- 22 -
LỊCH SỬ 80 NĂM CHỐNG PHÁP

Hồi lang thang làm báo, ở tù, Liệu đã viết những cuốn sử nhỏ. “Anh hùng khứ quốc. Ông Nạp Nhĩ Tốn (Nellson)” in trong Cường học thư xã năm 1927, rồi đến “Bạo động Yên Thể”, “Thái Nguyên khởi nghĩa” (sau nhà xuất bản đổi thành “Loạn Thái Nguyên” cho dễ bán) là các khởi động đầu tiên. Trong kháng chiến, lúc “ngồi chơi xơi nước” và đợi tự tử, “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” ra đời, in giấy rơm. “Tiện thể”, trong một lúc vừa phẫn chí vừa rồi việc, ông Thường trực Quốc hội viết hồi ký kể lại đời mình, từ lúc tấm bé đến liên chi đoạn tù đày. Hồi ký thì chưa in, nhưng cuốn “Sơ thảo…” đã đem lại cho ông nhiều thứ quý báu: bạn bè, những nhận xét, lớn nhất là sự tự tin. Ông được góp ý kiến rằng thời cận đại cũng có những thành tựu về văn hóa xã hội, sự phản ánh về kinh tế trong sách còn mỏng. Liệu muốn làm quyển mới trên nền cái đã có, đặt cho nó một phạm vi hẹp hơn, lịch sử chống Pháp thôi, trong 80 năm, còn những vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi, thơ văn các ông hoàng, những công trình, tiến bộ mang ảnh hưởng Pháp không đụng tới. Hẹp, nhưng nhất định phải sâu hơn, thấu đáo chứ không theo những yêu cầu bên ngoài. Đây là công trình của riêng ông cơ mà, dầu trong khi làm, ông vẫn sống bằng lương bổng Nhà nước.
 
Giờ là lúc tĩnh tâm, tĩnh trí để tra cứu trong thư viện, đối chiếu, học phương pháp trong các cuốn sử Pháp, Trung Hoa hay Liên Xô. Phương pháp chẳng phải là thế mạnh của một người tự học. Ngược lại, ông đã sống, nếm trải quá nhiều, đã gặp các nhân vật chính yếu của một thời như hai cụ Phan, Nguyễn An Ninh, Hồ Chí Minh, Bảo Đại… Không gì dễ hơn là đi vào sử cận đại, cái thời của cả cha, anh ông. Nó không quá xa xôi để “tan” vào huyền thoại. Tư liệu về nó đủ nhiều để khỏi phụ thuộc hoàn toàn vào các sử gia như thời phong kiến, dù đó là Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn hay Ngô Gia văn phái. Nó cũng không quá sát sạt, còn “nóng rẫy” như thời hiện đại, đủ để ông độc lập trong cách đánh giá. “Đánh giá”, cái công việc vừa trọng đại nhất lại vừa vớ vẩn nhất. Sự kiện vừa diễn ra ít năm trước đây thôi, chứng nhân còn sờ sờ đó, mà đã có người cứ riết riệt khoác cái ý nghĩa xa lạ này, phủi bỏ căn cốt kia đi, nên gọi là tham lam lố bịch hay là cái chi chi đây… Trời phú cho Liệu trí nhớ tuyệt vời, nó cho ông sống lại bao nhiêu câu chuyện đã nghe trong tù, khi làm báo, lúc gặp gỡ đủ loại người của nhiều thế hệ, lập trường chính trị. Nhưng lại có lúc nó hành, khi ai đó muốn ông quên đi điều gì…
 
“Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” được thai nghén, hình thành và đầy đặn dần giữa bao nhiêu công việc. Là Viện trưởng Viện Sử học, ông phải tổ chức đội ngũ nghiên cứu trẻ, tìm đề tài, cử người đi học, thăm hỏi nhà có đám… Là Uỷ viên Uỷ ban Thường trực Quốc hội, ông phải dự các kỳ họp, luận bàn về luật pháp, tranh thủ đọc sách giữa hai bài diễn văn. Là Phó chủ tịch hội Việt - Trung hữu nghị, ông dự các bữa tiệc xã giao, lưu ý Trung ương cảnh giác với đề nghị của bạn dời thủ đô từ Hà Nội lên Xuân Hòa. Quan hệ xã hội càng nhiều, “dự” lắm “ghế” thì càng sốt ruột, tiếc thời gian. Được cái Liệu dễ ngủ, và ăn cũng rất dễ. Không uống rượu, chè thuốc, ông đều đặn mỗi bữa ba bát cơm, trưa ngủ ít phút rồi đúng giờ ngồi vào bàn.
 
