- 10 -
HAI CỤ PHAN

Trong tâm trí những thanh niên yêu nước, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là những tên tuổi thật đậm đà. Về mặt tư tưởng, các cụ thực tiễn, tiến bộ hơn hẳn những sĩ phu đồng trang búi tóc củ hành chỉ biết tụng Thánh hiền, ghét Tây thì bài trừ luôn những tiến bộ của thế giới. Dân trí đi trước hay độc lập đi trước, dựa vào Nhật cùng máu đỏ da vàng hay tự lực bằng ý chí để đuổi thực dân…, đó là những điều quá rắc rối với những ai chỉ có bầu nhiệt huyết sôi sục. Nhưng cái điều đưa cả trăm thanh niên ưu tú Đông du để học lấy kỹ nghệ tiên tiến thì quá hấp dẫn. Ngoài đường đi nước bước, hai cụ còn đầy đức hy sinh và tinh thần quật cường, chịu đựng lao tù thống khổ không sờn chí. Tài học, nhất là tác phong sống của họ cũng là cái để lớp hậu sinh noi theo. Liệu rất thích “chi tiết” nhà ái quốc Phan Bội Châu còn là một khách đa tình, được tổng đốc Thượng Hải nể phục, có lẽ vì có cái gì đó “giống” anh.
 
Kính trọng khi ở xa xa. Nhưng lúc gần gụi lại không hẳn như thế. Những năm hai mươi, viết chung một tờ báo, ở cùng nhà, hai anh bạn Trần Huy Liệu và Sông Hương (Bùi Công Trừng) đã choảng nhau ê hề vì mỗi anh thích một cụ.
 
Chẳng hạn, Trừng khen:
- Anh đã nghe cụ Tây Hồ (Phan Chu Trinh) diễn thuyết chửa? Hai bài “Đạo đức luân lý Đông Tây” và “Quân trị và dân trị” nghe mới sướng làm sao…
Thì Liệu bẻ lại:
- Anh thấy Đông Pháp thời báo đăng bài thơ cụ Sào Nam (Phan Bội Châu) tặng trạng sư Bonard bán chạy thế nào không?
Trạng sư Bonard cãi cho Phan Bội Châu trước tòa đại hình Hà Nội, khiến Tây phải giảm tội, đưa cụ về an trí ở Huế. Thời kỳ “ông già Bến Ngự” bắt đầu từ đấy. Hôm đăng bài thơ trên, hơn vạn bản Đông Pháp thời báo bán hết veo, trẻ bán báo kiếm khối tiền nhờ cho những người chậm chân thuê báo xem lại.
 
Hai ông trẻ nghèo tiền bạc mà giàu nhiệt huyết cứ cãi nhau vặt như thế. Trong thâm tâm, Liệu biết Trừng không phải không thích cụ Phan Bội Châu, nhưng cả hai chung thần tượng nó buồn cười thế nào. Nhằm ngày Khải Định vừa làm lễ mừng thọ tứ tuần và sang Pháp, Trừng và Liệu đều khoái trá với lá thư cụ Tây Hồ hạch bảy tội đáng chém của vua bù nhìn.
- Có thế chứ. Chúng mình là loại thanh niên đầu trò phải đến thăm cụ mới được. - Trừng nói. - Biết đâu lại được mấy chữ…
Hai anh em sửa bộ tươm tất, đến phố Pèllenn gõ cửa nhà ông Huỳnh Đình Điển. Người yết kiến cụ Tây Hồ đông quá, ra vào như mắc cửi. Sau khi giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp, địa vị, ai cũng nghe cụ khảo: “Anh đã đọc Dân ước của Lư Thoa([i]) chưa?”.
- Thưa cụ, rồi ạ.
- Thế còn Vạn pháp tinh lý, của Mạnh Đức Tư Cưu([ii]) ấy?
- Cũng rồi ạ.
- Anh Ninh anh ấy cũng đọc rồi đấy.
 
Nguyễn An Ninh đi từ Pháp về cùng chuyến tàu thủy với cụ Tây Hồ, và cũng được bạn thanh niên ưa thích. Nhưng Ninh chưa phải một thần tượng, nói thế nghe lãng xẹt thế nào. Cụ lại mắc bệnh chỉ nói chứ không thích nghe. Ai đấy muốn dứt mạch để hỏi sâu về một chỗ nào, cụ tỏ ý không vừa lòng.
 
