- 21 -
CƠN LŨ

Những dự cảm lớn dần, trở thành nỗi lo, rồi hiển hiện trước mắt mối nguy hiểm. Nguyễn Thị Năm bị bắn. Đấu tố ngày càng khắc nghiệt. Không ít đội “xâu chuỗi”, “bắt rễ” nhầm, để người ta đem tư thù tị hiềm ra trị nhau. Hệ thống cán bộ ở cơ sở lung lay. Đêm đêm, có những bí thư Cộng sản bị lôi đi kết tội “Quốc dân đảng”, vợ con không bao giờ thấy trở về. Không khí làng quê u uất, căng như có quả bom tấn gài vào.
 
Nhức nhối nhất, là khi “lũ” tràn về gia đình thứ hai bên kia Tam Đảo. Dù có ba em - một đã hy sinh - và một con trong quân ngũ, đóng góp thóc gạo cho bộ đội, dù căn nhà thường xuyên nuôi ăn cả tiểu đội, Sửu vẫn bị quy địa chủ vì mấy chục mẫu ruộng cụ đốc Ngọc mua bằng tiền viết sách trước kia. Bị cô lập thiếu ăn, bà ho lao, thổ ra máu, mà không có tiền chữa chạy.
 
Lớp chỉnh Đảng, những cố gắng để ra đời một cơ quan nghiên cứu khoa học… khiến Liệu không về thăm Sửu được. Chả có tin tức gì từ bên kia Tam Đảo của mấy mẹ con. Mà cuộc phát động quần chúng đánh địa chủ đã bước vào cao trào. Nghe rầm rầm tin đấu tố đâu đó, lòng ông cứ như có lửa cháy. Phải dứt ra mà đi thôi, dù việc đang bề bề.
 
Qua mấy quả đồi, thung lũng, cái ấp bé nhỏ dưới chân núi Con Voi hiện ra. Ao rau muống, ai đang nhấp nhô hái, dáng tiều tụy mà quen quen. Không thể ngờ được. Sửu của ông, bắp chân trắng xanh ngấn bùn. Một cảm giác khó diễn tả, nghẹn ngào pha chút vui vui. Thế là Sửu đã gần người lao động hơn. Nhưng cái gần đó có giá gì không?
 
12-8-1953
Cả một cảnh tượng điêu tàn và hiu quạnh hiện ra trước mặt cha. Con và chị Quang đương nằm chơi trên giường. Hãy biết các con vẫn sống, vẫn mạnh khỏe. Mới đầu, con không nhận biết cha, mà gọi là “ông cụ”. Cha vừa buồn cười vừa có cảm tưởng như Lưu Nguyễn xưa kia từ Thiên Thai trớ về xa lạ với cả mọi người yêu dấu!
 
Cha muốn biết ngay những biên thiên trong gia đình, nhưng không muốn hỏi và thấy ngại ngùng khi hỏi đến. Vì biết nó sẽ không hay gì. Ở đây đội công tác phát động quần chúng chưa về làm việc. Nhưng nhà ta, cũng như các địa chủ khác trong làng, đã bị cấm không được tự do đi lại. Sự thực, mẹ con có phải là địa chủ chính thức đâu. Vì ruộng là của chung gia đình mà cậu Bích, cậu Khôi đều đi công tác vắng nhà, nên việc cai quản gia đình rơi vào tay mẹ con…
 
