Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Phần III - Chương 1

Ở hãng truyền hình CBA, ông Arthur Nalesworth, một người đàng hoàng, lịch lãm mà nay được mọi người gọi là bác Arthur, khi còn trẻ vốn là một nhân vật tai to mặt lớn. Trong suốt ba mươi năm làm việc tại hãng, ông đã đảm đương nhiều chức vụ cao như phó trưởng ban tin tức thế giới, chủ nhiệm mục tin trong nước buổi chiều và phó chủ nhiệm điều hành toàn bộ Ban tin tức. Thế rồi vận may tuột mất, và cũng giống như những người trước hoặc cùng thời, ông bị gạt ra rìa ở tuổi năm mươi sáu, người ta bảo những ngày ông nắm giữ trọng trách đã qua rồi, và để tuỳ ông lựa chọn: hoặc về hưu sớm, hoặc ngồi ở một vị trí thấp hơn mà họ dành cho ông.
Hầu hết những người gặp hoàn cảnh này thường chọn cách về hưu vì sĩ diện. Ông Arthur Nalesworth lại chọn việc tiếp tục ở lại làm việc, dù việc đó là gì, không phải vì ông tự cho mình là quan trọng, mà chủ yếu vì cái chủ nghĩa chiết trung của mình. Vì không tính đến khả năng ông lại quyết định như vậy, nên hãng đành phải sắp xếp cho ông một vị trí nào đó. Trước tiên họ cho biết là ông sẽ được làm phó chủ nhiệm.
Sau này bác Arthur thường kể: “Ở cái hãng này có ba loại phó chủ nhiệm: một loại thực sự làm việc có kết quả, xứng đáng với đồng lương được hưởng. Một loại chuyên ngồi bàn giấy ở văn phòng, chẳng làm được cái gì cho ra hồn, nhưng lại luôn phả giơ đầu chịu báng cho cấp trên khi có chuyện gì sai sót; loại thứ ba có tước danh “phó” chỉ để lưu trữ các bài viết mà thôi. Tôi thuộc một trong ba loại này”.
Rồi gặp khi phấn chấn, ông còn thổ lộ thêm: “Có một điều mà những người ít nhiều thành đạt trong nghề này đáng ra phải nhớ, nhưng phần lớn thì lại không nhớ, là sẽ có ngày ta  không còn vai trò quan trọng nữa. Khi đã leo gần tới đỉnh cái cột mỡ trơn tuột, tự ta phải nhớ rằng chẳng bao lâu nữa ta sẽ bị gạt ra lề, nhanh chóng bị lãng quên, và sẽ có những người khác trẻ hơn, có lẽ giỏi giang hơn thay thế. Tất nhiên..”, và đến đây bác Arthur thích dẫn một câu trong trường ca Uylitse của Tennyson: “Người ta ai cũng phải chết. Nhưng vào cuối cuộc đời, ta lại vẫn có thể làm được những điều cao thượng…”.
Thế rồi, hãng truyền hình và cả bản thân bác Arthur cũng không ngờ rằng ngay cả sau khi những năm tháng huy hoàng của bác đã qua, bác vẫn còn làm được “những điều cao thượng”.
Nhưng việc bác làm liên quan đến lớp trẻ, những người đang kiếm tiền kiếm việc làm.
Các vị chức sắc trong giới truyền hình cảm thấy bực mình và đôi lúc khó xử vì thường gặp phải một câu hỏi giống nhau; mà những người hỏi họ lại là bạn bè, họ hàng thân thích, các mối làm ăn, chính khách, bác sĩ, nha sĩ, bác sĩ nhãn khoa, các nhà chứng khoán, khách khứa nơi bàn tiệc mà danh sách kể ra không thể hết được. Câu hỏi đó là: “Ông có thể nhận con trai, con gái, cháu họ, con đỡ đầu, học trò hoặc người được tôi đỡ đầu vào làm ở hãng được không?”.
Có những ngày, nhất là vào những kỳ học snh đại học tốt nghiệp ra trường, những người ở hãng có cảm tưởng như  lớp trẻ đang cố sức đạp cửa xông vào hãng vậy.
