói, thế ngươi bắt ta nhịn đói để đi làm việc công ư, xem ra không được. Tôi dành tìm một cửa hàng ăn quen biết đưa họ tới đó ở nông thôn làm gì có thức ăn ngon, họ bảo chủ quán mù, khinh thường họ, rồi chửi chủ quán. Tôi nói mãi họ cũng không nghe. Bắt chủ quán phải đi mua một con gà với hai cân thịt về làm cơm. Họ tới ngay của hàng thuốc phiện liền đó, hút chán rồi mới trở lại ăn cơm. Ăn no mới đứng dậy đi. Chủ quán hỏi tiền, lại bị chúng cho vài cái tát và chửi là đồ khốn kiếp, đó là quy tắc đương nhiên, có nghĩa là tôi phải trả. Tôi không một xu dính túi, may mà đó là người quen, nên mới ghi cho tôi nợ tiền cơm tiền thuốc, thế rồi tôi đi theo họ. Đến thị trấn của chúng tôi, họ đòi tôi phải trả họ hai lạng bạc, nói là tiền ở trọ và tiền ăn. Trước đó tôi đã tiêu một món tiền lớn, chả lẽ món tiền vặt này lại không đưa cho họ. Đưa tiền cho họ, rồi vào thăm chú. Tôi bỗng giật mình sợ hãi.
Hữu Văn vội hỏi vì sao, Lâm Thiêm Khải lau nước mắt thở dài nói:
- Không ngờ chú tôi mê mệt bất tỉnh nhân sự. Tôi cuống lên, suốt ngày hôm ấy chẳng thấy tăm hơi họ đâu cả. Mãi đến ngày thư ba, gặp Lam Năng thì anh ta nói là Tưởng Minh Doãn đã sai một người tá điền tên là Thi Tứ Đức vào thành đưa đơn kiện chú tôi. Rồi anh hỏi tôi đến đâu nhờ người giúp đỡ. Tôi sợ họ gây rắc rối, bèn nói tôi định vào thành mua thuốc nên mới đi trước, Lam Năng không nói gì. Sáng sớm hôm sau, tôi vội vã vào thành, mang theo mấy bộ quần áo đi bán để chi tiêu trả tiền người thân, và thanh toán tiền cơm, thuốc hôm trước. Khi tới thành, lại không gặp họ, chờ suốt ba ngày tôi cuống lên, lòng dạ rối bời. Đến chiều ngày thứ tư mới thấy họ tới. Tưởng rằng sẽ xét xử, nào ngờ sau đó lại đi dạo công viên.
- Ai mời anh đi dạo công viên - Ngụy Hữu Văn hỏi.
- Làm gì có người mời tôi đi chơi công viên! - Lâm Thiêm Khải nói. - Đó là tiếng lóng của sai nha. Vụ án đã đủ điều kiện mà không xét hỏi, những người này rỗi việc đi quanh quẩn thì gọi là "dạo công viên". Cứ thế tới nửa tháng tôi không dám về nhà, lại không thể cứ ở đó mãi được. Lúc nào lòng dạ tôi cũng lo lắng về chú. Tâm trí tôi rối bời, mới nảy ra một ý, tôi đi tìm người thầy dạy tôi. Lúc đầu thầy nói là thầy không giúp được, sau đó tôi biếu thầy một thùng gạo, thầy mới nhận lời gặp quan huyện. Chờ khi thầy trở về mới biết ngài quan huyện đã già, việc buổi sáng thì chiều đã quên, việc hôm qua thì hôm nay càng khó mà đưa ra giải quyết. Việc này là việc tháng trước ngài đã để nó bay lên chín tầng mây rồi. Thấy thầy nhắc rồi ngài mới lệnh cho người lập bản án đi hỏi cho rõ ràng, rồi lập tức bảo sáng sớm ngày mai xét xử.
