- 11 -
SỔ LỒNG

Mười một năm nay trở lại nhà
Nhà thì đã cháy, vợ thì xa
Bà con thân thích nghèo xơ xác
Vườn cũ còn cây núc nắc già
 
Đó là tình cảnh Trần Huy Liệu khi trở lại cái ngôi làng Vân Cát ở tỉnh Nam Định. Lúc ra đi, anh là ông đồ non thất chí, trở về tiếng tăm đã lừng lẫy nhưng lại là phần tử nguy hiểm. Thực dân không muốn anh ở lại xứ thuộc địa Nam Kỳ với những quy chế quản lý phóng khoáng, tìm cách tống ra Bắc. Mà phải về làng, cái nơi tù hãm, dị đoan, quanh năm rã họng mà vẫn mỏi mồm xin lộc Bà Chúa Liễu.
 
Rời Côn Đảo cuối năm 1934, Liệu ở trong nhóm sáu người ly khai với chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn nhưng vẫn là đảng viên của Quốc dân đảng. Mỗi người sẽ có những số phận khác nhau. Nguyễn Văn Viền theo Nhật. Hoàng Thúc Dị, năm 1946 vẫn là Việt Quốc, sẽ đối đầu với Liệu. Lê Văn Phúc tham gia Mặt trận Bình dân. Còn Liệu, Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình) sẽ nhập hẳn vào cộng sản.
 
Về Vân Cát tù túng. Những hàng xóm quanh năm nói mãi một chuyện. Những ông anh chưa ra khỏi tỉnh bao giờ, chỉ hơn mình dăm tuổi mà chuyện đời đã gói kín lại, y như cái nhà đóng cửa vứt chìa khóa đi để cho rêu phong. Những bà chị bạc đầu mỗi khi nhìn cây cột nhà dán giấy ghi ba chục cái giỗ trong năm. Người sang chơi đông, quanh quẩn hỏi từng nấy chuyện, báu lắm nhưng cứ thế mãi cũng chán. Và đói nữa. Liệu đâu còn lúc cầm cái cuốc ra đồng. Nói rằng lúc ở tù ngoài đảo ăn uống còn hơn về nhà thì không ai tin được.
 
Có người Hà Nội về tìm. Báo Đời mới vừa ra, đang rất cần một cây bút có danh. Liệu có tâm trạng như Khổng Minh được cầu hiền, chả phải vời đến lần thứ ba. Lên đương chức bẩm báo, thì tri huyện, lý trưởng ậm ừ, bảo đến chỗ mới thì nhớ trình diện. Nghĩa là chức dịch địa phương chả sướng gì phải quản anh.
 
- Thôi anh lại tìm vào cái ổ cộng sản rồi.
Fleutôt, cẩm mật thám Hà Nội nửa đùa nửa thật bảo thế khi Liệu đến trình diện. Anh đáp:
- Cộng sản hay không cộng sản thì cũng phải ăn cả. Tôi cần làm báo để sống, còn đề phòng cộng sản là việc của các ông.
 
Nhà chức trách dặn Liệu đi đâu, dời chỗ ở phải xin phép, nếu có chuyện lại phải về quê quản thúc. Thế thôi. Dù sao, sự quản lý của thực dân hồi ấy có những chỗ không chặt chẽ lắm.
 
Đời mới đóng trụ sở ở 17 Hàng Khoai, trên căn gác hẹp. Fleutôt đã quá cảnh giác khi gọi đây là “ổ cộng sản”. Người xin được phép ra báo là Lê Viết Hồ không biết viết báo, chính kiến cũng không. Các thành viên khác là Lê Văn Hòe, Thành Thế Vĩ, Nguyễn Đức Kính, Trần Huy Liệu, Nguyễn Mạnh Chất thì mỗi anh mỗi lập trường, “đỏ” “trắng” đủ cả. Mà chẳng ai duyệt bài ai, muốn viết gì thì phóng bút. Thế nên có chuyện bài này bênh, bài kia đập cùng một sự việc. Được cái ngần ấy con người đều nền tính, báu nhau, chung sống như một gia đình. “Nhóm” cộng sản đăng những bài về giai cấp công nhân, cắt nghĩa nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, công kích văn chương Tự Lực Văn Đoàn… khá được chú ý.
 
