Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 16

Với vẻ duyên dáng của một con hải âu, chiếc learjet 55 LR hạ cánh trong màn đêm, những động cơ mạnh mẽ của nó tạm ngừng. Nó lăn bánh về phía hai hàng ánh sáng chạy song song phía trước, đánh dấu đường băng số 18 của sân bay Opa Locka. Bên ngoài sân bay là vô vàn ánh điện của Miami, toả ánh hào quang mênh mông lên bầu trời đêm.
Từ chỗ ngồi trong khoang hành khách, Miguel nhìn xuyên qua cửa sổ, mong sao cho ánh đèn của nước Mỹ sẽ mau lùi về sau lưng hán.
Hắn xem đồng hồ. 11 giờ 18 phút đêm. Chuyên bay từ Teterboro tới đây đã mất hai tiếng mười lăm phút.
Miguel quay đầu về phía Baudelio ngồi cách đó vài bước, đang tiếp tục chăm lo ba chiếc quan tài bằng những dụng cụ từ bên ngoài mà hắn đã nối sẵn. Baudelio gật đầu, tỏ ý là mọi việc đều ổn, và Miguel chuyển dòng suy nghĩ sang vấn đề vừa mới phát sinh.
Vài phút trước đây, hắn đã đi về phía phòng phi công và hỏi: “Ở Opa Locka, anh làm thủ tục mất bao lâu rồi mới bay tiếp được?”.
“Cũng không quá nửa tiếng”, viên phi công Underhill nói. “Tất cả mọi điều chúng tôi phải làm là lấy thêm nhiên liệu và vào sổ chuyến bay”. Ông ta do dự, rồi nói thêm: “Nhưng nếu Hải quan kiểm tra thì có thể lâu hơn”.
Miguel gằn giọng nói: “Chúng ta không phải khai báo cho Hải quan ở đây”.
Viên phi công gật đầu: “Thường là như vậy, họ không quan tâm đến những chuyến bay ra. Mới đây, tôi nghe nói thỉnh thoảng họ kiểm tra, đôi khi cả ban đêm nữa”. Dù cố làm ra vẻ thản nhiên, nhưng giọng nói của ông ta lộ vẻ lo âu.
Miguel sững người trước cái tin đó. Tình báo của chính hắn và của nhóm Medellin về cách thức làm việc của Hải quan Mỹ là lý do để bọn chúng chọn Opa Locka làm sân bay khởi hành.
Cũng giống như Teterboro, sân bay Opa Locka ở Florida chỉ dành cho các máy bay tư nhân. Vì có các chuyến bay từ nước ngoài, nên nó có một văn phòng hải quan, một phòng làm việc nhỏ bé, tạm thời nằm trong chiếc xe moóc và một số lượng nhân viên ít ỏi. So với sở hải quan New York, Los Angeles, hoặc San Francisco, Opa Locka là một cơ sở nghèo nàn, mọi thủ tục ở đây kém hơn các nơi khác. Thông thường thì chỉ có hai nhân viên hải quan trực và họ cũng trực 11 giờ sáng tới bảy giờ tối vào các ngày chủ nhật. Chuyến bay của chiếc Learjet đã được tính toán là vào thời gian muộn như thế này thì hải quan đã đóng cửa, nhân viên đã về hết.
Underhill nói thêm: “Nếu có người của hải quan cạnh máy thu thanh của phi trường đang chạy thì họ sẽ nghe thấy tiếng chúng tôi nói chuyện với tháp rada. Họ có thể chú ý tới chúng ta, có thể không”.
Miguel nhận ra rằng hắn không thể làm gì ngoài chuyện trở về ghế và chờ đợi. Khi đã ngồi xuống, hắn thầm tính mọi khả năng có thể.
Nếu đêm nay chúng đụng với hải quan thì câu chuyện bịa sẽ phải dùng đến. Soccoro, Rafael và Baudelio phải đóng vai của chúng, còn Miguel đóng vai của hắn. Không, vấn đề không phải là câu chuyện bịa và mọi thứ trò đó, mà với các nguyên tắc mà một viên thanh tra hải quan phải tuân thủ khi cho thi hài rời khỏi đất nước.
