- 9 -
DÒNG HỌ CỦA BÀ NAM PHƯƠNG

Người dân Nam bộ và Bắc bộ thời những năm 30 thường nói: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”, nghĩa là người đứng đầu tỷ phú là Lê Phát Sỹ, người thứ nhì là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, người thứ ba là Bá hộ Xường, người gốc Minh Hương, tên thật của Hộ Xường là Lý Tường Quan, xuất thân thông ngôn. Người thứ tư là Hộ Định, mang họ Trần (?). Về sau, những năm 20-30 tại đất Bắc kỳ có một người cũng từ bàn tay trắng lập nên sản nghiệp có mấy chục cái tàu thuỷ chạy đường sông, vì vậy họ gọi ông là: Bạch Thái Bưởi – vua đường sông mà hiện nay sử sách đánh giá Bạch Thái Bưởi là nhà tư sản dân tộc, và câu nói “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi” đã được từ Nam chí Bắc công nhận.
Theo chúng được biết, Lê Phát Sỹ nguyên là cháu chắt của Mathiéu Lê Văn Gẫm. Tư liệu của L.m Phan Phát Huồn C.S.S.P, trong VNGS 1 (1533-1933), Cứu Thế Tùng Thư xuất bản năm 1965 tại Sài Gòn đã viết: “Mathiéu Lê Văn Gẫm sinh ở Gò Công, tên thật là Lê Văn Bôi, lúc Giám mục Lefebre phải về Huế, Mathiéu Gẫm phải giam ở Sài Gòn và phải án tử. Lê Văn Bôi đã lỗi luật nước vì theo tà đạo, vì buôn bán với người ngoại quốc, và đã đem Tây Dương đạo trưởng vào nước. Nó không chịu quá khoá, nó không chịu hối cải. Vì vậy qua sang năm nó sẽ bị trảm quyết, chiếu theo đạo dụ của Hoàng đế”.
Câu chuyện còn kể lại trong gia đình là: Ngày 11-5-1847, ông Mathiéu Lê Văn Gẫm được dẫn đến pháp trường “Da Còm” (Chợ Quán), cái tin đó làm lương dân hiện diện rất đông. Ba người em của Lê Văn Gẫm, cũng cùng đức tin, bị hành hình cùng lúc là Toma Trọng, Phaolo Bạng và Ine Nguyễn cũng có mặt trong cuộc xử anh mình. Ông đội Bạng và ông trùm Phước phải xô đẩy đám đông để đưa cha Thăm đến gần giải tội lần cuối cho vị tử đạo. Ông đội cũng tặng viên đao phủ ba quan tiền để anh ta chém thật gọn, giúp anh mình đỡ đau đớn.
Dân gian kể, khi nghe tiếng chuông trống đổ hồi và thấy thái độ thương tiếc của nhiều người tham dự, viên đao phủ không còn giữ được bình tĩnh, hắn phải chém đến ba phát, đầu chứng nhân mới lìa khỏi cổ. Các người em vị tử đạo Mathiéu Gẫm và tín hữu ùa vào, ráp đầu vị chứng nhân với thân mình, khâu lại, thay áo trắng, lấy khăn xanh quấn cổ, rồi đặt lên võng khiêng về an táng tại họ Chợ Đũi.
Và theo cụ Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn năm xưa”, thì: “Gần Ngã sáu đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi) quận 1, còn thấy ngày nay ngôi mộ Lê Văn Gẫm tử đạo đời Thiệu Trị, bị hành hình hồi năm 1847. Mộ này nay nhà phố xung quanh che gần bịt mất và mộ lún sụt xuống thấp hơn mặt đường lộ có một thước sáu, suy ra đường phố mãi đắp lên cho khỏi ngập lụt nay mới cao làm vậy, còn đất xóm này khi xưa lấy mực mộ Lái Gẫm là đủ biết thấp và nước thế nào”.
