Phần IV

Sau những cơn mưa ngắn, trời nắng. Mây trong suốt, màu lam thẫm khiến ta phải nhớ lại câu thơ của Josep: “Mẹ khuấy lơ xanh giữa sắc trời...”. Các vòm lá được rửa sạch lấp lánh như vàng diệp giữa ban ngày. Thi thoảng, một bông phượng nở quá sớm, chấm phá không trung nụ hôn đỏ chót. Nhạc sỹ Trần Phương mê mải ngắm cây cỏ.
Buổi sáng, ông thích tới đây, ngắm mảnh vườn xinh xắn trên cái sân hình bát giác và nghe rặng trúc vàng rì rào trong gió. Ở đây, ông gặp những nhạc sỹ mới vào nghề hồi hộp cầm tới những ca khúc đầu tay. Những nữ ca sỹ xinh tươi sống áo rực rỡ sà xuống như bầy chim mùa lúa chín. Họ ngưỡng mộ tài năng của ông. Họ yêu ông vì vóc dáng đường bệ, vì đôi mắt vừa đắm đuối, vừa lạnh lẽo, vì gương mặt vừa kiêu sa, vừa u uất đắng cay. Nhiều khi, chính Trần Phương cũng ngạc nhiên. Ông không hiểu vì sao mình đã chinh phục đàn bà dễ dàng đến như vậy?...
Giờ, ông ngả lưng trên ghế đá, ngắm nghía cảnh trời. Cô thư ký Hội đi tới:
- Thưa anh, Hội nhạc sỹ Liên Xô gửi công văn mời anh sang dự Hội nghị âm nhạc Phương Đông.
Trần Phương định cầm phong bì, nhưng ông lại thọc tay vào túi áo, lơ đãng trả lời:
- Cảm ơn. Nhưng cô nói với các anh trong Hội là tôi đang mệt. Cử ai đi cũng được.
- Thưa anh, công văn mời đích danh. Cô thư ký đáp.
- Thế à?...
Trần Phương hỏi với nụ cười nửa miệng. Rồi ông hờ hững cầm chiếc phong bì, bỏ vào túi. Một tốp nhạc sỹ trẻ vừa đi qua sân, cúi đầu kính cẩn chào ông. Đối với họ, ông là một trái núi. Đối với ông, họ là một lũ người đáng thương hại.
Tốp nhạc sĩ trẻ vừa lên, người lái xe đã đi xuống. Anh ta nổ máy, chờ đợi. Một người đàn ông lạ mặt, có lẽ là khách từ phía Nam ra, bước lên xe. Cánh cửa sập lại và chiếc xe bon ra cổng. Trần Phương ngồi lặng hồi lâu. Đầu óc ông hoàn toàn trống rỗng. Chiếc xe đó xưa kia đã từng đưa đón ông. Và gã lái xe đã từng nổ máy, mở sẵn cánh cửa chờ.
“Phù du”
Nhạc sĩ tự bảo mình. Nhưng lòng ông đau nhói. Vết thương chưa kịp kín miệng. Nhạc sĩ đứng lên, đi đi lại lại để xua đuổi cơn ám ảnh. Ông đếm lại những bước đi học theo chiều dài của khoảng sân phụ và lắng nghe tiếng dương cầm từ hội trường tầng hai đổ xuống. Đột nhiên, ông thấy bóng một người con gái lướt qua cổng ngôi nhà. Tim ông đạp lồng lên. Ông phải cố gắng để khỏi chạy ra đường. Ông nhận ra người đã làm ông sững sờ ngay giây phút đầu tiên, trong quán cà phê mịt mù khói thuốc. Ông đứng lại, nhìn qua bức tường rào để xác định hướng đi của cô rồi trở lại nhà chứa xa, lấy chiếc xe Honda 50 của mình, phóng ra cổng.
Phương Linh dắt xe, thong thả đi học theo hè phố. Xe cô vừa bị xẹp lốp vì găm phải chiếc đinh; Cô đưa xe tới nhà một người quen nhờ vá. Đang đi, chợt Linh cảm thấy có ai đó đang nhìn từ phía sau lưng. Cô quay lại:
- A a a...
Người đàn bà bất giác buông tiếng kêu ngạc nhiên. Đáp lại lời cô là một nụ cười trìu mến:
- Chào cô bé tốt bụng... Tôi vẫn nhớ cô từ hôm ở quán cà phê. Khi tôi chịu ơn ai, tôi nhớ người ấy mãi.
Mặt Linh cứng đờ, phải vài giây sau, cô mới trở lại bình tĩnh:
- Chào chú, chú đi đâu ạ?
- Tôi tới cơ quan có chút việc. Xe cô hỏng lốp à?
- Vâng.
- Xe tôi cũng bị mất lửa. Tiện đường, cùng đi với cô.
Trần Phương nói nhẹ nhàng, giản dị. Giọng ông ấm. Và đôi mắt ông thật đẹp. Linh chưa gặp người đàn ông nào có đôi mắt đẹp như thế.
- Cô có mỏi không?
- Dạ, không.
- Sắp tới cửa hàng chữa xe rồi chứ?
- Vâng.
- Hôm nay trời dễ chịu thật. Nhưng chỉ vài tuần nữa là sẽ nóng gay gắt.
- Vâng.
- Hà nội chật hẹp quá, đúng là một thành phố thực dân cổ lỗ. Không biết đến bao giờ nó mới có thể trở thành thành phố văn minh theo tiêu chuẩn của thế kỉ hai mươi?... Cô Linh sinh ở đâu nhỉ?
- Dạ, ở nhà thương Hàng Gà.
- Một cô bé Hà Nội chính cống. Cô đã ra nước ngoài lần nào chưa?
- Chưa ạ, mà có lẽ cũng chẳng bao giờ.
Trần Phương lắc đầu, họ đã tới cửa hàng chữa xe Linh quen.
- Cô bé cho xe vào đây chứ?
- Thưa… vâng… chú…
Tự dưng, Linh bỗng ngượng ngùng khi gọi Trần Phương là chú. Nhất là khi bà giáo Phượng không có ở đây và giữa hai người chưa có mối liên quan nào được xác định. Nhạc sĩ nhìn cô, nheo mắt cười:
- Thôi đi cô bé. Đừng xưng hô như thế nữa. Em cũng đã khá lớn và tập làm người trưởng thành vài ba năm rồi, phải không? Hai má Linh nóng bừng, môi máy động. Cô chìm vào cảm giác ngây ngất như lần đầu tiên trong đời, mẹ cho cô ăn rượu nếp.
Họ vào quán cà phê gần đó.
Trần Phương lấy ghế cho Linh ngồi, giúp cô treo túi lên tường rồi bảo bà chủ quán.
- Bà có thể cho tôi nghe vài đĩa nhạc chứ.
Bà chủ gật đầu:
- Dạ, tôi sẽ bảo cháu ngay.
Trần Phương ngồi xuống bên Linh
- Em thích nghe gì?
- Em không biết. Tuỳ… ông…
Cô đáp lời, thành thực và có đôi chút ngượng ngùng.
