Phần III

Bỏ ra ngoài sân, Cơ vừa nhâm nhi trái bom, vừa ngẫm nghĩ tới những chuyện đã qua.  Nếu so sánh, mẹ là người khoan dung hơn Cơ rất nhiều.  Bằng chứng là bà đã chấp nhận Xuân Đào và không hề giận chồng vì ông đã giấu bà để lo cho đứa con của người bạn. 
Mẹ đã bỏ qua cho ba để gia đình được ấm êm, hạnh phúc.  Nhưng Cơ vẫn chưa hết giận Tiến, dù anh đã tìm cô mấy lần để nói lời xin lỗi. 
Suy cho cùng, anh có lỗi không nhỉ?  Trong chuyện vừa xảy ra, Tiến bị lôi vào cuộc hay tự nguyện nhập cuộc?  Nếu yêu Cơ thật lòng, anh phải cho cô biết toàn bộ sự thật chứ.  Đằng này anh lại nói dối khi cô hỏi đến, rồi luôn miệng khẳng định rằng thật lòng với cô.  Ôi! Sao cô ghét những lời đầu môi ấy đến thế? 
Cắn một miếng bom rồi ngấu nghiến nhai với tất cả bất bình, Việt Cơ đưa mắt nhìn ra cổng, đúng lúc Tiến vừa dừng xe lại.  Cơ đứng bật lên, nhưng thay vì mở cổng cho anh, cô đi băng băng vào nhà. 
Gặp Lý, cô bảo: 
- Chị ra mở cổng, có khách đó. 
Nói dứt lời, Cơ bỏ về phòng, mở nhạc lên nghe.  Nhưng thật ra, cô có nghe được gì đâu. 
Nằm trăn trở qua lại trên giường, cô buồn đến nẫu ruột khi tưởng tượng cảnh Tiến đang ngồi trò chuyện với Xuân Đào dưới nhà.  Thừa biết Cơ giận, nhưng Tiến vẫn siêng năng lui tới.  Thật ra, anh tìm cô hay thăm Xuân Đào?  Phát hiện mới đầy đau lòng này khiến cô bàng hoàng hết mấy phút. 
Lúc Cơ còn đang hoang mang tột cùng thì cô nghe giọng bà Thu vang lên: 
- Mẹ vào được không? 
Việt Cơ đứng dậy mở cửa, rồi ngồi thừ người ở góc giường. 
Giọng bà Thu nhẹ nhàng: 
- Giận dỗi như vầy hoài không phải cách đâu.  Nếu còn thương, con phải tạo điệu kiện cho Tiến chuộc lỗi. 
Cô gay gắt: 
- Con không rộng lượng như mẹ được.  Ảnh đã lừa dối con... 
Bà Thu gắt lời: 
- Sao con không nghĩ Tiến làm như thế là vì con? 
- Vì con à? 
- Đúng vậy, ít ra nó cũng phải lấy lòng ông bố vợ tương lai chứ. 
Việt Cơ mím môi: 
- Thế còn mẹ?  Ảnh không cần lấy lòng mẹ sao? 
Bà Thu vẫn ôn tồn: 
- Nó ở trong thế rất khó xử.  Con phải thông cảm chớ. 
Rồi bà ngập ngừng: 
- Đàn ông rất dễ mềm lòng, dễ sa ngã.  Con đang xô Tiến vào lòng người khác mà không hay đó. 
Việt Cơ đau nhói ở ngực: 
- Ý mẹ là.... là... 
Bà Thu lắc đầu: 
- Mẹ không có ý gì cả.  Chỉ nhắc nhở con, đừng vì tự ái mà đánh mất tình yêu của mình. 
Việt Cơ lặng lẽ nhìn mẹ.  Dạo này bà thay đổi nhiều.  Mẹ không đi coi bói nữa mà siêng đi chùa, siêng làm công tác tự thiện.  Đó cũng là cách giải tỏa những ưu phiền trong lòng. 
Việt Cơ gãi đầu: 
- Mẹ bảo con đừng giận Tiến nữa à? 
- Dẫu sao nó cũng tới xin lỗi con mấy lần rồi.  Giận dỗi chút chút làm tình yêu thêm phần thi vị, nhưng giận dai quá thì hỏng bét. 
Việt Cơ tròn mắt nhìn mẹ.  Dường như mẹ đang làm chuyên gia tâm lý thì phải. 
Thả người xuống giường, Cơ bướng bỉnh: 
- Dù như vậy, con cũng không mở lời trước đâu. 
Bà Thu đứng lên: 
- Tùy con.  Nằm dài ở đây, nhưng tâm trí chạy lung tung thì khổ lắm.  Tội gì phải tự đày đọa mình thế chứ? 
Bà Thu khép cửa phòng lại rồi, những lời bà nói vẫn còn văng vẳng bên tai Cơ.  Đúng là cô tự đày dọa và làm khổ cả Tiến. 
Ngọ ngoạy hồi trên giường với bao nhiêu mâu thuẫn trong lòng, cuối cùng Việt Cơ ngồi dậy.  Vuốt mái tóc ngắn cho ngay, cô bước từng bước xuống nhà. 
Cô ngần ngừ đứng gần salon rồi bỏ đi một mạch ra sau, ngồi phịch xuống đá.  Mắt tối sầm vì tức, vì tủi thân, Cơ muốn hét to cho vơi đi ấm ức, nhưng cô không còn sức nữa. 
Đứng dậy hít một hơi dài, Việt Cơ đẩy cổng, bước ra đường.  Đã lâu lắm rồi, cô không lang thang thế này, giờ ngông nghênh một chút cho thanh thản cũng tốt. 
Nhưng con gái đi một mình ban đêm trên đường phố vắng thế này thì không hay tí nào, Cơ khó chịu vì những ánh đèn và cả ánh mắt của những người chạy xe ngược chiều rọi vào cô.  Trắng trợn hơn, có cả những gã đàn ông nham nhở hỏi cô: "Đi không?" nữa. 
Hậm hực, Việt Cơ quay lại, định trở về.  Ngay lúc ấy, có một chiếc honda đời sáu bảy cũ xì xịch tới sát người cô: 
- Cô về đâu?  Tôi chở cho. 
Việt Cơ hốt hoảng lui vào trong.  Khi định thần lại, cô thấy một gã đàn ông có đôi mắt sáng đang nhìn cô với vẻ chờ đợi.  Thì ra đó là một người chạy xe ôm.  Việt Cơ chưa bao giờ ngồi xe ôm.  Sao cô không thử cho biết nhỉ? 
