Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
bốn

TRỜI THÁNG TƯ Ở MIỀN BẮC LÚC NÀO cũng đẹp, gió Xuân ấm và khơi lộc cho những hàng du già, hoa quì trắng cũng bắt đầu nở, mùi hương nhẹ ngập đầy khu phố. Ngồi trong nhà nhìn cảnh liễu rũ trước sân, lòng tôi nôn nao. Được cởi bỏ những chiếc áo mùa Đông nặng nề thay vào những chiếc áo mùa Xuân rực rỡ và một tâm hồn đổi mới ngập nắng, còn gì hơn. Gió bấc tuy vẫn còn nhưng không lạnh như trước. Đám bụi mù trên đường sau những ngày ngủ yên trong gió mùa Đông bắt đầu tung theo gió, quyện vào cây cỏ và áo quần, nhưng cái ấm áp mùa Xuân đã làm chúng tôi trở nên dễ dãi khoan dung hơn, nên không vì thế mà phiền muộn.
Đúng ra ngày Xuân phải là những ngày vui nhất, nhưng khi nghe mẹ nói là sẽ đưa chúng tôi theo ông cậu về quê nghỉ Tết, chúng tôi cảm thấy mất vui ngay. Đi chơi ai lại chả thích, nhưng nếu phải đi với ông cậu thì chẳng có đứa nào trong chúng tôi ưa. Nhà quê tuy dễ thương vì không khí trong lành, nhưng đi với ông cậu thì chẳng khác nào như bị tù, không ai được tự do đùa bỡn cả, do đó đứa nào cũng muốn tìm cớ để thối thác. Tôi nói với mẹ là nhà trường đã chọn tôi vào chức vụ trưởng ban trật tự trong nhạc hội mùa Xuân, trong khi đứa em gái lại viện cớ là đã hứa với bạn để đến vùng Tây hồ xem hoa đào. Cậu em trai thì chẳng có lý do gì để nại ra, đành chỉ còn biết thú thật là không thích đi. Mẹ thấy chúng tôi thối thác, người cũng hiểu tâm trạng chúng tôi, nên cố thuyết phục cha cho phép chúng tôi ở lại nhà. 
Buổi sáng, ông cậu cho xe đến rước, ba mẹ đi cả, chỉ còn chị em tôi cùng bà vú ở lại. Bà vú là người ở nhà tôi từ thuở tôi còn bé, vì vậy rất yêu mến chúng tôi, lúc mẹ chưa về, bà là người chăm sóc thức ăn cho cả gia đình, từ khi có mẹ, vai trò người trở nên lu mờ, bà không còn lo thức ăn như xưa nữa, mà tất cả chỉ làm theo lời mẹ dặn: 
- Hôm nay ăn đậu phụ xào với giá nhé! 
Bà vú nói. Mẹ và cha vắng nhà thì vai trò bà trở nên thật quan trọng, bà đề nghị với chúng tôi. Mua thêm cá bạc lăn bột được không? Hay là mua tép? 
Thức ăn bà vú làm thì khỏi chê tuyệt cú mèo, bao giờ cũng ngon miệng. Chỉ có lúc mẹ về đây, gần như ngày nào chúng tôi cũng bị ăn thịt luộc hoặc cá chiên ngán ứ. Vú tuy nấu ăn ngon, nhưng không dám đưa ý kiến vì bà hiểu vai trò của mình. 
Bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi như chim sổ lồng, đùa giỡn tự do không sợ bị ai ngăn cản. Mỗi ngày sau ba bữa cơm ngon miệng của bà vú rồi thì mỗi đứa đều rút về giang sơn riêng của mình. Thằng em tôi gần như hôm nào cũng thấy nó bắn bi, trò chơi đáng chán của lũ con gái nhưng với hắn thì không bao giờ. Tôi và đứa em gái ngoài những giây phút đọc sách hay nghêu ngao ca hát ra không còn việc gì để làm. Chuyện làm trưởng ban trật tự cho dạ hội của trường chỉ là chuyện phịa, cũng như em gái tôi chẳng có đi Tây hồ. Ở nhà hai hôm không có việc làm là bắt đầu thấy nản ngay. 
