Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Chương 5

Chuyện chúng tôi phản đối thầy Uông trong giờ Nhật ngữ rồi cũng lọt vào tai thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.
Kết quả là chúng tôi bị thầy hiệu trưởng gọi lên và vị Bồ tát bằng đất lúc này không lành như cục đất nữa. Chúng tôi bị kỷ luật bằng cách hạ thấp điểm hạnh kiểm. Những người cầm đầu thì bị cảnh cáo, tái phạm sẽ bị đuổi học. Lớp chúng tôi bị đuổi học 2 tùân nhưng không phải được nghỉ ở nhà, mà phải vào trường làm công tác lao động. Đó là vét lại hồ sen, làm cỏ dại trong vườn trường.
Hình phạt có vẻ quá nặng so với tôi, nhưng vì tôi có dính líu đến sự an nguy của nhà trường, nên thầy Dương cũng không thể cứu gỡ được. Ông lại được cử làm người giám sát công việc nên đành bó tay.
Thầy Dương chia bọn tôi ra làm hai toán, một do Ngô Hán Thanh và một do Lưu Đại Khôi cầm đầu. Những người yếu đuối được cử vào tổ làm cỏ trồng hoa, còn đám khoẻ mạnh thì vét mương, gánh nước hay sơn nhà.
Chúng tôi đã thi hành lệnh phạt mà lòng vô cùng ấm ức. Càng bực bội hơn khi cả thầy chủ nhiệm cũng không đồng tình với bọn tôi.
Trong lao động, thầy Dương nói cái gì cũng là học. Làm việc chân tay hay trí óc đều phải sử dụng hết tâm trí. Thiết kế vườn hoa phải sử dụng óc mỹ thuật. Đào vét ao cá phải tính toán thế nào ít phí sức. Không coi đó là hình phạt thì mọi thứ sẽ nhẹ thôi.
Trong buổi lao động đầu tiên, Khuyển Dưỡng Anh Tử cũng có mặt. Thầy Dương trông thấy sự hiện diện của Anh Tử có vẻ không vui, hỏi:
- Cô không bị phạt đến đây làm gì?
Anh Tử bình thản nói:
- Dạ thưa thầy, cả lớp làm việc chẳng lẽ em lại ngồi không.
Thầy Dương nói:
- Họ không phải làm việc bình thường mà là bị phạt. Em hiểu tại sao họ bị phạt không?
Anh Tử đáp
- Dạ vì khinh thị thầy dạy, vi phạm kỷ luật nhà trường.
Thầy Dương hỏi
- Nhưng tôi hỏi em, nếu một nước mà không tôn trọng công pháp quốc tế xâm chiếm một nước khác, thì em nghĩ họ có phạm tội không? Dân xứ bị xâm chiếm có quyền phản đối không?
Đương nhiên là Anh Tử hiểu ý thầy Dươg định ám chỉ gì, nhưng vẫn thừa nhận.
- Dạ, có chứ!
Thầy Dương có vẻ bất ngờ trước câu lời của Anh Tử. Ông nghĩ ngợi một chút hỏi
- Có phải thầy Uông dạy em cách trả lời đó không?
- Dạ không, đó là nhận xét của riêng em.
- Vậy thì theo em, các bạn em có đáng bị xử phạt thế này không?
Anh Tử yên lặng. Thầy Dương quay qua chúng tôi nói.
- Hãy coi như đây là một thử thách trong đời. Đây là cơ hội để rèn luyện thân thể. Biến sỉ nhục thành vinh quang. Các bạn cố lao động thật tốt để sau này ra đời có thể gánh vác được những điều gian khổ hơn nhiều.
Thầy Dương bước tới gần các nữ sinh đang trồng hoa nói
- Các em trồng thì phải chọn. Trồng loại hoa nào vừa có sắc vừa hữu ích cho đời. Đừng trồng loại hoa anh túc (hoa cây á phiện) nó tuy đẹp nhưng rất độc đấy.
Anh Tử đứng đấy không biết có hiểu ngụ ý của thầy Dương không, cũng nói
- Vâng, Hoa anh túc tuy đẹp nhưng đó là mầm độc hại người. Nếu nó không có độc tố thì sẽ quý hơn hoa hồng nhiều.
Thầy Dương thấy Anh Tử vẫn đứng đấy có vẻ không hài lòng, nói.
- Khuyển Dưỡng Anh Tử này! Thôi cô hãy đi chỗ khác chơi đi, để các bạn ở đây làm việc.