Lịch sử cận đại Việt Nam có những vận động căn bản: thực dân xâm lược, phong kiến tan rã từ hệ ý thức đến thực lực, các trào lưu đấu tranh cho dân tộc, sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây… Có những “nẻo” không đơn gian, như đánh giá các trào lưu cứu nước trước khi Đảng Cộng sản ra đời. Liệu cố gắng giữ sự độc lập của mình, ít ra là vì trước khi trở thành cộng sản, ông đã lang thang từ chủ nghĩa này, đảng này sang chủ nghĩa khác, đảng khác rồi. Ông yêu nước, những người tìm đường cũng yêu nước, có lý gì cho họ là không tiến bộ, khi họ chưa hề biết chủ nghĩa cộng sản là gì.
 
Tư liệu cho cuốn sách được bổ sung dày dặn dần, khi bộ “Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” do Liệu chủ biên ra đời. Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Lương Bích, Văn Tạo, Nguyễn Công Bình…, bao nhiêu thứ nhặt được trong các nghiên cứu của họ nữa. Liệu có cả vạn trang tư liệu để ngẫm ngợi, nung nấu thành gần nghìn trang sách. Bản thảo viết trên mặt sau những tờ tin, chữa be bét, được cái chữ dễ đọc nên người đánh máy không mất công đoán.
 
Quyển I bộ “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” hoàn thành và được in năm 1956, dày 328 trang khổ to, làm nhanh và suôn sẻ. Quyển II không như thế. Viết về giai đoạn Đảng Cộng sản đã ra đời, đánh giá của các nhà lãnh đạo đang còn sống có những chỗ vừa khác nhau, vừa khác ông. Nó có hai tập tập Thượng dày 156 trang ra năm 1958, tập Hạ 230 trang ra năm 1960. Đây là cuốn sử dày dặn, hệ thống nhất lúc đó về thời kỳ này. Nó được dùng làm giáo khoa trong trường đại học, đem ra nước ngoài giới thiệu. Trần Huy Liệu nhận huân chương Humbolt và bằng Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa dân chủ Đức có tiền đưa Nghiêm gom mộ nội tộc về một khu lăng ở quê. Niềm vui quả là lớn, đôi khi ông nghĩ mình đã làm hết bổn phận với cuộc đời.
 
Nhưng cuộc đời vẫn trôi, và ông thì còn sống. Liệu đi nước ngoài nhiều hơn, đổi ô tô công từ chiếc Moskvich biển HNA 861 sang Lada đời mới màu trắng. Nhà có bìa mua hàng loại A, phẩm hàm của Thứ trưởng, ông không phải lo đến cái ăn. Bà Tý tham gia câu lạc bộ Phụ nữ trí thức, sinh hoạt cùng các “mệnh phụ”. Gia đình thứ hai ở Hàng Buồm, cách nhà ông hơn hai cây số. Nhuận bút viết báo dành đưa Sửu - giờ chỉ còn phải lo chính cho hai đứa trẻ họ Trần, vì bà đã đi làm ở tổ đan len không dư dật nhưng không đến nỗi thiếu. Vinh và Dũng, hai con riêng của Sửu, một ở bộ đội, một đi làm xa, đã có lương.
 
Có điều, hòa bình đem lại những vấn đề mới cho cuộc sống không hề dễ xử như lúc còn thằng Pháp thằng Nhật dí súng gươm vào cổ đồng bào ông, bắt họ sưu cao thuế nặng. Bề nào, ông còn là người của chính trường, các hoạt động xã hội. Đến lúc tuổi ngoài sáu mươi, bao nhiêu ý đồ còn ấp ủ, mà ông không thể “đóng cửa” trong thư viện, viết những điều mình nhớ, mình nghĩ. Nỗi ham công tiếc việc cứ căng con người đa mang, đa sự ra.
 