- Bà cho tôi bản Chèo thuyền của Menđensen… Ở đây yên tĩnh, mình nghe bản nhạc đó là thích hợp nhất.
Ông đứng lên, bước những bước dài khoát hoạt với dáng điệu một lãnh chúa bước trên vùng đất của mình.
- Em yêu âm nhạc chứ?
- Vâng.
- Âm nhạc khiến loài người trong sạch hơn và lương thiện hơn. Từ xưa, nhifu triều đại đã dùng lễ trị và nhạc trị. Đó là cách thức điều khiển con người êm dịu nhất. Em đã xem lễ giáng sinh ở nhà thờ chưa?
- Cũng có một lần… Nhưng hồi đó, vì nhỏ quá nên em không còn nhớ nữa.
- Tiếc thật…
Trần Phương nheo măt lại. Giữa hai làn mi, dâng lên ngọn thuỷ triều tối sẫm. Linh im lặng nhìn ông.
Trong các giá trị tinh thần loài người đã tạo ra, âm nhạc là một giá trị đáng kể. Nó phổ biến và có tinh nhân loại sâu xa. Chính vì thế mà tôi đã chọn…
Linh biết những bức tranh của Trần Phương rất nổi tiếng, chúng được in đi in lại ở các nước Á châu. Ngân hàng nhà nước đã đề nghị xây cho ông một biệt thự bằng số ngoại tệ thu được nhờ tác phẩm của ông.
- Em uống càphê đi chứ.
Trần Phương đẩy tách càphê về phía Linh, tay ông chạm vào tay cô và trong tích tắc niềm giao cảm báo cho cả hai người biết rằng họ đã thuộc về nhau, người đàn bà cúi xuống. Nhạc sĩ chăm chú nhìn cô. Gương mặt tươi mát quá. Một làn da rực rỡ không son phấn. Đôi mắt nâu mở rộng với những tia nhìn trong như nước mùa thu. Sau đôi mắt ấy là một tâm hồn thơ trẻ. Cô chưa hề có vũ khí tuỳ thân… Trần Phương kiểm lại những người đàn bà sà vào tay ông. Các màu áo sặc sỡ của họ, những thứ son phấn họ trát lên mặt và mùi nước hoa hút đàn ông như nam châm hút sắt. Những điệu bộ họ diễn trước ông: Nhún vai, nghiêng đầu giả bộ kiêu sa hay ngây thơ nhí nhảnh. Đột nhiên, cả mớ thức ăn đã tiêu hoá đó khiến ông muốn buồn nôn. Đã bao nhiêu năm nay, ông mới gặp một người đàn bà lành mạnh như cô giáo trẻ này:
- Em chính là âm nhạc.
- Ông nói gì cơ ạ?
- Em có tâm hồn âm nhạc. Em lại là một cô giáo. Cả hai điều đó đều vô giá.
- Ông… quá khen…
Linh cố thốt ra vài tiếng rời rạc.
Trần Phương đứng dậy, tìm phích nước sôi pha thêm. Linh thấy bộ râu quai nón xanh biếc bao quanh hàm nhạc sỹ. Nó khiến gương mặt ông càng đẹp hơn.
- Em xem đã vừa độ ngọt chưa?
- Dạ, cảm ơn… anh…
Những âm thanh trầm bổng như du đẩy mạn thuyền, tiếng rì rào bất tận của sông nước, và vầng trăng soi trên cánh buồm phiêu bạt…
Trần Phương ngồi xuống bên cô, khuỷu tay tì trên mặt bàn: - Em có thể ngồi thêm một lát với tôi?
- Vâng.
- Hôm nay, thật là một ngày thần tiên.
- Em tưởng rằng một người được ngưỡng mộ như anh…
- Tôi là một kẻ cô đơn.
- Cô em nói rằng, một người danh tiếng như anh, lúc nào cũng…
- Con người có nhiều nỗi cô đơn. Nhưng nỗi cô đơn ghê rợn nhất là cô đơn giữa đồng loại của mình…
Nhạc sĩ gục đầu vào bàn tay, mảng tóc đen xổ xuống trán. Giây lát, những nếp nhăn hiện trên gò má và ánh mắt ánh lên nỗi buồn. Linh thấy lòng đau nhói. Cô biết ông đang nghĩ tới những thua thiệt. Gương mặt của kẻ bị đoạ đầy. Một tình thương gần giống tình mẫu tử khiến người đàn bà dậy lên ước muốn điên cuồng: ôm ấp, vỗ về và che chở cho ông.
- Bao giờ anh lại được gặp em?
Trần Phương khẽ hỏi.
- Em không biết… tuỳ anh.
- Ba giờ chiều mai nhé, và tại đây?
- Vâng.
Nắng đã liếm hết hàng gạch đầu tiên của phòng trà. Linh hối hả đạp xe về. Nhạc sĩ đứng nhìn theo cô cho tới lúc co khuất sau ngã rẽ. Ông chợt thấy không gian trống vắng.
- Ba giờ chiều mai…
Đã lâu lắm ông mới bồn chồn vì một cuộc hẹn. Nỗi bồn chồn chỉ có ở những chàng trai hai mươi… Co bé trời cho ta. Thật lạ lùng. Cặp mắt nâu mở trước ông cả một khoảng trời ngập tràn ánh nắng...
°
- A, Anh Phương, anh Phương… Tìm anh hết cả hơi.
Trần Phương đang đi, chợt nghe cô Ngọc Minh oang oang gọi. Phố đông, người qua lại tò mò đưa mắt nhìn. Trần Phương ngượng tím mặt lại. Thấy người đàn bà sặc sỡ như con vẹt trước mặt mình, ông những muốn quay đi. Nhưng rồi ông sực nhớ rằng cô là kẻ ham mộ tài năng của ông nồng nhiệt nhấ. Cô đấu tranh cho ông ở tất cả mọi nơi, kêu gọi sự ủng hộ của tất cả mọi người, chạy chọt thuyết phục cáp trên trả lại cho ông cương vị cũ. Giống như một con hổ cái, cô lên mọi diễn đnf, và những bài báo choang choang của cô khiến những ai nhút nhát phải sởn gai ốc…
- Khiếp, tìm anh ở tất cả các xó xỉnh đều không thấy. Đưa ngay cho em tấm ảnh của anh năm mười tuổi.
- Sáng mai nhé?
- Không, ngay bây giờ.
- Thế thì phải đến nhà tôi.
- Xong ngay thôi, nếu vợ anh không giở trò ghen tuông.
Ngọc Minh cũng đi Honda 50, nói xong cô phóng vọt lên phía trướ. Những tấm dây sặc sỡ đính trên hai vai áo bay phấp phới khiến cô giống như một diễn viên trong trang phục múa Rôngchiêng. “May mà cô ta không đi sóng vai với mình ngượng ê mặt”. Trần Phương thầm nghĩ. Khi ông dắt xe qua cổng, Ngọc Minh đã đứng dưới chân cầu thang, chờ.
