- 15 -
SUỐI REO

Vụ tuyệt thực 12 ngày đêm có thể coi là một thất bại của tù chính trị, nòng cốt là cộng sản, trước kẻ cai trị. Thất bại là phải. Mình định làm reo, không ăn, vẫn ở trên trại, thì nó cắt cả uống, lèn xuống hầm tối quá cá hộp. Cousseau hành động quá nhanh, cờ vừa bày nó đã ra đòn tàn độc. Nghĩ cũng đau. Và người ngợm, lên trại trên rồi cả tháng mới lại sức Nhưng đêm dài, thức rồi cũng thêm lắm thứ hay. Cái tình người, sự đoàn kết được thắt lại, chả phải chỉ trong đám cộng sản. Qua thử thách biết anh nào có thể tin cậy, anh nào phải cảnh giác.
Lính tráng, đám dân dưới phố, không hẳn như Cousseau trông đợi, nể tù ra mặt, cho khi quả nhót khi cuộn chỉ. Và cuộc tuyệt thực, dù có thế nào, cũng chỉ là một khấc trong cuộc đời còn rất dài. Ta tổ chức cái nhà của những đứa xa nhà theo ý ta, được lắm chứ.
Đầu 1940, vừa sấp ngửa lên Sơn La thì Tết xịch đến. Chiều ba mươi đi làm về, được ăn cơm tẻ mát ruột (trong năm toàn ăn gạo nếp nương), uống rượu men lá. Tù chế ra một thứ “tiền”, đánh bài bao nhiêu cũng không “thủng túi”. Hoa tươi không hiếm, đào phai nhẹ nhõm, mận trắng chi chít “bấu” trên cành rất mạnh mẽ. Và thơ, cái thứ họ trồng được, ngoài đời lo kiếm ăn, tranh đấu, giờ ngồi rồi tha hồ bò ra. Đêm ba mươi, nghe tiếng pháo dưới phố nổ ran, tù nhỏm dậy chuyện trò. Liệu đọc một bài thơ “chúc Tết những thằng mất Tết” là đừng đái ra máu, được hoan nghênh lắm.
Văn nghệ lu bù. Trần Đình Long, vốn là trưởng một đoàn kịch ngoài đời, đến là lắm sáng kiến. Diễn kịch, hát ả đào, thi thơ, câu đối rộn rịp, lính tráng cũng xúm vào xem. Xuân Thủy nhỏ nhắn, trắng trẻo được lựa đóng vai đào Thu. Đào Thu ra vào õng ẹo, giọng khéo rên rỉ trong câu “Tỳ bà hành”:
Đồng thọ thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất hằng tương thức
(Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau họ sẵn quen nhau)
 
Bài thơ của Bạch Cư Dị về cuộc kỳ ngộ của đôi trai gái vận vào phận tù sao mà ngọt, khiến nhiều người ứa nước mắt. Liệu tranh thủ gửi tiếng lòng mình vào giọng hát “đào” Thu câu miễu:
Xuân về thu chửa thấy về
Bừng xanh bát ngát làng quê rộn ràng
Thấy ai, ai những mơ màng
Gặp ai tạm trút muôn vàn nhớ thương
Thu Tâm? Phải, là Thu Tâm chứ còn ai? Người tù đa cảm ranh mãnh nhắc đến mối tình của mình giữa những người từng góp phần làm cho nó đứt đoạn. Đồng chí, cùng nhau hoan lạc phân ưu phân tư đấy, nhưng có những nỗi chỉ một mình mình biết một mình mình hay.
Hai Tết sau, các cuộc vui chung càng đình đám, việc tổ chức đã vào nề nếp lắm. Trại lớn trại nhỏ đều có tao đàn, gánh hát. Dù đóng góp nhiều thơ phú nhưng không có “tài diễn xuất”, Liệu phải chân rửa bát hai ngày sướng bỏ bu.