“Côn Lôn ký sự” ra từ số 2 của Đời mới, rất được đón đọc. Liệu viết nó từ ngày nằm nhàn tản ở quê, cứ rút ruột những ký ức tù đày ra mà kể. Chuyện Côn Lôn không gay gắt lắm về những hà khắc, ác độc, mà trái lại, phần “văn nghệ” đậm đà, nào kịch cọt Molière, nào thơ phú tưởng đến bóng hồng. Không biết mà đọc có thể tưởng là ngoài ấy là một cõi mộng. Làm vậy vì Liệu mới tự do, còn ngại cành cây cong. Chứ ít lâu sau khi rời tỉnh lẻ Nam Định, anh nhận ra ngay mình đã trở lại được biển cả; cái “biển” Hà Nội những ngày Mặt trận Bình dân nắm quyền bên Pháp còn mênh mông tự do hơn Nam Kỳ thuộc địa mươi năm trước.
 
Đời mới rất lay lắt. Có giấy phép nhưng không ai bỏ tiền làm, cứ đi vay mượn, quyên góp. Trị sự, phát hành không người chuyên trách, nội dung thì khá nhưng tên tuổi chìm trong biển báo, bởi vậy chẳng bán được bao nhiêu. Nhà in Long Quang không nhận được tiền thì “giam” báo lại, vài hôm chạy đủ lại “thả” ra cho bán. Thế mà tinh thần “xả láng cuộc đời” rất hăng, rỗi rãi, có tí hào là đâm ngay xuống xóm hát Khâm Thiên hay nằm bẹp tai ở tiệm hút lão Vạn. Liệu quen với cách kham khổ và kỷ luật trong tù, rất kinh ngạc. Nhưng chẳng đấu tranh. Lại thế nào với “phong trào”? Thành thử chỉ còn lo giữ mình khỏi a dua.
 
Ra đến số 7 thì phải đình bản. Tòa soạn bị khám xét nhưng không thấy gì. Tuy chỉ sống có 7 tuần, Đời mới có công cho Liệu “tập bơi” thuần thục trong những ngày đầu trở lại “biển”. Và dù sao anh biết mình có thể kiếm sống bằng nghề báo. Quanh anh có biết bao bạn bè, cũ thì Tô Hiệu, Hải Triều, mới có Trần Đình Long… Niềm tin vào họ và vào bản thân thật vô cùng quan trọng. Liệu đã có hướng đi rõ ràng. Mặc dù chưa “đỏ” hẳn, năm 1935, anh vẫn được tổ chức Cộng sản, bấy giờ đang rục rịch dựng lại Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, quyết định cho hoạt động công khai. Khả năng và xu hướng của ông tù mới ra này chỉ có thể làm báo là hợp nhất.
 
Làng báo Bắc Kỳ thời đó có những lề lối học theo nếp bên Pháp. Chẳng hạn tờ Lire (Đọc) bên kia chỉ đăng lại bài đáng chú ý của báo khác, được “rập” thành Tiếng vang làng báoKiên văn bên này, nhưng với một kiểu cách không hẳn như “tôn chỉ”.
 
Số phận của Tiếng vang (in rất to trên măng-sét) làng báo (in nhỏ) rất vắn. Số 1 chuẩn bị kỹ, “đinh” là việc đáp trả một bài của Nguyễn Văn Vĩnh trên Đông Dương tạp chí mạt sát các chí sĩ yêu nước là “đáng đem bỏ rọ trôi sông”. Đánh vào chủ trương trực trị gắn quyền lợi của tư sản Việt Nam với quyền lợi thực dân, báo bán đắt như tôm tươi. Dầu vậy mà tiền để ra số 2 không có. Đang lúng túng thì thống sứ Bắc Kỳ rút giấy phép. Chết yểu!
 
Kiên văn “thọ” được 12 số, coi như một ký lục của ông chủ bút “làm tờ nào giết tờ ấy”.
 
Túng đói, chả có báo để “làm và giết”, Liệu a vào làng sách ba xu, loại tiểu thuyết lịch sử kiểu Đề Thám, Vợ ba Cai Vàng… Hồi ở Côn Đảo, anh nghe chán chuyện những ông tham gia cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, bèn đem viết lại. Không dám ký tên, tất nhiên không thể đứng ra giao thiệp, Liệu nhờ người quen bán bản quyền cho Bảo Ngọc văn đoàn lấy 25 đồng. Sách ra dưới cái tên bắt mắt Loạn Thái Nguyên. Chả biết bán chạy tới đâu, tiếng vang thế nào, Liệu được nửa tiền bản quyền, nửa kia ông “lái” “thăn” mất. Dầu sao, anh có được tấm quần áo mới để khỏi bệ rạc quá giữa chốn nghìn năm văn vật.
 