Gia đình ta hiện nay như ở trên một hòn cô đảo, cách xa với đất liền rộng lớn là đại chúng nhân dân. Những người thân thuộc trước kia đều không dám bén mảng tới, vì sợ mang tiếng xấu câu kết với địa chủ… Ngay đến cả việc cha về cũng ngoài sự chờ đợi của mẹ con. Vì mẹ con tưởng rằng cha sẽ không dám về thăm trong khi phong trào đương sôi nổi… Mẹ con từ trước kháng chiến vẫn sống xa nông thôn. Từ khi lên đây đối với những người nông dân xung quanh, mẹ con vẫn giữ được cảm tình. Không chiếm đoạt ruộng đất. Không cho vay lãi. Không đánh đập chửi mắng ai. Không giựt công ai. Không mắc nợ máu với nông dân. Nói cho đúng, mẹ con ở trong giai cấp bóc lột, cái giai cấp mà nông dân coi là thù địch, phải đánh đổ nó cũng như tiêu diệt đế quốc Tuy vậy, cộng với những công tác phục vụ kháng chiến (nhà có 3 người đi bộ đội và thường xuyên góp khá nhiều cho kháng chiến), nhà ta vẫn được liệt vào hạng thân sĩ yêu nước và tiến bộ. Có chăng, chỉ phải thanh toán với nông dân một khi tính ra rằng có nợ với nông dân thôi. Mà chắc rằng cũng không nhiều.
 
Khi viết những dòng này, trong một quyển vở riêng cho con trai út mới 26 tháng tuổi, Liệu thấy hơi buồn cười: chính cha lúc này đương phụ trách kiểm tra trong đoàn chỉ đạo công tác ruộng đất tại Việt Bắc. Ông không ngờ mình đang nhầm. Đám đông, nhất là đám đông thuần phác, bị vô thức kiểm soát khi được phát động một chiều hướng nào, sẽ phát tiết ra những năng lượng khổng lồ tăm tối hay tích cực tùy thuộc người khơi mào. Đến một lúc “âm binh” trỗi dậy mạnh mẽ quá, chính người đốt lửa cũng thành bất lực, đứng xuôi tay nhìn thực tế nghiệt ngã.
 
Ngày 7-5-1954, trận chiến ở Điện Biên Phủ kết thúc. Cả thế giới thán phục chiến thắng của bộ đội Việt Nam. Dân tộc tự hào. Ý nghĩa của sự kiện là quá lớn, nhất là trong mắt con người vừa làm chính trị, vừa bắt đầu nghiệp nghiên cứu lịch sử. Nức lòng với tư thế mới của phe cách mạng, Liệu lại có những ấm ức khác. Tin ký hiệp định Genève về Tân Trào, ông tốc lên Hồ Chủ tịch, Trường Chinh thắc mắc “đứng về tương quan lực lượng hai bên thì ranh giới quân sự phải lui xuống phía Nam mới đúng chứ. Chính địch cũng thừa nhận ranh giới chỉ lên được đến vĩ tuyến 14 - 15 là cùng, thế mà ta chịu ký ở vĩ tuyến 17, phí bao nhiêu xương máu đấu tranh của quân dân”. Lãnh đạo giải thích, nhưng làm sao có thể hở cho một người “xốc nổi về chính trị” cái điều ranh giới ở đâu thì các cường quốc đã quyết định rồi được. Con suối ở Tân Trào chiều tháng 7-1954 ấy đến là lắm thác lũ.
Dù sao, trước mắt là hòa bình rồi. Ngày về Hà Nội đang đến, với vô vàn hạnh phúc hạnh phúc quá giản đơn sau những ngày hầm hố bom đạn, có khi chỉ là giấc ngủ ấm, bữa ăn no. Liệu sẽ được rảnh rang trong việc đèn sách, làm việc theo chí hướng, đào sâu chiêm nghiệm cái mình thích. Hòa bình đem lại bao nhiêu thứ, thế mà trước ngưỡng cửa của nó, lòng Liệu lại ngổn ngang.
 
13-5-1954
Chiều nay tại cơ quan tổ chức ăn mừng chiến thắng Điện Biên Phủ bằng những hình thức ăn chung, nói chuyện, mặc niệm các chiến sĩ hy sinh, hô khẩu hiệu, ca hát… Trong lúc này, mình nhớ đến Diễm đã dự chiến trong trận Điện Biên Phủ, có lập công theo như lời hứa hẹn gửi về nhà không. Mình cũng nhớ cả Chiến, Quang và mẹ nó đương sống trong những ngày ảm đạm ở Bồ Tỉnh, không được cùng toàn dân reo mừng trong trận chiến thắng lịch sử này.
 