Cô ngần ngừ một chút rồi lên ngồi phía sau. 
Gã chạy xe ôm hỏi: 
- Cô về đâu? 
Việt Cơ nói: 
- Tôi có năm chục ngàn.  Chú chạy đi đâu cũng được, miễn sao chở tôi về ngay đây.  Đừng vượt quá năm chục ngàn là tôi đủ tiền trả chú rồi. 
Gã chạy xe ôm gật đầu: 
- Chà!  Nếu ngày nào cũng gặp cô thì đỡ quá. 
Việt Cơ làu bàu: 
- Một ngày buồn cũng đủ chết rồi, nói chi tới ngày nào cũng vậy. 
Gã chạy xe ôm "ồ" lên: 
- Thì ra cô đang buồn.  Tôi sẽ chở cô qua những con đường vui nha? 
Cô tò mò: 
- Trong thành phố này, đường nào là đường vui vậy? 
- Thiếu gì.  Khổ nỗi "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" chỉ sợ cô không thấy vui thôi. 
Việt Cơ hơi nhếch môi.  Đang chán đời, gặp một gã mồm mép để đấu láo cũng đỡ. 
Cô nói: 
- Vậy chú chở tôi đến chỗ nào khiến cho người đang buồn phải hết buồn đi. 
- Được thôi.  Nhưng tôi chưa già tới muốn làm chú cô đâu. 
- Ôi dào!  Già trẻ gì gọi chú cũng tiện hết.  Bé thì chú em, lớn thì chú anh, già thì chú bác.  Chú ở dạng chú nào nhỉ? 
Gã chạy xe ôm... xạo sự: 
- Tôi thuộc dạng chú trong mơ của các cô cháu. 
- Vậy sao?  Nhưng khi chở tôi, chú phải tỉnh, vì tôi còn yêu đời lắm. 
- Nghĩ cũng lạ.  Những người đang buồn ít khi yêu đời lắm.  Kiểu tửng tửng như cô chắc đang giận bồ rồi. 
Việt Cơ tức tối: 
- Tôi mà tửng hả? 
- Nếu không, cô đâu bỏ tiền ra để ngồi trên chiếc sáu bảy cổ lỗ này mà lông nhông khắp phố.  Hay cô muốn anh chàng của cô thấy cô đang ngồi sau lưng một gã trông cũng phong độ? 
Việt Cơ phì cười vì câu nói sau cùng của gã chạy xe ôm.  Lúc nãy, cô chưa nhìn kỹ nên ngoài cái ấn tượng đôi mắt sáng ra, cô không nhớ rõ dung nhan gã ra sao.  Bây giờ ngồi phía sau tấm lưng to, hai vai rộng và thoáng phần hàm vuông thẳng như tạc.  Việt Cơ bàng hoàng nhận ra gã chạy xe ôm này quá là phong độ. 
- Sao cô lại cười nhỉ? 
Cơ thản nhiên: 
- Tôi cười vì cái... phong độ của chú.  Đúng là không biết xấu hổ khi tự khen mình. 
- Tôi chỉ thấy vui khi đã làm cô cười.  Sao?  Cô bớt buồn rồi chớ? 
- Xí!  Chú tưởng mình là danh hài chắc? 
Gã chạy xe ôm múa mép: 
- Đương nhiên tôi biết mình là ai rồi.  Thú thật, tôi không ham làm danh hài, nhưng để người buồn phải vui, tôi thấy mình thành công hơn cả danh hài. 
Việt Cơ xụ mặt: 
- Cười chưa hẳn đã hết buồn. 
- Tôi biết.  Nhưng ít ra tiếng cười cũng giúp cô giải tỏa phần nào phiền muộn.  Đúng không? 
Việt Cơ làm thinh.  Cô tò mò nhìn khu phố đầy màu sắc, nhộn nhịp người mua kẻ bán diễn ra hai bên lề.  Dù sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, nhưng với Cơ, vùng chợ Lớn vẫn rất xa lạ.  Cô từng qua đây nhiều lần vào ban ngày nên hầu như không biết gì về sinh hoạt về đêm của cộng đồng người Hoa ở nơi này. 
Nhìn những dãy hàng quán bên lề san sát nhau với đủ mùi thơm phức, Việt Cơ nuốt nước bọt.  Chén cơm ban chiều đã tiêu mất từ hồi nào, bây giờ bao tử cô "biểu tình" dữ dội. 
Không hiểu sao Cơ lại than: 
- Trời ơi!  Đói quá! 
Gã chạy xe ôm... đá vào: 
- Tôi cũng đói. 
Rồi gã dụ dỗ: 
- Hay là mình vào ăn thử...  Đồ ăn ở đây được lắm, giá lại rẻ.  Cứ trừ vào năm chục tiền xe, tôi sẽ lời ăn lỗ chịu.  OK? 
Việt Cơ còn đang ngần ngừ, gã chạy xe ôm đã nói tiếp: 
- Vào đây, cô sẽ có cảm giác mình đang ở Hồng Kông hay Macao, nghe toàn tiếng Hoa, đã lắm. 
Việt Cơ dài giọng: 
- Made in VN rõ ràng mà cảm giác gì cơ chứ? 
- Thì cứ thử đi.  Tôi không bán cô đâu mà sợ. 
- Tôi mà sợ.  Xì!  Hổng dám đâu. 
- Vậy thì xin mời. 
Việt Cơ gật đầu: 
- Được thôi. 
Gã chạy xe ôm tấp chiếc sáu bảy vào một đường nhỏ như đường hẻm, nhưng rất sạch sẽ và nhộn nhịp.  Dựng xe sát vào cột điện, gã lững thững bước tới cái bàn kê gần đó. 
Vừa kéo ghế cho Cơ ngồi, gã đã búng tay gọi người phục vụ.  Một thằng bé mắt tí rị chạy tới và tuôn ra một tràng xí xô xí xào.  Gã chạy xe ôm cũng đáp lại bằng một chuỗi dài âm thanh lạ hoắc trước khi hỏi Cơ dùng món gì. 
Cô nói: 
- Món gì cũng được, miễn đừng quá năm chục ngàn là được rồi. 
Quay về phía thằng bé, gã lại tuôn ra một tràng xí xô xí xào.  Rồi quay về phía Cơ, gã hạ giọng: 
- Tôi gọi cho cô há cảo.  Món này con gái thích lắm. 
