- 17 -
ĐA MANG NÊN PHẢI ĐÈO BÒNG

Liệu không bao giờ đơn giản hóa được sự đời. Không bao giờ. Trong ông, ngoài con người cách mạng cứng rắn còn là nhà sử học luôn luôn muốn hình dung các sự kiện, vận động đúng như hình hài của nó. Cuộc sống tình cảm sôi nổi, tâm hồn nhạy cảm của thi sĩ lại không buông tha ông khỏi những rung động thật tinh tế trước cái đẹp, sự đồng cảm. Về mọi phương diện, ông lại quá tràn trề, những hạnh phúc lớn cũng như tai ương, phiền muộn cứ thế mà kéo đến.
 
Xấu người, nhỏ bé, có đôi mắt ướt chèm chẹp do giữ gìn không tốt từ nhỏ, Liệu lại hết sức đa tình. Lấy vợ sớm, có con từ thuở trước hai mươi, ông có những mâu thuẫn để đa mang cả đời. Một mặt, là bà Tý khỏe mạnh, tần tảo, đã nuôi cả sáu con những lúc ông đi biệt. Một trong những đứa con ấy là kết quả cuộc bà đi thăm ông đang ở trại tù Bá Vân. Mặt khác, lại là những phụ nữ luôn thấy ở ông sự tri ngộ, cảm phục tài năng, nhân cách. Liệu biết ơn vợ, yêu quý cuộc sống gia đình, nhưng lại không ngừng rung động. Đến nỗi, trong cuộc hành quân khổ ải lên nhà tù Sơn La, gặp cô gái Thái giữa đường, ông cũng bật lên:
 
Ai đưa mình đến châu Yên
Hoa rừng một đóa càng nhìn càng tươi…
Để rồi
Gặp nhau chẳng hỏi chẳng chào
Xa nhau cũng thấy nao nao trong lòng
 
Cô gái Thái ấy có nhiều tư cách nàng thơ, chỉ là thoáng qua. Còn bây giờ là năm 1946, ông Bộ trưởng Thông tin - Tuyên truyền lại vương vào một đam mê mới. Nó đẩy ông vào cuộc phiêu lưu sung sướng và đau khổ đều tột cùng. Không phải chỉ là chuyện tình cảm thuần túy, nó “lập nên” cả một gia đình riêng, với những đứa con muộn.
Nền Dân chủ Cộng hòa thành lập không lâu thì Quốc dân đảng - đang cầm quyền ở Trung Quốc - cử quân đội vào giải giáp vũ khí Nhật ở miền Bắc Việt Nam. Cùng có chân trong chính phủ mới, Việt Quốc, Việt Cách lại “quậy” mạnh, chống đối lực lượng Việt Minh của Hồ Chí Minh, mà Liệu được coi là một yếu nhân. Bắt cóc, khủng bố dân thường và cộng sản diễn ra thường xuyên, công an chìm và nổi đôi bên thỉnh thoảng bắn nhau. Tình hình càng căng khi Quốc dân đảng Trung Quốc bắt đầu nhường nhiệm vụ giải giáp cho quân đội Pháp.
Giầy xăng đá, quân phục ga-bác-đin thay thế chân phù. Bên đại diện Sainteny khá ôn hòa, dễ dàng đối thoại với Hồ Chí Minh xuất hiện d’Argenlieu, viên cao ủy hung hãn.
Việt Nam Quốc dân đảng đối với Liệu có mối thù riêng: trước đây ông từng là đồng chí của họ - thực ra là của những người sáng lập đảng. Bây giờ, ở cương vị Bộ trưởng Thông tin - Tuyên truyền, ông phải quản lý, đấu tranh với sự chống đối, diễn thuyết “luôn miệng” về Việt Minh. Sự nguy hiểm rình rập làm phía Việt Minh phải cảnh giác. Ngày đến làm việc ở công sở, ban đêm họ rút ra các cơ sở ở ngoại thành để tránh khủng bố.