14-5-1954
Mấy hôm nay mình phải trấn tĩnh lắm để làm việc như thường. Hôm qua Nghiêm về báo cho biết tình hình Sửu và các con đương sống những ngày đau khổ mà chưa có lối thoát. Sửu, con người hiền hậu, yêu nước và ủng hộ cách mạng, bây giờ không may lại là “kẻ thù” của nông dân mặc dầu vẫn được nông dân công nhận là không có tội ác gì. Hai đứa con đáng thương của mình là Quang và Chiến cũng do đó, sống không chỗ dựa, thiếu thốn, bơ vơ mặc dầu chúng nó vẫn không cảm biết những sự vật xảy ra trong gia đình nó. Mấy tháng trước, mình đã đề việc này với TƯ và định rõ thái độ của mình. Thái độ ấy là trong cuộc tranh đấu giữa nông dân với địa chủ, mình phải đứng về phe nông dân, nhưng vẫn phải có nhiệm vụ đối với con, với vợ. Khốn nạn cho Sửu, tự mình không phải là địa chủ chính thức, mà chỉ là nạn nhân của một gia đình ăn tiêu phung phí rồi đến ngày cuối cùng, một mình phải chịu sỉ nhục trước nông dân trong khi không thanh toán nổi số tô phải thoái. Thương hại cho Chiến và Quang, nếu hoàn cảnh thuận tiện được ở chung với cha thì làm gì phải sống trong cảnh đau thương hiện nay. Hôm trước, viết cho Sửu, mình đã dặn phải thành khẩn với nông dân, bình tĩnh xử trí trước mọi sự biến và luôn luôn tin tưởng vào tương lai cải tạo của mình. Đối với các con, đừng đế chúng nó có một ấn tượng xấu trong khi chúng nó là dòng dõi của một gia đình cách mạng, là thế hệ xã hội chủ nghĩa sau này. Cũng may là các con còn thơ dại chưa biết gì. Theo Nghiêm thuật lại, thì Quang vẫn nhập bọn với nhi đồng, mỗi buổi chiều đi hô khẩu hiệu: Đả đảo địa chủ! Chiến nằm ở nhà cũng hô theo. Cũng may là các con tuy thiếu thốn nhưng vẫn khỏe mạnh. Nghiêm đem tiền phụ cấp về và mang theo cho các con một chai đường. Quang viết thư lên, bức thư đầu tiên gửi cho cha từ khi biết chữ quốc ngữ, đã khoe là ăn đường ngon lắm. Chiến thì vẫn khoẻ đòi Nghiêm cho lên với cha. Cha nghĩ đến mà se lòng lại.
 
Mình tự hỏi: tình cảm của mình có gì là yếu đuối không? Trong lúc toàn dân đương phấn khởi về chiến thắng Điện Biên Phủ, sao mình vẫn không quên được những thường tình gia đình? Mình thì cho rằng tình cảm này vẫn là tình cảm của một con người nó rất tự nhiên và hợp lý. Sao mình lại không thương con và thương vợ, miễn là mình không lụy về tình cảm để hại đến công tác. Trong cuộc tranh đấu, mình đứng về phe nông dân, nhưng vẫn biên rõ những tham lam ích kỷ của nông dân, nhất là khi đức tham lam ấy được nuông chiều.
 