Nhược bằng muốn cãi lại, thì: “Tôi không nhờ anh được cái gì cả?”. Câu ấy đã vài người “được nghe”, quen tai đến nỗi một hôm choảng nhau vặt, Liệu đem ra đối đáp lại Trừng, hai ông trẻ ôm bụng mà cười. Tuy thế họ đều thích thú khi nghe cụ chửi Khải Định và đám trí thức đã quan liêu hóa.
 
Thế rồi, sau khi qua mấy câu vấn đáp kể trên như một “công thức”, chúng tôi chỉ còn được kính cẩn ngồi nghe hàng giờ những điều giảng dạy của cụ về dân trí, dân quyền, dân đức và chấn hưng thực nghiệp… Thật ra, nhũng câu này nếu chúng tôi được nghe cách đây non vài mươi năm thì chắc là thú vị đấy! Nhưng chuyện mà chúng tôi muôn nghe lúc này thì lại là những chuyện thế giới sau cách mạng Tháng Mười, phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, phong trào cách mạng đương lên ở Trung Quốc. Đã vậy, cụ cứ nói liên miên, không để chúng tôi có thì giờ tham gia ý kiên.
 
Cũng trong khi nói chuyện, chúng tôi hỏi thăm đến một vài danh nhân trong nước đương bôn ba hải ngoại thì theo lời cụ nói, mỗi người đều có một “bệnh nặng”. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau một cách hóm hỉnh và ghé tai nói thầm với nhau: “Còn cụ có mắc bệnh gì nặng không?”. Dẫu sao, trong câu chuyện của cụ Phan bấy giờ vẫn còn những điều làm cho chúng tôi thích thú, là mỗi khi cụ chửi Khải Định và Phạm Quỳnh. Có lần khâm sứ Pát-xki-ê từ Huế vào Sài Gòn có mời cụ Phan Văn Trưởng, chủ nhiệm báo L’ An nam lên hỏi chuyện. Cụ Phan Chu Trinh tỏ ý phàn nàn và nói với chúng tôi: Mình thì nó lại không mời lên để nói cho nó biết! Nói tóm lại, tác phong của cụ Phan Chu Trinh không làm cho một số thanh niên trong đó có tôi cảm lắm, mặc dầu vẫn tôn quý cụ.
(Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội, 1991)
 
Phan Bội Châu lại khác. Bậc tiền nhân tôn kính ấy không quá cực đoan, gân guốc. Có chủ kiến nhưng lắng nghe dịu dàng, cụ làm người tiếp chuyện cảm thấy tự tin, mạnh dạn giãi bày khúc mắc, để rồi được trao đổi, tỏ bày lại. Liệu chưa gặp Sào Nam mà đã nức nở với vế đối cụ điếu Tăng Bạt Hổ “… đã đánh bằng bút, đã đánh bằng lưỡi, đã đánh bằng óc, hầm hầm quyết đánh bằng kiếm, cờ hồng rực rỡ họ da vàng”. Từ hồi ở đảng Thanh niên rồi sang Việt Nam Quốc dân đảng, đến khi đi tù Côn Đảo, anh đã có những liên hệ khá mật thiết với cụ qua thư từ, những bạn bè, đồng chí…
 
Cuối năm 1928, Đảng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng ở Nam Kỳ phân công tôi làm Kỳ bộ trưởng, tôi phái anh Tô Chấn([iii]) ra gặp cụ Phan và mang theo một bức thư viết tay của tôi. Lần này anh Chấn gặp cụ Phan trong một chiếc đò ở sông Hương. Theo lời anh Chấn thuật lại thì cụ có cảm tình với Việt Nam Quốc dân đảng hơn Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, mặc dầu cụ có người con rể là Vương Thúc Oánh, là một trong những yếu nhân của Đảng Thanh niên hồi ấy. Cũng theo lời anh Chấn, lúc này ngoài món tiền trợ cấp của báo Tiếng dân mỗi tháng 5 đồng ra, cụ không còn nguồn sống nào khác. Hôm gặp anh Chấn, cụ bỏ một đồng bạc ra sai cậu Đệ (con thứ hai cụ) lên chợ Đông Ba mua rượu và lòng lợn về đánh chén. Cậu Đệ mua rồi, còn tiền thừa đưa lại cho cụ, cụ đếm từng xu rồi cất cẩn thận vào trong ví. Chúng tôi nghe chuyện rất cảm động và có đề ra việc quyên tiền giúp cụ, nhưng việc chưa làm xong thì những biên cố khác đã xảy ra phải ngừng lại. Thế rồi cho đến ngày bị bắt ở tù và bị đày ra Côn Đảo, tôi vẫn chưa có dịp gặp cụ Phan Sào Nam mặc dầu đã có thư tù đi lại. (Hồi ký Trần Huy Liệu 1991, NXB Khoa học xã hội)
 
