Chương I
MỘT ÍT LỊCH SỬ GIÒNG HỌ

Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngáy 22 tháng 9 năm 1912, tại Đồng Hới (Quảng Bình), con ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy, thuộc gia đình công giáo lâu đời, tên thánh rửa tội là Phêrô, thánh thêm sức Phanxico Xavie.
Từ nhỏ, không nghe ai nói đến giòng họ của cha tôi, tuy vẫn biết nội tổ là Phạm Bồi, quê Thanh Hóa, lập nghiệp tại làng Thanh Tân (Thừa Thiên). Cũng không ai tìm hiểu vì sao cha tôi mang họ Nguyễn mà các chú tôi đều giữ họ Phạm. Mãi đến năm 1933, mới gặp được bà chị thúc bá với cha tôi là Phạm Thị Nhàn (Sage femme) tại Qui Nhơn và người cháu họ là Phạm Long (Sergent Iterprète) đều cùng quê quán ở Thanh Hóa. Từ đó mới biết được tông tích giòng họ.
Đến năm 1934, anh cả tôi là Nguyễn Bá Nhân tức Mộng Châu, đem tôi đi Hà Nội tìm tộc trưởng là Phạm Thành, tức Phạm Bá Thành, tòng sự tại Sở Nội dịch Toàn Quyền.
Theo gia phả bằng chữ Hán, thì dưới thời Trịnh Kiểm soán vị, gia thần thế tử Nguyễn Uông (Con chúa Nguyễn Kim) nổi lên chống Trịnh Kiểm vì đã ám toán thế tử Uông,
Thất bại trong cuộc nổi dậy đó, một số bị giết, số còn lại phải cải tánh ra “Phạm” bị đày vào Nam, về sau lập nghiệp tại Thanh Hóa.
Cuối triều Tự Đức, Pháp xâm lược Việ Nam, vua Hàm Nghi dời đô, hạ chiếu Cần Vương, lập chiến khu chống Pháp.
Nội tổ, Phạm Bồi, lúc bấy giờ là võ quan tại Thanh Hóa, hưởng ứng Cần Vương, đem bình vào Huế cứu giá, đồng thời đa số giòng học Phạm cũng tham gia các phong trào khởi nghĩa.
Phần nội tổ, mang quân vào Thừa Thiên, chống cự với binh Pháp cho đến khi Trương Quang Ngọc làm phản, nộp Hàm Nghi cho Pháp. Cụ giải tán binh sĩ, ném vũ khí xuống ao, lấp lại xây nhà lên trên.
Cụ vào giúp việc cho Cố Đồng, xây dựng nhà thờ Thanh Tân và ở lại lập nghiệp tại đó.
Anh Mộng Châu khi về thăm quê nội đã được trông thấy khẩu súng hỏa mai của Cụ đã rỉ sét.
Từ đó, Nội tổ mai danh ấn tích, tuyệt đối, giòng họ không ai được tiết lộ, vì có lệnh truy nã cụ về tội đào nhiệm ở Thanh Hóa.
Khi Cha tôi đến tuổi đi học, Cố Đồng giúp cho vào Tiểu Chủng Viện, lập thủ tục thay đổi họ tên.
Cũng nhờ Tổ mẫu thân thuộc với cụ Nguyễn Hữu Bài có thế lực, nên mọi việc không gặp khó khăn.
Sự im lặng về nguồn gốc bên nội cũng dễ hiểu, vì lúc bấy giờ, cả cha tôi và anh Mộng Châu đều là công chức Pháp thuộc, không muốn bị liên lụy với quá khứ Cần Vương của nội tổ.
Ở Chủng Viện về với chức tư (Tonsuré) cha tôi ra làm việc ở Tòa sứ Huế, về sau đổi vào Hội An, ông bỏ Tòa sứ qua Thương Chánh.
Ông kết hôn với mẹ tôi là Nguyễn Thị Duy, con gái thứ chín cụ Ngự Y Nguyễn Long.
Hai cụ sinh hạ được sáu anh chị em chúng tôi:
1) – Nguyễn Bá Nhân tức Mộng Châu, độc thân, mất năm 1936.
2) – Nguyễn Thị Như Nghĩa, mất năm 1984.
