Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 3

Trụ sở của hãng truyền hình CBA ở New York là một ngôi nhà năm tầng xây bằng đá màu nâu đơn điệu và buồn tẻ nằm ở phía đông Thượng Manhattan, nơi trước đây là một xưởng làm đồ gỗ, bây giờ chỉ còn cái vỏ ngoài của công trình kiến trúc cũ, phần bên trong đã được một loạt các nhà thầu khoán tu sửa và trang hoàng lại nhiều lần. Chính việc sửa chữa nhiều lần này đã tạo nên ở đây một mê cung đầy những hành lang sát nhau mà vị khách nào không có người dẫn đường chắc chắn sẽ bị lạc.
Mặc dù có vẻ ngoài buồn tẻ, nơi đây lại cất giữ một gia tài quý giá với những ma thuật điện tử, mà phần lớn nằm trong vương quốc của những nhà kỹ thuật ở độ sâu cách mặt đất hai tầng mà đôi khi người ta nói tới bằng cái tên Nghĩa địa ngầm. Ở đây, giữa vô số những phòng ban, có một căn phòng quant rọng với cái tên chán ngắt là Phòng Băng từ Một inch.
Tất cả các băng hình các đội quay phim của hãng CBA từ khắp mọi nơi trên thế giới đều được đưa vào đây qua vệ tinh và đôi khi bằng đường bộ tới phòng Băng từ Một inch. Cũng từ đó, với tất cả các băng đã hoàn chỉnh được truyền tới người xem, qua phòng điều khiển phát hình và cũng qua vệ tinh.
Đặc điểm nghề nghiệp của phòng băng từ Một inch là sự dồn ép ghê gớm của công việc, sự căng thẳng thần kinh, là những quyết định tức khắc và những mệnh lệnh khẩn cấp, đặc biệt là những lúc trước và trong giờ phát của bản tin Toàn quốc.
Vào những lúc như vậy, người không hiểu điều gì đang xảy ra có thể cho rằng đây là một cảnh hỗn loạn vô tổ chức, một cơn ác mộng kỹ thuật. Ấn tượng đó sẽ càng sâu đậm hơn bởi một không gian tranh tối tranh sáng vốn rất cần cho việc theo dõi vô số các màn ảnh vô tuyến. Nhưng thực ra, công việc được tiến hành một cách nhanh chóng và thành thạo. Những sự lầm lẫn ở đây có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại. Và điều đó ít khi xảy ra.
Có đến một nửa tá những thứ máy chuyển băng lớn và hiện đại được gắn vào những bảng điện với những người điều khiển thu phát hình ở phía trên, bao quát mọi hoạt động: những máy này sử dụng loại băng từ Một inch, loại băng có chất lượng và độ tin cậy cao nhất. Ở mỗi máy và bảng điều khiển đều có một người tinh thông kỹ thuật nhận, biên tập và phát hình một cách nhanh chóng theo chỉ thị. Những người điều khiển chính cao tuổi hơn hầu hết mọi nhân viên khác trong hãng, và họ là một nhóm người rất tự hào về lối ăn mặc xuềnh xoàng và cách cư xử xô bồ của mình. Vì vậy, có lần một nhà bình luận đã miêu tả họ là “những phi công lái máy bay chiến đấu” của hãng truyền hình.
