Phần VIII

Xuân Đào quả thật là người vô ơn, bạc nghĩa.  Ngay lần đầu gặp mặt, cô đã linh cảm Đào sẽ gieo cho mình nhiều khổ sở.  Giờ nghiệm lại, điều đó không sai.  Nhưng dứt khoát Cơ không lụy gã đàn ông đã phản bội mình, trái lại dù đau khổ cách mấy, Cơ cũng cương quyết vứt bỏ như cô đang vứt bỏ... 
  Cửa phòng bỗng bật mở, Tiến giận dữ lao vào và ngất ngưởng đứng trước mặt Cơ, mắt tóe lửa. 
  Cơ ấp úng: 
  - Sao anh không gõ cửa? 
  - Vì anh biết em sẽ không cho anh vào.  Nhưng chúng ta cần phải nói chuyện cho rõ. 
  Kéo ghế ra ngồi, Tiến nói tiếp: 
  - Em định hành hạ tinh thần, đày đọa thể xác anh tới chừng nào hở Cơ?  Sắp tới ngày làm đám hỏi rồi vẫn còn làm khổ anh.  Đâu phải anh không biết dạo này em thuê một gã chạy xê ôm ngày hai buổi đưa đón em nhằm mục đích chọc tức anh.  Em định thử anh tới bao giờ cũng được, nhưng cưới hỏi là chuyện quan trọng liên quan đến người lớn, em không thể đùa. 
  Việt Cơ bình tĩnh đáp: 
  - Em đâu dám đùa chuyện hệ trọng như vậy.  Chính vì suy nghĩ nghiêm túc, em mới nhận ra sự lầm lẫn trong tình yêu.  Chúng ta không hợp nhau, cố gắng chịu đựng nhau cách mấy, sau này cũng đổ vỡ. 
  Tiến lắc đầu: 
  - Không nên bi quan như vậy.  Anh yêu em, rồi chúng ta sẽ hạnh phúc. 
  Nhếch môi mai mỉa, Cơ nhắc lại: 
  - Anh yêu em.  Câu này em nghe nhiều lần rồi.  Nhiều đến mức em không còn cảm giác với nó nữa. 
  Tiến bước đến gần giữ chặt hai vai Cơ, giọng lạc đi thật thảm thiết: 
  - Anh không thể mất em.  Thiếu em, đời anh trở nên vô nghĩa, anh chẳng còn gì cả. 
  Cười nhạt, Việt Cơ độc ác: 
  - Chẳng lẽ em đem tới cho anh nhiều vậy sao?  Lắm khi em tự hỏi.  Nếu em là một con bé nghèo hèn, anh có yêu em đến mức như vừa nói không? 
  Hơi khựng lại một chút, Tiến kêu lên oan ức: 
  - Dường như em hiểu lầm anh rồi.  Không ngờ em cho rằng anh đến với em vì em là con gái của giám đốc.  Nghĩ vậy là nhục mạ tình yêu chân thành của anh dành cho em. 
  Việt Cơ bịt tai lại: 
  - Đủ rồi.  Đủ rồi.  Tôi kinh tởm cái tình yêu cao đẹp của anh.  Còn tại sao hả?  Anh về soi gương và tự hỏi lại mình đi.  Đồ đểu giả! 
  Gạt mạnh tay Tiến ra, Việt Cơ hổn hển chạy xuống nhà.  Trước mặt mọi người đang ngồi xem tivi ở phòng khách, cô nói lớn: 
  - Tôi và Tiến không còn gì nữa.  Đừng bao giờ để anh ta mò vào tận phòng của tôi như vừa rồi. 
  Ném cái nhìn lạnh lùng vào vẻ mặt vờ ngơ ngác của Xuân Đào.  Cơ bỏ ra ngoài.  Ngoắc đại chiếc xích lô vừa trờ tới, cô nói tên đường của nhà Trung, rồi cô người ngồi lọt thỏm vào trong xe. 
  Tới bây giờ, cô mới thấm thía nỗi đau của người bị lừa dối, bị phản bội.  Chính Trung thú nhận với Cơ đã từng thấy Tiến và Đào tay trong tay, mắt nhìn mắt ở quán cà phê anh từng đưa Cơ tới.  Vậy mà miệng mồm anh ta vẫn trơn như thoa mỡ, ngọt như đường.  Thật là tồi tệ! 
  Vừa rồi, suýt nữa Việt Cơ đã nói toạc móng heo ra hết.  Nhưng vì sĩ diện, cô kịp thời làm chủ bản thân để giữ lại những lời định mắng Tiến và Xuân Đào. 