Miguel đã nghiên cứu luật lệ hải quan và đã biết rất rõ. Giấy tờ cụ thể của từng thi thể - một giấy chứng tử, một giấy phép được xử lý thi hài của sở y tế quận, một giấy phép nhập cảnh nước đến. Hộ chiếu của người chết là không cần thiết, nhưng – điều đáng ngại nhất – là quan tài phải được mở ra, nhân viên hải quan kiểm tra kỹ, rồi niêm phong quan tài lại.
Dù lường trước kỹ lưỡng nên Miguel có đủ giấy tờ cần thiết, tất cả là giả mạo, nhưng đều nghiêm chỉnh. Thêm vào đó là các bức ảnh của một tai nạn xe cộ đẫm máu, khó xác định nhưng lại ăn khớp với toàn bộ câu chuyện, và cả bài báo giả, để chứng minh là những thi hài này đều bị cháy xém thảm hại và nham nhở không thể nhận ra được.
Vậy nếu có một nhân viên hải quan trực và thi hành nhiệm vụ thì mọi giấy tờ đều hợp lệ, nhưng nếu anh ta khăng khăng đòi xem bên trong quan tài thì sao? Điểm mấu chốt là khi đoc xong mọi chứng từ, liệu anh ta còn muốn xem không?
Một lần nữa Miguel lại thấy căng thẳng khi chiếc Learjet nhẹ nhàng hạ cánh và chạy vào nhà để máy bay số một.

*

Thanh tra hải quan Wally Amsler cho rằng một số vị quan liêu rửng mỡ ưa bày trò nào đó ở Washington đã dựng lên chiến dịch Egress. Bất cứ là kẻ nào, họ hẳn đang nằm trên giường ngon giấc nơi mà Wally cũng muốn có được thay vì đi quanh cái sân bay Opa Locka hoang vắng này, cái sân bay ban ngày thì lộn xộn, ban đêm thì chẳng có ma nào cả. Còn nửa giờ nữa là tới nửa đêm và còn hai tiếng nữa thì ông và hai nhân viên hải quan đang làm nhiệm vụ đặc biệt ở đây có thể bỏ lại cái trò Egress ấy để về nhà.
Người ta rất ít thấy Amsler cáu kỉnh vì ông vốn là người vui vẻ và thân ái, trừ với những kẻ phá các luật lệ mà ông duy trì. Lúc đó, ông sẽ lạnh lùng và cứng nhắc giữ nguyên tắc không nhân nhượng. Nhất là ông rất thích công việc của mình dù ông không bao giờ thích trực đêm và lúc nào chuồn được là chuồn. Nhưng cách đây một tuần ông bị một trận cúm và giờ đây vẫn chưa khỏi hẳn; lúc chặp tối ông đã định gọi điện báo ốm, rồi lại quyết định thôi không gọi nữa. Và sau đó một điều khác đã làm cho ông lo âu – đó là vị thế của ông trong ngành hải quan.
Dù đã tận tuỵ làm công viẹc này suốt hơn hai mươi năm, ông vẫn không tiến lên được tới các chức vụ mà ông cho rằng ở độ tuổi này mình đáng được hưởng vì nay ông đã xấp xỉ năm mươi. Cấp bậc Thanh tra GS-9 thực ra không hơn người làm công nhật là mấy. Còn khối người khác trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn đã là Thanh tra cao cấp, GS-11 – Amsler phải tuân theo lệnh của họ.
Ông cho rằng một ngày nào đó ông sẽ được chuyển lên bậc thanh tra cao cấp nhưng giờ đây, trên thực tại, điều đó rất xa vời. Như vậy có công bằng không? Ông không chắc. Nhận xét về ông bao giờ cũng tốt và ông luôn đặt nhiệm vụ của ngành lên trên hết, kể cả một số việc cá nhân. Đồng thời, ông cũng không bao giờ phấn đấu để trở thành lãnh đạo và mọi việc làm cũng chẳng có gì là xuất sắc. Có lẽ vấn đề là ở đó. Dĩ nhiên, ở cấp GS-9, lương cũng không tồi. Kể cả ngoài giờ, mỗi tuần làm việc sáu ngày, mỗi năm ông lĩnh khoảng năm mươi ngàn đô la và trong mười lăm năm nữa ông sẽ lĩnh một khoảng lương hưu kha khá.