- Cô hiểu cho tôi nhé, bà ấy đang ở nhà…
Nhạc sĩ nhăn nhó bảo cô phóng viên rồi trèo lên cầu thang. Vợ chồng ông ở cả ba căn phòng trên tầng hai biệt thự này. Cây cầu thang gỗ, xoáy hình trôn ốc, đã lúc lay mà Sở nhà đất thành phố chưa chịu cho người đến chữa. Khoảng mười lăm phút sau, Trần Phương cầm tấm ảnh xuống:
- Cô tha lỗi cho tôi, tấm ảnh này kẹp giữa những bản nhạc viết cách đây hai chục năm nên tôi phải mày mò mãi.
- Anh sợ đến mức không dám mời em lên uống một tách trà sao?
Nhạc sĩ không trả lời, mặt ông nhăn lại.
- Đùa anh một chút thôi…
Cô phóng viên nói rồi ngửa mặt lên cười sằng sặc. Hết tràng cười ngạo nghễ, cô nhảy lên xe phóng đi.
Trần Phương nhìn làn khói phút từ ống xả và những dây vải sặc sỡ trên vai cô phóng viên, bỗng dưng buồn nẫu ruột. Ông ngần ngại nhìn cầu thang rồi đứng yên. Có gì chờ đợi ông tren đó? Một người đàn bà mà ông đã chán ghét hai mươi năm nay… Nhạc sĩ đặt tay lền thành tựa cây cầu thang cũ kĩ. Đó là thứ kiến trúc dành cho những bà chúa mặc áo nhiễu màu lam và những ông hoàng búi tó. Các bậc thang bằng gỗ phiến mỏng, đen bóng như sừng. Thanh vịn chỉ lớn hơn cây đòn gánh chút ít, cong xoắn lại. Giá gỗ đỡ chân thang hình trụ, lì như đá chưa hề có một vết nứt. Các bộ phận cấu thành cây cầu thang đều nguyên vẹn nhưng mối liên kết giữa chúng đã rã rời. Nó xui ông nhớ tới một cái gì đó đã tàn tạ, trong quá vãng nhưng còn lay lắt tồn tại tới bây giờ. Không ai qua lại và thấy gương mặt thẫn thờ của nhạc sĩ lúc đó. Gió nhè nhẹ hút vào khoảng trống, mùi bụ ở các góc tường thiếu nắng lan trong không khí đánh thức những cảnh tượng một gánh hát rong trong trí nhớ người đàn ông. Hồi nhỏ, ông mê xem cải lương như một kẻ hiếu sắc mê gái đẹp. Các đoàn cải lương thỉnh thoảng lại tạt qua cái tỉnh lị quê ông, trên một cô xe ngựa cọc cạch hoặc dăm chiếc xe tay. Chừng ba giờ chiều mấy cô đào trẻ và xinh nhất gánh tô son trát phấn ngồi trên xe tay diễu quanh thị trấn. Sau họ, một chiếc xe khác chở biển quảng cáo:
Xin chú ý đón coi:
Đoàn cải lương Lệ Thanh đêm nay trình diễn vở Hận tình không trả.
Tấm bảng lớn vẽ hình trái tim bị lưỡi gươm xuyên qua. Núp sau tâm bảng đó, một gã kép gày gõ thu mình như con mèo ốm, tay gõ trống liên tục: Tùng tùng tùng… Dân tỉnh lỵ từ sau các bức mành xô ra nhìn. Lũ trẻ con cuống cuồng chạy theo, vừa hò reo, vừa đánh trống miệng. Trong đám trẻ con ấy, bao giờ cũng có ông. Bố mẹ Trần Phương có cửa hiệu làm bánh ngọt, thuộc loại khá giả trong tỉnh, không bao giờ cho cậu con trai đích tôn thừa tự đi xem hát hoặc đi câu: những trò họ coi là nhảm nhí. Nhưng Trần Phương nhờ ơn huệ của bà nội. Bà to lớn, xồ xề, trông dữ tướng nhưng chiều cháu rất mực. Nhờ cái túi tiền căng phồng già kim băng của bà mà cậu bé Phương được hưởng mọi niềm vui thú. Chiều dó, cậu xin tiền bà ăn phở rồi lẻn tới rạp hát. Giưa các dãy ghế lở sơn, khấp khểnh, cậu ngồi thui lủi nhnf bầu đoàn thê tử gánh hát rong. Khi không to son trát phấn, không đeo hạt thuỷ tinh hay kim sa, kim tuyến, họ chỉ là một đám người vàng vọt, héo úa. Da dẻ họ nhăn nhúm, áo quần họ nhàu nát. Họ ngồi ăn quanh một cái kệ gỗ thay mâm. Mấy miếng đậu kho hành với đĩa rau muống luộc. Vài cô đào chửa bụng phưỡn ra dưới vạt áo cánh. Anh kép đánh trống ban chiều mặc quần đùi để lộ hai ống chân khẳng kheo. Cái rạp hát rẻ tiền bốc lên mùi khai của nhà về sinh phía sau và mùi cột trầu khô của đám dân buôn nhổ xuống góc tường. Chú bé Phương đã ngắm nhìn khong chán mắt, với nỗi tò mò kinh sợ, vẻ tàn tạ, túng quẫn của kiếp sống lang bạt… Nhưng vài giờ sau, khi đêm xuống và những ngọn đèn được thắp lên rọi sáng sân khấu. Đám người hẹn mọn quanh đĩa rau muống luộc và đậu kho hành kia biến mất. Dưới ánh sáng trắng loà, hiện lên các hoàng tử mắt như sao, các tráng sĩ oai vệ, các nàng công chúa kiều diễm. Đời sống như những nàng tiên cá nhô lên, trên ghềnh đá của đại dương thần bí và rực rỡ. Ông, chú bé lên sáu tuổi, bị lôi cuốn bởi phép màu nhiệm ấy. Ông nín thở khi họ giờ lên cây kiếm gỗ quét nhũ hoặc cái đầu lâu gỗ lăn công cốc dưới sàn. Ông mở tưởng những nữ vương má hồng, mắt đen, xiêm y lộng lẫy. Ấn tượng vè kiếp sống bờ bụi của gánh hát rong và mảnh đời chói lọi của họ dưới ánh đèn đã nhiễm vào máu ông, cái giả và cái thật trộn vào nhau, không có ranh giới mà chỉ có những điểm dừng chuyển tiếp. Nó chế ngự ông như quy luật của đất trời ngàn xưa chế ngự muông thú, cỏ cây. Kể từ năm mười sau tuổi, cho tới bây giờ Trần Phương khong hề ý thức rằng liều độc dược kia đã điều khiển ông như một Thái hậu quyền uy điều khiển quốc gia sau tấm màn… Giờ đây, khi cô phóng viên đã đi khuất, đứng lặng trong bóng tối ẩm và lạnh cảu cầu thang ông mới cảm thấy mệt mỏi, chán chường như anh hát chỉ ăn rau muống và đậu kho hành mà phải múa kiếm ba màn liền trên sân khấu.