Việt Cơ chớp mắt trước cái nhìn thẳng tuột của gã chạy xe ôm.  Trời đất!  Cái nhìn của gã làm cô mất hồn vía làm sao. 
Trấn tĩnh lại, cô hỏi: 
- Bộ chú là người Hoa hả? 
- Sao cô lại nghĩ vậy? 
- Tại tôi nghe chú... ngộ ngộ... nị nị cũng rôm rả lắm. 
Xoa cằm, gã chạy xe ôm cao giọng: 
- Vậy chẳng lẽ ai nói tiếng Anh đều là người Anh hết? 
Việt Cơ lại hỏi: 
- Chú sống bằng nghề này à? 
Cái miệng rộng hơi nhếch lên, gã nói xa xôi: 
- Chỉ là một trong nhiều cách để tồn tại.  Chạy xe ôm không phải là nghề của tôi. 
Định hỏi: "Vậy nghề của chú là gì?" nhưng Cơ chợt ngừng lại vì một người đàn ông to béo tới trước mặt cô, xổ một tràng tiếng Hoa.  Việt Cơ trố mắt nhìn ông ta, trong khi gã chạy xe ôm cười lên ha hả. 
Việt Cơ tức tối: 
- Ổng nói gì vậy? 
Gã chạy xe ôm khoát tay như bảo cô im lặng, rồi nói chuyện với lão mập.  Không hiểu đôi bên nói gì mà ông ta chỉ trỏ vào Cơ một hồi rồi mới bỏ đi. 
Thấy gã xe ôm cứ tủm tỉm cười mãi, Việt Cơ bực lắm.  Cô cáu kỉnh: 
- Đúng là... bất lịch sự. 
Đẩy dĩa há cảo còn bốc khói về phía Cơ, gã chạy xe ôm bảo: 
- Giận sẽ mất ngon đấy. 
Việt Cơ vênh váo: 
- Ngu sao giận?  Nhưng sao chú không ăn há cảo? 
- Món đó đâu có no.  Tôi phải cỡ cơm chiên thập cẩm mới chắc bụng. 
Cơ tò mò: 
- Chú chạy tới mấy giờ thì nghỉ? 
- Thường thì khoảng nửa đêm. 
- Có đủ sống... à không, có đủ để tồn tại không? 
Gã chạy xe ôm lấp lững: 
- Biết đủ thì là đủ.  Nhưng lần đầu tiên tôi gặp một người khách như cô.  Nè!  Đừng bỏ bùa mê thuốc lú để cướp chiếc xe sáu bảy cà tàng của tôi đó nhé. 
Việt Cơ bĩu môi rồi cười cười.  Vừa lúc một bà xẫm bước tới.  Cô chống ta nghe bà ta nói, rồi nhìn gã như chờ phiên dịch. 
Gã chạy xe ôm hỏi trỏng: 
- Sâm bổ lượng?  OK? 
Cơ gật đầu.  Gã chạy xe ôm đưa hai ngón tay với bà xẫm, rồi nói: 
- Lúc nãy ông xì thẩu ấy hỏi tôi phải cô là A Muối, vợ thằng Ngầu Chẩy nào đó không?  Nếu phải thì hãy bảo cô trở về với chồng ngay.  Báo hại tôi phải đính chính giùm. 
Mặt Việt Cơ đỏ lên, cô cộc lốc: 
- Đúng là vớ vẩn. 
Gã xe ôm nháy mắt: 
- Bất đồng ngôn ngữ, không ai hiểu ai.  Giờ cô có cảm giác đang ở nước ngoài chưa? 
Cơ hỏi: 
- Chẳng lẽ chỗ này người Việt không lui tới? 
- Ngoài kia một chút thì có, còn trong này hầu như chỉ là người Hoa. 
- Vậy sao chú biết ở đây? 
Gã tủm tỉm: 
- Vì tôi là người Hoa mà.  Ăn sâm bổ lượng đi.  Ở đây ngon lắm. 
Việt Cơ ngọt nhạt: 
- Món nào của người Hoa chẳng ngon. 
- Đó là nhận xét của cô chớ không phải lời khen của tôi đâu nha.  Có lẽ ăn xong, tôi chở cô đi một vòng chợ lớn rồi về là vừa.  Dầu có giận ai chín xe mười vàng, thì con gái vẫn là con gái, không nên ra đường quá khuya. 
- Cám ơn lời lên lớp bên vỉa hè của chú. 
- Không dám.  Dân... chú lơ, bác tài như tôi, đâu đủ trình độ lên lớp ai.  Đó chỉ là lời nhắc nhở chân tình của người hay lo chuyện tào lao thôi. 
Việt Cơ đặt lên bàn tờ năm chục ngàn: 
- Đây là tiền của chú. 
Cầm tờ giấy bạc trong tay, gã chạy xe ôm nói: 
- Tiền này là tiền bán nỗi buồn, mua niềm vui, dù là vui gượng.  Đúng không? 
Búng tay gọi tính tiền xong, gã bỏ phần dư vào túi áo, giọng quyền hành: 
- Đi thôi, cô nương. 
Việt Cơ lại lên ngồi sau lưng gã.  Xe chạy chậm qua những dãy phố đèn điện sáng choang đầy màu sắc thật vui mắt. 
Cơ nghe gã chạy xe ôm nói: 
- Cô làm tôi nhớ tới phim "Giấc Mộng Đêm Hè".  Phim ấy nói về một nàng công chúa nửa đêm lén trốn khỏi cung điện để rong chơi. 
Việt Cơ nói tiếp: 
- Công chúa đã gặp một anh chàng phóng viên, và đã cùng anh ta ngao du hết một ngày một đêm, rồi sau đó công chúa đành ngậm ngùi từ giã mọi cuộc vui, trở về địa vị cao quý của mình chớ gì? 
- Đúng vậy.  Đó đúng là một giấc mơ đẹp và lãng mạn, na ná như những gì đang xảy ra. 
Việt Cơ bật cười: 
- Tiếc rằng tôi không phải là công chúa. 
Rồi cô ngập ngừng: 
- Và có lẽ chú không phải là người chạy xe ôm. 
Gã gạt phăng: 
- Sao lại không?  Dân xe ôm có riêng một thế giới với chàn vạn những mảnh đời, những số phận.  Đó là một nghề tự do nhất trong các nghề tự do mà từ bậc trí thức, cho tới dân quèn đều hành nghề được. 
- Thế chú là... hạng nào trong cái thế giới ấy? 
- Hạng cần có tiền để sống qua ngày đoạn tháng. 