Đến đời con cháu của Lái Gẫm là Lê Phát Sỹ ở họ đạo Cầu Kho – Sài Gòn nhưng vì gia đình không khá giả nên phải bỏ đất Sài Gòn về cư ngụ tại họ đạo ở dốc Cầu Dây thuộc thị xã Tân An để sinh sống. Ở xã Tân An có một ngôi nhà thờ nhỏ bằng tre lá, những người có đạo tại xã này thuộc xứ đạo Ba Giồng ở xã Tân Lý Tây huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho do một linh mục thừa sai người Pháp là cha Ramon đến họ đạo dốc Cầu Dây làm lễ hàng tuần. Tới năm 1893 thì họ đạo này có một cố đạo Tây tên là Moulin về làm cha sở ở họ đạo.
Gia đình họ Lê vốn có lòng mộ đạo, vì đã có một ông cố tử vì đạo là Mathiéu Lê Văn Gẫm. Gia đình Lê Phát Sỹ lúc này vẫn chưa khá giả gì nên Lê Phát Sỹ cũng làm nghề lái đò chở lương thực thuê cho dân làng. Cố đạo Moulin biết gia đình họ Lê có người đã tử vì đạo, và Philippe Lê Phát Sỹ lại hiền lành đạo đức nên đã nhận Lê Phát Sỹ làm con đỡ đầu để nuôi cho ăn học vì thấy Sỹ lanh lợi và thông minh, có chí học hành.
Gia đình họ Lê lúc đó cũng vì hoàn cảnh còn khó khăn nên đã đồng ý cho Sỹ theo cố Moulin để nhập trường dòng và hy vọng sau này sẽ trở thành một tu sĩ hay linh mục. Lê Phát Sỹ học hết bậc tiểu học ở Sài Gòn rồi được cố Moulin gửi sang Pesnang, nơi đào tạo những tu sĩ cho xứ Đông Dương và các nước vùng Đông Nam Á.
Trong thời gian theo học tại chủng viện Pesnang, tại đây có một vị giáo sĩ cũng có tên là Sỹ, hàng ngày giảng dạy cho Lê Phát Sỹ nên nhà dòng đã cho cải tên Lê Phát Sỹ là Lê Phát Đạt. Hàng ngày Đạt được học tiếng Latinh, tiếng Pháp, Bồ Đào Nha và chữ quốc ngữ. Lê Phát Đạt (Sỹ) tỏ ra một học sinh rất thông minh và hiếu học, lại học giỏi nhất lớp trong số các chủng sinh đang theo học.
Đến khi tốt nghiệp, Lê Phát Đạt không được ơn kêu gọi của Chúa để làm tu sĩ hay linh mục nên đã phải trở về nước làm thông ngôn cho chính quyền Pháp. Lúc đó người Pháp đang cần những người thông thạo tiếng Pháp nên Lê Phát Đạt được làm việc ngay tại tỉnh lỵ Tân An, và được người Pháp ban cho nhiều bổng lộc và quyền lợi. Lại gặp ngay thời Tây mới qua, dân còn tản mác nên người Pháp đã cho phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người mua. Pháp ép nài Đạt mua, vì lúc đó Đạt đã có ít tiền lương và vay thêm tiền làm vốn mua liền mấy chục ngàn mẫu ruộng hoang. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng liên tiếp mấy năm liền, không mấy chốc, Lê Phát Đạt trở nên giáu có.
Đến lúc này Lê Phát Đạt đã trở thành một nhà triệu phú nên được người Pháp ban cho chức Huyện hàm để gọi là có chút danh với đời. Lê Phát Đạt đã được dân trong vùng gọi là Huyện Sỹ, và Sỹ (Đạt) thôi không làm cho chính quyền Pháp “sáng vác ô đi, chiều vác ô về” mà ở nhà để trông ruộng đất và hoạt động xã hội như xây trường học, viện tế bần, nhà thương, nhà thờ, … để làm việc công ích cho xã hội.