- Thật ngán ngẩm. Lẽ ra mình nên lờ cô ta từ ngoài phố…
Nhạc sĩ lẩm bẩm, nặng nhọc trèo lên từng bậc thang. Ông thèm ngủ. Vừa mở cửa, ông đã cởi áo ngaòi, ném lên ghế rồi tới giường nằm:
- Anh Phương, xem cho em kiểu áo này có hợp không?
Bà Hoa, vợ ông gọi ông phía sau tấm màn che gió. Bà mới may một chiếc sơmi mới bằng xoa cát màu hồng để dự buổi lễ tân.
- Kiểu ấy hợp với em lắm.
Trần Phương đáp, mắt vẫn nhắm nghiền.
- Anh có nhìn đâu mà biết hợp? Sao anh thiếu lịch sự đến thế nhỉ?
Bà cao giọng trách móc. Nhạc sĩ nghe vợ xô ghế ầm ầm. Cơn điên tức trào lên khiến ông muốn giáng cho vợ một cái tát. Nhưng ông lại năn nỉ:
- Anh đã nhìn trước rồi mà. Cho anh nghỉ một lúc.
- Anh vô tình lắm, chẳng bao giờ anh thèm để ý tới em.
Bà Hoa tấm tức:
- Với những người chồng yêu vợ, một tấm áo mới là niềm vui chung.
- Biết rồi, biết rồi, khổ lắm…
- Em là một người đàn bà bất hạnh.
Bà Hoa ngồi xuống ghế, nước mắt chảy ra và bà bắt đầu kể lể:
- Em đã tin cậy anh, em đã nhầm lẫn. Trước kia thiếu gì người tài giỏi, đẹp đẽ yêu thương…
Trần Phương nhắm mắt. Lạy trời, cái điệp khúc quen thuộc hai mươi năm nay lại bắt đầu. Hơn hai mươi năm trước, ông đã gặp bà tại một quán giải khát vùng tự do. Lúc đó đội văn nghệ lên tiền duyên phục vụ bộ đội. Ông sốt, phải nằm lại cửa rừng, chăn quấn tới cằm, khuôn mặt võ vàng hốc hác. Bà chủ quán đem cho ông bát cơm nóng với măng xào ớt. Ăn xong, ông uống vài viên ký ninh rồi tựa lưng vào vách nứa, nhìn mưa rơi. Những cơn mưa rừng dầm dề quất lên cây lá một âm điệu buồn tẻ. Gió ràn rạt lùa các hẻm núi và thi thoảng, tiếng nai lạc lõng vọng qua màn nước vang tới. Trần Phương chưa bao giờ rơi vào cảnh sống nhàm chán ấy. Chính lúc đó, ông đã gặp bà. Một khuôn mặt bèn bẹt, ửng đỏ. Sống mũi gẫy và mái tóc ngắn cũn. Dù đang tuổi thanh xuân, cái tuổi bất cứ người con gái nào cũng trở nên đáng yêu, bà vẫn không gợi cho ông được mảy may cảm xúc về cái đẹp. Nhưng bù lại, bà có một ngôi nhà ấm áp ngay cạnh quán càphê. Mẹ bà tần tảo nuôi gà, trồng rau, buôn bán hàng xén để bán cho dân phố cửa rừng và đám chiến sỹ qua lại. Hai mẹ con bà đón ông sang, chăm bẵm như chăm bẵm một đứa trẻ và quý báu như quý báu một ông hoàng. Ông, con người quen được nuông chiều mắc vào tấm lưới ấy. Khi ông thức tỉnh thì đã muộn. Vả chăng, bà có một ông chú, giữ cương vị tối quan trọng trong Nhà nước. Cái cây đó sẽ toả bóng mát xuống đầu ông…
- Thôi, đừng khóc nữa…
Trần Phương bảo vợ.
- Anh vô tình lắm. Em là một kẻ bất hạnh…
Vợ ông vẫn kể lể, sụt sịt. Những giọt nước mắt lăn trên hai gò má đỏ rực của bà.
- Tôi xin cô, cho tôi nghỉ một lúc. Đừng vẽ chuyện ra…
Người đàn ông nói gác cánh tay lên trán để nén bực dọc.
Đêm tân hôn, khi đám cưới vừa tan. Bà mẹ vợ tắt đèn hoa đăng chỉ còn để cây đèn hoa kỳ. Dưới ánh lửa chập chờn, ông đã nhìn khuôn mặt bèn bẹt của bà với cặp mắt hầu như không có lông mi, và nỗi ghê sợ trỗi dậy trong tâm trí ông. Cảm giác ghê sợ ấy theo đuổi ông suốt khoảng thời gian họ chung sống, len lỏi giữa những giờ ái ân và những ngày lạnh nhạt, dai dẳng như căn bệnh mãn tính. Giờ đây, nó hoà nhập với lòng căm ghét khiến ông điên lên, muốn chấm dứt tức khắc cuộc sống giả trá nặng nề… “Bà ấy chết hoặc chính mình chết đi cũng được…” Người đàn ông nghĩ. Mọi sự sẽ nhẹ nhõm hơn. Nhưng sau ý tưởng ấy, ông chợt thấy chiếc Moscovic trắng lao qua mảnh sân hình bát giác, và gã lái xe mở sẵn cánh cửa chờ, theo thói quen. Tim ông quặn lên. Và một tiếng nói từ bên kia ngọn triều đen thầm vọng tới:
- Không.
°
Con người có thể bị áp đảo bởi những tham vọng rất khác nhau. Một gã hà tiện quáng mắt trước những đống vàng ra sao thì Phương Linh cũng quáng mắt trước tài năng và dáng vẻ cao thượng của nhạc sĩ Trần Phương như thế. Đang loạng choạng bước dưới đáy sâu thất vọng, tình yêu mới đã dắt cô lên. Hình ảnh con người kiệt xuất kia đã chiếm lĩnh trái tim cô đến mức thế gian chỉ còn tồn tại mờ nhạt như những bức tranh trong đáy nước. Ở đâu, lúc nào cô cũng chỉ nhìn thấy ông ta: Bên kia mái tóc mềm của đứa con, giữa hai bải giảng, hoặc trên con đường đậm đặc bóng cây đưa cô tới trường…
“Trần Phương… Trần Phương…”
Bất chợt, cô lại gọi tên ông thầm thì. Dáng vóc đường bệ và những bước đi của một lãnh chúa trên vùng đất trị vì, đôi mắt đen mênh mông, hàm râu xanh biếc… Trước vầng hào quang ấy, Nguyên chỉ là một anh ký giả quèn, thảm hại, ti tiện và giả trá. Từ lần gặp gỡ đầu tiên tới cuộc hẹn hò sau, hai mươi bảy giờ đợi chờ là nỗi khắc khoải. Người đàn bà đếm từng phút một, ngay trong giấc ngủ chập chờn. Thậm chí, cô cũng không biết tới điều giản đơn này: người đàn bà khôn ngoan trong tình yêu phải bắt tình nhân chờ đợi… Bởi thế, ba giờ chiều hôm sau, khi Trần Phương bước vào quán giải khát. Linh đã ngồi đó với gương mặt tái nhợt:
- Em đấy à?
