Phần V

- Anh yêu em.
- Vâng.
- Em có hạnh phúc không?
- Vâng...
Người đàn bà trả lời, nhưng mắt nhìn về phía khác. Trần Phương không để ý tới thái độ của người yêu, ông có vẻ hoàn toàn mãn nguyện. Ông khẽ huýt sáo giai điệu quen thuộc của bài Thiên Thai. Rồi bất chợt ông cao hứng cất thành lời:
"Thiên thai, chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mơ cuồng có một lần...“
Linh lắng nghe lời hát, nỗi tủi hổ tràn ngập trái tim. Sự gần gũi đầu tiên không đem lại cho cô chút hạnh phúc cỏn con nào. Trong gian phòng xa lạ ngoại ô, nơi có thể nhìn rõ những vạt ngô chạy theo đường chân trời và vài cánh buồm lãng đãng, cô cảm thấy mình trơ trọi, lạc lõng. Một mặc cảm về sự bất an lơ lửng trong bầu không khí bao quanh. Một mặc cảm khác về tội lỗi nhoi nhói như chiếc kim găm trong một góc thầm kín của tâm hồn... Ánh mắt, làn môi, hơi thở của Trần Phương, khi sát kề, gợi cho cô nỗi lo âu, ngại ngần như những thám hiểm viên đặt chân lên một hòn đảo lạ. Có lẽ, tình yêu cần có những cung bậc và không thể nào đốt cháy thời gian. Linh nhớ những phút giây đầu tiên trong cuộc sống chung với Nguyên. Những giây phút hạnh phúc trọn vẹn cả tinh thần và thể xác ấy in vào tâm khảm con người tựa như ánh nắng, khí trời tươi lành, cây cỏ mùa xuân và nước giữa non cao. Những giây phút ấy tựa bông hoa ở trong khu vườn thoáng đãng, ấm áp. Còn ở thời khắc này, niềm xúc cảm u ám bao phủ tâm hồn cô. Người đàn bà ngờ rằng mình đã bị dòng lũ đục ngầu của những phút buông thả lôi cuốn.
Trần Phương vẫn hát, khẽ nhưng say sưa. Hai má ông rực lên, màu mắt dường như biến đổi trong niềm sung sướng. Ông hoàn toàn vui vẻ, vô tư. Tại sao?... Linh thoáng nghĩ rằng ông đã thích nghi với những cuộc tình vụng trộm, rằng ông không suy tư gì nhiều lắm trong cảnh sống đó và có lẽ cô cũng chỉ là một trong vô số người đàn bà đã sa vào tay ông. Trước cô, hẳn đã có và sau cô, chức cũng lại sẽ tiếp nối... Niềm tủi hổ trong giây lát mau lẹ biến thành cơn ghen hung dữ. Từ trong vô thức, lòng căm uất vụt loé lên, người đàn bà không kịp ghìm giữ:
- Anh Phương.
Nhạc sĩ đang mơ màng nhìn những bãi ngô xanh biếc ngoài sông Hồng, ông giật mình quay lại. Tiếng gọi của Linh thảng thốt và ghìm nén nỗi hờn oán mà ông mơ hồ đoán biết. Ông tới gần ô, dịu dàng cầm đôi tay ấm nóng của cô:
- Có chuyện gì thế em?
- Chắc rằng... Chắc rằng...
Linh lắp bắp, cô vừa bị cơn ghen thiêu đốt vừa bị lòng tự ái chế ngự. Lúng túng hồi lâu, cô mới tìm được lời:
- Em chắc rằng anh cũng đã quen... Và những người đàn bà trước em... Trong chuyện này...
Trần Phương cười hiền, ông hiểu sự tình. Ông ngả đầu, nhìn sâu vào mắt cô độ lượng, buồn rầu cất tiếng:
- Đã có nhiều người đàn bà đến trước em, đó là một sự thật. Chúng ta đừng chối bỏ sự thật, bởi vì chối bỏ nó là kẻ hèn yếu và dối trá. Những người đàn bà ấy đã tự tìm đến anh. Có lẽ, nói điều ấy là khiếm nhã, nhưng xin em thứ lỗi, trên đời có khá nhiều thứ đàn bà tầm thường. Có người, anh đã chấp nhận họ vì lòng thương, vì buồn chán và thất vọng trong cuộc sống. Nhưng chỉ có riêng em, em là tình yêu của anh, em là người đàn bà đầu tiên anh gọi tên, anh tìm kiếm. Xin em hãy nhớ cho điều ấy, dù bao nhiêu biến cố sẽ tới, bao nhiêu trắc trở sẽ xảy ra, anh vẫn chỉ nói một lời: em là người anh yêu, chính em...
Trần Phương ngừng lời. Linh vẫn ngồi im, mắt nhìn xa vắng, rầu rĩ. Nhạc sĩ chợt hiểu rằng đôi mắt rầu rĩ kia đang che giấu những mặc cảm, và sự toại nguyện mà ông tìm được mau lẹ lại trở thành nỗi dày vò khó nhọc của cô. Ông kéo cô vào người mình vuốt ve mái tóc:
- Đừng buồn đi em. Con người bị trói buộc vì nhiều thứ xích xiềng. Nhưng những xiềng xích ấy vô hình vô ảnh. Vi thế, cái khó nhất là ta cần nhìn ra chúng phía sau phép tàng hình và phá bỏ đi tất thảy. Anh yêu em và em yêu anh, đó là cái thực tế lớn nhất, là lẽ phải lớn nhât. Không có gì đáng kể, ngoài điều ấy.
Linh im lặng buông một tiếng thở dài. Trần Phương thấy cô khẽ rùng mình, nhắm mắt lại. "Cô bé vẫn còn day dứt, đau đớn... Tội nghiệp“. Ông nghĩ, và lòng ông dâng lên niềm thương xót. Khoảnh khắc đó, ông hoàn toàn coi cơnh một đứa bé yếu ớt, như con chim gãy cánh rớt xuống vườn cam thời thơ ấu - hồi ấy, ông đã chăm chút con chim mãi. Một tuần sau, khinó chết, ông đem chôn dưới gốc cam và khóc hết một buổi chiều...
Khi họ chia tay, mặt trời đã ngả sang khung trời phía Tây. Cây lá phản quang, sáng loá. Dọc đường, thỉnh thoảng một chú bé lại chìa xâu cá ra mời. Linh ghé qua chợ mua thức ăn, cô sự nhớ rằng thức ăn dự trữ trong nhà đã gần hết. Còn thiếu lọ thuốc nhỏ mũi cho bé Hương Ly. Sáng nay, ông nội nó đã lên đón cháu về chơi, dù con bé chưa hoàn toàn khỏi cúm. Khi Trần Phương đã rẽ sang đường khác, Linh đạp xe tới Hàng Buồm, tìm mua một lọ thuốc nhỏ mũi của một mụ phe béo ị.
- Chỉ một lần nhỏ là dứt ngay, chỉ một không tới hai, tôi bảo đảm với mợ như vậy...
Mụ nói rẽ rọt, tay nhét tiền vào túi. Một ông già tóc bạc đứng cách đó năm thước nhìn Linh. Khi cô dắt xe đi ngang, ông khẽ nói:
- Cô chớ nhỏ thứ nước ấy vào mũi mà thêm bệnh. Tôi không muốn dây với bọn phe.
Linh dừng lại, nhìn kĩ mảnh nhãn dán trên lọ thuốc. Ông già nói đúng, tất cả những dòng chữ in trên đó là thứ chữ khắc tay vụng dại. Cô ném lọ thuốc giả xuống hè, bực bội, ân hận. Giá sáng nay cô ghé qua hiệu thuốc thì chẳng đến nỗi... Người đàn bà hình dung thấy đôi mắt hạt nhãn của đứa con nhìn cô như trách móc... "Mẹ ơi, sao mẹ đi chơi lâu thế?... Con muốn đi với mẹ cơ, ở nhà ông bà lâu lắm rồi, con thèm mẹ lắm...“ Một màn sương mờ và tối choàng lên mặt Linh. Cô vào tiệm bánh, mua tới tấp cả túi các loại bánh ngọt cho bé Hương Ly. Sau đó, cô đạp xe về nhà, với ý định bỏ thức ăn và bánh trái vào tủ lạnh rồi đến nhà bố mẹ chồng đón con bé. Mở cửa buồng, Linh đã thấy Nguyên bế con đứng dưới ngọn đèn trần. Tóc anh ướt rượt, quần áo mới thay. Chắc anh vừa tắm gội. Cả bé Hương Ly cũng đã thay quần áo khác. Thấy Linh, nó kêu to:
- A... a... Mẹ đã về...