Gã chạy xe ôm lảng sang chuyện khác: 
- Cô đã hết buồn chưa? 
- Hết rồi. 
- Thật hả? 
Việt Cơ im lặng.  Gã chạy xe ôm dặn dò: 
- Lỡ mai mốt có buồn cũng không nên lông nhông ngoài đường với một gã xe ôm nhé. 
- Tôi biết.  Sẽ không bao giờ có một "giấc mộng đêm hè" thứ hai cho cô công chúa, cũng như cho tôi.  Nhưng phải thành thật cảm ơn chú. 
Gã chạy xe ôm nhún vai: 
- Ơn nghĩa gì.  Tất cả đều được tính bằng tiền mà. 
Việt Cơ xụ mặt: 
- Có cần nói trắng ra như vậy không? 
- Cần chứ.  Vì mộng đã tàn rồi.  Cô nên cho tôi biết là tôi phải ngừng xe chỗ nào đây? 
Việt Cơ ngập ngừng: 
- Qua khỏi ngã tư đã. 
Tới cột đèn, gã ngừng xe lại: 
- Chúc ngủ ngon và quên hết buồn phiền nha công chúa... A Muối. 
Việt Cơ đứng bên lề, gân cổ lên: 
- Cái gì?  Sao lại gọi tôi là A Muối? 
Cười thật tươi, gã nói: 
- Thì cứ gọi tôi là Ngầu Chẩy, đâu có sao.  Nếu có duyên, một trăm năm nữa sẽ gặp lại. 
Việt Cơ tần ngần nhìn theo cái dáng... phong độ của gã chạy xe ôm, rồi chầm chậm đi về phía nhà.  Cô chưa kịp bấm chuông, cánh cửa đã bật mở một cách giận dữ.  Việt Cơ bất ngờ khi thấy Văn và Tiến đang trố mắt nhìn mình. 
Giọng Văn cộc lốc: 
- Ai vậy? 
Việt Cơ liếm môi: 
- Ai đâu? 
Văn cau mày: 
- Đừng giả vờ nữa.  Ai vừa chở em về? 
- À!  Bạn. 
- Bạn nào?  Sao trông như dân xe ôm vậy? 
Việt Cơ liếc vội Tiến và bắt gặp gương mặt lạnh tanh của anh, tự dưng cô thấy hả hê trong lòng. 
Làm ra vẻ hết sức dửng dưng, cô nói: 
- Bạn em vừa quen, anh không biết đâu. 
Văn "hứ" trong miệng: 
- Vừa quen mà đã cho chở.  Đã vậy còn đứng ngoài đường chia tay chia chân.  Thật chẳng ra thể thống gì. 
 Dứt lời, anh bỏ vào nhà, để mặc Việt Cơ đứng lại với Tiến. 
Anh gằn giọng: 
- Em làm anh thất vọng quá. 
Rồi không đợi Cơ nói câu nào, Tiến hùng hổ leo lên chiếc Su, phóng ào ào ra đường.  Việt Cơ ngồi phịch xuống ghế, đầu gục vào tay. 
Đêm nay cô đã làm gì vậy kìa?  Nếu Tiến biết cô vừa đi lông nhông và vào quán với một người cô chưa biết cả tên họ thì anh sẽ nghĩ sao?  Chắc là hơn cả sự thất vọng.  Nhưng tất cả cũng tại Tiến.  Nếu không vì giận anh, Việt Cơ đã không mạo hiểm như vừa rồi.  Rốt cuộc, cô chẳng được gì, ngoài sự coi thường của gã... bạn xe ôm và sự giận dữ của Tiến. 
Anh giận ngược lại cô rồi.  Phen này chắc Cơ là người hạ mình xin lỗi quá.  Nghĩ cho cùng, cũng tại cô vừa ngốc vừa ngông, giờ còn trách ai đây? 
Rồi cô lại tự an ủi: Đời người ta, biết được mấy lần ngông như thế?  Dầu sao, Việt Cơ cũng có được những giây phút thật lạ, thật vui và cũng thật thoải mái.  Y như cô công chúa trong phim "giấc mộng đêm hè".  Cơ không cần phải ân hận vì Tiến.  Hừ!  Suốt thời gian cô đi rong, ở nhà anh cũng ngọt ngào múa mép với Xuân Đào chớ đâu có hiền từ gì mà bày đặt... lên cơn với cô. 
Nết bướng bỗng trỗi lên, Việt Cơ đứng dậy, đóng cổng rồi ngẩng cao đầu bước vào nhà.  Trong phòng khách, chỉ còn mình Xuân Đào ngồi trước tivi. 
Thấy Cơ, cô ta mỉm cười rồi tiếp tục dán mắt vào màn hình với vẻ say mê khác thường.  Thái độ ấy giống như một thách thức.  Mà Xuân Đào thách thức gì ở Cơ chứ?  Nhún vai gạt thắc mắc vừa nhen lên qua một bên, Việt Cơ nhảy một lúc hai bậc thang để về phòng.  Nằm lăn ra giường, cô chóng mắt nhìn lên trần nhà, lòng buồn vui lẫn lộn. 
Đêm nay chắc cô sẽ khó ngủ, nhưng không phải vì Tiến mà vì những bốc đồng của mình.  Bất giác, Việt Cơ chạy đến bên cửa sổ, nhìn xuống đường.  Đường phố giờ này đã vắng người qua lại. 
Chẳng biết gã Ngầu Chẩy gì đó có rước được khách không?  Rồi mai đây, trên những con đường đông đúc của một thành phố lớn, có khi nào Cơ gặp lại gã ta không? 
Bâng khuâng trở lại giường, Cơ nhớ tới những âm thanh xí xô xí xào, những bảng quảng cáo đầy màu sắc, những dòng người ồn ào của chợ lớn về đêm và nhủ: 
- Sẽ có ngày mình tới đó thêm lần nữa.  Sao lại không chớ, khi khung cảnh và con người ở đấy rất đặc biệt. 
Việt Cơ phấn chấn ôm gối vào lòng.  Dù có quay lại khu phố đó hay không, với Cơ, giấc mộng đêm hè mãi mãi là một kỷ niệm đẹp. 
 Đang ngậm ống hút, hút Yomost, Thanh Hà vội nhả ra và kêu lên: 
  - Năm chục ngàn từ nhà mày vào chợ lớn rồi quay về.  Trời ơi!  Cái... thằng xe ôm đó chém ác thật. 
  Việt Cơ xốn xang: 
  - Không phải hắn đòi mà tại tao đưa.  Tiền mua vui ấy mà. 
