- 1 -
Gái thuyền quyên đất Nam bộ trở thành vợ các vua triều Nguyễn

Đất Nam bộ có nhiều trai anh hùng phò chúa Nguyễn mở mang bờ cõi và cũng có nhiều “gái thuyền quyên” được tiến vào cung làm vợ cách vua triều Nguyễn.
Như chúng ta đã biết, 25 năm ròng rã bôn ba đất Nam bộ và được gần gũi các cận thần người miền Nam như các ông Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Quang Định, Phạm Đăng Hưng... thế mà Gia Long lại không có một mối tình nào với những người đẹp đất Nam bộ kể cũng lạ. Hay chính sử và ngoại sử kỵ húy, sợ phạm thượng không dám ghi lại chăng? Hay Nguyễn Ánh lúc đó tạm gác lại “tình duyên” để lo “đại sự” mà chưa nghĩ đến một bóng thuyền quyên nào ở đất Nam bộ?
Nhưng hậu duệ của Gia Long là vua Minh Mạng đã có mấy bà vợ người miền Trung rồi, lại tuyển bốn gái thuyền quyên miền Nam ra Huế để tiến vào cung hầu hạ nhà vua, là những bà dưới đây mà sử sách đều ghi:
1. Bà Hồ Thị Hoa ( 1791 - 1807 ), sau được phong làm Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Bà Hoa là người Bình An, tỉnh Biên Hòa. Bà là con gái của ông Hồ Văn Bôi, sau ông được phong Phúc Quốc Công. Vì húy tên bà là Hoa nên sau này ở Gia Định có một cây cầu Hoa phải gọi là cầu Bông. Còn ở Huế có Cửa Đông Hoa đã phải đổi là Cửa Đông Ba, và vở tuồng hát bội nổi tiếng là Phàn Lê Hoa cũng phải đổi là Phàn Lê Huê... Đặc biệt bà Hoàng hậu này không có một người con nào.
2. Bà Nguyễn Thị Khuê, tự Bích Chi, được phong Hòa Tần, người huyện Phúc Lộc, tỉnh Gia Định, là con gái của quan Chưởng Cơ Nguyễn Văn Thanh, trấn phủ tỉnh Quảng Nam. Bác Bích Chi sanh được bốn Hoàng tử và sáu Công chúa.
3. Bà Nguyễn Thị Nhân, phong Cung Tần, người Gia Định. Là con gái Chính Đội Nguyễn Văn Châu. Bà này sinh được một Hoàng tử là Miên Ký, người giỏi văn chương trong triều Tự Đức, và được phong tước Cẩm Quốc công.
4. Bà Nguyễn Thị Bảo ( 1801 - 1951 ) được phong là Thục Thần, người Gia Định là con của quan Tư không Nguyễn Khắc Thiệu. Bà này sinh được một Hoàng tử là Miên Thẩm ( 1818 - 1870 ) và ba Công chúa là Vĩnh Trinh ( 1824 - 1892 ), Trinh Thận ( 1824 - 1904 ), và Tĩnh Hòa ( 1830 - 1882 ). Cả bốn người con trên đều trở thành những nhà thơ nổi danh ở đất Thần Kinh nói riêng và cả nước nói chung mà đến bây giờ người ta vẫn còn nhớ đến những bút danh: Tùng Thiện Vương, Quy Đức, Man Am và Huệ Phố với những bài thơ tuyệt tác và bất hủ.
Đến hậu duệ của vua Minh Tạng là vua Thiệu Trị, thì cũng có ba bà vợ là người miền Nam, là các bà:
1. Phạm Thị Hằng có tự là Nguyệt ( còn theo Việt Nam tự điển của tác giả Lê Văn Đức thì Phạm Thị Hằng tự Hào ), là người huyện Tân Hòa tỉnh Gò Công. Bà là con quan Lễ Bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng. Bà Phạm Thị Hằng được phong là Hoàng Thái hậu Từ Dụ. Bà là người hiền thục, đoan trang nên được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung cho làm vợ Hoàng tử Miên Tông, tức vua Thiệu trị. Bà Hằng đã sinh được hai Công chúa và một Hoàng tử là Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức. Bà Từ Dụ đã sống qua 10 đời vua kể từ vua Gia Long là thời gian bà chào đời cho tới lúc hạ thế là năm 1901 đời vua Thành Thái thư 13. Đây là một bà Hoàng hậu đã được sống nhiều triều đại, được mắt thấy tai nghe nhiều sự kiện xảy ra trong triều Nguyễn.
