Thạch Chương dịch từ tiếng Pháp
Thái Hà hiệu đính theo bản tiếng Nga
- 7 -

- Thôi đủ rồi, Liza, sách vở nào ở đây, khi chính anh là người ngoài mà cũng thấy ghê tởm! Mà cũng không phải người ngoài. Lúc này tất cả mọi chuyện đó đã thức dậy trong lòng anh… Chả lẽ chính em lại không thấy ghê tởm cái chốn này sao? Không, rõ ràng thói quen đóng vai trò rất lớn. Nhưng có trời mới biết thói quen có thể dẫn con người ta đến tận đâu! Có thật em tin rằng em sẽ không bao giờ già đi, rằng em sẽ đẹp mãi, rằng người ta sẽ giữ em ở đây mãi mãi? Anh không đả động gì đến cái nhục nhã ở chốn này, nhưng anh chỉ xin nói đến cuộc đời em trong nhà này mà thôi: bây giờ em còn trẻ, còn đẹp, còn tươi tắn, còn có tâm hồn, tình cảm; nhưng em có biết rằng mới đây, lúc vừa tỉnh dậy, anh thấy nằm cạnh em ghê tởm như thế nào không? Người ta chỉ sa ngã vào đây khi người ta say mèm. Nhưng giá anh đã được gặp em ở một nơi khác, giá em đã sống như những cô gái lương thiện khác, rất có thể không những anh đã chạy theo tán em, mà còn mê say em nữa, anh có thể đã rất sung sướng được em ngó anh là khác, chứ đừng nói gì đến việc được em nói chuyện với anh. Có thể anh sẽ chờ em ở ngoài cửa, có thể anh sẽ quỳ xuống chân em hàng giờ, có thể anh sẽ coi em như một vị hôn thê và tin tưởng em cho anh một vinh hạnh lớn. Anh sẽ không dám nghĩ đến làm nhục em, không dám nghĩ xấu gì về em. Còn ở đây anh chỉ cần huýt một tiếng sáo là muốn hay không em sẽ phải đi theo anh, không phải là anh lệ thuộc vào ý muốn của em, mà chính em lệ thuộc vào ý muốn của anh. Khi một tên thợ cày hạ tiện nhất đem bán sức lao động của nó, nó cũng không hoàn toàn bán đứt nó đi, và hơn nữa, nó còn biết rằng một ngày kia nó sẽ thôi không phải làm nô lệ nữa. Còn em? Em có thời hạn nào? Em thử nghĩ xem hiện thời em đang bán cái gì? Hiện thời em đang giao phó cái gì vào trong vòng nô lệ? Chính là linh hồn em mà em không còn là chủ, và cả thể xác em nữa. Em trao tình yêu của em cho bất cứ thằng say rượu thứ nhất nào đi qua, để cho hắn ta chà đạp lên. Mà tình yêu là tất cả! Tình yêu là một hạt kim cương, là cả kho báu của người con gái trẻ. Để giành được tình yêu đó, có nhiều kẻ dám liều chết, dám hi sinh tâm hồn mình. Còn ở đây, có ai coi tình yêu đó là cái gì? Người ta đã mua em rồi, mua toàn bộ con người em rồi. Và có ai cần đến tình yêu của em, bởi lẽ chẳng cần tình yêu người ta vẫn chiếm đoạt được em. Đâu còn cái ô nhục nào lớn hơn nữa đối với người con gái, em có hiểu không?