Sang nửa cuối những năm ba mươi, tình hình thế giới căng thẳng hẳn. Trục phát xít Đức - Ý - Nhật thành lập đẩy các lực lượng, phe phái có xu hướng khác nhau bên châu Âu xích lại gần nhau. Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp gồm các chính đảng Cộng sản, Xã hội, Xã hội cấp tiến. Quyền tự do dân chủ ở thuộc địa được nới ra hơn. Nhóm Hồn trẻ tập hợp với Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mậu Quang, Hồ Xanh, Dương Lĩnh. Liệu viết dưới bút danh Hải Khách và Hải Thu (đều “dính” đến Thu Tâm), giới thiệu, cổ động Mặt trận Bình dân bên Pháp, đòi tự do dân chủ. Có những khẩu hiệu sau này anh mới thấy nó “quá cao”, không hợp thời như kỹ nghệ hóa nông nghiệp. Hồn trẻ đang có ảnh hưởng mạnh, có đội ngũ vững, xu hướng rõ, tạo được tiếng vang thì “thôi rồi” ở số 15.
 
Cuống cuồng đi tìm báo để ra, chí ít là cộng tác, “nhóm” bấu được vào một cơ quan thể dục đương chuẩn bị ra tờ Khỏe. Rải truyền đơn, đăng bố cáo um xùm về tôn chỉ mục đích “có lợi cho sức dân” của báo rồi, nhưng người xin được phép xuất bản lại là một nhân vật “xương xẩư” quá, rút cục nó bị nhà đương cục cắt ngay. Vừa buồn chán vừa buồn cười.
 
Tên Khỏe mà chết ngay trước khi chào đời. Và kể trong lịch sử báo chí, hẳn đây cũng là trường hợp duy nhất. Tuy thế những tờ truyền đơn về Khỏe khiến Liệu bắt quen được với Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, hai giáo sư trường Thăng Long, vốn là dân Tân Việt. Xung quanh nhóm Thăng Long dần dần hình thành một tập họp những người yêu nước đấu tranh như Minh Thái, Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri, cùng các thầy giáo, học sinh tiến bộ.
 
Le Travail (Lao động) hẳn là tờ báo vào loại “thọ” và cũng đình đám nhất trong thời kỳ này. Được nhóm Thăng Long xướng lên giữa năm 1936, ấn bản tiếng Pháp này có màu sắc Bình dân. Những giáo sư Tân Việt, những ông học Liên Xô, từ Pháp. Những ông Tơ-rốt-kít… Thôi rồi các xu hướng xách động vào xã hội, nhất là trí thức. Nhưng báo ngày càng đỏ đậm khi những chính trị phạm hết hạn tù ào vào cộng tác, làm tòa soạn. Ấn phẩm vừa ra khỏi nhà in còn nóng đã có thanh niên, sinh viên ôm từng chồng đi bán, mật thám theo xem người mua, người phát hành không xuể. Rồi Le Travail hướng đến cả tầng lớp công nông, tiểu thương, trở thành diễn đàn tố cáo thực dân, quan lại địa phương áp bức. Trụ sở 24 Phạm Phú Thứ đông nghìn nghịt người đến tố cáo, tiếp rất mệt. Trong đám đứng ngồi la hệt từ nội ngoại tỉnh Hà Nội về quanh tòa soạn có không ít mật thám. Mệt nhất là dịp Justin Godart, được gọi là Lao công đại sứ, thay mặt Chính phủ Bình dân bên Pháp sang, thỉnh nguyện tới tấp đưa lên, Le Travail đòi gặp mặt, giải quyết. Nhân viên tòa soạn sắp đặt trật tự, ghi chép tướt người, còn ông nghị cộng sản Khuất Duy Tiến phiên dịch đến mất tiếng.
 