  Thanh Hà hất mặt: 
  - Muốn vui, mày đưa tao năm ngàn thôi.  Chậc!  Ngốc gì mà ngốc dữ vậy không biết.  Mua vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy sinh thêm chuyện rắc rối. 
  Việt Cơ xoay hợp sữa dâu trong tay: 
  - Có gì rắc rối đâu? 
  - Mày và Tiến còn chiến tranh, vậy không rắc rối là gì? 
  - Cũng tại tao chưa muốn hòa bình.  Cứ giận xem ai lì hơn ai cho biết. 
  Thanh Hà lắc đầu: 
  - Đúng là trò trẻ con.  Tao có cảm giác mày chẳng yêu gì Tiến, mà chỉ muốn được anh ta chiều chuộng, quỳ lụy.  Mày... hành Tiến lâu quá, coi chừng anh chàng chán thì... vĩnh biệt tình em luôn đó. 
  Việt Cơ làm thinh, nhưng lòng thắc thỏm vì những lời nói của nhỏ Hà.  Đúng là cô... làm cao lâu quá, lâu đến mức dạo này Tiến đã hết đến nhà cô.  Ít ra Tiến cũng biết ghen đấy chứ. 
  Chọc cho Tiến ghen, cũng có nghĩa là đùa với lửa.  Nhưng nếu anh yêu cô thật tình thì phải chứng tỏ bản chất đàn ông là rộng lượng, khoan dung.  Ai đâu lại ghen như thế. 
  Làm ra vẻ thản nhiên trước những... dự báo chua lét của Hà, Việt Cơ bảo: 
  - Đừng nói về Tiến nữa!  Mệt tim lắm. 
  Hà nhún vai: 
  - Vậy thì nói về ai?  Về vấn đề gì đây?  Chẳng lẽ nói về gã chạy xe ôm? 
  Việt Cơ chép miệng: 
  - Biết gì mà nói về một người chỉ gặp có một lần trên đường đời tấp nập. 
  Chu môi ngập ống hút, Thanh Hà ậm ừ: 
  - Im lặng là vàng vậy. 
  Nói là nói thế, chớ dễ gì Hà im lặng.  Ngọ ngoậy trên ghế, cô lách chách hỏi: 
  - Xuân Đào dạo này thế nào rồi? 
  - Vẫn bình chân như vậy.  Nhờ tiền của ba tao, dạo này bà biết làm đẹp rồi.  Cởi bỏ lớp quê mùa ra, trông bà cứ như hoa hậu. 
  Hà hấp háy mắt: 
  - Điều này làm mày ganh tỵ? 
  Việt Cơ xác nhận: 
  - Có chút chút, vì tao đâu phải thánh nhân. 
  - Bả không định làm việc gì sao? 
  - Nghe đâu ba tao bắt bả đi học luyện thi đại học, nhưng bả không chịu.  Bà ta muốn đi làm. 
  Thanh Hà chép miệng: 
  - Thời buổi này làm được gì, khi không có bằng cấp? 
  Việt Cơ bĩu môi: 
  - Xuân Đào làm cho ba tao thì cần gì bằng cấp. 
  Hà kêu lên: 
  - Xuân Đào đòi làm cho công ty ba mày à?  Hà!  Xem ra bà ta cũng tính toán dữ lắm. 
  Cơ nhíu mày: 
  - Mày muốn nói bà Đào tính toán gì? Tao không hiểu. 
  Thanh Hà hùng hồn giải thích: 
  - Này nhé!  Bà ta ăn không ngồi rồi ở nhà hoài cũng kỳ, thi đại học thì chưa chắc đậu.  Xin đi làm chỗ khác thì không có vé.  Về làm cho ba mày là chắc cú nhất.  Ngày hai buổi chỉ cần hiện diện cho phải phép, ai dám sỉ người thân của giám đốc chứ.  Đi làm cũng là cách để kiếm chồng nữa. 
  Việt Cơ bật cười: 
  - Mày đúng là... là... 
  - Là gì? 
  - Tao nghĩ chưa ra, nhưng mày đúng là quá quắt. 
  Hà thản nhiên: 
  - Đời mà.  Không quá quắt làm sao sống được. 
  Việt Cơ uể oải nhìn đồng hồ: 
  - Về thôi.  Trời muốn mưa rồi.
  Thanh Hà nháy mắt: 
  - Không nói tiếp chuyện Xuân Đào nữa à? 
  Cơ đứng dậy: 
 - Chán. 
  Hai người lững thững rời khỏi quán.  Đang đứng trước cổng trường đại học chờ Hà đi lấy xe, Cơ bỗng nghe có người gọi.  Không cần quay lại nhìn, cô cũng biết đó là Tiến.  Thay vì đi về phía anh, Cơ ba chân, bốn cẳng chạy ngược về phía Hà. 
  Thái độ cuống cuồng của Cơ làm Hà ngạc nhiên.  Nhưng khi thấy Tiến, cô liền tủm tỉm cười: 
 - Tao bận đột xuất, không chở mày được đâu. 
  Việt Cơ giẩy nẩy: 
  - Đừng có giỡn.  Trời mưa tới rồi kìa. 
  Thanh Hà tỉnh bơ: 
  - Mưa càng tốt chứ sao. 
  Rồi cô cao giọng: 
  - Anh... ấy ơi!  Cho tui gởi nhỏ Cơ nhe.  Nhớ đưa nhỏ về tận nhà giùm đó. 
  Việt Cơ hậm hực nhìn Hà phóng xe đi.  Tiến dắt chiếc Su vào. 
  Anh ngọt xớt: 
  - Lên anh chở về. 
  Cơ ngúng nguẩy: 
  - Em đi bộ về được rồi. 
  Tiến nhỏ nhẹ: 
  - Anh năn nỉ mà.  Giận bao nhiêu đó chưa đủ khổ sao Cơ? 
  Không trả lời Tiến, Cơ mím môi bước dọc theo vỉa hè.  Tiến kiên trì bám xe rề rề theo.  Mưa bắt đầu rớt hạt, gió bắt đầu mạnh.  Dù... lì tới đâu, Việt Cơ cũng đành lên ngồi phía sau Tiến.  Anh mặc áo mưa vào.  Cơ được chiếc áo trùm cả lên người.  Vì thế, cô phải nép sát vào Tiến.  Hơi ấm từ anh lan tỏa sang người cô.  Sau một thoáng bồi hồi, Cơ vòng tay ôm ngang eo anh và úp mặt vào lưng anh. 