17-5-1954
Đến hôm nay mình mới thảo xong tập giới thiệu lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam đê tuyên truyền quốc tế. Nhưng còn phái để cho ban Sử - Địa - Văn duyệt lại. Làm xong việc này, mình cũng đỡ thấy sốt ruột đôi chút.
Nghiêm hôm nay từ Bồ Tỉnh về đem theo tin tức của Sửu. Tình hình còn nghiêm trọng hơn. Sửu nói vẫn muốn sống để gần các con và thành khẩn với nông dân trong việc thoái tô. Nhưng can đảm hết rồi, sức lực kiệt rồi, tiền của không còn gì nữa, không chắc có còn sống được để gần con gần chồng dưới áp lực của nông dân không? Sửu còn gửi lên trả mình một gói nhật ký, thư từ và kỷ niệm vật để mình giữ, vì giữ ở dưới ấy lúc này không có gì là đảm bảo cả. Sửu phải xa lìa những vật liệu đã hòa vào đời sống này chắc là khổ tâm lắm. Vấn đề sống chết của Sửu đã đề ra rồi. Mình có còn giữ được bình tĩnh không? Về bề ngoài, mình vẫn làm việc không ngừng. Nhưng ban đêm, mỗi khi nghĩ đến thì đến sáng không ngủ được.
(Nhật ký quyển 448, lưu trữ Viện Sử học)
 
Vào cuối cuộc kháng chiến, Sửu không còn gì để chạy ăn. Không thể về thăm - chẳng ai được phép làm việc ấy, Liệu viết thư lên Trung ương, xin đón Quang, Chiến lên Lạng Sơn gửi người bà con bên Sửu, lý do là “các con tôi có tội gì đâu”. Trong ngôi nhà tranh dưới chân núi Con Voi còn trơ lại “hoa khôi” phố Hàng Đường dạo nào với căn bệnh hiểm nghèo.
CHỘN RỘN HÒA BÌNH
Chiến thắng Điện Biên Phủ đem lại thế mạnh cho đoàn Việt Nam trên bàn hội nghị Genève. Các bên tham gia ký kết thiết lập nền hòa bình tạm thời cho xứ sở. Đất nước chia đối với hai chế độ chính trị khác nhau, cái vạch ngăn về địa lý là vĩ tuyến 17.
 
Các cơ quan kháng chiến ở Việt Bắc chuyển về Thủ đô Hà Nội, trong đó có Trần Huy Liệu và gia đình lớn. Bên kia Tam Đảo, bà Sửu được tiếp tế một món tiền từ Hà Nội, đã nộp đủ thoái tô và được tha. Nằm trên cáng ra Vĩnh Yên, Sửu lên ô tô về Thủ đô, vào thẳng bệnh viện Đặng Vũ Lạc. Hai đứa con nhỏ bấy lâu ở Lạng Sơn, nay ngày ngày được vào thăm mẹ, vui như Tết.
 
Chẳng “bên” nào có niềm vui trọn vẹn. Bà Tý không chấp nhận “hiện tình”, bà Sửu tuần được chồng về thăm một lần. Còn bọn trẻ em lớn lên, đi học, quên dần nỗi khổ đạn bom, túng đói. Cậu út Chiến, một lần nghe bố giảng con với anh Công là cùng cha khác mẹ, với anh Dũng là cùng mẹ khác cha, với chị Quang là cùng cha cùng mẹ”, đã rất khó hiểu ra.
 
Liệu tập xe đạp, trầy trật mấy tối ra vườn hoa Ba Đình ngã tím đầu gối mà chẳng xong. Ông cáu với Nghiêm, người cháu giữ xe, rồi cười xòa: “Có phải ai cũng làm được mọi việc đâu”. Hình như ý nghĩ mình không thể đi xe đạp làm ông an tâm với công việc viết sử.
 