Tiếng kêu nhói lên trong người đàn bà như mũi kim đâm. Linh cố đáp lời bình thản:
- Con đấy à, mẹ đi rửa mặt rồi mẹ vào bế con. Đừng, đừng ôm hôn mẹ bây giờ, mặt mẹ còn nhiều mồ hôi, chua lắm...
Cô vội vã xếp đặt thức ăn, vào buồng tắm rửa mặt. Không phải vì bụi đường hoặc mồ hôi mà vì nỗi hổ thẹn như thứ nhựa vô hình đang dính trên gương mặt cô, vì xót xa đang dày vò trái tim cô. Người đàn bà thấy mình hèn mọn, nhỏ bé ngay trước mặt đứa con mình. Trong buồng tắm, tiếng nước chảy ồn ĩ đã khoả lấp tiếng khóc, những cơn nức nở bị ghìm nén. Rất lâu Linh mới bình tĩnh được. Cô bước ra, nhưng đôi mắt đỏ hoe. Nguyên trao bé Hương Ly cho vợ, tránh không nhìn vào mắt cô:
- Em chơi với con, anh nấu cơm cho.
Anh nói, giọng bình thản như thường lệ.
Linh đáp lại, yếu ớt:
- Không, lát nữa em sẽ nấu.
Ngoài bếp, nồi sườn ninh vẫn đang sôi, toả khói thơm vào cả phòng. Nguyên lấy khoai tây, đem vào gọt. Một món tóc xoã xuống trán, anh giơ tay vuốt ngược lên. Cử chỉ ấy chậm rãi, quen thuộc. Người đàn bà nhìn những ngón tay mềm mại của chồng. Phía sau những ngón tay ấy là cánh đồng mua thu vàng óng, những ngả đường mòn, khung trời bình yên trong vắt và nếp núi màu lam in tới tận chân mây... Anh là tất cả cuộc đời êm ấm của cô. Sao bỗng dưng anh đẩy cô vào vực thẳm chênh vênh này?... Hãy tha thứ cho anh và hãy quên đi...
Nhưng những nụ cười khinh mạn khác đã hiện ra trước mắt:
- Phải, anh ta là hình mẫu của loại người thành đạt. Một bộ óc đủ thông minh để làm vừa lòng thượng cấp. Một tâm hồn vừa đủ nồng nhiệt để ca mấy điệu cải lương.
- Tôi cho rằng Nguyên khá, vì anh đã tự tạo cho mình nghệ thuật siêu đẳng của sự nhẫn nhịn. Cái vụ Thác bà ấy, cậu có nhớ không?... Chỉ có một câu nói của Tổng biên tập là đủ dội tắt cả ngọn núi lửa căm tức đang cháy rừng rực trong lòng…
- Vâng, tôi nhớ. Cả Nguyên, cả Trọng, cả anh và tôi. Chính Nguyên là người tức giận nhất và đã rắp tâm làm cho ra nhẽ.
- Sự đời là thế… Không có cái lẽ phải và thứ lương tâm nào mạnh hơn những quyền lợi của con người…
Không, không thể nào quên được. Giá như đột nhiên cô mắc bệnh tâm thần và mất hoàn toàn trí nhớ. Giá có thứ thuốc thần kỳ nào đó chỉ lưu giữ những ký ức tốt đẹp về tình yêu của họ mà xoá đi cả cái sự thực xót xa của thời gian vừa rồi?... Nhưng Linh biết rằng những ý tưởng ấy chỉ là giấc mơ viển vông ngắn ngủi. Trí nhớ của cô không dập xoá được, cô không thể cố gắng quên lãng và trở lại yêu Nguyên. Không thể cố gắng, không thể tự thay đổi mình…
°
Khi Trần Phương về tới nhà, ông thấy cô Ngọc Minh đang đối thoại với bà vợ. Cô tô son trát phấn khá nhiều, bận tấm áo đỏ thêu rồng trước ngực. Chiếc quàn Jean nhung trắng bó chặt cặp đùi. Đôi guốc lênh khênh sơn nhũ trắng. Cô kêu to:
- Anh Phương, chờ anh nửa giờ rồi đấy nhé.
Nhạc sĩ đáp:
- Xin lỗi, tôi bận chút việc.
Ông vào phòng thay áo để tránh cảm giác khó chịu và cáu kỉnh rất vô lý. Ngọc Minh là một trong những người đàn bà nổi tiếng khắp thành phố vì ưa thú phiêu lưu tình ái. Lúc nào cô cũng thích có nhiều đàn ông hầu hạ, dù đó là mọt giáo sư già khú đế hay một thằng lõi con ngày ngày xếp hàng chờ đánh vài séc bóng ở câu lạc bộ. Tình ái của cô không tuỳ thuộc nguyên tắc nào. Cô tin rằng mình trẻ trung, tài ba, xinh đẹp. Chính niềm tự tin bất thường ấy khơi gợi nỗi tò mò ở đàn ông. Giống loài cỏ dướn bập bềnh giữa dòng nước, làm dấy lên một khúc mắc trong lòng họ: Cần phải lôi ra xem đó là thứ cây gì?... Trần Phương không thiếu những người đàn bà xinh đẹp si mê. Vả chăng, đã quá từng trải nên ông không còn tò mò như đám đàn ông khác. Nhưng ông muốn duy trì thêm một trong số những người ngưỡng vọng mình. Vả chăng, hơn niềm vui thú ấy, cô là người đang tranh đấu quyết liệt cho ông được trở lại cương vị cũ.
Nhạc sĩ cài khuy áo pijama, trở lại phòng khách. Ngọc Minh ngẩng lên nhìn ông:
- Em vừa bàn với chị Hoa, về việc của anh.
"À ra thế…“ – Ông nghĩ – "Bà ấy có thể bình tĩnh tiếp chuyện cô ta được“
- Mọi việc đúng nhe em dự đoán, mà còn có thể lạc quan hơn. Lẽ ra, chiều nay anh phải ở nhà trổ tài nội trợ để phục vụ vợ và khách quý.
Bà ngoẹo cổ nói với cô phóng viên:
- Cả ngày hôm nay anh ấy bắt chị ăn xôi trắng với lạp xường. Em xem có tệ không?
Trần Phương quay mặt đi để khỏi nhìn thấy nụ cười của vợ:
- Tôi làm sao mà biết được?
- Anh Phương này – cô Ngọc Minh sốt sắng nói - Những gì phải làm cho anh em đã làm hết. Bây giờ, có một việc cần tới chính anh: ah có thể gặp anh Lưu vào đầu tuần tới được không?
- Ai? Lưu hả?...
Nhạc sĩ hỏi với giọng khinh miệt. Đấy là anh chàng thư ký cho vị lãnh đạo trước kia đã từng là bạn ông. Khi cả ông ta và ông đã là các cán bộ đại đội, đeo súng ngắn ngang hông dẫn các đoàn văn nghệ xung kích lên tiền duyên phục vụ mặt trận, thằng cha Lưu này còn là một cậu bé gầy guộc, ghẻ lở đầy người, mũi rãi tanh lợm, suốt ngày quanh quẩn trong bếp cậy cháy và nướng sắn ăn. Lưu là đứa con nhặt đợc của một chiến sĩ. Trong trận càn, bố mẹ nó chết hết nên anh đưa nó đi theo. Dọc đường ra mặt trận, anh phải gửi cậu bé mồ côi vào cơ quan tuyên huấn. May gặp chị cấp dưỡng goá bụa, Lưu được nhận làm con nuôi.
Cái thằng bé Lưu ấy giờ đây trở thành thư ký của vị lãnh đạo vốn là bạn đồng nghiệp với ông. Nó cần nói chuyện với ông. Và ông phải lên gặp mặt nó...
Cảm giác phẫn uất khiến nhạc sĩ nghẹn họng, mắt ông tối sầm. "Đáng lẽ chính anh ta phải tiếp chuyện mình, thay vì cử thằng nhãi con lên chiến khu chưa biết hết mặt chữ cái...“. Lòng ông đầy ứ căm tức, nhưng ông nhếch môi cười:
- Cám ơn.
Cô phóng viên nhìn ông, gặng:
- Thế nào anh?
- Cảm ơn cô.
- Anh gặp Lưu nhé?
- Tôi sắp đi các tỉnh phía Nam
- Các tỉnh phía Nam đi lúc nào chẳng được - Vợ ông chen vào – Anh làm mất công của cô Minh. Cô ấy lặn lội…
- Xin lỗi, tôi bận.
