Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
hai

Mùa thu đến, tiết thu ở miền bắc bao giờ cũng đìu hiu. 
Một hôm khi đến căn nhà màu xanh, tôi chỉ thấy chị Phấn ngồi thẫn thờ trước kính. Thấy tôi bước vào, chị uể oải đứng lên nói: 
- Tôi và anh Cương mới cãi nhau. 
Tôi ngạc nhiên: 
- Thế à? 
Chị gật đầu và đưa bả vai cho tôi xem: 
- Anh ấy mới đánh tôi. 
Vết bầm màu xanh hiện lên trên làn da trắng nõn. 
- Anh Cương đâu rồi? 
- Tôi cũng không biết. 
Nhìn vẻ phờ phạc của chị Phấn, tôi nhớ lại những lời mẹ nói về anh Cương, bất bình: 
- Anh Cương bậy thật. Đàn ông mà sao lại đánh đàn bà hả? 
Tôi nghĩ đến chị Ngọc rồi nghĩ đến chị Phấn, anh Cương đúng là một mẫu người sở khanh hư đốn. Sự thông cảm len nhẹ qua tim. 
Chị Phấn buồn bã ngồi trước mặt tôi, chị kể lại chuyện của chị và anh Cương. Gia đình chị rất khá giả. Ông bố làm việc ở sở hỏa xa, mẹ là người Tây Ban Nha. Với hai dòng máu trong người, chị sành sỏi cả tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hán; ngoài ra chị còn biết thêm cả Anh ngữ nữa. Vì yêu anh Cương, chị đã bỏ nhà theo anh, bất chấp tất cả chuyện thị phi của thiên hạ. 
Rồi chị thở dài: 
- Tôi yêu anh ấy nên đã hy sinh tất cả. 
Đàn bà bao giờ cũng thiệt. Tôi nghĩ. Với người đẹp và thông minh như chị Phấn, chán vạn đàn ông vây quanh, thế mà định mệnh lại bắt phải ghé mắt xanh vào một người hư đốn như anh Cương, để bị cả gia đình, dòng họ mẹ tôi lăng nhục. Vậy là bất công quá. 
Tôi nói với chị: 
- Chị trẻ đẹp thế này thì tội gì phải bám theo anh Cương cho khổ sở. Anh ấy cũng đâu phải là độc thân đâu. Nếu tôi là chị tôi sẽ bỏ anh ấy ngay. 
Chị Phấn lắc đầu: 
- Tôi có ngờ anh ấy lại vũ phu như vậy đâu? Nếu biết trước thế thì tôi đã nghe lời cha tôi… 
Tôi nói: 
- Bây giờ nếu trở về nhà, liệu cha chị có chấp thuận không? 
- Tôi cũng không biết. Chị nói – Chắc cha tôi sẽ tha thứ vì tôi là đứa con độc nhất trong gia đình. 
Tôi thúc dục: 
- Thế sao chị không về ngay đi? 
Chị Phấn ngẫm nghĩ một chút rồi gật đầu: 
- Em có lý, bây giờ không còn lý do gì để tôi ở lại nữa. Anh ấy đã không còn yêu mới đánh tôi như vậy. Có điều … gia đình tôi ở tận Cáp Nhĩ Tân, cách đây xa quá, tôi lại chưa mua được vé thì làm sao? 
Tôi suy nghĩ một chút rồi đề nghị: 
- Thế này nhé, bây giờ chị hãy tạm thời lánh mặt, tôi có con bạn ở gần đây. Nó sống một mình. Chị có thể đến đấy tạm trú vài hôm với nó. 
Chị Phấn nhìn quanh: 
- Thế còn đồ đạc? 
- Chị lựa những thứ nào cần thiết thì mang theo. 
- Vâng. Chị Phấn đứng dậy – Phải có em giúp sức tôi mới có đủ can đảm xa anh ấy. 
Thu dọn tất cả áo quần để vào valy, chúng tôi dời khỏi nhà. 
Đến nhà bạn, kể đại cương cho nó nghe tình cảnh của chị Phấn xong, tôi mới trở về. 
Tối hôm ấy, vừa ngủ được một giấc, thì bỗng giật mình thức dậy vì những tiếng đập cửa hối hả. 
Mở cửa thì ra là anh Cương. Thấy mặt anh rồi nghĩ đến chuyện của chị Phấn, tôi lạnh lùng: 
- Anh đến đây làm gì? 
Đôi mắt tinh nghịch hằng ngày của anh Cương đã biến mất. Anh nhìn tôi bối rối: 
- Em có trông thấy chị Phấn đâu không? 
Cơn giận bốc lên, tôi trừng mắt: 
- Chị Phấn ở đâu thì anh biết chứ, làm gì hỏi tôi? 
Anh Cương cúi đầu nhìn xuống: 
- Cô ấy đi rồi, mang theo cả đồ đạc. 
Tôi lạnh lùng: 
- Cũng không liên hệ gì. Anh còn chị Ngọc ở nhà nữa mà. 
Anh Cương buồn bã: 
- Đừng nói đùa nữa, nếu biết xin em làm ơn giúp anh. Chị ấy ở đâu cho anh biết đi? 
Gương mặt xanh tái đầy vẻ đau khổ của anh làm tôi cảm động. Tôi quay mặt đi không dám nhìn thẳng anh nữa, sợ rằng một phút yếu lòng mình sẽ khai ra cả thì nguy. 
Hai ngày trôi qua, tôi yên ổn trở lại. Không biết anh Cương đã đến đâu để tìm chị Phấn. Riêng chị thì vẫn còn ở nhà bạn tôi đến hôm thứ ba mới về Cáp Nhĩ Tân. 