Nhóm Văn hóa cứu quốc chọn ấp Thái Hà làm địa điểm. Đây là một khu tư dinh của nhiều quan lại Nam triều cũ như Nguyễn Năng Quốc, Phan Tử Nghĩa, nằm gần lăng mộ họ Hoàng. Mỗi nhà mỗi kiểu, biệt thự tây có, nhà năm gian kiểu cổ có. Cái nhà những Xuân Thủy, Văn Tân, Nguyễn Đình Thi… đi về gọi là villa des Roses - biệt thự Hoa Hồng.
Thật ra dấu vết biệt thự không rõ, ngôi nhà lớn nhất lại một tầng chạy dài vài gian, có câu đầu cửa võng chạm trổ, bàn thờ trang trọng. Ngoài vườn, những gốc hồng in bóng xuống mặt nước tĩnh lặng. Quang cảnh thường êm đềm, người nhà và đám giúp việc đều ăn nói khẽ khàng lối gia giáo, giấy rách giữ lấy lề - dù gia sản đã không còn sung túc.
Ông chủ là Nguyễn Văn Ngọc, một tên tuổi cự phách của làng giáo, giới trí thức “cũ”. Liệu đã đọc nhiều bài của ông trên tạp chí Nam Phong những năm hai mươi - ba mươi, biết tới xu hướng tồn cổ trong những cuốn “Tục ngữ phong dao”, “Truyện cổ nước Nam”, “Đào Nương ca”, “Cổ học tinh hoa”…
Nguyễn Văn Ngọc mất năm 1942, khi đang là đốc học Hà Đông. Đứng về mặt lý lịch, theo cách nhìn “mới”, tư dinh nhà quan không thể là chỗ tin cậy.
Nhưng Nguyễn Xuân Bích, cậu sinh viên trường Y, con trai ông Ngọc, lại là cơ sở từ trước tháng 8 năm 1945 của Trần Quốc Hương, người hay hoạt động trong thanh niên học sinh, trí thức. Vả chăng đây là gia đình “nghiêng” về chữ nghĩa, trí thức hơn là quan lại.
Ngày ra trụ sở ngoài phố, tối về biệt thự Hoa Hồng, ông Bộ trưởng Thông tin - Tuyên truyền ngày càng để ý đến Sửu, bà chị của Bích. Dường như đây là một hình ảnh ông, cũng như nhiều chàng học sinh, từng biết tới, nghĩ tới, khi cô bé Sửu đứng bán hàng trong hiệu sách Đông Hưng Long thư quán của cha ở 49 - 51 Hàng Đường. Trắng trẻo, đẹp một cách buồn bã, người đàn bà hai con có lối chăm sóc khách ý nhị. Những cán bộ Việt Minh quen tù đày hơn ở nhà, giờ được hưởng cốc nước gừng, bát lục tàu xá giữa đêm đông, đều cảm thấy ấm lòng. Càng lặng lẽ, bà càng gây sự tò mò. Một buổi tối, Liệu giữ Sửu lại, sau những cảm ơn thông thường là lời thăm hỏi gia cảnh. Cảm thấy tin cậy, Sửu kể về những trớ trêu đã trải qua. Không được học nhiều, vào loại “con nhà” bị cấm đọc Truyện Kiều, nhưng hầu bố đèn sách bấy nhiêu năm, bà có vốn văn hóa không nhỏ.
Dần dà, sự khép nép gia giáo và nỗi sợ “quan cách mạng” nhường chỗ cho thân tình, tin tưởng. Ban ngày, giữa bộn bề, Liệu bắt gặp mình nghĩ về người đàn bà đã hai con, chị ta đang làm gì nhỉ, có nghĩ gì đến mình… Những câu chuyện với Sửu làm Liệu thay đổi nhiều suy nghĩ. Chẳng hạn, bố chồng bà, đã làm đến Thượng thư, lại sinh hoạt rất đạm bạc, thanh bần kiểu nhà nho. Ông bố đẻ, dù say mê với văn hóa dân gian nhưng sành rượu tây như sành hát ả đào, vang mua về cả thùng. Liệu ngạc nhiên khi biết ông đốc Ngọc, cùng anh ruột Nguyễn Quang Oánh và ông Đỗ Thận là những người đầu tiên đưa chèo, cái thứ hát quê kệch trong làng quê lên diễn trên sân khấu hộp Hà Thành.