Trần Phương cắt ngang lời vợ với vẻ mặt lạnh lùng. Rồi ông đứng lên, tìm cốc rót nướcl ạnh uống. Hai người đàn bà im lặng nhìn nhau. Cô phóng viên rút trong sắc ra một gói hạt dưa, cắn tí tách. Vợ ông đến tủ chè, gắp mơ ngâm từ lọ này sang lọ khác – cái công việc bà đã làm không mệt mỏi từ sảu bảy năm nay. Uống nước xong, nhạc sĩ quay lại bàn ngồi. Cô phóng viên nhìn ông với đôi mắt tô vẽ, đờ dại:
- Anh cứ gặp anh Lưu đi – Cô nài nỉ - Chỉ cần một buổi sáng thôi, mọi việc sẽ tốt lành, em đảm bảo với anh là như thế. Ở đời, đôi khi người ta cũng phải hạ mình một chút chứ! Em ngỡ rằng anh từng trải hơn em?...
Vợ ông cũng ngoái cổ lại, chêm vào:
- Làm sao có thể chọn tất cả những người cộng sự theo ý mình? Hoạ chăng có là kén vợ, kén chồng.
Trần Phương cúi đầu, một ý nghĩ gầm thét trong óc não:
“Chính cô, cô là sự kén chọn tồi tệ nhất mà số phận đã gieo xuống đầu tôi. Cô là sự nhầm lẫn kinh khủng nhất trong đời”
Bà Hoa không biết những ý nghĩ đang thầm lén nảy sinh dưới bộ tóc đen như lông quạ của chồng, bà tiếp tục thuyết phục ông:
- Anh thiếu lòng kiên nhẫn. Trong nghề ngoại giao, kiên nhẫn là đức tính số một. Không có điều kiện tiên quyết ấy không thể làm được việc gì. Hãy nghe em, đi gặp cậu Lưu đi. Tuần sau, người khoẻ hơn em sẽ lên gặp chú.
Cô phóng viên chìa tay ra:
- Đấy, anh xem: lực lượng ủng hộ anh mạnh mẽ thế cơ mà… Đừng cố chấp mà hỏng việc. Chỉ cần mềm dẻo chút xíu thôi, anh sẽ thắng.
- Cảm ơn cô, tôi bận.
Nhạc sĩ đáp, vẻ chán ngán lạnh lùng. Cô Ngọc Minh ngồi im lặng vài phút nữa rồi cáo từ. Trần Phương đứng dậy, tiễn cô xuống cầu thang. Giữa những bậc thang cót két, ông chợt thấy tim nhói lên đau đớn, nuối tiếc vật gì đó vừa tuột khỏi tay. Một con cá tươi rói quẫy xuống ao, một bông hoa rớt xuống dưới bánh xe, một cô gái đẹp bị tước đoạt... Cảm giác nuối tiếc xa xót tăng dần theo mỗi bậc thang đi xuống. Trần Phương dường như nghẹt thở. Một làn gió thốc từ dưới sân lên khiến ông rùng mình. Rồi ông chợt liên tưởng tới làn gió lạnh lẽo của phương Bắc mùa đông. Mình già rồi chăng?... Ý tưởng ấy nảy sinh như tia chớp, rạch nát cả bầu trời tâm tưởng. Và cùng với nó, niềm hối tiếc cuồng dại chồm lên như ngựa trong ông, hí những tiếng dài man rợ. Không, con tuấn mã đời ông không thể từ giã núi non sông hồ, đồng cỏ trong im lặng. Và ông không thể chìm trong bóng tối của lãng quên nhẫn nhục như thế này. Một lần nữa, chiếc Moscovic trắng lại lướt qua mắt ông. Gã lái xe mở sẵn cửa chờ. Bộ mặt gã khiến ông muốn điên lên: Nó trơ trơ, ù lì không sắc thái...
Tới chân cầu thang, cô phóng viên chợt thấy bàn tay nhạc sĩ đặt trên vai mình:
- Cô hãy thông báo cho cậu Lưu. Thứ ba, tôi sẽ lên.
Ngọc Minh ngoái lại nhìn ông, dường như ngờ vực. Khi đã hiểu, cô chụp lấy hai bàn tay ông mà lắc:
- Có thế chứ, không lẽ anh lại làm em toi công.
Trần Phương cười khẽ nói:
- Tôi quý cô, cô Minh ạ...
Rồi ông đứng đó, chờ cô đẩy chiếc Honđa 50 khỏi sân, nổ máy. Chiếc xe chở cô phóng viên cua nửa vòng tròn, rẽ ra đường. Trong nháy mắt, nó hoà lẫn vào dòng người đông đúc của phố xá. Tối nay là tói chủ nhật... Ông nghĩ vơ vẩn. Nhưng những ý nghĩ lông bông ấy không làm ông quên được nỗi hèn mọn vừa nhen lên.
- Mình làm sao thế này?... Thật ngớ ngẩn... Cái thằng Lưu ấy chỉ là một hòn sỏi dọc đường đi...
Nhưng ông vẫn bứt rứt, trạng thải của một khung trời chồng chất mây dông mà chưa tới lúc đổ mưa....
°
Bà Tòng là nhân vật quan trọng số một trong khu nhà này. Chẳng ai rõ bà ta từ đâu tới nhưng những chủ nhân đầu tiên của căn nhà này đều nói rằng bà ta đã tới ở đây sau họ vài ba tuần.
Ngày giải phóng thủ đô, toà biệt thự bỏ không được chia cho các cán bộ tiếp quản. Từ tháng đầu tiên, cô Tòng đã chiếm cứ căn phòng đầu hành lang. Lúc đó cô Tòng đã ba mươi mốt tuổi, cao một mét sáu mươi lăm và nặng bảy mươi ba cân. Hồi ấy, với chiều cao và sức nặng như thế, cô trở thành một con quái vật trước mắt lũ thanh niên. Dù là thứ trai ngổ ngáo nhất hay loại đàn ông dạn dày liều lĩnh nhất cũng phải đi qua mặt cô, len lét kinh sợ. Cô Tòng biết vậy, nên cũng không hoài hơi làm duyên, làm dáng với ai.
Năm qua tháng lại, chẳng mấy chốc cô Tòng đã tới tuổi về hưu. Cô vẫn khoẻ như vâm, nhưng ánh mắt trở nên đờ đẫn, hoang hoải. Bà Tòng mở hàng bán dưa cà muối, tương ớt, dấm, xì dầu. Buổi tối, bà rủ đám con nít chơi bài. Nếu thua, bà cho chúng vài hạt bỏng ngô, nếu thắng, à bắt chúng chơi nữa. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy phía sau người đàn bà hùng dũng hai tay xách hai xô nước đi veo veo lên cầu thang kia ẩn náu một thứ cỏ yếu mềm, trơ trọi, một nỗi buồn ngơ ngác như nỗi buồn của một con thú lẻ bầy trên sac mạc không hiểu mình sinh ra trên cõi đời để làm gì?... Giáo sư Lê là người đầu tiên nhận thấy điều đó. Ông bàn bạc với cán bộ khu phố, gợi ý mọi người bầu bà Tòng làm tổ phó phụ trách vệ sinh lẫn an ninh. Mọi người tán thành. Từ đó bà Tòng trở thành một nhân vật quyền thế số một của khu nhà. Bà phụ trách điện đóm, nước nôi, điều phối người trực nhật, đứng lên quyên góp tiền sửa sang công trình vệ sinh chung khi cần thiết… Mọi người càng ngày càng nể vì người công bộc sốt sắng hiếm có ấy. Lâu dần, họ đâm sợ hãi bà, kể cả giáo sư Lê. Không ai dám từ chối, trì hoãn, quên lãng việc trực nhật khi bà hộ pháp lừng lững tới trước cửa, chìa tấm bảng ra:
- Hôm nay đến phiên anh chị làm vệ sinh rồi đấy.
Trong kiếp sống đơn côi của bà, bé Ly là kẻ duy nhất rót vào tai bà những lời lẽ thơ ngây thỏ thẻ. Nó là kẻ duy nhất đưa bàn tay lên vuốt ve đôi má dăn deo và cái đầu to kỳ dị của bà. Vợ chồng Nguyên thường gửi bé Hương Ly cho bà trước khi họ đi làm. Cả hai người vẫn cố giữ một cuộc sống êm dịu với các gia đình xung quanh. Tấm rèm xanh cẩm thạch lọc một thứ ánh sáng tươi mát. Những bản nhạc du dương từ sau tấm rèm đó vọng ra. Và họ vẫn nói với nhau những lời trân trọng, ngọt ngào…
Nhưng hôm đó, khoảng mười một giờ đêm, bà Tòng mắc màn ngủ. Theo thói quen, bà tìm hai chùm chia khoá cùng chiếc bật lửa ga để dưới gối phòng sự bất trắc. Lúc ấy bà mới nhớ rằng một chùm khoá đã đưa cho bé Hương Ly chơi. Con bé hẳn đã bỏ vào túi quần và khi Nguyên tới đón nó, đã quên trả. Lập tức, bà chạy tới cửa phòng Nguyên:
- Cộc cộc cộc… Mở cửa cho tôi nào.