Có hôm sẵn thời gian, Liệu về bà hai ăn cơm tối, xong đưa tiền cho Chiến đi mua vé xem phim. Cậu út tám tuổi đã biết tiếc tiền, mua vé hai hào ngoài rạp Long Biên, gần chợ Đồng Xuân, loại rẻ nhất, khiến cả nhà ngồi xem mà bắt tay diễn viên được. Kể cũng vui, vì cái hạnh phúc đến đơn sơ. Và hơi hơi ngậm ngùi. Rất lâu, kể từ thời kháng chiến.
 
Liệu mới ngồi giữa mùi mồ hôi nặng đến thế. Rạp bẩn thỉu, chỗ đi tiểu nhớp nhúa đang xem trẻ con đánh đuổi nhau chạy huỳnh huỵch. Chiến và Quang đã lớn lên giữa những đứa trẻ như vậy, và ông chả dạy bảo được chúng tẹo nào.
UỐNG CẠN CHÉN ĐẮNG
 
Ám ảnh.
Có những thứ ám ta, dai dẳng kinh khủng. Bằng mọi cách, mọi cố gắng, ta tẩy nó đi. Nếu là một con kiến bò trong cổ thì rất dễ. Khó hơn một chút, cái mụn ở chỗ nhạy cảm như nách, háng, khoeo chân mỗi cử động đều làm đau đớn, thì phải uống thuốc và đợi. Nhưng làm thế nào để chạy trốn một ý nghĩ, vứt nó ra khỏi đầu?
 
Liệu là kẻ dễ ngủ, thế mà đêm đêm, nó cứ bò ra ngoe nguẩy, làm buồn buồn, rồi thung thăng đi lại. Đến lúc cắn xé cuống cuồng thì tỉnh hẳn rồi, mắt chong chong, đầu hoạt động. Nó làm ông phải sang giường con, nhìn lũ trẻ tĩnh tâm lại được lắm. Kinh khủng nhất là phải ra ngồi ngoài vườn hoa Pasteur, đi đi lại lại như tâm thần.
 
Ngoài năm mươi, cái tuổi đã cần thư thái dưỡng thần, thu xếp yên mọi chuyện để tận hưởng những bổng lộc cuộc đời dành cho. Ông có những “ghế” cao lắm nơi mời đi kể quá khứ cách mạng, một “bề dày” nhiều người phải ngước lên, được dự bàn những cuộc quan trọng. Cứ ngồi phăng phắc cho tổ chức sắp xếp, có phải hơn là cựa quậy, nhấp nhổm tôi có ý kiến khác đây ạ… Nhìn ra xung quanh, có người quen làm thơ giờ chỉ đạo kinh tế, có người từng vợ con đâu đấy, giờ viết lý lịch đã “quên” đi…Chắc cũng ngứa ngáy, có thể bất ổn, nhưng khéo khéo lựa thì cũng xong. Tổ chức an tâm, mình không tằng tằng tiến thì cũng an bề một đấng đáng kính. Đằng này Liệu…
 
Chẳng hạn, cơn cớ gì mà ngẫm chuyện ngồi Thường vụ Quốc hội, nhưng quyền quyết ở nơi khác. Đã có Đảng lãnh đạo cơ mà, và mình là đảng viên. Hay mình từ Quốc dân đảng qua, công nhận sự trong sáng, đẹp đẽ của lý tưởng cộng sản nhưng không nhìn hết được cái tốt trong thực tế của xã hội xã hội chủ nghĩa?
 
Chẳng hạn, phản đế phản phong là nhiệm vụ đương nhiên của cách mạng để đưa đất nước tới chủ nghĩa xã hội, một con đường tất yếu. Thời Việt Minh mới thành lập, năm 1941, điều lệ của mặt trận ghi rõ là liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân…, làm cho Việt Nam và cả xứ Đông Dương được hoàn toàn độc lập. Về kinh tế thì chủ trương chỉ tịch thu hết tài sản bọn Nhật, Pháp, lũ Việt gian, Hán gian…, chia lại công điền, giảm tô, còn địa chủ vẫn được sở hữu ruộng đất. Thế mà sang giai đoạn cuối cuộc kháng chiến khi ta đã gần làm chủ được tình thế trong cuộc chiến tranh với đế quốc, những quyền đó lại bị xóa đi một cách triệt để, khiến nhiều gốc rễ rung chuyển.
 
