- 5 -

PHƯƠNG NAM VẪY GỌI

 

Trượng phu chống kiếm đi thì đi
Đừng như nhi nữ lúc phân ly…
Liệu cứ tưởng mình lẫm lẫm ra đi được ngay, nếu vợ níu lại thì rút gươm cắt phăng ngay vạt áo mà tiến vào sương gió. Dễ như bỡn. Nhưng đâu có thế. Anh thấy mình cũng yếu mềm, lâm ly thổn thức như thói thường.
Để tang chồng hơn một năm, bà đồ cũng đi theo, tới cái chốn có cả con trai cả, để lại trên đời mớ cháu cho cậu út. Không phải chăm mẹ lòa, Liệu lại sớm gánh lấy vai bố. Hĩm Mẹt và cu Mo lọt lòng quặt quẹo thiếu sữa mẹ dù Tý rất khỏe mạnh. Ông giời thế mà ác? Bỏ đấy mà đi tức là để nợ cho vợ, rất là không nỡ…
Nhưng không đi thì sao? Sinh nhai, dù cố cách nào không thể có cửa gỡ ra. Luôn luôn là cái gánh nặng lo ăn, cả đời không bỏ xuống được. Và cái làng quê thì quá lắm tục lệ, sống quanh quẩn không chịu được. Như anh Đích, tầm tuổi mình, nhìn cây cột ghi một năm ba chục cái giỗ mà mặt mũi bạc cả. Không trốn giỗ được nhà ai, mà ai trốn giỗ nhà mình thì cũng nằm lòng, sao lũy tre làng nó thắt con người ta chặt vậy. Lên Hà Nội gửi bài cho tạp chí Nam Phong, Liệu thấy sao đời người đàn ông ở tỉnh nó nhẹ nhõm. Độc lập, không phải ra kính vào bẩm, thích chào ai thì chào; mình cũng có thể sống như bọn nhà báo tự do được lắm chứ. Khối thằng danh nổi mà thực lực đâu so nổi với mình, chỉ được cái cô đầu thổ đĩ là thành thần.
Thế thì đi đâu, thế nào, với ai, và nhất là lấy gì để đi?
Liệu thiên về phía Nam, nơi cuộc sống thoáng đãng, ít “mùi” Nho học hơn Hà Nội. Sài Gòn, với những lề luật của xứ thuộc địa, nhất định là mở chứ không khép hờ hờ như đất lề quê thói. Và kiếm ăn hẳn là cũng dễ, “xúc cái rổ xuống nước cũng được mớ cá to” kia mà.
Và về phần chí hướng, Liệu cũng thấy khuôn khổ tự do trong Nam thích hợp với mình hơn. Dù những bài báo, ký nhiều tên khác nhau, đem lại chút vinh danh cho anh ở làng, nhưng Hà Nội vẫn cứ chật hẹp thế nào. Những tộc người từ một làng quê lên sống bằng một nghề thủ công, dựng đình đền, đem cả thành hoàng lên thờ, nó tạo ra cái bí bức. Liệu cũng đã bớt phớn phở với những tư tưởng của Lương Khải Siêu, thấy nó “nửa vời”, không đến nơi. Mà anh thì quá ghét thằng Pháp, thấy nó đứng đâu chỉ muốn đem đất chỗ ấy xúc đổ đi. Đi Nam, vào chỗ “mùi Tây” nặng hơn, tức là phải ngửi hít, chịu đựng những thói thực dân của chúng nó nhiều hơn rồi. Mà mình phải sống được chứ không thể thành cái xác bón cây cao su như đám phu mộ đang kìn kìn vào trong ấy…
 
