Thạch Chương dịch từ tiếng Pháp
Thái Hà hiệu đính theo bản tiếng Nga
- 10 -

Mười lăm phút sau… Sốt ruột đến điên người, tôi cứ đi đi lại lại rất nhanh trong phòng, thỉnh thoảng dừng lại trước tấm bình phong, ngó qua khe hở nhìn Liza. Nàng đang ngồi bệt trên sàn gỗ, đầu tựa vào thành giường. Có lẽ nàng khóc, nhưng nàng vẫn chưa đứng dậy đi, điều đó làm tôi bực mình. Lần này thì nàng đã biết hết. Tôi đã làm nhục nàng thực sự rồi, không còn cách nào vớt vát được nữa hết. Nhưng… biết nói làm sao bây giờ: nàng đã đoán biết được rằng cơn khát vọng ngắn ngủi đó của tôi chỉ là một lối trả thù, một điều xúc phạm nữa, và thêm vào cái lòng thù ghét lúc nãy, gần như mơ hồ và không đối tượng, bây giờ là một sự thù ghét đố kị, cố tình hướng tới nàng… Nhưng tôi không chắc nàng có thể hiểu rõ tất cả những cái đó. Tôi chỉ biết dù sao nàng cũng đã hoàn toàn hiểu rằng tôi là một con người thô bỉ, và nhất là tôi không thể yêu được nàng.
Tôi biết chứ: người ta sẽ bảo tôi chuyện đó là vô lí - không thể có người lại độc ác, khốn nạn như tôi được. Có thể người ta còn nói thêm rằng vô lí mà tôi lại không yêu nàng chút nào, hoặc ít ra lại không cảm động chút nào vì tình yêu của nàng. Tại sao vô lí? Trước hết, tôi không thể yêu được bởi vì, tôi xin nhắc lại, yêu đối với tôi có nghĩa là thống trị và chế ngự về mặt tinh thần. Suốt đời tôi chưa thể hình dung được một thứ tình yêu nào khác hơn, thậm chí đến bây giờ đôi khi tôi vẫn nghĩ rằng tình yêu đối với đối tượng được yêu là bằng lòng thừa nhận sự thống trị đó. Trong những giấc mơ dưới hầm của mình, tôi chỉ có thể tưởng tượng được tình yêu dưới hình thức một cuộc đấu tranh: bao giờ cũng khởi sự bằng tình ghét để chấm dứt bằng sự khuất phục tinh thần, nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra được tôi sẽ làm gì sau đó đối với vật đã bị khuất phục này. Có gì vô lí ở đây đâu, bởi vì tinh thần tôi đã vô cùng băng hoại, bởi vì tôi đã quá xa rời “đời sống thực tế”, cho nên hồi nãy tôi mới làm cho nàng phải xấu hổ và nhiếc mắng là nàng đến với tôi để nghe “những lời nói cảm động”! Tôi đã không đoán biết được rằng nàng đến với tôi không phải vì thế, mà là để yêu tôi, bởi vì mọi sự phục sinh, mọi sự giải thoát đối với người đàn bà là trong tình yêu và chỉ có thể biểu lộ bằng tình yêu. Hơn nữa, đâu phải là tôi ghét nàng quá lắm lúc tôi bước dài trong phòng và ngó trộm nàng qua qua khe hở tấm bình phong. Tôi chỉ không chịu nổi sự có mặt của nàng lúc đó. Tôi chỉ muốn nàng đi ngay cho khuất mắt. Tôi đang thèm khát sự “yên tĩnh”; tôi muốn ở một mình, dưới cái hầm của tôi. “Cuộc đời thực tế” mà tôi không quen đó đã làm cho tôi ngạt thở.
Giây phút cứ trôi qua và nàng vẫn chưa chịu đứng dậy, như là đang lạc vào một giấc mơ. Tôi bèn đánh liều gõ nhẹ vào bức bình phong để gọi nàng… Nàng giật thót mình, đứng phắt ngay dậy và vội vàng nhặt nhạnh những đồ vật của nàng: khăn tay, mũ, áo lông, như là sửa soạn bỏ trốn. Hai phút sau, từ phía sau bình phong nàng chậm rãi bước ra và ngó tôi nặng nề. Tôi cười khẩy độc ác, nhưng là cười cho có lệ, và quay mặt đi.