Những con cái địa chủ kêu oan. Những bí thư chi bộ bị kết tội Quốc dân đảng, phải xử tử, “hiện hồn” về báo oán người chịu trách nhiệm quản lý mới của thôn xóm. Những ông giáo từng mở trường dạy học cho cả vùng, được kính trọng, nay còng lưng xuống chào “ông bà nông dân” mù chữ. Những ruộng đất cằn cỗi để hóa vì người ta bận họp, bận đấu tố, quy thành phần, lắp ráp cho đủ tỷ lệ địa chủ được ấn định. Người bỏ quê đi tha phương nhiều quá. Trí thức sợ hãi, kẻ có của co mình lại. Mà đã một thời họ nô nức đi trong đội ngũ dân tộc theo tiếng gọi của ta cơ mà.
 
Đảng đã nhận ra sai lầm của Cải cách ruộng đất năm trước, và tiến hành sửa sai. Có người được “phong” địa chủ kháng chiến. Có người được “xuống” làm trung nông lớp trên. Án oan cũng xóa, kẻ xuống tay mạnh quá đến nức nở xin con cái người bị xử lý tha tội. Lại có cả cán bộ cấp Trung ương mất chức… Nhưng đó mới chỉ là biện pháp tổ chức. Cần phải có sự tổng kết về nhận thức, chỉ ra các nguyên nhân, cội rễ của sai lầm thì mới triệt để. Việc đó cần vô cùng.
 
Vào giữa những năm năm mươi, Liệu trăn trở với ý tưởng xây dựng một bài viết về địa chủ Việt Nam. Trước đó, hai bài của ông có liên quan một chút đến đề tài này đã ra mắt trên tạp chí Văn Sử Địa: “Những người hoạt động văn hóa với việc cải cách ruộng đất” in số 1, “Vấn đề ruộng đất trong cách mạng Việt Nam” in số 2. Cả hai đều ra năm 1954 và ký Trần Huy Liệu. Bài lần này đưa một vấn đề trực diện về cái sự kiện còn nóng hôi hổi, có chỗ vẫn nhức buốt. Tuy tính xã hội rất lớn, nó không thể dài quá, và phải nghĩ rất nhiều để có một kết cấu hợp lý, chặt chẽ về lập luận.
 
Liệu làm thận trọng, kín kẽ, các ý tứ đều được kiểm soát khi triển khai bóc tách, chẻ nhỏ ra. Chả gì ông có một bà vợ bị quy địa chủ, dễ mang tiếng đem cái riêng ra bàn nhẽ chung. Nhưng cái chính đây là một luận văn khoa học, cần có lý tính, viết trên cơ sở nhận thức về cái chung, đại thể. Cũng không thể vì những sai lầm trong Cải cách ruộng đất mà phủ nhận hết thành quả mà nó mang lại. Nhưng dù thế nào, cái tư thế tranh luận, phản biện là không thể tránh khỏi, cho nên Liệu chọn một cách đặt vấn đề trực tiếp, không né tránh kiểu “thừ bàn về…”, “thử xem xét…”.
 