Trong một số trường hợp, các vị chức sắc của hãng có thể dễ dàng từ chối, nhưng đâu phải bao giờ cũng có thể làm được như vậy. Làm sao mà từ chối khi những người cầu cạnh nhờ vả lại là những nhà quảng cáo quan trọng cho hãng của họ, những người có chân trong ban giám đốc hãng CBA, những kẻ rất có thế lực với Nhà Trắng và Nghị viện ở Washington, những chính khách mà làm họ phật ý thì thật là ngu ngốc, những nguồn cung cấp tin quan trọng cho hãng và còn nhiều loại người khác nữa.
Vào thời kỳ trước khi có bác Arthur, viết tắt là BUA, giới chức của hãng CBA thường mất nhiều thời gian gọi dây nói thông báo cho nhau về những chỗ đang còn thiếu người, rồi gắng sức xoa dịu nững người có con cái, cháu chắt, vân vân… không được nhận vào làm việc tại hãng.
Bây giờ không còn phải làm thế nữa. Cái việc mà ban lãnh đạo hãng CBA trong tình thế tuyệt vọng nghĩ ra giao cho Arthur Nalesworth đã cứu nguy cho đồng nghiệp của họ. Khi có người xin việc cho người của mình, các vị tai to mặt lớn của hãng CBA có thể trả lời: “Chắc chắn tôi sẽ giúp ông. Chúng tôi có hẳn một ông phó chuyên lo liệu việc cho bọn trẻ có triển vọng. Hãy bảo cậu ta gọi điện theo số máy này, nói là tôi giới thiệu là sẽ được hẹn tiếp ngay”.
Việc gặp ấy chẳng có khó khăn gì, vì Arthur Nalesworth tiếp bất kỳ ai trong cái văn phòng bé tý tẹo, không có cửa sổ mà họ dành cho ông. Trước nay chưa bao giờ có nhiều cuộc tiếp khách đến xin việc đến thế. Những buổi này thường là dài, có khi cả tiếng đồng hồ hoặc hơn. Đủ các loại vấn đề được đặt ra và trả lời một cách thân tình. Cuối cùng, người đến tìm việc ra về, cảm thấy hài lòng với CBA cho dù họ không được nhận. Còn ông Nalesworth thì lại hiểu rõ hơn tính cách và  khả năng tiềm ẩn trong chàng trai ngồi đối diện với ông.
Lúc đầu, số lượng và thời gian các cuộc tiếp khách ấy trở thành trò cười ở phòng tin của hãng, với những lời nhạo báng là “thừa thời gian”, là “dựng xây đế chế”. Cũng vì Nalesworth thường khích lệ người xin việc, dù họ thuộc loại có triển vọng hay không có triển vọng, người ta liền gọi ông là “Bác Arthur”, và cái tên có từ ngày ấy.
Nhưng dần dà niềm kính trọng miễn cưỡng thay thế cho sự hoài nghi. Sự  kính trọng càng tăng khi môt số thanh niên mà bác Arthur mạnh dạn đề nghị hãng nhận vào làm đã nhanh chóng hoà nhập và đảm nhận tốt vai trò của họ trong phòng tin tức. Về sau, việc được bác Arthur nhận trở thành niềm tự hào của họ, giống như một thứ chứng chỉ vậy.
Lúc này bác Arthur đã sang tuổi sáu mươi lăm và thông thường thì tính ra chỉ còn năm tháng nữa là bác về hưu. Trong giới điều hành ban tin tức, người ta nói đến việc yêu cầu bác Arthur ở lại thêm. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, bác Arthur Nalesworth lại trở thành một nhân vật quan trọng.
Một sáng chủ nhật tuần thứ ba của tháng chín, bác Arthur đến trụ sở hãng CBA để cùng tìm kiếm Jessica, Nicholas và Angus Sloane. Theo lời dặn của ông Les Chippingham qua điện thoại từ tối hôm trước, ông đến phòng họp đặc biệt của nhóm đặc nhiệm. Partridge, Rita và Teddy Cooper đang chờ ông ở đó.