Anh nghe nói ở đây người ta nịnh nọt các em, các cô gái khờ dại như em, và người ta còn cho phép các em có tình nhân nữa. Nhưng đó chỉ là một trò đùa, một sự phỉnh gạt mà thôi. Người ta cười thầm sau lưng các em mà các em cứ tưởng là thật. Có thật người tình của em dám yêu em không? Anh không tin là thế. Làm sao hắn có thể yêu em được một khi hắn biết rằng nếu có người kêu em, em sẽ phải bỏ hắn để sang một kẻ khác? Chỉ một thằng cả quỷnh mới chịu như thế! Hắn có thể kính trọng em dù chỉ một tí nào không? Giữa em và hắn có cái gì là của chung? Không, em ạ, hắn sẽ cười thầm sau lưng em, và hắn còn lừa gạt em là đằng khác. Đó là tất cả cái tình yêu của hắn! Và còn may là hắn không đánh đập em, chứ hắn có thể đánh đập em lắm chứ. Em thử hỏi một người tình nào đó của em mà coi, nếu em có, liệu xem nó có muốn lấy em làm vợ không? Nó sẽ cười như phá vào mặt em, nếu không nói là nhổ vào mặt hay nện cho em một trận. Mà chính bản thân hắn cũng đâu có đáng hai đồng cô-pêch vỡ! Thế thì vì sao, em nghĩ thử coi, vì sao em lại chôn chân ở chỗ này? Để người ta cho em uống cà phê hay nuôi em ăn ngon hay sao? Nhưng người ta nuôi em ăn để làm gì? Một người con gái khác, một người con gái lương thiện, chắc sẽ chẳng thể nuốt trôi một miếng, bởi cô ta biết người ta nuôi cô ta với mục đích gì. Em đã mắc nợ mụ chủ em, em sẽ còn mắc nợ tiếp, mắc nợ cho đến khi nào mọi người khách chán em rồi, không thèm em nữa. Ngày đó chắc chắn sẽ tới. Em đừng trông mong gì vào cái tuổi xuân của em. Thời gian trôi đi nhanh lắm. Đến ngày đó người ta sẽ tống em ra cửa. Nhưng trước khi tống khứ, người ta còn nhiếc mắng, còn chửi rủa em chán chế, làm như không phải em đã hiến cho mụ chủ cái tuổi xuân em, sức khoẻ em, không phải em đã trao cho mụ ấy linh hồn em, mà chính em mới là người gây thiệt hại cho mụ, chính em đã ăn cắp của mụ và làm cho mụ phải rơi vào vòng khổ sở. Và đừng có chờ ai bênh vực em đâu! Những đứa con gái khác - bạn đồng nghiệp của em - sẽ đạp lên lưng em để nịnh hót mụ chủ, bởi vì chính chúng nó cũng là nô lệ cả rồi và đã mất đi từ lâu mọi tình thương và lương tâm. Chúng đều là nhứng đứa hèn cả, và trên đời này không có lời chửi rủa nào bẩn thỉu lơn, tồi tệ hơn, độc ác hơn những lời chửi rủa của chúng - Em đã bỏ lại ở đây tất cả: sức khoẻ, tuổi xuân, sắc đẹp, hi vọng, và mới hai mươi tuổi đầu em sẽ trông như một mụ đàn bà ba mươi. Đó là nếu may chưa bị ốm đau đấy! Phải tạ ơn Chúa vì vậy! Anh dám chắc em tưởng rằng em đâu có phải làm việc, rằng ngày nào đối với em cũng là ngày ăn chơi. Nhưng trên đời này không có và cũng chưa bao giờ có một việc làm nào cực nhọc hơn việc làm của em, và tim em lẽ ra phải tan thành lệ mới phải. Và em đâu có dám thốt ra một lời nào, một tiếng nào hết khi người ta tống em ra khỏi đây. Em sẽ bỏ ra đi lủi thủi như một người có tội. Em sẽ đi đến một nhà khác, rồi nhà thứ ba, rồi nhà khác nữa, và cuối cùng em sẽ sa vào một nơi ở phố hàng Cỏ; và ở đó không lúc nào người ta ngớt đánh đập em, dù em chẳng tội tình gì hết. Ở đó khách làng chơi sẽ đánh đập em trước đã rồi mới hôn em sau. Em không tin là ở đó khốn nạn như vậy sao? Hôm nào thử đến mà coi! Có lẽ em sẽ được nhìn thấy tận mắt.