- Thầy lại nói với người lập bản án giúp tôi. Quả nhiên, sau bữa cơm chiều ngày hôm sau, ngài quan huyện mở phiên tòa xét xử. Thoạt tiên ngài hỏi tôi mấy câu, tôi cũng không hiểu là ngài hỏi gì. Lại thấy ngài hỏi người tá điền nhà họ Tưởng, người tá điền theo lệnh chủ cứ vu cáo bừa. Hai bên cãi vã nhau một hồi, quan chán ngán cho về, mai lại xét xử tiếp. Đến hôm sau, cũng không xét hỏi, tôi đi dò hỏi tại sao lại như thế thì có người gọi là "cò cưa", đó cũng là tiếng lóng của sai nha, có nghĩa là xử mà không kết án. Việc này kéo dài tới hai tháng. Chú tôi đã chết rồi, tính ra vẫn còn trong thời hạn xét xử. Tôi đành đệ đơn lên đốc thúc, song quan vẫn cứ ì ra không giải quyết. Tôi lại đệ lá đơn thứ hai thúc giục thì bị quan chửi là kẻ điêu oa. Ông tính, nhà tôi người thì chết, tiền thì mất, không những không được quan minh oan mà còn cho là kẻ điêu oa, thì ông bảo có tức không cơ chứ! Tôi lo đưa đám cho chú xong, rồi đành mang tiền lên phủ kháng cáo. Đây cũng là việc bất đắc dĩ, do họ bức phải làm mà thôi. Nào ngờ đưa tờ trình lên chờ rất nhiều ngày quan phủ chỉ phê là "mong huyện ấy tập hợp nhân chứng hai bên rồi kết án ngay, người học trò phải về ngay huyện để dự phiên tòa xét hỏi". Tôi cho rằng lần này thì quan huyện phải giải quyết gấp, về ngay huyện để dự xét xử.
Thật là nực cười, quan huyện lại chơi một trò kì lạ, nói là nhân chứng chưa đủ, lại cử sai nha tới bắt nhà họ Vệ, và một đống người chẳng có liên quan gì. Quan huyện không sao kết án được. Lại nghe thấy Tưởng Minh Doãn cũng dấn vào vụ án này rất nhiều tiền, quan huyện không muốn truy cứu đến cùng, muốn đưa người ta vào chỗ lùng nhùng, đương nhiên không kết thúc mà hóa ra kết thúc. Xem ra chẳng còn cách nào khác. tôi nghĩ đến lòng tốt của chú đối với chúng tôi nên rất thương xót ông. Nghĩ đến cái chết của chú tôi, chúng tôi vô cùng phẫn uất lại nghĩ tới thế lực nhà họ Tưởng, và sự ngu muội của quan huyện, chúng tôi càng thêm nôn nóng. Nghĩ rằng khi chết đi tôi vẫn thấy có lỗi với chú và đứa em của tôi, thế rồi tôi lại đi kháng cáo. Tháng Chín năm ấy tôi tới đạo đưa đơn. Thật là nực cười, quan đạo phê ý như quan phủ. Tôi nghĩ rằng không thể chịu như thế được, tôi dứt khoát chơi hắn một keo, lên trình đệ đơn cho Niết đài để định giải quyết dứt điểm. Thật là lạ lùng Niết đài vẫn đưa về huyện và cũng phê y như đạo và phủ đã phê. Tôi tức quá, lại tiếp tục đệ một lá đơn nữa, xin trực tiếp giải quyết. Không những họ không chuẩn y mà còn chửi tôi một trận. Họ phê rằng: "Vụ án này trước đây đã đưa về phủ, lệnh cho huyện tập hợp nhân chứng giải quyết ngay. Đương sự phải trở về quê quán, tới huyện nghe xét hỏi. Nay lại đệ đơn xin giải quyết, có ý thử cấp trên, quả là một vụ kiện điêu oa". Điều ấy khiến tôi tức uất tận cổ.