  Bên ngoài, mưa mỗi lúc mỗi lớn, nhưng Cơ không thấy lạnh.  Trái lại, cô chợt thấy lòng thật bình yên khi nghe giọng Tiến vang lên trong mưa: 
  - Cám ơn ông trời. 
  Việt Cơ tủm tỉm cười lúc anh nói tiếp: 
  - Nhưng dầu sao ông cũng đứng thứ nhì, đúng với câu "Nhất vợ nhì Trời". 
  Cô véo vào hông Tiến: 
  - Ai là vợ anh chớ? 
  Tiến bảo: 
  - Anh không biết ai.  Nhưng theo anh, vợ luôn đứng nhất.  Bởi vậy, không chịu làm vợ anh là lỗ. 
  Việt Cơ phụng phịu: 
  - Sợ mồm mép anh luôn.  Chuyện gì cũng nói được. 
  - Anh dở thấy mồ.  Nếu giỏi ăn nói anh đâu bị em giận tới bữa nay. 
  - Em giận anh hay anh giận em? 
  Tiến giả lả: 
  - Chúng mình giận nhau. 
  - Nhưng tại sao mình giận nhau? 
  - Đừng nhắc tới lý do nữa mà. 
  Việt Cơ cao giọng: 
  - Em thấy chẳng có gì phải ngại hết. 
  Tiến nói nhát gừng: 
  - Nhưng anh thấy khó chịu. 
  - Tại sao lại khó chịu? 
  - Em yêu anh, nhưng chưa bao giờ hiểu và thông cảm cho anh.  Bộ em nghĩ anh hứng thú khi phải vì bác Danh mà giấu giếm em sao?  Nếu không nghĩ tới em và yêu em, anh cần gì làm thế để bị xem thường. 
  Việt Cơ gằn từng tiếng: 
  - Anh phải biết là ba không thế giấu chuyện giúp đỡ Xuân Đào suốt đời được. 
  - Đành là vậy.  Nhưng anh nghĩ nếu có thời gian, bác Danh sẽ tìm được cách giải thích chí tình với bác Thu. 
  Việt Cơ hậm hực: 
  - Lý do của anh chưa thuyết phục.  Rõ ràng anh về phe Xuân Đào chống lại mẹ và em. 
  Tiến kêu lên: 
  - Nếu nghĩ thế, em cứ tiếp tục giận. 
  - Được thôi.  Anh cho em xuống đi. 
  - Tới nhà, anh sẽ mời em xuống ngay. 
  Hai người lại rơi vào im lặng.  Ngoài tiếng mưa ra, Việt Cơ không nghe âm thanh nào khác.  Cô giận dỗi ngồi xa Tiến một khoảng. 
  Anh lắc đầu, than: 
  - Đến bao giờ em mới thôi cái tật giận lẫy ấy hả Cơ?  Nói thật.  Ngoài anh ra, chắc không gã đàn ông nào chịu nổi em đâu. 
  Việt Cơ buột miệng: 
  - Chưa chắc! 
  - Hừ!  Em muốn nhắc tới gã bạn mà anh Văn bảo giống dân xe ôm chính hiệu chớ gì?  Dạo này hắn đâu sao không ghé đưa em đi chơi? 
  - Bạn em tới hay không, anh cũng để ý nữa à? 
  - Đương nhiên, anh phải kiểm tra em chớ. 
  - Thì ra thế.  Anh nói yêu, nhưng cũng không hề tin em.  Anh đa nghi lắm. 
  Tiến rên rỉ: 
  - Đừng trách nhau nữa mà Cơ.  Không nghi ngờ, tình yêu sẽ chết mất. 
  Việt Cơ lạnh lùng: 
  - Đó là cách nghĩ của mỗi mình anh. 
  Tiến vội vã: 
  - Anh sẽ không nghĩ thế nữa. 
  - Em không bắt anh hứa đâu. 
  - Ôi!  Cơ ơi là Cơ!  Em đúng là quá quắt.  Bởi vậy, số anh khổ vì vợ cũng phải. 
  Việt Cơ ậm ự: 
  - Đã bảo em không phải vợ anh mà. 
  Luồn tay dưới áo mưa tìm tay Cơ, Tiến bảo: 
  - Chạy trời không khỏi... mưa.  Thầy bói đã khẳng định ba anh và ba em sẽ làm sui. 
  Không rút tay lại, Việt Cơ hỏi: 
  - Anh cũng tin bói toán nữa sao? 
  Tiến hồ hởi: 
  - Những chuyện như vầy nên tin lắm chứ. 
  Ngừng xe trước nhà Cơ, Tiến bóp còi inh ỏi.  Từ trong Xuân Đào che dù lúp xúp chạy ra mở cổng. 
  Giọng Đào vừa ngọt vừa vui: 
  - Mưa mà anh cũng ghé nữa à? 
  Tiến cười: 
  - Đó là nghĩa vụ và quyền lợi mà. 
  Khi thấy Việt Cơ chui từ trong áo mưa ra, Xuân Đào có vẻ ngỡ ngàng, nhưng cô đã mau mắn nói: 
  - Xin chúc mừng hai người. 
  Rồi cô ví von nói: 
  - Sau cơn mưa, trời lại sáng.  Chắc chắn là như thế. 
  Việt Cơ chớp mắt: 
  - Sao Xuân Đào không để chị Lý mở cổng.  Lỡ bệnh có phải phiền phức không? 
  Xuân Đào buồn buồn: 
  - Chẳng lẽ Đào vô tích sự đến mức mở cổng cũng không được sao? 
  Tiến vội giải thích: 
  - Không phải vậy.  Việt Cơ lo cho trái tim yếu đuối của Xuân Đào ấy mà. 
  Xuân Đào cười: 
  - Tim em dạo này ngoan lắm. 
  Tiến đưa tay vuốt mái tóc ướt: 
  - Vậy thì tốt rồi.  Chừng nào Đào chính thức đi làm? 
  Đào nghiêng nghiêng đầu: 
  - Tuần sau.  Hy vọng anh sẽ là sếp của em. 
  Tiến ngớ ra: 
  - Tôi hả?  Chắc không có đâu. 
  Đào nói: 
  - Làm chung với những người khác, em đâu có quen.  Lỡ sai cái gì, bị họ mắng thì quê lắm 
  Tự dưng Việt Cơ buột miệng: 
  - Ai dám mắng Đào chứ? 