Trước mặt họ là một người vai rộng, chắc nịch, tầm thước, khuôn mặt dịu dàng đôn hậu và tóc rẽ đầu ngôi cẩn thận. Ông có vẻ dễ tính và tự tin. Vì biết đây không phải là một ngày làm việc bình thường, nên ông không đóng bộ comple màu sẫm thường ngày, mà mặc áo vết len dày màu nâu, quần ghi nhạt, li quần sắc như dao, thắt nơ nhọn, chân đeo giày bóng lộn.
Mỗi khi ông cất giọng âm vang, người ta có cảm tưởng như đang nghe Churchill nói. Một đồng nghiệp cũ của ông có lần đã nhận xét rằng những điều ông Arthur Nalesworth nói ra cứ như được khắc trên bảng đá.
Sau khi bắt tay Partridge, Rita và được giới thiệu với Cooper, bác Arthur nói: “Theo chỗ tôi biết, các anh cần sáu chục người trẻ tuổi giỏi giang nhất của tôi, nếu như tôi có thể tập hợp được ngần ấy trong thời gian gấp gáp thế này. Nhưng trước hết xin các anh cho biết là có chuyện gì đã chứ?”.
“Teddy sẽ nói lại với ông” Partridge bảo. Anh ta ra hiệu cho Cooper bắt đầu.
Bác Arthur lắng nghe anh chàng nghiên cứu người Anh kể lại những cố gắng để nhận dạng bọn bắt cóc và rõ ràng là họ đang bế tắc trong việc này. Sau đó Cooper nói về ý định tìm kiếm hang ổ của bọn bắt cóc bằng cách đọc mục quảng cáo mua bán nhà đất ở trên các báo, vì anh ta cho rằng nơi đó có thể chỉ cách chỗ xảy ra tội ác trong vòng bán kinh không quá hai mươi lăm dặm.
Partridge nói thêm: “Chúng tôi hiểu rằng làm vậy cũng chưa chắc đã có kết quả, nhưng đó lại là cách khả dĩ nhât mà chúng tôi có được vào lúc này”.
Bác Arthur đáp: “Kinh nghiệm đã cho tôi thấy khi chưa biết nên bắt đầu từ đâu, thì ta chỉ còn có cách ấy mà thôi”.
“Tôi rất mừng là ngài cũng nghĩ như vậy”, Cooper nói.
Bác Arthur gật đầu nói tiếp: “Cái hay của cách làm ấy là dù khó có khả năng tìm đúng điều ta muốn, nhưng rất có thể chúng ta lại phát hiện ra một điều nào đó có ích cho chúng ta theo một cách khác”. Ông quay sang nói thêm với Cooper: “Anh bạn trẻ này, anh cũng sẽ thấy trong số những người mà tôi gọi tới cũng có khối tay năng nổ như anh”.
Cooper cùng bác Arthur tới cái văn phòng nhỏ xíu của bác. Ở đó, bác lần rải các hồ sơ và phiếu lưu trữ kín cả mặt bàn. Rồi bác bắt đầu gọi điện thoại; cái lối bác gọi, tuy cho nhiều người khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ như đang nói chuyện với một người bạn thân quen ở đầu dây bên kia. “Ian này, cháu nói muốn có cơ hội được nhận vào làm ngay cả việc rất khiêm tốn tại hãng. Bây giờ đang có cơ hội như thế đấy”… “À, không được Bernard ạ. Bác không thể bảo đảm sau hai tuần làm công chuyện này, cháu sẽ được nhận vào làm tại hãng. Nhưng tại sao cháu không thử xem sao?”… “Đúng thế, Pamela ạ. Bác đồng ý cái việc tạm thời này không xứng với một người đã học qua khoa báo chí như cháu thật. Nhưng cháu nhớ là khối nhân vật có danh tiếng trong nghề này vốn chả phải cũng bắt đầu từ những việc lẻ mẻ đó thôi?”… “Cháu nói đúng đấy Howard ạ. Năm đô la, năm mươi xu một giờ đâu phải là thứ lương hậu hĩnh. Nhưng nếu tiền bạc là cái cháu quan tâm, thì cháu hãy quên cái nghề làm tin này đi, và nên tìm kiếm việc làm ở phố U-ôn thì hơn”… “Felix, bác hiểu rằng gấp gáp thế này thì cũng bất tiện thật; nhưng mấy khi mà thuận tiện được chứ? Nếu cháu muốn làm ở hãng truyền hình, trong trường hợp cần thiết, cháu còn phải bỏ cả buổi kỷ niệm sinh nhật của vợ cháu mà đi nữa cơ”… “Erskin, cháu đừng quên là cháu còn có thể làm được bản tóm tắt về công việc đặc biệt mà cháu làm cho CBA đấy”.