Mãn hạn tù Côn Đảo năm 1934, Liệu về quê rồi lên Hà Nội viết báo. Nhân có hội chợ ở Huế, anh vào đất Đế Đô trú ở Hương Giang thư quán của Hải Triều. Chơi sông Hương nghe hò mái nhì, thăm lăng tẩm, anh đều háo hức. Tất nhiên thế nào cũng phải đến ông già Bến Ngự.
 
Vừa nghe xưng tên, cụ Sào Nam ôm chầm lấy anh, mừng rỡ giới thiệu với mọi người trong “nhà”.
 
“Nhà” có ai, toàn tù chính trị thất cơ giạt về, ngày ngày xay xay giã giã làm hàng xáo, kiếm đủ sống rất khó. Như cụ Phan, với sáu đồng trợ cấp mỗi tháng của báo Tiếng dân thì chả còn khoản nào, đãi khách phải tằn tiện lắm. Dầu vậy “nhà” rất vui, như mái ấm của một gia đình, với ông chủ hiền từ, không quá quắc thước, xét nét. Nhưng Liệu cũng thấy cụ nhìn người quá đôn hậu. Lại có dịp để so sánh với Phan Chu Trình.
 
Đêm đến, không khí lắng lại sau cuộc rượu tay đôi, có thêm cụ Mai Lão Bạng. Biết Liệu đã chuyển sang lập trường cộng sản, cụ Phan cũng “mừng”, và chuyển đề tài sang chủ nghĩa xã hội.
Cũng khác với những lần tiếp chuyện cụ Phan Chu Trinh, tôi được phát biểu tự do, cởi mở. Cụ cũng nói chuyện chậm rãi, thân mật! Qua câu chuyện, tôi thấy cụ Phan vẫn đứng trên lập trường dân tộc chủ nghĩa không hơn không kém: Có điều là trong nhận xét người và việc, cụ tỏ ra dễ dãi hời hợt quá. Theo cụ thì hầu hết ai cũng tốt cả, cũng yêu nước, cả đến bọn Bùi Quang Chiêu ở trong Nam lúc ấy đã ra mặt phản động rồi, cụ cũng chưa thấy hết cái xấu xa của nó. Tôi nhớ lại những tranh ảnh treo dán ở nhà cụ hồi ấy còn có cả những bức họa của tờ báo Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương) năm trước của bọn Lập hiến Nam Kỳ đả kích Lê Quang Trinh. Tôi cũng không lạ gì sau này có lúc cụ nghe tên Phạm Tá viết bài khen thằng Chatel thống sử Bắc Kỳ. Chúng tôi hỏi cụ thì cụ nói:
“Tôi có biết gì đâu! Nghe Phạm Tá nói tốt, thì tôi “cũng tưởng là nó tốt thật”. Nói tóm lại, cụ nhìn người xét việc không sắc lắm nên dễ bị lừa bịp. Đến đây tôi lại thấy cụ Phan Tây Hồ, về nhãn quan chính trị có phần sắc hơn cụ Phan Sào Nam. (Hồi ký Trần Huy Liệu 1991, NXB Khoa học xã hội)
Chàng thanh niên thấy cụ chân thành, nhân đạo nhưng không chặt chẽ, đôi lúc đá sang không tưởng hay lối bác ái Gia tô giáo. Cụ bắt anh nghe hết cuốn sách đang viết dở về chủ nghĩa xã hội. Đến khổ.
Liệu ngã ngửa ra rằng cụ rất loạng choạng.
Bạn đọc thân mến! Nếu ai chưa có dịp gần cụ Phan thì sẽ không thể ngờ được rằng cụ Phan của chúng ta cho tới ngày ấy vẫn chưa biết chữ quốc ngữ. Tôi hỏi người thư ký của cụ thì được biết những tác phẩm của cụ bấy giờ thường do cụ viết bằng chữ nho rồi mới dịch ra quốc ngữ hay chữ nôm. Khổ cho tôi đêm ấy cứ phải ngồi nghe đọc quyển chủ nghĩa xã hội mà cụ đương viết dở hết trang này đến trang khác mà không hứng thú một chút nào. (Hồi ký Trần Huy Liệu 1991, NXB Khoa học xã hội)
 