Gia cảnh của Sửu đang điêu tàn theo phận riêng của bà. Mươi lăm năm trước, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Ngọc, cùng quê Hải Dương, đồng môn trường Bưởi rồi trường Hậu Bổ, đã gả con cho nhau. Sau thời kỳ làm báo Nam Phong lừng lẫy, muốn dựa vào quan lộ để thực hành ý hướng xã hội, ông Quỳnh vào Huế làm Thượng thư bộ Học rồi bộ Lại. Rồi chồng Sửu mê người đàn bà khác, không đẹp bằng nhưng đi xe đạp, uốn tóc. Năm 1943, sau đám ma bố, Sửu đưa hai con trai ra Hà Nội, vừa gần gũi họ hàng vừa trông mấy cậu em đang tuổi lớn. An phận, chả biết gì về cách mạng, những đệ tam đệ tứ, các đảng phái, nhưng Sửu cũng vui theo em, theo con khi họ ùa vào đám đông chào độc lập.
Tuần lễ Vàng năm 1946, Sửu dắt con trai tám tuổi Dũng lên gò Đống Đa gần nhà, bế cậu bé lên để bỏ vào hòm phiếu nhẫn. Đó là điều làm Liệu cảm động, tuy vẫn biết rằng bao người khác, nghèo khó hơn, cũng dốc túi vì nền độc lập non trẻ. Để duy trì biệt thự Hoa Hồng, nuôi con, thỉnh thoảng chu cấp những bữa ăn cho cả đông người, Sửu hẳn chẳng còn bao nhiêu của cải. Thời buổi tranh tối tranh sáng, chiến cuộc đến không biết lúc nào, việc tái bản những cuốn sách của ông Ngọc là rất khó. Cái ấp trên Lập Thạch mua bằng tiền viết sách trước đó đem lại không bao nhiêu lợi tức. Mà Sửu thật khó bỏ thói tiêu pha rộng rãi quen thuộc. Một năm ngần ấy cái giỗ, những người làm vườn, mái nhà cần đảo ngói…, cái gì cũng cần tiền, trong khi bà chủ trẻ chả biết tính toán làm ăn thêm ra cái gì.
Những buổi tối cứ dài mãi ra. Cả hai đều bối rối và càng nghĩ đến nhau nhiều hơn. Họ là đàn ông và đàn bà, đấy là nhẽ thường. Nhưng lại còn một cái nhẽ, là giai tầng của hai người rất chênh. Có những điều thuộc về lý tính khiến họ phải “nhận thức” về nhau. Chẳng hạn ăn bát chè hoa bưởi Sửu nấu, đọc những sách “Tục ngữ phong dao”, “Đào Nương ca” ông đốc Ngọc trong nhà, Liệu phải nghĩ những thứ rất vô hình chứa sau đó, liệu có phải đều là phù phiếm? Trong thế giới ăn trên ngồi trốc, ông Ngọc đã nhặt từng hạt chữ, từng lời ăn tiếng nói của người nông dân để mà nâng niu, đêm đêm sàng lọc đến phát ho lao.
“Đấy là những gì mình cũng phải “quét sạch” đi ư?”, sẽ có lúc Liệu tự hỏi mình câu ấy. Nhưng bây giờ là nỗi bối rối trước những đòi hỏi của lòng mình.
Ông đã bề bề vợ con, giờ lại đường đường Bộ trưởng, danh nổi như cồn. Dù nhận thấy các đồng chí của mình cũng quý Sửu, điều ít thấy hơn với Thu Tâm trước kia, Liệu không thể không nhận thấy sự nghiệp chính trị của ông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nếu “dính” vào con dâu (dù là “trước đây” thôi) của ông thượng Nam triều đã bị cách mạng bắt rồi “mất tích”. Về phần mình, Sửu chẳng thể đơn giản. Dù rất kính phục ông, bà đã một lần đò. Vài năm trước, chẳng phải bà đã không thể chấp nhận chồng mình có thêm vợ nhỏ đấy ư? Họ hàng bà, những bà phán ông tham, mấy cô em nhí nhảnh, rất khó để họ cũng thấy gần gũi cái nhà ông quan của triều đại mới.