Cơ quan từ kháng chiến về đóng ở số 2 Lê Phụng Hiểu, nhà ở cũ của một viên quan hai người Pháp, tiện nghi rất sang, đủ đầy sa lông, quạt, tủ… Ngồi hố xí “máy” sướng hơn hẳn những “chuồng chồ” hôi hám có thúng tro, ai nấy bất giác nhớ lúc đi “quận công” ngoài suối Việt Bắc. Những ông ké, bà bủ mới đấy đã thành ra xa. Bộ Thương mại, được phân ở 16-18 Hàn Thuyên đặt vấn đề đánh đổi, anh em lại chuyển ra đấy. Năm 1959, nhà 38 Hàng Chuối, vốn của hiệu vải lụa Tân Vinh trên Hàng Đào, trở thành trụ sở chính thức của Viện Sử học cho tới nay.
 
Ở khu phố tây có nhiều cái thích thật. Tiện nghi thay đổi cách sống của con người. Thích nhất là sự tĩnh mịch, những hàng cây xanh mát, đi bên dưới có thể nghĩ ngợi lắm điều hay. Chả hiểu nhà cửa, phố xá có làm người ta thông minh hơn không nhỉ, Liệu nghĩ. Từ nhà riêng ở 16 Phan Huy Chú, ông dễ dàng sang cơ quan hay nhà Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hoa Bằng… bàn soạn công việc. Đấy là những người có sở học hệ thống, nghiêm túc và giỏi giang. Biết mình là người tự học mà nên, Liệu tôn trọng họ. Những vị “túc nho thuần túy” được đắm chìm trong cổ sử, văn hóa học, những gì không động chạm trực tiếp quá đến lịch sử hiện đại. Quan hệ với Trần Đức Thảo vẫn rất khó, nhưng vị trí thức ngoài Đảng ấy đã chuyển sang đại học Tổng hợp, bắt đầu cuộc đời ngày càng đơn côi.
 
Các khoa học ngày càng nghiên cứu sâu, dần dần ra chuyên biệt. Năm 1955, ban Sử - Địa – Văn chuyển thành ban Văn - Sử - Địa, rồi năm 1959 trở thành cơ quan trong ủy ban Khoa học Nhà nước.
Liệu có chân trong ban lãnh đạo, nắm luôn Viện Sử Hoạt động từ trước đó khá lâu, nhưng tháng 2 năm 1960, Viện Sử học mới có quyết định thành lập chính thức, trực thuộc ủy ban Khoa học Nhà nước, có tạp chí nghiên cứu riêng. Đây là một bước chuyển cực kỳ lớn về chất. Từ một cơ quan Đảng chuyển sang cơ quan Nhà nước, tính chất khoa học sẽ “nổi” lên hơn tính chất phục vụ cách mạng.
Nhưng dầu sao phục vụ cách mạng, thể hiện ở công tác của Đảng trong từng thời kỳ, là công việc không thể không làm. Đó là chuyên đề về giai cấp công nhân Việt Nam, các cuộc thảo luận về phương pháp luận sử học Mác xít, những bài viết phục vụ đấu tranh thống nhất đất nước. Và bản thân Liệu, giữa hai vai trò nhà cách mạng và nhà khoa học cũng còn “chân ướt chân ráo” cơ mà.
Cơ man thứ để phải nghĩ, chọn lựa, rồi cách thức cho nó ra đời an toàn. Làm một đảng viên, tuân thủ kỷ luật của tổ chức đã khó, nhưng làm người độc lập còn khó hơn.
Chẳng hạn, Liệu đã phải lao tâm bao nhiêu với mấy người ông lấy về cơ quan. Phải nói đó là mấy “số phận” mới đúng. Người đầu tiên là Nguyễn Khắc Đạm, con nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu. Đạm đã đỗ tú tài, đang ở trong bộ đội, có anh là Nguyễn Khắc Trạch không theo cách mạng mà đi Pháp. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu trong chỉnh huấn, Đạm không kiểm điểm rằng đã có lần Phòng Nhì Pháp chủ động liên hệ với mình. Muốn có Đạm, Liệu sang bên Quốc phòng đặt vấn đề với Võ Nguyên Giáp, rằng anh ta thật thà khai nhận, và có bắt tay với bên kia đâu. Đạm đang bị giữ thì được “khều” ra, chuyển sang làm ở phòng tư liệu Viện Sử đến khi về hưu.
 