Ông hỏi, mắt rực lên.
- Vâng.
Cô đáp, giọng lạc đi. Ngọn lửa tinh quái trong người đàn ông chợt tắt khi ông nhìn vào đôi mắt nâu chân thực của cô. “Đúng là một cô bé vừa cởi khăn quàng”. Ông nghĩ. Tất cả những kinh nghiệm dạn dày của mình trong đời sống tình ái sẽ trở thành tội ác với người đàn bà này. Chưa ai yêu mình với một tâm hồn thánh thiện đến thế… Ông bỗng nhớ tiếc tuổi hai mươi, nhớ tiếc chùm hoa cam nở trong khu vườn tỉnh lỵ, tiếc nụ hôn đầu tiên đã đặt lên môi người đàn bà không yêu nhưng ham muốn, tiếc những tháng ngày dài dặc đã qua - với cuộc hôn nhân lầm lạc và những cuộc tình vụng trộm, những người đàn bà hoặc ngu ngốc cuồng si, hoặc trơ tráo vì dục vọng… Giá như dĩ vãng tan biến đi như làn khói và cuộc đời ông lại bắt đầu, ông sẽ đem tuổi trẻ của ông tới cho cô, với chùm hoa cam thơm ngát, với những run rẩy tuổi hai mươi.
- Xin lỗi em…
Ông vừa nhìn cô đăm đăm, vừa nói.
- Sao lại thế? Anh có lỗi gì đâu?...
Linh ngơ ngác hỏi lại. Trần Phương thầm lén bóp chặt tay cô trong tay ông và đáp:
- Anh có lỗi, vì anh không còn tuổi trẻ để đem tới cho em.
Mặt Linh đỏ lên, cô lắc đầu:
- Không…
Và nghĩ một vài giây, cô lắc đầu quả quyết: - Không cần.
Bà chủ quán rượu bưng ra hai tách càphê. Bản “Chèo thuyền” của Menđensơn lại vang lên. Họ ngồi im lặng nhìn nhau qua những bông hoa đồng tiền đỏ. Họ có thể ngồi như thế mãi, nhưng quán trà đã có thêm khách mới: Một hạ sỹ công an dẫn hai thanh niên vào. Cả ba người đều nhễ nhại mồ hôi. Hẳn là họ vừa đi bộ một quãng đường dài. Anh hạ sĩ công an hất hàm bảo hai gã trai đi cùng ngồi xuống, đoạn quay vào gọi:
- Cho mấy cốc chanh đá bà ơi.
Xong, anh lật mũ ra quạt, tóc bết mồ hôi. Lúc đó, Linh mới thấy hai thanh niên bị xích chung bởi một sợi xích. Một gã trạc hai mươi nhăm tuổi, gã kia trẻ hơn. Cả hai đều ăn mặc tươm tất. Có lẽ chúng vừa bị bắt và trên đường trở về phòng giam. Gã lớn tuổi có đôi mắt dài, một mí, sống mũi thẳng và hàng ria con kiến. Gã kia trắng trẻo, thấp bé hơn, môi đỏ và tóc vuốt dài như kép hát. Chúng không có gương mặt của kẻ sát nhân bẩm sinh. Người ta có cảm giác rằng, vừa mới đây chúng còn chìa tay xin mẹ tiền để mua đôi giày mốt mới.
- Tội phạm gì thế, đồng chí công an?
Nhạc sĩ hỏi, chìa bao thuốc mời anh hạ sĩ. Anh ta quay lại, mắt tròn xoe. Rồi đột nhiên, anh ta reo lên:
- Đúng rồi, bác là nhạc sĩ Trần Phương?
Người đàn ông nheo cười, mắt nheo lại:
- Tôi gặp anh ở đâu nhỉ?
- Bác không nhớ cháu à? Cháu ở trại 27, năm ngoái thủ trưởng mời bác lên thăm trại và nói chuyện với anh em. Có mấy cô ca sĩ lên theo biểu diễn…
- Xin lỗi, trí nhớ tôi tồi thật.
- Thế nào bác cũng lên thăm trại nữa nhé… Ở trại, nhiều đoàn báo chí tuyên truyền lên tham quan nhưng chưa ai nói chuyện hay như bác. Chúng cháu thèm nghe chuyện lắm, coi giữ tù nhân, mình cũng gần như bị tù, quanh năm không nhìn thấy phố xá…
Nhạc sĩ bật lửa, châm thuốc cho chàng trai. Ông mỉm cười vì vẻ bồng bột không thích hợp gì mấy với nghề nghiệp của anh ta. Quay sang hai gã bị xích, ông hỏi:
- Khách mới của trại à?
Lúc đó, anh hạ sĩ nhớ ra nhiệm vụ của mình, đứng lên:
- Thôi, chào bác nhé. Cháu phải đưa bọn này đi. Tù trốn trại, can án hai lần, tổ chức móc hàng trong nhà nước tuồn cho gian thương.
Hai gã tù quay đi, không còn giữ vẻ nhâng nháo ban đầu. Hoạ sĩ ngồi xuống, trầm ngâm hút thuốc. Linh nhìn theo đám người vừa ra khỏi phòng trà, nói:
- Trông họ tử tế đấy chứ? Lòng tham biến con người thành quái vật. Giá như ta tiêu diệt được mọi dục vọng, xã hội sẽ tốt đẹp bao nhiêu?...
Trần Phương ngẩng lên nhìn Linh, cười. Mắt ông ánh lên những tia cười cợt và chế giễu khiến cố đỏ bừng hai má:
- Tại sao anh cười em?
Thay vì trả lời, ông im lặng nhìn cô với đôi mắt trìu mến, đắm đuối hơn.
- Anh nhìn em như nhìn một đứa bé miệng còn hơi sữa?
- Chính thế, cô bé ạ - Ông đáp thong thả, và xiết chặt bàn tay cô trong tay mình – Anh không nghĩ rằng em ngây thơ đến thế. Em tin rằng tiêu diệt mọi dục vọng thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn ư?... Đó là một ý tưởng sai lầm về nguyên lý. Xã hội là guồng máy vĩ đại mà động cơ thúc đẩy nó vận hành là sự liên kết của các dục vọng cá nhân. Tiêu diệt dục vọng của con người tức là tiêu diệt động cơ thúc đẩy xã hội tiến bộ.
- Nhưng chính tham vọng cũng đẩy con người vào vòng tội lỗi.
Linh rụt rè đáp lại.
- Tất nhiên, tất nhiên… Mọi sự vật đều bao hàm hai mặt đối lập đen và trắng, sáng và tối… Điều quan trọng hơn cả không phải là tiêu diệt dục vọng của con người mà phải là tổ chức hợp lý để nó đem lại lợi ích cho cá nhân cũng như cho cả cộng đồng, để quyền sống của kẻ này không tiêu diệt quyền sống của người kia, và các xung động của dục vọng trong xã hội hướng vào các mục tiêu tốt đẹp. - Trần Phương ngừng lại, khe khẽ thở dài:
- Nhưng đó chính là điều khó khăn nhất mà loài người tìm kiếm rất lâu, và sẽ còn phải tiếp tục tìm kiếm nữa.