2. Bà Nguyễn Thị Nhậm, tước Lệnh Phi, người An Giang ( Long Xuyên ), là con của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhân. Bà Nguyễn Thị Nhậm được tuyển vào cung cùng một thời gian với bà Phạm Thị Hằng. Nhưng vì bà Nhậm chỉ sinh được một Hoàng nữ là Công chúa Nhàn Yên An Thạch, nên bà Nhậm chỉ được phong tước là Lệnh Phi.
3. Bà Nguyễn Thị Huyên, được phong tước là Đức Tần, là người miền Nam, nhưng nguyên quán lại là Thừa Thiên, là con của Cai cơ Nguyễn Đức Xuyên. Bà này sinh được một Hoàng tử là Hồng Diêu ( 1845 - 1875 ), đây là vị Hoàng tử thứ 25 của vua Thiệu Trị. Tới hậu duệ của vua Thiệu Trị là vua Tự Đức có một bà vợ người miền Nam là Nguyễn Thị Hương, được phong tước Học Phi, người đất Vĩnh Long. Bà Hương không có con nên đã nhận công tử Ưng Thị, sanh năm 1870, là con mệ Hường Cai làm con nuôi. Đến khi vua Tự Đức tạ thế là Ưng Thị được tôn làm vua tức vua Kiến Phúc.
Như trên chúng tôi đã viết, đã có bảy phụ nữ miền Nam đã trở nên Hoàng hậu triều Nguyễn. Đến thời thứ 13 triều Nguyễn Nguyễn Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại cũng lấy vợ người miền Nam, và đặc biệt là ngay khi cưới đã được phong làm Hoàng hậu, không như các vua tiền nhiệm, khi vua băng hà thì các bà mới được chọn để phong Hoàng hậu, hay Hoàng Thái hậu.
Người phụ nữ người miền Nam thứ tám được phong làm Hoàng hậu là bà Nguyễn Hữu Thị Lan chúng tôi xin dành những trang sau sẽ viết đầy đủ hơn. Vì bà Nguyễn Hữu Lan tức Nam Phương Hoàng hậu cũng là bà Hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn.
Ở đây chúng tôi cũng xin viết thêm về một bà Hoàng hậu triều Nguyễn đã được nhiều sách báo nhắc nhở đến về công đức và đạo hạnh là bà Từ Dụ. Vì bà Từ Dụ là người đã có nhiều ảnh hưởng đến các vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghe... Và trong số các Phi tần, bà Từ Dụ được Hoàng tử Miên Tông khi lên ngôi vua, đã phong bà làm Chánh phi và được phép ngồi phía sau bức màn nghe những lời vua bàn bạc với các Quan đại thần. Ngoài việc giúp vua về chính trị, bà Từ Dụ còn trôn gnom sắp đặt những việc trong cung với tư các một nữ quan cao cấp. Bà rất nhân từ đối với các Phi tần dưới quyền, không bao giờ ganh tỵ hay đố kỵ, thương yêu con của các Phi tần khác như chính con của bà, nên vua Thiệu trị thường ban lời khen ngợi.
Như vậy, trong 8 bà Hoàng hậu đất Nam bộ làm dâu Triều Nguyễn thì có 2 bà được người ta nhắc đến nhiều nhất và trong sách, sử... cũng ca ngợi tánh nết đoan trang, nhân từ với mọi người, không phân biệt sang giàu và chính kiến. Đó là bà Từ Dụ tức Bác Huệ Thái Hoàng hậu vợ vua Thiệu Trị. Và bà Nam Phương Hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại. Cả hai bà Hoàng hậu Từ Dụ và Nam Phương đều nguyên quán đất Gò Công-Nam Bộ.