Nắng Xuân thật khêu gợi, ngồi bên cửa nhìn những hàng liễu phất phơ theo gió, tôi nghĩ đến cảnh ngoại ô, với nắng này, được đi Picnic thì tuyệt biết bao. Nhưng ai sẽ đưa chúng tôi đi? Càng nghĩ càng buồn, chợt nhiên, tôi nhớ đến con bạn ở ven biển thành phố. Tôi nói với em gái: 
- Chiều nay ta đi thăm bạn. 
Đứa em gái cũng đồng bệnh với tôi nên đòi theo, nhưng đi với nó chán lắm, vì còn trẻ con nên cái gì nó cũng không biết. Dẫn theo cứ hỏi ngớ ngẩn thật bực mình. Không được sự chấp thuận của tôi, nó trề môi: 
- Không cho, em cũng đi theo. 
Tôi biết không thể từ chối được nên dùng kế hoãn binh. 
- Không chừng, chiều nay ta không thèm đi. 
Nó vẫn bướng. 
- Không đi thì thôi, nhưng đi phải cho em theo mới được. 
Chiều lại lúc đến nhà bạn, nó lủng lẳng bên cạnh thật bực mình. Có nhiều chuyện tôi muốn nói với bạn, nhưng vì có sự hiện diện của nó nên không nói được. Chơi một lúc thấy trời hẳn còn sớm chúng tôi thả riêu chơi phố. Khu ngoại ô vắng người lại sạch thật dễ thương, lâu lắm mới được bách bộ thế này cũng thấy thoải mái. Mãi đến khi màn đêm lảng đảng trên ngọn cây, chúng tôi mới về nhà. 
Về đến cổng đã thấy bà vú hớt hải chạy ra: 
- Ủa, cậu ba không có đi với mấy cô à? 
Tiếng cậu ba ở đây bà vú dùng để chỉ em trai tôi. Tôi hốt hoảng: 
- Đâu có. Nó đâu có đi với chúng tôi. Lúc tụi này đi nó vẫn còn bắn bi với thằng Châu bên cạnh nhà mà. 
Khuôn mặat bà vú tái xanh: 
- Thế thì cậu ba đi đâu? Tôi đi tìm khắp nơi mà chẳng thấy? 
Chúng tôi bối rối, cậu em tuy đã tám tuổi, nhưng vẫn còn ngây thơ lắm, ngoài khu phố này ra nó không hề đi đâu xa, ngoại trừ khi có người lớn đưa đi. Tôi hỏi bà vú: 
- Thế vú có ra phố tìm nó không? 
- Dạ không! 
Đứa em gái tôi dễ xúc động nhất, nó vừa chạy ra cổng vừa mếu máo gọi: 
- Em ơi… Em ơi… 
Lòng tôi cũng rối beng. Nhưng tôi có làm ra vẻ tỉnh: 
- Đừng khóc nữa em, khóc chẳng ích gì. Phải lo đi tìm nó ngay đi chứ. 
Bà vú đứng cạnh vỗ ngực: 
- Chỉ tại tôi cả, không hiểu hôm nay bỗng dưng tôi lại đi ủi đồ, nếu tôi không ủi có lẽ cậu ba không đi mất như thế được. 
Phố đã lên đèn, bóng tối tràn ngập khắp nơi mà cậu em tôi vẫn chưa về, tôi và đứa em gái càng bối rối, bao nhiêu hình ảnh khủng khiếp hiện ra trong óc. Tôi sợ quá không dám nghĩ tiếp, chỉ mong nó chỉ mê chơi chưa về thôi. Cha mẹ vắng nhà, nếu có bề gì thì không biết phải làm sao. Đã bảo óc không nên nghĩ nhiều về những chuyện khủng khiếp thế mà không hiểu sao những hình ảnh đụng xe, té xuống giếng đến những ông ba bị cứ lẳng vẳng trong đầu. 
Giữa lúc bối rối tôi sực nhớ đến căn nhà màu xanh ở xưởng mộc. Hy vọng loé lên trong đầu. Biết đâu nó chẳng tìm chị Phấn chơi, vì tôi biết ngoài khu phố này ra nó chỉ có một nơi đó để đến. 