Những lời lẽ ấy, nếu Linh để tam, hẳn cô đã nghe được nhiều lần trong các cuộc chuyện trò giữa Nguyên với đám trí thức trẻ. Nhưng giờ đây, đặt vào miệng của người đàn ông cô đang mê đắm, nó bỗng trở thành những kiến thức siêu việt và mới lạ. Cô im lặng nhìn ông, với ánh mắt tràn ngập niềm ngưỡng vọng và tôn kính...
°
Thuyền từ từ ngược dòng. Từ đầu cầu Bắc Giang tới đây chừng vài cây số đường chim bay mà phải đi mất hơn hai giờ. Chủ thuyền không vội vã, vừa ngắm sông nứoc vừa sải mái chèo hệt như một tài tử. Trọng, phóng viên trong tổ của Nguyên ghé tai anh, bảo:
- Tụi mình vớ được lão lái thuyền ngất ngư quá. Chắc kiếp trước lão là con một gã thượng thư.
Nguyên đáp:
- Kệ. Mình cũng chẳng vội vã gì. Sớm muộn ngày mai cũng sẽ tới.
Hai người nhận nhiệm vụ viết một bài báo dài đăng ba số liền về cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Đi tàu hoả tới ga Bắc Giang, họ rẽ vào Ty văn hoá xin một số tài liệu và giấy giới thiệu để làm việc với phòng văn hoá huyện. Phó trưởng ty phụ trách bảo tàng nói rằng ông đã gọi điện thoại xuống huyện. Khi họ tới Bố Hạ sẽ có người tới đón. Hai phóng viên từ biết ông phó ty, rẽ vào chợ ăn cơm đầu ghế. Đó là lối ăn tốt nhất đối với nghề làm báo. Một đĩa cơm trắng, gạo thơm mùi lúa, hai bìa đậu rán bằng nửa bàn tay, vài lát thịt kho tàu trong suốt với ít dưa muối xổi. Một bữa cơm lý tưởng khi anh xa nhà mà túi tiền không chặt. Lúc hai chàng phóng viên thưởng thức bữa cơm bình dân với vẻ hài lòng thì trong các quán cơm tư nhân gần đó, cánh lái xư, đám chạy vật tư công trường, dân buôn chuyến kêu bia chai, bia hộp, gà quay ầm ĩ.
Trọng bảo:
- Chúng ta phấn đấu đến bao giờ mới đạt tới mức sinh hoạt của mấy gã lái buôn kia?
- Đừng thắc mắc chuyện ấy – Nguyên trả lời – Chúng ta là những chi tiết bị đóng chặt vào một cỗ máy. Cỗ máy ấy lăn tới đâu, chúng ta tới đó. Còn đám dân kia là phần tử tự do. Họ chuyển động theo các lực hấp dẫn khác. Đừng buồn phiền, trong cuộc đời mỗi người có một cách lựa chọn, được thứ này thì đừng tiếc thứ kia.
- Lý thuyết của anh cùn bỏ mẹ.
- Tớ không được tân tiến như các cậu.
- Xì, không tân tiến nhưng anh khôn ngoan nhất báo. Tụi tôi có được các anh cũng phải mòn dăm bảy đôi giày.
Nguyên mỉm cười im lặng. Anh thường biết im lặng đúng chỗ. Hai người uống nước rồi ra bến xe. Khoảng hai giờ sẽ có xe ngựa lên Bố Hạ. Nhưng Nguyên nảy ra ý định đi đò dọc vì bến xe đông khách quá và vì anh đã nghe nói tới cái thứ này nhiều lần trước. Trọng tán thành ngay. Anh ta béo, ngồi đợi ở bến xe nóng nực này đến chảy mỡ ra mất.
- Đi đi thôi, tốn kém hơn chút ít cũng không sao. Anh chàng bảo Nguyên – Còn ở bến xe này chắc tôi chết ngạt.
Họ nhảy lên xích lô, xuống bến đò sông Thương thuê đò. Con đò, nhổ neo lúc mặt trời vừa ngả… Người chủ đò chèo đò chậm rãi. Đầu khoang đằng kia vợ ông ta lúi húi đánh vẩy một con cá trắm nặng tới hai kilô. Đứa con gái chừng mười hai, mười ba tuổi, đen như cháy, ngồi rang lạc. Hai chàng phóng viên dán mắt vào cánh tay lực lưỡng của người đàn ông đặt trên cây dầm chèo. Các vồng thịt nổi lên, săn như rễ cây, bóng loáng. Phía trước họ, mặt trời hoàng hôn tãi vàng trên sóng. Hai bờ cát viền cỏ như phủ một lớp bụi mịn màng. Vài con bò vục mõm uống nước khiến mặt trời chiều vỡ tan thành những mảnh vụn. Hai cánh tay người chủ thuyền dần dần ngả sang màu đen thẫm trên mặt nước đỏ tía. Mỗi khi mái chèo khuấy nước ta lại có cảm giác như gợn máu của một con vật tế lễ ướt loáng lên. Rồi các ráng đỏ phía tây tắt hẳn và mặt nước hoá tím như cánh bèo. Người đàn bà lom khom chiu qua khoang thuyền, gọi:
- Cơm đã xong. Bố nó ra mời.
Người chủ thuyền không quay lại, đáp:
- Mày với con cái Thu ăn trước đi, rồi ra chèo thuyền cho tao.
Chị vợ nín lặng, lom khom chiu trở lại phía sau. Ở đó, trong bóng tối, hai mẹ con lúi húi ăn cơm. Nguyên nghe tiếng bát đũa lanh canh, tiếng họ thì thào:
- Mẹ ăn thêm bát nữa, con xới?
- Thôi.
- Trưa mẹ bỏ cơm cơ mà?
- Ăn vừa cho nhẹ bụng còn chèo. Kẻo bố mày chửi.
Chị ta nhẹ nhàng lần theo mui thuyền, như cái bóng tới sau lưng chồng:
- Xong rồi, bố nó ra mời cơm kẻo nguội mất.
- Có lạc rang cho tao không đấy?
- Có. Tôi bảo con Thu ủ trong ấm tích. Còn chai rượu gác ở cái góc sạp như mọi khi.
Người đàn ông đứng dậy, đưa mái chèo cho vợ:
- Chèo thong thả thôi, nghe chưa… Con nước đang dâng đấy.
Sau khi dặn vợ bằng cái giọng quyền uy đó, ông quay sang mời hai người khách:
- Hai bác nhắm với tôi chén rượu?
Họ cảm ơn và từ chối. Chủ thuyền đi về phía sau khoang thuyền ăn cơm. Mùi rượu nặng lan trong gió. Cái bóng đen đúa của ông ta in lừng lững trên trời đêm. Tiếng gạt nước gieo vào không gian đều đặn. Phía tây, trên nền lam thẫm, ngôi sao đầu tiên đã mọc. Nguyên ngửi thấy mùi mồ hôi chua chua của người đàn bà trong gió.