 
“Phong trào” làm thơ lên mạnh. Nhiều anh ở ngoài củ mỉ cù mì vào đây bỗng lai láng vần vè, hết gửi em yêu phương xa đến tưởng ra non nước bồng lai. Tết, như một cái “thúng” quá “nhỏ”, “đựng” không hết. Nhu cầu ra một tờ báo để chứa những tiếng lòng, khi ai oán, lúc hài hước - rất lớn. Tiếng suối reo ra đời, có cả tòa soạn, nhà in nhưng độc bản. Dưới ánh đèn điện được hạ thấp xuống cho cai ngục khỏi dòm, các ký giả mân mê con chữ, bàn cách trình bày. Thực ra trình bày là chuyện nhỏ, vì sau đấy nó xuất bản mồm hoàn toàn. Nhưng được thực hiện do những tay “gộc” vốn đã quậy tung trường báo mấy năm trước, nó có đủ các chuyên mục với tính chất riêng “như người lớn”, nghĩa là cũng khá chuyên nghiệp.
- Thầy đồ? Thầy đồ ơi, “Nhạn Lai Hồng” là thầy ký tên à?
- Thế những “Cù Văn Cười” với “Cù Không Cười” là ai? Chịu! Làm sao mà đoán ra cũng là thầy.
Khu rừng vắng, khá xa phố Chiềng Lề rộn lên những tiếng đùa reo tinh quái của đám tù. “Thầy đồ, là Liệu, hôm trước vừa đem cái tật hay gãi của Nguyễn Văn Phúc ra trêu trên Tiếng suối reo, dù bệnh ghẻ của Phúc đã chả còn. Khối anh có tật cũng bị réo, nào ỉa chảy, nào mới ra con sán “dài bằng bốn đoạn ruột”. Liệu cũng tự bôi bác đôi mắt ướt của mình. Báo in nhem nhuốc, đêm đêm được “radio” thêm mắm thêm muối khi “xuất bản” gây những trận cười nôn ruột trong từng trại.
Đang là kỳ kiếm củi. Tốp năm người, đa phần là thanh niên như Hoàng Tùng mới ngoài hai mươi, ưu tiên Liệu ngồi trên khúc cây cho khỏi đu đưa, còn bốn người kéo cưa xoèn xoẹt.
- Thế cái tích bài “Tỳ bà hành” là thế nào?
- Tớ nhớ không rõ, đại loại ông nhà thơ gặp bà chán chồng bèn lai láng lên. Thằng chồng đi buôn muối thế nào đấy, cô mình không thỏa mãn…
- Mấy chữ population dịch là “bình dân” được à?
- Tùy văn cảnh. Tiếng tây tớ “i tờ ít”, phải về trại hỏi Hoàng Công Khanh mới chính xác.
- Những bài chính trị thầy giảng rất hay, nhưng khó nhớ quá. Sao không in lên báo nhà tù cho nhiều anh em học nữa?
- Thì tù mình có phải cộng sản cả đâu. Mà in nữa báo nặng nề, khó đọc lắm, mình muốn dành chỗ cho những thơ phú, tiếu lâm.
- Kể thế cũng phải. Đêm đêm cười rung cả trại, hay thật. Thế thằng Cousseau nó đã biết gì về báo chưa?
- Để yên. Đến giờ thủy phi cơ lên xuống rồi…
 
“Thầy đồ” giơ tay ra hiệu im lặng, rồi tụt khỏi khúc cây, rón rén ra bụi le. Từ chỗ đó, tụt xuống dưới dăm chục mét, một cảnh tượng bồng lai hiện ra trước mặt họ. Mấy cô gái Thái đi nương về qua suối trầm mình tắm. Họ rất khéo, cứ nguyên váy áo bước xuống, nước đến đâu mới kéo lên đến đó, ngủm cả người thì cả bộ váy đội cả lên đầu. Đứng xa mà nhìn, suối như đang bồng bềnh những đóa hoa lớn. Mà hoa thật, đàn bà là hoa của trời đất chứ đâu. Suỵt! Khẽ chứ. Các bố đừng cười. Chả xem được cả tòa thiên nhiên đâu mà tưởng bở.