“Chào anh” - nàng vừa nói vừa đi ra phía cửa.
Đột nhiên tôi chạy vội tới nàng, nắm lấy tay nàng, mở ra và đặt vào đó một vật tôi đã sửa soạn trước và đóng bàn tay nàng lại; rồi tôi quay đi và chạy thực nhanh về phía cuối phòng, để ít nhất không nhìn thấy…
Tôi đã vừa định nói dối khi viết rằng tôi làm cái đó vì tình cờ, như không nghĩ ngợi gì, như hoàn toàn mất trí. Nhưng bây giờ thì tôi không muốn nói dối nữa, vậy tôi xin nói thẳng ra rằng tôi đã mở tay nàng ra và đặt tiền vào tay… với một ác ý đơn thuần. Ý định làm việc đó đã đến với tôi lúc tôi nóng ruột đi qua đi lại trong phòng và khi nàng còn ngồi bệt trên sàn gỗ phía sau bức bình phong. Nhưng bây giờ tôi cũng xin tuyên bố rất xác thực rằng lòng độc ác cố tình đó không phải từ tim mà ra, mà chính từ cái đầu ruỗng thối này. Cố nhiên là nó giả tạo, bịa đặt, nó sách vở hết sức, đến nỗi chính tôi lúc đó cũng không thể chịu nổi, dù chỉ một phút; tôi bèn trốn ở một góc phòng để khỏi nhìn thấy, rồi sau đó, vô cùng xấu hổ và tuyệt vọng, tôi chạy vội theo tiếng chân Liza… Tôi mở cửa và lắng tai nghe.
- Liza! Liza! - Tôi gọi nàng ở đầu cầu thang, nhưng không dám gọi to, mà chỉ gọi lí nhí.
Tôi không thấy tiếng trả lời, nhưng hình như tôi nghe thấy tiếng bước chân nàng ở những bậc thang cuối cùng.
- Liza! - Tôi gọi to hơn. Không tiếng trả lời. Nhưng đồng thời tôi nghe thấy tiếng kèn kẹt của chiếc cửa lớn mở ra, rồi đóng lại nặng nề. Cả cầu thang dội lên âm thanh đó. Nàng đã đi mất. Tôi trở về phòng, nghĩ ngợi. Tim tôi nặng trĩu.
Tôi đứng lại gần bàn, cạnh chiếc ghế nàng ngồi hồi nãy, và nhìn thẳng trước mặt như ngây như dại. Một phút trôi qua, rồi, bỗng nhiên, tôi giật thót mình… Ngay trước mắt tôi, trên bàn, tôi trông thấy… tôi trông thấy một tờ giấy năm rúp màu xanh bị vò nát nhàu - chính cái tấm giấy bạc tôi đã đặt vào tay nàng. Đúng là tấm giấy đó, không thể là tấm khác được vì trong nhà tôi đâu còn tấm nào khác. Thì ra nàng đã ném nó đi ngay trong lúc tôi đang chạy vội vào trong.
À, ra thế! Tôi có ngờ được nàng sẽ làm chuyện đó không? Không. Tôi ích kỷ, tôi khinh người đến nỗi tôi đã không tưởng tượng được rằng nàng có thể có được cái cử chỉ ấy. Tôi không chịu được nữa. Mặc vội quần áo như một thằng điên (quấn vào người bất cứ cái nào tôi với được), tôi chạy bổ ra ngoài theo nàng. Chắc nàng chưa đi quá hai trăm bước.
Khí trời bên ngoài nhẹ nhõm. Tuyết rơi từng nắm lớn hầu như thẳng đứng, và đã tạo thành những tấm thảm dày đặc trên hè phố vắng ngắt. Không một bóng người, không một tiếng động. Đèn ngoài đường nhấp nháy vô dụng và buồn thảm. Chạy được vài trăm bước, tôi dừng lại ở một ngã tư.
Nàng đã đi phía nào? Mà mình chạy theo nàng để làm gì mới được?