Tay gõ, miệng gọi. Vợ chồng Nguyên cùng nhỏm dậy:
- Vâng, cháu ra ngay đây…
Linh ngủ dưới chiếu, ngay sát cửa nên cô chạy ra trước mở cửa. Bà Tòng bước vào:
- Tìm cho tôi chùm chìa khoá. Chắc con bé bỏ trong túi.
- Vâng, bà chờ cháu một tí – Linh trả lời – Anh Nguyên, quần áo con vừa thay anh để đâu?
Nguyên ngồi trên giường, giữa chăn nệm thênh thang:
- Hình như… hình như anh bỏ trong chậu tắm…
Đôi mắt tọc mạch của người đàn bà độc thân đã nhận ra ngay điều đó. Bà liếc nhìn Nguyên và hỏi:
- Giường rộng thế sao không cho mẹ con nó ngủ chung?
- Dạ… dạ…
Nguyên bối rối, trong phút bất thần, anh không sao tìm được một câu trả lời phù hợp tình thế. Bà Tòng tiếp tục:
- Trẻ con non nớt lắm, để ngủ dưới đất thế này nhiễm chứng sưng phổi là mất cả một đống tièn đấy. Tôi báo cho anh biết…. Lúc đó, Linh đã tìm được chùm khoá, trở lại phòng:
- Mẹ con cháu thích ngủ riêng cho dễ thở.
Cô đỡ lời chồng. Người đàn bà độc thân ném một tia nhìn mù mờ về phía Linh và nói:
- Thích gì lạ thế cô?... Dễ người ta điên mà bỏ ra một đống tiền đóng giường, đóng phản… Thôi, tôi về đây…
Bà cầm chùm khoá ra về. Khi tiếng chân thình thịch xa dần rồi tắt hẳn trên hành lang. Nguyên và Linh mới dám nằm xuống. Họ không ngủ được. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ nhưng cả hai đều hiểu rằng họ sẽ không còn duy trì được cảnh sống vừa qua.
Đúng thế. Sáng hôm sau, bà Tòng bắt đầu mở cuộc điều tra qua bé Hương Ly:
- Sao cháu không ngủ trên giường với bố?
- Mẹ Linh cấm.
- Tại sao mẹ cấm?
- Cháu không biết.
- Mẹ nói gì?... Nhớ lại đi rồi bà mua cho thật nhiều bỏng.
- Mẹ bảo: Muốn ngủ với mẹ thì ngủ dưới chiếu này.
- Còn gì nữa?
- Rồi mẹ khóc.
- Khóc à?...
Bà Tòng nghĩ: Chắc chắn có chuyện. Thế mà họ kín thật. Nhưng cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra. Một niềm háo hức không cắt nghĩa được khiến người đàn bà độc trở nên lanh lẹn và tinh quái. Bà quyết khám phá cho được sự bí mật. Nghĩ đi, nghĩ lại hai hôm, bà tự nhủ:
“Trăm sự trong nhà do đàn bà mà ra cả. Ta xộc tới trường cô ả có khi tìm ra ngay cái tổ con chuồn chuồn…”
°
Sáng thứ hai, bà mặc bộ quần áo chỉnh tề nhất: Quần sa tanh đen vưói áo vét khuy bọc vải, cổ cán nhạn lai. Chiếc quần rộng bằng chất lụa mềm trơn và óng khiến bà giống đàn bà hơn chút ít. Nó che giấu cái vóc dáng đàn ông và cặp đùi hộ pháp rắn như sành. Bà búi tóc cẩn thận và đeo cặp kính lão chỉ dùng khi tính toán tiền nong, sổ sách. Xong, bà gọi xích lô, chễm chệ ngồi đi thẳng tới trường.
“Bà Tòng đi đâu mà oách thế nhỉ?...”
Dân trong khu nhà thì thào hỏi nhau, nhưng không ai trả lời được.
Chiếc xe tiến thẳng tới trường phổ thông X, nơi Linh dạy. Vì hôm đó là sáng thứ hai nên tiết học đầu tiên các giáo viên phụ trách lớp cùng học sinh lên hội trường chào cờ, nghe hiệu trưởng tổng kết tình hình tuần qua và nhắc nhở những việc cần chú ý vào tuần tới. Chiếc xích lô chở bà Tòng đỗ trước cổng trường. Bà Tòng bước thẳng vào phòng thường trực:
- Đồng chí cho tôi gặp hiệu trưởng.
Bà nói với người gác cổng bằng một giọng oai nghiê như chủ tịch quận nói với các cơ quan phụ thuộc.
Ông già gác trường vốn là người hiền lành, suốt đời chăm sóc vườn ươm cây cảnh cho Sở công viên thành phố vừa được về hưu và nhận chân thường trực ăn lương hợp đồng. Thấy một bà cao lớn, lừng lững như cái núi tiến đến, nói giọng vịt đực khàn khàn, và liếc nhìn mình qua gọng kính trắng, ông hoảng lên. Đoán chắc rằng trường vừa xảy ra một việc gì đó quan trọng lắm, và đây là nhân vật có quyền thế từ cấp trên cử xuống làm việc nên ông vội vã kéo ghế ngồi:
- Xin bà ngồi chơi ạ. Tôi sẽ đi gọi cô hiệu trưởng.
Bà Tòng ngồi xuống ghế, bắt chéo hai chân lại, và lập tức nghĩ rằng chính bà là một nhân vật quan trọng, đang làm một công việc quan trọng mà bà chưa làm được hết. Lúc đó ông già gác trường đang băn khoăn, đang giờ chào cờ, không lẽ vào gọi cô hiệu trưởng?... Ông xúc ấm, pha bình trà mới, tìm kế hoãn binh:
- Mời bà xơi nước.
Bà Tòng hài lòng: ông già bưng tách nước bằng cả hai tay, cẩn trọng đặt trước mặt bà. Xưa nay, chưa ai mời nước bà bằng cái vẻ cung kính như thế.
- Dạ, bà chờ cho ít phút thì quý hoá quá…
Ông già gác trường gãi tai:
- Trường chúng tôi đang giờ chào cờ. Cô hiệu trưởng bận.
- Được, tôi chờ được.
Bà Tòng đáp.
- Xin bà thông cảm.
Ông gác trường mừng rỡ nói thếm.
- Được, tôi thông cảm.
Bà Tòng bưng chén nước lên uống, đầu gật gù. Rồi, ngả người ra phía sau, chờ đợi. Ông già đi lại, thắc thỏm xem đồng hồ.
- May quá, hết giờ chào cờ. Mời bà ngồi chơi để tôi đánh trống rồi đi mời cô hiệu trưởng.
Ông hối hả đi ra. Tiếng trống vang lên. Lát sau, ông quay lại với nụ cười vồn vã:
- Mời bà ạ, cô hiệu trưởng mời bà lên văn phòng.
Bà Tòng đứng dậy, đi theo ông. Họ qua mảnh sân rộng, nơi lũ học trò nghịch ngợm, hò hét như bầy quỷ sứ. Sau đó, ông gác trường đưa bà qua thang gác lên tầng hai:
- Ngay phòng đầu, xin mời bà vào.
Ông nói, rồi quay xuống ngay. Bà Tòng sững lại một giây, rồi bước đi với dáng tự tin, hùng dũng thường ngày. Cánh cửa phòng mở rộng, hắt sáng loang loáng. Một thiếu phụ ngồi phía sau bàn làm việc đứng lên.
- Chào bà.
Chị nói, miệng nở nụ cười khiêm nhường.
- Chào cô.
Bà Tòng gật đầu chững chạc. Rồi không đợi mời, bà ngồi xuống ghế:
- Tôi công tác chính quyền.
Bà từ giới thiệu:
- Tôi tới đây vì chuyện gia đình cô Linh.
Nét mặt chị hiệu trưởng hiện lên vẻ bối rối. Người đàn bà độc thân thấy ngay điều ấy: Chắc chắn cô ả có chuyện rồi. Họ định bao che cho nhau. Trong đáy mắt bà chợt loé lên những tia sáng tinh ranh:
- Tôi biết cô cũng nghĩ như chúng tôi: Mọi người đều có nhiệm vụ giữ gìn phẩm chất cho các cán bộ cách mạng.
- Vâng.
Chị hiệu trưởng đáp một cách máy móc. Bà Tòng nhìn chị chằm chằm và nói thêm:
- Gia đình cô Linh có những hiện tượng chính quyền phải quan tâm. Tôi đề nghị cô cho biết ý kiến?
