- 2 -
Đất Gò Công: “Địa linh nhân kiệt”

Nói hay viết đến chữ “Địa Linh Nhân Kiệt” không phải là việc mê tín nhảm nhí, mà từ xưa đến nay các tác giả viết về địa lý như Tả Ao đã nói về phong thủy, chỗ này đất tốt, chỗ kia đất xấu... đều gần như đúng, và nay nhiều tác giả viết và nghiên cứu về tư liệu Phong thổ ( phong thủy ) để nhiều người nghiên cứu và áp dụng. Nhưng đúng hay sai cũng còn tùy ở con người tốt hay xấu. Ở đây chúng tôi chỉ căn cứ trong bộ Hoàng Việt địa dư chí đời vua Minh mạng thứ 14 năm 1883, và cuốn Cours d’Histoire Annamite của họa giả Trương Vĩnh Ký viết và in năm 1877. Hai tác phẩm giá trị trên đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn phải dùng tới.
Ở đây chúng tôi nói về địa dánh Gò Công, nơi đã sản sinh ra những nhân vật nổi danh cả về đức và tài đã được nhiều sử sách nhắc đến.
Từ xưa đất Gò Công trong bộ Đại Nam quốc sử của cụ Phan Thanh Giản đã được viết và đánh giá là “Địa Linh Nhân Kiệt”, căn cứ vào địa lý và nhân văn đã có hai giả thuyết định nghĩa chữ Gò Công.
- Giả thuyết thứ nhất: Gò Công xưa là phần đất của xứ Phù Nam, khi Chúa Hiền tức Nguyễn Phúc Tần, đinh cuộc di dân Nam tiến, người Việt mới dời vào đây để định cư. Khi đó Gò Công còn là đất rừng, chưa có ai tới cư ngụ. Nơi này có một cái gò cao, có nhiều giống chim công trú ở nên người ta gọi ngay là Gò Công. Và trong sử đã ghi chép về danh từ địa phương là: khi vua Minh Mạng ra lệnh cho các quan địa phương đổi tên nôm na các tỉnh thành chữ Nho cho nho nhã, thì “Gò Công” đã biến thành “Khổng Tước Nguyên”, cũng như Đồng Nai thì đổi là “Lộc Dã”, còn Bến Tre thì đổi là “Trúc Giang”, và Sóc Trăng đổi là “Nguyệt Giang” ( tức Sông Trăng )...
- Giả thuyết thứ hai: Người ta kể lại, ở xứ này trước đây có một người phụ nữ tên là Thị Công, đến lập quán bán thức ăn cho dân khai thác đồn điền. Lâu dần, nhận thấy Gò Công là đất dễ sinh nhau nên dân chúng các nơi hội tụ về đây khẩn hoang từng lập rẫy, lập làng. Số người đến đây mỗi ngày một tăng, từ đó dân địa phương quen miệng nên gọi là quán Bà Công, hay Gò Bà Công. Rồi lâu ngày dân đã bỏ chữ bà đi mà gọi tắt là Gò Công. Và danh từ địa phương Gò Công đã tồn tại từ đó đến nay.
Đất Gò Công từ ngàn xưa đã sản sinh ra những nhân tài như Phạm Đăng Hưng, như Trương Công Định chống Pháp thời vua Tự Đức, khi tại thế được vua Tự Đức phong Đại Nam Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định. Những dòng chữ này đã được khắc trên bia mộ của Công Định tại Gò Công.
Khi thực dân Pháp thống trị đất Nam bộ, họ đã bầm nát hàng chữ trên và còn phạt vạ bà Trần Thị Sanh, là người quả phụ của Trương Công Định 10 ngàn đồng vì người Pháp nêu lý do Trương Công Định tạo ra cuộc phiến loạn chống người Pháp.
Đến đời vua Bảo Đại đã phong tước Trương Công Định là: “Đại Nam, Phấn dõng Đại tướng quân truy tặng Ngũ Quân quận công”, cho phép tu sửa lại phần mộ họ Trương trang trọng hơn trước, và năm 1955, ông Nguyễn Huỳnh Mai phụng đề hai câu đối liễn ở mộ bia như sau:
Mặt trước: “Trương chí quật cường, võ liệt nêu cao đất Việt - Định tâm kháng chiến, văn mờ chói rạng trời Nam.”