Để làm gì? Để quỳ xuống chân nàng, để khóc lóc vì hối hận, để hôn chân nàng và cầu xin nàng tha thứ. Đó là điều tôi muốn làm. Tôi cảm thấy lồng ngực như muốn vỡ tung làm nhiều mảnh. Sẽ không bao giờ, không bao giờ tôi có thể nhớ lại những giây phút này mà lòng không xúc động.
Nhưng để làm gì kia chứ? - Tôi tự nghĩ. Đến ngày mai có chắc mình sẽ lại không ghét nàng nữa chính bởi đã hôn chân nàng hôm nay không? Mình có mang được hạnh phúc cho nàng không? Mình có nên tự xét lòng thêm một lần nữa, lần thứ một trăm nữa, là mình có ra cái gì không? Mình có thôi không hành hạ nàng nữa không?
Đứng ngoài tuyết và mắt cố nhìn xuyên qua màn tuyết mờ tôi nghĩ ngợi như thế.
“Hay cứ để mặc cho nàng, - tôi tưởng tượng như vậy khi đã về đến nhà, sau khi cố quên đi niềm đau đớn trong giấc mơ, - cứ để mặc cho nàng mang theo điều nhục nhã có hơn không? Nhục nhã? Không biết chừng cái đó lại làm nàng thanh cao lên - có thể đó là một ngộ thức chua xót nhất, đau đớn nhất, nhưng nó sẽ còn lại mãi mãi trong nàng để nhắc nhở cho nàng biết phẩm giá con người. Ngày mai đây chắc nàng sẽ cảm thấy tâm hồn đã bị tôi làm nhơ bẩn và tim nàng sẽ nặng trĩu. Nhưng sẽ không bao giờ nàng quên được điều nhục nhã đó, nó sẽ luôn luôn sống động trong lòng nàng. Nếu ở cuối đường đời nàng có gặp phải những đống bùn nhơ, những cảnh tượng tối đen nào chăng nữa, thì điều nhục nhã vừa qua sẽ nâng nàng dậy và làm cho nàng thanh cao lên… bằng lòng căm thù… A hèm!… và cũng có thể… bằng sự tha thứ nữa… Nhưng liệu như thế cuộc sống của nàng có dễ chịu hơn chăng?
Sự thực, giờ đây tôi xin đặt câu hỏi này ra để thử bàn chơi xem: một hạnh phúc tầm thường hay những đau khổ cao thượng: đằng nào hơn? Xin quý vị thử nói cho tôi biết: đằng nào hơn đằng nào?
Buổi tối hôm đó tôi nằm ở nhà và suy nghĩ như vậy, chết nửa người vì nỗi đau tâm hồn. Chưa bao giờ tôi phải chịu những phút đau đớn đến thế, hối hận đến thế. Nhưng cái lúc tôi chạy theo Liza, có ai ngờ được dù chỉ một chút là tôi sẽ dừng ở nửa đường không?
Từ đó tôi không còn gặp Liza và cũng không còn nghe nói đến nàng nữa.
Cũng xin nói thêm rằng rất lâu về sau tôi lấy làm thỏa mãn với câu nói về sự có ích của sự nhục nhã và của lòng căm thù, mặc dù tôi cũng đã gần ốm liệt giường vì buồn chán và ưu phiền.
Cho mãi đến ngày nay, sau bao nhiêu năm, nhớ lại những kỷ niệm đó tôi không khỏi không vô cùng xót xa. Còn nhiều xót xa khác nữa khi nhớ lại, nhưng… thôi, nên chấm dứt tập bút kí này ở đây có phải là hơn không? Tôi cho là bắt đầu viết nó cũng đã hết sức sai lầm rồi… Ít ra, tôi cũng thấy rất xấu hổ suốt thời gian tôi viết câu chuyện này, nó chẳng phải là văn chương nữa, mà là một hình phạt, một tội hình.