Sau một tiếng liền gọi điện thoại cho mười hai người, bác Arthur nhận được bảy người trả lời “Chắc chắn sẽ tới” vào sáng hôm sau và một người nói “có thể sẽ đến”. Sau đó bác vẫn kiên nhẫn gọi tiếp theo danh sách của bác.
Bác gọi cho một người nằm ngoài danh sách ấy. Người này là giáo sư Kenneth. K. Goldstein, trưởng khoa báo chí của trường đại học Colombia, vốn là bạn của bác từ thuở thanh niên. Khi được giải thích về công việc cần tại CBA, nhà giáo dục ấy lập tức đồng ý ngay. Cả hai người đều biết không thể huy động được số học sinh đang theo học tại khoa báo chí của trường vì bài vở đòi hỏi rất nặng, nhưng số học sinh tốt nghiêp nay đang làm bằng phó tiến sĩ khoa báo chí có thể cũng quan tâm và có điều kiện tham gia. Một số đã tốt nghiệp nhưng chưa kiếm được việc làm cũng vậy.
Vị trưởng khoa bảo: “Chúng ta cứ coi đây là một công việc khẩn cấp nhé. Tôi sẽ cố gắng chọn độ hơn chục người và sẽ gọi điện thoại báo lại cho anh”. “Colombia muôn năm!”, bác Arthur nói lớn, rồi lại tiếp tục quay các số máy  khác.
Trong khi đó, Teddy Cooper trở lại phòng họp để chuẩn bị kế hoạch hành động cho đám người được huy động sẽ tới vào sáng hôm sau. Hai phụ tá của anh cũng đã tới đó, và họ cũng mải mê nghiên cứu cuốn Niên giám quốc tế các chủ bút và nhà xuất bản, các bản đồ và danh bạ điện thoại địa phương, chọn ra các thư viện và văn pòng toà báo mà họ sẽ tới, các đường đi nước bước tiếp theo. Đồng thời Cooper cũng ghi ra một số điều cụ thể để hướng dẫn những người mới tới này; họ sẽ phải đọc kỹ tất cả các mục quảng cáo trên khoảng một trăm sáu mươi tờ báo trong ba tháng qua. Họ cần phải chú ý đến những gì?
Cùng với cái phạm vi hai mươi lăm dặm, Cooper mưòng tượng thêm họ phải chú ý:
Một khu vực tương đối vắng vẻ, cách xa khu dân cư. Bọn người mà họ đang truy tìm hẳn là muốn náu ở nơi khuất nẻo, có thể đi hoặc đến mà  không làm người khác tò mò. Không cần chú ý đến những nhà hoặc khu vực đông người ở hoặc qua lại.
Nơi chúng ẩn náu có thể là một nhà máy hoặc nhà kho nhỏ không còn được dùng đến, hoặc có thể là một ngôi nhà lớn. Nếu là nhà, chắc chắn sẽ phải là ngôi nhà cũ, mái đổ tường xiêu, vì vậy hẳn là chẳng ai muốn thuê. Nhà đó có thể có khu phụ chứa đủ vài xe, và có nơi sơn xe. Mà cũng rất có khả năng là một trang trại bỏ hoang. Các nơi trú ngụ đại loại như trên cũng cần được chú ý, và muốn vậy, cần phải sử dụng cả trí tưởng tượng nữa.
