Thạch Chương dịch từ tiếng Pháp
Thái Hà hiệu đính theo bản tiếng Nga
- 5 -

“Đó, cái gọi là va chạm với thực tế là thế đó!” - Tôi lẩm bẩm một mình lúc chạy xuống từng bốn bực cầu thang. - “Chẳng còn đâu là chuyện đức Giáo hoàng rời La Mã đi Braxin với lại tổ chức dạ hội trên hồ Komo nữa nhá!”
“Mà mình lại khốn nạn đến thế ư? Đến giờ phút này còn tự phỉ báng mình nữa hả?… Cần cái quái gì, vì bây giờ còn cái quái gì mà cần nữa!”
Bọn chúng đã đi mất hút, nhưng tôi biết chúng đi đâu.
Tôi trông thấy một chiếc xe trượt băng cô đơn đậu bên lề đường, loại xe thường kiếm khách ban đêm. Tên quản xe khoác một chiếc áo choàng rộng bằng vải len thô, trên áo còn phủ một lớp tuyết ẩm, dường như có hơi ấm. Trời ẩm, khó thở. Trên mình con ngựa hồng nhỏ bờm tóc bơ phờ xơ xác cũng có một lớp tuyết phủ. Nó húng hắng ho. Tôi còn nhớ rất rõ cảnh tượng đó. Tôi chạy vội tới xe, nhưng vừa co chân bước lên thì tôi bỗng vụt nhớ cái lúc Simonov ném tiền cho tôi và cái lối hắn ném tiền, tôi bỗng điếng hẳn người đi và ngã chúi vào lòng xe như một cái bị.
“Được lắm, còn nhiều chuyện phải làm để vớt vát lại cho bằng được tất cả!” - Tôi la lớn một mình - “Nhưng mình sẽ vớt lại cho bằng được, nếu không sẽ chết ngay đêm nay. Chạy!”
Chúng tôi lên đường. Bao nhiêu ý tưởng quay cuồng trong óc tôi.
“Nhất định chúng sẽ không quỳ xuống để van xin cái tình bạn của mình rồi. Đó chỉ là một ảo tưởng, một ảo tưởng ngu xuẩn, lãng mạn, hoang đường, cũng hệt như buổi dạ hội trên hồ Komo vậy. Do đó, tôi bắt buộc phải cho tên Zverkov một cái tát. Mình phải tát nó một cái. Nhất định như thế; mình chạy tới, cho nó một cái tát.-Lẹ lên! Lẹ nữa lên!”
Người quản xe gò thêm cương.
“Bước vào tới nơi là mình tát nó ngay. Có cần phải nói vài lời phi lộ trước khi tát nó không nhỉ? Không. Bước vào là tát. Bọn chúng lúc đó chắc sẽ đang tụ họp trong phòng khách; tên Zverkov sẽ đang ngồi trên đi-văng với em Olimpia. Con Olimpia khốn kiếp! Có một hôm nó đã cười vào mặt mình và từ chối không thèm đi với mình. Mình sẽ nắm lấy tóc nó kéo xềnh xệch, còn thằng Zverkov thì phải nắm hai tai nó. Không, có lẽ tốt hơn là mình nên nắm lấy một tai nó và bắt nó phải chạy quanh phòng. Bọn chúng chắc sẽ nhảy xổ vào đánh mình túi bụi rồi ném mình ra cửa. Chắc chắn như thế. Sợ đếch gì? Lúc ấy thì mình đã là kẻ tát nó đầu tiên rồi. Chính mình là kẻ khởi xướng, và theo những quy luật danh dự, thì như vậy là đủ. Hắn đã bị xúc phạm rồi, và muốn rửa cái nhục đó đi thì hắn sẽ không còn cách nào hơn là nhận quyết đấu. Hắn sẽ bắt buộc phải nhận lời quyết đấu. Bọn chúng xô vào đánh mình thì ăn thua gì? Mình cần quái gì? Quân khốn nạn! Chắc những cú đấm của thằng Trudoliubov sẽ đau lắm: nó to như vâm mà lị! Thằng Ferfichkin thì chắc chắn sẽ đánh từ bên cạnh và chắc chắn sẽ nắm lấy tóc mình. Mình cần đếch gì? Mình sẵn sàng hết. Những bộ óc loài cừu của bọn chúng cuối cùng sẽ phải hiểu cái khía cạnh bi đát của câu chuyện này. Khi chúng lôi mình tống ra cửa, mình sẽ chửi vào mặt chúng là chúng không giá trị bằng ngón tay út của mình đây này! - Lẹ hơn nữa, quản xe! Lẹ hơn nữa!”