Anh Tử lại lắc đầu.
- Em chẳng cản trở công việc của các bạn đâu. Em đến đây là tự nguyện lao động với các bạn mà.
Thầy Dương bực mình.
- Lao động này chẳng có điểm đâu nhé!
- Dạ, chẳng sao, em chỉ làm việc nhẹ giúp bạn. Chẳng hạn mang trà nước cho họ.
Thầy Dương chẳng có lý do để cấm cản Anh Tử làm chuyện đó, đành nói với chúng tôi
- Trong giờ lao động, tôi mong các em lao động nghiêm túc. Không được chụm đầu lại nói chuyện hay phê phán ai cả nhé.
Rõ ràng là thầy Dương cũng có tiên kiến với Anh Tử. Sau đó thầy gọi Ngô Hán Thanh đến dặn dò điều gì, không rõ. Chỉ thấy khi Thanh quay về đã đề nghị với mọi người.
- Tất cả hãy hát bài “Con đường ta đi” cho vui nhé.
Thế là tất cả cất giọng.
- “Mọi người đổ mồ hôi, đổ xương, máu…Vì cuộc đời ta ngại gì nắng sương…”
Bọn tôi đối với thầy Dương một mực kính nể. Thầy là người có nhiệt huyết với học trò lại có nhân cách. Thời gian dần dần cũng lộ rõ thầy là người có lòng yêu nước.
Anh Tử thì biết rõ là bọn tôi không ưa gì mình. Nhưng lại phớt lờ. Trong thời gian bọn tôi bị phạt lao động, Anh Tử là người giúp đỡ rất nhiệt tình. Cô không làm lao động như bọn tôi nhưng giữ vai trò tạp dịch phục vụ rất chu đáo. Trà nước bánh trái, đâu cần đó có. Đôi lúc lại đảm nhiệm cả công việc cứu thương mỗi khi một ai đó vô ý bị thương. Chính nhờ vậy mà thành kiến của bọn tôi với Anh Tử cũng giảm bớt. Điều này hình như với thầy Dương là hết sức nguy hiểm, nên thầy cho hợp ngay Ngô Hán Thanh, Lưu Đại Khôi, Cao Triết Huê, Vương Mộ Đạo, Dương Sơn và tôi.
Thầy nói.
- Có thế nào thì Anh Tử cũng là người Nhật, dù cô ấy vô tội, nhưng hành vi của Anh Tử trong những ngày qua, dù vô tình hay cố ý cũng có tác động lớn đến tình cảm mọi người. Mà điều này lại có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần kháng chiến. Để làm mềm lòng những kẻ còn yếu lòng. Làm lung lay ý chí quyết thắng xâm lược và vơi bớt lòng căm thù của khối đoàn kết trong lớp. Trên phương diện chiến tranh tâm lý, một nụ cười nhiều lúc còn hữu hiệu hơn cả trăm tấn bom đạn. Vì vậy mọi người phải cảnh giác. Đừng để tình cảm làm tác động xấu đến ý chí.
Lời thầy Dương quả chí lý. Sự phân tích của thầy làm chúng tôi tỉnh ngộ và giật mình.
Thầy Dương lại tiếp.
- Có đìêu tôi ở vị trí người thầy không thể ngăn cấm sự hiện diện của Anh Tử nơi lao động. Cô ấy có quyền sinh hoạt theo lớp. Vì vậy mọi chuyện phải do các em chủ động. Xem nào, các em sẽ có biện pháp giải quyết vấn đề ra sao?
Dương Sơn là đứa có thành kiến với Anh Tử nhiều nhất, hắn phát biểu ngay.
- Rõ ràng là Anh Tử còn đáng sợ hơn gấp trăm lần Khuyển Dưỡng Quang Hùng. Điền Mục Thanh suy sụp tinh thần cũng do cô ta. Vì vậy phải có biện pháp phá vỡ âm mưu mật ngọt này, bằng không chẳng bao lâu cả lớp sẽ trở thành tù binh của cô ấy cả.
Lưu Đại Khôi thì ngờ vực:
- Lúc đầu tôi cũng có tiên kiến với Anh Tử, nhưng những hành động của cô ấy không hẳn là có chủ tâm và ác ý, biết đâu đó là tình cảm tự nhiên? Vì vậy nếu sợ, muốn đối phó thì ta phải mềm dẻo. Đừng quá thô bạo để thấu tai Khuyển Dưỡng Quang Hùng thì khó yên thân. Chúng ta cũng đừng quá thành kiến với Anh Tử. Chuyện Điền Mục Thanh bệnh chưa chắc có liên can đến Anh Tử.