Hôm ấy mùng năm tháng chín nhằm sinh nhật của ông cậu. Thời tiết bắt đầu chớm lạnh, mẹ dậy sớm chọn những bộ quần áo mới cho chúng tôi đi ăn lễ. 
Rút kinh nghiệm lần trước, đứa nào cũng chẳng thích đi. Cậu em tôi viện cớ cần đến nhà bạn mượn vở. Em gái thì bảo là đau bụng để thối thác. Tôi cũng muốn từ chối, nhưng nghĩ lại sợ mẹ buồn nên đành theo chân người. 
Vừa trang điểm xong thì xe ông cậu đã đến rước. Nhìn xe tôi biết ngay. Đấy là chiếc xe mà lần trước anh Cương đã tạm mượn. 
Mẹ không biết chuyện đó nên hỏi: 
- Thích không, xe đẹp quá chứ nhỉ? 
Tôi ngoan ngoãn: 
- Vâng. 
Nhưng thật ra tôi cũng chẳng thấy thoải mái bằng hôm đi hóng mát bằng anh Cương. Có lẽ vì hôm trước chạy nhanh nên mát, cũng có lẽ vì cái không khí trẻ trung của anh Cương mang lại làm tôi dễ chịu hơn. 
Cha ngồi cạnh bác tài. Người có vẻ quan trọng trong bộ âu phục màu cà phê sữa già nua. 
Từ khi kế mẫu về đến nay, khoảng cách giữa cha và chúng tôi gần như càng lúc càng rộng. Tôi chẳng biết tại sao như vậy, có điều tôi không thích nói nhiều về chuyện đó. Vì càng nghĩ càng thấy nhức đầu thôi. 
Vừa xuống xe, tôi đã thấy không khí căn nhà khác lạ, màn cửa cũ được thay bằng nhung tím. Đèn đốt sáng choang. Cậu đón chúng tôi ngay tận cổng. Hôm nay trông ông thật trẻ, cũng khuôn mặt dễ nhìn của anh Cương, có điều già dặn vững chãi hơn. 
Khách đã đến đông đủ. Tôi ngồi thu hình trên ghế ở một góc phòng yên lặng. Chị Ngọc thấy tôi lẻ loi bước đến chuyện vản. 
Giữa lúc ồn ào đó, một người khách lạ đẩy cửa bước vào, ông ta hãy còn trẻ. Mũi cao, gương mặt dài, cũng có tướng lắm, trông chẳng khác một anh hề trên sân khấu tí nào cả. 
Chị Ngọc giới thiệu với cha: 
- Đây là Thiệu Kinh Thành, anh ruột của con. 
Chị Cương cũng không quên giới thiệu với tôi. Chúng tôi chào nhau rồi yên lặng. Một lúc gã thanh niên làm quen: 
- Cô học ở đâu? 
Tôi giật mình: 
- Dạ ở trường nữ Trung học tỉnh lỵ. 
- Lớp mấy? 
- Lớp mười. 
- Khá lắm. 
Tôi không biết hắn nói tiếng “khá lắm” ở đây là để chỉ trường Trung học hay lớp mười khá, nên yên lặng. 
Gã tiếp tục giới thiệu: 
- Tôi học ở Đại học. 
- Thế à? 
Rồi tiếp tục lơ đãng. Hắn lại tiếp: 
- Tôi học ở Trường luật. 
- Thế à? – Rồi cũng bắt chước – Khá lắm! 
Gã thanh niên cười, mở to mắt nhìn tôi: 
- Cô bảo học Luật khá à? 
Sự thật tôi cũng không hiểu học Luật có khá không, nhưng đã lỡ lên tiếng nên đành cười: 
- Vâng, nhưng chắc khó lắm nhỉ? 
Mắt anh chàng sáng lên: 
- Học thì cái nào lại không khó. Có điều thích học thì sẽ chẳng bao giờ thấy khó. 
Chị Cương đứng bên cạnh lên tiếng: 
- Anh chăm học như vậy làm gì ông bố chồng tôi lại không chuộng. 
Tôi hiểu chị Cương gọi “ông bố chồng” ở đây là để chỉ cậu tôi. 
Hướng về phía người, tôi thấy cha và cậu đang thích thú ngắm bức tranh thủy mạc trên tường. 
Gã thanh niên bên cạnh tôi có vẻ cũng thích tranh lắm, hắn cứ loay hoay mãi. Một lúc ông cậu tôi hỏi: 
- Cậu Thành, họa sĩ Lương Khải thuộc đời nào vậy? 
Gã thanh niên bước tới, cung kính: 
- Dạ đời Nam Tống ạ. 
- Cậu có thích bức họa này không? 
Kinh Thành đáp nhanh: 
- Dạ thích lắm chứ. 
Sau đó tôi nghe cậu nói với cha tôi: 
- Thằng này khá lắm, học chăm. Có nhiều triển vọng. 
Mắt Kinh Thành chớp nhanh. Chỉ tội cho đôi chân mày hình chữ bát của hắn, càng sung sướng khuôn mặt hắn trông càng khổ sở hơn. 
Có lẽ thấy tôi nhìn hắn kỹ quá. Kinh Thành quay lại kiếm chuyện: 
- Nhà cô ở đâu? 
- Ở vùng chiếm đóng Anh. 
- Có mấy anh chị em? 
- Dạ thưa ba. 
- Khá lắm! 
Hình như hắn chỉ biết sử dụng có hai tiếng “khá lắm” trong việc giao tiếp thôi. Tôi ghét nhất cái giọng xã giao thẩm vấn này, sự vô duyên của gã càng khiến tôi nhớ đến cái trẻ trung của anh Cương. 
Không hiểu sao hôm nay lại không thấy anh Cương ở nhà. Anh ấy phải có mặt hôm nay mới phải. Tôi nghĩ đến chị Phấn và nỗi buồn của anh Cương. 