Nhưng lương và trợ cấp hưu trí không thì chưa đủ. Ông cần cuộc đời mình sôi nổi lên chút nữa, mình làm được một việc gì đó mà, theo cách khiêm tốn nhất, ông sẽ được mọi người nhớ tới. Ông mong rằng điều đó sẽ xảy ra và ông xứng đáng được như vậy. Nhưng tại Opa Locka trong đêm hôm khuya khoắt này, với nhiệm vụ hoạt động chiến dịch Egress, chắc chẳng có thể xảy ra điều gì.
Egress là một chương trình kiểm tra bất chợt các máy bay bay từ Mỹ sang các nước khác. Không thể nào mà kiểm tra tất cả các máy bay được; hải quan làm gì có đủ người! Vậy nên người ta dùng kiểm tra đột xuất, chớp nhoáng một đợt thanh tra tới một sân bay nào đó không báo trước và trong nhiều giờ sau đó lên kiểm tra các khoang máy bay ra nước ngoài – chủ yếu là máy bay tư. Chương trình này thường có hiệu quả vào ban đêm.
Đôi khi chương trình này đem lại kết quả - thỉnh thoảng khá giật gân nữa. Nhưng những chuyện đại loại như vậy không xảy ra khi Amsler trực, đó là lý do khiến ông không hào hứng lắm với nó. Cũng như hiện nay, cái chương trình đó là lý do khiến ông và hai viên thanh tra kia phải có mặt ở Opa Locka vào đêm nay, cho dù các chuyến bay ra nước ngoài ít hơn thường lệ và cũng có vẻ sẽ không có mấy từ lúc này trở đi.
Một trong vài chiếc đó đang chuẩn bị cất cánh ngày sau đó – một chiếc Learjet vừa mới từ Teterboro tới và vài phút trước đây đã vào sổ bay tới Bogota, Colombia. Amsler đang trên đường tới nhà để máy bay số một để liếc qua nó một chút.
Trái với hầu hết mọi nơi ở miền nam bang Florida, thành phố Opa Locka nhỏ bé chẳng có gì hấp dẫn. Cái sân bay đặt gần đó, dù tấp nập cũng chỉ có vài khu nhà và cảnh của toàn vùng là một sự phẳng lặng khô khốc gợi cho người ta ấn tượng của một sa mạc.
Giữa bãi sa mạc đó, nhà để máy bay số một là một ốc đảo. Đó là một toà nhà hiện đại, hấp dẫn màu trắng chỉ một phần là nhà để máy bay, phần còn lại là nơi sang trọng để cho các chủ máy bay tư, hành khách và phi công nghỉ ngơi.
Có bảy mươi nhân viên làm việc tại nhà số một, nhiệm vụ của họ là hút bụi bên trong các máy bay mới tới, dọn rác, đưa đồ ăn và đồ uống lên, bảo dưỡng máy, sửa chữa nhỏ hoặc đại tu máy bay. Các nhân viên khác chăm sóc khu nhà nghỉ của các nhân vật quan trọng phục vụ buồng tắm, và một phòng họp có trang bị hệ thống nghe nhìn, fax, điện chuyển nhanh, điện tín và thiết bị ghi chép.
Thanh tra hải quan Wally Amsler tiến tới gặp phi công của chiếc Learjet là Underhill, lúc này đang đứng nghiên cứu một bản dự báo thời tiết mới được in ra.
“Chào ông phi công. Tôi chắc là ông đang tính đường bay tới Bogota?”.
Underhill nhìn lên, không tỏ vẻ ngạc nhiên trước một người mặc quân phục: “Đúng vậy”.
Trên thực tế, cả câu trả lời lẫn chương trình bay đều là nói dối. Nơi đến của chiếc Learjet là một giải đất nhỏ ở Andes gần vùng Sion ở Peru và chuyến bay sẽ liên tục không dừng lại. Nhưng theo chỉ thị chính xác mà Underhill đã nhận được, và vì nó nên khoản trả công rất hào phóng, ông ta phải nói nơi đến là Bogaota. Dù sao thì cũng chẳng có vấn đề gì. Ngay khi thoát khỏi hệ thống kiểm soát đường không của Mỹ (chỉ sau lúc cất cánh một chút) ông ta có thể bay tới bất cứ nơi nào ông ta chọn mà không ai kiểm soát hoặc quan tâm.