Liệu thấy như bị bó chân. Lắm lúc mặt đần thối, đi đường làng dẫm cứt trâu, chả khác ông khóa Cảo Cứ miên man chả rứt ra được. Cô vợ trẻ tất nhiên chả thích chồng lang bạt. Nghèo thì cũng có nhà có cửa rồi, ở nhà rau cháo có nhau chả hơn à…
Cú hích để anh rời khỏi quê nhà là từ ông Bùi Trình Khiêm, bạn thân anh Chước, một thời dạy Liệu học. Là nhà nho có danh vọng nhất nhì vùng Vụ Bản, ông Bùi lại thấm thía con đường cụt của đạo Thánh hiền, nhất quyết đoạn tuyệt với khoa cử ngay từ khi bỏ thi Hương. Học trò ông nhiều người đã chuyển theo quốc ngữ, vào trường Pháp - Việt hay sang ngạch kỹ nghệ, buôn bán. Ít năm sau, ở Hà Nội, thông Vôi (Nguyễn Hữu Thu), ký Bưởi (Bạch Thái Bưởi) đã được coi là vĩ nhân khi rời bỏ đám nho sinh ưa bạo động, trở thành nhà tư sản hàng đầu Bắc Kỳ.
Ông Bùi yêu mến chú hậu sinh vừa là trò vừa là đàn em, bàn rằng: Nam Kỳ là đất thuộc địa, chính sách nới rộng, tư tưởng mở mang hơn. Ta vào đấy kiếm ăn dễ, lại đoạn tuyệt thói thủ cựu, có khi cậu như cá gặp nước.
Tháng 9 năm 1923, tàu Caravellas, thường gọi là chiếc “Năm-sao-cụt” rời cảng Hải Phòng vào Sài Gòn. Lộ trình thường mất ba bốn ngày, gặp bão lốc sống được là may. Tàu chở bò xuất khẩu, khai thối không thể tả. Khách, là đám “đi thêm”, có vợ chồng ông Bùi, hai con, Liệu và vài anh bạn. Năm người trong “phái đoàn ông Bùi” được ngủ trong phòng chủ tàu có độc chiếc giường, giá thuê mỗi ngày một đồng bạc Đông Dương. Nhưng sự chật chội, nhớp nhúa và mùi nước đái bò không làm Liệu ngán mấy. Ngổn ngang trong lòng chàng trai hai mươi hai tuổi là bao nhiêu hy vọng.
Caravellas không phải tàu khách nên chả có ai tiễn. Hú lên hồi còi dài, nó đủng đỉnh rời bến. Đứng trên boong, nhìn cầu cảng xa dần, Liệu chợt cồn lên nỗi rưng rưng. Phía đuôi tàu là phố xá, chả nhìn thấy đâu cái làng Vân Cát bé tẹo nghèo khó, ngôi mộ của thầy mẹ, anh trai đã sang cát. Tý liệu có chạy gạo đủ cho các con cùng cháu, hay sẽ sang Thái Bình cắt rau má như chị Riêu. Và ngôi nhà, đã đôi ba phen cháy rụi…
 
Khỏi Đồ Sơn thì mọi tâm trạng bay biến. Chỉ còn nôn ọe, choáng váng, xây xẩm. Có cái gì như lưỡi câu móc vào ruột kéo ra, rút tuột mẩu bánh mì hồi sáng. Một lúc, mật xanh trong bụng cũng không còn, nhưng cơn nôn khan cũng chả buông tha. Căn phòng nhỏ tanh tưởi, ai nấy nằm như lũ gián chết. Liệu ra đứng ngoài boong tàu.
Sóng đâu mà lớn thế. Như núi chờm qua. Cả cây nước từ trên trời trút xuống. Thấy người khách trẻ hãi, vào buồng tránh rồi lại chạy ra, anh mạch lô bảo từ đây là chỗ lắc mạnh rồi. Chẳng có núi nào cản nên sóng từ xa cứ nhè tàu mà bổ.
“Phái đoàn” bảo nhau cố chịu, bốn ngày đến nơi sẽ thư sướng, tha hồ ăn mặc gấp nghìn lần ở quê.
Nhưng sao đám thủy thủ đều hối hả vậy, hết ca không ăn cơm mà chỉ nhá bánh mì, tiếp tục làm việc Ai cũng thất sắc, vẻ khẩn cấp hiện rõ là thế nào. Nghe đâu máy hỏng, tàu bị thủng, phải hàn. Anh mạch lô trẻ, từ đầu lúc nào cũng nghêu ngao hát, chui từ buồng chỉ huy ra hét chõ vào buồng máy:
- Quan tư ra lệnh lúc nào kéo còi mới được cắt phao đấy!
Thôi. Thế là chết rồi! Bất đắc kỳ tử giữa biến khơi, đến nấm mồ cũng không có. Bà Bùi oẹ khan, cố cầu Giời khấn Phật. Bất giác Liệu cũng “Nam mô A Di Phật…”, “Lạy Bà Chúa Liễu, con là người làng Vân Cát đây, bà đừng vật chết chúng con ạ”([i]).
Trong cơn cồn cào là hình ảnh vợ con, những con người yêu mến ta và ta hằng yêu mến. Sự nghiệp ngắn quá thế. Ta mới có mấy bài thơ tỏ chí trên Nam Phong… Đời ngắn thế ư? Tình đoạn thế ư? Không được chết vì tay những kẻ ta hận thù thế này thì uổng quá.
Chừng như Trời Phật nghe thấy, nên sóng bớt to bể êm hơn. Tàu đã chữa xong, bơm được nước ra còn máy lúc chạy lúc hỏng. Lênh đênh, ngắc ngoải mãi ngoài khơi, thế rồi cũng vào được tới Đà Nẵng sau bảy ngày.
Ngày thứ mười sáu thì cặp Sài Gòn. Năm thầy trò lên bờ xanh xao, tanh tưởi. Nhưng chỉ sau bữa cơm no, Liệu đã có thể ngâm rống lên
“Mãi mãi phồn hoa kim thế giới
Lịch triều khai thác cố phong cương”
(Thế giới ngày nay đầy mắt phồn hoa,
Bờ cõi ngày xưa đã từng khai thác từ triều vua này đến triều vua khác).