Vừa nghĩ đến chị Phấn, bất giác tôi quay về phía chị Ngọc. Người con gái phá hoại gia đình của chị. Con quỷ cái mà chị hằng nguyền rủa, đã bỏ đi rồi chị biết không? Anh Cương sẽ trở về và chị cần phải vui vẻ đón nhận. Nhìn vẻ đẹp lạnh lùng của chị Ngọc, bất giác tôi nghĩ đến những chiếc lọ thủy tinh đẹp nhưng thật buồn. Chị nhìn tôi cười nhẹ và tôi không hiểu chị buồn hay vui. 
Óc tò mò muốn tôi hỏi chị có biết chuyện chị Phấn ra đi hay không. Nhưng tôi không biết lựa lời thế nào để câu hỏi trở thành quá đường đột: 
- Anh Cương đâu rồi chị? 
Chị Ngọc lạnh lùng: 
- Ông ấy không có nhà. 
Tôi chưa kịp hỏi tiếp, thì Kinh Thành đã lên tiếng: 
- Hắn lại đi đâu nưa rồi? 
Chị Ngọc đưa mắt ra xa với giọng với trách hờn: 
- Ông ấy thì có lúc nào ở nhà đâu. 
- Nhưng ít ra hôm nay là sinh nhật của ông bố, nó phải ở nhà chứ! 
- Anh ấy bị mù rồi còn nhớ gì đến nữa đâu. Mấy hôm liền biệt tăm biệt tích. 
- Thế còn… 
Kinh Thành vừa nói đến đây, như sực nhớ đến sự hiện diện của tôi bên cạnh nên bỏ lửng câu hỏi. Chị Ngọc thở dài: 
- Thì cũng như xưa chớ có khác gì đâu. 
Nghe chị Ngọc nói cho tôi biết chị chưa hay một tí gì về sự ra đi của chị Phấn. Kinh Thành yên lặng một lúc rồi lên tiếng: 
- Phải tìm cách nào chứ? 
Gã đốt thiếu thuốc và ra vẻ suy nghĩ. Chị Ngọc nhìn ông anh rồi lầm bầm: 
- Ai cũng bảo em tìm cách để kéo anh ấy về. Nhưng em còn biết cách nào nữa bây giờ? Giữ được người mà chẳng giữ được tim thì cũng vậy thôi. 
- Sao em chẳng đeo theo bên hắn? 
- Vô ích – Chị Ngọc thở dài – Thôi thì đành vậy, cách đây mấy hôm ông ấy có về. Nhưng em ra điều kiện. Là có về thì phải về luôn để tiếp tục học hành chứ không được lang thang nữa. Nói thế mà ảnh vẫn bỏ đi. 
Thiệu Kinh Thành có vẻ khó chịu, hắn liếc nhanh về phía cậu tôi. Lúc đó cha và cậu đang say mê tranh luận cái gì không rõ. 
- Không hiểu sao thằng Cương nó chẳng giống bố tí nào cả? 
Chị Cương thấp giọng: 
- Ở đời gần như vậy cả, bao giờ cha quá thành công thì con thế nào cũng hư đốn. Mới tháng tám trước, tiệm may Thiên Tôn có mang giấy nợ đến đòi tiền bốn bộ áo. Bảo là của anh Cương may. Tôi ngạc nhiên hỏi anh ấy áo quần đâu sao chẳng thấy mang về. Thì ổng thản nhiên đáp: Bán rồi. 
Thiệu Kinh Thành búng búng điếu thuốc trong tay: 
- Sợ không có chứ, dám để đằng kia lắm à 
Chị Ngọc cúi xuống ly, giọng buồn: 
- Em làm sao biết được, riết rồi em cũng nản quá. Thôi thì mặc vậy. Tiền của ông bố anh ấy thì anh ấy cứ tiêu. 
- Vậy chứ cha hắn chẳng hay biết gì cả sao? 
Chị Ngọc xoay xoay ly nước trong tay: 
- Tánh ông ấy nóng như lửa. Ai mà dám trình bày hết cho ông ấy nghe. 
Thiệu Kinh Thành yên lặng, sự nặng nề như vậy phủ chung quanh. Một lúc như nhớ lại sự hiện diện của tôi, chị Ngọc đưa đĩa bánh nói: 
- Ăn đi, đừng khách sáo nhé! 
Lấy một chiếc bánh cho vào miệng. Tôi muốn nói ngay cho chị Ngọc biết – “đằng ấy” đã không còn. Vì chuyện tình giữa chị Phấn và anh Cương đã vỡ. Nhưng nghĩ kỹ lại tôi lại thôi, sợ chỉ gây thêm rắc rối cho mình. 
Chị Ngọc lảng sang chuyện khác hỏi Kinh Thành: 
- Lúc nãy ông bố chồng tôi nói cái gì với anh mà có vẻ vui thế? 
Thiệu Kinh Thành làm vẻ quan trọng: 
- Ông ấy bảo đợi đến bao giờ tôi ra trường sẽ nói giúp với bạn bè nếu ngoại ngữ tôi khá, ông sẽ đưa tôi vào làm ở bộ ngoại giao. Tôi nói cái gì chứ ngoại ngữ thì không có gì khó khăn cả. Ông ta thở dài và nói tiếc thật, phải chi thằng Cương nó giống tôi thì hay biết mấy. 
Chị Ngọc chớp nhanh mắt: 
- Nói gì cái chuyện đó. Có ông bố uy thế như vậy mà không biết lợi dụng thì có ai còn ngu hơn không? 
Điếu thuốc trên môi Thành đã tàn, hắn lại đốt thêm điếu khác: 
- Chiếc xe chạy khá lắm! Ngồi trên xe ai cũng nói. Tôi thế này mới hợp với chiếc xe sang trọng như vậy. 