Nhưng cuộc sống có những nhẽ riêng oái oăm. Những câu thăm hỏi bâng quơ. Những chăm sóc ý nhị… Bao nhiêu thứ đều mơ hồ dẫn đến những linh cảm nó khiến cố dằn mạnh, dứt bỏ rồi lại cứ phải nhặt lên nâng mu. Sự dịu ngọt. Những so sánh… Tất cả đều dẫn đến chỗ chết người.
Tình hình căng thẳng ngày một thấy rõ. Hồ Chí Minh, sau những dàn xếp để lui được đoàn quân Tàu Ô, liên tục thương thảo với Sainteny. Nhưng d’Argenlieu là một kẻ cực đoan, gây hấn ở Hải Phòng. Hội nghị Đà Lạt tan vỡ. Súng nổ miền Nam, những người trai lại lên đường, Sửu có người em đi không về. Hà Nội rầm rầm những cuộc đụng độ. Đâu đó trên mạn Tứ Liên, Đông Ngạc, bộ đội buộc phải xử tử một đồng đội đánh lại Pháp. Khắp không gian mùi binh đao đã thoang thoảng.
Một buổi tối Liệu hỏi Sửu:
- Chị đã chuẩn bị gì chưa?
Thấy bà ngơ ngác, ông trầm ngâm: “Có thể chiến tranh sẽ trở lại. Dù đã ký hiệp định Sơ bộ và Tạm ước, bọn Pháp vẫn quyết lấy nước ta. Những cố gắng của Cụ Hồ thất bại rồi. Chị nên chuẩn bị. Hòa bình mong manh lắm. Nhà ta có chỗ nào để lánh về?”
Sửu bàng hoàng. Bà đã trải qua tang bố mẹ, những tổn thất trong tình cảm, giờ là cảnh nhà đang kiệt quệ. Chiến tranh với chết chóc, bom đạn là thế nào? Tuy vậy, giờ là lúc phải cứng cỏi, dù bà vốn dĩ là người an phận, yếu đuối.
Lệnh tản cư ban ra. Sửu đem con lên Lập Thạch, trú trong ấp Bồ Tỉnh, vốn là chỗ viên ẩn của ông bố ngày trước, trong hành lý lỉnh kỉnh mấy bồ sách Liệu gửi. Bà sẽ sống bằng tô tức của tá điền. Sau khi ba em trai tòng quân không lâu, người con lớn - đích tôn của ông Phạm Quỳnh - cũng nhập vào một đơn vị công binh.
Súng nổ. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến kéo dài tới 8 năm sau. Liệu lên thăm Sửu. Trong cái ấp nghèo dưới chân núi Con Voi, chẳng có gì ngăn được họ đến với nhau nữa. Đây là cuộc phiêu lưu tình cảm cuối cùng và sâu sắc nhất của Liệu.
Cuối năm 1947, Sửu sinh con gái Trần Nguyệt Quang, đứa con sinh ra trong kháng chiến sài đẹn, ghẻ lở đã lớn lên ăm ắp tình mẹ nhưng đầy những khắc khoải, day dứt của người cha.
NĂM 1946: ÔNG “Tả KHUYNH”
Cuộc cách mạng nổ ra vào tháng Tám năm 1945 đã thắng lợi mà không phải đổ nhiều máu. Dân chúng, trải qua ngót trăm năm nô lệ và nạn đói khủng khiếp đã căm thù ngoại bang - dù là Pháp hay Nhật - đến cực điểm, chỉ cần một “mồi lửa” là cháy bùng lên. Đó là nguyên nhân sâu xa. Còn trực tiếp, thì đạo quân Quan Đông vỡ trận ở Mãn Châu Lý trước Hồng quân Xô viết, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Trục phát xít đi đời.
