- 14 -
SƠN LA

- Dậy! Dậy! Các bố có dậy nhanh lên thì bảo?
- Dậy làm gì?
- Cứ dậy khắc biết! Thằng tù mà còn hỏi lắm thế…
 
Đó là đêm 11 tháng 1 năm 1940. Trời rét kinh khủng. Rét và đêm đen là đồng hành với những cuộc ra đi của tù Hỏa Lò, trong đó có những cuộc đi không về. Quản tù chả muốn thân nhân của những “thằng” sắp đi, nhờ ánh sáng và cái ấm áp của ban ngày mà tha hồ tiễn biệt chúng, lắm chuyện dễ rách việc lắm.
Mặt trận Bình dân bên Pháp tan rã tháng 9 năm 1939, Liệu và những ông làm mưa làm gió trên vũ đài chính trị “rớt” ngay, không phải xuống đời người dân thường, mà vào thẳng khám. Đêm 29-9, xe mật thám đến 32 Hàng Than điệu anh đi. Vậy là đời tù trở lại sau năm năm tự do. Cũng không bất ngờ lắm, vì bộ phận công khai của Cộng sản đã dự liệu là nhất định sẽ bị bắt. Liệu vớ cái cặp da đựng quần áo đã chuẩn bị sẵn, từ biệt Tý và các con đang lưng tròng nước mắt.
Trong nhóm Tin tức “trúng sổ” còn có Khuất Duy Tiến, Trần Đình Long, Nguyễn Văn Phúc… Nằm Hỏa Lò ít lâu, đầu năm 1940, họ bị tòa án xử, khép tội làm rối cuộc trị an, âm mưu lật đổ chính phủ. “An phận” nhận án, nhưng họ vẫn hy vọng được ăn Tết Canh Thìn ở Hà Nội, dẫu sao cũng có hơi vợ con đâu đây, nghe tiếng xe cộ bên ngoài. Vậy mà bây giờ, quân ác độc lại khua đi. Cám cảnh làm sao, dù phần lớn ở Hỏa Lò, anh nào cũng đã trên một lần nếm cơm tù Chương trình đón xuân ở Hỏa Lò, được Nguyễn Văn Phúc soạn sửa rất vĩ đại, đâm ra phải đem bông phèng trên đường.
Tù nhân loáng thoáng biết sẽ đi, nhưng lúc nào, quản tù bịt tin rất chặt. Rồi nhà bếp được lệnh chuẩn bị hàng trăm nắm cơm. Tin lập tức loang ra ngoài. Mỗi người được trang bị dép xỏ một ngón, thứ đi nhẹ chân lắm nhưng vấp thì đi tong cả ngón cũng dễ. Tù rất có kỷ luật, coi đây như một chiến dịch hành quân, phân công các ban ngoại giao, tiếp tế, cấp cứu tuyên truyền. Hành trang của họ ngoài thuốc men, quần áo, còn cả tài liệu lý luận, chính trị… Lính khố xanh áp giải, chỉ huy là thiếu úy Pháp.
Thành phố đương ngủ. Người lèn chặt trong xe tải, mệt mỏi vì lắc lư và rét, bỗng tỉnh hẳn lên vì tiếng nhao nhao bên ngoài. Ga Hàng Cỏ đấy, la liệt vợ tù con tù người yêu bạn bè bố mẹ tù tay vẫy miệng gọi. Liệu cố vươn cổ ra, thấy Tý và vợ Phúc khệ nệ ôm bọc. Nhưng nào có được gì. Xe chạy ù qua. Trong làn khói mù phía sau, những người ở lại tội nghiệp kêu gào trong tuyệt vọng.
- Chắc các bà chuẩn bị cho chúng mình lắm thứ trong gói lắm. Vậy mà… Quân ác độc? - Liệu bảo Phúc ngồi mé kia, trong khi tay anh đang bị xích làm một với Xuân Thủy.
- Thế nào cũng có bánh chưng… - Phúc bảo - Các bà muốn chúng mình được ăn Tết trước. Tớ thích của nếp lắm…
Trong đêm đen, nước mắt chảy ướt gò má đen sạm. Những con người đã từng trải đến dày dạn thắt lòng lo cho người thân, thèm một bếp lửa, hơi ấm bàn tay vợ. Đã đành đời tranh đấu là vậy, dấn thân không tiếc, nhưng họ lại là những con người có ruột rà, thân quán với bao nhiêu yêu thương. Họ đâu có biết là khi tin lọt ra ngoài, “liên hiệp các gia đình tù nhân” đã phân nhau người chực ngoài cửa Hỏa Lò, ngoài ga (xe tất phải qua đấy chứ lị), người về quê gọi thêm người. Gia đình Vũ Đình Huỳnh còn nghĩ xa, thuê xe lên chực tận Hòa Bình. Chu đáo thế, mà rồi “Tiếng có gọi người thì không thấy, Tay có giơ máy chạy không ngừng”…
Dằn lòng lại. Đành lòng vậy. Khi phút yếu lòng đi qua, người tù tìm cách thích nghi với hoàn cảnh.
Đường xấu, xe xóc, cứ hai thằng tù một xích, muốn chuyển chỗ cho đỡ mỏi thì phải chuyển cả đôi, có khi ngã chổng kềnh vào nhau. Được cái lắm anh vui tính, bất ngờ “hôn” bạn lại cười ầm.
Qua Lương Sơn, lác đác có người đốt đuốc đi chợ. Đã là địa phận của người Mường, đàn bà gánh măng đắng, bí rợ váy áo rối rít. Trong nhập nhoạng bình minh những cảm giác về họ thật lạ. Con cháu những Âu Cơ, Mỵ Nương đấy ư? Cả nghìn năm nay, các cụ đã hát câu “Đẻ đất đẻ nước” thế nào nhỉ? Rồi Liệu nghĩ đến những người phụ nữ của đời mình. Tý vừa sinh thêm con gái Nguyệt Hồng, giờ lại phải chịu cảnh đơn côi kiếm sống nuôi con. Ta lúc nào cũng biền biệt, ở nhà không tơ tưởng người khác thì nguy hiểm lại rình rập. Và Thu Tâm. Thu Tâm đang ở đâu, làm gì? Hôm chia tay ngoài ga Hàng Cỏ, Thu Tâm đã nhìn mình với ánh mắt thật bi phẫn, dường như sắp đi đến một quyết định kinh khủng lắm. Thu Tâm là một người phụ nữ mới, có suy nghĩ độc lập và cũng biết làm ăn, chắc đường kinh tế sẽ không đến nỗi nào. Bên nàng, ta có những cảm giác thật lạ, bất ngờ, khác hẳn Tý chỉ biết có chồng con. Dù sao ta thật may mắn khi được hưởng những tình cảm trọn vẹn của cả hai. Mà này, khi muốn có cả hai, liệu cái tư cách đảng viên của ta có đáng bị coi là ích kỷ, đa tình không nhỉ? Thế còn cái tư cách đàn ông của ta, nó ra thế nào?…
 