Nghe nhắc đến chiếc xe, tôi bắt đầu để ý. Chị Ngọc lên tiếng: 
- Ông ấy đã đồng ý thì anh cứ lấy mà dùng. 
Kinh Thành giả vờ: 
- Còn thằng Cương nó chẳng biết lái xe à? 
Chị Ngọc trề môi: 
- Ông ấy có biết lái đi nữa tôi cũng chẳng nhờ vả gì. Bố chồng tôi bảo trừ trường hợp anh Cương học hành, đứng đắn ra, bằng không thì đừng hòng sờ đến chiếc xe đó. 
Nghĩ đến hôm anh Cương đưa chúng tôi đi hóng mát rồi sau cùng đem liệng xe trước cửa một căn nhà của khu chiếm đóng Nhật. Lúc đó tôi đã tưởng chiếc xe đó là “bợ nhẹ” của ai, không ngờ lại là của ông cậu. 
Tôi giả vờ lên tiếng: 
- Anh Thành, nhà anh ở vùng chiếm đóng của Nhật phải không? 
- Vâng. 
- Ở tại đường Cung Đảo à? 
Thành tròn xoe mắt: 
- Ồ, tại sao cô biết? 
Tôi đặt ly nước lên bàn: 
- Đâu có, tại lần rồi tôi đã trông thấy chiếc xe đậu ở đường đó, thì ra đấy là nhà của anh. 
Chị Ngọc cũng ngạc nhiên: 
- Em cũng trông thấy chiếc xe đậu ở đó à. Lạ thật, hôm ấy cả nhà quýnh quáng cả lên. Đến cờ bót, sau cùng thấy chiếc xe đậu ở nhà mình, tôi tưởng là anh lấy chạy đấy chứ. 
Thiệu Kinh Thành lắc đầu: 
- Tôi cũng hú hồn, không biết tên nào chơi ác quá. Nghe nói chiếc xe hôm ấy dơ lắm phải không? 
Tất cả câu chuyện hôm ấy, tôi là người trong cuộc, tôi biết rõ hết. Nhưng tôi vẫn yên lặng uống trà. Có điều tôi thắc mắc chẳng hiểu tại sao anh Cương lại “ba gai” như vậy? Chiếc chìa khóa xe có lẽ vẫn còn nằm trong túi của anh. Chuyện có vẻ buồn cười, nhưng cũng thật chua xót. Tại sao xe của mình mà lại cấm con sử dụng để rồi dâng cho một người không cùng dòng máu nhởn nhơ. 
Tên “khá lắm” lại lên tiếng: 
- May phước là hôm ấy có người chịu đứng ra làm chứng cho sự không có ở nhà của tôi, bằng không: Không biết bố chồng cô lại nghĩ sao về tôi. 
Chị Ngọc gật gù: 
- Nghĩ cũng lạ… 
- Chiếc xe đó quý lắm. Theo tôi nghĩ chỉ gia đình họ Kỷ này mới dám chơi xe như vậy. 
Chị Ngọc yên lặng một chút rồi thở dài: 
- Có lẽ vì trông thấy cái nét hào nhoáng của gia đình họ Kỷ mà cha mẹ và các anh mới bắt ép em làm dâu nhà họ Kỷ này… 
Thiệu Kinh Thanh biện hộ: 
- Em đứng nên nói thế. Vì em cũng biết với gia đình danh giá như chúng ta, thể diện rất quan trọng. Cha mẹ chọn gia đình này để gả em vì vấn đề môn đăng hộ đối chứ không phải vì vấn đề nào khác. 
Tôi nhìn hai anh em chị Ngọc, bất giác nghĩ đến anh Cương. Nếu anh Cương được vợ chỉ vì thế thì tội cho anh. 
Sau bữa cơm, mẹ đến phòng mợ nói chuyện. Cậu đưa Kinh Thành và cha đi xem những bức tranh và tượng điêu khắc mà người mới mang từ Âu Châu về. Còn lại tôi và chị Ngọc, chị mời tôi vào phòng riêng của chị chơi.
Đây là lần đầu tiên tôi được vào phòng chị Ngọc (cũng là phòng của anh Cương). Cả phòng trang trí bằng những vật dụng cùng một màu sữa, từ chiếc giường đôi, bàn trang điểm đến tủ áo. Trên đầu giường một bức ảnh thật to. Ảnh của anh Cương và chị Ngọc chụp hôm đám cưới. 
Trên”table de nuit” cạnh giường cũng có một bức ảnh bán thân khác của anh Cương. Với chiếc áo hở ngực và mái tóc bồng, anh Cương trông thật rực rỡ bên những táng cây cao. 
Chị Ngọc thấy tôi chăm chú nhìn, chị nói: 
- Đây là bức ảnh chụp lúc anh Cương mới đậu xong Tú tài. Anh ấy đi Bắc Kinh chơi, lúc bấy giờ chúng tôi mới làm lễ hỏi. Đẹp quá chứ nhỉ? 
Tôi gật đầu. Đó là chuyện hiển nhiên. Có điều hơi lạ, tôi không ngờ với một người có vẻ lạnh nhạt và thù hằn với chồng như chị mà cũng có thể ca ngợi được “kẻ thù” của mình. 
Chị Ngọc nâng bức ảnh lên ngắm nghía: 
- Em trông này, mắt anh Cương đẹp quá nhỉ! Em thấy không? Đôi mắt hai mí của anh ấy đen láy dưới hai hàng mi sậm. Đàn bà chưa hẳn ai được như vậy. 