Những lời lẽ cứng rắn của bà Tòng khiến chị hiệu trưởng hoang mang: Chị đã từng tiếp xúc với những người đàn bà giống như bà: Những người đàn bà có một lô kẹp sáng loáng trên đầu, mở miệng là nói chuyện chính trị hoặc đạo đức, luôn luôn muốn rèn giũa, giáo dục người khác. Kinh nghiệm cho chị thấy đám đàn bà này thiếu tri thức nhưng lại thừa lòng ham muốn uy quyền. Khi định làm điều gì đó họ sẽ làm điều đó cho được, dù phải dùng những biện pháp phi lý và sự tàn nhẫn. Chống lại họ tức là húc đầu vào đá.
Kim Anh yêu Linh, Linh trung thực, cô bộc cộ cả những yêu điểm lẫn những khiếm khuyết của bản thân hồn nhiên tới mức không một bạn đồng nghiệp nào nỡ hằn thù, đố kị. Mặc dù cô là giáo viên dạy văn nổi tiếng toàn khu vực, từ tay cô rất nhiều học sinh giỏi đã đoạt về cho trường những giải thưởng của thành phố và toàn quốc. Sự trục trặc giữa vợ chồng cô, và mối tình giữa cô với nhạc sĩ danh tiếng Trần Phương, mọi người đều biết. Có người khuyên giải cô bóng gió, có người im lặng một cách thận trọng, nhưng không ai nỡ bêu riếu hoặc xỉ mắng Linh. Người ta không thể hiểu nguyên do nhưng họ tin rằng mọi hành động cũng như lầm lỗi của cô không bao giờ bắt nguồn từ những dục vọng tăm tối...
Tuy nhiên lúc này, trước những lời lẽ gang sắt của một người đàn bà chưa hề quen biết, Kim Anh bối rối.
- Thưa bà, bà muốn yêu cầu chúng tôi điều gì?...
Kim Anh vừa hỏi vừa nghĩ cách đối phó.
- Muốn các đồng chí tìm hiểu rõ sự thật để giúp đỡ cô Linh.
Kim Anh di ngòi bút trên trang giấy. Chị chợt nghĩ: Bà ta là ai nhỉ? Bà ta có chức trách gì? Và cớ sao mình lại phải thoả mãn những đề nghị đó?... Nhưng nhìn đôi mắt gườm gườm của mụ sau cặp kính, chị lại không cất được lời. Nghĩ một lát, chị đáp:
- Chúng tôi biết gia đình anh chị Nguyên có mắc mớ nhưng chưa rõ nguyên nhân nên chưa thể kết luận. Theo tôi, còn phải có thời gian theo dõi.
Nói xong, chị thấy đó là cách trả lời khôn ngoan nhất. Chị nói thêm, nhấn từng chữ:
- Trách nhiệm với sự hiểu biết chỉ cho phép tôi nói với bà như thế thôi.
Bà Tòng ngồi vài giây, im lặng nhìn cô hiệu trưởng. Sau đó, bà đứng lên, buông thõng một tiếng:
- Được rồi.
Đoạn, không cần chào cô hiệu trưởng, bà quay đi.
Tối hôm ấy, sau khi ăn xơm xong, bà tới gõ cửa phòng vợ chồng Nguyên:
- Cho tôi vào nào.
Nguyên và Linh vừa ăn cơm xong, chưa kịp dọn bát đũa. Họ vừa hối hả thu vén, vừa pha nước. Bà Tòng cất tiếng hỏi:
- Con bé đâu rồi.
- Cháu xuống ông bà ngoại.
Nguyên đáp.
- Ờ… ờ… ông bà ngoại nó ở đâu nhỉ? Lâu nay tôi không hỏi.
- Ông bà ngoại mất từ khi mẹ cháu còn nhỏ. Nhưng ông bà trẻ ở dưới chèm.
- Ờ…
Bà Tòng gật gù, đặt hai tay lên bàn. Vài giây sau, bà bất chợt chuyển giọng:
- Anh Nguyên, chị Linh này, tôi có chuyện muốn nói với anh chị.
Nguyên đang lúi húi rót nước. Linh rửa tay ngoài phòng tắm. Họ bắt đầu khó chịu vì cái giọng quyền uy của người hàng xóm nhưng vẫn tới bàn ngồi.
- Gia đình anh chị đang có chuyện bất hoà. Khu nhà này xưa nay là khu nhà kiểu mẫu trong khối phố, được nêu gương gia đình văn hoá mới và nhận cờ luân lưu của Uỷ ban thành phố tặng. Việc xảy ra trong gia đình anh chị nhất định rồi sẽ ảnh hưởng tới thành tích chung. Vì thế, tôi muốn anh chị nghiêm khắc đấu tranh với những sai lầm của nhau để…
Khi bà Tòng bắt đầu nói, Nguyên chăm chú nhìn vào bộ mặt rắn như đá của bà. Nhưng lúc đã hiệu mọi chuyện, mắt anh bỗng dưng vằn lên. Một nỗi tức giận không cắt nghĩa được ập tới, Nguyên không giữ được sự bình tĩnh vốn có ngày thường, anh đứng phắt dậy, phác một cử chỉ mạnh để cắt ngang lời người hàng xóm:
- Không có chuyện gì xảy ra trong gia đình chúng cả. Và không có ai có quyền yêu cầu chúng tôi điều gì hết.
Bà Tòng ngồi lặng. Bà không tìm được phản ứng. Chóp mũi sưng tía lên, người đàn bà ưa quyền uy cảm thấy uất ức vì sự bất lực của mình, vì lòng từ ái được ve vuốt lâu nay bị xúc phạm và cả vì nỗi hoảng sợ trước một sức mạnh mà bà không thể khuất phục.
- Tôi… tôi làm mọi việc vì lợi ích chung…
Sau một lát lúng túng, bà cất tiếng nói lắp bắp và đứng lên, Nguyên cũng đứng lên chờ đợi người hàng xóm ra về, mắt anh lạnh như nước đá. Bà Tòng ra khỏi phòng, nện những bước chân vĩ đại trong hành lang. Những âm thanh nhỏ dần, ròi tắt hẳn sau tiếng sập cửa.
Căn phòng trở lại yên tĩnh. Nguyên quay lại, những thớ thịt hai bên gò má run run:
- Thế nào, cô đã sung sướng chưa?
Người đàn bà im lặng nhìn chồng.
- Thế nào?
Nguyên nhắc lại, giọng đay nghiến. Anh nhìn vợ vừa đớn đau, vừa hờn tủi và xa xót. Và phía sau tất thảy những tình cảm đó là lòng ước muốn âm thầm: Hãy trở lại với anh, anh tha thứ và chờ đón em bất cứ lúc nào. Đối với em - cuộc đời còn dông gió nhiều lắm – đưng phiêu lưu nữa, hãy trở về mái nhà ấm áp của chúng mình…
Giá như Linh có thể đọc được những ý nghĩ của chồng. Nhưng cô đã trân trân nhìn lại anh, không run rẩy, khôg bối rối, không chút mặc cảm tội lỗi. Đôi mắt nâu lộng lẫy của cố gắng chói lên, hằn học và khinh bỉ. Nguyên bị gắn chặt vào đôi mắt ấy, anh thấy rõ từng cái rung động khe khẽ của làn mi. Anh thấy cặp má mịn màng với vài nốt tàn nhang li ti, món tóc bên tai trái và mụn ruồi nơi chân tóc… Những hình ảnh quen thân ấy khua động tình yêu bị vùi lấp ở trong anh - một tình yêu cuồng si cả ức não cùng thân xác. Tình yêu ấy của một chàng trai hai mươi, của một người đàn ông từng trải và dạn dầy nhẫn nhịn, của cả một ông già sáu mươi tám tuổi mai sau - người đã mất hết mọi dục vọng lẫn những khả năng tìm đến dục vọng. Cái tình yêu đa diện ấy gào thét trong anh, sau ột quãng thời gian trống vắng, sau nhiều đêm hy vọng mỏi mòn, sau nhiều ngày chờ đợi…
- Tôi căm thù cô.
Anh gầm lên trong cổ họng. Rồi ghé sát miệng vào tai Linh, anh trút những lời độc địa:
- Nếu tôi lấy một người đàn bà khác, tôi sẽ hạnh phúc bao nhiêu?
Giây phút ấy, hình ảnh người đàn bà chèo đò dọc sông Thương hiện lên trong trí não anh, với tiếng mái chèo nhẫn nại quạt nước, với dáng vẻ và những lời lẽ khiêm nhường…)
- Nếu tôi lấy một người đàn bà khác…
Nguyên nhắc lại, gần như nghẹn ngào:
- Người ta cần gì ở tôi cơ chứ?... Tôi có phải là một người chồng chung thuỷ không? Tôi có gánh vác gia đình và làm tròn mọi bổn phận không? Tôi có biết tu thân, sống nghiêm chỉnh và cư xử tử tế với những người xung quanh không?... Cô còn muốn những gì?