Để bà vú và em gái ở nhà, tôi chạy nhanh về phía nhà chị Phấn. Nhưng đến nơi tôi càng thất vọng vì căn nhà tối đen, chứng tỏ không có ai trong căn nhà cả. Chán nản quay về, thấy bà vú và đứa em gái tôi vẫn còn ngơ ngác ngoài cửa, tôi càng thêm hoang mang. Bây giờ phải làm sao đây? Ngay lúc đó đứa em gái tôi chợt hỏi: 
- Hay là nó đến nhà ông cậu? 
Tôi lắc đầu: 
- Làm gì có chuyện đó. Cậu mợ đều đi vắng cả, nó đến đó để làm gì? 
- Nhưng còn chị Ngọc. 
Tôi thấy cũng có lý nên điện thoại đến nhà cậu: 
- Chị Ngọc đấy à? Lan đây, có em trai của em ở đấy không? 
- Ai? Lan à? Đâu thấy đến. 
Tôi lạc giọng: 
- Không biết nó đi đâu mất tiêu rồi? 
Chị hốt hoảng: 
- Trời ơi! Bây giờ làm sao? Phải đi tìm chứ. Có ở nhà lối xóm không: 
- Không có. Thôi cảm ơn chị. Để em xuống phố tìm thử xem. 
Lời chị càng khiến tôi thêm hoang mang không còn bình tĩnh được, tôi oà lên khóc. 
Giữa lúc đó đứa em gái tôi từ ngoài chạy vào hổn hển: 
- Về rồi! Về rồi! 
Và không đợi tôi lên tiếng, nó kéo tay tôi chạy ra cửa, vừa chạy vừa nói: 
- Anh Cương đưa nó về. 
Tôi ngạc nhiên: 
- Tại sao anh Cương biết nó đi lạc mà đưa về? 
- Không biết. 
Ra đến cổng, tôi thấy chiếc xe ngựa màu đen, phu xe là người đàn ông đứng tuổi. Anh Cương và cậu em của tôi ngồi phía sau, bên cạnh là bó hoa thật to. 
Bà vũ cũng chạy ra kịp, vừa trông thấy cậu em tôi, đã mô Phật luôn miệng: 
- Trời ơi! Cậu ba, cậu làm gì mà ác thế? Đi chơi vui để ở nhà chúng tôi lên ruột. 
Anh Cưong đỡ em trai tôi xuống. Không dằn được, tôi hỏi: 
- Mấy người đi đâu, sao khi nãy đến xưởng mộc tôi không thấy ai cả? 
Anh Cương ra dấu, bảo tôi im miệng xong chỉ tay về phía ông phu xe: 
- Đừng nói lớn, hôm nào gặp lại sẽ cho biết. 
Rồi anh khoát tay cho ông phu. Chiếc xe ngựa vút tới trước để lại cho tôi bao nỗi thắc mắc. Kéo thằng em vào nhà, hắn có vẻ mệt mỏi chi lạ, tôi trách: 
- Đi chơi sao chẳng báo cho ai biết trước cả vậy? 
Cậu em mở to mắt nhìn tôi: 
- Ai nói với chị thế? Em nghe lời anh Cương báo cho căn nhà biết rồi mà. 
Tôi tròn xoe mắt: 
- Cái nhà biết gì đâu mà máy báo. Sao chẳng nói cho vú nghe? 
Thằng em tôi gãi đầu: 
- Em định nói nhưng anh Cương bảo khỏi. Anh nói chỉ cần cho cái nhà biết là được. 
Tôi lắc đầu, đưa nó lên lầu định trách thêm, nhưng vừa ngã lên giường là ngủ say. Hôm sau đợi nó vừa thức giấc tôi hỏi: 
- Hôm qua đi đâu vậy? 
- Đến Tây hồ. 
Tôi trách: 
- Đi xa thế mà chẳng cho ai hay cả. 
- Tại anh Cương đấy chứ bộ, em có nói nhưng anh ấy bảo: Đã đi chơi thì phải đi hết một ngày, có bị nắng cũng không thiết, nên anh ấy mới đưa đi chơi xa như vậy. 
Em gái tôi thắc mắc: 
- Thế chị Phấn có đi không? 