Anh đã nhìn thấy một đứa con gái, lâm vào cảnh đó một đêm giao thừa. Người ta đùa cợt quẳng nó ra ngoài tuyết rồi khoá cửa lại để cho nó "nguội" bớt vì ở trong nhà nó kêu la quá. Mới chín giờ đêm nó đã say mèm, đầu tóc rối bù, nửa người ở trần, toàn thân đầy vết tím bầm. Mặt nó đánh phấn, nhưng dưới mắt nó có những quầng thâm lớn, ở miệng ở mũi có máu chảy ra. Một tên quản xe vừa đánh đập nó. Nó ngồi trên bực đá cầu thang, tay nắm một con cá ướp muối. Nó la rú lên và cứ lải nhải mãi những câu than thân tủi phận, tay thì đập đập con cá ướp muối đó xuống bực cầu thang. Có những tên phu xe, lính tráng say rượu vây chung quanh nó; bọn chúng cười đùa chọc ghẹo đứa con gái. Em không tin là một ngày nào đó em sẽ giống như đứa đàn bà kia phải không? Anh cũng không muốn tin. Nhưng ai biết đâu đấy! Cách đây tám hay mười năm gì đó, mụ đàn bà có con cá ướp muối ấy từ nơi khác tới tỉnh này, tươi sáng như một thiên đồng bé nhỏ, ngây thơ, trong trắng, không vẩn một hạt bụi, đầy thẹn thùng bẽn lẽn. Có lẽ nó cũng đã như em, cũng kiêu hãnh và dễ giận hờn, mắt nhìn như một hoàng hậu, và tin rằng hạnh phúc đang chờ đợi người nào yêu nó và người nào được nó yêu. - Và rốt cuộc như em thấy đấy! Và liệu em nghĩ như thế nào, nếu trong cái lúc ngồi cầm con cá ướp muối đập đập xuống những bậc thang đá đó, người say mềm và đầu tóc bù xù như thế, nó bỗng sự nhớ tới tất cả những năm trong trắng ngày xưa dưới mái nhà cha mẹ, hồi nó còn đi học, và cậu con trai hàng xóm đi theo ve vãn nó ở dọc đường và thề bồi với nó rằng cậu sẽ yêu nó suốt đời và sẽ hiến dâng trọn đời cậu cho nó, rồi hai người cùng ước hẹn sẽ yêu nhau mãi mãi và khi nào lớn lên nhất định sẽ lấy nhau ngay?…
Không, Liza ạ! Giá em được chết trong một xó xỉnh nào đó, trong một căn hầm dưới đất nào đó như người đàn bà bị bệnh lao anh vừa nói lúc nãy, thì đó còn là một hạnh phúc cho em, thật đấy. Em nói đến nhà thương? Giá người ta chở em vào nhà thương thì còn là phúc! Nhưng nếu mụ chủ em vẫn còn cần đến em? Bệnh lao đâu phải như bệnh cảm sốt. Người bị bệnh đó cho đến giây phút cuối cùng còn ôm hi vọng và nói mình vẫn còn khoẻ: họ tự dối mình, và như vậy càng có lợi cho mụ chủ. Ừ, đúng vậy đó. Em đã bán linh hồn cho mụ ấy, và hơn nữa em lại còn mắc nợ mụ ấy. Em đâu còn được quyền há miệng ra nữa. Đến lúc nào em hấp hối, mọi người sẽ quay mặt đi và lìa bỏ em, bởi đến lúc đó thì em còn làm được cái gì cho họ? Trái lại, người ta còn trách mắng em là đã choán nhiều chỗ quá, là sao không chết nhanh cho khuất mắt! Em cũng không xin được ngụm nước mà uống; và nếu ai có múc cho, nó cũng sẽ chửi rủa em: “Đến bao giờ mày mới chết mẹ mày đi cho rồi hở cái con chó cái kia? Mày rên ư ử như thế thì ai mà ngủ được, khách nào mà chịu được hả?” Đúng như vậy đó. Chính anh đã nghe thấy người ta mắng chửi như vậy. Trong lúc em đang nửa sống nửa chết người ta sẽ quẳng em vào một xó tối tăm nhất, hôi thối nhất trong hầm… Ở đó ẩm ướt, tối tăm. Đợi đến lúc bấy giờ nằm rũ ra đó một mình em mới nghĩ lại ư? Và lúc em chết rồi, có những bàn tay xa lạ sẽ lau rửa thân thể cho em qua quít, vội vàng, tay vừa lau miệng vừa chửi thề. Chẳng một ai sẽ thở dài khi nghĩ đến em, chẳng một ai sẽ đến ban phép lành cho cơ thể em, người ta chỉ muốn mau mau thoát được em cho rảnh nợ. Người ta sẽ mua một cỗ áo quan xấu xí, và sẽ mang em đi chôn như hôm nay người ta mang chôn người đàn bà xấu số kia; rồi người ta sẽ cùng uống rượu để tiễn biệt vong linh em. Huyệt thì đầy bùn và tuyết đã tan thành nước. Nhưng người ta sẽ không làm lễ mai táng gì cho em đâu! - “Nào, Vania, hạ đầu kia xuống! Đây là chỗ an nghỉ của ả rồi!… Kìa, đến đây mà ả cũng vẫn còn chổng mông lên trời kìa!… Căng dây thẳng ra, con khỉ!” - “Rồi, rồi, thế này được rồi!” - “Được rồi cái gì? Không thấy con mẹ nó bị lật nghiêng đi kia à? Dù sao thì nó cũng là người như ai chớ! Thôi, kệ mẹ nó, lấp đất mau!” Bọn họ cũng chẳng muốn mất thời giờ cãi nhau về em làm gì nữa. Họ sẽ lấp vội một lượt đất bùn cho nó xong và sẽ đi ra quán uống rượu. Và đối với em như thế là hết, người ta thôi không nghĩ đến em nữa. Mộ những người khác còn có con cái, chồng, cha họ đến thăm viếng, còn mộ em thì sao: không một giọt lệ, không một tiếng thở dài, không một lời cầu nguyện và sẽ không một ai, không một ai hết trên đời này, không bao giờ còn đến với em nữa. Tên em sẽ biến khỏi mặt đất này, như là em chưa bao giờ có mặt, như là em chưa hề sinh ra! Chỉ có bùn, và lầy… Rồi đến đêm, tới giờ những người chết nhỏm dậy, em sẽ mặc sức đập vào nắp áo quan và la lên: “Hãy cho tôi ra với, hỡi những con người lương thiện! Tôi muốn nom thấy ánh sáng! Tôi đã sinh ra nhưng chưa được sống; đời tôi là một tấm giẻ rách cho khách qua đường chùi chân; người ta đã uống đi mất cuộc đời tôi, đã bán mất đời tôi ở phố hàng Cỏ! Hãy cho tôi ra với, hỡi những con người lương thiện! Tôi muốn được sống lại một lần nữa!”
Tôi nói say sưa đến nỗi cổ tôi bỗng nghẹn lại… và tôi ngừng bặt. Tôi giật mình ngồi nhỏm dậy trên giường, cúi đầu xuống sợ hãi, tim đập mạnh, tôi bắt đầu lắng nghe: có cái gì đang làm tôi lo lắng.
Từ lâu tôi đã linh cảm thấy tôi đã làm đảo lộn cả tâm hồn nàng và đập vỡ trái tim nàng, nhưng càng tin chắc bao nhiêu tôi lại càng muốn đạt tới mục đích một cách mạnh mẽ và nhanh chóng bấy nhiêu. Vâng, chính là trò đùa đã lôi kéo tôi đi, mà cũng không hẳn chỉ là trò đùa…
Tôi biết là tôi đã nói một cách khó khăn, đóng kịch, kiểu sách vở, nói tóm lại, tôi chẳng biết ăn nói cách nào khác ngoài cách nói “hệt như sách vở”; nhưng điều đó không làm tôi bận tâm. Tôi biết rằng nàng sẽ hiểu được tôi, và cái lối nói sách vở đó sẽ giúp ích tôi rất nhiều trong việc này. Nhưng bây giờ, sau khi đã đạt được mục đích, tôi bỗng đâm ra sợ.
Không, chưa bao giờ, chưa bao giờ tôi được chứng kiến một nỗi tuyệt vọng đớn đau đến thế! Nàng nằm đó, mặt vùi vào gối và hai tay ôm chặt lấy nó. Những tiếng nức nở, ấm ức như muốn phá vỡ ngực nàng. Cả cái thân hình non trẻ đó run rẩy như bị cơn co giật. Những tiếng nức nở chất chứa trong cổ họng và làm nàng nghẹn ngào đó bỗng thoát ra thành những tiếng rên xiết. Rồi nàng lại vùi mặt vào gối sâu hơn nữa; nàng không muốn một ai ở đây biết nỗi đau khổ cùng những giọt lệ của nàng. Nàng cắn gối, nàng còn cắn cánh tay nàng cho đến bật máu (về sau tôi nom thấy), hoặc luồn những ngón tay vào mớ tóc rối bời nàng nắm thật chặt, co cứng cả người lại, nhịn thở, cắn chặt răng.
Tôi định nói với nàng một câu, bảo nàng bình tĩnh lại, nhưng thấy không còn can đảm nữa; rồi thốt nhiên, cảm thấy toàn thân rét run lên như hoảng sợ, tôi nhảy bổ xuống đất, lần mò tìm quần áo mặc vào và kiếm cách chuồn. Trong phòng tối om: loay hoay mãi tôi vẫn chưa chuẩn bị xong. Tay tôi bỗng sờ thấy một bao diêm và một giá nến còn nguyên một cây. Ánh sáng vừa xoè lên Liza đã vội ngồi nhỏm ngay dậy, mặt nhăn nhó và nhìn tôi với một nụ cười gần như điên dại, vẻ mặt ngây ngô. Tôi đến ngồi cạnh nàng, cầm lấy hai tay nàng. Nàng tỉnh lại, chồm về phía tôi, định bá cổ tôi nhưng không dám, và từ từ ngả xuống trước mặt tôi.
- Liza yêu quý, anh đã lầm… Tha lỗi cho anh. - Tôi bắt đầu nói, nhưng nàng siết chặt tay tôi giữa tay nàng, chặt đến nỗi tôi tưởng đã nói ra điều gì không phải, tôi bèn nín lặng.
- Liza, đây là địa chỉ của anh. Đến thăm anh nhé!
- Em sẽ đến, - nàng nói khẽ, giọng quả quyết, nhưng vẫn không ngẩng mặt lên.
- Giờ thì anh đi về. Chào em nhé… và hôm nào găp lại em!
Tôi đứng lên, nàng cũng đứng lên và mặt bỗng đỏ bừng, rùng mình một cái, vớ lấy chiếc khăn quàng ở ghế quấn vội vào người kín đến tận cằm. Rồi sau đó nàng lại mỉm cười rất ngớ ngẩn, mặt lại đỏ ửng lên và ngó tôi rất kì khôi. Điều đó là tôi đau đớn, tôi muốn bước vội ra và đi ngay.
- Ông chờ một phút, - nàng bỗng gọi với tôi lại lúc tôi ra tới cửa và giữ lấy vạt áo măng tô tôi. Nàng đặt giá nến xuống và chạy đi, chắc là nàng quên cái gì và muốn cho tôi xem. Mặt nàng ửng hồng, mắt long lanh, môi cười tủm tỉm: có chuyện gì vậy? Tôi đành đứng đợi. Chừng một phút nàng quay lại, mắt nhìn xuống như muốn xin lỗi. Bây giờ không còn là khuôn mặt, đôi mắt nhìn ban nãy u ám, ngờ vực và bướng bỉnh nữa; cái nhìn của nàng bây giờ dịu dàng, gần như van xin, đồng thời lại tin tưởng, vỗ về và bẽn lẽn. Đó là cái lối con trẻ thường nhìn những người chúng yêu thương khi chúng đang muốn xin một cái gì. Mắt nàng nâu nhạt, đôi mắt đẹp và nhanh nhẹn, biết biểu lộ tình yêu và tình ghét.