Tảng sáng là Kỳ Sơn, Hòa Bình. Chiếc xe chở Liệu đi thứ hai bỗng chồm lên, lật nghiêng. Nước ồ ồ chảy vào, Liệu bị đè không thở được.
- Dẫm thế này thì chết người ta rồi còn gì? - Xuân Thủy bị cú nhồi vào bụng rên rỉ.
Nhưng đau không bằng lo chết ngạt. Ngã xuống sông Đà, chết là cầm chắc. Hai thằng một xích không vùng ra được. Được cái là nước vào chậm, người ngâm trong giá lạnh mà cổ vẫn ngóc lên thở. Ai đó hô bình tĩnh, hoảng loạn sẽ đạp chết nhau. Từng đôi dìu nhau chui ra khỏi xe. Đến lượt mình trở dậy được, Liệu hết cả hồn khi đụng phải cái xác bê bết bùn.
- Chết rồi. Thằng Voi chết rồi anh em ơi. - Liệu hoảng hốt kêu.
“Voi” là Trịnh Tam Tỉnh, vốn ngồi cạnh Liệu.
Nhưng trên bờ Tỉnh đứng lù lù. “Voi” đây cơ mà!
Thế ai chui vào chết trong xe?
Sáng rõ, thì thủng chuyện. Đó là người đàn ông Mường bên đường, khi thấy xe chồm lên thì hoảng hốt nhảy xuống đầm, xe đổ chả biết thế nào lại lọt vào trong, bị dẫm đạp mà chết. Đương nhiên lại chết vì mấy thằng “trời đánh không chết”.
Lính thổi còi tập hợp, điểm người. Đoàn tù lướt thướt đi. Ngoái nhìn lại, chị người Mường đang không thể khóc nổi bên xác chồng. Oái oăm. Oan uổng quá. Nhưng sự đau xót người không bằng cái lạnh của mình. Vừa đi vừa run bắn như thể sốt ác tính. May lên đến bến Ngọc, vợ Vũ Đình Huỳnh đã đợi cùng con trai Vũ Thư Hiên, cho Liệu cái khăn quàng cổ.
Bến Ngọc - Chợ Bờ - Phương Lâm. Bắt đầu đi bộ từ Suối Rút. Thực dân chả phải tử tế, cho đi xe đến Hòa Bình là để tránh dân nhiễu dọc đường. Trịnh Tam Tỉnh phụ trách tiếp tế, những thuốc men, vật dụng nặng nhọc nhất cứ việc chất lên lưng, đúng là “Voi”. Bởi cứ “từng đôi chim bay đi” nên một anh “Tào Tháo đuổi” là anh kia tha hồ thưởng thức bên cạnh. Liệu và Xuân Thủy là một cặp rất hợp.
Chuyện thơ thuổng, chuyện thổ ngơi, địa chí. Đến Chợ Bờ nhắc nghĩa quân Đốc Ngữ, đến Suối Rút phố buôn thuốc phiện, nắc nẻ như hai đứa trẻ khiến các cặp khác chụm lại nghe.
Hữu tình thay cảnh Phương Lâm
Gặp nhau vừa mới một lần đã quen
Ơ kìa cô gái sông Đen
Non cao rừng thẳm con thuyền đợi ai
 