“Nếu ông không bận tâm”, Amsler lễ phép nói, “tôi muốn kiểm tra máy bay và số người trên đó”.
Underhill có bận tâm, nhưng biết rằng nói toạc ra thì chẳng hay ho gì. Ông ta chỉ mong rằng bốn người hành khách kỳ quái của ông ta có thể làm cho gã hải quan này hài lòng đủ để cho hắn kiểm soát máy bay và để tiếp tục bay đi. Ông ta cũng thấy lo lắng, không phải là vì những vị hành khách kia mà vì cái khả năng dính dáng của ông ta vào bất kể cái gì đang xảy ra.
Denis Underhill ngờ rằng có cái gì đó bất thường, có lẽ là bất hợp pháp về những chiếc áo quan đó. Ông ta đoán chắc rằng chúng chứa những đồ vật gì khác chứ không phải là thi thể được đưa lậu ra khỏi đất nước, hoặc nếu là thi thể, thì hắn họ là nạn nhân của một băng hiếu chiến người Colombia kết hợp với Peru nào đó và được chuyển đi trước khi chính quyền Mỹ nhận ra vụ này. Ông ta chẳng hề tin cái câu chuyện mà người ta kể khi thu xếp thuê máy bay ở Bogota, về những nạn nhân của sự cố giao thông và một gia đình tang tóc. Nếu đó là sự thật thì việc quái gì phải giấu giấu giếm giếm như vậy? Thêm vào đó, Underhill chắc chắn rằng ít ra là hai người trong số hành khách của chiếc Leajet có vũ khí. Cũng tại sao họ lại tỏ ra muốn trình diện giờ đây đã xảy ra – tức là phải đương đầu với hải quan Mỹ.
Cho dù Underhill không làm chủ chiếc Learjet – nó thuộc quyền sở hữu của một nhà đầu tư người Colombia, và đã được đăng ký tại nước đó – thì ông ta vẫn quản lý máy bay này, và ngoài lương và chi phí ra ông ta còn được nhận một khoản chia lợi tức hào phóng nữa. Ông ta chắc chắn rằng ông chủ biết rằng những chuyến bay thuê đôi khi bị đón giữ ở nơi hạ cánh phi pháp hoặc ngay trên đường biên giới, nhưng ông ta tin tưởng Underhill sẽ điều khiển những tình huống như vậy và giữ cho người đầu tư và chiếc máy bay của ông ta thoát khỏi hiểm nguy.
Nhớ lại sự tin cậy đó và quyền lợi chính bản thân mình được hưởng, Underhill quyết định sử dụng câu chuyện các nạn nhân vụ tai nạn ngay, hy vọng rằng chiếc Learjet sẽ thoát khỏi cho dù bất kỳ chuyện gì khác có thể xảy ra.
“Đây là một tình huống buồn thảm”, ông ta bảo người nhân viên hải quan và tiếp tục mô tả câu chuyện đã được nghe tại Bogota mà – cho dù Underhill không biết điều này – phù hợp với mọi giấy tờ trong tay Miguel.
Ansler nghe một cách hờ hững rồi nói: “Chúng ta đi thôi, ông phi công”.
Trước đây ông đã từng gặp loại người như Underhill rồi và chẳng có gì phải xúc động. Amsler đánh giá phi công như một người lính đánh thuê của tiền bạc mà vì một khoản tiền thì sẽ bay đi bất cứ đâu với bất cứ loại hàng hoá gì rồi sau đó, nếu có khó khăn gì, sẽ kêu ca rằng mình là một nạn nhân vô tội bị người đi thuê hành hạ. Theo ý kiến của Amsler, thì thường họ là những kẻ phá luật lệ trắng trợn rồi lại phủi tay.
Họ cùng đi về nhà số một để tới chiếc Learjet 55 LR đậu ở dưới một vòm mái cao vút. Cửa ra vào của chiếc máy bay để ngỏ và Underhill dẫn thanh tra Amsler lên bậc thang bước vào khoang hành khách. Ông ta thông báo: “Thưa quý bà và các quý ông, chúng ta có một cuộc thăm viếng thân mật của hải quan Mỹ”.