Ngày nào cũng vậy, khoảng một tiếng trước buổi phát Bản tin tối Toàn quốc, một chủ nhiệm chính của chương trình tin từ phòng làm việc của mình ở Vành móng ngựa đi xuống năm tầng gác để điều khiển phòng Băng từ Một inch và những người điều khiển máy. Và ở đó, hệt như một nhạc trưởng đại tài, anh ta vừa la hét vừa ra hiệu bằng tay, vừa quan sát những tư liệu tin tức đang được truyền đến tối hôm đó, ra lệnh biên tập thêm khi cần thiết và thông báo cho những đồng nghiệp của mình ở Vành móng ngựa biết cái nào họ đang mong đã được chuyển về và hình ảnh đầu tiên ra làm sao.
Dường như tất cả các tin được đưa tới phòng băng từ Một inch đều vội vã và quá muộn. Bởi vì đã trở thành lệ là các chủ nhiệm, phóng viên và biên tập viên làm việc tại hiện trường đã cố trau đi chuốt lại tin cho đến giây phút cuối cùng cho phép, nên khi băng hình truyền về thì chỉ còn có nửa tiếng nữa là đã đến buổi phát, thậm chí còn tiếp tục truyền về cả khi đang phát tin. Có những trường hợp cấp bách, khi phần đầu của tin đang hiện ra ở máy phát và đang được truyền đi, phần sau của tin mới được đưa vào máy khác biên tập. Trong những giây phút căng thẳng đó, người vận hành máy toát mồ hôi vì phải vận dụng tối đa tài năng của mình.
Biên tập viên chính thường đảm nhiệm công việc này là Will Kazazis sinh ở Brooklyn trong một gia đình gốc Hy Lạp dễ bị kích động, một truyền thống mà bản thân anh đã được thừa hưởng. Mặc dù vậy, cái đó lại có vẻ phù hợp với công việc của anh và anh chưa bao giờ mất tự chủ. Tối nay, chính Kazazis là người nhận bản tin truyền qua vệ tính từ DFW của Rita Abrams và những hình ảnh đầu tiên của Minh Văn Cảnh được truyền về “nhanh và thô”, rồi lời bình của Harry Partridge kết thúc bằng cảnh anh đang đứng tại hiện trường.
Bây giờ là 6 giờ 48 phút, còn mười phút đưa tin, chương trình quảng cáo vừa bắt đầu.
Kazazis bảo người điều khiển máy vừa mới đưa chương trình vào: “ghép nhanh tất cả vào. Sử dụng tất cả đoạn của Partridge. Lồng những hình đẹp nhất vào đó. Tôi tin tưởng anh. Nào làm đi, làm đi!”.
Qua người phụ tá, Kazazis báo cho Vành móng ngựa biết đã có tin và hình từ Dallas chuyển về. Qua điện thoại, Chuck Insen, lúc này đang ngồi trong phòng điều khiển buổi phát tin, hỏi: “Thế nào?”.
Kazazis trả lời: “Tuyệt vời! Đẹp cực kỳ! Đúng là Harry và Minh!”.
Biết không có thời gian để tự mình xem tin này, và rất tin Kazazis, Insen ra lệnh: “Chúng ta sẽ phát ngay sau phần quảng cáo. Anh chuẩn bị nhé”.
Chỉ còn có gần một phút nữa. Người vận hành máy ghi băng, vã mồ hôi tuy ở trong căn phòng có điều hoà nhiệt độ, vẫn đang biên tập hối hả, cắt ghép phim hình, phần bình luận và âm thanh tự nhiên.

