Phần V

Thư gửi người bạn Nhật chưa quen biết (°)
 
Bạn thân mến,
 
Hãy cho phép tôi gọi bạn như vậy dù chưa biết bạn là ai, nhưng bạn đang cầm trong tay cuốn “Già ơi… chào bạn!” của tôi thì đã là bạn của tôi, chúng ta đã là bạn của nhau, không kể tuổi tác, không kể dặm đường xa cách ngắn dài. Có một thày thuốc Nhật, bác sĩ Yashiro Yukio thì phải, đã nói: “Khi tuyết rơi, khi hoa nở, khi trăng lên, hơn bao giờ hết, ta nhớ đến bạn”. Chổ tôi không có tuyết nhưng trong sân nhà tôi hoa đang nở, trăng đang lên và tôi cũng đang nhớ đến bạn, muốn chia sẻ cùng bạn những cảm xúc, những suy nghĩ của tôi, mong bạn chấp nhận với một niềm vui.
 
Hãy cho phép tôi nói một chút về mình, về việc tại sao tôi có quyển sách nhỏ mà bạn đang cầm trong tay. Vâng, tôi mới 60 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ đối với một người 80 tuổi và đã quá già với một người 20 tuổi. Nhưng với tôi, tôi không biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ. Tôi là một thầy thuốc, một bác sĩ Nhi khoa, đã hành nghề trên 30 năm tại Sài Gòn. Tôi nhớ mình mới khám chữa bệnh cho một chú bé sơ sinh thì chẳng bao lâu đã thấy chú bé đó mang trên tay một chú bé sơ sinh khác là con của chú để nhờ tôi khám chữa bệnh. Thời gian trôi qua lúc nào đó vậy? Ngoài việc khám chữa bệnh, tôi còn làm các chương trình “Săn sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em”, “Giáo dục sức khoẻ phòng chống AIDS, thuốc lá”, dạy học, viết báo… Tôi làm việc như điên, cả ngày lẫn đêm, quên cả bản thân mình, quên cả thời gian, và mọi thứ cứ trôi lăn đi như thế cho đến một hôm người ta phải đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Người ta cạo trọc đầu tôi, đục hai lỗ ở sọ để đặt ống dẫn lưu. Tỉnh dậy, tôi nghĩ thế là xong! Đột nhiên tôi nghe tiếng chim hót trên cành cây ngoài cửa sổ, ánh sáng ban mai chiếu rọi trên giường bệnh tôi nằm. Tiếng chim, ánh nắng, trời ơi, như đã từ lâu tôi không hề biết có nó. Một cảm xúc dâng trào trong tôi. Tôi thấy mình thở. Tôi thấy những người thân và bạn bè vây quanh, người nào cũng không giống như trước kia như tôi đã từng thấy. Rồi tôi đứng lên được, đi lại được với những bước chập chững. Tôi lại đi được vào toilet, lại đứng được như mọi người. Nỗi hạnh phúc kỳ lạ ùa vào tôi. Tôi nói với bạn bè tôi rằng: “Còn đứng được trong toilet là một hạnh phúc lớn… Hãy sống trong giây phút hiện tại tràn đầy hạnh phúc đó đi. Các bạn đang rất hạnh phúc mà không biết. Đừng đợi như tôi. Hãy yêu cuộc sống quanh ta và yêu ta nữa. Hãy biết ơn mình.”
 
Trong những ngày nằm dưỡng bệnh, tôi đã viết: “Già ơi… chào bạn!” để tự chữa bệnh mình, cho nên trong lời nói đầu, tôi nói là để tặng… mình, một người bước vào tuổi 60, hãy còn quá trẻ và cũng đã quá già. Không ngờ sách được bạn đọc Việt Nam hoan nghênh, và đã tái bản trong thời gian ngắn.
 
Người Việt Nam có câu: “Có duyên thì ngàn dặm vẫn có thể gặp nhau thường”  (Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ) cho nên phải nói rằng cuốn sách của tôi có duyên may được gặp anh Kazuo Minagawa, một người bạn chưa từng quen biết đọc và cảm thấy thích thú, muốn dịch sang tiếng Nhật để chia sẻ những cảm xúc, suy nghỉ của tác giả với những người bạn Nhật. Kazuo Minagawa là một người đã từng sống nhiều năm ở Việt Nam, rành tiếng Việt, đã có hai tác phẩm viết về Việt Nam, có thể nói anh thấm nhuần cả hai nền văn hoá Nhật – Việt, vốn không hề xa lạ vì cùng chung một nền tảng văn hoá Á Đông. Anh làm việc rất nghiêm túc. Trong quá trình dịch thuật, anh thường xuyên liên lạc, trao đổi với tôi, cho nên tôi chắc rằng bản dịch của anh đã toát được cái “hồn” của tác phẩm. May mắn hơn nữa, tôi lại được Nhà xuất bản SHOSHISHA đồng ý ấn hành tác phẩm này tại Nhật và sẽ phát hành vào mùa Xuân mới.
 