Sau những sai lầm nghiêm trọng về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đã đến lúc chúng ta cần phải xét lại một số nhận đinh từ trước về tính chất giai cấp, quan hệ giữa các giai cấp và đối tượng chủ yếu của cách mạng, các lực lượng tham gia cách mạng trong quá trình cách mạng Việt Nam. Việc này chúng tôi đã bắt đầu làm trong mấy sô tập san gần đây. Một nhận thức chung là xã hội Việt Nam trong thời Pháp thuộc là một xứ thuộc địa và nửa phong kiến, do đó, nó có những đặc điểm mà chúng ta phải tìm ra, phải biết đến để sắp xếp lực lượng, định một chiến lược cho thật đúng.
(Xét lại hồ sơ” giai cấp địa chủ. Tạp chí Văn Sử Địa số 25 năm 1957)
Sau khi khẳng định một nhiệm vụ của cách mạng là quét sạch tàn tích phong kiến, ông viết đến cuộc giảm tô và Cải cách ruộng đất vừa tiến hành, mà đối tượng của nông dân là giai cấp phong kiến địa chủ: “Nhưng trong đó còn có những trường hợp phiền phức như. Có những người địa vị và danh vọng thuộc giai cấp phong kiến nhưng không có ruộng cho thu tô, không bóc lột theo lối phong kiến. Liệt họ vào giai cấp nông dân thì cố nhiên họ không phải là nông dân. Cũng có người nói họ là chủ của một ít ruộng đất, tức là tiểu tư hữu nằm trong cơ sở của chế độ tư sản. Vấn đề rất phức tạp, cần phái nghiên cứu nhiều. Ngay đến việc quy định thành phần địa chủ trong cuộc cải cách vừa qua cũng còn nhiều điểm phải bàn lại”.
Vì “vấn đề rất phức tạp”, Liệu lập một “ba-ri-e”, rằng mới chỉ trình bày “những ý kiến sơ bộ và còn tiếp tục nghiên cứu”. Rồi ông triển khai từ giai đoạn cận đại:
Trước ngày thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, giai cấp phong kiến thống trị đã thoái hóa, phản động, lâm vào chỗ bí không lối thoát. Nhưng cũng bắt đầu từ khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta thì mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ phong kiến đã phải nhường chỗ chủ yếu cho mâu thuẫn giữa toàn dân Việt Nam, trong đó có giai cấp phong kiến địa chủ, với bọn xâm lược cướp nước. Cũng từ lúc này sự phân hóa trong giai cấp phong kiến địa chủ biểu hiện thái độ chính trị với bọn xâm lược đã diễn ra không ngừng… Nếu chúng ta điểm mặt những lãnh tụ khởi nghĩa bấy giờ thì hầu hết là những hưu quan, những nhà khoa mục ở các địa phương. Họ không những không có đặc quyền đặc lợi gì cả, mà phần nhiều thuộc vào loại “tiếng cả nhà thanh”, nghĩa là danh vọng thì lớn nhưng tài sản thì ít… Ngoài chỗ dựa vào nông dân, những phần tử trung kiên trong các cuộc khởi nghĩa đa số là những nhà nho nghèo. Về danh nghĩa họ thuộc giai cấp phong kiến, nhưng không phải là địa chủ sống bằng địa tô. Chính những người này là động lực của cuộc khởi nghĩa kháng Pháp và nối liền những tập đoàn lãnh đạo khởi nghĩa với nông dân địa phương.
Nói đến cuộc lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn đầu, có người thấy giai cấp địa chủ là đối tượng của cách mạng ngày nay rồi chực phủ nhận cả một bộ phận phong kiến đã có lúc lãnh đạo cách mạng. Có người dựa vào lý luận nói giai cấp phong kiến địa chủ là kẻ thù của nông dân thì làm thế nào lãnh đạo được nông dân. Những người này đã xa lìa thực tế, không đặt giai cấp phong kiến địa chủ vào khung cảnh thuộc địa, lại cũng không thấy mâu thuẫn dân tộc ở một xứ thuộc địa bao trùm cả mâu thuẫn giai cấp, mặc dù mâu thuẫn dân tộc về thực chất vẫn là mâu thuẫn giai cấp.
Bước sang thế kỷ XX, Liệu cho rằng giai cấp phong kiến địa chủ lại tiếp tục có sự phân hóa. Bên cạnh phái thủ cựu, những phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân đều do sĩ phu tiến bộ trong giai cấp ấy lãnh đạo, còn như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh thì đã bước dần vào xu hướng dân chủ tư sản rồi, chưa nói đến Tân Việt.
Vì chưa thấy sự phân hóa ấy, cao trào quần chúng đầu tiên do Đảng lãnh đạo đã có những chỗ đáng tiếc: Tài liệu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 cho biết rằng: những ngày đầu nhiều địa chủ phú nông cũng hưởng ứng theo phong trào, sẵn sàng đem thóc gạo trong nhà ra công cho xã hội.
Nhưng với khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, những người trực tiếp lãnh đạo phong trào hồi đó đã không nắm vững đường lối chính trị của Đảng, đã làm cho công, nông bị cô lập và mặt trận dân tộc thống nhất bị tan rã và không tranh thủ được trung tiểu địa chủ còn có thể đi được với cách mạng đến một chừng mực nào, trong một phạm vi nào.
Sau giai đoạn đòi cải thiện dân sinh, dân chủ năm 1936-1939, Nhật vào Đông Dương. Mặt trận Việt Minh thành lập, tập họp được mọi lực lượng của các tầng lớp nhân dân, dẫn đến thành công của Cách mạng tháng Tám. Tính chất dân tộc đã nổi bật lên trong sự kiện này. Nhắc đến đại địa chủ, quan lại đã trở nên phản động, Liệu nêu lên “một sử thật không thể không nhắc đến”: Đại đa số trung tiểu địa chủ, ngay cả một vài đại địa chủ, đã đứng trong mặt trận Liên Việt, dự vào cuộc toàn dân kháng chiến, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và lại một sự thật khác: “địa chủ kháng chiến là con số lớn”.
Điểm lại thái độ chính trị của giai cấp phong kiến địa chủ qua các thời kỳ xong, việc xem xét lại một vài nhận định từ trước là tất nhiên, dưới dạng thức “đề nghị”. Liệu cho rằng số ruộng đất chiếm hữu của trung, tiểu địa chủ ở miền Bắc so với nhiều nước khác là quá nhỏ. Cũng bị đế quốc áp bức, một số đã đứng trong mặt trận dân tộc do Đảng lãnh đạo. Trong một xứ thuộc địa, thái độ chính trị của họ khác với bọn địa chủ ở xứ không phải thuộc địa.
Như vậy những quan điểm từ trước cho rằng toàn bộ giai cấp phong kiến địa chủ đã đầu hàng địch, đã câu kết với địch, phủ nhận quan điểm của xã hội Việt Nam, phủ nhận sự thật lịch sử, tôi thấy cần phải xét lại. Không cần phải nhắc lại những sai lầm trong Cải cách ruộng đất vừa qua không phân biệt địa chủ phong kiến với địa chủ khác, coi tất cả địa chủ là địch là máy móc… Chúng ta chỉ cần nhắc lại là: vì xã hội nước ta trước đây là xã hội thuộc địa và nửa phong kiến, nên nhiệm vụ cơ bản của cách mạng là chống đế quốc chủ nghĩa và quét sạch tàn tích phong kiến; nhưng đừng quên giữa hai mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn dân tộc với chủ nghĩa đế quốc xâm lược và mâu thuẫn nông dân với địa chủ phong kiến thì mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc vẫn là chủ yếu nhất.
Trình bày xong những nhận thức, Liệu kết thúc:
Đề ra việc xét lại “hồ sơ” của giai cấp phong kiến địa chủ, tôi chú ý vào việc nghiên cứu để mong dựng lại một sự thật lịch sử, đồng thời mong công hiên một phần nào cho công tác sửa sai lúc này.
Có cảm giác là phần cuối ngắn gọn quá, không có những “đề nghị”, đưa “giải pháp” để trên áp dụng. Dầu sao, đây là cuộc trao đổi khoa học, trình bày một cách nghĩ chủ quan, riêng biệt, thì cái phần dành cho thực tế không có chỗ cũng được.
Nhưng cái chính, là đưa bấy nhiêu thôi, “nó” đã khó “tiêu hóa” quá rồi.
“Xét lại “hồ sơ” của giai cấp phong kiến địa chủ” còn nằm trên bàn khá lâu, xem đi xem lại rồi ký “Hải Khách”, cái tên tranh đấu ông đã dùng thời làm báo Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Nó xuất hiện trên Văn Sử Địa, tờ tạp chí nghiên cứu phát hành ít bản, cho một giới độc giả không rộng rãi.
Như thế có vẻ “nội bộ”, bàn vấn đề khoa học. Và cũng còn có thể in ở đâu được nữa. Bài ra thì ngồi chờ phản ứng. Đùa cợt, đọc cổ sử, trông coi việc ở Quốc hội, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng…, lúc nào cũng nghĩ đến “nó”. Trước mắt, không khí cơ quan khá im ắng. Cái chính là cấp trên kia, và là ai thì Liệu cũng đoán biết. Những cảm giác đợi chờ ấy, ông đã quá quen từ hồi còn trẻ.
 