 
“Thủy phi cơ” về bản, năm anh đàn ông quay lại kéo cưa lừa xẻ, vẻ mặt thoảng chút mơ màng, nhất là mấy thanh niên. Trên đầu, lũ ve rừng râm ran, dòng suối bên dưới róc rách. Cứ trông vào câu chuyện và khung cảnh, có thể tưởng họ là những du khách an lành, hồn nhiên nhất trên đời.
 
Rừng chiều ngả sang sẫm sịt. Củi vác qua khe, qua con suối vừa in bóng những bông hoa rừng, chất lên xe. Hò dô. Bắt bánh nào. Quành nhanh quá hết bố nó đà rồi. Đằng sau, người tù có tuổi trở nên trầm lặng. Ô, mình đã qua tuổi “bất hoặc” rồi, sức vóc thanh niên nhìn mà thèm. Mình xa vợ con, xa người yêu mà còn vô tư được thế này… Mấy hôm nay Tô Hiệu ho ra máu nhiều quá. Hiệu biết Thu Tâm đấy…”
 
Đêm đến, trên “giường” xi măng, có những trạng thái trái ngược không cho người tù ngủ sớm. Này, thật êm đềm, lãng mạn, bài thơ về một “bông hoa rừng”. Này, nghịch ngợm, quấy phá một ý tứ cho mục “Cù không cười”. Tiếng suối reo đã thành một phần cuộc sống nhà tù. Nhờ nó, bao người đã thay đổi, trở thành một phần của cái chung, lại “phát hiện” ra rằng mình cũng có tâm hồn thi sĩ.
 
Tháng 8 năm 1942, Liệu rời Sơn La về “căng” Bá Vân ở Thái Nguyên. Chỗ trại tập trung mới, điều kiện đỡ khắc nghiệt hơn. Tờ báo ra lần này có tên Dòng sông Công, ảnh hưởng lan ra cả dân cư bên ngoài. Chẳng phải chỉ có đời tù, người ta còn biết Hồng quân Liên Xô bắt đầu phản công quân phát xít cờ Việt Minh kêu gọi đánh đổ đế quốc đã phất lên…
 
Liệu khỏe ra. Đến nỗi Tý lên thăm, khi trở về mang thai, đứa bé ra đời mang tên Công để nhắc dòng sông “sinh thành” ra nó.
NGHĨA LỘ
“Nhất Thanh nhì Lò tam Than tứ Tấc”. Nghĩa Lộ, tức Mường Lò, là cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc. Tự nghìn năm, người Thái đen trồng lúa nước, quăng chài đánh cá, ăn nậm pịa và múa xòe bên những con suối lớn. Thực dân đến lập nên một đồn binh lớn trên đỉnh đồi cạnh thị trấn nhỏ. Và vì hè thì nóng nung, đông rét giá, muỗi độc đốt mau chết, nên bên cạnh đồn binh lại mọc lên dãy nhà nhốt tù, bên ngoài là rào nứa, rào thép gai giữa cắm chông. Có vẻ như đã vào đây thì một con chim cũng không bay ra được.
Đang ở “căng” Bá Vân, một “thiên đường” so với Sơn La của thằng đểu Cousseau, đám tù dời về Hà Nội do gần đấy có “loạn”. Pháp dò được bí mật của chi bộ ở Bá Vân, họ lại bị di lên Nghĩa Lộ sau hai tháng nằm Hỏa Lò. Ngày đầu tiên lếch thếch qua thị trấn, thấy dân chúng bị cách ly với tù quá, có anh bảo “chúng nó coi mình như quân ôn rắc dịch tả không bằng”.
Thật thì cái “dịch” đám tù chính trị reo rắc còn nguy hại bằng mấy bệnh thổ tả, tất nhiên đối với bọn cai trị. Bởi vì vừa đặt chân tới nơi, mấy ông ở tù thành thần này đã ra báo Đường nghĩa, mở lớp chính trị, dạy lý luận, bắt mối tuyên truyền trong binh lính và dân chúng. Một cái mới trong những hành động có chủ trương, tổ chức giờ đây là huấn luyện cả quân sự. Thời thế đang thay đổi gấp rút.