Mấy câu ứng khẩu của Liệu được Xuân Thủy tán thưởng lắm. Rằng anh hôi như cú, ai người ta bắt chuyện mà đã bảo là quen. Rằng đợi ai chứ “thuyền” người ta nhất định không đợi anh. Nhưng mà cái dúm lục bát này được, ít nhất nó có phong vị “du lịch”, chứa đựng cái tâm hồn vô cùng đa cảm của cậu. Được khen là vậy, mà Liệu không thể “tiêu hóa” nổi cái tật thấy khói thuốc lào là sà lại của Thủy. “Đãi” lại bạn là món cứt trâu; cái chân từ cú ngã ở Hòn Cau muốn tránh mà cứ tương thật gọn ghẽ vào giữa bãi, đâm thối hoăng cả đoạn đường.
Ai đưa mình đến Châu Yên
Hoa rừng một đóa càng nhìn càng tươi
Thấy nhau chẳng hỏi chẳng chào
Nhung xa nhau cũng nao nao trong lòng
 
Cái “phương pháp” thi vị hóa ấy rút cho đoạn đường ngắn lại đáo để. Đi mười ngày thì tới Sơn La, đầu tỉnh có hai cây đào cổ thụ. Chao ôi? Hoa gì mà thắm quá thể…
HẦM TỐI
Tỉnh lỵ Sơn La nằm trong châu Mường La, tiếng Thái nghĩa là “mường Cây lựu”. “Nước Sơn La, ma Vạn Bú”, chả thế mà công sứ tỉnh Saint Pouloff năm 1933 đã gửi Thống sứ Bắc Kỳ báo cáo mật, rằng số mạng loại chính trị phạm hung hăng khó trị ở Hỏa Lò Hà Nội lên đây sẽ do vi trùng sốt rét định đoạt. Trong sáu tháng của năm đó, gần 40 người đã chết, xác vùi nghĩa trang Gốc ổi dưới chân dốc Chiềng Lề. Sau này, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật thiết kế một đài tưởng niệm họ ở đó, thiên nhiên hòa nhập với các mảng khối rất dễ chịu.
Liệu gặp ngay người quen. Công sứ Sơn La là Cousseau, thời Mặt trận Dân chủ làm trưởng phòng địa chính tỉnh Hà Đông. Báo Đời nay chửi việc trưng thu ruộng đền, ruộng chùa, cả ruộng hậu tư nhân giao cho Nông phố ngân hàng. Cousseau nhắn muốn gặp riêng Liệu, phàn nàn sao cũng cộng sản với nhau mà công kích việc nó muốn tập trung ruộng đất lại cho nhân dân. Liệu nhắn lại là cứ đến tòa soạn làm việc, chả thấy hồi âm gì.
Giờ thì bài đã lật ngược. Nhưng Cousseau ra chiều tử tế, gọi ngay “đồng chí” Trần Huy Liệu ra, nhăn nhó: “Mấy ông quan lại An Nam bảo tôi là cộng sản, nhưng những đồng chí của tôi thì lại không nhận tôi là cộng sản. Thế thì tôi biết ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”, tiếng Việt rất sõi. Liệu cười trừ, nhưng nhận sự chỉ định cùng Phi Vân làm đại diện chính trị phạm trước đương cục.
Cousseau là tay làm việc già dặn. Tổ chức lưới nội gián trong những nhà buôn bán dưới dốc Chiềng Lề, hắn cũng đồng ý vài thỉnh nguyện của tù. Liệu phô chủ ngục Gabori biển lận, đánh cắp phần ăn của những kẻ đã khốn cùng rồi, Cousseau bảo đừng chấp. “Lão già ấy giống lũ kỳ mục kỳ nát ở nông thôn Việt Nam ấy mà”. Và bắt anh em xe nước, kiếm củi cung cấp cho tòa công sứ, việc khổ sai rất cực nhọc. Gần hết buổi làm, nó đi ô tô đến xem xét, kéo thêm giờ, bắt tăng chuyến. Kẽo cà kẽo kẹt, đoạn đường từ cầu Bản Giảng lên đồi Chiềng Lề có biết bao nhiêu mồ hôi, máu tù đổ xuống, đêm nằm nghĩ những leo dốc đổ dốc mà kinh.
 