3) – Nguyễn Thị Như Lễ, mất năm 1982.
4) – Nguyễn Trọng Trí tức Hàn Mặc Tử, mất ngày 11-11-1940.
5) – Nguyễn Quý Tín (về sau đổi Nguyễn Bá Tín để thay quyền tộc trưởng của Nguyễn Bá Nhân).
6) – Nguyễn Bá Hiếu.
Về phía Ngoại tổ là Nguyễn Long, quê ở Trà Kiệu (Quảng Nam) ra Huế lập nghiệp tại làng Vạn Xuân, làm Ngự Y dưới triều vua Tự Đức.
Cụ được tham dự phái đoàn cầu hòa qua Pháp quốc do cụ Phan Thanh Giản vầm đầu.
Cụ trở về nước vừa lúc Pháp đánh Thừa Thiên, bị thảm sát dưới tay bộ tướng Trần Soạn theo lệnh Tôn Thất Thuyết (một giờ sau khi vua Dục Đức bị bức tử trong ngục).
Đồng thời cũng gặp nạn như cụ, có nhiều văn quan đã từng qua Pháp với cụ, khi cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
2. SINH NHẬT HÀN MẶC TỬ
Năm 1912, tại Đồng Hới, trên bờ biển Nhật Lệ trong một ngôi nhà tranh nhỏ, Hàn Mặc Tử đã ra đời.
Buổi sáng ngày 22 tháng 9 đó, từ mờ sáng, dân chúng họ đạo Tam Tòa kéo đến đầy bãi biển, sau nhà thầy Thông Toản, mỗi lúc một đông và ồn ào, để xem một chiếc tàu to lớn của Hàng hải Pháp, chiếc Orénoque đang bị mắc nạn. Thời bấy giờ, một chuyện thông thường như thế, cũng được kể là biến cố nho nhỏ.
Anh Nhân lúc ấy 7 tuổi, dậy thật sớm vì nghe ồn ào chạy ra chạy vào, vẻ quan trọng báo cáo tình hình.
Khoảng gần 8 giờ, mẹ tôi đang chuyển bụng sắp sanh thì bỗng nghe reo hò vỡ lở, và như cơn lốc, anh Nhân chạy vào la lớn: “Nó chạy ra được rồi”, “Nó” đây là con tàu, cùng lúc Hàn Mặc Tử ra đời.
Mẩu chuyện trên đây thường được mẹ tôi kể lại trong gia đình, và thêm rằng: “Anh Trí giống ông nội về vóc dáng đậm chắc, nhất là hai cố tay tròn như cán rựa”. Nội tổ vốn có sức mạnh phi thường, một mình từng đưa lưng đẩy mạnh chiếc ghe chở gạch mà tám người không xê xích. Anh Trí nghe vậy thì hãnh diện lắm.
Nhân đây, cũng nên nhớ lại cuốn sách “Hàn Mặc Tử” của ông Trần Thanh Mại, khi ông này viết về anh Trí sinh ra trong một trường hợp bất thường quái lạ, đến nỗi mẹ tôi rất buồn tủi mỗi khi nghe nhắc đến.
Ông Trần Thanh Mại nói: “Hàn Mặc Tử được sinh ra rất nhỏ bé, mà ông cho là mẹ tôi đã uống quá nhiều rượu nên bào thai bị ảnh hưởng. Mặc dầu, không có cơ sở để suy luận như vậy, nhưng ông lập luận sự thể cha tôi là chủ Thương Chánh mà suy ra rằng cha tôi bắt được nhiều rượu lậu, mang về đầy nhà, mẹ tôi được thể uống quá nhiều đến nỗi sinh anh Trí ra trong trạng thái túy loạn.
Vốn cũng là công chức cao cấp thới bấy giờ, đáng lý ông Trần Thanh Mại phải am hiểu luật lệ hành chánh và cơ cấu chánh quyền: cha tôi lúc ấy đang ở ngạch Thông phán (Cadre secondaire) thường được gọi là thầy Thông Toản. Mã đến bảy năm sau, năm 1919, ông mới thi đậu vào ngạch Tham sự (Cadre supérieur) và được bổ nhiệm Chủ sự năm 1921, bấy giờ mới có quyền và trách nhiệm quản lý các món đồ quốc cấm như thuốc phiện, rượu v.v…
3. THIẾU THỜI VỚI NHỮNG ĐAM MÊ KỲ DỊ
Anh Trí lớn lên rất bình thường, khỏe mạnh, nghịch ngợm và phá phách như những đứa trẻ khác.