Trong nước, chính phủ Trần Trọng Kim bối rối, không điều khiển được sự tình. Quân Nhật gần như tê liệt, Pháp rục rịch trở lại. Ở lán Nà Lừa trong rừng sâu Tuyên Quang, qua radio, Hồ Chí Minh, giữa những cơn sốt ác tính, nhận ra đây là thời cơ có một. Cướp chính quyền nhanh, không thì thời điểm thuận lợi qua đi, lực lượng dù còn mỏng cũng phải tiến hành.
Đội quân cách mạng từ Tuyên Quang tiến về Thái Nguyên. Lấy chính quyền quá dễ. Thực chất là nhiều nơi chả có chính quyền nào cả. Họ tiến luôn về Thủ đô. Được cái là Mặt trận Việt Minh, tổ chức từ rất lâu, đã có cội rễ trong dân chúng, tập hợp được tất cả, từ anh dân cày đến người hào chủ. Việt Minh là lực lượng lớn nhất, ra lời kêu gọi là dân nhất tề hưởng ứng.
Ngày 19-8-1945, Bắc Bộ Phủ về tay Việt Minh. 2-9-1945, Chính phủ mới ra mắt ở quảng trường Ba Đình. Dân chúng, kể cả hoàng gia, mừng rỡ biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Trong thành phần “tân triều”, ngoài Việt Minh còn có các đại diện đảng phái khác như Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đảng. Sự phân chia quyền lực là không thể tránh khỏi, dù người Cộng sản chiếm ưu thế khi nắm Việt Minh.
Chính quyền thì có rồi. Nhưng lại bao nhiêu cái khó đặt ra, thách thức những người chưa có quyền lực thực sự. Quân Tưởng, được Đồng Minh ủy nhiệm, giải giáp lực lượng Nhật ở ngoài Bắc. “Chân phù” đi vào kéo theo bao nhiêu dân binh nhũng nhiễu. Nào lương thảo, chỗ ở, lại còn tiền bạc, thuốc phiện, gái. Ngay trong tháng Chín, tháng độc lập, mà quân Anh - ác cái, cũng là Đồng Minh - đã gây hấn trong Nam Bộ. Rồi quân Tưởng dần dần rút ra, Pháp tràn vào. Dù là Sainteny ôn hòa hay d’Argenlieu hiếu chiến, tư tưởng thực dân vẫn còn đó. Chả làm gì có chuyện họ không còn muốn làm chủ lại Đông Dương. Ngay Cộng sản Pháp có người còn muốn d’Argenlieu đánh mạnh đi để giương cao ngọn cờ nước Pháp.
Hơn bao giờ hết, chắc hẳn trong những ngày này, Hồ Chí Minh phải luôn nghĩ đến câu nói nổi tiếng “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Khôn khéo, tránh manh động, ông Cụ đã lèo lái được con thuyền mỏng manh vượt những thác ghềnh hiểm nghèo nhất.
Điều cần nhất lúc này là sự ổn định. Có hòa bình thì mới có ổn định. Mà các lực lượng Anh, Pháp, Tàu Tưởng thi nhau gây hấn. Có chính quyền rồi mà ngày nào súng cũng nổ, quân Pháp bắn vào bộ đội Việt Minh ở Hải Phòng, Hà Nội…, cướp bóc, hiếp chóc dân lành. Lực lượng vũ trang có trong tay mà cứ phải án binh bất động, nín thở chịu đựng. “Hòa bình” mà không khí ngột ngạt, căng thẳng không thể tả. Nhưng phải có hòa bình, dù chỉ là “duy trì” nó, để đạt được sự công nhận của các nhà nước, phe phái trên thế giới. Trung Cộng còn đang đối phó với Tưởng Giới Thạch, Stalin thành kiến với Nguyễn Ái Quốc, tổng thống Mỹ lơ lá thư Cụ gửi đi. Và dù sao, tính đến nước cùng, trở lại với chiến tranh, thì Việt Minh phải chuẩn bị chiến khu, xây dựng lực lượng. Chưa sẵn sàng thì chưa trở lại chiến tranh được. Phải có thời gian chuẩn bị chứ.
Hồ Chí Minh thực hiện sách lược “Câu Tiễn” đó bằng Hiệp định Sơ bộ, đồng ý “Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền nằm trong Liên hiệp Pháp”.