  Xuân Đào nhìn Cơ như định nói gì đó nhưng không hiểu sao, cô lại quay sang Tiến: 
  - Ôi!  Quên nữa.  Anh ướt hết cả rồi.  Để em vào lấy khăn. 
  Tiến chưa kịp ngăn, Đào đã chạy vào trong trước cái nhìn đầy ác cảm của Việt Cơ. 
  Anh nhẹ nhàng bảo: 
  - Lẽ ra, em không nên nói thế. 
  Cơ cao giọng: 
  - Vậy em phải nói sao đây?  Đi làm mà đòi hỏi nhiều quá. 
  Tiến giang tay ra: 
  - Thật ra, Đào chỉ hy vọng như thế, chớ cô ấy có đòi hỏi gì đâu. 
  Việt Cơ mỉa mai: 
  - Anh cũng hy vọng như Xuân Đào phải không? 
  Tiến nhăn nhó: 
  - Em nói vậy mà nghe được à? 
  Việt Cơ chưa kịp trả lời đã thấy Xuân Đào bước ra với hai cái khăn lông: 
  - Hai người lau khô tóc đi, không thôi bệnh đó. 
  Tiến đỡ lấy khăn: 
  - Cám ơn.  Em thật chu đáo. 
  Vừa nói, anh vừa trao lại cho Cơ một cái khăn.  Nhìn hai người, Đào tỏ vẻ ngạc nhiên: 
  - Eo ơi!  Tóc anh Tiến còn dài hơn cả tóc Việt Cơ.  Cắt tóc ngắn vừa tiện vừa trẻ trung, chắc hôm nào em phải cắt tóc ngắn mới được. 
  Tiến ngăn ngay: 
  - Ấy đừng.  Bây giờ chỉ cần ra đường là đụng tóc ngắn, tóc dài như Đào mới gây ấn tượng độc đáo.  Sao lại đòi cắt đi? 
  Xuân Đào chúm chúm một cách thích thú: 
  - Tóc em mà gây ấn tượng à? 
  Tiến gật đầu thật nhanh: 
  - Đương nhiên. 
  Đào vuốt đuôi tóc đen mượt của mình: 
  - Em lại sợ nó quê mùa ấy chứ. 
  Việt Cơ có cảm giác đứng bên ngoài cuộc trò chuyện của hai người.  Cô mím môi, lau mạnh đầu, mái tóc ngắn ngủn của Cơ xù lên như lông nhím.  Giờ cô đã hình dung được những lần không có cô, Tiến và Đào nói những gì.  Hừ!  Bên tung bên hứng, y như những cặp đã ăn ý đang tán tỉnh nhau.  Trông ghét làm sao đấy. 
  Thay vì góp lời cho câu chuyện thêm rôm rả, Việt Cơ khoanh tay làm thinh để nghe Tiến góp ý với Xuân Đào nên ăn mặc thế nào cho phù hợp với mái tóc dài của mình.  Xem ra ở phương diện thời trang, Tiến rất có khiếu, vậy mà chưa bao giờ anh nói với cô vấn đề này.  Bộ Tiến nghĩ rằng Cơ ăn mặc đúng chuẩn mực rồi sao? 
  Dường như nhận ra sự im lặng của Việt Cơ khác thường, Tiến chợt khựng lại, giả lả hỏi: 
  - Những gì anh nói nãy giờ có sai không? 
  Việt Cơ điềm đạm trả lời: 
  - Anh nói hay còn hơn chuyên gia thiết kế thời trang nữa.  Biết anh từ bé, tới giờ em mới phát hiện ra năng khiếu nơi anh. 
  Tiến cười xòa: 
  - Lại chọc quê rồi. 
  Xuân Đào đứng dậy: 
  - Anh Tiến ở lại chơi với Cơ nha.  Em xuống bếp phụ chị Lý. 
  Đào vừa khuất sau tấm màng trúc, Tiến sà xuống kế bên Cơ. 
  Bẹo má cô, anh nói: 
  - Cái mặt ghen, trông buồn cười thật. 
  Việt Cơ gằn giọng: 
  - Anh điên rồi!  Ai mà thèm ghen với Xuân Đào! 
  - Nếu không ghen, sao ngồi im như thóc vậy? 
  Vò cái khăn lông trong tay, Cơ lơ lửng: 
  - À!  Im lặng để nghe người yêu nói chuyện với người khác xem thế nào, có giống như nói với mình không? 
  Choàng tay qua vai Cơ, Tiến thầm thì: 
  - Em thấy sao? 
  Cong môi lên, Việt Cơ phán: 
  - Không đến nổi rẻ tiền lắm. 
  - Dám nói anh như vậy hả? 
  Cơ vênh váo: 
  - Sợ gì mà không nói? 
  Tiến vít đầu Cơ xuống, giọng khàn đi: 
  - Nhớ đôi môi chanh chua này quá. 
  Việt Cơ chớp mi, cô cũng nhớ môi anh vậy.  Hai người cuống quýt hôn nhau, chuyện hờn giận bỗng tiêu tan đâu hết cả.  Khi tiếc nuối buông Cơ ra, Tiến trầm ngâm: 
  - Nghĩ lại, giận nhau đúng là ngốc.  Chúng ta đã bỏ lỡ biết bao nhiêu nụ hôn rồi nhỉ? 
  Ngả đầu vào ngực anh, Cơ phụng phịu: 
  - Biết nghĩ thế thì từ giờ trở đi đừng chọc em giận. 
  Tiến hứa thật ngọt: 
  - Anh thề sẽ không có chuyện đó nữa. 
  Việt Cơ cắc cớ: 
  - Nếu không bằng lòng nhau thì chia tay mãi mãi phải không? 
  Tiến nhăn nhó: 
  - Sao anh ghét cái từ "chia tay" ấy quá.  Anh ước đừng bao giờ phải nghe, phải nhắc tới nó. 
  Việt Cơ chưa kịp nói gì thì đã giật mình vì giọng chị Lý la như cháy nhà dưới bếp.  Hai người hốt hoảng chạy xuống và thấy Xuân Đào nằm sóng soài trên nền nhà. Kế bên, chị Lý đang cố sức lay cô dậy. 
  Tiến kêu lên: 
  - Lại lên cơn đau tim rồi.  Khổ thật! 
  Anh bước đến, bế Đào lên rồi đưa cô về phòng.  Chị Lý lo lắng chạy theo.  Ba mẹ, anh Văn đều vắng nhà, nhỡ... bà Đào có chuyện gì thì khó ăn nói với ba. 
