Chương 35 - 36

Tôi ngồi trong căn phòng của công ty, buổi diễn kết thúc cũng đã tám giờ rồi, tôi chui vào nhà vệ sinh hì hục cọ rửa những vết mực trên mặt, nhưng vì chất lượng mực quá tốt nên rửa đến mấy lần nước mà vẫn cứ thấy mặt bẩn bẩn thế nào ấy.
Tôi nghe thấy tiếng cười của Lâm Tiểu Hân, cô ấy nói: “Tiểu Cường, rửa như thế thì khó sạch lắm, lấy nước nóng rửa xem.”
Tôi quay lại nhìn Tiểu Hân, vết mực trên mặt tôi đã sạch đi phần nào nhưng vẫn còn hiện từng đường nét của cái đế giầy trên mặt. Tiểu Hân cười mà như không cười bảo tôi: “Qua phòng làm việc của tôi đi, bên đó có nước nóng.”
Lần đầu tiên tôi đến văn phòng của Tiểu Hân, một phòng đơn không rộng lắm, cô ấy lấy một chậu nước nóng, đưa cho tôi một cái khăn mặt trắng muốt, tôi hơi trù trừ, sợ làm bẩn mất cái khăn trắng.
“Mau rửa đi!” Cô ấy giục tôi.
Tôi vục đầu vào nước kì mấy dấu mực hằn trên mặt, cái khăn mặt trắng đúng là đã hơi ngả màu, tôi lấy làm ái ngại đưa trả cho Tiểu Hân, cô ấy nhận lấy rồi nói: “Sao cậu rửa chẳng cẩn thận gì cả, còn bao nhiêu chỗ chưa sạch kia kìa!”
Cô ấy lấy khăn lau giúp tôi những vết bẩn còn sót lại, tôi ngồi im trên ghế, có cái gì đó thật ấm áp đang dâng trào trong tận đáy lòng tôi, không nhớ đã bao lâu rồi tôi không xúc động thế này.
Tiểu Hân nhúng khăn vào chậu nước, vừa vò khăn vừa nói với tôi: “Lần này thì sạch rồi.”
Tôi nhẹ nhàng nói: “Chị Tiểu Hân, cảm ơn chị.”
Tiểu Hân cười, lại vẫn nụ cười quen thuộc ấm áp ấy.
Tôi không giấu nổi lòng mình nên đã kể với Tiểu Hân: “Tiểu Hân này, thật ra ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy chị, em đã thấy nụ cười của chị rất quen thuộc, sau đó em phát hiện ra nụ cười của chị rất giống nụ cười của mẹ em, chị đừng hiểu lầm, mẹ em tuy chỉ là một bà nông dân mù chữ nhưng mỗi khi bà cười trông rất đẹp.”
Tiểu Hân cũng cười, chị ấy nói với tôi: “Chị cũng thấy em rất gần gũi, nhưng vẫn chưa nghĩ ra là em giống ai.”
Chị hỏi tôi: “Em chưa ăn gì phải không? Chị cũng chưa ăn, chị gọi đồ rồi cùng ăn nhé.”
Tôi cười hỉ hả: “Vậy em sẽ đợi.”
Tiểu Hân lật cuốn danh bạ điện thoại, tìm số của bộ phận đặt đồ ăn của quán đồ ăn nhanh, chị tự hỏi: “Không biết muộn thế này rồi người ta còn đem đến cho mình nữa không.”
Tôi cười nói: “Chắc chắn là có.”
Chị ngạc nhiên nhìn tôi hỏi: “Sao em biết chắc chắn còn mang đến?”
Tôi cười và trả lời: “Vì người đưa đồ là người làm thuê, nhưng quyết định có đưa hay không là ở ông chủ, thế nên chắc chắn họ vẫn đưa.”
Tiểu Hân vừa gọi điện vừa nói: “Em phân tích rất có lí đấy!”
Tôi ngắm bức ảnh chụp chung để trên bàn, đó là bức ảnh rất thân mật của Tiểu Hân với một người đẹp trai.
Tôi hỏi: “Người này có phải bạn trai chị không, chị Tiểu Hân?”
Tiểu Hân mặt rạng ngời hạnh phúc đáp: “Ừ.”
Tôi cười tinh nghịch nói: “Đợi khi nào nhà chị làm lễ hắt nước thì nhớ gọi em đến giúp một tay nhé!”
Tiểu Hân bán tín bán nghi hỏi tôi: “Lễ hắt nước? Sao nhà chị phải làm lễ hắt nước?”
“Các cụ già ở thị trấn em thường nói con gái lấy chồng như nước đổ đi, nên…” Tôi cười tinh quái.
Chị ấy cười ngắt lời tôi: “Nói linh tinh.”
Tiểu Hân rút trong túi ra một trăm nhân dân tệ đưa cho tôi nói: “Đây là tiền bồi dưỡng buổi quảng cáo chiều nay.”
Tôi mừng lắm, cái phòng mẹ ở có mấy mảnh kính cửa sổ bị vỡ, giờ có thể thay mới rồi, nhưng tôi lại hơi nghi ngờ, không biết đó là tiền công ty bồi dưỡng hay tiền của chị ấy.
Tiểu Hân nhét tiền vào tay tôi, tôi nói: “Cảm ơn chị.”
Tiểu Hân đáp: “Đây là tiền của em mà, sao lại phải cảm ơn chị?”
Tôi cầm 100 tệ mang theo hơi ấm tình người. Xã hội này có rất nhiều người không nheo mắt khi mua cái áo khoác một hai chục nghìn nhân dân tệ, cũng có những người cần 100 tệ để làm biết bao nhiêu việc.
Chương 36
Tôi đã làm quen dần với công việc của mình, nỗ lực làm việc hơn bất cứ ai. Lúc này tôi cần một công việc ổn định hơn bao giờ hết, một công việc mà đến tháng được lĩnh lương, vì mẹ đang sống ở đây, một ngày nào đó chị Trần cho người khác thuê phòng, tôi còn phải giúp mẹ tìm phòng mới.
Tôi cười thân thiện với bất cứ ai nhìn tôi với ánh mắt ghen ghét, hết lần này đến lần khác, đến khi họ ngại không còn nhìn tôi bằng con mắt ghen ghét nữa.
Ngày nào tôi cũng tranh pha trà, rót nước, sắp xếp bàn làm việc cho giám đốc Giang và tổ trưởng Sa, hành đồn của tôi làm cho các đồng nghiệp khác không hài lòng vì họ cũng phải tỏ thái độ làm việc chăm chỉ nếu không muốn bị coi là quá kém cỏi.
Tôi đang đợi ngày lĩnh lương vì thời tiết ngày càng lạnh hơn rồi, tôi phải mua cho mẹ một chiếc chăn bông.
Buổi trưa tôi không ăn cơm ở công ty vì ở đó rất đắt, tôi về ăn cùng mẹ, Tứ Mao và Tiểu Thúy, như vậy có thể tiết kiệm được chút ít.
Công ty cách chỗ ở của tôi không xa lắm, ngày nào tôi cũng đi bộ về, ngày trước đi học trên thị trấn đường còn xa hơn bây giờ nhưng tôi cũng đi bộ suốt.
Hôm nay thời tiết thật tuyệt, đầu đông hiếm khi có được thời tiết thế này lắm, tôi đem tài liệu đi gửi cho một công ty khác, công việc cũng rất thuận lợi nên trốn về nhà sớm một chút, gần đến khúc rẽ, thấy chị Trần đang nói chuyện với một người đàn ông tôi bèn tiến lên nghe ngóng.
Tôi thấy người đàn ông kia nói: “Chị Trần, chỗ chị vẫn chưa có phòng trống à? Lần trước em hỏi chị bảo sắp có, sao bây giờ vẫn chưa có thế?”
Tôi bỗng thấy sợ, nếu chị Trần mà lấy lại phòng thì chỉ còn nước để mẹ quay về thị trấn, thật ra tôi rất muốn mẹ ở lại đây thêm một thời gian.
Chị Trần nói với người đàn ông kia: “Cậu đến hỏi bao nhiêu lần rồi? Chưa chán hả? Đã bảo hết phòng cho thuê từ lâu rồi mà lại.”
Tôi chợt hiểu tại sao giá phòng của chị Trần rẻ thế mà vẫn chưa có người đến thuê, hóa ra chị ấy từ chối người ta cho thuê.
Người đàn ông thất vọng bỏ đi.
Tôi đến phía sau chị Trần nói với chị: “Chị Trần, em cảm ơn chị.”
Chị ta quay lại, làm như không hiểu hỏi lại tôi: “Cảm ơn tôi cái gì?”
Tôi lặp lại: “Chị Trần, cảm ơn chị.”
Chị ta đanh mặt nói: “Chẳng qua tôi ghét cái thằng cha đó nên không muốn cho thuê, đợi khách tử tế đến là mẹ cậu phải đi đấy, cả cậu và Tứ Mao nếu không trả đủ tiền nhà thì cũng thế.”
Nếu hôm qua chị ấy nói thế thì tôi tin chứ hôm nay tôi đã hiểu chị ấy là người khẩu xà tâm phật, đợi khi tôi nhận lương, thế nào tôi cũng trả thêm tiền thuê nhà của tôi và mẹ, tôi chỉ là kẻ lừa đảo, nhưng không phải là kẻ ăn xin, tôi đã được nhiều người đối xử tốt rồi, không thể đòi hỏi thêm gì nữa.
Chị ấy nhìn tôi, giấu một nụ cười, ném một cái chìa khóa về phía tôi, chị ấy nói: “Trong nhà kho của tôi, vẫn còn một cái chăn không dùng đến, lát nữa lấy về cho mẹ cậu dùng tạm.”
Chị Trần quay lưng đi lên gác, tôi với theo: “Chị Trần, cảm ơn chị!”
Chị ấy chẳng quay lại, chỉ đáp lời tôi: “Làm gì mà ầm ỹ lên thế!”
Tôi ôm chăn chạy lên phòng mẹ, mẹ lại không có ở đó, thường thì giờ này mẹ đang ở đây nấu ăn rồi, tôi để chăn lên giường.
Ánh mặt trời chiếu qua cửa kính rọi vào căn phòng tôi ngắm khắp lượt, hóa ra không phải tất cả đều u ám.
Năm nọ, có một vị lãnh đạo huyện trình độ văn học uyên thâm đem những thể nghiệm sau bao năm công tác của mình viết thành một cuốn sách, đồng thời quảng cáo đến lãnh đạo các thị trấn trong huyện, các Chủ tịch thị trấn sau khi đọc xong cuốn sách hết sức ca ngợi, họ đều nói sách có giá trị khai thác cao thế sao không cho ra đời sớm hơn, đúng là sách cũng có chút giá trị gợi mở thật, các vị chủ tịch thị trấn trong lúc quá kích động lũ lượt đem khoản tiền trợ cấp thiên tai ra mua cuốn sách này.
Chủ tịch thị trấn tôi cũng may mắn tranh được mấy nghìn cuốn và đem phát cho mọi người trong buổi lễ trợ cấp thiên tai, đến người mù văn hóa như mẹ tôi cũng được phát cho một quyển. Không có tri thức thật là đáng sợ, mẹ tôi đã thốt lên những lời bực bội: “Cái thứ này có tác dụng gì chứ? Có ăn thay cơm được không?”. Bà không bao giờ hiểu được tầm quan trọng của món ăn tinh thần, kỳ thực lúc cơm không có mà ăn, ngồ lật quyển sách ra đọc cũng là cái thú tiêu khiển không tồi.
Tuy thế quyển sách vẫn được giữ lại, có lúc dùng để cắt ướm cái giầy, có lúc lại kê cái chân bàn cho nó cân.
Tôi vớ lấy quyển sách, cầm lật lật vài trang, giữa trang sách có vô tình kẹp một tấm ảnh, trên ảnh là mẹ hồi còn trẻ đang bế tôi trong đùm tã lót, nhưng bố lại đang dắt tay một đứa con gái khoảng hai ba tuổi.
Trong nhà còn vài bức ảnh chụp tôi với bố mẹ, đó là do chú Bảy hồi còn làm diễn viên đã ăn bớt được cuộn phim của công về chụp, nhưng từ trước đến nay tôi chưa nhìn thấy một bức ảnh nào khác có hình đứa con gái ấy.
Cô ấy là ai? Tại sao lại xuất hiện trong bức ảnh của gia đình mình?
Tôi quan sát kĩ bức ảnh, có lẽ chụp vào mùa hè, mọi người đều mặc ít quần áo, trên cổ đứa con gái có một cái bớt màu đỏ.