THỢ NỬA MÙA

 

Ông Bùi Trình Khiêm có người bạn là Lê Đức, chủ trương tờ Nam Kỳ kinh tế. Ông Đức có hơn mẫu vườn ở ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn, đang thiếu nhân công. Vậy là thầy trò có thể tha hồ múa bút hay đánh cây, làm cỏ. Bằng không, ra buôn bán nhì nhằng ngoài phố đợi thời phất lên cũng được chứ gì. Chuyển sang thương mại là một xu hướng của đám nhà nho thất thế. Nghĩ đến nghiệp lớn đang chờ, thì hùng tâm tráng trí lại lên ầm ầm.
Nhưng trước hết phải làm chầu hủ tiếu. Sau đó, chải sạch quần áo để hết những tanh tưởi hôi hám trên tàu. Đi kiếm sống cũng phải bề bề thể diện, vừa giữ cho mình vừa giữ cho người mình sẽ nhờ cậy. Rồi cả đoàn đóng xe kéo đến địa chỉ đã được cho.
Căn nhà hoang tàn, như vừa có trận bão cuốn qua. Ông chủ, thiểu não hơn cả khách, cho biết do làm chính trị, ông bị mật thám khám nhà, phủ Thống sứ Nam Kỳ gọi lên bắt ký vào nghị định trục xuất về Bắc. Bơ vơ giữa Sài Gòn đắt đỏ, phái đoàn nho sĩ Nam Định giạt về Mỹ Tho rồi sang Sà Đéc.
Sa Đéc có cụ Võ Hoành, cũng là một chính trị phạm bị an trí, sống bằng nghề thuốc. Cụ Võ rộng nhà rộng bụng, có thể cho họ dung thân ít lâu. Hàng ngày Liệu tán thuốc, thái đỗ trọng, xay tam thất, rầu ruột ngâm những câu thơ cảm khái. Thơ cảm khái thì sẵn vô cùng.
Áp Tết rồi. Xung quanh rậm rịch mổ lợn gói bánh tét. Ngoài sông vắng hẳn những con thuyền khẳm trái cây. Thầy trò ông Bùi đi dạo phố, ngắm những cửa hàng của người Hoa đỏ ối lạp xường, đàn trẻ nhấm kẹo bông mồm nhoe nhoét mà cám cảnh vô cùng.
- Sẩy nhà ra thất nghiệp là đây, Liệu ạ.
Ông Bùi rầu rĩ thở ra trong khi Liệu để tâm vào bàn thờ thiên trong góc chợ. Khói hương nghi ngút, màu giấy phong bao thật tươi mắt. “Hay là chúng ta viết câu đối…”, anh reo lên.
- Nhưng cậu vẫn thương hại bọn bần nho bán chữ kia mà.
- Thưa thầy, đến nước này thì mình phải thương lấy thân mình thôi.
Miệng nói, chân hăm hở rẽ vào hàng tạp hóa.
Ông Bùi cũng hăng lên dốc túi mua mấy băng hồng điều, cây bút lông lớn và thỏi mực tàu. Ngần ngừ trước cái nghiên, hai thầy trò quyết định chẳng xa xỉ làm gì, ra mé chợ nhặt mảnh bát vỡ còn hơn.
Cái góc phố họ chọn đông người qua lại, trước một gian hàng đã đóng cửa ăn Tết. Giải chiếc chiếu lem nhem, Liệu xắn tay mài mực. Cũng may thầy trò mang cả áo lương theo nên trông ra dáng ông đồ ông Bùi ngồi bằng tròn lấy tờ báo ra thử bút. Nhưng sao tay cứ run bắn, mặt hết tái dồn sang đỏ. Được một lúc thì gác bút, chìa ngón cái tay phải nhăn nhó: “Dập đã mấy tháng rồi mà không hồi nổi. Liệu viết đi. Ấy, khoan đã…” Lại phải chạy đi mua thẻ hương. Bắt đầu một “nghề” mới, cách kiếm ăn mới, không cầu khấn mấy câu thì thần thánh nào ban cho cái may. Đoạn mào đầu không thiêng liêng lắm nhưng không đến nỗi báng bổ, vì Liệu chợt nghĩ đến đền Ngọc Sơn ngoài Hà Nội. Cụ Nguyễn Siêu viết “Tả Thanh Thiên” lên Tháp Bút là muốn tỏ ước vọng vòi vọi “viết lên trời xanh” của kẻ sĩ, mình cũng có ước vọng đấy chứ.
- Viết chữ gì bây giờ, thầy ơi? - Liệu cất tiếng.
- Thì cứ những câu thông thường ấy thôi. Không cần cao thâm làm gì.
Tông cựu tà ma ra khỏi cửa
Nghênh tân phúc lộc rước vào nhà
Liệu nhoay nhoáy thảo vào đôi băng giấy điều, chữ nhỏ và bay bướm, nét đậm nét thanh rất điệu, đoạn treo lên. Đang soạn một đôi câu đối khác thì có tiếng trầm trồ “Hảo a” Hảo a”, ông Tàu mặt tròn trĩnh đứng gác một chân lên hè ngắm nghía, miệng khen không ngớt.
- Tiên sinh viết đẹp hà. Phết phẩy rất có hồn hà.
- Dạ, không dám…
Liệu nhún mình đúng kiểu chân nho không coi lời tâng bốc hay đàm tiếu vào đâu, phóng bút tiếp.
 
