- 7 -

GẶP MAY

 

Tư Trinh, ông bạn già đã lênh đênh nửa đời trên bể cả, mở mồm ra là “dân chủ” với “cộng hòa” lại chẳng biết lấy một mảnh i tờ nào. Dù không có chữ, ông vẫn là cứu nhân độ thế cho Liệu trong cơn khốn quẫn. Không hiểu hết nỗi niềm nhưng trân trọng, ông sẵn sàng nghe những lời tiêu cực của kẻ sĩ bị hãm vào bĩ cực. Thỉnh thoảng ông giở mình, đấm lưng cho anh, đổ cái bô nặng mùi dưới gậm giường.
Bẵng mấy hôm, làm Liệu khắc khoải trông. Rồi Tư Trinh đến với chiếc bánh ngọt. Đút cho anh ăn từng mẩu, ông lại bắt đầu “hầu chuyện”. Nghe Liệu ư ử những “anh hùng mạt lộ” với “tráng sĩ lỡ thời”, ông khoái chí lắm.
- Khẩu khí? Khẩu khí quá?
Tư Trinh vỗ đùi đánh đét và bắt Liệu chép lại.
Mai ông qua Sài Gòn - Bến Thành, sẽ gửi hai bài thơ “đầy cảm khái” cho tòa báo “Nam Kỳ kinh tế” Báo hại “tráng sĩ” phải ngồi dậy run rẩy múa bút, mỗi cử động là một cực nhọc đau đớn.
- Ký vào đi! Cậu phải ký chữ gì ác liệt vào chứ…
Ông giục toáy lúc Liệu đương choáng váng. Chẳng nghĩ được cái tên oai hùng hay bi thảm hơn, Liệu điền hai chữ “Đẩu Nam” xuống dưới thư. Ngoài Bắc, qua những Nam Phong với “Thực nghiệp dân báo”, người ta đã biết đến “Đẩu Nam” rồi.
Gửi thư đi và mong kết quả là một cái thú. Nhưng căn bệnh hành làm sự thú vị giảm đi nhiều. Thêm nữa là nỗi thắc thỏm. Từ dạo học nghề, Liệu giấu biệt cái đuôi thi sĩ, sợ làm trò cười cho người xung quanh.
Cũng may bệnh lui dần. Có ai ngờ giống tỏi, thứ tỏi Bắc nhỏ củ mà cay sực lại có tác dụng vậy. Cứ cơm và tỏi, Liệu đã nhúc nhắc được những việc riêng cho mình.
Đang tập tễnh xuống gác, anh giật mình nghe chú học việc gióng to: “Nhà mình có ai là Đẩu Nam đâu nhỉ… Thế mà lại có người hỏi, đúng địa chỉ này…”.
Mừng rỡ nhưng không thể hấp tấp, Liệu bước ra, làm bộ rất từ tốn. Ông khách còn trẻ, vẻ mặt cứng cỏi thưa rành rẽ: “Tôi xin gặp Đẩu Nam tiên sinh”.
- Ông ấy vừa đi vắng. - Liệu nói thác. - Nhưng dặn tôi có điều gì cứ nói lại. Ông quen ông Đẩu Nam ạ?
- Tôi cũng không quen. Nhưng đọc Nam Kỳ kinh tế thấy hai bài thơ của tiên sinh, thấy thích bèn đến tòa soạn hỏi địa chỉ. Đây đúng là số 80 đường Bonard chứ ạ?
- Đúng thế.
- Tiếc quá. Thế thôi, tôi cảm ơn ông và xin phép vậy!
- Nhưng ông đã đến đây thì cứ lên gác đã. Có chuyện gì tôi sẽ thưa lại ông Đẩu Nam.
Đưa khách lên gác, Liệu khấp khởi mừng. Thơ đăng có hào nhuận bút đã đành, lại còn được người đọc để ý đến. Là tri kỷ hay là kẻ đến để phản bác đây? Trong phòng chỉ có mỗi chiếc ghế vải, mời khách ngồi mà Liệu cuống lên. Chiếc bô dưới giường may đã dọn, nhưng hẳn còn lưu cữu lại hương khăn khẳn, thứ mũi anh đã rất quen.
- Thưa, xin lỗi, tôi chính là Đẩu Nam. Ban nãy phải giấu bạn thợ vì không tiện nói…
Ông khách trẻ ngớ người. Ai ngờ Đẩu Nam tiên sinh còn trẻ và khốn khó thế này. Anh ta xưng là H.T, đang dịch sách tại nhà ông Trần Quang Nghiêm, Hội trưởng Hội Khuyến học Nam Kỳ.