Tôi sinh ra sau anh ba năm, theo kịp anh về vóc dáng, nhưng không bằng anh về thể lực. Thường chơi đùa trước bồn cỏ, anh đánh vật tôi một cách dễ dàng.
Tánh tình bướng bỉnh, ít khi chịu nhận lỗi, tuy nhiên không hề giận hờn ai, rất dễ quên những gì anh đã làm thiệt hại cho người khác, và ngược lại cũng không nhớ ái đã làm thiệt hại cho anh.
Chúng tôi rời Đồng Hới năm 1921, theo cha vào Qui Nhơn, trở ra Bồng Sơn, lại trở về Qui Nhơn, và đến năm 1924, thì đổi ra Sa Kỳ, một sở Thương Chánh lớn, cách thị xã Quảng Ngãi 12 cây số.
Trong thời gian gia đình chúng tôi hay đổi dời dọc theo các cửa biển, việc học hành của chúng tôi đã bị gián đoạn. Về Quảng Ngãi, mới vào trường công lập, anh Trí học lớp ba, tôi lới tư.
Khi còn ở Qui Nhơn, anh rất thích bắn ná cao su, và bắn rất hay. Ná của anh mạnh, mỗi lần trúng chim là không mất đầu cũng mất cánh.
Thường buổi sáng, hay rủ tôi đi lễ nhà thờ, bởi vì lúc ấy đường sá vắng người, nhà thờ ở sát cạnh Sở cảnh sát, bấy giờ gọi là Sở Cò. Hai cây xoài bên vệ đường trái rất lớn, anh thường bắn rụng nhiều lần mà “phú-lít” (cảnh sát) không bắt được, chỉ cần lẻn vào nhà thờ là tỉnh bơ một cách thích thú.
Một lần, anh bắn viên sỏi bay qua phòng rửa mặt của ông Cò. Lính chạy qua nhà thờ tìm kiếm “thủ phạm”. Vừa lúc cha xứ là cha Thiềng (có tiếng nhân đức kham khổ) sửa soạn dâng lễ. Lính thưa chuyện, Cha thật thà: “làm gì có chuyện đó, mấy đứa nhỏ này, con nhà tử tế cả, đạo đức lắm. Sáng nào cũng đi xem lễ”. Anh Trí đưa cùi chỏ thúc tôi, mỉm cười.
Khi ra về, tôi hỏi: “Bắn xoài ông cò, có tội chết”. Anh trợn mắt: “Tội gì! Mi nghe điều răn Chúa dạy có chỗ nào cấm bắn xoài không? Mà xoài ông cò thì có tội gì” – “Ông Cò khác, mình khác mà”.
Nghe anh lý luận lếu láo, không hiểu gì, nhưng tôi nghĩ anh lớn hơn, hẳn phãi nói đúng.
Vậy là bắn xoài dài dài. Năm ấy, anh 11 tuổi.
Trong những năm học ở Quảng Ngãi, anh không thèm bắn ná cao su nữa, mà lại rất thích bắn súng.
Hai anh em ở trọ dượng tôi, trong nhà cũng có một khẩu Flaubert, thứ súng bắn chim như của cha tôi. Anh trông thấy thèn lắm, nhưng không dám hỏi. Vì vậy cứ thứ năm, chúa nhật là kéo tôi cùng đi về Sa Kỳ, để cha tôi phát cho mỗi đứa ba viên đạn, mà phải đi bộ mười hai cây số, phải qua một chuyến đò, băng qua một động cát dưới trời nắng chang chang.
Tôi cằn nhằn, Anh dỗ: “Gần đến nhà rồi mà! Bây giờ thì nắng, nhưng về đêm, lên đây chơi mát lắm, thật là tuyệt”.
Về sau, bài văn xuôi “Chơi giữa mùa trăng”, Anh viết về chợ Chua Me, là Động Cát này.