Mặt sau: “Huyện Tân Hòa, khẳng khái Cần Vương, tờ chiếu ngọc - Làng Gia Thuận, thung dung tựu nghĩa, chiếc gươm vàng”.
Hàng năm, cứ vào ngày 18 tháng 7 Âm lịch có nhiều người tới thắp nhang viếng mộ họ Trương.
Tại Gò Công còn có đền thờ Võ Quốc Công tức Võ Tánh. Miếu nay đặt tại Gò Tre, nơi Võ Tánh dựng cờ tụ nghĩa chiêu tập quân lính giúp Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn. Sau đó Võ Tánh ra Bình Định để tiếp tục giúp nhà Nguyễn đánh quân Tây Sơn và Võ Tánh đã tạ thế tại đây.
Nơi nguyên quán Võ Tánh là Gò Công, ấp Gò Tre có hai câu đối ghi công ơn họ Võ như sau:
“Khổng Tước kỳ, khẳng khái Cần vương, tam hùng thủ liệt.
Bàn Sà địa, thung dung tựu nghĩa, nhứt biến Trung hưng”.
Đi theo Võ Tánh để phò vua Nhà Nguyễn còn có ông Nguyễn Văn Hiểu. Ông là một người có tài, có đức, cương trực, và liêm khiết, đã có công lớn đối với vua Gia Long. Ông được cử ra làm trấn thủ Sơn Nam hạ ( tức tỉnh Nam Định ). Làm quan tới đời vua Minh mạng thứ 13, và được thăng Thự Tả quân Đô thống phủ Chương phủ sự. Khi ông tạ thế, vua Minh Mạng phong Lương năng bá. Con trai của ông Nguyễn Văn Hiểu là Nguyễn Văn Túc, có vợ là công chua Chương Gia. Ông Túc được phong Phò mã Đô úy.
Thế kỷ 19-20, đất Gò Công đã nảy sinh ra những nhân vật học giỏi, giữ nhiều chức vụ cao và nổi danh. Như ông Lê Quang Liêm tự Bẩy Liêm hay Phủ Liêm. Ông Nguyễn Minh Chiếu, người gốc Gò Công, cũng là người nổi danh. Tiếp sau là Luật sư Vương Quang Nhường, nhà văn Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung làm tới chức Đốc phủ sứ. Ngoài giờ làm công chức, cụ Hồ Biểu Chánh còn viết tiểu thuyết, làm thơ và làm báo. Cụ Hồ Biểu Chánh để lại 44 tác phẩm truyện dài, truyện ngắn rất giá trị. Hiện nay các nhà làm phim đang lấy những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, như Nợ đời, Trọn nghĩa vẹn tình... để làm các phim truyện.
Về tôn giáo có Giám mục Nguyễn Bá Tòng, là vị giám mục tiên khởi của hàng giáo phẩm Việt Nam. Giám mục Nguyễn Bá Tòng cũng là vị giám mục đạo đức và lỗi lạc của giáo hội Công giáo Việt Nam 1932 - 1949.
Những vị mà chúng tôi nhắc đến trên đều là giới nam. Còn giới nữ, gốc Gò Công cũng nổi danh, mà lại nổi danh tột đỉnh triều đình nhà Nguyễn là bà Phạm Thị Hằng, con gái ông Phạm Đăng Hưng đã trở thành nàng dâu nhà Nguyễn tức là bà Từ Dụ, được phong Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, vợ của vua Thiệu Trị, là mẹ vua Tự Đức. Và bà thứ hai là Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái ông Nguyễn Hữu Hào, làm vợ vua Bảo Đại, được phong Nam Phương Hoàng hậu.
Hai bà Hoàng hậu triều Nguyễn gốc Gò Công đều được người đời tôn kính là bậc mẫu nghi vì đạo đức, tài giỏi và thương dân, thương nước.