Tôi rất cảm kích cái khẩu khí của anh, - H. T nói. - Thú thật, người Nam Kỳ đơn giản, tôi ít tri kỷ lắm. Đã lâu mới gặp giọng “anh hùng tráng sĩ”, bèn lập tâm đi tìm cho được.
H. T người Quảng Ngãi, một vùng quê nghèo kiệt, có chút chữ nghĩa chẳng thi thố vào đâu, bổ vào Sài Gòn, nơi không khí báo chí, học thuật thông thoáng, mới mẻ hơn. Thấy khách cám cảnh với những khốn khó của mình, Liệu bỏ thói hàn nho, cũng bộc bạch những tâm sự bí bức đã lâu.
Nào chông gai trong thi cử. Nào những “tác phẩm” đã được in hay còn đang “thai nghén”. Nào những kiến văn về phận nước nhà đang tìm đường, ảnh hưởng của hai chí sĩ Trung Hoa Khang Hữu Vi, Lương Khai Siêu. Tất cả làm H. T trầm trồ.
- Đúng là con hổ đang bị nhốt trong cũi. - Khách quả quyết. Tôi phải tiến cử anh với ông Trần Quang Nghiêm mới được.
Hai “tiên sinh” tiễn nhau bịn rịn mà không thể hồ hởi ra mặt. Trước những con mắt của bạn nghề, Liệu không thể lộ gốc gác, thân phận. Phải giữ đường lui chứ.
Hai hôm sau, cánh thiếp may mắn bay đến. Đơn giản, đó chỉ là tấm bìa ghi danh, ông Trần mời Đẩu Nam tiên sinh ăn cơm, nói chuyện tại khách sạn Cửu Long Giang. Mừng rỡ nhưng cũng e ngại và phiền phức quá. Bộ dạng tiều tụy, không che được thì đành vậy. Nhưng quần áo tề chỉnh thì lấy đâu.
Liệu lôi dưới gầm giường đôi giầy da đem từ Bắc vào, lau hết bụi. Chiếc áo the thâm bạc phếch trên mắc, khí lôi xuống mới hay thiếu ba khuy nách. Và đi tắm cho hết cái mùi thằng tê phù. Trời không rét mà Liệu run rẩy, run nhất vì chẳng còn chiếc áo nào mặt lót bên trong.
Khởi hành sớm. Không thể trễ trong cuộc gặp này. Đi bộ, mà không thể bước rảo, vi tay phải khép chặt vào sườn kẻo rơi vạt áo. Đôi chân lâu ngày không đút vào giầy bị da cứa, chả mấy chốc phồng đỏ. Đau đấy nhưng mặt mũi, bộ điệu vẫn cứ phải đàng hoàng, đáng bậc “tiên sinh”.
Cửu Long Giang là khách sạn sang nhất Sài Thành hoa lệ. Trước cánh cửa gương lộng lẫy, mấy chú canh cửa mặc đồ trắng, đội mũ đỏ, chân quấn xà cạp đỏ đứng lừng lững nghiêm nghị. Không hỏi han lời nào nhưng các chú “củ soát” ông khách khác giai cấp từ đầu đến chân. Qua khỏi cánh cửa, Liệu cẩn trọng đưa mắt quan sát, tiến đến cô lễ tân thơm nức hỏi chỗ.
Phòng dành cho khách đặc biệt cũng quá lộng lẫy. Những đèn chùm, xô pha, trần nhà chạm trổ chim chóc hoa lá như đè chụp lấy kẻ nghèo. Tường nhà ốp kính nên quay đi đâu cũng không trơn khỏi bộ dạng của mình. Dưới ngọn đèn sáng trưng, H. T đứng cạnh người đàn ông thấp bé đeo kính gọng vàng. Liệu tiến lại, cúi mình chào và nghe lời giới thiệu của H. T.
- Tôi rất sung sướng được gặp ông.
Me xừ Trần Quang Nghiêm trịnh trọng nói và giơ tay ra. Liệu vừa động tay đáp lễ thì vạt áo không khuy thõng xuống, cái bụng ủng phở ra. Cửu Long Giang sang trọng thế mà thiếu tiện nghi, chả có cái lỗ nẻ nào để ta chui xuống. Thôi thì cứ đành điềm nhiên, đằng nào người ta cũng đã biết thân phận mình.