Anh bảo Trọng:
- Cậu biết chèo không? Chèo đỡ chị ta một lúc.
- Không, đến bơi tôi cũng không biết nữa là.
- Tiếc thật. Tôi cũng không biết chèo.
Gió từ thượng nguồn thổi mạnh hơn. Con thuyền ngược dướn lên theo mỗi nhịp chèo nặng nhọc. Giữa tiếng gió, tiếng mái chèo quạt nước, nghe rõ tiếng thở hổn hển của người đàn bà trẻ. “Khoảng ba mươi tuổi là cùng… Có thể là chưa đến…” Nguyên nghĩ. Ban chiều, anh ta đã thấy gương mặt chị. Không thể gọi là xinh đẹp nhưng đậm đà, với nước da nâu sậm, đôi mày cong đen nhánh trên cặp mắt lá dăm. Thứ nhan sắc mộc mạc ta đã gặp trong các điệu chèo cổ và một nẻo đường tít tắp giữa vùng quê. Chị ta chỉ hơn Linh vài tuổi nhưng phải sống với một ông chồng đã ngoài năm mươi, cục cằn, thô lỗ. Người đàn bà này mơ ước gì? Phải chăng chị tơ tưởng đến một lời nói dịu dàng, một tấm khăn hay một chiếc áo mới khi mùa xuân tới? Trong cuộc sống buồn tẻ lênh đênh trên sông nước, tháng ngày vật lộn với mưu sinh, có niềm vui nào thắp sáng lên chuỗi ngày đơn điệu của chị. Có hy vọng nào khiến chị thức tỉnh niềm vui sống?... So với người đàn bà dã man này, vợ mình là một bà hoàng. Một bà hoàng ích kỷ, gàn dỡ và tàn nhẫn… Cô ta còn muốn những gì nữa ở mình. Một người chồng tận tuỵ, trung thành, đủ sức néo giữ con thuyền gia đình giữa thời gian khó. Mình đã hy sinh những thú vui của một thằng đàn ông để mẹ con Linh được sung sướng: Một chai rượu Tây, một gói thuốc ngoại hạng, những cuộc bù khú với đám độc thân để có thể gặp gỡ những người đàn bà ưa phiêu lưu tình ái… Vậy mà cô ta không tha thứ… Linh, em là kẻ cực đoan nhất trong những kẻ cực đoan ở trên dời. Em không bao giờ chịu thấu hiểu đời sống. Em chỉ một mực thờ phụng những thánh nhân của thời thơ dại; những mẫu người lý tưởng đã được vẽ ra. Trước kia, thần tượng đó là mình. Nhưng mình làm sao tồn tại được, nếu chỉ là một cục thuỷ tinh như em mong muốn?
- Ta mượng chủ thuyền manh chiếu - Trọng bảo Nguyên - Ngồi mãi mỏi lưng lắm… Nghĩ ngợi gì mà thần người ra thế?
Nguyên ngoái cổ vào trong khoang gọi chủ thuềyn. Ông ta vẫn ngồi im như tượng phía mũi, chai rượu đặt một bên. Nghe Nguyên hỏi, ông ta bảo đứa con gái:
- Thu, đem mảnh chiếu buồm trải lên cho các bác nằm.
Đứa bé từ bóng tối của khoang thuyền nhô lên, cắp chiếu bên nách. Nó trèo lên mũi, thoăn thớt đi tới sau lưng mẹ, trải tấm chiếu cói xuống. Rồi, vẫn im lặng như thế, nó trở lại mũi thuyền đằng kia, tụt xuống khoang. Hẳn nó chui giữa những bì sắn khô mà ngủ. Không chờ bạn, Trọng nằm kềnh xuống trước:
- Mát quá Nguyên ạ… - Anh ta kêu lên – Mà trăng đẹp chưa kìa. Không ngờ chuyến đi này thú thế.
Nguyên nằm xuống bên cạnh, cảm thấy bầu trời xa xôi hơn, đe doạ hơn khi nhìn chúng từ phía dưới. Khoảng không gian lồng lộng và cách với như chứa đựng những thiên thạch, bụi tinh tú, sẵn sàng ném xuống đầu ta. Một đám cháy giữa thinh không kia rất có thể bùng nổ và lúc ấy mấy con người bồng bềnh trên chiếc thuyền này sẽ giống mấy hạt bụi lửng lơ giữa khoảng không nghiệt ngã của tai hoạ:
- Nghĩ gì mà im lặng thế Nguyên?
Trọng lên tiếng:
- Hồi nhỏ, tôi thích đọc văn Thạch Lam. Cảnh tượng đem nay cũng giống như văn chương của ông ta miêu tả: một con đò lững thững trôi, với hai con người mơ mộng.
- Trước đây, tôi không nghĩ rằng cậu lãng mạn thế. Nhưng đêm nay, trăng đẹp thật.
Nguyên tán đồng.
Trăng đã lên trên dãy núi cuối chân trời. Từ dãy núi đó tới dòng sông là dài đồng bằng hư ảo. Hai bờ, giờ đây không còn là bãi cát hay viền cỏ mà là những rặng tre dầm chân trong làn nước. Bóng tre đan già vào nhau như tấm rèm trăng khiến con thuyền trôi qua một ảo động được tạo bằng trò chơi của đêm đen và mặt nguyệt. Vợ chồng chủ thuyền không chèo nữa mà dùng cây sào đẩy thuỳen đi dưới các lùm tre khiến lũ chim ngủ đêm trong đó bay tán loạn. Một con quáng mắt rơi xuống thuyền. Trọng đưa tay chụp nhưng nó đã vọt qua bàn tay hộ pháp của anh.
- Đẹp thật.
Nguyên nhắc lại. Nhưng phía sau vầng trăng anh lại nhìn thấy ánh sáng của thành phố. Căn phòng có những bông cẩm chướng úa héo và tấm màn gió màu xanh. Buổi sáng cuối xuân, Linh đã tuyên bố rằng cô không còn yêu anh nữa…
- Liệu sáng mai đã đến Bố Hạ chưa Nguyên?
Trọng lại cất tiếng hỏi. Người đàn bà rút cây sào rồi đáp lời thay:
- Cùng lắm mười giờ sáng thôi, bác đừng sốt ruột.
- Chúng tôi còn phải lên Cầu Gỗ.
Trọng giải thích.
Người đàn bà cúi rạp xuống để luồn qua một vòm trúc, rồi nói:
- Bác đừng lo. Từ Bố Hạ lên Cầu Gỗ chẳng mấy chốc. Thỉnh thoảng em vẫn lên đấy mua than. Chạy bộ cũng chỉ vài giờ, các bác có xe lo gì?...
Nguyên hỏi:
- Chị đã vào nhà bảo tàng ở đây chưa?
- Nhà thờ cụ Đề ấy ạ?... Có chứ. Dân chúng em ở đây mỗi năm giỗ cụ một lần.