Sáng ra, phờ phạc vì mất ngủ, Liệu đành thưa thật. Rằng, sách về chủ nghĩa xã hội đang bán hiện có rất nhiều, mà cũng có dăm bảy trường phái. Rằng cụ hiện ở hoàn cảnh tù giam lỏng, chật hẹp, ít được thảo luận, tưởng không nên viết về môn này. Cho nên, tốt nhất là cụ cứ viết những chuyện cách mạng cụ đã từng trải, chưa in được ngay nhưng để đấy vẫn là của vô giá. Cụ đã chả làm một “Hậu trần dật sử” kể về cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Trần Quỹ theo lối tiểu thuyết rất được ham đọc đấy là gì…
 
Đó là những điều quốc dân đang cần ở. Cụ lúc này, nhất là thanh niên.
Liệu “vận khí” nói một mạch rồi “kết luận”. “Choang” thế là tàn tệ, thậm chí bất kính chứ gì.
Tưởng ông già Bến Ngự sẽ giận, buồn. Phải tay cụ Tây Hồ mà xem… Nhưng Phan Bội Châu không để bụng, lại còn hứa “sẽ làm ngay việc lớn này”. Cụ tiễn Liệu ra ngõ rất bịn rịn, còn anh bùi ngùi nghĩ khó có dịp gặp lại ông già.
 
Cái ấn tượng hai cụ Phan để lại trong lòng Liệu, ngoài khí phách dân tộc lẫm liệt chung, về tác phong, sinh hoạt là khá tương phản, dù các cuộc gặp cách nhau cả chục năm. Sau này hình dung lại anh thấy hơi buồn cười với cái cảm giác cụ Quảng Nam thì nhọn hoắt, cứng cỏi, còn cụ Nghệ An nồng ấm, đôn hậu.
 
Năm 1926, Liệu và các bạn đã tổ chức rầm rộ đám tang Phan Chu Trinh, mười bốn vạn người đi đưa. Không hẳn gần gũi, nhưng cụ là một biểu tượng của lòng yêu nước, đáng để thanh niên đem ra mà kính phục.
 
Cái tình của Liệu đối với cụ Nghệ An hẳn là phải đậm đà, gần gũi hơn là với cụ Quảng Nam. Vì, như nhiều bậc hậu sinh đang tìm đường, nhiều khi chẳng tiện nói ra, anh vẫn ưa thích một bậc tiền bối có thái độ đối thoại hơn. Được nói, và được nghe nói hẳn là một cảm giác thú vị, khác hẳn với khi nghe một tiếng tăm lừng lẫy, ta tìm đến và chỉ được nghe những bài học từ con người đinh ninh chỉ có mình đúng. Huống chi, Phan Bội Châu là bậc quang minh chính đại. Đỗ đầu kỳ thi Đình, được đi đây đó, cụ tiếp thu những tư tưởng mới một cách có hệ thống chứ không “tráng men làm màu”. Xa cách hẳn lối khôn vặt khôn vãnh kiểu Trạng Quỳnh, Trạng Lợn - có người coi là một biểu hiện tâm tính Việt, cụ hành trạng đàng hoàng, phát ngôn thẳng thắn. Đúng là một nhân cách lãnh tụ, khiến một thời, ai cũng tưởng câu sấm “Nam Đàn sinh thánh…” ứng vào cụ. Sự yêu mến, thân thiết của Liệu với Phan Bội Châu khiến anh có những lúc giận cụ quá thể, mà chỉ là do nghe từ xa, lại qua những tin tức mô tả cái bên ngoài, chả lý đến tâm can người trong cuộc.
 