Giọng của chị thật nhẹ và tràn ngập tình thương. Bất giác tôi quay lại, dưới ngọn đèn vàng trông chị đẹp hẳn ra. Màu mà phớt hồng tạo thành một vẻ dịu dàng hiếm thấy. 
Chị Ngọc chẳng để ý đến những thay đổi bất chợt của tôi, chị vẫn ngồi yên ngắm bức ảnh của anh Cương. Một lúc quay lại: 
- Người xưa từng bảo “Đàn ông không nên quá đẹp, vì đàn ông đẹp chỉ làm hại đàn bà”. Em có nghĩ như vậy không? 
Tôi ngập ngừng không biết trả lời thế nào? Nhưng nghĩ rằng ít ra mình cũng nên giúp đỡ một cái gì cho anh Cương, nên lắc đầu: 
- Em thấy cũng không đúng hẳn như vậy. 
Chị Ngọc vỗ nhẹ vai tôi: 
- Bao giờ lớn, em sẽ thấy cái lý của nó. Nhớ nhé, đừng bao giờ lấy chồng đẹp trai quá. 
Tôi cười, nhưng lòng băn khoăn. Làm người ai chẳng yêu vẻ đẹp. Tôi không biết lời khuyên của chị Ngọc có đúng không. Nhưng tôi thấy chị Phấn yêu anh Cương không hẳn vì cái vẻ đẹp trai bề ngoài của anh ấy mà còn vì sự trẻ trung, sự bất cần đời của người con trai ngạo mạn. 
Chị Ngọc yên lặng ngắm tôi, hình như chị muốn nói một điều gì đó nhưng lại thôi. Chị kéo tôi đến trước bàn trang điểm, chải tóc cho tôi, rồi lấy chiếc nơ bươm bướm cài lên tóc. 
- Con gái lớn rồi cũng nên trang điểm một tí. 
Tôi để yên cho chị sửa soạn. Chị hỏi nhỏ: 
- Em có biết gì về chuyện của anh Cương không? 
Tôi giả vờ: 
- Chuyện gì thế chị? 
- Chuyện của anh Cương với con nhỏ tên Phấn đó! 
Tôi không thể không đóng kịch tiếp: 
- Phấn nào? 
Chị Ngọc nhìn tôi qua kiếng: 
- Nghe nói con nhỏ đó đẹp lắm! 
Rồi chị thở dài: 
- Chắc có lẽ đẹp hơn cả tôi. 
Tôi nghĩ ngợi một chút rồi an ủi: 
- Chị cũng đẹp lắm, nhưng theo em nghĩ, sự gần gũi của một người với một người chưa hẳn là vì sắc đẹp chị ạ. 
Chị Ngọc cắn nhẹ môi: 
- Thế thì…theo em còn tại sao nữa? 
Tôi lắc đầu: 
- Em cũng khong biết, có điều em nghĩ: Anh Cương chắc hẳn không phải yêu cái bà tên Phấn nào đó vì sắc. Chị đẹp lắm chị Ngọc, nếu em là anh Cương em sẽ không bao giờ xa chị. 
Chị Ngọc yên lặng. Tôi an ủi tiếp: 
- Chắc anh Cương rồi cũng sẽ trở về. 
Chị Ngọc lắc đầu, mắt chị thoáng buồn. Tôi tiếp: 
- Em biết chắc như vậy, anh Cương rồi sẽ trở về bởi vì… 
Chị Ngọc quay nhanh về phía tôi: 
- Vì sao? 
Tôi giật mình khi thấy sự hớ hênh của mình, nên đánh lảng: 
- Bây giờ bắt đầu lạnh rồi phải không chị? 
Chị Ngọc yên lặng một lúc nói với tôi: 
- Chuyện hôm nay chị nói với em, em đừng mách lại cho ai biết cả nhé. Dù sao anh Cương cũng không đến nỗi nào. 
Tôi gật đầu. Có lẽ giờ phút này cha tôi cũng đã xem xong tranh. Bước đến cửa chúng tôi định ra ngoài, vừa mở cửa tôi giật mình vì anh Cương đã đứng tại đấy tự bao giờ. 
Gương mặt anh xám mét, đôi mắt đẹp của anh đã mất đi vẻ tinh ranh ngày nào, một màu khói mù buồn thảm như đang phủ trên vầng trán rộng. Chị Ngọc có vẻ cũng ngạc nhiên. Nhưng sự xúc động trên mặt chị cũng biến nhanh và đổi ngay bằng nét lạnh lùng cố hữu: 
- Anh đi đâu mà giờ mới về? Anh có biết hôm nay là ngày gì không? Sinh nhật của cha mà sao không ở nhà để tiếp khách chứ! 
Tôi đứng nép sang bên, để anh Cương vào phòng. Đến mép giường, anh để nguyện bộ quần áo bẩn ngã người xuống. 
Chị Ngọc lặng lẽ bước đến tủ lấy bộ âu phục mới ném lên giường cho anh. 
- Em nghĩ, có lẽ anh cũng không cần mặc lễ phục chi cho mất công, giờ hành lễ qua rồi. Thay bộ này cho nó có vẻ sạch sẽ một tí, rồi đi chào cha đi, để cha biết rằng người còn có một đưa con trai đáng quý chứ. 
Anh Cương bật dậy như chiếc máy. Tôi đứng bên ngoài nhìn đôi vợ chồng xa lạ, hình như ánh sáng của gian phòng không đủ tạo nên hơi ấm. Tôi biết niềm đau của anh Cương. Nhưng tôi cũng biết nỗi buồn của chị Ngọc, khoảng cách giữa hai người quá rộng, lúc gặp nhau đến giờ hình như họ chưa hề nhìn thẳng vào nhau. 
Anh Cương chậm rãi mở rộng những khuy nút. Trên khuôn mặt ngơ ngác của anh, tôi không tìm ra cảm xúc nào đặc biệt. 