Tết đến nhà nhà vui con trẻ
Xuân về thôn xóm chúc ông bà
 
Đấy chỉ là những câu sáo mòn, đối không hẳn đã chỉnh, ngoài kia Liệu và đám bạn vẫn chỉ trỏ cười chê, nay cóp lại mà được khen nắc nỏm. Những là sâu xa, những là hàm súc, nhiều ý tứ bên trong lắm. Dân “ở trong” dễ tính thật. Vài người nữa xúm lại, kẻ không biết thì tò mò, người có chút chữ thì tán tụng. Ông người Tàu đợi cho câu đối ráo mực, cuộn lại, bảo “Tôi lấy đôi này dán cửa bếp. Nhưng hơi nhỏ. Phiền tiên sinh viết cho đôi đại tự dán cột nhà”. Thấy Liệu nhăn nhó, ông vỗ túi xường xám:
- Tiên sinh khỏi lo. Tôi có tiền. Tôi mua giấy lớn, bút to, tiên sinh phóng tay đại tự mới hả.
Ông ta cứ nhì nhèo, rằng bấy lâu ở Sa Đéc không ai biết viết câu đối đẹp, rằng được chữ tiên sinh là có phúc lớn cả năm. Có biết đâu rằng “tiên sinh “ đang bí. Từ nhỏ đến giờ toàn tập trong vở, có “viết” đại tự bao giờ. Đó là một thử thách rất lớn, ai không rành thư pháp hở cơ ngay, như đô vật lấm lưng trắng bụng trên sới.
Cũng may ông Bùi đứng ngoài đỡ hộ:
- Xin ông thông cảm. Thư pháp không phải không biết. Nhưng gia đình chúng tôi có một lời nguyền từ tổ tiên để lại là không viết đại tự bán? Chỉ làm từng đôi nhỏ thế này, chơi cho vui. Các vị cho bao nhiêu cũng được…
- Thế thì tôi đành chịu. - ông khách trả tiền đôi câu đối nhỏ rồi bỏ đi.
Từ sáng đến trưa không bán thêm được đôi nào.
Người người cứ tụ rồi lại tán, có khi chê gàn, có khi khen chân nho giữ đạo nhà. Rồi cuốn chiếu thu “nghiên”, rửa bút lủi thủi về. Đau nhất là ông Bùi, rất thạo đại tự mà không múa bút được vì cái ngón tay chết tiệt. Liệu đau xót nghĩ đến cha, anh, giận mình chê cánh bần nho bán chữ giờ mất cơ kiếm ăn. Mấy xu đôi câu đối chả đủ tiền giấy mực, đúng là chó cắn áo rách.
Về đến nhà, thì những miệng đang chờ. Cụ Võ Hoành nghỉ hàng, Tết không ai bốc thuốc. Liệu tần ngần rồi dứt khoát bảo ông Bùi:
- Thầy ơi, em phải đi thôi!
Tàu thủy Sa Đéc - Mỹ Tho trống hoác như dạ dày người khách ngồi gần buồng máy cho ấm.
Người bán vé đến, Liệu phải vật nài mãi mới bán lại được chiếc đồng hồ ông Bùi cho làm kỷ vật được ba đồng bạc, đủ tiền về Mỹ Tho rồi bắt xe lửa về Sài Gòn. Tiếc lắm. Nhưng phải độ thân trước đã.