Tôi chưa từng đến Nhật, nhưng nước Nhật không xa lạ với tôi. Tôi yêu hoa anh đào, yêu núi Phú Sĩ, yêu Kawabata Yasunari [1] nhất là Haiku… [2] Nhà tôi có một phòng nhỏ trang trí theo kiểu Nhật, ở đó tôi nghe tiếng chim hót, nghe nhạc, viết, vẽ, làm thơ… và nhớ đến các bạn, như Yashiro Yukio đã nhớ khi hoa nở, khi trăng lên…
Thân mến.
------------
(°) Viết cho bản dịch sang tiếng Nhật, cuốn “Già ơi… Chào bạn!”
 
[1] Yasunari Kawabata là nhà văn Nhật Bản (1899-1972), đoạt giải Nobel Văn chương năm 1968. Tác phẩm chính: Xứ tuyết, Tiếng rền của núi, Ngàn cánh hạc, Người đẹp say ngủ... cùng nhiều truyện ngắn và các "Truyện ngắn trong lòng bàn tay" (Theo evan.com.vn)
 
 [2] Haiku (Bài cú) là loại thơ độc đáo của Nhật Bản, phát triển mạnh vào thời kì Edo (1603 - 1867) khi đã dần mất đi sắc thái trào phúng mà mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền tông, có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới bởi mỗi bài Haiku thường chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu 5 + 7 + 5 (17 âm tiết tiếng Nhật có khi chỉ vài ba từ ít ỏi, 3 câu trong cú pháp haiku cũng thường được viết thành một dòng).
Chẳng hạn bài thơ nổi tiếng sau đây của Matsuo Bashō có cú pháp 5 + 7 + 5 âm tiết:
 
Furuikeya (Phư-rư-i-kê-ia)
Kawazu tobikomu (Ka-oa-dư-tô-bi-kô-mu)
Mizu no oto (Mi-dư-nô-ô-tô)
 
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.
 
Thơ Haiku không có luật vần, nhưng tiết tấu và âm điệu của bài vẫn cho phép ngâm nga như một bài ca. (Theo Wikipedia tiếng Việt)
 
Xin cám ơn, cám ơn
 
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Như cỏ cây trước cơn bão dữ
Như con thuyền tung hê lên vách núi cao
 
Cho ta trở về làm con thú hoang sơ
Trần truồng như nhộng
Kẻ cạo đầu người lột da
Kẻ đục sọ người giúp thở
 
Kẻ đặt ống sonde vào đường tiểu
Người bơm thuốc qua dịch truyền
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Không lý trí không nghĩ suy không toan tính.
 
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo như cơn bão dữ
Bản tin thời tiết chưa kịp loan truyền
Quất qua đời ta cây cỏ
Để khi tỉnh dậy ta nhìn ra em
Nhớ tiếng người này nhìn ra người nọ
Gọi tên người này nhớ mặt người kia
Như đã qua một kiếp khác
Bao năm xa vắng quê nhà!
 
Nhớ bước chân trâu nhớ giàn bông bí
Nhớ cây khế ngọt nhớ trái dừa xanh
Nhớ tiếng mẹ già nhớ đàn con trẻ,
Nhớ người hàng xóm lâu nay còn lạ
Nhớ những người thương nhớ luôn người ghét
Thấy ai cũng tôi nghiệp
Như ta
Đã bao lâu ta không sống với mình
Ta có ta mà ta quên phứt.
 
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta kịp lúc
Cho ta trở lại với mình
Ta muốn ôm hôn tất cả mọi người
Và ôm hôn ta nữa
Cái đầu trọc lóc bình vôi
Hai lỗ thủng và 18 vết khâu từ ái
Ta ngạc nhiên lắng nghe mình thở
Lắng nghe sự sống cục cựa trong mình.
 
Xin cám ơn, cám ơn
Những cơn đau vật vã toát mồ hôi
Những nhức buốt thiệt thà thú vật
Khi đứng được hai chân như con người
Thật vô cùng hạnh phúc
Khi bước đi những bước con người
Khi còn được nghe được nói
Được cầm cây viết vẽ bâng quơ
Được đọc vài trang báo
Ôi phép lạ nhiệm mầu!
 
Những hòn sỏi bỗng có linh hồn
Những lá cây đong đưa lạ lẫm
Tiếng chim và ánh nắng
Như đã từ lâu rồi ta mới gặp nhau
Như đã từ lâu rồi ta mới quen nhau...
 
Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Tràn đầy hạnh phúc
Để ta biết chắc một điều có thực
Tình yêu
Đã giúp ta tìm lại chính mình
Đã giúp ta vượt thoát!
 
Đỗ Hồng Ngọc
 
(Bệnh viện AB 12/1997)
HẾT -

Xem Tiếp: ----