(Địa phương gọi là Động, kỳ thực là một vùng rộng lớn, cát trắng phau, thứ cát ánh ngời như mảnh pha lê vụn, chạy dài bốn, năm cây số bên bờ Đại dương, từ sở Thương Chánh đến đó không xa lắm nếu đi về phía chợ Chua Me.)
Nếu quả ông Mại đã am hiểu như vậy, thì cách ông nói về hoàn cảnh Hàn Mặc Tử ra đời thật đáng trách.
Có những thung lũng chạy dài như lòng sông khô cạn, mà khi trời nắng chói chang, bốc lên một thứ hơi, nhìn từ xa, phảng phất khói sóng trên sông.
Vài ngọn đồi, không cao lắm, nhưng khói nắng ngùn ngụt trôi theo mây trắng ngang trời.
Vào những đêm trăng sáng thì tuyệt đẹp, nhưng huyền ảo đến rợn người như đi vào một thế giới xa lạ.
Dân địa phương không dám băng ngang. Hoàn toàn vắng lặng, chỉ còn nghe hơi thở của mình và mơ hồ se siết bước chân trên cát.
Trăng bao phủ tứ phía bằng một ánh sáng lung linh chờn chợn khó phân biệt từ trên trăng tỏa xuống, hay từ cát trắng chiếu lên. Tơ trăng dày đặc, cử động hay di chuyển đều như lùa cả trăng theo.
Nhìn xa về phía chợ Chua Me độ cây số, nhiều tảng đá to lớn đen đủi, trồi lên trên cát trông phát sợ, tưởng chừng như những tên qủy khổng lồ nhúc nhích xê dịch trên ranh giới vào “Tiên động”.
Chúng tôi không dám đi xa, ngay cả không dám nhìn về phía đó.
Có lẽ anh Trí đã đi nhiều lần đến đây ngắm trăng khi còn ở Sa Kỳ, mà địa danh nghe đã kỳ diệu rồi).
Về đến nhà là sách súng đi liền, Anh bắn rất hay, chưa hề trật phát nào, lại còn bắn cả chim bay với khẩu súng mà tầm bắn xa nhất chỉ có hai mươi mét mới là thần tình.
Không mấy khi tôi bắn được đến phát thứ hai, vì Anh hay gạ tôi mua mấy viên đạn với giá năm xu mà mẹ tôi hay cho mỗi đứa để về Thị xã ăn kẹo gương. Và cũng không mấy khi tôi ăn trọn được năm xu của Anh, tôi không nỡ để Anh nhịn thiếu như vậy.
Tôi thương Anh từ thuở nhỏ, mà tôi xem là định mạng ràng buộc Anh với tôi trong tình thương đó đến bây giờ. Anh mất đi đã năm mươi năm rồi mà tôi vẫn chưa hết gian nan vì anh.
Anh rất đam mê súng, luôn luôn khoe kỹ thuật, nhắm thế này, nhắm thế kia. Có lần đi học bị thầy đánh sưng mấy ngón tay, Thầy trợ Giác lớp ba có tiếng đánh ác. Anh lặng lẽ dấu dượng tôi, vốn rất lo cho hai đứa, tím muối dấm để bóp cho kịp ngày thứ năm về Sa Kỳ.
Sau khi cha tôi mất đi, tháng 7/1926, gia đình dọn về Qui Nhơn ở với anh Mộng Châu.
Hai chúng tôi, cùng vào học trường Trung học Qui Nhơn.
Đến lớp nhất, anh Trí ra Huế học Pellerin.
Bẵng đi một thời gian ở Huế về, lại thấy Anh có một thứ đam mê mới. Đó là “quyền anh”. Thôi thì luyện tập, nào là đánh bao cát, nhẩy dây. Cả ngày nhảy múa, thỉnh thoảng lại kéo về một vài “thằng nhóc” để truyền nghề lại cho.
Chỉ một thời gian ngắn thôi, bỏ luyện tập, bao nhiêu đòn móc, đòn đấm trả lại cho Bửu Tuyển, võ sư Huế.