Ấy là vào năm 1939, trong cuộc du tình đến Huế của Liệu với Thu Tâm - cái cuộc mà tới tầm tuổi bảy mươi, bà ghi nhớ là là “lần thứ tư” và “cuối cùng”. Bà là Phạm Thị Bách, cô em họ của Phạm Thị Hồng, người nữ khán hộ ở Côn Đảo từ năm 1933. Như thường lệ, Liệu và Thu Tâm thường chọn những nơi xa xôi để gặp gỡ, chung sống. Tý thừa biết điều đó, nhưng dù sao cũng đỡ nặng nề hơn. “Khuất mắt trông coi” mà, dù bà có vẻ đã nhìn nhận Thu Tâm như “người em” trong nhà, đối xử phần nào ra vẻ một gia đình truyền thống ở ngoài Bắc, nơi đàn ông thường có hai ba vợ. “Lần thứ tư” diễn ra ở kinh thành, nơi sông núi hữu tình, có nhiều dinh thự, cảnh trí đáng xem, nhiều con người đáng gặp. Tâm tình lãng mạn của Thu Tâm rung động mãnh liệt trước cảnh đẹp của lăng Tự Đức, bùi ngùi khi gặp những cung phi về già mà chửa một lần được đấng quân vương phủ ơn mưa móc. Buồn cười là dù có giấy thăm đại nội của tòa Khâm sứ mà hai người phải đi lại tới ba lần. Lần thứ nhất, chú lính mặc áo dấu không cho vào vì Thu Tâm bận áo vàng, màu áo chỉ có các bà phi được mặc. Lần sau, chiếc quần xa tanh đen lại là nguyên cớ ngăn cản; trong nội chỉ được mặc quần trắng. Giận dỗi, bực tức, nhưng trí tò mò vẫn thắng, khi người đàn bà trẻ phải mặc áo tím, quần lụa đi mượn “chả ra màu gì”. Công phu thế ấy, mà ấn tượng của Thu Tâm với vẻ rực rỡ của đại nội lại chả mạnh mẽ, nếu không nói là thấy nó nhạt nhẽo.
 
Cả ngày lang thang nơi đình tạ, ngắm nghía, hỏi han, họ trở về nhà, mệt người nhưng rạng rỡ, hạnh phúc. Thì có điện tín. Ngoài Hà Nội, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) bảo về gấp. Đang tần ngần thì bạn Huế đến, Hải Triều, Nguyễn Cửu Thanh và Bùi Công Trừng mang theo xâu nem, bánh tráng và chai rượu thuốc. Chuyện vui lên, Thu Tâm bảo Liệu cho đến thăm cụ Phan Bội Châu nhưng bị gạt phắt.
- Không Không đi! - Liệu nói cộc lốc. - Đi một mình cũng không được. Đã bảo rồi mà lại.
 