Thằng em tôi gật: 
- Có chứ, nhưng chị ấy bảo: Không dám gặp chị vì chuyện hôm trước. Nên đã về trước rồi 
° 

*

Khi cha mẹ từ miền quê trở về. Tôi và bà vú cùng quyết định là sẽ giấu kín chuyện đi chơi của em Lân, vì rồi dù sao chuyện cũng đã xảy ra. Em Lân cũng đã trở về bình an, vả lại nếu mách lại mẹ, thì chắc người sẽ chẳng hài lòng đâu, vì mẹ đã từng tỏ ý không muốn chúng tôi gần gũi anh Cương cơ mà. 
Tưởng thế là xong, không ngờ sáng hôm sau, giữa lúc chúng tôi đang dùng điểm tâm thì chuông điện thoại reo. Điện thoại của cậu mợ. Chắc có chuyện gì rắc rối nên sau khi “hả” một tiếng ngạc nhiên, mẹ thất sắc đưa mắt về phía chúng tôi. “Vâng”, chị đợi một tí để em hỏi lại chúng xem”. Rồi người quay về phía chúng tôi:
- Lan, hôm ba mẹ đi vắng, thằng Lân đi chơi suốt ngày phải không? 
Tôi nghĩ có lẽ chị Ngọc đã kể lại cho cậu mợ nghe hết mọi chuyện. Vì hôm đó chị là người duy nhất ở đầu dây bên kia được chúng tôi hỏi han, nhưng sau đấy tôi cũng đã không báo cho chị là thằng Lân về rồi. Biết mình không thể giấu nữa nên gật đầu: 
- Vâng. 
Mẹ nhíu mày: 
- Thế tại sao lúc ba mẹ về không nghe ai nói gì cả? 
Tôi lúng túng một chút, nói: 
- Dạ… Con nghĩ nó trở về rồi, thì chắc cũng không sao nên… 
Mẹ yên lặng một lúc, hỏi tiếp: 
- Ai đưa nó về? 
- Dạ anh Cương. 
Rồi như sợ mẹ không rõ tôi tiếp: 
- Anh Cương đưa nó đi chơi suốt ngày hôm ấy. 
- Thằng Cương à? Mẹ quắc mắt nhìn tôi rồi quay sang ống nói, người xác nhận – “Vâng thưa chị. Đúng là thằng Cương rồi”. 
Không biết bên kia đầu dây mợ tôi nói gì mà gương mặt kế mẫu tôi tái hẳn: “Hở? Chị nói gì?... Chiếc xe ngựa của bạn thằng Kinh Thành à?... Em hiểu rồi… Đằng kia người ta điện thoại đến hỏi à?... Thế mua không? Thằng Cương nói khoác với người ta là định mua nên mang xe đi thử à?... Thật chết bầm… Còn dẫn thêm một đứa con gái nữa à?... Quá lắm rồi… Anh cả nói sao?... Ông ấy tưởng đứa con gái nó dẫn theo là con Ngọc à? Chắc ai cũng biết đâu phải…Sao?... Anh cả biết cả rồi à?... Dù sao thì cũng là cha con… Chị làm ơn khuyên anh ấy đừng giận quá mà khổ. Lỗi tại con tôi cả… Thôi được rồi. Chào chị.” 
Đặt ống nghe xuống, mẹ quắc mắt nhìn chúng tôi: 
- Chỉ vắng nhà có mấy hôm là có chuyện kinh thiên động địa, thật bực mình! 
Tôi cúi đầu đợi những câu trách mắng tiếp theo. Nên định rút lui nghe mẹ nói: 
- Lan, con biết chuyện gì xảy ra không? Sáng nay cậu con có nhận được điện thoại của ông Hà nào đó hỏi: “Có muốn mua xe không”. Ông ta còn bảo dù sao thì con trai của ông cũng là bạn của Thiệu Kinh Thành, nên không bán đắt đâu. Cậu con còn ngẩn ngơ chưa biết gì thì ông Hà lại tiếp là hôm trước thằng Cương đưa vợ và đứa con trai đến Tây hồ thử xe. Không biết có vừa ý không? Đó, con coi có chuyện đâu lạ lùng như vậy? Làm cậu con nổi giận lôi đình. 
Tôi không đợi mẹ nói tiếp, chen mồm vào: 
- Hôm ấy đâu có chị Ngọc đi! 
Mẹ mở to mắt nhìn tôi: 
- Sao con biết? 
- Con… Tôi thấy mình lỡ lời vội tìm cớ nói khác đi – Hôm ấy lúc con gọi điện thoại đến nhà cậu thì người nhận điện thoại là chị Ngọc, điều đó chứng tỏ chị không cùng đi với anh Cương. 
Mẹ hừ nhẹ trong miệng: 
- Dĩ nhiên là không phải rồi. Con Ngọc nó đâu có hoang vậy? Theo lời bác tài của nhà họ Hà thì người con gái xuống xe tại xưởng mộc. Ngọc nó xuống đó làm chi chứ? Cậu con cũng thắc mắc như thế nên gặn hỏi và cuối cùng con Ngọc đành thú thật là thằng Cương có bạn gái bên ngoài. 
Tôi hoảng hốt: 
- Rồi có sao không mẹ? 
- Cậu con đùng đùng nổi giận, ông bảo: “Lần này không thể tha thứ được nữa”, và định từ thằng Cương. 
Tôi bối rối: 
- Vậy thì nguy rồi, không hiểu anh Cương có biết chuyện tày trời này không? 
- Tánh cậu con nóng như lửa. Người ghét nhất là bị lợi dụng tên tuổi để làm những chuyện xấu xa. Nếu chuyện đó mà đồn rùm lên ai cũng biết con trai của nhà họ Kỷ lang bang thì còn mặt mũi nào của cậu con nữa chứ? 
Tôi bứt rứt nghĩ cho anh Cương: 
- Có cách nào để cúu anh ấy không mẹ? 
Mẹ yên lặng một chút rồi lắc đầu: 
- Tánh cậu con nóng quá, ai làm gì dám khuyên với can. 
Mắt mẹ đỏ lên sau câu nói, ngập ngừng một chút người tiếp: 
- Nghĩ cũng tội, dù thằng Cương có lầm lỗi đến đâu đi nữa nó vẫn là con… 
Mẹ vằ nói nước mắt cũng vừa tuôn. 
Tôi bứt rứt đứng dậy. Không biết phải làm gì để giúp anh Cương. Vừa định bước ra phòng khách thì lại nghe mẹ nói: 
- Nếu cậu con từ thằng Cương. Chuyện mà đăng báo lên thì xấu hổ cả dòng họ chứ có lợi lộc gì đâu. 
Tôi không sợ tên tuổi dòng họ Kỷ của mẹ bị mất tiếng, mà tôi chỉ lo cho anh Cương. Nhớ lại có những lần đọc báo thấy bố cáo “Tôi là… xin tuyên bố kể từ ngày hôm nay thằng… sẽ không còn là con tôi nữa…”. Những hàng chữ nhỏ và vô tình đó đã từng khiến tôi ray rứt dùm cho người trong cuộc. Vì tình cha con là một cái gì thiêng liêng, đâu thể vứt bỏ một sớm một chiều như thế. Nghĩ đến mình, tưởng tượng nếu có một ngày nào đó cha nổi giận và cũng đăng báo từ mình như thế thì không biết mình sẽ ra sao? Đồng ý là có thể tình thương của người cha dành cho con trai và con gái khác nhau, nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể chấp nhận chuyện dứt tình một cách dễ dàng như vậy được. 
Tôi biết lỗi anh Cương nặng thật. Nhưng chắc anh cũng không muốn thế đâu? Hoàn cảnh của anh… nếu tôi là anh, không biết tôi đã khổ đến bao nhiêu lần. Không được cha yêu, bị tất cả mọi người trong gia đình ghét bỏ thì còn gì đau đớn cho bằng. 
Anh Cương chỉ có tội là không vâng theo ý cha, không máy móc làm theo những điều người lớn muốn để làm rạng rỡ dòng họ mà chỉ hành động theo những sở thích riêng của mình. Đó là cái tội chăng? Chưa hẳn anh Cương chẳng muốn rạng rỡ như ai. Có điều chí hướng anh khác với sở nguyện của cha anh đã chọn, thế thôi. 
Giữa lúc tôi đang chua xót dùm anh, thì mẹ bước ra bảo: 
- Thay áo đi! Mẹ với con đến nhà cậu một tí. 
Vừa đến nhà cậu là tôi đã ngửi thấy ngay cái không khí căng thẳng. Mợ tôi từ phòng cậu bước ra, vừa thấy chúng tôi người đã nói: 
- Em vào khuyên thử ông ấy xem. Ở đây chẳng ai nói gì được cả. 
Trong phòng tối đen, ánh sáng ngoài cửa hắt vào không đủ sáng, cậu tôi đang ngồi bên máy điện thoại với những tiếng quát ầm ĩ: 
- Tôi không muốn nghe anh nói gì cả - Tiếng cậu vang vào máy – Đây là chuyện riêng của anh gia đình tôi, bổn phận anh là luật sư, anh chỉ cần làm theo lời tôi nói là xong. 
Cậu đặt ống nói xuống, quay nhìn chúng tôi, không đợi mẹ chào, người quay trở lại máy với số quay mới: 
- Alô… Kỷ Duy Quần đây, có cậu Kinh Thành ở nhà không? Bảo cậu ấy đến ngay, tôi có việc cần nói. 
Rồi người cúp máy. Mẹ tôi nắm ngay cơ hội, khuyên: 
- Anh hai, có chuyện gì cũng nên từ từ giải quyết, dù sao nó cũng là con anh… 
Chưa đợi mẹ dứt câu, cậu đã quắc mắt: 
- Cô về đây để khuyên tôi đấy à? Tôi không cần ai hết, biết chưa? 
Mẹ có vẻ sợ hãi: 
- Nhưng dù sao nó cũng là con của anh cơ mà! 
Cậu tôi lạnh lùng: 
- Tôi không có thằng con nào mất dạy như vậy! 
Tôi với mẹ đứng lặng một lúc, mẹ mới đi bật điện. Gian phòng khách của cậu thật rộng. Trên bàn, bản bố cáo đã viết sẵn và tôi thấy thoáng qua hàng chữ: 
“Tôi ký tên dưới đây là Kỷ Duy Quần xin bố cáo cùng tất cả thân bằng quyến thuộc rõ. Bắt đầu từ giờ phút này tôi xin tuyên bố không còn nhần Kỷ Hiến Cương là con của chúng tôi nữa…” 
Đầu tôi trở thành trống rỗng, tôi hoang mang và không hiểu tại sao cậu tôi lại có thể tàn nhẫn như vậy. Quay sang mẹ, tôi thấy những giọt nước mắt đang đọng trên má người. Anh Cương tội thật. Đột ngột tôi nảy ý: 
- Mẹ có biết luật sư cố vấn cho cậu là ai không? 
Mẹ gật đầu, tôi nói: 
- Hay là ta gọi điện thoại cho luật sư nhờ ông ấy trì hoãn chuyện đăng bố cáo đi, rồi sẽ tìm cách khuyên cậu sau. 
Mẹ như chợt tỉnh, siết chặt tay tôi: 
- Hay lắm, con của mẹ giỏi lắm. 
Rồi người nhắc điện thoại lên gọi luật sư, một lúc mẹ cho biết: 
- Luật sư đã chấp thuận, nhưng ông mong chúng ta phải tiến hành thật gấp, bằng không thì ông cũng không lý do gì để trì hoãn lâu quá được. 
Tôi bối rối nhìn về phía tủ trưng bày dụng cụ văn phòng của cậu, trên một chiếc hộp đồng sơn đen có một giá bút bằng thuỷ tinh lớn trên đó có sáu cây bút lông. Đột nhiên tôi nghĩ đến chiếc giá bút pha lê của anh Cương. Nếu nó được đặt ở thư phòng này thì đẹp biết chừng nào và không chừng… Rồi tôi nghĩ đến lời anh Cương: “Cha tôi thích sưu tầm đồ cổ và vật hiếm”. Nếu bây giờ m ang giá bút ấy đến biếu cậu biết đâu người sẽ bớt giận? 
Cảm nghĩ vừa loé trong đầu là tôi vội vã xin mẹ về nhà một tí. Rồi chẳng đợi mẹ đồng ý tôi chạy quay về nhà, từ chiếc rương cũ tôi tìm ra giá bút chẳng khó khăn; nó vẫn đẹp như ngày nào, tôi quày quả mang trở về nhà cậu. 
Bước tới cổng, tôi thấy phòng khách đã đổi khác, đèn sáng choang. Nhón chân đến cửa phòng đã nghe tiếng Kinh Thành vọng ra: 
- Vâng, chiếc xe ngựa ấy là của bạn con. 