Trong suốt mười lăm phút trước đó, từ khi hạ cánh và lăn bánh vào sân bay, bốn thành viên của nhóm Medellin vẫn ngồi yên trong khoang theo lệnh của Miguel. Rồi khi động cơ ngừng hẳn và cả hai phi công đi ra – Underhill đi ghi sổ nhật ký bay, Faulkner đi kiểm tra việc tiếp nhiên liệu – Miguel đã nghiêm khắc dặn dò ba tên kia.
Hắn báo trước cho đồng bọn về sự thanh tra của hải quan và chúng phải chuẩn bị dùng cái vai đã được tập dượt trước. Không khí căng thẳng, nhưng tất cả đều chứng tỏ sẵn sàng. Soccoro sử dụng gương soi trong xắc trang điểm để bỏ một thoặc hai mảnh hạt tiêu vào mi mắt dưới. Mắt ả giàn giụa lệ ngay lập tức. Lần này Rafael từ chối bỏ hạt tiêu vào mắt và chuyện khóc lóc; Miguel không tranh cãi gì. Baudelio đã tháo thiết bị từ bên ngoà ra khỏi ba chiếc quan tài sau khi đã đảm bảo là ba người bên trong vẫn mê man và sẽ không cựa quậy trong khoảng một tiếng hoặc hơn nữa mà không cần chăm sóc.
Miguel sẽ là người phát ngôn chính. Những ngườ khác sẽ trả lời theo điều hắn nhắc.
Kết quả là không ai tỏ ra quá sửng sốt khi Underhill và viên thanh tra hải quan xuất hiện.
“Xin chào tất cả mọi người” Amsler vẫn sử dụng giọng điệu lễ độ mà ông đã nói với Underhill. Đồng thời ông đưa mắt nhìn khắp xung quanh bao quát cả mấy chiếc áo quan đặt một bên cabin và những hành khách ngồi ở phía bên kia – ba người vẫn ngồi, còn Miguel đứng.
Miguel đáp: “Xin chào ngài sĩ quan”. Tay hắn cầm một xấp giấy tờ và bốn tấm hộ chiếu. Hắn đưa các tấm hộ chiếu ra trước.
Amsler cầm những tấm hộ chiếu nhưng không xem. Ông hỏi: “Các quý vị đi đâu và mục đích chuyến bay là gì đây?”.
Amsler đã xem qua kế hoạch bay và đã biết qua lời Underhill về mục đích chuyến bay. Nhưng một kỹ thuật của Sở hải quan và nhập cư là buộc người ta nói; đôi khi cử chỉ của họ, hoặc bất cứ dấu hiệu của sự lo lắng nào đó biểu lộ nhiều hơn là những câu trả lời.
“Đây là một cuộc hành trình bi thảm, và một gia đình trước đây đầy hạnh phúc giờ đây đang ngập trong tang tóc”.
“Còn ngài, thưa ngài. Tên ngài là gì?”.
“Tên tôi là Pedro Palacios. Tôi không phải là người của cái gia đình tang tóc này, nhưng lại là một người bạn thân thiết đã đến đất nước này để giúp họ trong khi hoạn nạn”, Miguel sử dụng tên giả trong tấm hộ chiếu Colombia. Đó là hộ chiếu thật và ảnh là ảnh của chính hắn, nhưng tên tuổi và mọi chi tiết khác, kể cả thị thực nhập cảnh Mỹ mấy ngày trước đây, đã được làm giả một cách khéo léo. Hắn nói thêm: “Các bạn tôi yêu cầu tôi nói giúp họ vì họ không thông thạo tiếng Anh”.
Amsler nhìn vào các tấm hộ chiếu trong tay, tìm tấm của Miguel, so tấm ảnh và khuôn mặt trước mặt mình: “Ngài nói tiếng Anh quá giỏi, thưa ngài Palacos”.
Miguel suy nghĩ thật nhanh, rồi trả lời với vẻ vững vàng: “Trước đây tôi đã có thời kỳ ăn học ở Berkeley. Tôi yêu đất nước này tha thiết. Giá như vì lý do gì khác hơn là chuyện hiện nay, tôi thật sung sướng khi ở đây”.