Linh hất tóc, cô giận dữ đẩy Nguyên ra và đáp lại với anh một giọng không kém phần tàn nhẫn:
- Anh là một kẻ dối trá. Kẻ dối tra có ý thức và vì lợi ích cá nhân còn đáng khinh bỉ một trăm lần hơn những người nói dối vì mắc thói huênh hoang hay sĩ diện. Anh có thể lấy bất cứ người đàn bà nào thích hợp với anh. Tôi không hề có ý định cản trở.
Cô mở ngăn kéo, lấy tờ giấy trứng, cây bút bi:
- Kết cục ắt hẳn sẽ như thế này. Tôi chưa hề dối anh điều gì cả. Tôi đã nói từ lâu rằng tôi không còn yêu anh nữa và không muốn sống ở đây. Nhưng chính anh cầu xin tôi ở lại...
Cô đặt bút viết rất nhanh dòng chữ: Đơn xin ly hôn...
Nguyên đứng lặng đi. Cơn điên giận đã rút xuống như thuỷ triều buổi sớm. Anh nhìn dòng chữ nghiêng trên tờ giấy trắng, lòng giá lạnh. Và ngay tức khắc anh nhìn thấy cảnh hai bố con côi cút sống trong căn phòng thênh thang này, nơi mỗi viên gạch men xanh hoặc men trắng đều nhắc nhở đến bàn chân Linh, đến màu quần cô mặc, mỗi chiếc đinh đóng trên tường đều gợi lại từng kiểu mũ cói cô thường đội, một chiếc ghế tựa cũng sẽ khiến anh nhớ lại chiếc áo rét có đai rộng kèm theo hai dãy khuy trước ngực hoặc chiếc blouson màu mận chín, khu trắng óng ánh như ngọc tria. Rồi những bữa cơm buồn tẻ, vội vã. Rồi những ngày chủ nhật dằng dặc trôi qua... Có ghĩa gì một cuộc đời như thế. Có nghĩa gì chuỗi ngày đơn điệu, chán ngắt, những cuộc giao tiếp mệt mỏi... Nếu không có cô, ánh đèn xanh lọc qua tấm rèm kia sẽ chẳng còn chút quyến rũ nào với anh sau những chuyến đi. Nếu không có cô, hay nói đúng hơn là hy vọng vãn hồi tình yêu của cô, sẽ chẳng còn gì thúc đẩy anh khi mỏi mệt, chẳng còn gì tựa đỡ khi anh loạng choạng trên những con dốc trơn trượt của cuộc đời. Xét cho cùng, Linh vẫn cứ là cái phần tốt đẹp nhất mà anh hình dung được, cái điểm lấp lánh mà người ta không ngừng ngưỡng vọng vì nếu mất nó - tất cả sẽ còn là màn sương huyễn hoặc thả khói mù xuống cánh đồng mỗi ban mai. Anh hiểu hơn ai hết, cái chất pha lê đã cấu tạo nên tâm hồn người đàn bà đó. Anh cũng hiểu rằng cô say mê Trần Phương cũng vì muốn tìm kiếm những khát vọng tinh thần... “Nhưng em sẽ thất vọng thôi, cô bé thơ ngây và tàn nhẫn ạ... Giá mà em được nghe những chuyện cô Phượng đã nói với anh. Giá mà em...” Nguyên thầm nói. Trong khi Linh viết hết dòng này tới dòng kia. Trang giấy đã gần kín hết chữ. Tay Linh không hề run rẩy, cô đẩy những nét bút như người xới cỏ dại trong vườn. Nhưng khi hết trang giấy, cô bỗng ngước mắt lên. Và anh thấy đôi mắt cô đầy nước. Người đàn ông lại nhìn thấy cơn đau nhói lên, như lưỡi dao đâm từ cuống phổi xuống tận mạn sườn. Nỗi đau nhục thể ấy làm anh ứa nước mắt:
- Đừng viết nữa đi em.
Anh kêu gọi, nắm tay cô lại. Linh ném cây bút xuống bàn, gục đầu khóc. Nguyên ngồi xuống bên vợ, lặng lẽ khóc theo. Nước mắt lặng lẽ tràn vào khoé miẹng anh, mặn như muối. Trong khoảng thời gian ấy, những tiếng động phố xá ùa vào căn phòng. Tiếng lũ trẻ cười cợt, tán róc và văng tục. Tiếng gõ túc tắc của hàng quà rong đêm, tiếng rì rào của những vòm cây đang thời xanh lá... Những âm thanh dịu dàng, mời mọc con người yêu thương nhau, tha thứ cho nhau và khơi gọi quãng đời yên ấm. Những âm thanh xui khiến một người đàn bà tìm lại những kỷ niệm thời con gái và khiến cho những kẻ sắt đá cũng mềm lòng. Nguyên gục đầu xuống vai Linh, nước mắt anh thấm vào áo cô ướt lạnh:
- Ở lại với anh.
Người đàn bà nức nở. Nhưng hồi lâu, cô đứng lên rút khăn lau nước mắt:
- Em phải đi.
- Đừng.
- Tình thế này em phải đi thôi... Mà rốt cuộc, kết cục sẽ phải như thế.
Nguyên nắm chặt tay vợ. Cô nhìn thẳng vào mắt chồng. Từ ngày tình yêu mất đi, đấy là lần đầu tiên cô nhìn vào mắt anh với vẻ bình thản lạ lùng như thế: Không hờn oán, không thù ghét, không khinh khi, chỉ có một nỗi buồn mênh mông và trong đó người ta thấy rõ một thành trì đã đổ vỡ, đã tàn lụi, khôgn còn xây lại được...
- Thôi, để cho em đi.
Cô nhắc lại, khẽ khàng rút tay khỏi bàn tay Nguyên.
- Mặc kệ thiên hạ, ở lại đây với con.
- Em thương con, nhưng em cũng không thể chịu đựng một cảnh sống giả trá, để người ngoài khinh khi, dị nghị.
Im lặng, Nguyên không đáp. Linh nhắc chồng:
- Anh ký vào đơn cho em.
- Không.
Nguyên đột ngột gầm lên trong họng. Mặt anh trở nên hung dữ, cau có:
- Anh không phải là một người ưa phiêu lưu tình ái. Anh không thể mất em.
- Nhưng em không thể yêu được một người đàn ông em không còn kính trọng.
Nguyên ngẩng đầu lên:
- Thế em tìm thấy những gì đáng kính trọng ở cái ông nhạc sĩ hơn em hai mươi bốn tuổi đời?
Linh quắc mắt lên. Giống như con gà mẹ xù lông ra bảo vệ bầy con, cô lồng lên để bảo vệ người tình của mình:
- Anh không có quyền đụng tới ông ấy. Ông ta không phải thứ người bán rẻ lương tri và phẩm cách vì niêu cơm của mình như anh và các đồng nghiệp của anh.
Nguyên bỗng nhăn nhở cười:
- Đúng rồi, tát cả mọi người đều không thể so sánh với vị thánh, với vị anh hùng trong tim em, phải không?
Anh nói như một tay kép cải lương đọc vở. Linh nhìn trừng trừng vào anh, gần như hét lên:
- Ganh ghét là thói đê tiện nhất của con người.
Nguyên nhìn gương mặt rừng rực căm uất của vợ, anh thấy cô còn nguyên vẹn cái vẻ nồng nhiệt của một thiếu niên mười sáu và bởi thế, vẻ đẹp của cô càng mãnh liệt hơn. Anh thôi cười nhạo báng, hạ giọng:
- Linh, anh xin em. Đừng ảo tưởng vào bất cứ thần tượng nào. Anh là đàn ông và anh hiểu tim đen của tất cả những gã đàn ông.
Những lời lẽ nhiệt tình của anh khôg còn mảy may giá trị nào vào lúc đó. Ngược lại, nó nhấn anh thêm lần nữa vào vũng lầy của sự khinh ghét trong Linh. Cô nhếch mép cười:
- Anh hèn lắm.
Nguyên đau, nhưng anh cố nói thêm câu nữa:
- Thế hình ảnh đích thực của ông nhạc sĩ ấy là gì?
Linh nhìn thẳng vào mắt chồng, ngạo nghễ và kiêu hãnh buông từng tiếng một:
- Ông ấy là một kẻ sĩ của thời nay.
- Ha ha ha…
Nguyên bật cười. Và chợt nhớ rằng âm thanh ấy khiến người xung quanh dị nghị, anh đưa tay lên che miệng. Gương mặt anh chìm vào bóng tối. Trong lúc những tia lửa của lòng căm giận, của nỗi cay đắng không thể xoa dịu và cứu gỡ, của tình yêu bị chà xát và dồn nén bùng lên trong đáy mắt.