Người thứ hai là Nguyễn Ngọc Tỉnh, một nhà nho uyên thâm ở Nam Định. Trên mảnh đất đầy đình đền chùa, Tỉnh đem “chuyện” cách mạng phổ vào các bài văn cúng Thánh. Hồi cải cách ruộng đất Tỉnh bị nghi Quốc dân đáng lẽ ra bị bắn nhưng thế nào lại thôi, sống vương vất đói khát cho đến khi Liệu kéo lên cơ quan, giữ chân dịch Hán văn.
 
Nhọc nhằn nhất là trường hợp Nguyễn Đổng Chi, một tay thông tuệ trong khu Bốn. Đầu năm 1954, ban Sử - Địa - Văn ở Tân Trào lấy về khi Chi đang cải tạo ở Hà Tĩnh. Huyện ủy Can Lộc tư công văn “tên Nguyễn Đổng Chi là địa chủ cải tạo chưa xong, không thể vào được cơ quan Trung ương”, đề nghị giả về… Sau khi xin ý kiến Phạm Văn Đồng, Liệu phúc đáp lại rằng Nguyễn Đổng Chi đang có công trình về cổ văn học sử, ban giữ lại cải tạo tiếp. Rồi về Hà Nội, thế là thoát!
 
Ngoài Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Đổng Chi, Lê Toại (vốn là một ông phán)…, có những người Liệu rất thương nhưng chẳng làm gì để giúp được. Đoàn Xuân Kiểu tức Hoàng Công Khanh, ngoài Hải Ninh có “tí toáy” “định” cướp một đồn binh, Pháp bắt được đưa lên Sơn La. Chẳng phải tù cộng sản, Kiểu nằm chung buồng giam với Tô Hiệu, vì cũng bị lao. Anh giữ quan hệ tốt với mọi người, đóng một chân văn nghệ đắc lực. Khi làm tập thơ văn cách mạng trong nhà tù, Liệu đưa một bài của Kiểu vào, ký tắt “Đ.X.K”. Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu, có lần hỏi “anh kiếm đâu bài thơ hay, thỉnh thoảng người ta vẫn tưởng của tôi cứ khen”, Liệu chỉ cười, vì tác giả đang cưa gỗ trên rừng. Sau này, hết hạn cải tạo của ta, Đoàn Xuân Kiểu về Hà Nội, viết lách trở lại, được giải thưởng của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
 
Liệu hay có liên quan đến những “số phận” kiểu như thế. Đó cũng là “số phận” của ông? Rất nhiều chuyện, sau này, lúc bình thời, ông chỉ nói được với vài người, trong đó có Minh Tranh, một thời nắm nhà xuất bản Sự thật, tham gia nghiên cứu lịch sử Đảng. Có lẽ sau Nguyễn Bình, Hải Triều, Trần Đình Long, thì Minh Tranh là người Liệu gửi gắm nhiều tâm sự, cả u ẩn lẫn trong veo. Sau Minh Tranh, Liệu có những hậu sinh gần gũi trong cơ quan: Bùi Đình Thanh, Văn Tạo, Nguyễn Công Bình.
 
Chẳng hạn, “nắm” trong tay những nhà nghiên cứu tên tuổi đã lừng lẫy, thì làm thế nào để họ phát huy sở học sở trường mà không mắc “phốt” chủ quan, biệt phái. Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy… dù làm sử hay bơi trong bể Hán Nôm đều có chuyên môn rất sâu, khó thay thế trong địa hạt hẹp của họ.
 
Liệu nổi tiếng cũng đã lâu, nhưng lại trên trường báo chí, cách mạng, phải nói thẳng là đi sau họ về phương pháp luận sử học. Ông phải chiêu hiền đãi sĩ thực sự tôn trọng, không lấy khuôn khổ hành chính cứng nhắc ra đòi hỏi họ được. Và rồi những con người uyên thâm, đầy cá tính ấy đều đã cùng Liệu yên ổn với nhau.
 