*

Lệnh của Insen đã được truyền tới phát thanh viên Sloan và người viết tin ngồi bên cạnh anh. Phần bổ sung đã được chuẩn bị và người viết tin chuyển tờ giấy đó cho Sloan. Anh đọc lượt qua, vội vã sửa một hai chữ, và gật đầu tỏ ý cảm ơn. Một lúc sau trên màn hình của máy nhắc lời bản tin về DFW đã được thế chỗ cho phần tin trước đó. Tại phòng phát tin khi phần quảng cáo giữa chừng đã gần kết thúc, người chỉ huy trường quay gọi: “Mười giây… năm… bốn…. Hai…”.
Nhìn thấy hiệu lệnh, Sloan bắt đầu với vẻ nghiêm trọng: “Vào đầu buổi phát tin, chúng tôi đã đưa tin về một vụ đụng máy bay trên không gần Dallas giữa một chiếc máy bay chở khách của hãng Muskegon và một chiếc máy bay tư nhân. Chiếc máy bay tư nhân nổ tung. Không ai sống sót. Chiếc máy bay chở khách bắt lửa, hỏng nặng đã hạ cánh xuống sân bay Dallas Fort Worth cách đây vài phút và số thương vong khá lớn. Phóng viên của hãng CBA Harry Partridge vừa đưa tin này từ hiện trường”.
Vài giây trước đây, công việc biên tập hối hả ở phòng Băng từ Một inch cũng vừa mới xong. Giờ đây, trên máy phát của toàn trụ sở và trên hàng triệu màn vô tuyến ở miền Đông và Trung Tây nước Mỹ, cả phía biên giới Canada, hình ảnh bi thương của chiếc máy bay chở khách bị bốc cháy đang hiện lên choán cả màn hình, và giọng của Partridge bắt đầu: “Các phi công trong một cuộc chiến trước đây đã từng gọi cảnh này là cuộc hạ cánh với một cánh và một lời cầu nguyện…”.
Bản tin đặc biệt và hình ảnh, mục cuối cùng, đã kết thúc chương trình phát thứ nhất Bản tin tối Toàn quốc.

*

Ngay sau chương trình phát tin thứ nhất, là chương trình phát tin thứ hai. Lúc nào cũng như vậy, và chương trình này sẽ được phát sang miền Đông qua những đài phát chi nhánh không truyền được chương trình thứ nhất, truyền rộng rãi ở Trung Tây và hầu hêt các trạm ở miền Tây sẽ thu hình chương trình phát thứ hai để truyền lại sau (vì giờ giấc các miền chênh nhau).
Tin của Partridge từ DFW dĩ nhiên là sẽ để lên đầu chương trình thứ hai, và trong khi các hãng địch thủ của CBA cho đến giờ cũng chỉ có được những hình ảnh sau khi sự kiện đã xảy ra cho chương trình phát thứ hai, thì những hình ảnh ghi sự kiện đang xảy ra của hãng CBA vẫn là duy nhất trên phạm vi toàn thế giới và sẽ còn được phát lại nhiều lần trong những ngày sau.
Vẫn còn hai phút trống giữa phần cuối của chương trình phát đầu tiên và phần bắt đầu của chương trình thứ hai, nên Crawford Sloan tranh thủ gọi điện cho Chuck Insen.
“Này” – Sloan nói – “Theo tôi thì chúng ta vẫn nên đưa tít Xaodi vào”.
Insen nói vẻ giễu cợt: “Tôi biết là anh có thể lắm. Liệu anh có thể thu xếp phát thêm năm phút nữa không?”.
“Đừng đánh đố nhau nữa. Đó là tin quan trọng”.
“Và nhạt như nước ốc. Tôi nói là không”.
“Liệu tôi nói cứ đưa thì sao?”.
“Chắc chắn là có chuyện. Đó là lý do vì sao chúng ta sẽ phải bàn tới ngày mai. Trong khi đó thì tôi vẫn đang chịu trách nhiệm ở đây”.
“Kể cả - hoặc hẳn là – lên giọng phán xét về tin thế giới chứ gì?”.
“Chúng ta ai có việc người ấy, - Insen nói, - và hết giờ rồi đấy. Mà này, anh xử trí các chuyện Dallas từ đầu đến cuối khá lắm”.
Không trả lời, Sloan đặt ống nghe ở bàn phát tin xuống. Như chợt nhớ ra chuyện gì đó, anh bảo người viết tin ngồi bên cạnh: “Nhờ ai đó nối điện thoại với Harry Partridge ở Dallas. Tôi sẽ nói chuyện với anh ta vào giờ nghỉ sau. Tôi muốn chúc mừng anh ta và mấy người kia”.
Chỉ huy trường quay gọi to: “Mười lăm giây”.
Đúng vậy, Sloan quyết định, ngày mai sẽ phải có một cuộc tranh luận và nó sẽ ra trò đấy. Có lẽ Insen đã hết thời rồi và ông ta nên ra đi.