Lẽ ra, Linh phải tìm hiểu nguyên nhân do tiếng cười ấy, phải ngờ vực trước những hành động dị thường ở một người đàn ông vốn trầm tĩnh như Nguyên... Nhưng cô đang yêu, đang mù loà và bất công tột độ vứoi anh. Bởi thế, tiếng cười của anh chỉ gây cho cô một phản ứng tồi tệ, giơ tay lên, cô phác một cử chỉ khinh miệt và nói:
- Thằng điên.
Rồi xếp quần áo vào valy, cô đi ngay. Lúc ấy, đồng hồ chỉ mười một giờ ba mươi lăm phút.
Nguyên nghe tiếng chân Linh tắt dần ngoài cầu thang. Cái tiếng động tiêng biệt từ nhiều năm đã in vào trí nhớ thính giác anh, cái phần nhỏ không thiếu được để tạo nên cuộc đời. Người đàn ông đốt một điếu thuốc hút. Thuốc cũng đắng ngắt. Vô nghĩa quá... Anh đi lòng vòng quanh phòng và cuối cùng, lại ngồi xuống chiếc ghế còn ấm. Nước mắt tràn qua mi, lặng lẽ lăn qua đôi gò má, nguôi dần rồi bò xuống cằm... Tại sao Linh tàn nhẫn thế với anh? Kẻ cuồng tín bao giờ cũng độc ác và tàn nhẫn. Linh đã dựngl ên một thần tượng trong anh và cô chỉ yêu thần tượng ấy thôi. Khi họ yêu nhau, cô hay mặc chiếc sơ mi lụa trắng, cổ lá sen tròn có đính nơ. Mắt cô ngước nhìn anh giống như mắt nằng Têrễa hay Anna xứ đạo ngước nhìn cha bề trên. Lúc phát hiện những khiếm khuyết trong anh, cái thần tượng rơi xuống sàn xi măng vỡ tan và cô đã quay lưng đi không cần suy nghĩ... “Có lẽ, yêu một người đàn bà như cô là tai hoạ. Có lẽ, cô không có những khả năng cần thiết để đem tới hạnh phúc cho một người đàn ông bình thường và sự chia rẽ hôm nay là tất yếu...” Nguyên nghĩ... Nhưng chính trong lúc ấy, anh thấy đôi mắt nâu long lanh của cô. Anh biết rằng Linh đã và sẽ không bao giờ phạm phải những thói tật mà những người đàn bà khác thường mắc: Cô chưa bao giờ sử dụng nhan sắc để vụ lợi, cô không biết gian dối, vụng trộm, không biết che giấu bất cứ khuyết tật nào, không biết đóng bất cứ một thứ trò gì để đạt tới mục đích - thứ tính khả ố nhất trong các tính xấu của đàn bà... Điều khủng khiếp nhất là anh vẫn yêu cô. Nói đúng hơn, yêu dữ dằn tha thiết hơn, như nhân loại yêu mặt trời trong những ngày gió bão.
Nguyên tì cằm vào lòng bàn tay. Anh thương tân. Hồi nhỏ, anh là một chú bé nhút nhát, yếu đuối. Trên anh, có hai người anh trai và dưới anh có hai cô em gái. Anh không phải là đứa con lớn để bố mẹ nể vì, tin cậy cũng không phải là đứa con nhỏ để được hưởng sự chiều chuộng trong gia đình. Anh là con số trung bình trong cái cộng đồng bé nhỏ ấy. Mỗi lần được chia quà, anh thường nhấm nháp dè sẻn. Bao giờ, anh cũng là đứa cuối cùng còn lại miếng bánh đa, vài cái kẹo đã bắt đầu chảy trog lòng tay hoặc nắm lạc luộc. Lúc ấy, hai ông anh trai vừa tới gạ ăn vừa giơ quả đấm. Nếu không, cô em út gào lên đòi. Và mẹ anh, bù đầu vì trăm thứ việc, liền quát:
- Thôi, nhường cho nó...
Cái mặc cảm về sự thiệt thòi ấy theo đuổi Nguyên từ bóng tối xa xăm của thời thơ ấu, khi mọi ý nghĩ chưa hình thành. Trở thành một chàng trai, anh đã chiến thắng nó bằng nghị lực của chính anh. Những thành công sớm tới trên đường danh vọng đã xoá đi, suốt một thời gian dài, hình ảnh chú bé lên năm bị tước đoạt quyền lợi đứng dưới gốc ổi cằn mà khóc. Những dòng nước mắt tuổi thơ bao giờ cũng nóng và mặn hơn thứ nước mắt kẻ đã thành niên. Nó để lại trong trí nhớ ta những xót xa. Giờ đây, nỗi xót xa ấy trở lại với anh. Nguyên lại thấy mình là đứa bé trơ trọi, bị cướp đi miếng bánh trên tay, bị bỏ rơi giữa bốn bức tường lạnh lẽo này... Và rồi, anh bỗng dây lên một ước muốn điên cuồng: Anh muốn được trở thành đứa bé chập chững men theo thành giường. Lúc đó, mẹ sẽ yêu thương, bù trì cho anh nhiều nhất. Bà sẽ dành cho anh lời hát ru chứ không phải những cái gắt gỏng, bà sẽ ve vuốt, sẽ hôn hít mái tóc anh, sờ nắn không chán cặp chân anh mỗi lần anh vấp ngã và bồng bế giờ lâu lúc anh nhíp mát lại vì buồn ngủ. Cái ảo giác thắm thiết, dịu dàng đó lôi cuốn người đàn ông. Anh vùng đứng dậy, lấy xe đạp, ra hành lang. Sau khi khoá cửa, anh đạp xe tới nhà bố mẹ đẻ.
Nhà Nguyên ở ngoại ô, phải hơn một giờ sau anh mới tới. Các cụ đã đi ngủ, lại lục tục trở dậy bạt đèn, đun nước pha trà uống. Tuy năm đứa con, lúc về già cũng chỉ hai ông bà sống với nhau. Các con đều đã có gia đình riêng, ở cách nhau vài ba trăm cây số. Cuối cùng, chỉ còn Nguyên ở lại Hà nội và bé hương Ly là đứa cháu gần gũi nhất với ông bà.
- Hương Ly ngủ say lâu rồi, con đã ăn cơm chưa?
Bà mẹ nhìn đôi mắt thâm quầng của con trai, và cất tiếng nói.
- Con ăn no rồi mẹ ạ
Nguyên đáp, giọng khàn khàn. Lúc đạp xe tới đây anh nghĩ rằng anh sẽ nhào vào lòng mẹ, sẽ gục đầu lên vai bà, sẽ nức nở nói với bà những thua thiệt đớn đau anh phải gánh... Nhưng bây giờ, anh hiểu rằng anh không thể làm như thế. Một sức mạnh vô hình nào đó ngăn trở anh. Cái sức mạnh vô lý của thói quen, của sự xơ cứng những cảm xúc mà người ta đã nhiễm phải từ khi từ giã tuổi thơ.
- Vào nhà đi con, rồi mẹ lấy hồng xiêm cho mà ăn. Dạo này, sao mày hốc hác thế?...
Không sự trớ trêu nào hơn một đứa con thèm muốn ngả đầu vào lòng mẹ mà không dám thực hiện. Nguyên cứ đứng đờ dại trước khuôn cửa, nhìn mẹ xăng xái pha nước, gọt hồng xiêm cho anh. Và lúc đó anh mới thực sự hiểu rằng nỗi tiếc nuối tuổi thơ thật xa xót và da diết. Tuổi thơ của con người cũng giống như tình yêu của họ. Nó là lâu đài bằng pha lê, khi đã vỡ không bao giờ còn hàn chắp được.
°
Mặt trời giống như quả cầu bạc treo lơ lửng giữa đường rèm xanh của núi non với những đám mây. Vào dịp này, những đám mây trắng tuyệt đẹp thường lững thẵng trôi qua không gian, để cánh chim bay trở nên huyền ảo và trái tim con người trở nên xa vắng. Gió dường như nặng hơn, ấm mùi vị phù sa. Trần Phương ngắm nhìn khung cảnh quen thuộc, vui vẻ và trống rỗng. Ông không nghĩ gì hết. Cảm giác ngọt ngào làm tràn đầy tâm hồn ông. Cầm bàn tay người yêu, ông nói:
- Gia đình anh là địa ngục. Chỉ những phút gần gũi em anh mới được sống cuộc sống thực sự của con người.
Linh im lặng.
Nhạc sĩ ve vuốt những ngón tay khác.