- Đến nông nỗi này tôi cho rằng vụ án không thể giải quyết được. Vừa rồi tôi lại nhận được thư và tiền của chú em, bảo tôi rằng đệ đơn không được phê chuẩn, thì cứ lần lượt đệ đơn lên các cấp trên. Tôi nghĩ rằng không gì bằng cứ để thẳng lên Phiên đài. Đệ đơn lên tới Phiên đài thật không dễ chút nào, cứ phải mất bốn năm lạng bạc. Đã đến nước này thì không thể không kháng cáo, đành làm theo lời em. Nào ngờ lần phê này quả không dễ dàng, tôi chờ đúng hai tháng trời ròng rã, ông có biết họ phê thế nào không!? Họ phê rằng: "Đúng như Niết đài đã phê về huyện chờ giải quyết". Chuyện này xẩy ra trước khi tôi lên đường ba ngày. Sự việc đã đến nước này, thì bỏ cuộc quách đi cho xong, chứ không còn cách nào khác. Nào ngờ tôi tới đây kháng cáo quan huyện cũng biết. Chính vì việc này mà huyện đã đệ trình giấy lên, đòi cấp trên giải tôi tới đầu huyện, và huyện sẽ cử sai nha áp giải tôi về xét xử. Cấp trên lại đưa giấy về huyện phê rằng: "Hãy tước áo mũ để răn đe những kẻ kiện điêu”. Quan trên đã phê như thế rồi. Người tới tối hôm qua là em của thầy tôi, ông ấy làm ở bộ phận chuyển giao giấy tờ. Thấy phê như thế, cho nên vội vàng tới báo cho tôi, rồi bảo tôi rằng ba mươi sáu chước trốn là thượng sách. Song đi đâu thì đi, vụ án này cũng sẽ không bao giờ tìm ra sự thực. Đây là những việc đã xảy ra từ trước tới nay. Ông đã quan tâm đến tôi nên tôi cũng kể hết để ông nghe, xem ông có kế gì giúp tôi được không!
Ngụy Văn Tử nghe suốt từ đầu đến cuối, tức đến bầm gan tím ruột, đập bàn chửi. Lâm Thiêm Khải lại khuyên giải hồi lâu. Ngụy Hữu Văn nói:
- Ông ạ! Nhà ông có nỗi oan lớn, mà nay thì người đã chết, gia tài khánh kiệt. Theo tôi thì ông có kiện tới Bộ cũng thế thôi. Tôi có một cách tốt nhất, song tôi không muốn nói ra, hiện nay chẳng còn trông mong vào đâu được. Giả dụ ông có thi đỗ cũng chỉ là một tú tài quèn, và cũng chẳng nên coi đó là lộc nước. Nay tôi bị tước mất áo mũ, nên chẳng kiêng nể gì nữa. Tôi xem ra nếu ông lật được vụ kiện này, trừ phi ông đi theo đạo nước ngoài, làm giáo dân, mới không sợ. Tưởng Minh Doãn thế lực lớn như thế cũng phải thua ông.
Lâm Thiêm Khải nghe thấy những lời khảng khái ấy, trầm tư hồi lâu, chợt hiểu ra vội vàng cúi lạy nói:
- Xin nghe theo lời dạy bảo của ông. Nếu theo cách ấy tôi cũng phải đến Đồng Quan. Vốn rất sợ quan trên bắt, nên tôi phải đến nương nhờ người bạn ở đó. Bây giờ thì tôi không sợ nữa.
Lúc ấy Lâm Thiêm Khải rất vui, cùng với Ngụy Hữu Văn kề đùi kề vế chuyện trò, chuyện trò thoải mái suốt đêm, mãi đến khi trời sáng bạch thì họ chia tay nhau. Ngụy Hữu Văn từ Đồng Quan tới vùng Sơn Tây; Lâm Thiêm Khải về huyện Bảo An chuẩn bị theo đạo Gia Tô, rồi lại đi kiện bọn quan lại hồ đồ. Rốt cục sau khi theo Gia Tô giáo thế nào, người viết truyện không nỡ kể tiếp.

 
Hết Tập 2

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết