Phần II

Đang ngồi sau lưng Thanh Hà, Việt Cơ bổng nhổm người lên nhìn theo một chiếc Su Crystal vừa vọt qua mặt mình.  Người đàn ông cầm lái rõ ràng là Tiến.  Nhưng anh chở ai thế kia? 
Cô ôm eo Hà, giọng lạc đi: 
- Đuổi theo chiếc Su giùm tao. 
Thanh Hà ngơ ngác: 
- Chi vậy? 
Cơ gắt: 
- Thì cứ rượt theo đi. 
Việt Cơ nhấp nhổm nhìn mái tóc dài phất phới của cô gái ngồi sau Tiến, nhưng không rõ mặt.  Tới ngã tư, xe cô kẹt đèn đỏ đành phải dừng lại. 
Thanh Hà chua ngoa: 
- Hình như lão Tiến nhà mày đèo cô ả nào phải không? 
Cơ chối ngay: 
- Thoạt đầu tao tưởng thế, nhưng nhìn kỹ lại thì không phải.  Ông Tiến không có cái áo nào màu đen hết. 
Hà chép miệng: 
- Biết đâu lão mới mua là diện ngay với em? 
Cơ cau có: 
- Mày toàn nói chuyện trên trời không hà.  Đèn xanh rồi kìa. 
Giọng Hà hết sức ngây thơ cụ: 
- Rượt theo nữa không? 
Việt Cơ bậm môi: 
- Rượt kịp thì cứ rượt.  Tao cá là không phải Tiến. 
Thanh Hà tăng ga, chiếc xe phóng đi thật nhanh, nhưng hai người không sao tìm ra Tiến giữa dòng xe như mắc cửi trên đường. 
Thanh Hà tiếc rẻ: 
- Cái lão đen xì ấy biến đâu rồi nhỉ?  Tao muốn nhìn xem mặt lão ra sao ghê. 
Việt Cơ làm thinh, nhưng trong lòng cô như có lửa.  Cô còn muốn nhìn xem mặt... lão ấy còn hơn Hà.  Nhưng nếu đúng là anh thì sao?  Cục ghen như chặn ngang ngực làm Cơ khó thở.  Cô cứ đau nhói ở tim khi nghĩ đấy là anh.  Mà không phải là anh thì là ai?  Còn cô gái đó?  Kéo cái nón đang che mái tóc ngắn của mình lại cho ngay.  Cơ bồn chồn nhớ tới mái tóc dài đen óng lúc nãy.  Trong phân xưởng, chẳng có cô nào tóc dài, bà con Tiến cũng không.  Vậy mái tóc này từ đâu xuất hiện kìa? 
Giọng Thanh Hà thảng thốt: 
- Đúng là lão Tiến nhà mày rồi. 
Việt Cơ trợn trừng mắt khi thấy Tiến.  Anh đang dừng xe trước một căn nhà cửa đóng kính.  Ngoài anh ra, chẳng có cô gái tóc dài nào hết. 
Thắng xe sát gốc cây, Thanh Hà thì thầm đầy ngạc nhiên: 
- Quái, con nhỏ đâu rồi?  Chẳng lẽ nó biến như hồ ly? 
Việt Cơ véo mạnh vào Hà làm con bé kêu lên: 
- Úi!  Sao lại véo tao.   Ráng bình tĩnh nhìn rõ chân tướng của chàng kìa. 
Việt Cơ lắp bắp: 
- Tiến... Tiến làm gì ở đây vậy? 
- Mày chạy đến mà hỏi.  Giờ thì còn cá với cược nữa hay thôi?  Tao đã bảo mà. 
Việt Cơ bải hoải cả tay chân.  Cô không hiểu nhỏ Thanh Hà đã nói gì nữa.  Hà đang còn phân vân, nửa định chạy đến chỗ Tiến, nửa ngồi tại chỗ xem anh làm gì thì Tiến phóng xe đi.  Thanh Hà cũng vọt theo. 
Vừa lái xe, Hà vừa nhấn mạnh: 
- Nhất định lão thả con nhỏ xuống vì thấy tụi mình rồi.  Mày liệu tra khảo thế nào cho khéo, để lão không thể chối được. 
Giọng Cơ yếu như người ốm nặng: 
- Tao đâu biết phải hỏi ra sao? 
- Trời!  Có thật không biết không đó?  Thường ngày, mồm mép mày thuộc loại có quai mà. 
Việt Cơ im thin thít, tâm trí rối bời.  Cô chỉ muốn khóc chớ không muốn nói lời nào.  Thì ra cảm giác ghen tuông khó chịu đến như vậy. 
Thanh Hà lại kêu lên: 
- Dường như ông Tiến đi về hướng nhà mày.  Chà!  Vừa mới thả con mèo mun tóc dài xuống, đã tìm đến hang thỏ trắng.  Lão này trình độ ghê. 
Việt Cơ rên rỉ: 
- Đừng nói nữa có được không?  Tao đang nẫu cả ruột đây. 
Thanh Hà lên giọng cụ non: 
- Đàn ông thôi mà.  Không người này thì người khác, có gì đến phải nẫu ruột. 
- Nói như mày thì đâu phải yêu. 
Thanh Hà ngắt lời cô: 
- Lão ngừng xe trước nhà mày rồi kìa, tính sao đây? 
Cơ khoát tay: 
- Cứ chạy luôn đi. 
- Chạy đi đâu? 
- Tao không biết.  Nhưng gặp Tiến ngay lúc này, tao chưa chuẩn bị tâm lý. 
Im lặng, Hà cho xe chạy qua hai ngã tư, chạy một vòng khá xa rồi quay trở lại nhà Cơ. 
- Trước sau gì cũng đối diện với sự thật.  Căng thắng quá không có lợi đâu.  Quan trọng là khôn ngoan để dò xem anh chàng thành thật được bao nhiêu phần trăm. 
Việt Cơ khẽ gật đầu.  Ngần ngừ một chút, cô đẩy cửa bước vào.  Trong phòng khách, Tiến đang ngồi nói chuyện với ông Danh.  Chẳng biết hai người đang bàn bạc vấn đền gì mà Cơ thấy mắt ba mình đăm chiêu suy nghĩ đến mức khi nghe bước chân cô, ông bỗng giật mình rồi giả lả không chút tự nhiên: 
- Con mới về à? 
Cơ máy móc gật đầu: 
- Dạ. 
Tiến mỉm cười với cô, nhưng Cơ vờ không thấy.  Vừa định bước về phía cầu thang, cô đã nghe giọng ba vang lên: 
- Ngồi chơi với Tiến đi.  Cậu ấy đợi con từ nãy giờ. 
Việt Cơ miễn cưỡng ngồi xuống salon.  Ông Danh đứng dậy cùng với lời hứa hẹn của Tiến: 
- Cháu sẽ cố gắng lo xong việc đó. 
Đợi ông Danh đi khuất, Tiến choàng tay ôm ngay lấy Cơ, giọng trách móc: 
- Sao tự nhiên không thèm nhìn tới anh vậy? 
Hất tay Tiến ra, Cơ giận dỗi: 
- Anh tự hỏi mình ấy. 
Tiến ngơ ngác: 
- Anh phạm lỗi gì nhỉ?  Vừa tan sở, anh đã chạy vội tới tìm em. 
Việt Cơ nghẹn lời: 
- Anh nói dối.  Anh... anh... 
Mặt Tiến nghệch ra, rồi anh cười phá lên: 
- Trời ơi!  Ghen.  Haha.  Trông em kìa!  Tức cười quá đi. 
Vừa đấm vào người Tiến, Cơ vừa khóc: 
- Em tức cười vậy đó.  Anh cười cho đã đi. 
Tiến giữ chặt tay cô: 
- Nghe anh nói nè.  Lúc nãy, anh có chở một cô gái.  Đó là nhân viên của phân xưởng.  Chưa kịp khai báo, em đã nổi cơn thịnh nộ rồi. 
Việt Cơ hỏi: 
- Cô ta là ai vậy? 
Tiến thản nhiên: 
- Ôi chao!  Biết bao là nhân viên.  Anh có nói, em cũng không nhớ. 
Cơ mím môi: 
- Nhất định em sẽ nhớ, vì mái tóc dài ấn tượng lắm. 
Tiến kéo cô vào lòng: 
- Nhưng anh thích tóc ngắn.  Tất cả những mái tóc dài trên đời này với anh là đồ bỏ 
- Đồ bỏ sao lại chở sau lưng? 
Tiến nhún vai: 
- Công việc mà.  Anh đưa cô ta tới mấy điểm quảng cáo, nhưng lúc nào cũng nghĩ tới em.  Bởi vậy, vừa... đẩy cô ta khỏi xe, anh đã phóng tới đây ngay. 
Việt Cơ chớp mắt: 
- Anh mồm mép lắm.  Ai tin cho nổi. 
- Nếu không tin anh, em cứ hỏi bác Danh.  Chính bác phân công anh kèm cô ta đó. 
- Sao ba lại phân công anh kỳ vậy? 
Tiến chép miệng: 
- Anh có giải thích, em cũng không hiểu đâu. 
Việt Cơ vênh mặt lên: 
- Thì anh cứ giải thích xem. 
Tiến nhăn nhó: 
- Anh đang thèm mi em, làm sao giải thích cho nổi những việc đau đầu ở phân xưởng.  Tha cho anh đi Cơ. 
Cô ngúng nguẩy: 
- Không. 
Tiến cau mày: 
- Vậy thì anh về đây. 
Vừa nói, Tiến đứng dậy.  Việt Cơ giận dỗi giậm hai chân xuống đất liên tục mấy cái: 
- Em biết thế nào anh cũng nói như vậy mà.  Về thì về đi. 
Tiến lắc đầu: 
- Tới bao giờ em mới người lớn hơn để bỏ tật giận lẫy như vầy hả? 
Việt Cơ khoanh tay trước ngực: 
- Yêu ai là yêu cả tính tình của người đó.  Tại sao em phải bỏ tật giận lẫy chớ?  Nếu không chấp nhận thói hư này thì anh đừng yêu em nữa. 
Tiến ngã người ra ghế: 
- Anh chấp nhận mọi thứ vì yêu em.  Nhưng em có nghĩ đến một ngày nào đó anh sẽ không chịu nổi và hết yêu em không? 
Việt Cơ ngỡ ngàng: 
- Anh hỏi thật hả? 
- Đương nhiên. 
- Tật giận lẫy của em đâu phải là xấu lắm. 
Mặt Tiến nghiêm nghị: 
- Nhưng làm anh mệt mỏi, khó chịu.  Thí dụ như vừa rồi, chuyện có gì đâu mà em không thèm nhìn mặt anh và xem anh như kẻ phạm tội. 
Việt Cơ bỗng rụt rè như đứa bé phạm lỗi: 
- Tại em ghen chứ bộ. 
- Hừ!  Ghen vô cớ là giết chết tình yêu đấy.  Bởi vậy, không thể nào trách được những ông chồng chỉ vì sự ghen tuông mù quáng của vợ mà đâm ra sa ngã thật. 
Việt Cơ ngập ngừng: 
- Anh nói vậy là có ý gì? 
Tiến vung tay lên: 
- Anh đang nghĩ đến viễn cảnh tương lai của mình.  Trong viễn cảnh đó, em càng ngày càng ghen tuông vô lối giống như bác gái, còn anh càng ngày càng bị áp lực nặng nề như bác trai.  Eo ơi!  Thà anh đau đớn từ chối tình yêu này còn hơn. 
Định mở miệng thách thức: "Từ chối đi", nhưng Cơ đã kịp cắn môi lại.  Lúc nãy, nhỏ Hà đã dặn cô nhớ khôn ngoan để dò xem lòng dạ của Tiến ra sao. 
Rõ ràng lòng anh thẳng như ruột ngựa.  Tiến không giấu mà còn công khai tỏ bày quan điểm của mình.  Nếu nghĩ lại, cô đúng là ghen vô cớ.  Biết lỗi, nhận lỗi cũng là ưu điểm.  Sao Cơ không thể hiện ưu điểm này cho Tiến thấy chứ? 
Níu tay anh, Cơ nhũn như con chi chi: 
- Em xin lỗi.  Mai mốt em không ghen nữa. 
Thấy anh vẫn lạnh lùng nhìn lên trần nhà, Cơ phụng phịu: 
- Thật mà.  Bộ tính giận em luôn sao? 
Tiến vẫn trơ trước sự xuống nước của Việt Cơ.  Thái độ vô cảm của anh khiến cô muốn khóc.  Đúng lúc sống mũi cô cay xè thì Tiến cúi xuống.  Anh nâng gương mặt của Cơ lên và tủm tỉm cười: 
- Lẽ ra anh giận em luôn, nhưng vì nhớ môi em quá nên giận không nổi nữa. 
Việt Cơ phụng phịu khép mi, và cô như quên hết những ghen tuông nghi ngờ vừa ngập tràn trong tim. 
Hai người mải mê hôn nhau cho đến khi nghe tiếng tằng hắng, Cơ mới hốt hoảng đẩy Tiến ra. 
Lúng túng, anh đứng dậy, lễ phép: 
- Bác mới về ạ. 
Bà Thu khẽ gật đầu, rồi đi thẳng một mạch vào trong.  Việt Cơ thì thầm: 
- Chắc mẹ lại bị các bà, các ông thầy bói làm tình làm tội nữa rồi.  Đúng là khổ thân.  Dạo này mẹ... canh ba kỹ lắm. 
Giọng Tiến hững hờ: 
- Thế bác gái có phát hiện được gì không? 
Cơ cười nhẹ: 
- Nếu có, chắc tan nhà nát cửa rồi. 
Tiến bảo: 
- Em phải khuyên bác gái đi chứ.  Làm như thế vừa khổ mình, lại khổ cả bác trai. 
Việt Cơ ngập ngừng: 
- Tiếng nói của em đâu có gờ-ram nào.  Chỉ mong anh Văn về sớm thì họa may tình thế sẽ khác đi. 
- Chừng nào Văn về? 
- Có lẽ cuối tháng? 
Giọng Tiến có pha một chút ganh tỵ: 
- Văn sướng nhỉ.  Đi tu nghiệp về thì đường công danh cứ thẳng mà bước. 
Việt Cơ buột miệng: 
- Đúng ra, số anh Hai may mắn, chớ về tài, anh đâu thua ảnh. 
Tiến nhếch môi: 
- Cám ơn em đã an ủi.  Anh chả tính hơn thua với người khác.  Em nói thế, Văn nghe được thì không hay. 
Việt Cơ làm thinh.  Cô thấy mình hơi lố khi chê anh trai và tâng người yêu lên.  Nhỏ Thanh Hà từng giảng rằng: "có yêu cách mấy cũng không để đối phương nắm được tẩy".  Cơ đã thuộc nằm lòng điểm này, vậy mà cô lại để Tiến giữ trái tim mình trong tay.  Đúng là cô quá tệ! 
Đang ân hận trước sự ngốc nghếch của mình, cô bỗng nghe giọng ông Danh gọi: 
- Tiến à! 
Anh bật dậy ngay: 
- Cháu đây ạ. 
Ngoắc Tiến ra ngoài hàng hiên, ông Danh thầm thì gì không biết.  Cơ chỉ thấy anh gật đầu liên tục.  Khi quay lại chỗ cô ngồi, Tiến nói: 
- Anh phải về vì có chút chuyện ở phân xưởng chưa giải quyết xong.  Sáng mai, anh đến đưa em đi học. 
Việt Cơ xụ mặt: 
- Ba đúng là kỳ.  Đã hết giờ làm việc mà lại bắt anh vào xưởng. 
Tiến nhỏ nhẹ phân trần: 
- Thời buổi bây giờ, làm ăn phải chịu cực mới cạnh tranh nổi với xung quanh.  Em đừng trách ba. 
Cơ lầu bầu: 
- Em biết.  Nhưng không muốn người chịu cực là anh. 
Hôn nhẹ lên má Việt Cơ.  Tiến vỗ về: 
- Thôi đừng xụ mặt, xấu lắm.  Anh về đây. 
Nuối tiếc tiễn anh ra cửa xong, Cơ về phòng lấy quần áo chuẩn bị đi tắm và ăn cơm.  Ngang qua phòng mẹ, cô ngần ngừ một chút rồi đẩy cửa bước vào. 
Thấy bà Thu nằm dài trên nệm, cô gọi: 
- Mẹ ơi!  Mẹ đi tắm cho khỏe rồi ăn cơm với con.  Chắc ba cũng đói đó. 
Bà Thu uể oải: 
- Con tắm trước đi. 
Việt Cơ dò dẫm: 
- Mẹ lại coi bói đấy à? 
Không nghe bà trả lời, cô hỏi tiếp: 
- Lần này thầy bảo sao? 
- Thì cũng như những lần khác.  Hừ!  Nhất định mẹ sẽ bắt trọn ổ, rồi xé con ấy ra... 
Việt Cơ xua tay: 
- Ôi!  Mẹ đừng có hăng quá mà tăng huyết áp đấy. 
- Mày chỉ giỏi trù mẹ. 
Việt Cơ chép miệng: 
- Chả biết... con đó mắt xanh mỏ đỏ ra sao, chỉ thấy mẹ ngày một tàn tạ.  Cuối tháng này anh Văn về, để ảnh... trị mẹ mới được, chớ con và ba xem như bó tay rồi đó. 
Bà Thu cười khẩy: 
- Mẹ biết mày tin ổng không tin mẹ.  Nhưng đàn ông khó có thể tin được.  Thằng Tiến của mày cũng không tin được đâu. 
Việt Cơ giận dỗi: 
- Tự nhiên mẹ lôi cả anh Tiến vào.  Ảnh liên quan gì đến những người đàn ông xấu ấy chớ? 
Dứt lời, cô hối hả quay ra.  Bước vào phòng tắm, cô đứng thật lâu dưới vòi sen.  Cô để mặc những tia nước ấm li ti rửa trôi đi những mệt nhọc sau những giờ học căng thẳng. 
Nghĩ tới Tiến cũng những nụ hôn đê mê của anh, Cơ xốn xang vì lời mẹ nói lúc nãy.  Tính mẹ rất đa nghi.  Nhưng mẹ nghi gì ở Tiến mà phán một câu làm cô hoang mang thế kia. 
Ra khỏi phòng tắm, Cơ định bảo chị Ly dọn cơm thì nghe điện thoại reo. 
Nhấc ống nghe lên, Cơ nhận ra giọng Tiến ở đầu giây bên kia: 
- Cơ hả?  Cho anh gặp bác Danh đi. 
Đặt ống nghe xuống, cô đi gọi ba mình.  Ngang qua phòng bà Thu, Cơ bị mẹ kéo vào: 
- Ai gọi vậy? 
- Dạ, anh Tiến.  Chắc ở xưởng có chuyện gì đó, nên ảnh mới cần gặp ba. 
  Giọng bà Thu khô khốc: 
- Con thay quần áo rồi chở mẹ đi công chuyện. 
- Nhưng con đói lắm. 
- Đói cũng phải đi.  Nhanh lên! 
Việt Cơ nhăn nhó: 
- Mẹ ơi!  Mẹ tính chơi trò gì đây? 
Bà Thu quắc mắt: 
- Bảo nhanh thì nhanh đi. 
Việt Cơ phụng phịu thay quần áo.  Khi cô đến phòng khách, cô không thấy ông Danh đâu cả. 
Bà Thu cười nhạt: 
- Phen này xem ổng diễn tuồng ra sao? 
Cơ ấp úng: 
- Mẹ định đi đánh ghen à? 
Bà Thu trừng mắt: 
- Không cần hỏi nhiều.  Mày theo mẹ không thì bảo? 
- Nhưng mẹ đâu có biết chỗ. 
- Cứ đi thì sẽ biết. 
Vừa định dắt xe ra, Cơ lại nghe mẹ nói: 
- Ngồi taxi cho tiện. 
Việt Cơ riu ríu vâng lời.  Bước ra đường cô thấy đã có xe chờ sẵn.  Thế mới hay, mẹ cô chuẩn bị đâu đó cả rồi.  Lòng Cơ bỗng nặng nề chưa từng thấy.  Ngồi trên taxi, Cơ không hé môi, bà Thu cũng thế.  Viễn cảnh gia đình không đầm ấm hạnh phúc như xưa sắp diễn ra trước mắt cô.  Cơ sẽ làm gì, nói gì khi chứng kiến ba sắp bị mẹ vạch trần sự thật? 
Xe ngừng trước con phố vắng.  Lúc Việt Cơ còn ngờ ngợ thì bà Thu vừa trả tiền vừa dặn tài xế: 
- Cứ đậu xe ở đây chờ chúng tôi về. 
Mở cửa bước xuống xe, Cơ hơi choáng vì không khí bức bối bên ngoài.  Ngỡ ngàng nhìn kỹ ngôi nhà mẹ đang xăm xăm bước tới, Việt Cơ thót tim khi nhận ra đó là ngôi nhà hồi chiều Tiến đã dừng xe phía trước. 
Cô chợt rùng mình như vừa bị tạt gáo nước lạnh vào mặt.  Lẽ nào ba và Tiến cùng lừa dối mẹ con cô? 
Bà Thu bình tĩnh bấm chuông.  Không phải đợi lâu, một con bé khoảng mười bối tuổi, mười lăm tuổi ló đầu ra: 
- Bà tìm ai? 
- Ông Danh. 
Vừa nói, bà vừa đẩy mạnh, cánh cổng mở toang ra.  Con bé la lên: 
- Bà không được vào. 
Việt Cơ cũng theo mẹ vào trong.  Tới cửa phòng khách, cô đứng khựng lại khi thấy Tiến.  Anh đang ngồi cạnh một cô gái có mái tóc dài.  Chỉ mái tóc dài ấy thôi đủ khiến Cơ chết vì uất ức, vì bị lừa dối. 
Bà Thu rít lên: 
- Ông Danh đâu Tiến? 
Anh bật dậy, giọng tỉnh khô: 
- Dạ, cháu không biết.  Sao bác lại tìm bác Danh ở đây? 
Bà Thu điểm vào mặt cô gái ngồi trên ghế: 
- Chồng tôi đâu?  Nếu không nói tôi sẽ phá tan cái nhà này ra. 
Việt Cơ trừng trừng mắt nhìn cô gái có nét đẹp mỏng manh, yếu đuối rồi mím môi, hỏi Tiến: 
- Anh làm gì ở đây vậy?  Anh đừng bảo chỗ này là phòng quảng cáo nhé.  Thật không ngờ anh lừa dối em. 
Tiến khổ sở phân bua: 
- Anh không làm gì có lỗi hết.  Tin anh đi. 
Cơ nghẹn lời: 
- Lấy gì để tin anh chớ? 
Trong lúc Việt Cơ còn đau nỗi đau của mình, thì bà Thu lại hầm hè: 
- Mặt mày sáng sủa, dáng vẻ trông cũng ra điệu con nhà gia giáo thế kia mà lại đi làm chuyện xấu xa.  Đúng là không biết nhục. 
Cô gái không nói lời nào mà chỉ khóc nấc lên.  Tiến bứt tóc, vò đầu: 
- Trời ơi!  Bác ơi!  Đây là... bạn cháu.  Bác đừng nói thế, tội lắm. 
Bà Thu dài giọng, đay nghiến: 
- Cậu giỏi lắm.  Từ giờ trở đi, tôi cấm cậu gặp Việt Cơ.  Cấm triệt để đó. 
Giọng ông Danh vang lên ở phía cầu thang: 
- Em không phải làm chuyện đó, vì Tiến không có lỗi gì hết. 
Bà Thu bật cười đau đớn: 
- Rốt cuộc ông chịu ló mặt ra rồi à?  Vậy thì giải thích đi.  Ông có mặt ở đây làm gì?  Ông dan díu với một con bé bằng tuổi con gái mình mà không thấy tội lỗi sao? 
Mặt ông Danh đỏ ửng rồi trắng bệch: 
- Bà nói bậy. 
- Vậy ông giải thích đi. 
Đang ôm mặt khóc, cô gái vùng dậy, chạy vội ra ngoài, ông Danh và Tiến cùng thảng thốt kêu lên: 
- Xuân Đào! 
Chạy ra tới giữa sân, cô gái lảo đảo qụy xuống.  Tiến ào đến xốc cô ta lên, rồi bế vào nhà.  Mặc kệ bà Thu và Cơ nhìn trân trối, ông Danh nhào lại: 
- Đào ơi!  Cháu có sao không? 
Vừa gọi, ông vừa lay mạnh Xuân Đào, trong khi Tiến có vẻ trách móc: 
- Cô ấy bị đau tim.  Mỗi khi xúc động là ngất.  Vừa rồi, Xuân Đào đã bị kích động, tim cô ấy chịu đâu nổi. 
Việt Cơ khó chịu: 
- Anh trách mẹ và em à?  Bộ đau tim rồi có quyền kéo ba em tới đây sao?  Chẳng lẽ lãnh đạo phải quan tâm sâu sát tới từng nhân viên như thế này ư? 
Giọng ông Danh khàn đặc: 
- Xuân Đào không phải là nhân viên của xí nghiệp.  Nó là con của một người bạn thân của ba. 
Bà Thu ré lên: 
- Ông nói gì?  Ông vừa nói gì hả? 
Ông Danh không trả lời, ông mừng rỡ khi thấy Xuân Đào đã tỉnh lại: 
- Thuốc trợ tim cháu để đâu? 
Xuân Đào yếu ớt chỉ tay về phía bàn.  Tiến nhanh nhẹn lấy hộp thuốc đem lại cho cô ta, rồi sẵn tay rót một ly nước lọc.  Thái độ đó chứng tỏ Tiến đã đến đây nhiều lần.  Thậm chí có thể anh đã chăm sóc Đào khi cô ta lên cơn đau tim nữa là khác. 
Bà Thu lắp bắp hỏi, như không tin: 
- Ông nói sao?  Nó là con gái của bạn thân ông ư? 
Ông Danh nhìn vợ, gật đầu xác nhận: 
- Đúng.  Xuân Đào là con gái của anh chị Bảo, bạn thân thiết của tôi ngày xưa.  Ba nó đã mất từ lâu, bỏ lại hai mẹ con nó sống trong nghèo khổ.  Mới đây, mẹ Xuân Đào bị bệnh ung thư phổi và đã chết, bỏ con bé bơ vơ.  Tôi vì tình bạn cũ nên đã lén bà giúp đỡ và lo cho cuộc sống của nó. 
Bà Thu thở ra nhẹ nhõm, nỗi nghi ngờ trong lòng bà đã tan biến mất.  Trong lòng bà chỉ còn lại nỗi xót xa, thương cảm cho hoàn cảnh bất hạnh thật đáng thương của Xuân Đào.  Và bà thầm công nhận ông Danh đã làm một việc thật đúng đắn. 
 Xuân Đào nhịp nhịp chân theo tiếng nhạc với vẻ khoan khoái, ung dung của một người chiến thắng. Cuối cùng, cô đã đạt được mục đích đầu tiên của mình, đó là được ở trong nhà của gia đình ông Danh, một người bạn thân của ba cô.  Bây giờ cô đã là một thành viên trong gia đình Thành Danh, cuộc sống được bảo đảm, ra đường có thể ngẩng mặt nhìn mọi người thì cần gì phải sợ ai. 
Cái chết của mẹ đã làm cuộc đời Đào thay đổi hoàn toàn.  Đó là sự bất hạnh hay may mắn nhỉ?  Mắt Xuân Đào chợt long lên.  Cô nhìn quanh căn phòng quét vôi màu hồng nhạt, ấm áp, với đầy đủ tiện nghi, rồi nhớ tới căn nhà tồi tàn của mình trước kia. 
Nếu như phải trở về nơi đó, cô thà chết còn hơn.  Cô đã quá sợ những đêm dài, ngồi còng lưng trước máy may để may gia công quần áo rẻ tiền bỏ mối cho các sạp ở chợ.  Ngón tay cô cho đến bây giờ vẫn còn chai sần vì vải vụn để ráp mặt gối. 
Môi Đào mím lại.  Không đời nào cô tiếp tục công việc đó.  Không đời nào.  Trái lại, cô phải bằng mọi giá, tìm một chỗ đứng thích đáng trong xã hội. 
Nghe có tiếng gõ cửa, Xuân Đào vội nằm dài ra giường, kéo mền lên ngang ngực và mệt nhọc lên tiếng: 
- Mời vào. 
Ông Danh mở cửa phòng đi vàọ.  Ông mỉm cười, bước đến bên giường Đào: 
- Sao không xuống ăn cơm hả cháu? 
Mắt cụp xuống buồn bã, Xuân Đào nhỏ nhẹ: 
- Cháu ngại làm cả nhà ăn không ngon khi có mặt cháu. 
Ông Danh lắc đầu: 
- Không nên nghĩ vậy.  Khi đồng ý cho cháu về, mọi người đều đã chấp nhận cháu, xem cháu là thành viên chính thức trong nhà.  Cháu cứ rúc trong phòng mãi sẽ làm anh Văn và Cơ khó xử. 
Xuân Đào ngập ngừng: 
- Cháu chỉ ngại thím Thu, chớ anh em tụi cháu có gì đâu. 
Ông Danh vội nói: 
- Bà ấy chỉ phải cái độc miệng, độc mồm nhưng bụng dạ không có gì đâu. 
Xuân Đào thở dài: 
- Cháu biết là thím không thích cháu.  Nhưng cháu tin bằng tấm lòng của mình, rồi đây thím cũng như Việt Cơ sẽ hiểu cháu. 
Vỗ nhẹ vào đầu Xuân Đào, ông Danh bảo: 
- Biết nghĩ thế thì đi xuống với chú.  Hôm nay cháu khỏe rồi mà. 
Xuân Đào dè dặt: 
- Mọi người đã vào bàn cả rồi à? 
- Chưa.  Cháu xuống phụ chị Lý dọn cơm được không? 
- Dạ, được chớ. 
Xuân Đào theo ông Danh xuống bếp.  Giọng thật ngọt, thật hiền, cô bảo: 
- Cho em làm phụ với. 
Lý ngạc nhiên rồi đâm ra bối rối: 
- Ối!  Không cần đâu.  Hồi nào tới giờ tui vẫn làm một mình. 
- Nhưng từ giờ trở đi em phụ chị. 
Vừa nói, Đào vừa bước tới lấy chén đũa bày ra bàn.  Đang bưng tô xanh nóng hổi, Đào chợt nghe giọng Văn tấm tắc: 
- Chà!  Xuân Đào giỏi quá ta. 
Đào chớp mắt: 
- Em chỉ phụ dọn chớ có làm gì đâu? 
Ngồi xuống bàn, Văn nói: 
- Vậy là giỏi rồi.   Anh chưa bao giờ thấy nhỏ Cơ phụ. 
Giọng Cơ khinh khỉnh vang lên: 
- Tại em không có thời gian và tại mẹ đã thuê người làm việc đó rồi. 
Văn cười cười: 
- Con gái mà sướng quá, đâm ra vô tích sự.  Ai thèm cưới làm vợ. 
Việt Cơ nhún vai: 
- Ráng tìm một bà giỏi giang đi rồi hãy phê phán người khác. 
Xuân Đào nhìn Văn, van vỉ: 
- Hai người đừng lớn tiếng vì em mà. 
Việt Cơ nhếch môi: 
- Anh em tụi này thường ngày vẫn thế.  Chị nghĩ vì chị là lầm. 
Văn xua tay: 
- Nhỏ Cơ là vua cãi vã.  Em bận tâm làm chi cho mệt tim.  Cỡ mồm mép có quai như nó, phải tìm một anh chàng... dữ dằn trị nó mới sợ. 
Xuân Đào khẽ khàng: 
- Anh nói thế, không sợ anh Tiến phản ứng sao? 
Văn nhướng mày: 
- Tiến hả?  Chán. 
Việt Cơ ngẩng đầu lên định nói gì đó, nhưng lại thôi. 
Xuân Đào đon đả kéo ghế cho bà Thu.  Dù tỏ ra khó chịu, nhưng bà vẫn ngồi xuống và nhận chén cơm nóng hổi cô đưa bằng cả hai tay. 
Ông Danh gọi Lý: 
- Mang bia ra đây. 
Nhìn Đào, ông hỏi: 
- Cháu có uống được không? 
Xuân Đào ngập ngừng: 
- Dạ... từ bé đến giờ cháu chưa khi nào được uống, nên không biết ạ. 
Ông Danh kêu lên xót xa: 
- Thật à!  Thế thì... thì... 
Văn khui lon bia để trước mặt Đào: 
- Uống thử xem thế nào. 
Rụt rè nhìn bà Thu và ông Danh, Đào nói: 
- Cháu mời chú, mời thím. 
Việt Cơ va cơm vào miệng và khó khăn nhai.  Cô vẫn chưa quen với sự có mặt của Xuân Đào.  Cô vẫn chưa quen nhìn ba và anh Hai chăm sóc cho một người khác trước mặt mình.  Cảm giác tủi thân cứ khiến cô muốn bỏ cơm về phòng, nhưng làm thế khác nào để lộ bản chất nhỏ mọn, ích kỷ cho mọi người thấy. 
Cầm lon bia định uống để dằn lòng xuống, Cơ chợt nghe Văn hỏi Xuân Đào: 
- Sao?  Em thấy bia thế nào? 
Xuân Đào nhăn nhó: 
- Uống nước ngọt ngon hơn. 
Văn đứng lên: 
- Vậy thì lấy nước ngọt pepsi hay seven up? 
Đào xua tay: 
- Thôi đừng.  Để em uống hết bia, không thì phí lắm. 
Ông Danh vội gắt: 
- Với cháu, không có gì là phí hết.  Cứ uống thoải mái. 
Cơ buột miệng: 
- Và ăn thoải mái nữa chứ? 
Cơ cắn môi khi nhận được cái cau mày của ba.  Bưng lon bia lên, Cơ uống và nhìn mẹ.  Từ nãy tới giờ, bà im lặng không nói không rằng.  Việt Cơ biết khi đồng ý để Xuân Đào về ở chung, mẹ đã chịu một áp lực tâm lý nặng nề.  Nếu bắt mẹ phải đãi bôi nói nói cười cười mẹ sẽ không chịu nổi.  Vì thương chồng, bà chịu nhường một bước, sao ba và cả Xuân Đào không thấy điều đó để đừng gây khó chịu cho bà nhỉ? 
Việt Cơ buông đũa trước sự ngạc nhiên của Văn: 
- Ủa!  Sao bữa nay em thực như miu vậy? 
- Lúc nãy em đã ăn bột chiên với nhỏ Hà tới hai đĩa lận. 
Văn trợn mắt: 
- Trời!  Sao ăn "ít" thế?  Ai đụng vào tụi bây có nước mạt. 
Xuân Đào tò mò: 
- Bột chiên là món gì vậy? 
Việt Cơ vờ như không nghe câu hỏi này.  Cô mở tủ lạnh lấy trái cây, mặc cho Văn giải thích với Xuân Đào. 
So với anh em cô, Xuân Đào quả là thua thiệt.  Nhưng chẳng hiểu sao Việt Cơ vẫn không xúc động để quý mến Xuân Đào cho được.