Thấy khỏi cần cắt nghĩa cho tôi điều gì - như tôi là một kẻ siêu phàm có thể hiểu biết mọi sự mà không cần giảng giải, - nàng đưa cho tôi một mảnh giấy. Lúc đó cả khuôn mặt nàng sáng lên một niềm vui hồn nhiên thơ dại. Tôi mở tờ giấy: đó là một bức thư gửi cho nàng của một sinh viên trường thuốc nào đó hay đại loại như thế, một bức thư tỏ tình, rất cầu kì, hoa lá và bay bướm, nhưng lại hết sức kính trọng. Tôi không còn nhớ rõ từng câu, nhưng tôi nhớ rất rõ, tôi đã cảm thấy qua lối hành văn hoa mĩ ấy một tình cảm rung động, chân thành, không thể giả tạo. Lúc đọc xong, tôi bắt gặp cái nhìn đăm đăm của nàng đang cháy bỏng, tò mò và sốt ruột như cái nhìn một đứa trẻ con. Mắt nàng dán vào mắt tôi, và nàng nóng lòng đợi xem tôi sẽ nói gì. Bằng một vài câu nói vội vàng nhưng có cái gì kiêu hãnh và sung sướng nàng cắt nghĩa cho tôi biết là nàng được mời tới một buổi dạ vũ gia đình, “một gia đình rất tốt”, “toàn những người trong nhà và không ai hay biết gì hết, hoàn toàn không hay biết gì”, vì nàng mới tới chốn này để thử xem thôi, chứ không có ý định ở lại mãi mãi, và nhất định sẽ ra đi khi nào trả hết nợ. Và hôm đó chàng sinh viên kia cũng có mặt ở đấy. Chàng nhảy và nói chuyện với nàng suốt buổi và hóa ra hồi bé hai người đã có quen nhau ở Riga, đã chơi đùa với nhau ở đó, nhưng lâu quá rồi. Chàng còn biết cả cha mẹ nàng nữa. Nhưng chàng không biết gì về chuyện này của nàng, tuyệt đối không biết tí gì hết và cũng không ngờ vực gì hết! Rồi ngay sáng hôm sau (nghĩa là cách đây ba hôm) chàng trao bức thư này cho nàng qua tay một người bạn gái đi cùng với nàng tối hôm đó “và … đó, có vậy thôi”.
Kể xong nàng xấu hổ cúi mặt xuống, đôi mắt vẫn còn long lanh.
Người con gái tội nghiệp ấy đã giữ lá thư của chàng sinh viên như một báu vật, và nàng đã cho tôi xem cái báu vật duy nhất đó cốt là để cho tôi biết, trước khi từ giã, rằng người ta cũng có thể yêu nàng, yêu trung thực, chân thành, người ta cũng có thể viết thư cho nàng bằng một giọng kính trọng lắm chứ. Chắc chắn bức thư sẽ chỉ để nằm đó, trong một cái hộp, và nàng sẽ không có một bức nào tiếp theo. Nhưng cần gì, bở tôi tin chắc nàng sẽ giữ nó suốt đời như một kỉ vật; như một niềm kiêu hãnh, một sự biện bạch cho nàng, và đúng lúc này nàng bỗng nhớ tới bức thư đó và mang ra khoe với tôi, để hãnh diện một cách ngây thơ và lấy lại vẻ tự trọng trước mặt tôi, để tôi tán dương nàng. Tôi không nói gì với nàng hết, tôi chỉ siết chặt tay nàng và bước ra. Sao lúc đó tôi muốn bước ra ngoài đến thế!…
Tôi đi bộ suốt từ đó về nhà, mặc dù tuyết tan vẫn đang còn rơi từng nắm lớn. Tôi đau đớn, tôi mệt mỏi, chán chường và trong lòng thấy vô cùng băn khoăn. Nhưng qua nỗi băn khoăn ấy tôi đã thoáng thấy loé lên một sự thật. Một sự thật vô cùng xấu xa!