Kể lể dài dòng tại sao tôi bỏ lỡ cuộc đời vì thiếu môi trường, vì mất đi thói quen với đời sống, vì đã không ngớt căm giận dưới căn hầm của tôi - quả thực không thú vị tý nào hết. Muốn dựng nên một cuốn tiểu thuyết cần phải có một nhân vật, nhưng tôi, hình như tôi đã cố tình chỉ thu nhặt những dáng nét của một phản nhân vật. Và cái chính là rồi tất cả sẽ còn tạo nên một ấn tượng hết sức đáng ghét nữa, bởi tất cả chúng ta đều đã mất đi thói quen sống, bởi chúng ta, chẳng ít thì nhiều, đều là những kẻ què quặt. Ta đã mất đi thói quen đến độ ta gần như cảm thấy ghê tởm với đời sống thực sự, “đời sống sống động”, và chính vì vậy ta không thể chịu nổi khi người ta nhắc đến nó. Rồi ta coi đời sống thực sự, “đời sống sống động” đó như một hình phạt, một khổ dịch, và ai trong chúng ta đều đồng ý rằng tốt hơn hết là sống theo sách vở. Nhưng tại sao đôi khi ta cứ phải bứt rứt băn khoăn như thế? Chúng ta đang tìm kiếm cái gì? Chúng ta đòi hỏi cái gì? Chính ta cũng không biết nữa. Và nếu mọi dục vọng của ta đều được thỏa mãn, thì có khi ta lại thấy đau khổ hơn.
Quý vị cứ thử nghĩ mà xem, giả sử có ai cho chúng ta thêm tự do nữa đi, nới lỏng cho chúng ta thêm nữa đi, mở rộng môi trường hoạt động, thả lỏng dây cương thêm nữa đi… tôi dám chắc, nếu thật như thế, chúng ta sẽ lại tức khắc xin được dắt tay dẫn đi như cũ cho mà coi. Tôi biết chứ, chắc quý vị sẽ giận lắm, quý vị sẽ la hét om sòm, giậm chân và phản đối: “Anh cứ nói cho mình anh đi, cho những cái khốn nạn dưới hầm của chính anh đi, chứ đừng có dám nói tất cả chúng ta!”
Xin mạn phép quý vị, tôi đâu có hề mượn danh nghĩa cái tất cả chúng ta để bào chữa cho mình bao giờ! Riêng về cá nhân tôi, suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho tới cùng cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa, nhưng quý vị lại luôn luôn cho cái đớn hèn của quý vị như là sự khôn ngoan và rồi tự an ủi mình bằng những lừa dối. Thậm chí, có lẽ tôi còn “sống” hơn cả quý vị cũng nên!
Xin quý vị hãy nhìn cho thật kỹ! Cho đến ngày nay ta cũng vẫn chưa biết “cái sống” ấy nó sống ở chỗ nào, nó là gì, và tên gọi nó ra sao. Nếu người ta bỏ chúng ta, không cho đọc sách vở gì hết, chúng ta sẽ lúng túng ngay lập tức, chúng ta sẽ nhầm lẫn hết, chúng ta sẽ chẳng còn biết đi đâu, hành động ra sao, yêu cái gì, ghét cái gì, phải trọng cái gì, phải khinh cái gì nữa hết. Chúng ta sẽ thấy chán chường phải làm người, con người thật sự bằng xương bằng thịt. Chúng ta sẽ xấu hổ vì là người, chúng ta sẽ coi đó như một niềm ô nhục và cố trở thành những chủng loại trừu tượng, phổ quát. Chúng ta sẽ là những sinh vật mới sinh ra đã chết, và đã từ lâu không còn là những đứa con sinh ra từ những người cha còn sống nữa - điều đó làm chúng ta càng ngày càng mãn nguyện. Và rồi chẳng bao lâu ta sẽ tìm cách để thoát sinh từ những tư tưởng!
Nhưng đủ rồi! Tôi không còn muốn viết thêm gì từ cái “Cuộc đời dưới hầm” này của tôi nữa.
Tập bút kí của anh chàng thích những nghịch lí này đến đây vẫn chưa chấm dứt. Tác giả của nó đã không thể chống nổi cám dỗ và đã cầm bút viết thêm. Nhưng thiết tưởng ta thì ta có thể chấm dứt ở chỗ này được rồi.

Xem Tiếp: ----