Rồi việc cũng đến. Cuộc họp của trí thức ở câu lạc bộ Đoàn kết có Tổng Bí thư dự. Liệu giới thiệu, đồng chí Trường Chinh lên nói nhiều vấn đề, nhiều chuyện của địa hạt tư tưởng, khoa học xã hội. Bài “Xét lại “hồ sơ” của giai cấp địa chủ” bị kết luận rất nặng nề: “Mơ hồ giai cấp?”. Ai nấy bàng hoàng kể cả người chưa đọc.
Liệu đã đứng dậy cảm ơn Tổng Bí thư đã cho ý kiến, rồi chuyển sang phần nghị sự khác.
Buổi “học” tan trong không khí nặng nề. Người phụ trách tổ chức Đảng ở cơ quan nhận được lời đề nghị của người vừa bị phê bình “Anh cho họp chi bộ để tôi trình bày vấn đề”. Tâm thế Liệu khá bình tĩnh. Không “lên máu”, không hoang mang. Hẳn đã biết cái sự thế nào cũng diễn ra, và diễn ra như thế nào. Việc gì mà ông phải nghĩ lại, phải tiếp thu. Đằng sau ông là sự thực lịch sử, chả có học thuyết, lý luận nào giúp được ông phủ nhận nó. Ông sẽ chung sống với lỗi “mơ hồ”.
 