Chẳng hạn, sự thay đổi của thời thế tác động rát rạt đến công việc. Sau cái chết của Stalin năm 1953, Liên Xô, trong Đại hội Đảng XX năm 1956, chủ trương “phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, khắc phục tệ sùng bái cá nhân của Stalin”. Mâu thuẫn Xô - Trung ngày càng nóng, đến mức bỏng rẫy. Lưu học sinh, nghiên cứu sinh đang đào tạo ở Liên Xô phải rút về trước thời hạn. Các nhà khoa học trong nước, vốn chịu những “nguồn” ảnh hưởng khác nhau, đụng độ tóe lửa. Chọn lựa lập trường, “mở mồm” rất không dễ. Có lúc phải tránh né.
Chẳng hạn, những yêu cầu tức thời của trên đặt ra rất cấp thiết. Tháng 4 năm 1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống làm việc trực tiếp với Viện Sử học. Trao nhiệm vụ đến tháng 8 năm sau phải có ấn phẩm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, con người hiểu biết, có cá tính mềm mại đó nói khá gay gắt:
- Một cuộc cách mạng lớn lao như vậy, đánh dấu cả một bước chuyển vĩ đại trong lịch sử dân tộc… mà cả ngành Sử học cho đến nay gần 15 năm rồi, vẫn không có được một công trình nào xứng đáng sao? Thế nào các anh cũng phải làm. Tập trung sức vào mà làm, gác các việc có thể làm sau cũng được để có nhân lực mà làm…
- Các anh giao việc, anh em rất mừng và sẽ làm. - Ông viện trưởng, cũng là người góp phần làm nên “bước chuyển vĩ đại” trên, đã trả lời, cũng hết sức khiêm nhường - Nhưng anh cũng biết đấy, số cán bộ thì ít lại chưa được đào tạo cơ bản, chỉ vừa học vừa làm, khó có thể có được công trình gọi là xứng đáng với tầm vóc to lớn của “cách mạng”. Anh em sẽ cố gắng có một “cái áo đỏ” để cùng nhân dân đi vào ngày hội mà thôi.
- Nhưng “áo đỏ” có thể “đỏ thẫm” cũng có thể “hồng hồng” thôi cũng được đấy nhé, vì thời gian gấp quá - Liệu nói thêm sau chút chần chừ, giọng khá “thân ái” với Thủ tướng.
 
Sau một năm cật lực, năm 1960, “Lịch sử Cách mạng tháng Tám” và hai cuốn về Cách mạng tháng Tám ở các địa phương từ Thanh Hóa trở ra được đưa in. Vài tháng sau, quyển II, 462 trang, về các tỉnh từ Nghệ An trở vào ra đời.
Trên khen. Nó ra kịp thời, tức là Viện đã làm xong cái việc lãnh đạo cần. Nhưng còn chất lượng, chắc Liệu nghĩ có những đánh giá, kể cả tư liệu, còn chưa “chín”.
Chẳng hạn, đánh giá các nhân vật lịch sử gắn liền với các sự kiện, trào lưu quan trọng trước năm 1930 thế nào cho thỏa đáng. Có phải những người không cộng sản, như những Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu không đóng góp gì được cho dân tộc? Và Phan Thanh Giản, tiêu cực hơn, Liệu thấy cũng phải nhìn ông ta trong bối cảnh yếu đuối ươn hèn chung của nhà Nguyễn trước thực dân mạnh mẽ. Trong khung cảnh nền hòa bình ở miền Bác vừa lập lại, chiến tranh giải phóng đang nhóm lên ở miền Nam, quan điểm trên có thể coi là không được “chính thống” lắm. Dù sao “ép hành ép mỡ ai nỡ ép người vào thời thế không phải của họ”, Liệu thấy thế.