Đi Fontainebleau đàm phán trong một thế không “thượng phong” gì, nhưng dù sao cũng làm dịu sự hung hăng của phái hiếu chiến trong chính phủ De Gaulle, “tiện thể” kéo về những trí thức có tiếng như Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân… Còn trong nước, Cụ Hồ phát động Tuần lễ Vàng, diệt giặc đói, giặc dốt. Những nhà buôn yêu nước cảm mến Cụ Chủ tịch dốc túi cho chính quyền. Nhiều nhất là ông Trịnh Văn Bô, tới cả hàng nghìn cây vàng để mua vũ khí, còn vợ ông, bà Hoàng Thị Hồng, phải “chạy” thuốc phiện, gái cho đám Tàu Tưởng Lư Hán, Tiêu Văn.
Những hoạt động ngoại giao, nội trị tỏ rõ sự khôn khéo, tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh. Từ chỗ “tay không bắt giặc” (nói thế liệu có quá?), trứng treo đầu đẳng mà giữ được chính quyền, kéo dài hòa bình ra đến hơn một năm, phải đánh giá vai trò lãnh tụ là kiệt xuất. Đã chìa tay ra với Truman, Stalin, cả De Gaulle ra đều bị lạnh lẽo, mà làm được vậy dần dần gây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi, Hồ Chí Minh xứng đáng là biểu tượng dân tộc.
Trần Huy Liệu là đàn em Cụ Hồ về tuổi tác, cảm phục tài ứng biến, sự lịch lãm, sức tập hợp, thuyết phục của Cụ. Nghĩa là chịu. Nhưng ông có những điểm nhìn riêng. Ngoài lòng căm thù người Pháp đô hộ, bóc lột, trí thông minh hơn người, tài hùng biện và một quá khứ đầy tiếng tăm, ông lại thiếu hẳn những đức tính của chính khách: sự khôn khéo, biết nín nhịn, khi nào thì tiến, khi nào phải thoái. Ông lại cũng chả có một “tinh thần kỷ luật” dồi dào dù dư biết đã trong đoàn thể là phải chấp hành lãnh tụ tối cao. Những hành động của Liệu làm người ta nghĩ đến hai chữ “tả khuynh”.
Điều đầu tiên làm Liệu ức là việc Đảng Cộng sản tuyên bố giải tán.
Tôi biết tin này khi từ Nam Định lên Hà Nội, đọc báo Cứu Quốc dọc đường thấy đăng bài Đảng tuyên bô giải tán. Khi đền Hà Nội, tôi phải làm ngay cái công việc là triệu tập các nhà báo tại nhà hội quán Khai Trí Tiên Đức cũ để đồng chí Trường Chinh tuyên bố và giải thích về việc này. Hôm ấy, tôi có một ấn tượng không đẹp, vì bọn nhà báo vẫn nghi ngờ và hỏi vặn vẹo mãi.
 
Cô nhiên là tôi không nghi ngờ về sự tồn tại của Đảng. Nhưng tôi băn khoăn tự hỏi vì những điều kiện bách thiết gì Đảng phải giấu mặt giấu tên? Về phương diện quốc tế, kẻ thù muốn giết Đảng ta lúc bấy giờ là đế quốc Mỹ và bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch không phải nghe ta tuyên bố giải tán mà chúng tin ngay. Bọn gián điệp Mỹ vẫn luôn luôn vạch rõ sự tồn tại của Đảng ta. Lời tuyên bố của ta càng làm tăng thêm sự nghi ngờ của chúng và cái dã tâm muốn bóp chết Đảng ta, bóp chết nền độc lập mới mẻ của ta quyết không vì thế mà gác lại. Về phương diện trong nước, thì, bọn phản động Đại Việt Quốc Dân Đảng càng thừa biết sự tồn tại của Đảng ta. Bọn địa chủ tư sản hay công giáo nếu sợ cộng sản thì cũng không phải thấy nói Đảng giải tán mà hết sợ vì trước mặt họ, người cộng sản vẫn là người cộng sản. Vì vậy tiếng tuyên bố giải tán Đảng phát ra tiếng vang rất ít.