Hình như chị Ngọc lúc nào cũng nhìn anh bằng đôi mắt nghiêm khắc. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng và đi vào phòng mợ. Ăn thêm một ít bánh mứt, rồi cùng mẹ ra phòng khách. Không khí trong phòng cũng không vui vẻ gì. Giữa phòng là ông cậu, cha tôi và Thiệu Kinh Thành đang ngồi quanh chiếc bàn thấp. Trong khi anh Cương đang đứng tựa người vào cửa sổ, mắt nhìn ra ngoài. Không biết bên ngoài có gì khác hơn là màn đêm mà tôi thấy anh chăm chú ngó, chẳng quay lại. 
Mặt cậu tôi có vẻ giận dữ. Thấy chúng tôi đi vào, cha vội nháy mắt ra hiệu giữ im lặng. 
Chúng tôi biết sự hiện diện của mình không đúng lúc, nhưng đã lỡ đến rồi không lẽ lui chân, nên ngồi xuống ghế ở cạnh tường. 
Mắt cậu không ngừng nhìn anh Cương: 
- Mày còn về đây làm gì nữa? Ở nhà này không có những đứa con bất hiếu như mày, biết không? 
Anh Cương đứng yên như pho tượng đất. Ông cậu tiếp: 
- Ban nãy lúc vào đây mày nói cái gì? Chúc thọ à? Tao có mời mày đến đâu? Người xưa thường bảo “hiếu thì phải nghe” mày có nghe tao bao giờ đâu? Lấy kiếng nhìn mặt xem mày có giống ai trong nhà này không chứ? 
- Đi đi! Đừng có ở đây nữa! 
Anh Cương vẫn yên lặng, cậu tôi càng lúc càng trở lên giận dữ: 
- Lấy kiếng soi thử xem! Mày đi đâu suốt cả mấy ngày, mấy đêm, mà còn đủ can đảm vác mặt về nữa hả? 
- Mày còn biết mày còn có cha nữa à? 
Liếc về phía Thiệu Kinh Thành, rồi cậu tôi quay lại tiếp: 
- Mày còn biết mày có nhà nữa à? Người ta đem con gả cho mày. Mày làm thế thấy có mất mặt cha mày không hở? Đi đi! Đi soi gương đi. Tao không thể nào có một đứa con khốn nạn như mày được. 
Gã Kinh Thành đứng bên cạnh giả vờ khuyên: 
- Thôi bác. Chú Cương vắng nhà mấy ngày chắc chú cũng có điều gì phiền muộn đấy. Hôm nay là sinh nhật của bác, bác cũng nên bớt giận. 
Lời của Kinh Thành vừa dứt, anh Cương đã bước nhanh ra cửa. 
Tiếng cửa đóng mạnh khiến ai cũng giật mình. Cậu tôi vỗ bàn đứng dậy, nhưng cha tôi đã cản lại. Ông cậu chưa hả cơn giận, quát: 
- Đồ đại bất hiếu! Khốn nạn! 
Đợi cha tôi hết lời an ủi, ông mới có vẻ nguôi ngoai. 
Thấy không khí căng thẳng quá, tôi nhắc mẹ: 
- Mười giờ hơn rồi, ta cũng nên về chứ mẹ? 
Mẹ nhìn xuống tay gật đầu. Chúng tôi cáo biệt những người còn ở lại và ra về. 
Hôm sau chủ nhật rảnh rỗi, tôi kéo ghế đến bên cửa, vừa phơi nắng vừa đan áo. Đan áo là môn học bắt buộc có điểm trong lớp. Nhìn nắng chói chang trên hàng tông ngoài sân tôi thấy nhớ nhung một cái gì. Rồi bất chợt nghĩ đến mùa Thu đã qua. 
Buổi sáng mù sương với hàng nắng nhẹ trên tầng lá trong mùa Đông là những hình ảnh dễ thương mà tôi thích nhất, tôi muốn chạy tung ra đường để hít lấy cái lạnh thoáng nhẹ của ngày mới vào Đông. 
Tôi không còn hứng thú trong việc đan áo nữa. Qua phòng khách rủ rê hai đứa em đi phố, nhưng chẳng đứa nào chịu đi. Không muốn để buổi sáng đẹp trôi qua một cách đáng tiếc, tôi xin phép mẹ rồi mặc áo xuống phố.
Gió ngoài trời thoáng lạnh. Kéo cao cổ áo, cho hai tay vào túi, tôi bước chầm chậm trên đường. Mẹ mỗi khi nghe nói đến cái thú bất thường. Một mình đi phố trong mùa Đông của tôi thường lắc đầu bảo: 
- Con nhỏ gì kỳ cục, nhưng bao giờ lớn hơn con sẽ thấy cái ấm cúng của không khí gia đình mới đáng yêu hơn. 
Tôi không biết lời của mẹ có đúng không? Nhưng tôi nghĩ ý thích là biểu hiện của cá tính mỗi người chứ chưa hẳn phải thế này thế kia mới được. Quanh qua đường ranh của phố Thiên Tân, nắng đầu Đông chẳng đủ xoa dịu cái lạnh của cơn bấc. Co ro trong gió, tôi đặt chân vô định trên đường. Nghĩ đến chuyện tí nữa khi về phải có một cái gì làm quà cho mẹ, tôi chợt nhớ đến những miếng mứt thơm, nên quanh qua con đường dẫn đến công viên. Đang lầm lũi chợt nghe có tiếng gọi: 
- Lan đi phố đấy à? 
Tôi quay lại thì ra anh Cương. Vẫn bộ âu phục xám hôm qua. Anh có vẻ tươi hơn, nhìn tôi cười. Tôi nháy mắt:
- Vâng. Anh đi đâu đấy? 