Thầy Dương mỉm cười
- Anh Tử có thể là cô gái hồn nhiên không có ý xấu. Nhưng các em đừng quên sau lưng cô ấy còn có cả Uông Đông Nguyên đấy nhé.
Dương Sơn nghe vậy nói
- Vâng! Vâng! Uông Đông Nguyên là kẻ giật dây sau lưng Anh Tử. Bằng chứng là họ thường trao đổi với nhau bằng tiếng Nhật. Sự trao đổi này rất đáng nghi ngờ. Biết đâu đó chỉ là chỉ thị thì sao?
Mọi người biết Dương Sơn chẳng ưa Anh Tử. Vương Mộ Đạo vội nói.
- Tôi công nhận điều thầy Dương nói có lý, nhưng chưa có bằng cớ chúng ta khoan vội kết tội Anh Tử.
Thầy Dương gật đầu nhưng cũng cảnh giác.
- Các em cần phải biết người Nhật đánh ta chẳng phải chỉ bằng súng đạn mà bằng cả cách tuyên truyền, tâm lý. Có thể dùng mọi cách để ru ngủ khiến các em quên đi thù hận, nhụt chí kháng chiến, cả có thể khiến các em quên đi mình là người Trung Quốc.
Dương Sơn nương thế nói thêm.
- Đấy! Đấy! Hàng ngày Anh Tử mang bánh trái trà nước đến mọi người đều ăn.
Rồi Dương Sơn nhìn Dương Mộ Đạo nói.
- Các người biết đấy là chiến thuật gì không? Mật ngọt chết ruồi đấy nhé!
Tôi thấy thái độ Dương Sơn quá khích nên nói vào.
- Khoan hãy kết luận, hãy nghiên cứu sự việc cho kỹ. Việc này để tôi vì tôi hàng ngày ngồi gần cô ấy, tôi sẽ quan sát động tĩnh. Hiện tại tôi chỉ thấy Anh Tử là một cô gái hiền hoà chưa biểu lộ gì sai trái cả.
Thầy Dương gật đầu.
- Được! Chúng ta cần để tâm và xem xét tỉ mỉ hơn làm tránh nghi oan cho người. Có điều từ đây về sau cẩn thận hơn nữa, đừng vì sự bồng bột nhất thời mà làm hư việc lớn, cách tốt nhất hiện nay là cố cách ly Anh Tử với bạn bè các em, không để tổn hại sự nghiệp chung. Còn ngoài ra ta không nên làm điều gì quá đáng có thể tổn hại đến cô ấy vô cớ.
Lời của thầy khiến bọn tôi nghĩ ngợi. Thầy Dương ngưng lại một chút, bước ra nhìn trước nhìn sau rồi quay vào.
Cao Triết Huê nóng nảy.
- Nếu biết ung nhọt đang có trong trường sao ta chẳng đề nghị thầy hiệu trưởng bãi nhiệm Uông Đông Nguyên rồi đuổi học Anh Tử là xong ngay.
Thầy Dương lắc đầu nói.
- Không được! Đó là hành động trẻ con. Làm vậy chẳng những không hạ được địch mà còn làm nguy hại đến bản thân. Chúng ta hiện nay giống như cá nằm trên thớt. Nếu các bạn tinh ý một chút sẽ thấy thầy hiệu trưởng hiện nay chỉ là bù nhìn. Uông Đông Nguyên mới là người lãnh đạo. Hắn chỉ cần nói một tiếng là thầy hiệu trưởng sẽ bị bãi chức. Anh Tử chỉ cần về báo cha một tiếng là các em sẽ bị đuổi học. Chính Uông Đông Nguyên là người được Khuyển Dưỡng Quang Hùng phái đến đây để giám sát hành động của thầy trò ta.
Cao Triết Huê nông nổi đấm tay xuống bàn, nói
- Chẳng lẽ bọn họ có quyền sinh sát còn chúng ta phải nằm yên chịu trận?
Thầy Dương nhìn Huê cười, hỏi.
- Vậy theo cậu thì mình phải làm sao đây?
- Diệt hết tất cả bọn chúng!
Thầy Dương suy nghĩ rồi lắc đầu nói.