Vốn là họ đạo dòng, từ đời cha ông tổ tiên, nên khi Huyện Sỹ đã giàu có và dư thừa tiền bạc, Huyện Sỹ bỏ tiền mua đất ở khu Chợ Đũi. Đó là miếng đất diện tích mấy mẫu ở nơi đã xử Lê Văn Gẫm tử đạo năm 1857, chỗ cây Đa để xây một nhà thờ. Ngôi nhà thờ này dài 25 thước, và cất theo kiến trúc Roman rất đẹp, chỉ kém nhà thờ Đức Bà Sài Gòn mà thôi. Khi nhà thờ này được hoàn tất đã được gọi tên là Giáo xứ họ Chợ Đũi, nhưng dân gian gọi là nhà thờ Huyện Sỹ, vì ông Sỹ là người bỏ tiền ra xây cất ngôi giáo đường này và cho tới nay cũng ít ai gọi là nhà thờ họ Chợ Đũi.
Hiện nay trước sân nhà thờ Chợ Đũi có để một tượng của Mathiéu Lê Văn Gẫm.
Rồi nhân việc rắc rối năm 1907, Giám mục Mossard (có tên Việt là Mão) gặp chuyện không hay với chính quyền Pháp (nhóm Tam Điểm – Thệ phản – France Monnerie) vì chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ đòi lấy lại nhà thờ Đức Bà để họ làm Viện Bảo tàng Sài Gòn, khi đó nhà thờ Đức Bà chưa xây dựng lớn như hiện nay.
Lo ngại nhà thờ Đức Bà sẽ bị lấy làm Viện Bảo tàng nên Giám mục Mossard đã dự định sẽ chọn nhà thờ Chợ Đũi (Huyện Sỹ) làm nhà thờ chính toà của địa phận Sài Gòn. Nhưng sau việc rắc rối cũng qua đi, vì nhờ có ba người là thẩm pháp người Pháp là ong Napard, ông bác sĩ Angier và thương gia Lacaze đã đi thuyết phục được một số Pháp kiều ở Sài Gòn đừng phản bội Hội Thánh Công giáo mà bỏ phiếu chống lại nhóm Tam Điểm. Kết quả cuộc bỏ phiếu, nhóm Tam Điểm thiểu số nên số phận Nhà thờ Đức Bà đã thắng và không bị lấy đi.
Ngoài việc cúng đất và xây nhà thờ Chợ Đũi, Huyện Sỹ còn dâng cúng 600 hecta đất ở vùng Chí Hoà để xây cất dưỡng đường cho các cha bổn quốc người Việt già, ốm về hưu.
Huyện Sỹ khi đã trở nên giàu có, vào hàng triệu phú (thời đó chưa gọi là tỷ phú) đã cùng gia đình con cháu xin nhập quốc tịch Tây. Huyện Sỹ sanh được bốn người con. Thứ nhất là Denis Lê Phát An, có vợ là Anna Trần Thị Thơ. Denis An sinh năm 1868 tại Tân Lập (Tân An – vì vậy mới có tên là An). Người con thứ hai sinh tại Sài Gòn năm 1879 là con gái tên Lê Thị Bình, cũng là để nhớ đến chữ Bình Lập. Và người thứ ba là Lê Phát Vĩnh, người thứ tư là Lê Phát Thanh. Tất cả những người con của Lê Phát Sỹ đều được cho đi du học bên Pháp để tạo thành những thương nhân về nước mở thương nghiệp. Như Denis Lê Phát An được sang Marseille học về ngành kinh tế và kỹ nghẹ. Đến khi trở về nước đã hoạt động ngành thương mại dưới sự điều khiển chỉ dẫn của thân phụ nên chẳng bao lâu D.Lê Phát An cũng trở nên giàu có vào hàng triệu phú của đất Sài Gòn. Lê Phát An đã tậu nhiều đồn điền cao su và café rồi còn mở nhà máy dệt bông vải.