Liệu là bí thư chi bộ, lại đại diện chính trị phạm, căm Cousseau lắm nhưng luôn phải mềm mỏng, đấu dịu, điều chả hợp với tính cách của anh? Câu chuyện không còn những “đồng chí” với “lập trường” nữa, toàn những đoạn: “Còn hai mươi phút nữa đi không kịp chuyến, anh em nghỉ là phải”. “Thì làm dấn thêm, có làm sao”.. “Nhưng anh em bị cắt khẩu phần. Người chứ có phải sức máy đâu mà…” Cầm cự. Lãn công. Công sứ sai giám binh kèm cho đến hết giờ mà số chuyến nước lên đồi chả tăng, hết anh này đau bụng đến anh kia sứt móng. Cousseau phạt giam họ dưới nhà hầm, hình ngục tàn ác nhất. Phải tạo ra một sự kiện gì, lái nó theo hướng mình, gây sức ép trở lại chúng mới được.
 
Nhưng đỉnh điểm đến sớm hơn lúc những người tù dự liệu. ủy ban tranh đấu, do Liệu làm trưởng, họp toàn trại phát động tuyệt thực. Chính trị phạm, ngoài cộng sản, còn những đảng viên Quốc dân đảng và Phục quốc Đồng minh hội, đều nhất trí tham gia, trừ hai ông thân Nhật Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thế Song. Tô Hiệu có bệnh lao giai đoạn cuối, nằm riêng một xà lim, có nhiệm vụ đưa tin, tiếp tế, tất nhiên khi có thể.
 
Trưa 13-5-1941, tù đi làm về, không đụng đến cơm đã bày ra sân. Đại biểu thông báo cho Gabori biết họ tuyệt thực để phản đối công sứ bỏ hầm mấy người kéo xe nước, rồi đồng loạt vào nằm trong trại lớn. Đây là một thứ “bối thủy trận” tử thủ kiểu Hàn Tín, quay lưng ra sông mà đánh nhau, lùi là chết.
 
Chưa kịp xếp xong chỗ, lính xông vào dồn hết xuống hầm tối dưới gầm nhà bếp. 156 mạng lèn vào cái chỗ thường ngày chỉ nhốt được 11 người.
Cousseau lệnh bắn ngay ai đem vào đây một hạt cơm, một giọt nước, bảo Sở Công chính chuẩn bị sẵn áo quan. Cuộc tranh đấu đâm ra mất hướng, vì mình đâu có tuyên bố nhịn uống. Tù ngục, bướng bỉnh lắm anh đã trải, nhưng kiểu này thì chưa ai có kinh nghiệm.
 
Việc đầu tiên xác định với nhau là lâu dài, gian khổ đây, đừng thối chí. Binh lính được gieo ảnh hưởng của tù, dân dưới phố biết, rồi chuyện sẽ lan đi không đời nào Cousseau dám “chôn sống” cả ngần này đứa mình đâu. Và xếp chỗ nằm, dành nơi thoáng khí nhất cho những anh già yếu, có bệnh gọi là “tiểu Đồ Sơn”. Trong tối đen ngày đêm như nhau, cứ 12 tiếng người nằm cuối và đầu hầm đổi chỗ cho nhau, để không ai bị thiếu không khí quá lâu. Nào, anh này để chân cho anh kia gối đầu, ngả lưng vào nhau nhá. Không khí có vẻ bình yên, thậm chí có tiếng khúc khích. Sướng nhất là Khánh, được suy tôn “Hoàng để” vì “ngự” trên thùng cứt.
 