 
Tôi băn khoăn hỏi Bác thì Bác nói: người đi trên chiếc thuyền tròng trành muốn đắm nếu cần phải vứt cả hành lý đi thì cũng cứ vứt! Câu ví dụ này không đem lại cho tôi một kiên giải thỏa mãn. Vì sự thực đã cho thấy rằng: chiếc thuyền tròng trành không phải chỉ vì hành lý, mà chính vì người. Nên, sau khi vứt hành lý rồi, con thuyền vẫn tròng trành như trước. Có chăng, trong một lúc hoảng sợ, người ta vứt hành lý xuống rồi lại phải mất công mò lên thôi. (Dự thảo bản tổng kiểm thảo tại đợt chỉnh huấn cán bộ, chiến khu cuối năm 1952 - đầu năm 1953, viết tắt là DT TKT)
Đây là nhận thức Trần Huy Liệu bảo lưu rất “kỹ”. Năm 1951, tại Đại hội II, Đảng Cộng sản ra công khai trở lại với tên Đảng Lao động, ông lại phát biểu, đặt vấn đề rằng “nếu ngày ấy ta không tuyên bố giải tán thì nay đã chẳng phải ra công khai trở lại”. Đại hội im phăng phắc, chỉ có Bùi Công Trùng đứng thót lên vỗ tay (nhật ký).
 
Một điều nữa, chả phải chỉ mình Liệu, mà nhiều người khó “thông” với lãnh tụ hồi đó là Hiệp định Sơ bộ ký ngày 6-3-1946. Tại sao đã giành được chính quyền mà Cụ Hồ còn ký nhận ta làm một quốc gia có chủ quyền nằm trong Liên hiệp Pháp, chả ra hèn kém lắm sao? Mất xương máu, cố công tranh đấu mãi mới làm chủ được đất nước, làm thế là một bước lùi chứ! Đã không tán thành Hiệp định thì cái Tạm ước ký hôm 14-9-1946, chuyến đi của Hồ Chí Minh sang Fontainebleau và hội nghị Đà Lạt cũng chỉ là “tiêu cực”.
Khác hẳn một hình ảnh ôn hòa, điềm đạm, từng trải của Hồ Chí Minh, ông Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu cứ sồn sồn như lửa.
Lễ hoan nghênh Hà Ứng Khâm, quan chức cao cấp của Quốc dân đảng Trung Hoa, vị Chủ tịch nước bị đặt vào ghế khách thường, trong khi Nguyễn Hải Thần ngồi chỗ trang trọng, Liệu bực không thể tả.
Biết nết “đuya” của Liệu, đám Quốc dân đảng nhiều khi đưa yêu sách trực tiếp cho Cụ Hồ, rồi Phủ Chủ tịch lại gọi sang bên Liệu can thiệp. Về việc đặt tên phố ở Hà Nội, Cụ bảo chỉ được đặt tên bốn người cộng sản là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, ông cứ đặt “thêm”. Có lẽ chuyện đổi “Nhà thương Khách” thành phố Tôn Đản, danh tướng đã vây đánh châu Khâm, châu Liêm của phương Bắc làm ông khoái chí nhất.
Tình hình mỗi lúc mỗi căng thẳng như sợi dây đàn. Nhật vừa bị giải giáp thì Tàu Tưởng nhũng nhiễu, rồi Pháp lại vào bắn giết dân chúng, vây trụ sở ta. Trên Chèm, bộ đội, có súng trong tay, đã choảng lại, giết chết mấy Tàu trắng. Sợ lửa bùng lên quá, dẫn đến chiến tranh, Chính phủ ra lệnh đem mấy người đó ra xử bắn. Mình bắn mình bảo sao không đau! Liệu chả thích gì chính sách Câu Tiễn của Cụ, mà luôn nghĩ đến hai ông kiệt hiệt, đến chết vẫn cực đoan trong Cách mạng Pháp là Marat và Robespierre.