Ông Nghiêm là người lịch lãm, lơ đi như không thấy gì. Chủ khách yên vị. Cái bàn che đi sự hở hang làm Liệu tự tin hơn. Anh cảm ơn sự lưu ý của “quý ông”, lưu loát tự bộc lộ mình, trả lời những câu hỏi của ông Nghiêm và cũng bày tỏ lại những quan tâm khác. Đã biết cả hai bên, H. T ở giữa, là cây cầu tuyệt vời nối lại những lúc bị hụt nhịp. Tự giới thiệu hoàn cảnh, công việc, chuyện nở ran lên khi chuyển sang mục” thời thế, xã hội. Qua tuần rượu thứ nhất, Trần Quang Nghiêm tin rằng anh hàn sĩ trước mặt chính là người mà ông, hội đoàn của ông đang rất cần.
- Sài Gòn thiếu những người như ông. Còn ông đang cần Sài Gòn. Hãy đừng nghĩ đến chuyện ra Bắc…
“Me xừ “ nói thế khi chia tay “tiên sinh”.

NỔI DANH VÀ NỔI CHÌM

 

Quan hệ mới với Trần Quang Nghiêm và hội Nam Kỳ khuyến học giúp Liệu thoát khỏi cảnh cá mắc cạn. Rời bỏ những bàn là, kim khâu, dùi sắt dùi đồng, anh được cầm cây bút, tận dụng hết sở học, tài năng, ý chí. Tình yêu của anh hướng vào dân tộc đang bị đô hộ cần được canh tân, còn lòng căm thù dành cho thực dân thuộc địa, lũ quan lại, phú hào.
Tháng 6 năm 1924, tức là chừng chín tháng xa quê, Liệu được Quốc Biểu giới thiệu vào làm ở “Nông Cổ mín đàm”, tờ báo có dư hai chục tuổi, vào loại già dặn ở Nam Kỳ. Chủ báo là Lê Thành Trường bổ Lâm Hiệp Châu làm chủ nhiệm, Trần Huy Liệu làm chủ bút. Hai tiên sinh làm thuê tương đắc nhau về quan điểm chính trị, xác định một xu hướng tranh đấu. Nghĩa là, chí hướng chả đồng hành quái gì với tên tờ báo uống chè nói chuyện làm ruộng, đi buôn. Họ công kích chính sách thuế, những thủ đoạn bóp nặn, bóc lột, những lề thói khinh rẻ người bản xứ, sự hèn hạ trong đám quan liêu.
Lệ thường, báo ra phải đưa bản đầu tiên đến Ty Kiểm duyệt, bị gạch bài nào thì đưa bài khác lấp, đến khi thấy “an toàn cả” mới in hàng loạt và phát hành. Ngay số thứ nhất tiếp quản báo, anh chủ bút hăng máu đã viết một bài nẩy lửa về tiếng bom của liệt sĩ Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Merlin ở Quảng Châu, Trung Quốc. Kiểm duyệt bỏ ngay làm Liệu phải lấp bằng một bài vô thưởng vô phạt.
Liền mấy số, cứ thấy bút danh “Đẩu Nam” là bị đục. Liệu thay tên ký là “Côi Vị”, tức non Côi sông Vị ở quê nhà Nam Định, nhưng Ty Kiểm duyệt cũng chẳng để sổng.
Cứ để trống những chỗ bị đục bỏ, không lấp nữa. Ta phản đối mà lại phân bua được luôn với thế gian. - Liệu bàn với Lâm Hiệp Châu.
“Bài cùn “ ấy có hiệu quả. Người đọc càng thương, càng mua báo nhiều. Dù sao lúc ấy trên trường báo Nam Kỳ chưa mấy tờ nói chuyện chính trị, tranh đấu cho kẻ nghèo, quyền lợi dân tộc.
Thuê phải “lũ” chủ nhiệm, chủ bút thú dữ như thế, Lê Thành Trường cứ phát sốt phát rét. Quá bằng rước hổ về ngồi trong nhà. Dù số phát hành tăng, có lãi, ảnh hưởng báo lớn, nhưng chả bõ bèn với chuyện phải đương đầu với các thế lực chính trị và đám phú hào. Đã bao lần Liệu, Châu được chủ báo nhắc chỉ nên mon men gãi ngứa thôi, chớ nên gây sự đánh lớn. Nhưng hầu như “Nông Cổ mín đàm” số nào cũng bị đục bỏ vài ô.