Loại chỗ ở đủ chứa ít nhất là bốn hoặc năm người, hoặc có thể nơi ở khác. Tuy nhiên, những người ở đó hẳn phải “gối đất nằm sương” vì thế chắc chắn không thuộc loại được mô tả kỹ trong quảng cáo cho thuê. (Trong mục “Các loại nhà khác”, Cooper nghĩ cả đến nơi nạn nhân bị bắt cóc, nhưng không ghi ra cụ thể).
Những nơi hoặc khu nhà mà người tính chuyện làm ăn buôn bán bình thường, hoặc tìm nơi ở lâu dài có thể không muốn thuê. Vì vậy cần đặc biệt chú ý tới các quảng cáo kéo dài trên báo, sau đó đột nhiên ngừng mất. Điều này có nghĩa là nơi đó không có người thuê, sau đó đột nhiên có người thuê hoặc bán được cho họ dùng vào chuyện không bình thường.
Không cần phải chú ý tới giá thuê nhà, thuê đất hoặc chuyển nhượng sở hữu trong các quảng cáo, bởi vì những kẻ đang bị truy tìm ấy chẳng thiếu gì tiền bạc.
Cooper quyết định hãy thế đã. Trong khi muốn truyền đạt một ý có tính khái quát, anh không muốn làm gì mà lại hạn chế hoặc không khuyến khích suy nghĩ khác của mọi người. Anh cũng định sáng hôm sau sẽ nói chuyện với số người của bác Arthur khi họ tới, và đề nghị Rita chuẩn bị sẵn một nơi thích hợp làm việc đó.
Quãng giữa trưa, Cooper cũng ăn trưa với bác Arthur trong quầy ăn uống của hãng CBA. Bác Arthur gọi món xăng-đuých cá ngừ và cốc sữa, còn Cooper lấy món thịt nước sốt sền sệt, một chiếc bánh nhân thịt vàng ươm, rồi với vẻ bẽn lẽn thẹn thùng gọi thêm cốc chè đen.
“Chán quá”, bác Arthur nói vẻ như mình có lỗi. “Đến hôm nay mới có hai mốt người đăng tên. Giá lúc khác thì nhiều hơn”.
Hôm đó là chủ nhật, nên ở hãng ít người hơn ngày thường. Vì vậy hai người ngồi riêng ở một bàn – Cooper ngồi xuống ghế và nói: “Tôi xin phép được hỏi ngài…”.
Bác Arthur ra hiệu cho anh ta dừng lại. “Thật dễ chịu khi thấy người Anglê các anh luôn tôn trọng người khác. Nhưng anh đang ở nơi mà sự phân chia đẳng cấp bị xoá nhoà, nơi mà thứ dân cũng gọi vua là “Joe”hoặc “Này ông”, nơi mà ngày càng có ít người viết chữ “ông” trước tên người nhận thư ghi trên phong bì. Ở đây mọi người đều gọi tôi theo tên riêng cả”.
“Thôi đươc, Arthur”, Cooper nói, vẻ ngượng nghịu: “Tôi cứ tự bảo không biết bác nghĩ thế nào về việc đưa tin hiện nay so với thời…”.
“So với thời hoàng kim khi tôi còn làm chứ gì? Này, câu trả lời của tôi có thể làm anh ngạc nhiên. Nó tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Những người hiện đang viết và đưa tin bây giờ khá hơn bọn tôi ngày xưa. Thì cũng còn vì kỹ thuật đưa tin ngay càng khá hơn. Bao giờ cũng đúng là như vậy”.
Cooper dướn lông mày: “Rất nhiều người lại nghĩ ngược lại”.