 Tên quản xe giật nẩy mình và quất roi ngựa tới tấp. Tiếng la của tôi chắc phải có một cái gì hung dữ kinh khủng.
 “Sáng sớm hôm sau hai đứa sẽ bắn nhau! Nhất quyết là như thế rồi! Ở ngoài Bộ như thế là xong. Nhưng lấy đâu ra súng lục bây giờ? Tầm bậy thật! Mình sẽ vay trước một số lương và mua súng. Còn thuốc súng? Còn đầu đạn? Đó là việc của các nhân chứng. Nhưng làm sao kịp chuẩn bị mọi thứ trước sáng mai? Mình tìm đâu người làm chứng bây giờ. Mình không có người quen. Khốn kiếp!- Tôi hét lên, mỗi lúc một nổi nóng. - Khốn kiếp! Gặp bất cứ người đầu tiên nào ngoài phố là mình sẽ yêu cầu họ làm nhân chứng cho mình, họ tất nhiên sẽ phải nhận lời, vì đây có thể coi là bổn phận cứu vớt một kẻ đang chết đuối. Trong những trường hợp như thế này thì cần phải có những giải pháp cực đoan. Giá cứ yêu cầu ngay ông giám đốc làm người phụ tá cho mình ngày mai thì ông ta cũng sẽ không thể từ chối, vì tinh thần mã thượng, và ông ta sẽ phải giữ bí mật. Anton Antonovich…”
Nhưng ngay lúc đó tôi bỗng hiểu rõ hơn ai hết, sáng suốt hơn ai hết trên đời này tất cả cái khả ố, tất cả cái lố bịch trong những giả thuyết vừa rồi của tôi, và tôi thấy được toàn bộ cái mặt trái của chiếc mề đay, nhưng…
- Lẹ hơn nữa, quản xe! Quất ngựa, đồ khốn! Quất!
- Dạ, dạ, bẩm vâng!… Kẻ “đại diện cho lực lượng thất học” đó trả lời bằng một giọng van lơn.
Bỗng nhiên một cơn gió buốt phả mạnh vào mặt tôi. “Hay là… hay là về thẳng nhà có hơn không? Ô trời ơi! Tại sao mình lại đi dự bữa cơm đó làm gì mới được chứ! Nhưng nhất định không thể được! Ba giờ đồng hồ đi đi lại lại từ bàn ăn tới chỗ lò sưởi rồi quay lại cuối cùng để làm gì? Không, chính bọn chúng chứ không ai khác phải đền nợ mình về sự đi đi lại lại đó! Chúng phải đền cái nhục đó! - Quất roi, quản xe!”
Nhưng ngộ nhỡ chúng giao mình cho cảnh sát? Không, chúng sẽ không dám! Chúng sợ scandale. Nhưng nhỡ Zverkov vì khinh bỉ không thèm nhận lời đấu! Chắc chắn như vậy. Khi đó mình sẽ chạy tới chỗ sân đậu xe và sáng sớm lúc hắn vừa bước lên xe ra về, mình sẽ túm lấy chân hắn, kéo tụt áo măng tô của hắn xuống. Mình sẽ cắn chặt vào bàn tay hắn: “Thấy chưa, tất cả thấy chưa? Bọn bay đã biết một con người tuyệt vọng có thể đến cái độ nào chưa?” Có thể nó sẽ đấm vào đầu mình. Còn bọn kia từ sau lưng xông vào và đá đít mình. Cần gì! Mình sẽ la ầm ĩ lên: “Trông kìa, một thằng chó con khốn nạn sắp sửa đi quyến rũ con gái Kavkaz bị tôi nhổ nước bọt vào giữa mặt như thế đó!”