Tòa án quân sự Bulgarie lần lượt kết án 2000 kẻ phản cách mạng từ chung thân khổ sai đến xử tử. Liệu mang tờ thông tin quốc tế ấy sang phòng Chủ tịch. “Đây, đồng chí Dimitrov, trong việc trấn áp phản cách mạng, đã chặt hàng ngàn cái đầu phản cách mạng. Cụ có thấy cái chính quyền cách mạng nào hiền lành đến nhu nhược như chính quyền của Cụ không?”. Cụ Chủ tịch kệ cho ông phát tiết cơn phẫn nộ, chỉ tủm tỉm cười, thắt lại cái cravate cho Liệu; cử chỉ của một chính khách lão luyện. Có thể hiểu ông Cụ coi những lời của Liệu là trẻ con, chả nên chấp.
Lại có thể cho là nói lại Liệu không dễ. Liệu có cái lý của mình. Ông Cụ, với những tiên cảm nhờ vào sự từng trải, có những ý định của mình, nhưng càng phân giải với cấp dưới càng “rách chuyện”, chi bằng cho “hắn” mỏi mồm, hả tức thì thôi.
Ông Hoàng Tùng, sau này giữ chức trọng trong bộ máy tuyên huấn, có những đánh giá thú vị trong bài “Trần Huy Liệu - ông thầy của tôi” in trong nội san “Nhà báo Hà Nội”:
Về chính trị, lúc đầu ông (nguyên văn viết hoa) ghét bất kỳ ai là Tây. Sau khi trở thành người cộng sản ông bênh vực chủ nghĩa quốc tế song rất bất bình trước sự hống hách của bọn thực dân. Ông không chống việc ký hiệp định ngày 6-3-1946, nhưng không tin là phía Pháp sẽ tuân thủ… Pháp đánh Nam Bộ, ném bom giết đồng bào ta. Bộ Tuyên truyền của ông, qua đài phát thanh, cảnh cáo rằng, nếu Pháp không chấm dút hành động dã man đó, thì tính mạng những người Pháp bị quân Nhật bắt, mới thả ra từ các trại giam, sẽ không an toàn. Hôm sau, đài ta lại phát tin về những cuộc ném bom mới. Anh em thanh niên đã tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội tổ chức ngay từ sáng sớm một cuộc săn lùng người Pháp, đánh họ ở phố Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân. Là Bí thư Thành ủy, tôi bị cách chức mấy tháng về việc đó.
 
Rồi cái phải đến đã đến. 19-12-1946, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đôi bên Việt - Pháp xốc dậy cầm lấy vũ khí, bất kể bên kia có Sainteny luôn muốn trì hoãn binh lừa, bên này có vô số cựu học trò đã thụ giáo làu làu văn hóa Pháp. Chiến tranh là chả tránh được.
Trong những ngày nhàn rỗi ở chiến khu, Liệu có thời gian nghĩ đến năm 1945, nhất là năm 1946, khi đang ở trọng trách “loa” phát ngôn của Chính phủ.
Quyết tâm kháng chiến của Hồ Chí Minh buộc Liệu, như hàng triệu con người khác, phải bước vào cuộc gian khổ, sinh tử. Nhưng ông đã nhận thức lại con người Lãnh tụ cũng như bản thân. Tôi thấy mình đã chủ trương tả khuynh, phiêu lưu, mạo hiểm, không thấy rõ hoàn cảnh…, muốn áp dụng những phương sách thích nghi ở nước khác vào nước ta bấy giờ…Nói tóm lại, tôi đã bị tình cảm cá nhân chi phổi, thiếu quan điểm duy vật biện chứng nên không nhìn thấy hiện tại và cũng không nhìn rõ được tương lai. (Dự thảo nói trên)
“Bị tình cảm cá nhân chi phối…” có lẽ là đặc điểm lớn nhất của con người Trần Huy Liệu, làm thành điểm mạnh cũng như điểm yếu trong ông.
Liệu luôn “xốc nổi”, chả bao giờ biết chờ thời. Bảo là nhân bản cũng được, bảo là thiếu sự lịch lãm của chính khách cũng chả sai. Liệu luôn luôn là mình, nói thế chắc đúng nhật