Giọt nước tràn cốc là bài kiểm duyệt để lọt, tố cáo địa chủ Trần Trình Huy cậy của giết người, lấp liếm tội. Dư luận ầm cả lên làm gã công tử Bạc Liêu ức lắm. Bên ngoài đâm đơn kiện báo, bên trong nhắn nhe đe dọa, Huy làm Lê Thành Trường mất hết kiên nhẫn với hai thằng làm loạn. Báo bị đòi lại người ra khỏi tòa soạn ở phố Pellerin.
Lại sểnh nhà ra thất nghiệp, Liệu theo Lâm Hiệp Châu đến tá túc phố La Reyniere. Ăn ở nhờ bạn, còn bạn lại nương vào vợ rơi vợ hờ của một Hoa kiều ở Chợ Lớn. Thế mà hai cái mồm mới vẫn rất to tiếng đấu lý đấu luật với kẻ có quyền. Đám công chức quản lý báo chí cứ phải nghe liên tù tì những câu kiểu:
“Sao bảo tự do ngôn luận, bình quyền bình đẳng mà các ông bịt mồm người ta nói sự thật?”.
“Những tư tưởng lớn của cách mạng Pháp chỉ áp dụng bên chính quốc, còn ở đây các ông cấm ngặt chứ gì?”
Báo bị đòi nửa tháng, thì Liệu “lách” được quyển Ngòi bút sắt. Theo luật thuộc địa, sách không bị kiểm duyệt như báo, chỉ phải nộp sáu quyển cho Sở Mật thám, Ty Kiểm duyệt và tòa án. 24 giờ sau khi nộp, những sở, ty, tòa này không ra lệnh cấm hay tịch thu, sách được phát hành rộng rãi. Dựa vào điều này, Liệu ra báo dưới dạng sách để khỏi bị kiểm duyệt.
“Sách” Ngòi bút sắt lọt lưới, ra số đầu vạn bản, không nằm trên giá mà đến từng hang cùng ngõ hẻm trên tay trẻ bán báo. Đầy những tin tức nóng, giọng điệu công kích mạnh mẽ, bán chạy như tôm tươi.
Nằm ở phố La Reyniere, Liệu đã có tiền đưa người đàn bà cho nương nhờ, tối tối có thịt quay ăn và cười rinh rích chuyện xỏ mũi được nhà cầm quyền. Mỗi tuần là một sự chờ đợi hiệu quả, nỗi vui sướng hả hê, rồi lại lao vào chuẩn bị số sau, những cú đòn mới.
Dĩ nhiên là động đất rồi. Ra tới vạn bản, Ngòi bút sắt ngập tràn cả Sài Gòn - Chợ Lớn chứ ít gì. Danh tiếng “tác giả” “sách” nổi như cồn. Miếng ăn thường nhật không còn là mối lo cho kẻ sĩ nữa. Nhưng mà nhấp nhổm. Thấp thỏm đợi đòn. Được tuần nào ngày nào hay chừng đó, thế nào nhà chức trách cũng xuống tay.
Chẳng phải đợi lâu. Ngòi bút sắt tập 2 đang in dở ở nhà Testelin thì ông chủ hủy hợp đồng. Đem chỗ khác, họ nhận, nhưng hôm sau lại gọi hủy, mấy nơi đều thế. Và có cái thư mời, kính gửi mơ-xi-ơ Trần.
Sở Mật thám ở phố Catinat có cái cầu thang xoáy trôn ốc lên tầng thượng, leo chóng mặt. Trong ký ức cái chính trị phạm, đây là một sản phẩm thật thông minh của trí óc mật thám: lên đến nơi thì đầu óc và chân tay đều bủn rủn, trí “tranh đấu” dễ nhụt vài phần. Liệu không thể ngờ mình còn phải leo lên cái chỗ chó đẻ ấy nhiều lần nữa.
Trong căn phòng rộng có bàn giấy, bộ xô pha. Người Tây có tấm lưng tròn trĩnh, ngắn ngủn chừng như không biết có khách, đang quay mặt ra cửa sổ. Sự chờ đợi gây ra tâm lý mình bị bỏ rơi, thậm chí là khinh rẻ. Mấy phút trôi qua, chừng như đòn cân não đã ngấm, “cái lưng” mới quay lại.
- A, chàng thanh niên, mời anh ngồi.
Đấy là chánh mật thám Arnoux, nụ cười tủm tỉm, có nét hồn hậu không hợp chút nào với nghề nghiệp. Giọng Bắc rất sõi:
- Anh ở ngoài Bắc phải không? Tỉnh nào?