Mở các tấm hộ chiếu còn lại, Amsler so sánh các tấm hình trong hộ chiếu với ba người kia, rồi hỏi Soccoro: “Thưa bà, bà có hiểu điều chúng tôi vừa nói không ạ?”.
Soccoro ngước bộ mặt đẫm lệ lên. Tim ả đập liên hồi. Ngập ngừng, bỏ cái cách nói tiếng Anh trơn tru hàng ngày, ả đáp “có…một chút”.
Gật đầu, Amsler quay lại phía Miguel: “Hãy cho tôi biết vè những cái kia. Ông chỉ về phía những cỗ quan tài.
“Tôi có đủ mọi giấy tờ cần thiết…”.
“Tôi sẽ xem sau. Nói cho tôi biết trước đã”.
Miguel làm cho giọng nói trở nên nghẹn ngào: “Đã có một tai nạn khủng khiếp. Chị gái của bà đây, cậu con trai của bà chị, một ông gìa cũng là người trong gia đình, sang nghỉ hè ở Mỹ. Họ tới Philadelphia và đang lái xe…Một chiếc xe tải, đứt phanh, vượt qua đường chắn với tốc độ lớn – nó đâm vào đầu xe của gia đình này, giết tất cả mọi người. Đường xá lại đông đúc… tám chiếc xe nữa lao vào đám đâm xe này, lại thêm người chết…. Một đám cháy dữ dội bùng lên và các thi thể - Ôi, lạy Chúa, các thi thể!”.
Khi nói tới các thi thể, Soccoro rú lên và nức nở. Rafael gục đầu xuống lấy tay ôm mặt, đôi vai rung lên. Miguel thừa nhận rằng điều đó đáng thuyết phục hơn là nước mắt. Baudelio chỉ đơn thuần tỏ ra âu sầu buồn bả.
Trong khi nói, Miguel chăm chú quan sát viên thanh tra hải quan. Nhưng người đàn ông này không biểu lộ điều gì và chỉ đứng chờ, lắng nghe, vẻ mặt khó hiểu. Giờ đây Miguel đưa xấp giấy tờ còn lại ra: “Tất cả nằm trong này. Thưa ngài sĩ quan, xin ngài tự đọc lấy”.
Lần này Amsler cầm lấy giấy tờ và lật xem qua. Giấy chứng tử có vẻ đúng theo quy định, cũng như giấy phép chuyển thi hài và giấy nhập cảnh Colombia. Ông tiếp tục đọc bài báo cắt, và tới dòng chữ “các thi thể bị cháy… chân tay nát vụn không còn nhận được diện mạo” thì ruột gan ông muốn lộn tùng phèo lên. Sau đó là các bức ảnh. Chỉ cần liếc qua là cũng đủ, và ông lướt nhanh qua tất cả. Ông nhớ lại là hồi chập tối đã tính gọi điện báo ốm. Việc quái gì ông lại không gọi nhỉ? Lúc này ông cảm thấy buồn nôn và còn ghê sợ hơn khi nghĩ đến điều phải làm sau đó.
Miguel đứng đối mặt với viên thanh tra hải quan, không biết là ông cũng đang lo lắng, nhưng vì lý do khác.
Wally Amsler tin vào điều người ta đã kể cho ông. Giấy tớ đều ổn, các dữ kiện khác đều rõ và ông cho rằng không ai có thể giả mạo nỗi đau tang tóc như ông vừa mới chứng kiến vài phút qua. Sinh ra từ một gia đình tử tế, Amsler thông cảm với những người này và những mong có thể để cho họ đi ngay. Nhưng ông không thể. Vì luật pháp buộc là phải mở quan tài ra kiểm tra và đó là cái làm ông ghê sợ.
Bởi lẽ Wally có một lý do từ hồi nhỏ. Ông không thể chịu được cảnh nhìn thấy người chết và cảm thấy kinh hoàng khi nghĩ tới cảnh những mảnh xác còn lại theo lời tả, đầu tiên là do Palacios, sau đó là tới bài báo ông đã đọc.