Có điều Liệu không biết, trước khi đi họp, Tổng Bí thư đã hỏi “có khách nước ngoài không để tôi không nói vấn đề nội bộ”. Hẳn là những bức xúc không kìm được, ông đã phải ra lời…
 
Bài báo đụng chạm đăng tạp chí chuyên ngành, quá hẹp về độc giả nên không được nhiều người biết đến. Coi như một lẩn ném hòn sỏi xuống ao. Người ta không nhắc đến nó cùng những hệ lụy cho tác giả một cách chính thức, công khai. Có lẽ bà vợ hai của Liệu, một người “có chân” trong giai cấp địa chủ, cũng không biết là nó đã từng có mặt trên đời này.
 
Nhiều năm sau, khi binh lửa trở lại trên bầu trời miền Bắc, Viện Sử học sơ tán lên Hiệp Hòa, Bắc Giang, nơi có những giếng nước trong mát đầy ăm ắp. Trong một đêm trăng sáng, Liệu ngồi ngoài sân ngôi nhà nông dân cùng Bùi Đình Thanh, bí thư chi bộ cơ quan. Cả hai đã thức gần trắng đêm, nói bao nhiêu chuyện, cả “vụ” “Xét lại “hồ sơ” giai cấp địa chủ” ngày nào. Bùi Đình Thanh đã ngỡ ngàng nghe thủ trưởng bộc bạch cái điều “đấu tranh giai cấp không phải tư tưởng chủ đạo của tôi”, rằng cái tính khí khái, “tôi học nó từ Nho giáo, không phải từ khi là người cộng sản mới có”. Lần đầu tiên Thanh nghe Liệu nhắc đến mấy chữ “cường hào mới”, cái đám đang xuất hiện ở nông thôn.
 
Có những kỷ niệm về Trần Huy Liệu mà Bùi Đình Thanh, ở tuổi ngoài tám mươi, còn trân trọng. Đi công tác, ông cùng lái xe bị thủ trưởng bắt chạy lòng vòng để tìm một hàng cơm nào “tiềm tiệm thôi”. Dự những bữa tiệc thừa mứa, Liệu nghĩ đến người ngoài kia đang túng đói. Và những câu kiểu “dân bát ăn chưa đủ, nói chuyện công nghiệp hóa làm gì, anh cứ ghi biên bản tôi nói thế…” “Đối với tôi Trần Huy Liệu là người cộng sản ít giáo điều nhất. Ông giữ được tố chất nhân văn, giữ được mình, tình cảm với bạn bè, đồng đội, người yêu trước những cái nó cứ dìm mình xuống. Ông đành phải cắt đứt Thu Tâm theo ý của tổ chức, nhưng với Nguyễn Thị Hy (Sửu) thì ông đã dám uống cạn. Chưa bao giờ vì “đấu tranh giai cấp” mà Liệu hy sinh phần dân tộc, cũng chưa bao giờ vì những tín điều, mục đích lớn mà ông chịu để những gì bé nhỏ bị tổn thương”.