- Hành động hồ đồ chỉ khiến trường chúng ta bị đóng cửa sớm rồi các em bị đuổi học chẳng ích lợi gì.
- Nếu trường bị đóng cửa thì ta sẽ vào rừng theo du kích!
- Theo du kích? Ai sẽ chấp nhận các em?
- Chúng em sẽ đi tìm, bất luận vị lãnh đạo du kích nào. Trương Quốc Uy, Ngô Nhân Kiệt, Giang Chí Quân hoặc Hồ Tam cũng được. Miễn ai chịu nhận là chúng em theo.
Thầy Dương đưa tay vuốt râu, cười nói.
- Tại sao đánh giá thấp mình như vậy? Chỉ làm một du kích bình thường thôi ư? Các em có học, nhà trường đào tạo các em, mục đích là để các em gánh vác việc lớn sau này cho đất nước.
Dương Sơn đỡ lời.
- Em nghĩ làm gì miễn ích lợi cho đất nước cũng được. Vả lại khi vào du kích rồi, Trương Quốc Uy rồi sẽ húân luyện giúp chúng em chẳng khó khăn gì.
Thầy Dương cười
- Thế em biết ông Trương Quốc Uy bây giờ ở đâu không?
- Chúng em quyết tâm thì sẽ tìm được ông ta thôi.
Thầy Dương nói
- Tôi nghe nói ông ấy không còn ở ngoài mặt trận nữa mà đã về hậu phương rồi.
Lưu Đại Khôi lắc đầu.
- Em không tin! Du kích đang cần ông ta. Có thể Trương Quốc Uy không sát cánh cùng đội du kích, nhưng họ vẫn nhận chỉ thị đều đặn từ ông ta để hành động.
Dương Sơn gật đầu.
- Vâng, ông ta là một nhân vật thần bí. Nghe nói lúc thì hoá thành thương gia, lúc làm người lao động để thâm nhập vào hàng ngũ địch dò la tin tức. Có khi lại biến thành lính Nhật. Sự xuất quỷ nhập thần của ông Trương làm kẻ địch hoang mang. Nghe nói nhiều trận đánh thành công đều là nhờ kế hoạch của ông Trương vạch sẵn.
Thầy Dương gật đầu
- Đúng vậy. Các em cũng thấy đấy, làm việc gì muốn thành công phải sơ thảo kế hoạch trước, chứ không thể ỷ lại vào sức mạnh mà húc đầu vào làm ngay.Các em cũng vậy. Các em có học chứ không phải là kẻ thất phu. Muốn cống hiến khi đất nước cần đến thì bây giờ phải cố học tập đợi chờ. Tôi mà là Trương Quốc Uy, tôi sẽ không để cho các em hy sinh tánh mạng một cách vô bổ đâu.
Mọi người nghe thầy Dương nói rồi ngẫm nghĩ lại bản thân. Rõ ràng chúng tôi chưa trưởng thành.
Thầy Dương tiếp.
- Tôi khinh ghét Uông Đông Nguyên và Anh Tử hơn các bạn nhiều. Vì sự hiện diện của họ dưới mái trường của chúng ta nhắc nhở ta hiện đang sống dưới ách thống trị của quân phiệt Nhật. Học tiếng Nhật không phải là điều xấu. Có điều bị bắt buộc học để giúp họ thống trị dân tộc là một điều tai hại. Trong thời bình, người nước ngoài đến nước ta học văn hoá ta là một điều khuyến khích. Ngày xưa tôi cũng đã từng sang Nhật học, học lấy cái hay của họ để bổ khuyết cho cái dở của chúng ta. Chuyện đó là rất tốt đấy chứ? Nhưng mà…
Thầy Dương tiếp
- Một điều quan trọng nhất là: Dù có học tiếng Nhật ta cũng phải giữ vững quan điểm lập trường. Phải biết có thế nào ta vẫn là con dân Trung Quốc. Anh chị em du kích chiến đấu ngoài mặt trận cũng chỉ vì chúng ta. Vì vậy các em phải cố gắng học, đó cũng là một cách để chiến đấu. Và để chống lại chiến tranh tâm lý của kẻ thù, chúng ta cũng cần có chút thủ đoạn…
Dương Sơn nghe vậy nói
- Em nghĩ ra rồi. Phải chặn lại sự xâm nhập của kẻ thù bằng cách ngăn không để họ tiếp xúc với ta. Chẳng hạn như phao tin bánh kẹo của Anh Tử có độc.