Những chiếc móng được tỉa tót, hình hạnh nhân hoặc hình trái đào, sơn hồng hoặc sơn nhũ đỏ, tím sen hay da cam?... Linh không giống bọn họ. Cô không hề có ý thức vè sức mạnh đàn bà của bản thân, cô không mài giũa nó như thợ kim khí chuốt nhọn lưỡi dao để hạ địch thủ ngay từ phút đầu tiên. Những ảnh hình của họ xoá nhoà bởi gương mặt xinh đẹp tươi mát của Linh. Cô là sứ giả của những vườn hoa cam thời trai trẻ, ngọn gió trong lanh chưa nhuốm những hằn thù, thất vọng và chua cay.
- Anh muốn viết một bản nhạc tặng em.
- Không, không...
Cô từ chối, mặt đỏ bừng vì hổ thẹn. Sao lại có một người đàn bà khiêm nhường như thế?... Những người đàn bà đã đi qua đời ông giống như một bầy thú ranh ma và tham lam. Tất thảy đều đòi phần của mình: “Anh viết cho em một bản nhạc nhé... Thật hay vào cơ...” Tất cả đều muốn leo qua bẩy nốt nhạc của ông để tới cây cầu thang danh vọng. Tất cả đều hám danh tới ngu độn... Ông đã hứa hẹn, và ông đã viết cho họ những bản nhạc, những bài hát tởm lợm đến nỗi chính ông lại muốn xé chúng đi tống vào sọt rác. Còn Linh, tâm hồn thơ ngây và bản tính khiêm nhường của cô khiến ông lay động giống như buổi ban mai, khi ông quên đi mọi cay đắng, mở khuôn cửa để nhìn những cành roi trắng xoá in lên khung trời, để chìa tay hứng những giọt nước mát lạnh rơi xuống, nghe muôn vàn âm điệu xôn xao như tiếng chim hót từ một khe núi xa vẳng tới. Từng lớp âm thanh xô đến, trùm phủ ông như ngọn thuỷ triều. Ông đã gần như ngạt thở dưới sức nặng của nó. Mắt ông mờ đi và toàn bộ các giác quan của ông chỉ còn cảm nhận được những sóng âm đang chuyển động, giống như bầy chim đa sắc giữa sương mù, mỗi lúc một rõ dần dưới ánh sáng rạng đông. Các giai điệu đã hình thành, và ông cần được giải thoát khỏi sức nén của ngọn thuỷ triều thần bí ấy.
Linh thấy Trần Phương vùng đứng lên, ngạc nhiên hỏi:
- Anh làm sao thế?
Ông hôn nhẹ lên trán cô:
- Anh muốn tặng em một món quà.
- Không, em không cần - Người đàn bà phản đối – Em chỉ muốn bù lại những thua thiệt cho anh.
Nhạc sĩ nao lòng, ông dừng lại chăm chú nhìn cô hồi lâu và nói:
- Em tốt quá, trên đời này chỉ có em thương anh đến thế... từ ngày mẹ và bà nội anh mất đi...
Đôi mắt ông tối sầm lại, làn môi tái nhợt. Trong giây phút, gương mặt ông hiện lên nỗi sầu thảm của đứa bé bị đầy ải, lẻ loi đi giữa cuộc đời.
Thời gian trôi êm ả trong im lặng. Ngoài ô cửa, những cơn gió ào tới đem theo hương vị sông Hồng. Mùi phù sa, mùi những thân ngô vừa cắt, hơi nước mát... Họ cùng nhau nhìn thấy một cánh buồm nhỏ trên viền diệp lục, lặng lờ trôi.
Trần Phương bảo Linh:
- Chúng ta chỉ còn nửa giờ sung sướng nữa ở vùng ngoại ô này. Nhưng anh xin em chờ anh một lát. Chúng ta sẽ có một kỉ niệm đẹp cho ngày hôm nay...
Ông ngồi xuống bàn, và bắt đầu viết như lia những nốt nhạc trên khuông nhạc kẻ tay ngoằn nghèo. Mười lăm phút sau, nhạc sĩ đứng dậy:
- Chúng ta trở về, anh muốn thử hiệu quả trên đàn dương cầm.
Mặt ông tái nhợt vì xúc động. Rồi họ cùng nhau trở về thành phố, quên rằng mình là những tình nhân vụng trộm. Ông, vì say sưa với tác phẩm. Và cô, vì kiêu hãnh bởi tình yêu. Họ về vừa lúc thành phố lên đèn. Mảnh sân vắng ngổn ngang lá rụng. Ông già thường trực đang ăn cơm, nghe Trần Phương gọi vội đặt bát cơm xuống mâm, lên mở cửa phòng biểu diễn. Khi cánh cửa vừa mở, nhạc sĩ lao vào phòng, quên nói với người lao công một lời cảm tạ. Ông đàn cho cô nghe. Tiếng dương cầm thánh thót tràn ngập căn phòng, làm rung động các tấm cửa kính và những rèm che gió bằng nhung đỏ. Có lẽ, đó là bản nhạc hay nhất trong mười năm sáng tác của nhạc sĩ. Khi hợp âm cuối cùng rung lên rồi dần tắt, ông sững sờ hồi lâu. Và ông quay lại:
- Em là ân nhân của anh. Nhờ em, anh viết được bản nhạc này.
Linh im lặng.
Nhạc sĩ bước tới, quỳ xuống hôn đôi chân nhỏ và cặp gối tròn đầy như gối một đứa bé. Da thịt ấm nồng và thân thiết của cô toả mùi thơm dịu nhẹ. Người đàn ông nhắm mắt lại, tận hưởng giây phút thần tiên. Chợt, cánh cửa phòng xịch mở, ông già thường trực bê lên một ấm trà nóng với hai chiếc tách nhỏ.
- Mời thủ trưởng xơi nước.
Ngay tức khắc, Trần Phương đứng phắt dậy, phác một cử chỉ quyền thế:
- Để đấy cho tôi, cảm ơn bác.
Rồi quay lại nhìn Linh, ông hỏi bằng một giọng thản nhiên, đầy vẻ bề trên:
- Như thế đấy, cô đã hiểu hết tinh thần bản nhạc chưa?
Phương Linh đờ người. Có lẽ cô chưa bao giờ lâm vào tình trạng đó, cũng chưa bao giờ cô ngờ rằng có lúc ông xử thế với cô như vậy. Linh lắp bắp mãi không thành lời. Nhạc sĩ đã rảo bước trong phòng, với dáng đi của một lãnh chúa, đầu ngẩng cao, buông từng tiếng:
- Cô phải nhớ kỹ tinh thần bản nhạc. Tôi sẽ không dễ tính với bất cứ người nào cẩu thả và kém thông minh trong nghệ thuật...
Cô im lặng. Và sau một tích tắc, ông nhấn mạnh:
- Sao, tôi có cần nhắc lại không?
Đến lúc này, Linh đã đủ tỉnh táo để hiểu màn kịch, cô đáp:
- Vâng, nhớ rồi ạ...
Ông già thường trực dường như không chú ý tới mọi việc quanh mình. Ông lau kỹ bàn nước với mảnh giẻ gài phía sau tấm tranh sơn dầu treo tường. Sau đó, ông đặt bộ ấm chén, rót nước sẵn ra hai chén rồi lầm lũi đi ra. Khi tiếng chân ông ta hoàn toàn tắt hẳn trong cầu thang, Trần Phương đi tới bên Linh, đặt tay lên vai cô:
- Em tha thứ cho anh nhé. Chuyện vặt trong đời.
- Vâng.
Cô đáp. Nhưng nỗi buồn thoáng lên qua tâm trí: Sao ông đóng kịch thành thục thế? Không một giây bối rối… Và khi nghiêm nét mặt nhướng đôi mày dài rậm lên, trông ông tàn nhẫn quá. Một người có thể có nhiều vẻ mặt. Nhưng hình như ông mang nhiều gương mặt trong một khoảnh khắc. Hình như, có luồng sáng đa sắc ở nơi thẳm sâu nào đó trong ông, rọi chiếu lên ánh mắt, nụ cười và biến đổi ông như màu sắc của ngọn đèn xoay iến đổi cảnh trí trên sân diễn.
- Chết thật, bẩy giờ bốn mươi lăm phút rồi…
Nhạc sĩ xem giờ và bất chợt kêu lên. Họ dự định chia tay vào lúc sau rưỡi… Người đàn bà, trong cơn buồn chán, bỗng nhiên cáu giận:
- Vậy, anh về trước đi.
Nhạc sĩ nhìn cô cười, mềm mỏng:
- Em đừng giận dỗi, anh lo cho em thôi. Còn anh…
Ông nhún vai, phác một cử chỉ bất cần. – Anh có còn gì nữa đâu? Anh là một phế nhân của lịch sử!
Phương Linh nhìn đôi mắt tối sầm của ông, và lần này nữa, lòng xót xa dâng lên, cô tha thứ cho ông tức khắc. Bất luận điều gì, ông cũng là con người đáng yêu nhất, đáng thương nhất, đáng được ngưỡng mộ nhất trên thế gian…