-Thế còn em? 
- Em ra phố mua quà cho mẹ. 
Anh Cương trề môi: 
- Mua quà mà đến công viên à? 
Tôi biết anh Cương nhạo báng nên chống chế: 
- Em định đi dạo một vòng xong mới đi mua, không ngờ lại gặp anh. 
Vẫn thái độ lơ đãng ngày nào. Anh nói: 
- Vậy thì để tôi đưa cô đi. 
Tôi nhún vai khi nghĩ đến chị Phấn. 
- Anh đưa tôi đi hay anh cần tôi đưa đi? 
Anh Cương cười: 
- Ồ, sao cũng được. Thôi thì cô làm ơn đưa tôi đi vậy. 
Đường phố bắt đầu tấp nập, hàng cây hai bên đường rực rỡ. Đi với anh, tôi chợt nhớ đến chuyện hôm qua nên trách: 
- Đúng ra hôm qua anh phải nhớ là ngày sinh nhật của bố anh chứ! 
Anh Cương yên lặng một chút rồi móc trong túi ra một chiếc hộp vuông nhỏ đưa cho tôi xem: 
- Này, tôi có quên đâu. 
- Thế sao hôm qua anh lại vắng? 
- Vì món quà này đây. 
Vừa nói anh vừa mở hộp. Một chiếc giá bút bằng pha lê trong suốt với cây bút ngòi vàng, anh nói: 
- Hôm qua đi gần hết các quán sách mới mua được, đẹp lắm phải không? 
Tôi tiếc rẻ giùm anh: 
- Nếu anh về sớm một tí thì đâu có gì xảy ra. 
- Tôi cũng biết. Nhưng làm sao bây giờ? 
Anh Cương cúi mặt nhìn xuống đường. Nét buồn thoáng qua mắt. Một lúc anh nói: 
- Phấn đi ba hôm rồi. Ba hôm chẳng ăn ngủ, tôi biết mình tiều tụy lắm nên chẳng dám chườn mặt ra để ông bố trông thấy. 
Bây giờ tôi mới thấy anh Cương không phải là người vô tình như tôi nghĩ. 
- Ba hôm rồi tôi cứ lang thang ngoài phố, không làm gì được cả. Hôm kia tôi nghĩ Phấn có lẽ đã đáp tàu hỏa về Cáp Nhĩ Tân nên ra ga đứng gần suốt buổi… 
Tôi giả vờ: 
- Thế anh đã tìm được chị ấy chưa? 
Anh Cương lắc đầu: 
- Có lẽ…tôi phải đến Cáp Nhĩ Tân mới được. 
Rồi anh thở dài: 
- Lỗi tại tôi cả, tôi là thằng khốn nạn, đã xử không đẹp với Ngọc, với cha mẹ tôi. Bây giờ lại bạc đãi cả Phấn. Mẹ cô nói đúng, tôi chỉ là một tên ích kỷ và vô tích sự. 
Nắng đã cao, tôi cởi bớt áo khoác ra ngoài: 
- Không phải tôi không biết tội của mình, hôm qua tôi đưa tìm món quà cha tôi ưa thích để chuộc tội nhưng không ngờ…có lẽ định mệnh đã an bài như vậy… 
Tôi quay lại: 
- Thế chị Ngọc có biết chuyện anh mua quà tặng cậu không? 
Anh Cương nhún vai: 
- Cô ấy có bao giờ để tôi tỏ bày đâu, vừa trông thấy mặt là trách móc, hờn giận, thành thử…hôm qua tôi cũng mệt quá nên ngủ luôn để mặc cô ấy nói gì thì nói. 
Nhìn đồng hồ tôi thấy cũng quá trưa nên xin phép anh. Anh Cương bước theo dặn dò: 
- Đừng cho mẹ biết là vừa gặp tôi nhé! 
Tôi hỏi: 
- Sao vậy? 
Anh lại nhún vai: 
- Tôi ngại cô bị rầy vì…cô có thấy tôi hư đốn lắm không? 
Tôi lắc đầu. Anh Cương cười buồn? 
- Nói thật, muốn hư đốn đâu phải dễ, hư hay không tại mình chứ không phải tại ai hết. 
Tôi bước lên xe, anh Cường vẫn chưa đi. 
- Bây giờ anh định đi đâu? 
- Tìm Phấn. 
- Anh đi Cáp Nhĩ Tân? 
- Tôi sẽ đáp chuyến xe hỏa mười giờ bốn mươi phút này. 
Lòng tôi mênh mang với những cảm xúc đặc biệt, không biết là buồn hay vui. Nghĩ đến mối tình bất chấp dư luận của chị Phấn và anh Cương, rồi lại nghĩ đến sự cô đơn của chị Ngọc. Tôi không hiểu tại sao định mệnh lại có thể éo le, phức tạp như thế. 
Hai ngày trôi qua, vẫn còn bâng khuâng. Nghĩ đến chuyện anh Cương đi Cáp Nhĩ Tân, đến chị Phấn, chị Ngọc. Tôi ngỡ ngàng khi nghĩ đến vai trò của mình. Tôi đã thủ vai gì trong bi kịch này? Một diễn viên hay chỉ là một khán giả bàng quan? Nhưng chắc chắn tôi không thể bàng quang được. 
Vì hôm trước, khi khuyên chị Phấn ra đi tôi đã không nghĩ đến tình chân thật của anh Cương dàng cho chị, tôi tưởng rằng sự ra đi đó sẽ cứu vãn được hạnh phúc gia đình cho anh Cương, nhưng rõ là tôi đã lầm. Và bây giờ tôi mới thấy mất chị Phấn, anh Cương sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Nhưng còn chị Ngọc? Chị Ngọc cũng dễ thương, có điều chị quá lành, quá khép kín. 