Sài Gòn sáng rực. Pháo nổ đì đẹt, người đi lại sao mà diện, mà đẹp, trong khi mình chỉ cốt ấm. May ông chủ nhà 80 đường Bonard rất tốt, đón khách vào nhà. Không gian có mùi nhang, cành mai trong lục bình làm vợi nỗi cám cảnh trong lòng người xa nhà. Nhưng lại ốm mới chết. Tê phù, chân tay liệt như không phải của mình. Phong tê thấp, cái chứng quái ác người Bắc hay mắc khi vô Nam đã hỏi thăm đến Liệu. Anh không thể ngồi dậy, người múp míp như túi nước, ấn tay vào nhũn nhùn nhùn. Và hôi thối vì không thể ngồi dậy đi vệ sinh. Cũng may hàng ngày có người dọn dẹp, lau chùi hộ, chứ không thì căn gác bị lầm tưởng là cái nhà cầu không ai quét. Thật ra thì Liệu không cám cảnh nhiều lắm, niềm vui ra giêng có việc làm anh khấp khởi.
Đó là tập sự nghề khắc dấu đồng, theo học những thợ đàn anh trong nhà. Cầm dùi sắt, chạm đồng, xước sát, chảy máu luôn tay, Liệu chẳng quản. Khốn thay anh không phải người khéo. Thế nên, phần vì thương mến, ông chủ cứ phân thêm những việc nhà cho nhẹ nhàng hơn. Thỉnh thoảng ông rủ Liệu đi ăn hủ tiếu, xem hát bội. Với một người Nam Bộ bình thường, những nhận xét của Liệu được xem là rất sắc sảo. Được tôn trọng, coi là nửa tập việc, nửa là chú em, mà Liệu không thấy thoải mái. Người ta tốt. Nhưng cứ thế này anh sẽ không học được nghề mà vẫn mang ơn nuôi ăn.
May là thuê chung ngôi nhà có ông phó may. Liệu bèn xin sang học nghề mới với cái cớ chân tay lóng ngóng, e tốn công dạy dỗ của thầy. Bây giờ là đốt bàn là, đơm khuy, thùa khuyết, dọn vải vụn, chạy đi mua chỉ… Tuy lặt vặt, anh có tâm trạng đỡ là người ăn theo, kiếm tiền một cách sòng phẳng hơn. Có lẽ Liệu sẽ thành một thợ may khéo? Không chừng sẽ thành ông chủ tiệm lớn, hàng ngày tươi cười đứng đón các bà các cô tới đo ướm, cũng nên…
Tối đến, còn chút thì giờ, Liệu sẽ ngâm thơ cho mấy ma-nơ-canh nghe. Những cô nàng ngực nở bụng thon bằng nhựa, bằng gỗ sẽ vui lòng thưởng thức tâm sự của “anh hùng mạt lộ” suốt đêm…
Nhưng chứng tê phù giã bẹp mọi mong ước. Các khớp ngón tay đau đớn. Đầu gối to tướng, đỏ bóng. Chỉ cần ra Bắc, nơi khí hậu kém ẩm thấp hơn là ta sẽ khỏi. Nhưng tiền đâu mà ra? Nằm lại thì thuốc ai bố thí? Được người cơm cháo, dọn rửa thế này, là phúc đã lớn tày ngôi phủ thờ Bà Chúa Liễu ở quê rồi.
Tráng sĩ đau lòng thân ỷ lại
Anh hùng thẹn mặt cảnh vô nhan
Mặc dầu ai biết, ai không biết
Mắt thiết nào trông thấy ruột gan.
Trong căn gác tối om, hôi hám, tiếng ngâm của kẻ cuồng sầu thảm như vọng từ cõi âm lên.

[i] Bà chúa Liễu Hạnh quê Ván Cát, tương truyền hay làm dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn phạt kẻ bà không ưa.