Tiếp đó là tiếng của cậu: 
- Thành có gặp nó và hỏi rõ câu chuyện chưa? 
- Dạ có rồi, hắn bảo cha hắn nói: Thời bây giờ đi xe ngựa cũng không còn hợp thời nữa, nên phải đổi xe hơi. Vì vậy, hôm trước nhà nó đăng báo bán xe. Có lẽ Cương nó thấy nên đến gạ người ta đấy. 
Qua khe cửa tôi nhìn vào phòng khách, ngoài cậu tôi và Thiệu Kinh Thành ra, còn có mẹ, chị Ngọc và mợ nữa. Mọi người trang nghiêm như đứng giữa phiên toà. Khuôn mặt cậu tái nhợt, người đưa mắt về phía chị Ngọc: 
- Hôm trước thằng Lân mất tích con có phụ tìm không? 
Chị Ngọc lúng túng nhìn xuống: 
- Dạ. Con có điện thoại đến nhà mấy người quen tìm… 
- Rồi sau đó? 
- Dạ… 
Cậu tôi gằn giọng: 
- Có phải con nghĩ là không phải chuyện của con nên làm cho có lệ vậy, phải không? 
Chị Ngọc bối rối: 
- Dạ không phải, nhưng con nghĩ chắc không việc gì? 
- Hừ… 
Cậu tôi trầm mặt, quay sang Kinh Thành rồi trở về với chị Ngọc: 
- Thằng Cương có mèo, tất cả những người ở đây đều biết hết! Thế mà lại giấu tôi. Ngọc, bộ con tưởng làm thế là mọi ngưoiừ sẽ khen con hiền thục à? Bây giờ chuyện xảy ra như vậy rồi đó, con hãy suy nghĩ kỹ đi. Nếu muốn theo thằng Cương thì cứ theo nó. Bằng nếu muốn ở lại đây thì gia đình này cũng không từ chối. Cũng vẫn đối đãi với con như dâu con ngày nào, và sau này chắc chán là cha cũng không quên phần con với gia sản này đâu. 
Ngừng một chút cậu tiếp: 
- Còn nếu con muốn về nhà thì cũng được, không ai trách con, gia đinh ta đã có lỗi với con quá nhiều rồi… 
Chị Ngọc cúi đầu, đưa tay chậm nhẹ những giọt nước mắt trên má, trong khi Kinh Thành đứng tựa bên cửa với dáng điệu suy nghĩ. Tất cả đều yên lặng, gian phòng khách như chìm hẳn xuống. Không ai dám nhìn thẳng vào mặt cậu, trừ tôi ra. Những nếp nhăn hằn sâu trên trán người, làm tôi ôm giá bút trong tay muốn lên tiếng, mà lại không dám. 
Cậu đưa mắt lạnh lùng khắp mọi người: 
- Bây giờ ai có ý kiến gì cứ nói, ngoại trừ một điều là đừng mong xin xỏ gì cho thằng Cương hết. 
Mẹ và mợ tôi cúi xuống. Hình như cả hai đang khóc. Đứng một lúc chẳng thấy ai đáp lại, cậu bước ra cửa. Dáng lảo đảo như người say rượu, tôi máy móc bước theo. 
Theo chân cậu vào phòng riêng, tôi thấy người ngồi xuống mép giường yên lặng trong bóng tối, chợt nhiên tôi khám phá ra cậu tôi không phải là người cứng rắn và lạnh lùng như tôi tưởng. Những giọt mồ hôi trên mép trán cậu cho biết cậu đang xúc động; tình cảm và lý trí đang giằng co. Chuyện xảy ra chắc hẳn cậu cũng không vui sướng gì, cắt đứt tình máu mủ là một chuyện đau khổ. Nhìn cậu, tôi liên tưởng đến cây cổ thụ mọc giữa đồng, cái bề ngoài tuy uy nghi của cậu làm ngăn cách với chung quanh, chẳng ai dám đến gần. Anh Cương cũng thế, giữa anh và cậu có một sự cách ngăn quá lớn nên chẳng cảm thông được. 
Ngồi yên thật lâu, tôi mới thấy cậu đốt thuốc, nhưng bàn tay run rẩy bật mấy lần mà lửa chưa cháy. Tôi bước tới phụ giúp, mồi thuốc xong cậu khẽ liếc về phía tôi rồi lạnh lùng ra lệnh: 
- Cảm ơn, ra đi! 