“Sau vụ này cố nhiên là hết. Bộ của mình sẽ biến mất khỏi địa cầu này. Người ta sẽ bắt mình, người ta sẽ đem xử mình ở tòa, người ta sẽ đuổi mình ra khỏi Bộ, người ta sẽ bỏ mình vào tù, người ta sẽ đày mình đi Sibêri. Không sao hết! Mười lăm năm sau, khi đã được trả tự do, rách rưới, tiều tụy, thảm hại, mình sẽ tìm ra vết tích nó. Mình sẽ tìm thấy nó ở một tỉnh nhỏ nào đó. Lúc bấy giờ nó đã có vợ rồi và đang sống rất hạnh phúc. Nó sẽ có một đứa con gái lớn, mình sẽ nói với nó: “Loài quỷ độc ác kia hãy nhìn đây xem! Mi hãy ngó khuôn mặt hốc hác và áo quần tả tơi của ta đó! Ta đã mất hết rồi: hạnh phúc, sự nghiệp, nghệ thuật, khoa học, người tình… và tất cả là do mi hết! Đây, súng đây. Ta tới để nhả đạn và… ta tha thứ cho mi! Lúc ấy mình sẽ bắn một phát lên giời và đi mất hút.”
Tôi thậm chí chỉ muốn khóc òa lên - mặc dù ngay lúc ấy tôi biết chắc rằng tôi vừa đánh cắp cốt truyện trong Sylvia và trong Mascarade của Lermontov[1]. Rồi bỗng nhiên tôi cảm thấy xấu hổ kinh khủng, xấu hổ đến nỗi tôi phải bảo dừng ngựa lại, bước ra khỏi xe và đứng như vậy một hồi lâu, chân ngập trong tuyết, ngay giữa đường. 
Người quản xe tròn mắt mình tôi thở hổn hển.
Làm sao bây giờ? Không thể đi xuống đó được; mình sẽ chẳng được gì hết, cố nhiên. Nhưng cũng không thể để vụ đó như vậy được, bởi vì đã đi đến mức ấy… Trời ơi! Làm sao có thể bỏ qua chuyện ấy được cơ chứ! Sau những nhục nhã như vậy cơ chứ!
“Không được! - Tôi la lớn và lại nhảy vào trong xe. - Đó là số kiếp của mình. Lẹ lên! Lẹ lên! Đi xuống đó!”
Trong lúc mất bình tĩnh như thế tôi đã tống cho tên quản xe một quả thật đau vào cổ.
- Ối ối! Cái gì vậy? Tại sao ông lại đánh con? - Tên quản xe la lên, nhưng đồng thời cũng quất vào lưng ngựa một quất mạnh và xe bắt đầu chuyển bánh.
Tuyết rơi từng nắm lớn. Tôi cởi phanh áo măng tô ra, bởi lúc này tôi chả hơi đâu nghĩ đến trời lạnh. Tôi đã quên đi hết, bởi vì tôi vừa sực nghĩ đến cái tát và run sợ cảm thấy rằng sự đó chắc chắn phải xảy ra ngay lập tức, và không sức mạnh nào có thể ngăn chặn được.
Những cây đèn đường cô độc sáng tù mù, ảm đạm trong màn sương tuyết, giống như những bó đuốc lúc hạ huyệt. Tuyết đã rơi vào bên trong áo măng tô của tôi, qua áo măng tô đọng lại dưới cravát và bắt đầu tan chảy; nhưng tôi không thèm che cổ nữa; bởi đối với tôi tất cả như thế là hết.