- Tôi ở Nam Định. - Liệu trả lời, nghĩ “các anh còn lạ gì nữa…”.
- Ừ, tôi ở ngoài ấy cũng đã lâu, rất có cảm tình với người ngoài ấy. Năm nay anh bao nhiêu rồi ấy nhỉ?
- Hai bốn tuổi.
Câu trả lời cộc lốc làm Arnoux bỏ ngay vẻ hồn hậu.
- Tôi đã nhận thư anh rồi. Tôi là một người già cả mà anh ăn nói, viết lách không có lễ phép gì hết. Anh tưởng người Tây thì không cần lễ phép ư? Người Tây cũng lễ phép lắm. A mà tôi rất thích người Bắc vì người Bắc rất lễ độ. Đâu có như anh? Hay anh định dọa tôi? - Arnoux gầm ghè, giọng đàn áp - Anh phải biết rằng trước kia làm đại lý Hải Ninh, tôi đã một mình sang trại giặc khách buộc chúng phải trả lại bà đầm chúng bắt cóc đấy. Hãy thận trọng, chàng trai ạ.
“Chàng trai”, xuất thân Nho giáo, chả hề muốn nghe bài học về phép lịch sự tí nào, bèn tranh thủ lúc Arnoux ngưng lời, nói luôn:
- Vâng, nhưng mà hôm nay tôi được ngài gọi đến đây, điều mà tôi muốn biết, như đã viết trong thư, là có phải ngài đã ra lệnh cấm các nhà in cho in tập Ngòi bút sắt của chúng tôi không? Chúng tôi đã làm rất đúng luật nhà nước. Ngòi bút sắt in ra, đưa nạp bản. Hai mươi bốn giờ sau các ông không ra lệnh tịch thu, chúng tôi mới phát hành kia mà. Nghĩa là như mọi quyển sách khác, Ngòi bút sắt không hề phạm luật.
Vẻ hòa dịu trở lại trên gương mặt béo tròn.
Arnoux nháy mắt cười khanh khách:
- Tôi biết thừa Ngòi bút sắt của các anh ra sao rồi. Nó là một tờ báo trá hình. Quyển sách quái gì mà ngoài bìa lại đề giá bán hàng tháng, hàng năm, tên chủ nhiệm, chủ bút? Sách gì mà lại có các bài theo chuyên mục?
- Nhưng có ai quy định sách không được phép có các mục như ông nói đâu.
- Cứng cỏi nhỉ. Lại còn giở lý nữa đấy. Nếu các anh nói gì phạm luật thì sách sẽ bị tịch thu và người ra sẽ vào tù.
- Chúng tôi chỉ nói sự thật.
- Thì các anh cứ nói sự thật. - Viên chánh mật thám đủng đỉnh rất đểu. - Muốn in thì in tôi có cấm đâu.
- Nhưng nhà Testelin đang in Ngòi bút sắt 2 thì họ nói ông có lệnh cấm in. Nhà Jules Việt ở Sài Gòn, nhà Á Đông ở Chợ Lớn đều bảo Sở Mật thám gọi dây nói đến. Hôm nay các ông đã nói rõ là không cấm in, thì xin cho tôi mấy chữ để nhà in họ khỏi sợ, kiếm cớ không in báo…, à, in sách cho chúng tôi.
Arnoux im lặng, rồi dứt khoát:
- Không? Tôi không cấm và cũng không phải viết.
Hắn khoát tay, ra điều chấm dứt câu chuyện.
Quân chó đểu Thủ đoạn hèn hạ? Từ phố Catinat đi ra, Liệu tím bầm người vì căm cái lệnh mồm đê mạt của Arnoux. Ngòi bút sắt không thể chết. Anh và bạn bè đi tới những nhà in nhỏ đang thiếu việc. Đâu cũng nhận lời trước, từ chối sau. Người của Sở đã theo họ từng bước.
Vài ngày sau, hai tờ La Cloche Félée (Tiếng chuông rè) và l’Essor Indochinois (Đông Dương đột khởi) ở Sài Gòn loan tin Ngòi bút sắt bị giết. Cái chết không do đao kiếm, không có máu chảy, do một thế lực “vô hình” quyết định. Rồi đồng nghiệp Việt Nam hồn, tờ báo có xu hướng dân chủ bên Pháp cũng đăng lại vụ này, chậm hơn.