Thầy Dương lắc đầu
- Không được! Nếu kiểm nghiệm không đúng thì chúng ta sẽ mất uy tín.
Lưu Đại Khôi chậm rãi đứng dậy.
- Theo tôi nghĩ chúng ta cắt người phụ trách việc nước uống, cứu thương. Lúc đó Anh Tử không có việc làm sẽ tự động rút lui.
Thầy Dương suy nghĩ
- Đó là một cách. Nhưng chỉ e rằng lúc đó Anh Tử chẳng có việc lại quấy rầy chúng ta nhiều hơn.
Huê nói
- Vậy thì chúng ta cố gắng hoàn thành công trình sớm. Công việc khẩn trương thì sẽ chẳng ai có thời gian nghe cô ta nói.
Nhưng tất cả ý kiến lần lượt bị thầy Dương bác cả.
Thầy nói với Ngô Hán Thanh
- Hán Thanh! Cậu là đại biểu học sinh trong trường, cậu có ý kiến đi chứ?
Ngô Hán Thanh suy nghĩ một lúc rồi nói
- Thưa thầy, em thấy sự việc này thầy có thể giúp được. Chẳng hạn thầy bắt cô ấy đến lớp, bài vở nhiều đương nhiên Anh Tử phải học không có thời gian đến với bọn em.
Thầy Dương lắc đầu
- Chuyện đó tôi cũng có nghĩ tới. Nhưng không hợp lý. Mọi người lao động sao chỉ có Anh Tử học? Đừng quên Anh Tử là một học sinh xuất sắc. Bài vở chẳng kém ai cả nhé.
Ngô Hán Thanh gãi đầu
- Như vậy em chịu thua.
Thầy Dương suy nghĩ một chút rồi hỏi
- Trong lớp Anh Tử thân với ai nhất?
Dương Sơn quay đầu nhìn tôi
- Bạn ngồi gần cô ả nhất thì hẳn thân với cô ta nhất rồi?
Tôi nghe hỏi giật mình, thầy Dương trấn an.
- Đìêu đó không có gì đâu mà sợ, nhưng tôi hỏi Anh Tử là người thích ai nhất cơ.
Lưu Đại Khôi suy nghĩ rồi nói.
Ngô Hán Thanh! Em thấy cô ta thường mượn vở Hán Thanh.
Tôi mừng rỡ tán đồng.
- Đúng đấy.
Ngô Hán Thanh nói.
- Tôi chỉ cho cô ta mượn vở chứ nào có chuyện riêng tư gì với Anh Tử đâu?
Thầy Dương nói
- Dù có chuyện riêng tư cũng không thành vấn đề. Khi công tác trong lòng địch càng tiếp cận được kẻ địch càng dễ hoạt động.
Và rồi thầy đứng dậy nói.
- Thôi tôi để các em thảo luận. Nhớ đấy, phải tìm một biện pháp hữu hiệu nhưng ôn hoà, đừng quá đáng để kẻ địch lưu ý.
Rồi thầy bước tới bên tủ, lấy bọc thóc ra sân để cung cấp cho đàn bồ câu yêu quý của thầy.
Còn lại chúng tôi đã thảo luận sôi nổi, sau cùng có một sự phân công thành hành động như sau: Lưu Đại Khôi phụ trách tổ chức, Dương Sơn tuyên truyền, tôi thì giám sát hành vi của Anh Tử.
Sau khi thầy Dương cho bồ câu ăn xong quay về, chúng tôi mang kế hoạch đã định ra báo cáo lại cho ông nghe. Ông gật đầu tán thành và nói.
- Thôi được! Các em về đi.
Nhưng khi chúng tôi chào thầy định ra về thì thầy đã ngăn lại bảo.
- Hãy ghi nhớ cuộc nói chuyện hôm nay và không được tiết lộ cho bất cứ người nào khác biết, nếu các cậu là người yêu nước.
- Dạ!
Chúng tôi đồng thanh đáp. Thầy Dương nhìn Ngô Hán Thanh chợt nói
- Hôm nay hình như em có gì không vui. Thôi hãy nán lại đây giúp tôi làm chút vịêc, đấy là chép lại giùm tôi một ít bài văn. Còn cái tổ cậu vừa được giao thì tạm để Cao Triết Huê đảm trách đi nhé!
Khi bọn tôi ra đến nơi lao động thì nghe tiếng vỗ tay ầm ĩ của các bạn, thì ra Anh Tử đang hát dân ca Nhật Bản giúp vui.