Dần dà, nặng nhọc đè lên. Tiếng thở to, gấp gáp.
“Tàn dư” những bữa ăn trước thải vào ống bơ, Chuyền đến cái “ngai” của Khánh, mấy ngày đầy ứ.
Bọ trắng nhun nhút bò ra chui lên mặt mũi những con người đã hết thần sắc, mắt nhắm nghiền, chả biết có còn sự sống. Nhưng nước đái thì quý vô ngàn. Uống của mình không đủ, còn xin người “dùng không hết”. Nhưng của những cậu mắc bệnh phong tình thì bố bảo không dám.
Cái đói tử tình tử tội hành hạ nhất vào ngày nhịn thứ hai, thứ ba. Muốn ngủ lắm, nhưng dạ dày nó không yên cho, gào réo như con thú dữ tợn. Thèm nhớ miếng mẹ đi chợ về ngày bé, tiếc sao vợ nấu canh cá dấm ngon mà mình bỏ dở. Ngày nhịn ăn ở khám Lớn Sài Gòn, nhìn đôi giày da, nghĩ chuyện thái nhỏ nó ra xào hành mỡ, Liệu đã tốn bao nhiêu nước dãi.
Đói so với khát không là gì. Thần kinh lúc nào cũng căng, nhất là những anh “thực như hổ”. Liếm láp mồ hôi, chắt bóp từng giọt nước đái. Mùi người khẳn lằm lặm, da nhơm nhớp, có anh khỏa thân trăm phần trăm. May có cái chăn đem kịp xuống, để mà quạt khí từ cái cửa sổ nút kín.
Sang ngày thứ tư, hầm tối đúng là cái nhà mồ. Người của ủy ban không còn sức động viên, những người khác cũng không thể đáp lại. May ông Đắc điên người Hải Phòng lại hiền khô, phục tùng kỷ luật vô cùng, còn động viên anh khác đừng thối chí.
Hồi trên trại (hồi nào ấy nhỉ, xuống đây bao lâu rồi nhỉ…), những cơn lên, ông ấy lại múa chổi hét “Giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại?”.
Cousseau đi kiểm tra, “bắn” vào là sẽ xây gạch bít cửa hầm lại. Tô Hiệu xoay được mấy miếng đường phên gửi vào, chia nhau liếm. Nhưng vị ngọt vẫy gọi bao nhu cầu, cái đầu tiên không gì khác là nước. Lũ giun sán trong bụng không được ăn làm loạn. Nhiều anh bí đái bí là đã lịm đi. Đập cửa báo với lính, là có người sắp chết cần tới bệnh viện. Tin tới tai Cousseau, “đồng chí” này truyền lại: “Đứa nào chết cứ để cho chết trong hầm rồi chôn luôn một thể”.
Bảo nhau kiên gan. Mình vững vàng thì rồi bên ngoài sẽ biết mà tiếp sức. Chớ cáu giận nhau nhá, chả ai được hơn phần thở cũng như chỗ nằm nào… Mà không, cũng đừng manh động, ra khỏi chỗ này mà bạo động thì cũng làm gì được thằng vạn ác Cousseau đâu. Bao nhiêu mưu mô được mấy bộ đầu não thều thào bàn tính, cuối cùng chỉ đến một cuộc hò la “Nước? Nước”. bằng tiếng ta lẫn tiếng tây.
Hai đêm liền, một người lính dũng cảm tiếp nước cho cuộc tuyệt thực. Ngày thứ năm, ủy ban tranh đấu quyết định dừng lại. Nhưng thằng công sứ Pháp quá đểu, bắt phải viết ra giấy những lời nhận lỗi theo ý nó. Không đầu hàng thời cứ ở dưới hầm, có điều đã có nước uống. Đó là thứ nước từ trại gia đình binh lính thải ra, bẩn thỉu vô cùng.
Ngày thứ 12 thì dừng hẳn. Không phải bãi chiến cả hai bên. Cousseau đương có thế, gọi Liệu lên chế nhạo. Muốn chơi à? Biết tay nhau chưa? Người tù đang ở cơ dưới nín thinh, tránh khiêu khích. Dù sao cuộc tuyệt thực đã phải nổ ra bất thình lình, chưa chuẩn bị tới nơi. Còn nhiều cách đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, ta chơi dài dài được.
Lên khỏi hầm, gặp cơn gió mát, mà yếu quá, Liệu bàng hoàng tưởng ngã gục. Trại giam bình thường giờ đã là thiên đường để mà tận hưởng, mà xem ai thức hết đêm dài…