Chuyện bắt đầu từ hồi Wally mới lên tám tuổi, đã bị buộc phải hôn bà nội đã chết nằm trong quan tài. Ký ức của làn da như nặn bằng sáp vô hồn đụng vào môi của mình lúc vật lộn và la hét phản đối vẫn làm cho ông rùng mình, vậy nên suốt cuộc đời Wally không bao giờ muốn nhìn thấy người chết lần nào nữa. Khi lớn lên ông biết rằng các nhà tâm lý có một từ riêng để gọi cảm giác của ông là necrophobia, tức là ghê tởm xác chết. Wally không cần biết gì về các thuật ngữ đó. Ông chỉ yêu cầu là để người chết tránh xa ông ra.
Chỉ một lần trước đây trong suốt bao năm tháng làm nghề thanh tra hải quan, ông đã nhìn thấy một người chết trong khi làm nhiệm vụ. Đó là thi thể của một người Mỹ từ nước ngoài đưa về vào một đêm khuya khi Amsler đang làm việc một mình. Một tấm hộ chiếu kèm theo nói rằng kẻ quá cố cân nặng sáu mươi bảy cân, tuy nhiên trọng lượng của cả cỗ quan tài là một trăm ba mươi cân. Tuy đã có giấy phép cho quan tài và vật dụng bên trong được nhập vào, sự khác biệt tỏ ra là đáng ngờ và Amsler miễn cưỡng ra lệnh mở quan tài. Kết quả thật kinh hòng.
Người chết đã trương phình lên, tăng thêm một trọng lượng khủng khiếp so với trọng lượng ghi trong ngày cấp hộ chiếu. Tệ hơn nữa, tử thi và công việc vá xác rồi ưóp thơm làm cho cái xác còn phù to thêm, đang bị thối rữa và tạo nên một mùi khó tả. Lúc Amsler ngửi phải cái mùi ghê rợn đó, ông điên cuồng ra hiệu đóng ngay quan tài lại. Rồi ông chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Cảm giác buồn nôn và cái mùi thê rợn đó đeo đẳng ông ta suốt bao ngày sau đó và hằn mãi trong ký ức, không bao giờ phai mờ, giờ lại đang trở lại với ông.
Tuy nhiên còn mạnh hơn cả ký ức, mạnh hơn mọi nỗi sợ hãi là ý thức trách nhiệm không lay chuyển. Ông bảo Miguel: “Tôi thực lòng lấy làm tiếc, nhưng nguyên tắc đòi hỏi là những ghiếc quan tài này phải được mở ra để kiểm tra”.
Đó là điều Miguel lo sợ nhất. Hắn cố thử dùng lý lẽ để chiến thắng lần nữa: “Ôi, thưa ngài. Tôi van ngài! Đã quá nhiều đau đớn khổ sở rồi. Chúng tôi đều là bạn của nước Mỹ. Chắc chắn là vì lòng thông cảm, ông cho phép có một trường hợp ngoại lệ”.
Hắn nói bằng tiếng Tây Ban Nha với Soccoro: “El bomber quiere abrir los alaudes”.
Cô ả thét lên kinh hoàng “Ay, no! Madre de Dios, no!”.
Rafael gia nhập dàn đồng ca: “Leslie supliecamos, senor. En el nombre de deccencia, for favor, no!”.
Baudelio, mặt xám ngoét như tro, thì thào: “Por favor, no lo haga seno! No lo haga”.
Tuy không hiểu hết mọi chữ, Amsler cũng nắm được ý chính của điều mọi người nói. Ông bảo Miguel “Xin hãy thông báo cho các bạn của ngài biết rằng tôi chưa viết biên bản. Đôi khi tôi không vui thích gì trong việc bắt buộc mọi người nhưng đây là công việc của tôi, trách nhiệm của tôi”.
Miguel không quan tâm. Không có ích gì trong việc kéo dài cái trò ú tim này nữa. Giây phút quyét định đã đến.
Viên thanh tra ngu xuẩn vẫn tiếp tục một cách ngây thơ: “Tôi đề nghị đưa các quan tài ra một nơi riêng biệt. Phi công của ngài có thể thu xếp chuyện đó. Anh ta có thể nhờ nhà số một giúp đỡ”.