Pháp bị Nhật đè ép lắm rồi, lật lúc nào không biết. Có cơ cứ chuẩn bị, cờ đến tay là phất được ngay. Tết Ất Dậu đầu năm 1945 đã diễn ra không còn mơ màng, “vui như Tết” bằng hồi Sơn La, mà đã đằng đẵng một cái gì phía sau.
Quản đồn Nghĩa Lộ là Civet, hàng ngày liên lạc qua vô tuyến điện với Hà Nội. Sau ngày 9 tháng 3, mọi thứ tắt ngủm. Tù nhận định: Hà Nội đã trong tay Nhật rồi. Lực lượng Pháp ở Yên Bái, Lao Cai…phân hóa. Có tín hiệu phái De Gaulle muốn gặp mặt, Liệu, cùng một người khác, được cử ra tiếp.
Lập trường, tôn chỉ, phân chia lực lượng trong tương lai bên tôi bên anh thế nào đem ra bàn thảo rất hăng. Đang trong tù mà được bàn, chỉ có mỗi chuyện phía kia biết mình có quần chúng đằng sau nên muốn lợi dụng thôi, chứ còn gì. Việt Minh đương cả thế bên ngoài, thì chúng mình có thế một chút.
Bàn thảo chưa đi đến đâu thì “phái De Gaulle” không đến nữa. Lực lượng Pháp ở Nghĩa Lộ được tăng cường khi phó công sứ Yên Bái Pellier từ tỉnh lỵ kéo lính tráng về. Có lẽ là thực dân, sau những ngày đầu hoảng hốt, đã có một sách lược mới: né Nhật ở các trung tâm lớn, rút về vùng sâu xa, đợi viện binh từ biên giới Trung Hoa, nơi quân Đồng Minh đang có ảnh hưởng? Mình toàn người chủ trương đánh Pháp đuổi Nhật, hai thằng choảng nhau, nằm trong tay thằng nào trong tình hình xung sát này cũng dễ bị tàn sát lắm. Tình hình nghiêm trọng đấy. Một ban chỉ huy trại được lập ra, có Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Sĩ Nghiêm, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc (Văn Tân), và Liệu.
Tình hình rất khẩn trương. Những người tù có một trung đội thường trực, coi như “lực lượng vũ trang” - mà chẳng có vũ khí gì cả - đề phòng sự biến. Và phân nhau chuẩn bị lương thực, thuốc men, bản đồ, truyền đơn bằng quốc ngữ, chữ nho, chữ Pháp, cả la bàn tự chế. Căng như sợi dây đàn, vì địch có thể choảng ta, hay ta choảng trước, bất cứ lúc nào cũng có thể. Những hành động theo từng tình huống, nay gọi “phương án tác chiến” được đặt ra, báo động tập thử.
Dền dứ. Cảnh giác. Giữ miếng. Có những người lính đã bỏ đi mang theo súng. Địch không dám đàn áp nhưng rất mực đề phòng. Rồi sự việc xảy đến bất thình lình, chả theo cái cách đã dự liệu nào.
Đó là hôm Tây giải 50 thường phạm từ Yên Bái về Nghĩa Lộ. Quản tù muốn nhốt chung “cả lũ”, chính trị phạm nhất định không chịu, bèn cho lính xông vào đám tù phụ nữ, có sáu chị. Đang giằng co thì viên phó công sứ tiến vào sân trại. Tù nhân, đã chuẩn bị sẵn, đứng sắp hàng, trương lên hai tấm băng viết sẵn hàng chữ Pháp: “Hãy võ trang cho chúng tôi chống phát xít Nhật?” và “Thả ngay chúng tôi ra?”. Pellier đứng cười khẩy, bảo các anh không phải tay quân sự lành nghề, không chống được Nhật đâu. Cứ ăn no ngủ kỹ đi, nửa tháng nữa người Pháp sẽ trở lại Yên Bái… Đang đắc ý thì “huỵch”, bảy tám cánh tay xúm vào vật sấp Pellier xuống. Củi, guốc bổ vào thình thịch. Lão quản đồn Civet chạy ra cổng, Phạm Quang Thẩm phóng theo bị thằng quản người Việt bắn trúng đầu. Lính Pháp dưới chợ kéo lên nã súng vào. Cuộc vũ trang cướp đồn, định nổ ra vào đêm ấy, đã trở thành cuộc tháo chạy xuất kỳ bất ý của tù nhân.