*

Sau khi kết thúc chương trình phát thứ hai và trước khi về nhà, Chuck Insen trở lại phòng làm việc của mình để thu thập chừng một chục tờ báo và tạp chí mang về đọc.
Đọc, đọc và đọc để biết được tin tức trên vô số lĩnh vực, là gánh nặng của một chủ nhiệm chương trình. Ở bất cứ đâu và bất kể giờ phút nào, Insen cảm thấy mình buộc phải vớ lấy một tờ báo, một tạp chí, một bản tin, một cuốn sách – đôi khi là những ấn phẩm vớ vẫn đủ các loại – như những người khác vớ lấy một tách cà phê, một chiếc khăn tay, một điếu thuốc. Thường thường, ông thức dậy giữa đêm và đọc, hoặc nghe tin nước ngoài trên băng sóng ngắn. Ở nhà, qua chiếc máy vi tính cá nhân, ông đã có những tin của đài phát thanh và mỗi buối sáng, vào lúc năm giờ, ông đọc lại tất cả. Trên đường lái xe đi làm, ông nghe đài phát thanh, chuỷ yếu là đài của hãng CBS vì mạng lưới tin của đài này là tinh tế nhất, theo sự đánh giá của ông và một số người trong giới.
Insen có triết lý riêng về hàng triệu con người theo dõi Bản tin tối Toàn quốc. Ông tin chắc rằng hết thảy mọi người xem đều muốn có câu trả lời cho ba vấn đề cơ bản: Thế giới có yên ổn không? Nhà cửa gia đình của tôi có an toàn không? Hôm nay có điều gì thú vị xảy ra không? Trên tất thảy, Insen cố đảm bảo rằng tối nào tin tức cũng cung cấp những câu trả lời đó.
Ta đã phát chán và quá mệt – Insen thầm nghĩ đầy bực bội – về các thái độ cái gì ta cũng nhất, cũng thánh-thiện hơn người của thằng cha phát thanh viên về việc chọn lọc tin tức, vì thế, ngày mai hai người sẽ có một cuộc đụng độ gay gắt mà Insen sẽ nói toạc cái ý nghĩ hiện đang có trong đầu, rồi kết cục muốn ra sao thì ra.
Liệu rồi kết cục sẽ thế nào nhỉ? Trước kia, trong các cuộc tranh luận giữa phát thanh viên truyền tin và uỷ viên ban chủ nhiệm, thì bao giờ phát thanh viên cũng thắng, còn chủ nhiệm thì phải lo tìm việc ở nơi khác. Nhưng nay trong hệ thống làm tin đang có nhiều thay đổi. Giờ đây bầu không khí khác hơn, và cũng sẽ có thể đây là trường hợp đầu tiên mà người phát thanh viên phải cuốn gói còn chủ nhiệm tin ở lại.
Đinh ninh với khả năng này trong tâm trí, nên một vài ngày trước đây Insen đã có một cuộc nói chuyện mang tính chất thăm dò, rất riêng tư qua điện thoại với Harry Partridge, ông muốn biết là liệu Partridge có quan tâm đến việc từ bỏ xứ sở lạnh lẽo để đến cư trú tại New York và trở thành phát thanh viên của Bản tin tối Toàn quốc không? Khi anh ta thích, Harry có thể tỏ ra đắc dụng và sẽ hợp với công việc – như anh ta đã từng tỏ ra qua bao lần làm thay khi Sloan nghỉ phép.
Partridge đáp lại, nửa ngạc nhiên, nửa không khẳng định, nhưng ít ra là anh ta đã không từ chối. Dĩ nhiên Crawford Sloan không hề biết gì về cuộc nói chuyện này.
Theo cách này hay cách khác thì bề nào giữa anh và Sloan, Insen tin rằng họ không thể nào tiếp tục va chạm mà không sớm có một giải pháp.