“Teddy thân mến, nhưng kẻ nói vậy chẳng qua vì họ mắc chứng hoài cổ khó tiêu đó thôi. Với số này cứ phải thụt xà phòng thì đầu họ mới thông được. Anh cứ tới thăm bảo tàng của ngành thông tin đại chúng ở New York mà xem một số chương trình phát tin trước đây, từ những năm sáu mươi chẳng hạn. Tôi cũng mới tới đó. Nếu lấy tiêu chuẩn hôm nay mà so, phần lớn các chương trình đó là yếu, thậm chí mang chất nghiệp dư nữa cơ. Mà tôi không chỉ nói đến chất lượng có tính chất kỹ thuật nghề nghiệp đâu, yếu cả về chiều sâu trong phóng sự điều tra nữa”.
“Mấy người không ưa bọn tôi cho rằng ngày nay chúng tôi làm cái chuyện điều tra quá nhiều”.
Thấy  Cooper tỏ vẻ khoái chí, bác Arthur lại càng cởi mở. “Một điều cho thấy báo chí của chúng ta đang đà thăng tiến là ngày càng có ít việc khuất tất mà lại  không bị phanh phui. Những vụ lạm dụng sự tín nhiệm của công chúng đang bị  lôi ra trước công luận. Tất nhiên nhiều khi những người làm tốt trách nhiệm của mình với dân chúng vũng bị vạ lây. Chẳng hạn cuộc sống riêng tư của họ cũng bị đụng chạm. Thế nhưng xã hội thì lại ngày càng tốt hơn”.
“Tức là bác không nghĩ các phóng viên thuở trước giởi hơn lứa phóng viên hiện nay?”.
“Không những đã không giỏi hơn, mà họ lại còn không có được cái táo tợn, tính bất chấp quyền uy, dám chấp nhận hiểm nguy mà người làm tin hạng nhất hiện nay cần có. Tất nhiên giới làm tin ngày trước cũng giỏi theo tiêu chuẩn của thời ấy, và một số người thì cực kỳ tài giỏi. Nhưng ngay cả những người ấy, giá nay họ vẫn còn trong nghề, hẳn cũng phải phát ngượng trước sự tôn sùng như bậc thánh mà người ta dành cho họ”.
Cooper nheo mắt tò mò hỏi lại: “Bác bảo là phong thánh à?”.
“À, đúng vậy. Anh không biết là chúng tôi dành cho họ sự ngưỡng mộ như một thứ tôn giáo sao? Chúng tôi dùng những từ rất kêu, chẳng hạn như tin tức là một “trách nhiệm thiêng liêng”. Chúng tôi đã vênh vang với bao lời hoa mỹ về “thời đại hoàng kim của vô tuyến truyền hình”, nên tất nhiên là phải phong thánh cho các danh tài của giới báo chí. Ở hãng CBS, họ phong thánh cho Ed Murrow, một con người rõ ràng là kiệt xuất. Tuy Ed cũng có chỗ yếu trong cuộc đời trần tục, nhưng người tôn sùng ông cũng dễ dàng bỏ qua. Rồi đây, chắc CBS cũng sẽ tôn Walter Cronkite lên bậc thánh,  nhưng tôi e rằng việc đó sẽ được làm sau khi Walter khuất núi, bởi lẽ một người đang còn sống làm sao chịu nỗi sự nổi danh đến vậy. Đấy mới chỉ là kể CBS, một hãng thuộc bậc đàn anh thôi. Rồi sẽ đến lúc các hãng khác thuộc lớp sau cũng phong thánh cho người của mình. Chắc ABC sẽ tôn Arledge lên bậc thánh. Nói cho cùng, thì chính Roone Arledge, chứ không phải ai khác, đã tạo nên phong cách hiện đại trong việc đưa tin trên hệ thống truyền hình”.
Bác Arthur đứng dậy và nói: “Anh bạn Teddy thân mến, nói chuyện với anh là tôi sáng ra khối điều. Nhưng bây giờ tôi phải trở lại với kẻ luôn làm chủ cuộc sống của chúng ta là cái điện thoại”.
Cuối ngày hôm đó, bác Arthur cho biết là năm mươi tám người trong số “Thông minh nhất, triển vọng nhất’ của bác sẽ đến nhận nhiệm vụ vào sáng thứ hai.