Tôi mong khi anh Cương đến Cáp Nhĩ Tân sẽ chẳng tìm được chị Phấn. Nếu có gặp thì cũng mong chị Phấn chối từ trở về. Nhưng càng nghĩ tôi càng không biết sự mong mỏi của mình có đúng không, hay chỉ làm cho đời anh Cương khổ sở? 
Buổi chiều, đang lúc vẫn còn bâng khuâng thì chị Ngọc đến. Sự xuất hiện bất ngờ của chị làm tôi lo lắng. 
Trao giỏ len cho tôi, chị hỏi? 
- Mẹ dậy chưa? 
Tôi gật đầu. Chị vội bỏ về phía phòng mẹ. Tôi đứng nép bên cửa, nghe tiếng mẹ hỏi: 
- Ồ! Ngọc mới đến đấy à! 
Tiếng chào hỏi của chị Ngọc: 
- Con ra phố mua vải…lúc này trời lạnh quá hở cô? 
Giọng chị có vẻ buồn. Mẹ tiếp: 
- Thôi ngồi xuống đi. 
Yên lặng một lúc rồi có tiếng hỏi tiếp: 
- Thằng Cương đâu? 
- Không biết. 
- Lại đi rồi à? 
Tôi nhìn qua khung cửa thấy chị Ngọc cúi mặt xuống: 
- Ba ngày rồi con không thấy mặt anh ấy. 
Mẹ lắc đầu: 
- Mới hôm trước thấy nó về, tưởng nó về luôn rồi, không ngờ… 
Chị Cương nghẹn ngào: 
- Ở nhà được có một hôm… 
Như để tránh nỗi buồn của chị Ngọc, mẹ vồn vã: 
- Lâu quá không gặp con. Tối nay ngủ đây nhé? 
Chị Ngọc lắc đầu: 
- Thôi để con về. 
Gian phòng chìm đắm trong yên lặng, một lúc chị Ngọc lên tiếng: 
- Hôm nay đến thăm có một tí rồi có lẽ con sẽ vắng ít lâu. Con định về nhà cha mẹ ruột ở vài hôm… 
Mặt mẹ tối hẳn, người trầm ngâm một lúc hỏi: 
- Con muốn về nhà à? Nhưng có được cha mẹ chồng cho phép chưa? 
Chị Cương cắn môi: 
- Mẹ chồng con bảo – Nếu thấy không khỏe thì cứ về nhà cha mẹ ruột ở vài hôm cũng được – Chị Ngọc đưa tay lên như để dụi mắt – Con ở bên chồng như khúc gỗ mục chẳng ích lợi gì cho ai cả. Có cũng được mà không cũng vậy thôi. Con về nhà ở một thời gian xem sao. 
Mẹ có vẻ suy nghĩ một chút rồi nói: 
- Về thì về nhưng nhớ Tết phải cớ mặt ở nhà nhé! 
- Điều đó con biết. Chị Ngọc móc khăn tay chậm mắt – Dù sao con cũng mang tiếng là có chồng rồi, Tết đâu có ở nhà cha mẹ ruột được. 
Mẹ nhìn chị Ngọc: 
- Con biết thế cũng được… 
Rồi người bước về phía tủ rượu, lấy hai chai Whisky đặt lên bàn: 
- Đây là hai chai Whisky người ta mới tặng cho nhà cô. Về chẳng có gì mang về coi chẳng được. 
Chị Ngọc đứng dậy: 
- Thôi khỏi, để lại cho dượng uống đi cô ạ. 
Nhưng mẹ không chịu. Chị Ngọc không thể từ chối. 
Tôi lắc đầu. 
Mắt chị có vẻ buồn, chị lầm lũi đi ra cổng. Lúc chị đi qua sân, tôi nghe chị lầm bẩm: 
- Không biết anh ấy đi đâu? 
Tôi cố nén xúc động của mình, cố giữ như chiếc máy bên cạnh chị. Phụ xe đã sẵn sàng ngoài cổng. Lúc ngồi vào xe chị còn quay lại với tôi: 
- Nếu em có gặp anh Cương thì làm ơn gọi dây nói cho chị. 
Yên lặng một chút chị thấp giọng: 
- Hay là em thử khuyên anh ấy đến nhà chị rước chị đi! 
Tôi bàng hoàng muốn nói hết tất cả những điều mình biết cho chị nghe, nhưng tôi tự chế lại được. Một lúc, xe chuyển bánh, chị vẫn còn quay lại với nụ cười buồn: 
- Cảm ơn em của chị. Tạm biệt em. 
Nhìn theo bóng xe đến khi mất hút. Gương mặt mùa thu của chị với đôi mắt buồn vẫn còn hiện ra trong trí nhớ. “Nếu gặp anh Cương, nhớ gọi điện thoại cho chị nhé. Hay em thử nói với anh Cương đến rước chị xem…” 
Chị Ngọc thật tội. Tôi hiểu chị, chị đến đây chẳng qua là để mong gặp anh Cương. Sự trở về nhà cha mẹ ruột của chị như một thứ buồn tủi âm thầm. 
“Nhớ nói giúp anh Cương dùm hãy đến rước chị em nhé!” 
Tội quá! Tôi đứng ngẩn ngơ ngoài sân. Chị Ngọc, chị có biết đâu anh Cương đã đến Cáp Nhĩ Tân. Anh Cương đã xa chị rồi. Đã trở về với người tình cũ, chị biết không? Xin lỗi, nếu có gặp anh Cương chắc em cũng không đủ can đảm để khuyên anh ấy rước chị về đâu, vì tất cả chỉ bằng những dòng mưa trên lá thôi chị ạ, chẳng ích lợi gì cả.