  Hừ!  Dù hận cỡ nào, tức cỡ nào, đối với mọi người, Cơ vẫn là người... xù Tiến.  Bị...xù, hẳn Tiến đau lắm, nhục lắm.  Anh ta còn đau hơn, nhục hơn, nếu đúng là anh ta cưới Cơ vì muốn dùng cô làm bệ phóng trên đà công danh. 
  Bỗng dưng, Cơ buột miệng cười khan.  Đồng tiền đúng là chi phối tất cả.  Cô cũng đang dùng tiền để...mướn một người yêu hờ đó thôi.  Có lẽ bắt đầu từ hôm nay, hợp đồng giữa cô và Trung phải hủy bỏ vì chuyện của Tiến và Cơ dã được tuyên bố.  Cô hết cần Trung rồi.  Nhưng nếu Tiến cứ lẽo đẽo theo sau cô hoài thì sao? 
  Hừ!  Tiến cũng khá lắm nên mới nhận ra Trung chỉ là một gã chạy xe ôm.  Có lẽ Cơ phải tiếp tục với Trung, nhưng ở mức độ...tình hơn mới được. 
  Tới đầu hẻm dẫn vào nhà Trung, cô xuống xe, đi bộ vào.  Cô thật sự thất vọng khi thấy nhà anh đóng cửa. 
  Trời ơi!  Lẽ nào tối tối, Trung vẫn còn chạy xe để kiếm thêm?  Cứ tiếp tục thế này, sức khỏe nào chịu nổi? 
  Lòng Cơ chợt dâng lên sự thông cảm sâu sắc.  Phải nói Trung là người bền chí. 
  Qua những lần đưa đón mỗi ngày, Cơ đã hiểu hơn về anh.  Thì ra Trung đã tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh và luật, nhưng mấy năm qua, anh chưa đi làm mà muốn lăn lội với đời bằng nhiều nghề tự do, để tích lũy vốn sống. 
  Anh đã làm đủ thứ theo kiểu mánh mung.  Từ mua bán ngoại tệ, đến tư vấn pháp luật cho ai có yêu cầu, đến chạy bỏ mối, tiếp thị đủ loại hàng điện tử, vv.  Tóm lại, cái gì kiếm ra tiền chân chính thì anh làm. 
  Trung cũng nói thêm, kiếm tiền theo kiểu ngộ ngộ như làm người yêu hờ của Cơ, anh cũng rất hứng thú.  Anh xem đó là cách kiếm tiền nguy hiểm đầy mê hoặc. 
  Việt Cơ thò tay vào mở chốt cổng nhà Trung.  May thay, cổng không khóa.  Cô có thể vừa vào thưởng nguyệt xem hoa, vừa chờ anh về. 
  Nhưng Cơ tìm Trung để làm chi nhỉ?  Chẳng biết từ bao giờ, cô đã hình thành thói quen tìm Trung để trút những ấm ức riêng tư.  Mỗi sáng anh đưa Cơ đến trường, cô đã huyên thuyên không dứt chuyện lớp.  Nói chung, tất cả mọi chuyện trên trời, dưới đất Cơ đều kể cho Trung nghe hết sức thoải mái và được nghe anh... thoải mái góp lời vào.  Trò chuyện với Trung vừa vui vừa nhẹ nhõm đầu óc.  Cô không phải suy nghĩ, buồn vui, ghen giận như khi đến với Tiến.  Thì ra, có một người bạn hiểu mình, đôi khi thú vị hơn một có một người yêu giả dối.  Vậy tại sao không duy trì tình bạn này?  Rồi Cơ lại giật mình khi nghĩ "tình bạn của cô và Trung " là một tình bạn ảo, nó được duy trì bằng tiền.  Trò chơi này do chính cô bày ra rồi rủ Trung tham gia.  Giữa hai người, làm sao tồn tại một tình bạn chân chính được? 
  Thẫn thờ ngồi xuống bậc tam cấp, Việt Cơ xoa gục đầu vào hai tay, buồn bã.  Thôi thì khỏi.. thưởng nguyệt xem hoa, hãy ngồi vô một góc và xem lại chính mình. 
  Thật ra, việc mình trả thù Tiến theo kiểu này là đúng hay sai?  Có phải mình chỉ vì mình mà không biết nghĩ tới ai không? 
  Ba mẹ hẳn nhiên phải giận.  Nhưng vì hạnh phúc của mình, hai người sẽ bỏ qua.  Còn Tiến.  Hừ!  Anh ta là nguyên nhân của mọi tội lỗi.  Mình ra nông nổi này cũng vì Tiến.  Ngoài mặt, anh ta trông đáng thương lắm.  Nhưng bên trong, anh ta là kẻ đáng nguyền rủa. 