Cuối cùng chúng tôi tới nơi. Tôi nhảy ra khỏi xe gần như hóa điên; tôi leo lên mấy bực thang và dùng cả chân lẫn tay đập cửa ầm ầm. Tôi cảm thấy hai chân tôi yếu rã rời, nhất là nơi đầu gối. Cửa mở ra nhanh lạ lùng như là có người đang chờ tôi sẵn. (Đúng thật, Simonov đã báo trước là có thể có thêm một người khách, bởi ở nhà này phải báo trước để có biện pháp đề phòng bất trắc. Đó là một trong những magasin de modes[2] mà cảnh sát đã đóng cửa từ lâu; ban ngày thực ra nó là cửa hiệu, nhưng nếu được giới thiệu trước thì ban đêm có thể vào được). Tôi bước vội qua gian hàng tối mò và bước vào phòng khách quen thuộc, nơi chỉ có một ngọn nến cháy leo lét. Tôi đứng dừng lại, sững sờ: không có ai ở đó cả.
- Họ đâu hết cả rồi? - Tôi hỏi một người nào ở đó.
Nhưng họ đã bỏ đi cả rồi.
Đứng trước mặt tôi là bà chủ, môi nở một nụ cười ngớ ngẩn; bà chủ không hề quen tôi.
Một lúc sau cửa mở và có tiếng chân ai bước vào.
Không để ý đến bất cứ cái gì chung quanh, tôi đi đi lại lại, và hình như lẩm bẩm nói một mình. Tôi có cảm tưởng như mình vừa thoát chết, và cả thể xác lẫn tâm hồn tôi bỗng dưng miên man trong niềm vui sướng. Bởi vì tôi đã có thể tát được hắn rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi tuyệt đối chắc chắn như vậy - Nhưng bọn chúng không còn đó nữa… tất cả đều biến mất, tất cả đều thay đổi. Tôi ngó chung quanh. Tôi vẫn chưa hiểu ra chuyện gì. Như một cái máy tôi ngẩng lên nhìn người con gái vừa bước vào. Tôi thoáng thấy một khuôn mặt trẻ trung, tươi tắn, hơi tai tái, lông mày sẫm và thẳng, mắt nhìn nghiêm trang và hơi có vẻ ngạc nhiên. Khuôn mặt làm tôi ưa thích ngay. Nếu nàng cười có lẽ tôi đã ghét rồi. Tôi ngó nàng lâu hơn và dường như phải cố gắng: tôi thấy khó tập trung tư tưởng. Trên khuôn mặt đó có một vẻ gì ngây thơ và hiền lành, nhưng nghiêm trang lạ lùng. Tôi chắc chắn điều đó đã làm cho nàng không thích hợp với chốn này, và không một tên nào trong bọn khốn nạn kia đã để ý đến nàng. Cũng không thể bảo là nàng đẹp, dù rằng trông nàng cũng cao lớn, khỏe mạnh và thân hình cân đối. Nàng ăn mặc hết sức giản dị. Trong tim tôi bỗng nhen lên một tình cảm gì tàn nhẫn, và tôi tiến lại phía nàng.
Bất giác tôi thấy hình tôi trong gương. Cái bộ mặt hốt hoảng của tôi làm tôi cực kì ghê tởm: tái mét, độc ác, đểu giả, tóc thì rối bù. “Càng tốt, - tôi nghĩ thầm, tôi sung sướng vì bộ mặt đó. Phải, tôi sung sướng vì tôi làm cho nàng thấy ghê tởm. Tôi thích thú điều đó….”
Chú thích:
[1] Sylvia, truyện ngắn của Pushkin. Mascarade, một vở kịch của Lermontov. (ND).
[2] Nguyên văn tiếng Pháp: Cửa hàng quần áo vào đồ trang sức. (ND).