Liệu gặp người cũ, Arnoux, giờ là chánh mật thám Bắc Kỳ. Đang chạy đi chạy lại sắp xếp đám đông đón Godart ở đường Gambetta (Trần Hưng Đạo) anh bị lôi phắt lên ô tô về Sở Mật thám.
- Nếu xảy ra cái gì rối loạn cuộc trị an là anh phải chịu trách nhiệm. Tôi sẽ bắt? - Arnoux đe.
- Chúng tôi chỉ có việc cùng nhau đi đón người đại biểu của Chính phủ Bình dân Pháp. Còn giữ trật tự trị an là phần của các ông. - Liệu đáp, và thòng thêm - Nếu có kẻ nào khiêu khích sinh chuyện, chúng tôi không chịu trách nhiệm?
 
Le Travail ngày càng có ảnh hưởng. Người của bản báo đi khắp nơi thu thập dân nguyện. Phan Tử Nghĩa xuống Nam Định nghe thợ dệt, Nguyễn Mạnh Chất ra duyên hải gặp thợ mỏ, bị bọn chủ ngăn chặn, lại có bài chửi. Đêm ngủ ở báo quán Nhành lúa của Hải Triều ở Huế, nằm chung với một nông dân Truồi, Liệu chốc chốc lại giật mình vì anh này cứ hô khẩu hiệu “gửi” Godart bất thình lình. Le Travail mạnh đến nỗi đại biểu của nhóm thắng cả đại diện của tư sản Hà Nội trong cuộc tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ.
 
Dù sao, những kẻ tranh đấu chưa đến thời của mình. Xuân Thủy gửi đến cái tin tuần phủ Phúc Yên đập triện đồng vào tay một nông dân xuống Hà Nội đón Godart, tòa soạn phái Nguyễn Mạnh Chất đi viết bài “tô” cho to lên. Báo ra, tuần phủ Phúc Yên phát đơn kiện, tòa án muốn hãm Le Travail vào chỗ chết bèn tuyên phạt 6.000 quan tiền Tây, tức 600 đồng bạc Đông Dương. Giết ai ra ngần ấy tiền, nên Le Travail phải chết. Có điều, người chết” lại nẩy nòi ra hai “thằng em” cũng nói tiếng Pháp là Rassemblement (Tập hợp) và En avant (Tiền phong), tuy ảnh hưởng chẳng bằng trước.
GRANDJEAN
Từ Sài Gòn, Tý đem hai con ra Bắc. Không thể ở quê, cũng chả tồn tại được ở Hà Nội, chị lên Đại Từ, Thái Nguyên bán nước mắm, bị đám cai trị trù dập đến khốn khổ. Con trai lớn là Diễm, Liệu gửi một cựu chính trị phạm về Phủ Lý học trường tư. Thì một hôm, tuần phủ Hà Nam đến khám nhà, vầy vò cái cặp chỉ có vài bộ quần áo và ít sách vở của Diễm, đe dọa chủ nhà tội chứa chấp con Trần Huy Liệu. Cậu bé 9 tuổi đâm ra thất học.
Phải làm ầm lên chứ! Vừa là việc của mình, lại là sự kiện để chửi chúng nó. Liệu đăng trên báo tiếng Pháp l’Avenir (Tương lai) thư ngỏ gửi thống sứ Bắc Kỳ, có đoạn: “Các ông coi tôi là kẻ thù của chế độ này mà cấm đoán tôi hoạt động thì đó là việc của các ông. Thế nhưng vợ con tôi thì có liên can gì mà cũng bị quấy nhiễu đến hết nghề làm ăn, đến bỏ học. Tôi không thể tưởng tượng được một chính phủ có thực lực, có uy quyền như chính phủ Pháp mà đến phải can thiệp vào sự học hành của một đứa bé lên 9 tuổi. Có lẽ vì sợ nó âm mưu đánh đổ chính phủ chăng…?”.
Báo ra, cẩm Lanèque gọi tác giả đến phân trần, nói sẽ cho Diễm đi học lại và đưa tiền. Thấy Liệu chỉ nhận phần học của con, Lanèque vừa cười vừa kháy:
- Đây là của tư bản bóc lột người ta, vạ gì mà không lấy.
- Ừ - Liệu cũng cười tươi, - của bóc lột, nhưng tôi không muốn lấy nó từ tay ông.
 
Tưởng thế là xong. Nhưng mấy hôm sau, Lanèque cho biết chánh mật thám Đông Dương Grandjean cũng quan tâm đến Liệu. Được thôi. Nhưng để tránh đòn phân hóa của tên cáo già nổi tiếng, Liệu đòi mang theo một người bạn.
 