Bỏ hẳn thật sự, đến đỗi Qui Nhơn thường tổ chức võ đài, anh em đến rủ đi xem, Anh nói: “Đó là một lối thể thao vô nhân”.
Rồi thì quay ra bơi lội, tắm sáng, tắm chiều. Vắng Anh, ra biển là gặp.
Nhưng chỉ một lần, cả hai anh em suýt chết vì lội ra quá xa bờ, khi trở vào, bị gió nồm quá mạnh, Anh Trí đuối sức bị ngất đi, phải nằm ngửa (planche) cho sóng đẩy vào bờ. Trông anh sợ hãi khác thường, thần sắc ngơ ngác, như không còn trông thấy gì nữa. Anh thều thào: “Ở Huế bơi qua cầu Bạch Hổ bị rong quấn chân kéo chìm không lội được, mà sao ít sợ hơn bữa ni”. Rồi, lẩm bẩm nghe như Đức Mẹ… Đức Mẹ…, tôi tưởng Anh cầu nguyện, trông Anh khác lạ đi. Nhìn Anh tôi càng hoảng sợ: Anh không còn giống Anh nữa, với đôi mắt đã lạc thần.
Từ đó Anh không tắm biển nữa, sợ nước; ít hoạt động nói năng nhỏ nhẹ như sợ ai nghe. Thường ngồi khoanh tay, nghe hơn là nói, hình thể gầy sút đi, nhỏ đi.
Nhiều lúc như xuất thần, không hay biết gì chung quanh. Nhất là lúc Anh đang ngâm thơ, giọng như run run đau đớn.
Có lần đi con đường bờ biển Maréchal Foch như mộng du thiếu chút nữa thì bị xe ông Công Sứ đụng phải.
Thường hay vào Hội Quán (Cercle d’Études) của cố Maheu mà anh Mộng Châu là Tổng thư ký, ngồi cả ngày quên ăn cơm.
Thấy Anh thay đổi có vẻ đau yếu, mẹ tôi bảo đi khám bệnh, ông Đốc Kỷ bạn anh Mộng Châu nói đùa: “Trí không đau gì cả. Cưới vợ cho nó là yên”. Anh Trí chỉ cười, không quan tâm.
Mẹ bảo mua đồ bể để bồi dưỡng Anh, nhưng Anh không ăn được. Vốn từ nhỏ, Anh không hề ăn cá lớn, thịt heo, bò cũng không thích. Chỉ cá bống thệ, bống cát là Anh ưa, nhất là kho rim với đường mỡ, mà con cá cong cứng lên.
Anh không kén ăn, nhưng khó bồi dưỡng về mặt đó. Tuy có thời gian hay ăn chè đậu ván, một thứ chè ở Qui Nhơn bán quanh năm về khuya. Vậy mà, chỉ một lần ăn xong, cảm thấy khó chịu là nhất định không ăn nữa.
Cả nhà đều nghĩ là Anh mắc bệnh tâm thần, hay tưởng tượng gì đó, nhưng Anh vẫn bình thường, vẫn làm thơ, thức khuya để ghi chép.
Nhận xét kỹ, Anh có lôi thôi về ăn mặc, ít tắm giặt phải nhắc nhở Anh thay quần áo.
Thường hay quên, chẳng hạn quần áo thay ra ném bậy bạ có khi cả tuần không tìm thấy, thì ra đã lọt xuống kẹt rương, chuột đã làm tổ.
Mẹ tôi rất lo, nhưng sau một thời gian vào làm việc ở Sở Đạc Điền, Anh lại trở nên vui vẻ. Công việc cũng nhàn nên rỗi rãi có thì giờ ngâm vịnh.
Thường nghe Anh ngâm câu Kinh thi:

“Quan quan thư cưu, tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.”
Hoặc một câu khác nửa vời:

“Lứa đôi ai đã đẹp tày Thôi, Trương…”

Cứ thế mà ngâm đi, ngâm lại mà không biết chán.
Tôi lẳng lặng chờ Anh bỏ ngang thi phú như những đam mê bồng bột trước.
Nhưng không, Anh đã gặp điều Anh tìm kiếm, và chắc chắn dừng lại đây lâu, với nhiều hứa hẹn lạ lùng cũng nên.