Lê Phát An cũng noi gương thân phụ làm việc xã hội, cúng tiền bạc cho nhà thờ, miếu đình và nhà thương, viện tế bần tại Tân An và Sài Gòn, Gia Định. Việc đầu tiên là vợ chồng D.Lê Phát An bỏ tiền ra mua đất xây cất nhà thờ tại xã Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp (Gia Định)…
Còn người con thứ hai là Maria Lê Thị Bình thì Lê Phát Sỹ đã gả cho Pierre Nguyễn Hữu Hào, nguyên quán đất Gò Công. Nguyễn Hữu Hào vốn thủa nhỏ học trường dòng, lớn lên được sang Pháp du học về ngành công nghệ và canh nông. Khi trở về nước ông mở mang việc trồng trọt lớn và sau khi làm rể Lê Phát Sỹ, chẳng mấy chốc gia đình ông trở nên giàu có nhất tỉnh Gò Công. Đồng thời gia đình Nguyễn Hữu Hào còn mua nhiều đồn điền ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Ngoài việc kinh doanh, Nguyễn Hữu Hào còn thích văn nghệ nên nhà ông thường có nhiều văn nghệ sỹ tới chơi và ông cũng sẵn sàng giúp đỡ nhiều văn nhân, thi sỹ … tiền bạc để làm văn nghệ với mục đích khuyến khích họ sáng tác. Bà Maria Lê Thị Bình vì là mẹ vợ của vua Bảo Đại nên sau này được phong là Long Mỹ quận công.
Sau này, cũng vì gia đình họ Lê Phát Sỹ, Lê Phát An, Lê Thị Bình, rồi đến con cháu là bà Nam Phương Hoàng hậu đã có nhiều công đức làm việc phúc giúp đời, giúp đạo nên khi mất hai vợ chồng ông bà Pierre Lê Phát Sỹ (tức Lê Phát Đạt) và bà Agnès Huỳnh Thị Tài đều được an táng ngay trong nhà thờ họ Chợ Đũi. Khi đi tìm hiểu để nghiên cứu về gia đình họ Lê Phát Sỹ, tới nhà thờ Huyện Sỹ chúng tôi đã được linh mục chánh xứ nơi đây dẫn đi và cho biết, sau cung thánh trong giáo đường, mộ hai ông bà và các con họ Lê đều được an táng tại đây. Trước tiên là một tượng bán thân, có tấm bia cẩm thạch với hàng chữ ghi: Pierre Lê Phát Đạt 1841-1900 (tức là năm sinh và năm tạ thế). Rồi ngay cạnh là một tượng nằm dài hơn thước cũng là ông P.L.Đạt để tay trên ngực với tượng Chúa cùng nhánh hoa huệ là phần mộ ông Đạt. Cách khoảng 3 thước, phía tay trái có tượng bà Agnès Huỳnh Thị Tài, tượng bán thân đề chữ: Agnès Huỳnh Thị Tài 1845-1920, và cũng có một tượng như thế nằm dài, trên tay để ở trên ngực với xâu chuỗi cùng nhánh hoa huệ. Chúng tôi đi lần tới, cách đó một thước, thấy trên cao có để hình bán thân ghi trên bia đá cẩm thạch là: Jean Baptiste Lê Phát Thanh 6/9/1864-29/11/1948. Và bên cạnh, phía trên gần tượng bà A. Huỳnh Thị Tài, cũng có một tượng bán thân hình ghi: Đỗ Thị Thao 1865-1922, là vợ ông Lê Phát Thanh, tức con dâu của ông bà Lê Phát Đạt. Có lẽ hai người này cũng có công đức với giáo đường Huyện Sỹ (Chợ Đũi) nên mới có tượng đặt ở nhà thờ này.
Khi còn sinh thời, ông P.Lê Phát Đạt cũng được người Pháp cho chức Hội đồng thuộc địa Nam kỳ nên đã được trao tặng huân chương Dragon d’Annam.