- Ai đặt ra cái lệ ấy?
- Không ai đặt ra cả. Từ thời cụ tổ em đã có ngày giỗ ấy rồi. Cái kiếp dân mình khổ, thờ cụ để cụ độ trì cho. Ngày đánh Pháp, cứ trận nào có người ở đây cầm quân là thắng cả. Nói có Trời có Phật, cụ Đề thiêng lắm.
Chị ngừng lời, dún con sào thật mạnh. Thuyền lao khỏi vòm trúc, vọt ra giữa dòng nước. Từ đây trở đi, haibờ không còn cây lá, dãi đầy ánh trăng. Nguyên thấy tấm chiếu mát lạnh, bảo Trọng:
- Sương xuống ướt cả chiếu. Cậu có buồn ngủ vào khoang mà nằm.
- Không. Lạ thật, chẳng buồn ngủ chút nào hết. Mọi tối, gà lên chuồng là tôi díp mắt lại. Vợ tôi cứ gọi tôi là Trí ngủ...
- Mình cũng thế, mắt ráo hoảnh.
- Mấy giờ rồi.
- Tám giờ bốn mươi hai phút.
- Ở thành phố, ngày dài hơn.
- Ừ, ở đây đêm dài hơn. Càng xa các thành phố lớn, nhịp điệu của đời sống càng chậm. Năm ngoái tôi đến một xã miền biển. Một xã có vài ngàn dân mà nằm trên ba hòn đảo nhỏ. Người ta đi lại bằng thuyền. Những con dê bơi nhung nhăng từ đảo này sang đảo khác. Ở đấy, cậu có tưởng tượng được không, hầu như các gia đình đều dùng nồi đất. Ngay cả muôi và thìa múc canh của họ cũng bằng đất nung mộc. Hỏi ra, hợp tác xã mua bán chỉ chở ra đảo dầu hoả, kim chỉ và giấy học sinh...
- À, tại vì mình thiếu xăng. Sự giao lưu tư tưởng và văn minh vật chất quyết định bảy mươi phần trăm sự phát triển xã hội... Mà anh Nguyên này, anh đã mua được cuốn truyện ngắn của Pautôpxki chưa đấy?
-...
- Sao anh im lặng thế?
- Tôi nghĩ tới anh và những chuyện khác phía anh.
- Tới tôi? Tôi có chuyện gì vậy?
- Tại sao đang từ chuyện phát triển xã hội anh lại nghĩ ngay đến Pautôpxki?
- Tôi chẳng biết. Nhưng điều đó có quan hệ gì?
- Có chứ. Từ lâu tôi đã để ý rằng chúng ta không có thói quen nghĩ điều gì đó cho đến đầu đến đũa. Giống như kẻ vừa xới lên một mảnh đất, chưa kịp trồng trọt gì đã bỏ sang vùng đất khác. Nó chứng tỏ chúng ta thiếu khả năng tư duy sâu sắc và triệt để, mà thiếu khả năng đó, thì đừng hy vọng có được thành công trong bất cứ một lãnh địa nào. Thói quen hời hợt và nông nổi sẽ đưa chúng ta tới nhiều lầm lẫn và thua thiệt trong đời sống... Còn Pautôpxki, anh thích ông ta lắm phải không?
- Rất thích.
- Đã có một thời, Pautôpxki là tác giả gối đầu giường của tôi cũng như của những người cùng thế hệ chúng ta. Tôi đã đọc đến thuộc lòng Bông hồng vàng, Bình minh mưa, Naxlia cô gái làm ren... Ngay bây giờ, nhắm mắt lại tôi cũng có thể tả cho anh nghe các ngôi nhà gỗ ven rừng Nga, mùa thu vàng trên thượng lưu sông Oka, những nẻo đường sương mù giá băng phương Bắc, bụi tử đinh hương lấp loáng dưới bụi mưa, và những căn phòng treo tranh của Matixơ, của Rêpin, nơi tà áo dài phụ nữ sột soạt và mùi nước hoa khiến ta mê mẩn... Pautôpxki là nhà văn của các cảm xúc học trò, giấc mơ đầy hoa táo và uất kim hương, những niềm ưu ái dễ dàng, những may mắn kỳ diệu mà người ta có thể nhặt chúng dễ dàng như nhặt những quả dẻ trên đồi Nhã nam vào mùa thu... Không, tôi không thể còn yêu Pautôpxki được nữa. Anh sung sướng hơn tôi vì anh còn ngưỡng mộ được ông ta khi ba mươi lăm tuổi đời. Anh đúng là một chàng thiếu niên nặng sáu mươi tư cân rưỡi.
- Anh bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Nói ra anh sẽ không tin đâu... Ba mươi hai...
- Đúng là không thể tin được.
- Tôi nói tiếp ý nghĩ của tôi về những chuyện này. Đã lâu lắm, tôi có ý định nói với anh là thói quen không đẩy tới tận cùng một suy tư sẽ dẫn chúng ta tới một lối sống cạn cợt. Nếu rất nhiều người nhiễm thói quen ấy, thì điểm yếu kia sẽ trở thành đặc tính của một nhóm lớn trong xã hội hay của cả cộng đồng. Dân tộc nào cũng có những ưu điểm kèm theo những khiếm khuyết. Nhưng một dân tộc mạnh là một dân tộc biết nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của chính mình. Bởi lẽ, sự khai tử sẽ xuất hiện ở chính nơi nào có chứng bệnh viên mãn. Một bác học vĩ đại huỷ diệt quãng đời sáng tạo kể từ lúc ông ta nghĩ rằng tư tưởng của mình đã hoàn thiện hành trình tư duy của nhân loại. Một nhà căn sẽ đánh mất bản thân khi ông ta nghĩ rằng tác phẩm của mình là ở chót vót các đỉnh cao. Một viên tướng sẽ không còn cầm quân được khi không nghĩ nổi một điều gì mới mẻ hơn là say sưa về những chiến công oanh liệt cũ. Chỉ còn sống bằng quá có nghĩa là đã chết. Ngạn ngữ Pháp đã có một câu rất hay. "Đừng khua động tro tàn của các hài cốt...“ Thế đấy, tôi muốn nói với anh rằng chính chúng ta, những trí thức, sứ mạng của chúng ta không phải là vuốt ve lòng kiêu hãnh mà là nhìn cho thấu những nhược điểm của dân tộc sớm hơn tất cả mọi người...
Nguyên dừng lại. Anh chợt nhận ra rằng mình đã nói qua nhiều. Trọng sững sờ nhìn Nguyên.
- Trời ơi, con người lạ lùng này...
Anh thốt lên trong óc não: "Anh ta có những ý tưởng thật sắc bén và cao quý. Trong khi đó, anh ta lại hành động như một kẻ làm công ngoan ngoãn. Và quái gở hơn, cam chịu cuộc sống tồi tệ của một kẻ bị cắm sừng. Ít nhất, cũng nửa thành phố biết rằng vợ anh ta là người tình mới mẻ nhất và say mê nhất của nhạc sĩ Trần Phương".