  Tóm lại, Việt Cơ làm chẳng có gì sai cả.  Phấn khởi với kết luận chủ quan của mình.  Cơ chống hai tay ra sau, người hơi ngửa, mắt nhìn lên rạng rỡ. 
  Cô chợt hốt hoảng khi nhìn thấy Trung đang đứng chống nạnh nhìn mình, miệng Trung tủm tỉm thật dễ ghét.
  Tối nay, Trung thật bảnh khi mặc sơ mi trắng, thắt cà vạt hẳn hoi.  Với cái áo vest vắt hờ trên vai, trông anh vừa lịch lãm vừa phong trần, làm Việt Cơ không rời mắt khỏi anh được. 
  Hai người im lặng, rồi Trung là người lên tiếng trước: 
  - Lại có chuyện à? 
  Việt Cơ lắc đầu: 
  - Cũng chẳng có gì.  Tại buồn thôi.  Xe anh đâu?  Tối nay anh dự tiệc hay sao mà trông phong độ vậy? 
  Thay vì mở cửa, Trung ngồi xuống kế bên Cơ, giọng giễu cợt: 
  - Lúc nào tôi lại không phong độ. 
  Cơ lém lỉnh: 
  - Nhưng thế này thì... bắt mắt hơn. 
  Trung bật cười: 
  - Cô dùng từ lạ tai thật.  Bắt mắt, bắt mùi gì chẳng biết, tôi chỉ thấy mệt muốn chết. 
  - Anh vẫn chưa khai báo là anh đã đi đâu. 
  Trung tựa lưng vào cột, giọng ỡm ờ: 
  - Đi chơi với người yêu. 
  Cơ bắt bẻ: 
  - Bữa hổm, anh bảo chưa một cô gái nào tới nhà anh, sao hôm nay lại có người yêu kìa? 
  Nới lỏng cà vạt ở cổ ra, Trung gật đầu: 
  - Đúng vậy.  Nhưng đâu có nghĩa là tôi không có bồ. 
  Vặt nắm lá trâm ổi trong tay và ngửi mùi thơm của nó, Cơ lơ lửng hỏi: 
  - Cô ấy ra sao nhỉ? 
  Trung hơi mơ màng: 
  - Rất dung dị, bình thường.  Không phải là con của giám đốc nên không kiêu căng phách lối, cũng không có nhiều tiền để vung ra mua những thứ mình muốn.  Tóm lại, cô ấy hợp với tôi.  Cả hai cảm thấy hạnh phúc, thế là quá đủ. 
  Việt Cơ xụ mặt: 
  - Anh có quyền khoe bồ, nhưng không có quyền mai mỉa tôi.  Con gái của giám đốc đâu phải là tội, tánh kiêu căng phách lối là do trời sinh, có nhiều tiền vung ra mua thứ mình thích là tự do cá nhân, không liên quan gì tới anh. 
  Trung hóm hỉnh: 
  - Tôi biết và thấy mình may mắn hơn Tiến. 
  Cơ giậm chân: 
  - Đừng nhắc tới hắn.  Tôi đang bực muốn chết đây. 
  Trung xoa tay vào nhau: 
  - Biết ngay là có chuyện mà.  Nếu không em đâu tới đây.. hành hạ tôi.  Đã quyết định xù anh ta rồi, còn ghen tuông, bực bội làm chi cho mệt. 
  Việt Cơ làu bàu: 
  - Ai thèm ghen tuông.  Nhưng tôi ghét thói giả dối của Tiến.  Anh ta làm như yêu tôi lắm không bằng. 
  Trung vờ vịt: 
  - Ủa!  Chẳng lẽ Tiến không yêu Cơ? 
  Việt Cơ liếm môi: 
  - Anh từng thấy Tiến vào quán với Xuân Đào, giờ còn hỏi đố tôi? 
  - Vậy sao em không dùng chứng cớ này để lột mặt nạ của Tiến? 
  Thấy Cơ im lặng, Trung trả lời luôn: 
  - Tại em quá tự cao, không muốn người ta biết mình là kẻ thua cuộc chớ gì? 
  Cơ liếc anh bằng tất cả... căm hận: 
  - Nhiều chuyện.  Dù có như vậy, cũng không liên quan tới anh. 
  Trung cười cười: 
  - Lần này thì liên quan đấy.  Nhờ tính tự cao, ngông cuồng của em, tôi mới có thêm việc để làm, có thêm tiền để đi chơi với người yêu. 