Tôi vẫn đứng yên nhìn thẳng vào mắt cậu. Đôi mắt như tạc mắt anh Cương, có điều lạnh lùng hơn. Tuy hơi hãi nhưng khi nghĩ đến anh Cương tôi thấy mình không có quyền rút lui, nên mởi gói giấy trên tay, đưa giá bút tới trước mặt cậu: 
- Thưa cậu, xin cậu xem chiếc giá bút này! 
Cậu liếc nhanh xuống rồi vẫn lạnh 
- Để đó, rồi ra ngoài đi. 
Tôi cố thu hết can đảm cuối cùng bước tới bàn, bật điện: 
- Thưa cậu, con biết lúc giận chẳng ai muốn lưu ý đến bất cứ một cái gì dù nó hay hay đẹp cả. Nhưng đây là công trình của con, mong cậu nhìn thử xem nó có thật là bằng pha lê không ạ? 
Cậu miễn cưỡng nhìn xuống, nét mặt thay đổi dần: 
- Đẹp lắm, có lẽ bằng pha le thật. Ở đâu đấy? 
Tôi không đáp, vội trao giá bút cho cậu. Cậu ngắm nghĩa một chút rồi gật gù: 
- Cái giá bút này tốt thật, hình như đồ của vua chúa… 
- Cho cậu đấy, cậu thích không? 
- Làm sao con có mà lại cho cậu? Của cha con đấy phải không? 
Tôi lắc đầu: 
- Dạ không phải. 
Cậu chăm chú nhìn tôi một lúc tiếp: 
- Con còn nhỏ không nên xài tiền một cách lãng như vậy, bao giờ tự lập được, lúc đó… 
Tôi vội đính chánh: 
- Dạ không phải của con, cái này là của anh Cương mua để biếu cậu hôm sinh nhựt vừa rồi. 
Khuôn mặt vừa dịu bớt ban nãy đột nhiên rắn lại: 
- Của thằng Cương à? Mang đi, ta không cần. Nó ở đâu có tiền mà mua chứ? 
Ông đứng bật dậy, siết chặt hàm răng: 
- Hừ, mua sao không biếu ngay hôm ấy? Vác cái thân thất tha thất thểu như quỉ mất hồn về để mừng sinh nhật cho cha đấy à! 
Tôi cố trầm tĩnh: 
- Thưa cậu, hôm ấy cậu giận quá nên anh ấy không dám đưa thẳng đến cậu, con nghĩ anh Cương dù sao cũng không đến đỗi… 
- Thôi được rồi, con đến đây để xin cho nó đấy phải không? Cậu chưa bao giờ vu oan cho một ai cả. Nếu nó đứng đắn thì sao cậu không biết được? 
Cậu quắc mắt quay lại nhìn khiến tôi hốt hoảng: 
- Nhưng… hôm ấy anh Cương… 
Tôi chưa dứt câu thì cửa đột nhiên mở. Mẹ và mợ cùng bước vào, trông thấy tôi người có vẻ ngạc nhiên: 
- Con ở đây làm gì đấy? 
- Con… Con. 
Tôi không biết phải giải thích thế nào cho mẹ rõ thì đột nhiên cậu vỗ mạnh lên bàn, hét: 
- Đi, đi ra ngoài hết, tôi không muốn thấy ai ở đây cả. 
Mắt mợ tôi đỏ lên: 
- Anh cũng nên ăn một tí gì… 
- Không, tôi không cần ăn gì hết 
Cậu lạnh lùng. 
- Nếu ai thấy vui sướng thì cứ ăn đi. 
Mợ nhìn cậu yên lặng một chút rồi nói: 
- Thôi được, anh cứ nghỉ đi, nhưng… dù sao anh cũng nên lưu ý sức khoẻ một tí. 
Cậu tôi đưa mắt nhìn ra cửa. Màn đêm đang tràn ngập khu vườn, không biết cậu đang nghĩ gì? Nhớ đến chiếc giá bút đột nhiên tôi thấy lo lắng, không hiểu số phận nó sẽ ra sao đây? Nhưng dù thế nào, tôi cũng hy vọng nó sẽ giúp anh Cương vượt qua cơn đại nạn.