Miguel biết rằng hắn sẽ không cho phép làm điều đó. Các quan tài sẽ không rời khỏi máy bay. Do đó chỉ còn trông cậy vào một điều: vũ lực. Chúng không thể tới đây rồi mà lại bị thằng cha hải quan khốn kiếp này làm mất trắng. Hoặc là hắn sẽ giết ông ta ngay trong máy bay hoặc bắt ông ta làm tù nhân và sau đó sẽ hành hình ông ta ở Peru. Vài giây sau sẽ quyết định. Mấy tay phi công cũng phải nằm trước họng súng, nếu không thì do sợ hậu quả sau này nên họ sẽ từ chối cất cánh. Tay của Miguel trượt dần vào túi áo khoác. Hắn sờ thấy khẩu súng lục Makarov chín milimet mà hắn thường mang theo và rút ra nhẹ nhàng. Liếc mắt về phía Rafael, hắn cảm thấy gã đàn ông vạm vỡ này gật đầu. Soccoro đã đưa tay với lấy túi xách.
“Không”, Miguel nói. “Các cỗ quan tài sẽ không được đụng tới”. Hắn nhẹ nhàng chuyển vị trí, đúng vào giữa viên thanh tra hải quan, hai người phi công và mở cửa ra vào máy bay. Ngón tay của hắn xiết vào khẩu súng. Đã đến lúc. Ngay bây giờ!
Đúng vào giây lát đó, một giọng mới nói: “Tiếng Vang Một bảy hai. Phân ban”.
Nó làm cho mọi người giật mình trừ Wally Amsler, người đã quen nghe tiếng máy bộ đàm đeo bên thắt lưng. Không biết có chuyện đã thay đổi, ông nâng chiếc máy bộ đàm lên môi. “Phân ban, đây là tiếng Vang Một bảy hai”.
“Tiếng Vang Một bảy hai!”, một giọng nam vang lên trả lời “Anpha Hai sáu tám yêu cầu anh kết thúc nhiệm vụ hiện nay và liên lạc qua điện thoại với bốn-sáu-bảy hai mươi-bốn hai-mười hốn. Không dùng máy bộ đàm”.
“Phân ban – mười-bốn. Tiếng Vang Một bảy hai chấp hành”. Phát đi câu trả lời, Amsler thấy khó mà giữ được niềm vui bật lên qua giọng nói. Vào lúc cuối cùng trước khi đưa các quan tài ra ông đã nhận được một lối thoát danh dự - một mệnh lệnh rõ ràng mà ông không thể không tuân theo. Anpha Hai sáu tám là phụ trách phân ban của ông tại vùng Miami. Amsler cũng nhận ra số điện thoại, đó là thuộc phân ban hàng hoá tại sân bay Quốc tế Miami. Lời nhắn có nghĩa là nguồn tin tình báo cho biết một chuyến bay vào đang chở hàng lậu thuế và Amsler cần phải có mặt. Một sự cần thiết phải bảo vệ tin tình báo hẳn là lý do để dùng đường mặt đất thay vị dùng máy thu thanh. Ông ta tới ngay máy điện thoại thật nhanh.
“Tôi được triệu tập đi ngay, thưa ngài Palacios”, ông nói. “Do đó tôi phải xác nhận chuyến bay của ngài và các ngài có thể cất cánh”.
Nguệch ngoạc mấy chữ để hoàn tất thủ tục cần thiết, Amsler không biết gì về một sự căng thẳng đã chùng xuống, và không chỉ hành khách mà cả các viên phi công đều cảm thấy nhẹ nhõm. Underhill và Miguel đưa mắt cho nhau. Viên phi công đã cảm thấy súng ống suýt nữa đã được chĩa ra, không biết rằng liệu ông có nên yêu cầu họ đưa hết súng cho ông ta giữ trước khi cất cánh không. Rồi, đánh giá về Miguel và những cặp mắt giá lạnh kia, ông ta quyết định phó mặc.
Lát sau, lúc Amsler vội vã đi vào bên trong nhà số một đến phòng điện thoại, ông nghe thấy tiếng cửa máy bay đóng lại và tiếng động cơ khởi động. Ông sung sướng là đã thoát khỏi cảnh đó và không biết là chuyện gì đang đợi ở sân bay Quốc tế Miami. Liệu đây có phải là cái cơ hội to lớn, quan trọng mà ông đã chờ đợi bao lâu nay không?
Chiếc Learjet 55 LR bay ra khỏi không phận Mỹ và trên đường tới Sion, Peru, bay lên… lên mãi, lên mãi… trong màn đêm