  Việt Cơ chợt tò mò một cách bất ngờ: 
  - Ủa!  Hai người đi bằng xe gì vậy? 
  - Taxi. 
  - Chà!  Sang dữ.  Nhưng như thế, làm sao tình bằng ngồi xe sáu bảy. 
  Trung tỉnh bơ: 
  - Đành là thế.  Nhưng từ khi.. ngày hai buổi chở em đến trường, tôi hết muốn chở cô gái nào khác bằng chiếc sáu bảy ấy nữa, huống hồ chi chở bồ. 
  Việt Cơ bĩu môi: 
  - Kỹ quá nhỉ.  Tôi thấy dễ chịu khi nghĩ mình được độc quyền cái xe ấy. 
  Trung lặng lẽ nhìn Cơ.  Dưới ánh sáng mờ mờ của đèn đường, trông Cơ thật ngổ ngáo.  Với mái tóc tém sát và cái áo thung sọc đỏ vừa mạnh mẽ vừa bụi đời, Cơ y như một tên con trai mới lớn háo thắng và háo chiến.  Cơ sẵn sàng tranh luận với Trung bất cứ vấn đề gì để cho tới khi đuối lý mới thôi.  Suốt thời gian vừa qua chẳng hiểu anh và cô đã cãi bao nhiêu trận, nhưng phải thú thật, cãi miết dường như Trung đâm ghiền.  Anh rất thích chọc giận Cơ.  Nhưng với Trung, cô chỉ giận một tí rồi chủ động.. huề, vì anh không phải là Tiến, hay đối tượng để cô nũng nịu làm cao.  Cô rất tự nhiên khi trò chuyện, lẫn khi đấu khẩu cùng Trung.  Giữa hai người đã manh nhiên hình thành một tình bạn? 
  Trung nhếch môi.  Có lẽ anh quá chủ quan khi nghĩ thế.  Việt Cơ là một cô gái tự cao, mà con gái tự cao.. thì chua lắm. 
  Nhìn vẻ mặt hất lên trời của Cơ, Trung bỗng sục sôi suy nghĩ, phải làm sao cho con bé này biết sống hơn mới được.  Anh cũng háo thắng và nhất định anh sẽ.. dạy dỗ được con bé đó. 
  Hai người im lặng ngửi mùi nguyệt quế say nồng.  Trung vừa rời khỏi cuộc chiêu đãi của một đối tác làm ăn.  Anh có uống vài ly, không nhiều để say.  Với cương vị giám đốc tương lai của công ty Vĩnh Hưng, Trung đã làm tròn trách nhiệm ngoại giao.  Nhưng với trách nhiệm đè nặng hai vai, Trung thấy mình như bơi trong biển công việc. 
  Trên đường về nhà, anh tính tắm rửa cho tỉnh táo xong là ngồi ngay vào máy tính.  Nào ngờ, vừa mở cổng rào đã bắt gặp Việt Cơ ngồi gục đầu, co ro trông thật tội nghiệp.  Phải chi lúc nào cô cũng đáng yêu như thế nhỉ? 
  Bỗng dưng Trung cứ muốn ngồi mãi thế này để nghe Cơ huyên thuyên.  Cứ trông vẻ bồn chồn của cô, anh thừa biết Cơ sắp nói điều gì đó. 
  Đúng y như dự đoán, Cơ chống ta dưới cằm, giọng kể lể: 
  - Lúc ăn cơm, ba tôi hỏi anh là ai.  Tôi bảo là bạn và bị ông dũa te tua về tội giao thiệp bừa bãi lúc sắp lấy chồng.  Được ông nhận trúng hệ, tôi liền hùng hồn tuyên bố chưa muốn đeo gông sớm.  Thế là chiến tranh bùng nổ.  Dù tương quan lực lượng không cân bằng nhưng tôi vẫn là người chiến thắng. 
  Trung hỏi: 
  - Chiến thắng sao còn bực Tiến? 
  - Chuyện xảy ra còn nóng hổi thì Tiến đến.  Anh ta xông vào phòng tôi rồi diễn một màn kịch thật thảm.  Tiếc rằng nó chẳng làm tôi xúc động, trái lại, còn khiến tôi nổi điên lên vì khinh bỉ.  Nếu tôi ở lại nhà sẽ xảy ra những rắc rối khác. 
  - Nên em đã tới đây để trút rắc rối vào tôi? 
  Việt Cơ kêu lên như oan ức lắm: 
  - Tôi chỉ tìm một chỗ để tị nạn thôi.  Sao anh ích kỷ, hẹp hòi dữ vậy? 
  Trung hất hàm: 
  - Em định tị nạn tới mấy giờ?  Tối nay, tôi còn nhiều việc phải làm lắm, không rảnh để đấu láo với em đâu. 
  Cơ phất tay: 
  - Anh cứ làm việc của anh, tôi chỉ cần cái ghế mây đó. 
  - Vậy thì mời vào.  Nhưng xin nói trước tôi không đưa em về được đâu. 
  - Tôi sẽ về một mình.  Sao tối nay anh lắm điều thế?  Ở nhà sợ bị mắng, ở đây nghe anh nhằn.  Chết chắc sướng hơn. 
  Trung tủm tỉm cười.  Anh mở rộng cửa.  Việt Cơ đủng đỉnh bước vào và sà xuống chiếc ghế mây.  Mắt lim dim, chân đong đưa theo nhịp lắc, cô khoan khoái kêu lên: 
  - Khỏe vô cùng. 
  Trung khẽ lắc đầu.  Để mặc Cơ với chiếc ghế mây, anh đi tắm.  Tối nay, dù có thế nào Trung cũng phải hoàn thành kế hoạch phát triển của công ty trong ba tháng cuối năm.  Đây là một kế hoạch tương đối cụ thể và chi tiết mà Trung phải tham khảo ý kiến ông Vĩnh Hưng cùng nhiều người khác.  Anh không muốn xảy ra bất kỳ sơ xuất nào khi triển khai kế hoạch này tới nhân viên của công ty, vì anh là giám đốc mới của họ.  Anh cần tạo sự tự tin tưởng và thán phục ở họ.  Như vậy, anh có cầu toàn và háo thắng quá không? 
  Trung tránh câu trả lời, dù là trả lời với chính mình.  Pha hai phin cà phê, anh bưng ra để trên bàn làm việc một phin.  Còn một phin, anh mang lại cho Cơ.  Cô đang nghe nhạc từ cái radio cỗ lỗ sĩ của mẹ anh. 
  Thấy Trung, Cơ nói: 
  - Không ngờ radio cũng có chương trình nhạc hay như vậy. 
  - Nếu hay, cứ tiếp tục nghe.  Chừng nào về đóng cửa lại, chớ đừng làm phiền tôi đấy. 
  Cơ bĩu môi: 
  - Có mướn, tôi cũng không thèm.  Làm như mình quan trọng lắm không bằng. 
  Trung thản nhiên: 
  - Xì!  Nói mà không biết xấu hổ.  Biến đâu thì biến cho rồi. 
  Trung không thèm đôi co với con bé chanh chua ấy nữa.  Anh chui vào góc riêng của mình và tập trung cao độ cho công việc.  Trong kế hoạch của anh có một phần dính dấp với Vĩnh Phát.  Phát đã chia hợp đồng cho một số công ty khác để ăn hoa hồng.  Anh ta chỉ biết thủ lợi cho mình và làm công ty thất thoát vài trăm triệu lợi nhuận.  Lần này, Trung sẽ thay thế Phát bằng Bửu.  Ông Hưng đã chấp thuận đề nghị của anh.  Trung sẽ đụng phải sự bất mãn của Phát.  Nhưng điều đó không quan trọng.  Là giám đốc công ty, là người thừa kế hợp pháp của ông Vĩnh Hưng, anh có quyền làm sao cho công ty ngày càng đi lên, đời sống công nhân ngày một khác hơn, dù việc này ít nhiều đụng chạm tới một vài cá nhân nào đó. 
  Bửu cho anh biết Tiến là người thường xuyên ăn chia hợp đồng của công ty Vĩnh Hưng.  Đang thời điểm khủng hoảng kinh tế, tìm được một hợp đồng làm ăn với nước ngoài là cả một vấn đề, vậy mà Phát nỡ bán đi để kiếm lời.  Nếu không nghĩ anh ta có bà con với mình, Trung đã cho thôi việc rồi.  Giữ Phát lại, anh chẳng có lợi gì ngoài việc làm mẹ anh vui lòng.  Ôi, phụ nữ!  Lúc nào họ cũng nhẹ dạ và dễ mềm lòng trước tình cảm. 
  Bưng tách cà phê uống một lèo, Trung tiếp tục gõ phím.  Khi xong việc, anh nhìn đồng hồ và thấy đã hơn hai giờ.  Vươn vai đứng dậy, Trung định chui vào giường, nhưng vì đèn bên ngoài còn sáng nên anh bước ra định tắt. 
  Mới đi được mấy bước, Trung đã giật mình khi thấy Cơ nằm trên ghế bố ngủ ngon lành.  Cạnh đó, cái radio cổ lổ vẫn còn rột rẹt phát nhạc không lời. 
  Thôi chết rồi!  Con bé này hư thật.  Định lay Cơ dậy, Trung lại không đành, vì cô ngủ quá say.  Trong giấc ngủ, gương mặt đanh đá, lúc nào cũng kiếm chuyện với anh bỗng trở nên hiền lành, trong sáng đến mức làm tim anh nhói lên. 
  Cơ đúng là con bé con tưởng mình là người lớn.  Trái lại, Trung đã quá già cỗi, nhưng lại ép mình thành trẻ thơ để chơi trò cút bắt với Cơ. 
  Lấy cái mền, anh nhẹ nhàng đắp lên ngực cô.  Anh trìu mến vuốt những sợi tóc mềm phủ lên vầng trán bướng, rồi vội vàng rút tay về như sợ phạm tội. 
  Tự nhiên, Trung ngồi xuống kế bên Cơ và say đắm nhìn cô ngủ.  Giữa căn nhà trống chỉ có hai người trong đêm, còn chăng là mùi nguyệt quế thoảng theo cửa sổ bay vào làm không gian đẫm hương lãng mạn. 
  Ừ, đúng là lãng mạn và tình tứ nữa.  Giờ này, chắc gia đình Cơ và Tiến đang cuống cuồng đi tìm cô bé.  Còn anh lại giữ Cơ cho riêng mình.  Như vậy có quá đáng không nhỉ? 
  Chạm vào vai Cơ, anh lắc nhẹ và gọi nhỏ.  Cô hơi cựa mình rồi lại ngủ tiếp.  Đúng là ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng mở miệng chỉ toàn than buồn.  Người buồn đâu có ngủ ngon thế này? 
  Tựa đầu vào cạnh ghế mây, Trung quấn chiếc mền, nửa nằm nửa ngồi kế bên ghế.  Đầu suy nghĩ lung tung từ việc của công ty đến việc cô nàng xinh xắn đang ngủ như công chúa ngủ trong rừng.  Trung mỏi mệt thiếp đi lúc nào không hay. 
  Anh giật mình khi chiếc ghế mây đong đưa và giọng Cơ thảng thốt: 
  - Chết!  Mấy giờ rồi? 
  Đồng hồ quả lắc trên tường thong thả gõ năm tiếng như trả lời Cơ.  Cô vùng dậy, hốt hoảng: 
  - Sao anh không gọi tôi dậy? 
  Trung ngồi dưới đất, nói vọng lên: 
  - Khi phát hiện ra Cơ ngủ ở đây là đã gần ba giờ sáng rồi, còn gọi gì nữa mà gọi.  Thấy Cơ có một mình, tôi đành ra nằm đất để canh chừng. 
  Việt Cơ thiểu nảo gạt ngang: 
  - Bỏ nhà đi đêm.  Tội này lớn lắm, chắc chết tôi rồi. 
  Trung đứng lên: 
  - Tôi sẽ đưa em về ngay.  Vào rửa mặt đi. 
  Việt Cơ riu ríu nghe lời Trung.  Vào tới nhà bếp gọn gàng sạch bóng, Cơ vội vàng mở nước ra rửa mặt.  Trong gương là con bé ngái ngủ, tóc bờm xờm trông thật xấu.  Hừm!  Không những xấu mà còn hư và bê bối nữa.  Chắc Trung rất xem thường Cơ.  Mà trách ai đây khi chính Cơ tạo điều kiện cho người ta xem thường mình. 
  Quay lại với gương mặt ướt, Cơ thấy anh đang đứng chờ với cái khăn trắng và bàn chải đánh răng còn nguyên trong hộp. 
  Gượng gạo đỡ lấy, Cơ hỏi: 
  - Ở đâu mà sẵn thế? 
  - Ở trong tủ, bao giờ mẹ tôi cũng mua để dành.  Bà mua đủ thứ nên cái tủ biến thành cái kho dự trữ của bà. 
  - Bác gái lo xa và tỉ mỉ nhỉ? 
  Trung có vẻ tự hào: 
  - Mẹ tôi là mẫu người tuyệt vời nhất. 
  Cơ im lặng, lòng xốn xang, xấu hổ.  Rõ ràng dưới con mắt nhìn Trung, cô chẳng đáng gờ ram nào cả. 
  Chớp nhoáng làm vệ sinh, Cơ ra sân ngồi.  Hiếm khi nào cô rời giường vào sáng sớm như vầy.  Không khí lạnh, trong lành đẫm hương hoa làm cô thoáng bâng khuâng.  Nhưng nghĩ tới lát nữa về nhà, cô lại rầu rĩ ngồi co lại. 
  Trung dắt chiếc sáu bảy ra.  Thảy cho Cơ chiếc áo gió, anh hất hàm: 
  - Mặc vào đi, ngoài đường lạnh đó. 
  Việt Cơ lẳng lặng làm theo ý Trung.  Anh phóng xe thật nhanh.  Cơ rùng mình vì gió. 
  Giọng Trung vang lên: 
  - Đã nghĩ ra cách nói dối để chạy tội chưa? 
  - Chậc!  Tôi đang rối bù, anh đừng hỏi nữa. 
  Rồi cô ngập ngừng: 
  - Bắt đầu từ hôm nay, anh khỏi đưa đón tôi nữa. 
  Trung hơi bất ngờ: 
  - Sao vậy? 
  Việt Cơ thở hắt ra: 
  - Đủ chuốc phiền vào thân rồi.  Tôi không dám phiêu lưu nữa đâu. 
  Trung im lặng.  Một lát sau, Cơ mới nghe tiếng anh thoảng trong gió: 
  - Trò chơi nào cũng có lúc chấm dứt, huống hồ chi đây là trò chơi nguy hiểm.  Cơ không phiêu lưu nữa cũng đúng. 
  Hai người không nói với nhau thêm lời nào nữa.  Cơ mải lo tính toán để trả lời với ba mẹ.  Trung hụt hẫng trước một tương lai không có Cơ ngày hai buổi đi về.  Trung không ngờ mình lại xúc động khi nghe cô quyết định... thôi đưa đón đến thế. 
  Thật ra, khi nhận lời đưa đón Cơ, anh đã biết sẽ có ngày như hôm nay, vậy sao còn buồn chớ? 
  Tới cột điện quen thuộc, Trung dừng xe lại.  Việt Cơ hấp tấp nhảy xuống. 
  Cô nói nhỏ: 
  - Nhớ vái trời cho tôi đừng bị đòn nghen. 
  Trung gật đầu.  Anh nhìn theo cái dáng xí xọn của cô đang vội vã chạy về nhà rồi phóng xe đi, miệng lâm râm khấn vái. 
  Anh vái trời cho Việt Cơ đổi ý để mỗi ngày anh được làm tài xế cho cô.  Dẫu hiểu chẳng có thần thánh nào ủng hộ để lời khấn vái của anh ứng nghiệm, nhưng Trung vẫn hết sức... thành khẩn.  Biết đâu một buổi sáng đẹp trời nào đó, Trung lại được tiếp tục công việc này.  Cuộc đời mà, chuyện gì lại không xảy ra chớ. 
  Rít một hơi thuốc, Bửu lim dim mắt rồi nói: 
  - Theo điều tra riêng của tao, công ty Thanh Danh đang có nhiều lủng củng trong nội bộ.  Dạo này họ lại không tìm được hợp đồng nên sản xuất ngưng trệ, công nhân chỉ lãnh có bảy mươi phần trăm lương.  Điều nực cười là ông Danh không lấy đó làm sợ mà lại định thành lập một công ty nữa rồi giao cho con trai quản lý.
  Trung nhíu mày: 
  - Có chuyện lạ đời đó nữa à? 
  - Thì chính Văn, con trai giám đốc Danh nói với tao.  Hắn không chịu kế hoạch phiêu lưu này của ông bố.  Thế là hai cha con như nước với lửa, chẳng ai nhìn mặt ai. 
  Trung thắc mắc: 
  - Sao mày lại gọi đây là kế hoạch phiêu lưu? 
  Bửu bật cười: 
  - Đó là cách gọi lịch sự, chớ đúng ra phải gọi là kế hoạch lừa gạt.  Ông Danh mở tiếp công ty để huy động vốn, để vay tiền của ngân hàng, chớ đâu phải để sản xuất. 
  Trung kêu lên: 
  - Ông Danh dám giở ngón này à?  Trước sau gì cũng bị tù đó. 
  Nhún vai, Bửu mỉa mai: 
  - Có gan làm giàu.  Ông ta có quân sư Tiến vừa nịnh bợ vừa xúi giục, chuyện gì không dám làm.  Khổ nổi, ổng làm chuyện tầm bậy.  Văn bây giờ mới tội, mang tiếng con của giám đốc công ty mà phải xách bằng đi xin việc.  Mấy công ty khác vì ngại ông Danh nên đâu chịu nhận hắn ta vào làm.  Nhân tài phải chạy rong thật là tiếc. 
  Trung nheo mắt: 
  - Mày tiếc nhân tài, sao không kéo Văn về đây?  Công ty Vĩnh Hưng lúc nào cũng mở rộng để chiêu hiền đãi sĩ mà. 
  Bửu trầm ngâm: 
  - Theo tao, tốt nhất là Văn nên làm ở công ty Thanh Danh, tội vạ gì để cho Tiến thao túng.  Khổ là ông Danh lại không tin dùng Văn. 
  Trung đột ngột nói: 
  - Tao có cách giúp Văn, dù cách này mình bị thiệt thòi đôi chút. 
  Mắt Bửu ánh lên tia ranh mãnh: 
  - Nhường hợp đồng kèm theo điều kiện.  Mày tốt với Văn vì lý do gì nhỉ?  Vì con bé Cơ phải không? 
  Trung chống chế: 
  - Tao tội nghiệp công nhân của họ nên mới làm thế. 
  Bửu tủm tỉm: 
  - Chà!  Hào hiệp dữ.  Con bé Việt Cơ ắt phải mềm lòng trước tình huống này. 
  Trung càu nhàu: 
  - Với Cơ, tao chỉ là một gã tài xế xe ôm.  Con bé không biết tao làm giám đốc công ty Vĩnh Hưng.  Bởi vậy, tụi tao rất thoải mái khi đến với nhau. 
  Bửu trầm trồ: 
  - Chơi trò gì mà lãng mạn thế? 
  Trung bỗng cáu lên: 
  - Lãng mạn con... khỉ!  Tóm lại, mày giúp tao liên hệ với công ty Thanh Danh, phải làm sao cho Văn ngồi cái ghế Tiến đang ngồi. 
  Búng tay đánh tróc, Bửu hăng hái: 
  - OK.  Tao sẽ làm ngay. 
  Trung ngập ngừng: 
  - Không được nói tí gì về tao nghe. 
  - Khỏi lo, tao không quen dân xe ôm như mày nên có hay biết gì đâu để nói với Việt Cơ. 
  Bửu nháy mắt rồi đứng dậy: 
  - Tao về phòng của mình đây.  Ngày mai tao sẽ liên hệ với Văn nhằm thăm dò trước. 
  Trung hài lòng nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của Bửu.  Anh làm việc nhiệt tình, nhiều sáng tạo, khả năng bằng hai ba người.  Có Bửu, Trung như mọc thêm cánh, anh tin mình sẽ gánh nổi trọng trách ông Vĩnh Hưng đã giao. 
  Ngả người ra chiếc ghế bọc nệm, Trung lim dim mắt thư giãn.  Lòng anh xôn xao khi nghĩ tới Việt Cơ. 
  Suốt thời gian qua, anh không nhận được chút tin tức gì của cô.  Việt Cơ như biến mất khỏi đời anh, cũng như khỏi thế giới này.  Nhớ lại những chuyện đã xảy ra, lắm lúc Trung có cảm giác mình vừa trải qua một giấc mộng dài với nhiều tình tiết tuyệt đẹp.  Đẹp nhất vẫn là buổi tối Cơ ngủ lại nhà anh. 
  Giờ thì tàn mộng rồi.  Anh sẽ không đời nào được sống lại những phút giây lãng mạn như thế nữa.  Trung nhức nhối vì sự đánh mất này.  Đã nhiều lần nhấc ống nghe, anh định gọi cho Cơ rồi lại bỏ xuống.  Rõ ràng có cái gì đó ngượng ngùng khiến anh chùn tay.  Mà "cái gì đó" là cái gì?  Trung nghĩ không ra.  Có chăng là vì anh tự ái nên muốn chờ Việt Cơ gọi đến, chớ không hạ mình gọi đi.  Cô không cần tài xế nữa thì gọi điện thoại cho Trung làm chi.  Tại sao anh lại quên điều quan trọng đó để trông ngóng trong vô vọng? 
  Trung nhìn đồng hồ.  Còn nửa tiếng nữa là tới giờ Cơ tan học.  Trước kia, giờ này Trung đã lo đi rước cô.  Cái thói quen dễ yêu ấy không còn nữa.  Nghĩ cũng buồn. 
  Thói quen là do con người tạo nên, Trung ngại gọi điện thoại cho Cơ, nhưng anh vẫn có thể lặp lại thói quen này theo kiểu tình cờ đi ngang qua trường lúc... em tan học mà.  Đơn giản như vậy, sao lâu nay anh không nghĩ ra nhỉ? 
  Phấn khởi với sự thông minh đột xuất của mình, Trung vội nhảy xuống nhà để xe, phóng chiếc sáu bảy ra đường.