  Tiến đặt Xuân Đào lên giường, rồi đi tới bàn tìm chai thuốc trợ tim. 
  Anh bảo Cơ: 
  - Xuống nhà rót ly nước. 
  Cơ gật đầu, rồi làm theo lệnh của Tiến như người máy.  Xuống tới bếp, cô nghe chị Lý phân bua: 
  - Cô Đào làm tui sợ muốn chết.  Bệnh gì như giỡn chơi.  Cổ nói đem cà phê cho cậu Tiến với cô uống, nhưng hổng hiểu sao cổ bưng lên rôì bưng xuống.  Vừa để khay cà phê trên bàn là cổ lăn đùng ra xỉu.  Nếu không có cô cậu, tui hổng biết phải làm sao. 
  Việt Cơ bất ngờ vì những vì chị Lý vừa nói.  Thì ra lúc Cơ và Tiến say mê hôn nhau, Xuân Đào đi lên và nhìn thấy.  Chẳng lẽ việc hai người âu yếm nhau, tác động nhiều đến tim của Xuân Đào đến vậy? 
  Xốn xang xấu hổ vì những phút riêng tư của mình bị người khác nhìn thấy, Việt Cơ cầm ly nước rồi ngần ngừ mãi mới bước vào phòng của Xuân Đào. 
  Dường như Đào vừa tỉnh, Tiến đã đở cô ngồi dậy và cho uống thuốc.  Cơ đưa nước cho anh.  Nhìn Tiến cẩn thận nâng ly tận miệng Đào, Cơ có cảm giác anh đã quen với việc chăm sóc bệnh này.  Cũng phải!  Anh từng tới lui nơi Đào ở bao nhiêu lần, rồi bao nhiêu lần Xuân Đào lên cơn đau tim, làm sao Cơ biết được. 
  Uống xong hớp nước, thay vì nằm xuống giường, Xuân Đào lại tựa vào ngực Tiến, trông hết sức tình tứ, nhưng Cơ gạt hết nghi ngờ qua một bên. 
  Giọng mệt nhọc, Đào yếu ớt nói: 
  - Không muốn cũng phải làm phiền hai người. 
  Việt Cơ cố giữ vẻ thản nhiên: 
  - Mình là người nhà, cần gì phải khách sáo. 
  Tiến mỉm cười vì câu nói của Cơ.  Anh pha trò: 
  - Lần đầu được nghe Việt Cơ ngọt ngào như thế với Xuân Đào.  Tim Đào có đau cở nào cũng khỏe lại ngay. 
  Xuân Đào gượng gạo cười.  Việt Cơ liếm môi: 
  - Đào uống sữa không?  Cơ lấy cho. 
  Đào khẽ gật đầu, Tiến vội nói: 
  - Để chuyện đó cho tôi.  Hai người trò chuyện với nhau đi. 
  Hết sức nhẹ nhàng, Tiến đỡ Xuân Đào nằm xuống, rồi đi ra.  Hai người bỗng rơi vào im lặng. 
  Quay mặt sang vách, Xuân Đào bỗng nói: 
  - Có được người mình yêu ở kế bên thật là hạnh phúc.  Ngày xưa, mẹ Đào đã không có được niềm hạnh phúc đó.  Nhưng Đào thì khác, Đào sẽ có những gì Đào muốn, phải không Cơ? 
  Việt Cơ dè dặt: 
  - Đương nhiên, nếu đó là những ước muốn trong sáng. 
  Ngước lên nhìn Cơ, Xuân Đào nói: 
  - Đã là ước muốn thì khó lòng trong sáng được.  Vì ước muốn nào của con người cũng là trần tục.  Ước được giàu có, ước được yêu và hạnh phúc.  Thậm chí, ước cho kẻ mình căm ghét phải chết đi. 
  Việt Cơ ngắt ngang lời cô: 
  - Nhưng nếu Đào ước điều tốt cho người khác, thì ước muốn đó thật trong sáng. 
  Đào nhếch môi: 
  - Thú thật.  Từ bé đến giờ, Đào chưa hề ước điều gì cho người khác hết.  Tệ quá phải không?  Cuộc sống đã khiến Đào ích kỷ như thế.  Chẳng có gì cả nên Đào luôn khao khát một mái nhà, một cuộc sống sung túc, ước có một tình yêu tuyệt đẹp.  Đào ước nhiều lắm nhưng chẳng được gì.  Đáp lại, mẹ Đào còn mang bệnh ung thư rồi chết trong nghèo khó nữa.  Rốt cuộc với Đào, ước muốn mãi là thứ xa xỉ phẩm không khi nào với tới. 
  Nhìn giọt nước mắt chực ứa ra nơi khóe mắt, cùng gương mặt xanh xao, nhợt nhạt của Xuân Đào, Việt Cơ bỗng cảm thấy xót xa vì thương cảm.  Thật ra, so với anh em cô, Xuân Đào đã phải chịu nhiều bất hạnh.  Lẽ ra, cô không nên vì giận Tiến nói dối mình, mà có ác cảm với Đào từ cái nhìn đầu tiên. 
  Việt Cơ nhỏ nhẹ: 
  - Đừng nghĩ vậy.  Rồi Đào sẽ có tất cả những điều từng mơ ước.  Đào đã có một mái nhà, một cuộc sống dù chưa như ý, nhưng cũng tương đối, rồi Đào sẽ có một tình yêu tuyệt đẹp.  Lo gì! 
  Mắt Xuân Đào bỗng ngời lên một tia khác thường, cô gật gù: 
  - Đúng vậy.  Rồi Đào sẽ có một tình yêu tuyệt đẹp.  Lo gì cơ chứ. 
  Bước xuống giường, Xuân Đào nắm tay Cơ: 
  - Xem anh Tiến làm gì dưới bếp. 
  Việt Cơ ngần ngừ: 
  - Đào đang mệt mà. 
  Đào vuốt tóc sang một bên: 
  - Đau tim giống như đóng kịch.  Giờ thì Đào ổn rồi. 
  Việt Cơ để mặc Xuân Đào ôm ngang eo mình.  Hai cô dựa vào nhau, bước từng bậc thang.  Đúng là đau tim giống như đóng kịch.  Ai biết Xuân Đào đang đóng kịch hay đang đau tim. 
  Lòng Việt Cơ lại hoang mang, mơ hồ nghĩ tới Tiến.  Thật xấu hổ khi nghi ngờ anh và Xuân Đào.  Nhưng cuộc đời mà, chuyện gì không thể xảy ra nhỉ?