Lúc Liệu ra ngoài có việc, Thu Tâm được hay rằng thống sứ Chatel vừa đến thăm Phan Bội Châu, tặng cụ hoa, nói chuyện xã giao, khi về bắt tay từ biệt. Cụ Phan đã chìa tay đáp lại, còn rung rung mấy cái tỏ ý thân thiện. Báo Tin tức của cánh cộng sản ở ngoài Bắc thuật chuyện với tít “Phản Bội Châu” to tướng. Liệu cáu kỉnh vì chuyện đó.
Sách “Những ngày xa xưa ấy” in ở Mỹ, khi Thu Tâm đã là một bà cụ, thuật tiếp câu chuyện lúc Liệu trở về:
“Sau khi gật đầu chào các bạn, anh nhìn tôi tươi cười có vẻ như làm lành và hỏi: “Em đã dọn đồ xong chưa?”.
Tôi không trả lời câu ấy mà hỏi lại anh: “Anh nghĩ thế nào về việc cụ Phan bắt tay Chatel?”.
Anh Liệu đổi ra vẻ nghiêm trang: “Còn nghĩ thế nào nữa, cụ có lỗi hẳn đi rồi”.
Tôi cũng đổi vẻ nghiêm trang thong thả nói: “Đấy không phải là một cái lỗi mà chỉ là một sơ suất thôi”.
Anh Liệu: “Em có hiểu một cái bắt tay của nhà thủ lĩnh cho cả một nước là quan trọng như thế nào không?”
“Em hiểu chứ, nhưng em còn hiểu thêm rằng phép xã giao của Tây phương khi từ biệt một người nào họ quý mến để ra về thì họ phải đưa tay ra bắt để tỏ vẻ trân trọng thân tình với người ấy. Vậy thì trong trường hợp này cũng chỉ là một cách xã giao thông thường mà cụ Phan sử dụng chớ có sao đâu”.
Anh Liệu có vẻ giận:
“Theo lời em nói thì đó là hai người bạn thường đối với nhau. Còn cụ Phan đối với Chatel thì khác hẳn. Cụ là một người tù bị quản thúc còn Chatel đại diện cho nước Pháp, một kẻ có chức có quyền đến thăm một tù nhân của mình, có thể dùng cách xã giao thông thường được chăng? Lý luận của em nông nổi lắm”
“Đã đành như anh nói là phải, nhưng trong lúc bất thần Chatel đưa tay ra thì cụ Phan làm thế nào ứng phó kịp. Nếu cụ để cho bàn tay hắn rơi xuống thì hậu quả sẽ như thế nào? Không những đến với cụ mà còn có thể đến với cả kinh thành Huế này nữa, anh có nghĩ đến điều ấy không?”
“Đã dâng trọn đời mình cho một chủ nghĩa mà mình đã chọn thì còn gì phải suy nghĩ đến bản thân mình, nếu cụ có nghĩ đến mai sau thì hậu quả cái bắt tay ấy sẽ tai hại đến thế nào không?”
Tôi sầm mặt:
“Thì đấy! Các anh em đã trả nghĩa cho cụ Phan bằng mấy tiếng “Phản Bội Châu”, một kẻ đã hy sinh suốt đời cho Tổ quốc vì một chút sơ suất mà thôi”.
“Nếu em ở địa vị cụ Phan trong lúc ấy thì em sẽ cư xử như thế nào?”
Tôi điềm nhiên trả lời:
“Nếu được tin báo trước thì em sẽ dự liệu cách ứng phó trong mọi trường hợp. Thí dụ lúc từ biệt nhưng em sẽ chắp tay ngang ngực cúi đầu một cách lễ phép để từ giã hắn theo kiểu nhà vua. Ấy là chuyện được báo trước, còn nếu bất thình lình thì cũng chưa chắc!”
Anh Liệu cười:
“Nếu vậy thì em chưa phải là người cách mạng có bản lĩnh già dặn”
Tôi cũng cười theo:
“Thì em có là đảng viên cộng sản đâu”
Tất cả chúng tôi, kể cả ba người bạn đều cười xòa, xóa tan bầu không khí vừa tranh luận tưởng như đã đến lúc gay go([iv]).
 
Đoạn trích trên cho thấy Trần Huy Liệu là người nóng nẩy, cứng cáp, và Thu Tâm cũng thật sắc sảo.
 
Và thêm một điều nữa: đã đứng vào hàng ngũ cộng sản, Liệu vẫn coi Phan Bội Châu là thủ lĩnh, chí ít về mặt tinh thần, nên mới có đòi hỏi khắt khe đến vậy Liệu “mọc” ra từ trong phong trào quốc gia, và dù có “trở thành” gì gì, trong thâm căn, ông vẫn là một nationaliste - người quốc gia.
 
Năm 1940, trong nhà tù Sơn La, Liệu nhận tin Phan Bội Châu mất. Đau xót lắm. Một sự nghiệp lớn được dẫn dắt bằng một tư tưởng có căn bản hẳn hoi, chứ không phải cách mạng lối vá víu chằng đụp. Một nhân cách phóng khoáng, hồn hậu. Một nghiệp dĩ đang vun trồng bị dở dang, phải trở thành “ông già bến Ngự” hiền lành, đến bọn hương dõng trong làng xã cũng hạch hỏi được. Trong “Niên biểu” viết những ngày bị giam lỏng, con người ấy đã chân thành biết bao khi nhận lỗi trước quốc dân đồng bào. Cái tâm sự bi đát “biển xanh chưa lấp được mà chim tinh vệ cô độc đã rã cánh” nặng trĩu đoạn cuối cuộc đời cụ.

[i] Contrat social của J. J. Rousseau.
[ii] L’Esprit des lois của Montesquieu
[iii] Anh ruột Tô Hiệu, bị bắt sau vụ mưu sát toàn quyền Pasquier không thành, án khổ sai chung thân. Trở thành cộng sản ở Côn Đảo, cùng Ngô Gia Tự thả bè trốn và mất tích.
[iv] Hồi ký “Những ngày xa xưa ấy” của Thu Tâm. NXB Thế kỷ 11022 Acacia Parkway #A Garden Grove CA 92õ40 USA năm 1998.