Bụi cây lúp xúp, phần nhiều là giống chó đẻ, cứt lợn, lá bị dứt ra tỏa mùi hăng nồng. Dây xấu hổ đầy gai xóc vào người xót điếng. Lũ kiến càng bắt đầu kéo đến bu. Vậy mà cứ phải nằm yên. Trời còn nắng nỏ, chưa chạy đi đâu được.
Cuộc cướp đồn hóa thành cuộc chạy trốn lúc nãy đưa đẩy ba người vào chỗ náu quái quỷ này. Chốc chốc già Tế lên một cơn rũ rượi, càng nén càng ho khỏe. Nằm trong bụi gần đó, Liệu và Tiếp lo lắng nhìn nhau. May mà tiếng ho không bay ra nơi mấy đàn bà Thái đào măng đắng. Rừng già đầy vắt muỗi và hiểm họa, thường ngày là nỗi khiếp đảm của tù nhân khi đi kiếm củi, giờ quá xa xôi để có thể bươn tới mà ẩn trốn. Có lúc Liệu trông thấy hai bóng áo vàng phía xa, nhưng không lo lắng mấy. Lúc tán loạn trên đồn, lính dõng chả toàn bắn chỉ thiên đấy ư? Đấy là kết quả của những ngày tuyên truyền vận động, khơi gợi lòng yêu nước, đùm bọc đồng bào. Nếu cuộc bạo động không bị non, hẳn không ít người trong số họ đang đứng về phía những người tù. Dầu sao những kẻ đi trốn phải hết sức thận trọng. Hồi Sơn La, một bạn tù trốn của Liệu chạy đã xa rồi còn bị bắt, chặt đầu đem về bêu.
Trên đồi đồn rộ lên một tràng súng. Tiếp bấu vào tay Liệu: “Có lẽ nó làm thịt những thằng chưa chạy được”. Sau này, họ biết trong những người bị bắn lúc ấy có Kim, chú bé ngoan rất hăng hái trong cuộc chuẩn bị.
Gần tối lại hồi kèn điểm. Vậy là địch đã làm chủ được tình thế, thiết lập lại chế độ sinh hoạt hàng ngày. Liệu ngao ngán. Là chỉ huy tối cao, anh đã không làm chủ được cơ sự, để nó nổ ra bất thình lình. Máu người phải đổ ra. Nhiều người không còn về được dưới xuôi, nơi vợ con chờ đợi, nơi cách mạng cần người biết bao. Đau nhất là lúc vượt hàng rào, Liệu phải bỏ lại người đồng đội ốm yếu. Cái túi đã chuẩn bị sẵn anh không kịp vớ, còn thứ quý giá nhất là những thư, ảnh người thân yêu.
Ba kẻ trốn tù chia nhau tài sản, quý nhất là tám mươi đồng bạc và ít gạo rang của Tiếp. Đã đến lúc lên đường, dặn rằng bước gần nhau, lạc không hú gọi được đâu. Dây rợ giằng dịt, có lúc cả ba lăn xuống suối, người bó tròn trong gai móc. Rất lâu mới ra đến cánh đồng, sa ngay vào đám thụt, mỗi lần rút chân lên lại “oạp”, nghe trong đêm rất to.