Cảm giác mới đầu về Grandjean là một ông già hiền hậu, hơi giống Arnoux độ ở Sài Gòn. “Quái, sao nghề mật thám lắm người trông vẻ ngoài nhân từ thế không biết…”, Liệu nghĩ. Grandjean đã vào chuyện rất thân ái, hỏi thăm gia cảnh, thông cảm với vợ con anh đang túng thiếu, tỏ ý khâm phục công phu tự học của Liệu. Cái gì hắn cũng biết. Liệu hết sức ngạc nhiên thấy trên bàn có tập hồ sơ, bên trong là xấp thư từ Côn Đảo gửi về.
 
- Anh say mê lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cũng phải. - Grandjean đi vào trọng tâm rất “ngọt”. - Cộng sản là một chủ nghĩa nhân đạo, muốn cho ai cũng sung sướng, không còn áp bức bóc lột. Nhưng loài người, cũng như vạn vật, phải ích kỷ, phải đấu tranh sinh tồn. Xã hội loài người phân giai cấp cũng bình thường, tự nhiên như vũ trụ vốn bất bình đẳng mà thôi. Anh xem Phật Thích Ca chẳng những thương người mà còn thương cả chúng sinh, không ăn thịt các loài vật. Nhưng khoa học ngày nay đã chứng minh rau đậu cũng là sinh vật. Nếu biết thế mà Thích Ca không dám ăn gì thì cũng phải chết đói thôi.
- Anh đọc André Gide rồi phải không? - Grandjean cởi mở hơn khi thấy Liệu ngồi im. - Gide là nhà văn thích chủ nghĩa cộng sản và rất nhân đạo thế mà ông ấy vẫn thất vọng về Liên Xô đấy thôi([i]). Nếu anh không tin, tôi sẽ tạo điều kiện cho anh sang Liên Xô, thế nào anh cũng vỡ mộng cho mà xem.
- Xin lỗi, - Liệu chen vào - Có lẽ ông mời tôi đến chơi hôm nay không phải để tranh luận về các học thuyết. Tôi cũng chẳng ngây thơ gì lại có cái ảo vọng thuyết phục ông theo chủ nghĩa cộng sản. Nhưng tôi muốn biết ngay ông muốn gì ở tôi?
- Do lòng mến mộ anh, tôi muốn bàn với anh một việc.
- Ông muốn tôi làm mật thám cho ông phải không?
- “Người ba đấng, của ba loài”, - câu thành ngữ Việt ra khỏi mồm Grandjean rất thành thục, tôi đâu dám bảo anh làm việc ấy. Tôi chỉ muốn nói với anh là nếu cứ theo đuổi làm cách mạng mãi thì anh để khổ cho cả vợ con, những người chả có tội gì. Tôi muốn tiến cử anh vào làm ở trường Viễn Đông Bác Cổ tha hồ đọc, nghiên cứu đến hết đời. Còn chị ấy, tôi xin phép được biếu một món tiền đủ để mở cửa hiệu ngay Bờ Hồ. Rồi con anh đi học, ít nữa làm kỹ sư, bác sĩ. Anh cứ cân nhắc đi. Tôi đâu dám bảo anh làm việc cho tôi. Bàn vậy, thế nào tùy anh, miễn là từ nay đừng làm báo nữa.
- Thế là tôi biết mục đích cuộc gặp của ông rồi. - Liệu nói bằng giọng “kết luận”. - Trước đây ở Nam Kỳ đã có người Pháp trong chính quyền hứa cho tôi những bổng lộc như thế, và còn bốn trăm mẫu ruộng ở Cà Mau nữa kia. Nhưng thưa ông, đời tôi đã chọn việc làm rồi. Tôi làm báo cũng như ông làm mật thám. Còn chủ nghĩa cộng sản có thắng không thì đó là vấn đề của lịch sử. Tương lai sẽ trả lời.
 
Câu chuyện không thể kéo dài thêm nữa.
 
Grandjean tiễn khách thân mật, còn Liệu thở phào vì đã vượt qua một cạm bẫy không dễ vượt. Nhưng anh không thể không nghĩ: tại sao lão trùm lại nhắc đến Viễn Đông Bác Cổ, cái kho sách có lẽ là quý giá nhất xứ? Hay hắn đọc ra cái chí hướng của mình vươn về một cõi tĩnh tại, ở đó tha hồ được yên tâm đọc, viết những gì mình nghĩ…

[i] Ý nôi đến quyển “Trở về từ Liên Xô” của A. Gide