Lũ chó chết tiệt chốc chốc lại sủa ác. Chạy ào qua đường cái sau khi xe tuần rọi đèn sáng trưng chạy qua. Bao nhiêu lần hú hồn, tưởng đã bị phát hiện, đến lúc ung dung được lại nghĩ đến rắn, hầm hố, những hồn ma bóng quỷ. Nhưng sợ gì cũng không bằng gặp người. Biết đâu trong những ngôi nhà đương say ngủ kia có kẻ đang muốn tóm mình đem lĩnh thưởng. Sao trong ngôi nhà không nóc, chỉ còn nền kia lại có tiếng ho, tiếng chẻ củi… Cuống cuồng chạy. Sau lưng có tiếng vó ngựa. Thôi chết. Càng thục mạng, cho đến lúc biết chỉ có con ngựa không yên lồng đứt dây theo. - Sáng ra, cả ba người đều đoan chắc đã lạc đường.
Sang đến Tú Lệ mất rồi. Đi đâu thì đi, càng xa Yên Bái càng tốt. “Quán trọ” đầu tiên là một nhà sàn, bà mẹ mù nghe câu được câu mất, nhưng hai con trai nói tiếng Kinh sõi. Được cái họ chả hỏi gì cả, lại thông báo tin Tây chạy qua đây hiếp cả người già, còn Nhật đã tràn ngập sông Đà, chiếm cả Sơn La, Trái Hút. Năm đồng bạc mất hút vào bữa cơm rau bí xào, tiếc đứt ruột. Nhưng hướng đi được xác định, là ra Trái Hút. Vấp Nhật còn hơn gặp Tây “đi cả nải”.
Xuyên sơn. Cái chân Tiếp ngày một tệ, khiến anh lúc phải dựa vào Liệu, lúc vào ông Tế mà lần.
Tế già thế mà dai sức. Liệu giữ con dao của ông, bị bắt là tự tử ngay. Anh chả hy vọng gì rơi vào tay Tây Nghĩa Lộ mà được chúng tha mạng. Ông cụ bản Nhốn cho hay hội kín ở nhà tù Nghĩa Lộ giết chết một quan ba bị bắn chết hết, có sáu kẻ chạy thoát, lính đi tìm đang ở ngay nhà bên cạnh.
Những ẩm lạnh bất chợt. Những hẻo hút thê lương. Trùm lên tất cả là nỗi sợ, nó khiến người ta không thể ngủ trong chăn dày, mà chui vào búi tre, đầm mình trong cứt trâu. Cũng có lúc đã tuyệt vọng, hạnh phúc đơn giản lại hiện ra trớ trêu, được cầm thông, thương tình, được ngả lưng thây kệ sự đời, ngửi mùi khói, ngắm bóng đàn bà trên vách.
Ra đến Trái Hút, bán nhẵn nhụi sống áo, họ thuê được bè về xuôi nhưng lạc mất Tiếp. Âu Lâu hiện ra với những thanh kiếm Nhật sáng loáng, hàng ria mép trên gương mặt lạnh. Sống lưng kẻ đi trốn bỗng như có bàn tay ma vuốt dọc. Sau lưng anh tiếng chân rầm rập, ai đó bị lùng đang thục mạng tháo thân.
Đò dọc từ Việt Trì đổ về chen chúc đủ loại người. Một ông khách không ngớt “xi nê ma mồm” về đám tù làm loạn ở Nghĩa Lộ, rằng chúng tợn tạo, luồn lách khôn ranh lắm, quân tuần đã bắt được cả chục, còn dăm ba đứa chả biết thăng thiên độn thổ nơi đâu. Hôi như cú, liên tục “à” “ồ” ngạc nhiên, Liệu và già Tế nghe như nuốt câu chuyện. Ngoài mui thuyền, gió sông ào ạt thổi. Những tàu chuối trên bờ đánh phần phật. Người đàn bà ngồi cạnh Liệu, chắc đang nuôi con, tỏa ra mùi sữa ngầy ngậy. Tự do đang rất gần trong cái khung cảnh vừa hung hiểm vừa giản dị, tức cười biết bao.
A? Ta sắp làm một người đàng hoàng? Ta sẽ gặp ai, nói câu gì, có được chọn món gì để ăn không nhỉ?
Làm sao mà, có dễ đến chục lần rồi, mà tự do vẫn có cái mùi tươi mới quyến rũ đến vậy…