Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 4

Crawford Sloane lái chiếc Buick Somerset rời gara tại trụ sở hãng CBA vào bảy giờ 40 phút tối. Như thường lệ, anh sử dụng xe của hãng: chiếc xe này dành cho anh theo quy định trong hợp đồng làm việc, và nếu anh muốn thì anh có một lái xe riêng, nhưng hầu như anh không hề dùng lái xe. Vài phút sau, lúc anh từ Đại lộ Ba rẽ ra phố Năm mươi chín, đi về phía đông theo đoạn đường vòng FDR, anh tiếp tục nghĩ về buổi phát hình vừa mới kết thúc.
Lúc đầu, những ý nghĩ của anh đều hướng về Insen, nhưng anh quyết định gạt tay uỷ viên ban chủ nhiệm ra khỏi tâm trí cho đến tối ngày mai. Sloane không mảy may lo ngại về khả năng của anh có thể đương đầu với Insen và tống ông ta đi – có lẽ là lên chức phó chủ tịch của hệ thống truyền hình mà, mặc dù nghe có vẻ rất kêu, thực ra lại là một sự phế truát khỏi Bản tin tối Toàn quốc. Anh không hề tính đến sự đảo ngược của tiến trình rất có thể xảy ra. Nếu ai gợi ý đó ra với anh, hẳn anh sẽ phá lên cười.
Ý nghĩ của anh hướng về Harry Partridge.
Đối với Partridge, Sloane công nhận là cái tin đưa vội vã nhưng tuyệt vời vừa rồi từ Dallas đã một lần nữa tỏ rõ nghiệp vụ xuất sắc của anh ta. Qua mạng lưới điện thoại ở sân bay DFW, Sloane đã gọi điện cho Partridge và chúc mừng anh; đồng thời nhờ anh chuyển lời tới Rita, Minh và O’Hara. Một phát thanh viên thường nên xử sự như vậy – một cử chỉ cao thượng bắt buộc – cho dù Sloane không hào hứng lắm trong việc quan tâm tới Partridge. Cái cảm giác thầm kín đó khiến cho cuộc nói chuyện, về phía Sloane, thoáng có vẻ ngượng ngập, như tất thảy mọi cuộc đối thoại khác với Partridge. Còn Partridge thì lại có vẻ thoải mái, dù nghe giọng nói anh rất mệt mỏi.
Chiếc xe vẫn lăn bánh, và trong giây phút thành thật hình tĩnh, riêng tư, Sloane tự hỏi: “Cảm giác của ta về Harry Partridge ra sao đây?” – Câu trả lời, cũng rất thành thật, là: “Anh ta làm cho ta cảm thấy bất an”.
Cả câu hỏi lẫn câu trả lời đều bắt nguồn từ câu chuyện gần đây.
Hai người quen biết nhau từ hơn hai mươi năm nay, cũng dài bằng thời gian họ làm việc cho hãng CBA vì gần như cả hai vào làm cho hãng gần cùng một lúc. Ngay từ đầu, họ rất thành công trong nghề nghiệp, tuy nhiên rất đối lập về tính cách.
Sloane là một người ưa chính xác, lịch thiệp, trau chuốt trong cả cách ăn mặc lẫn phát ngôn: anh thích chứng tỏ uy quyền và ứng xử như vậy một cách tự nhiên. Giới trẻ thích gọi anh là “ngài” và luôn nhường lối cho anh đi trước. Anh có thể bị coi là lạnh lùng, hơi cách biệt với mọi người mà anh không quen biết lắm, dù cho trong bất cứ cuộc tiếp xúc với ai đó thì trí tuệ sắc sảo của anh không bao giờ để sót điều gì, kể cả lời nói hoặc chỉ suy đoán về họ.
Ngược lại, Partridge lại rất xô bồ, bề ngoài lúc nào cũng xoàng xĩnh: anh thích mặc áo khoác da cũ và rất ít khi ăn bận cả bộ chỉnh tê. Tính cách anh thoải mái khiến cho ai gặp anh cũng thấy dễ chịu, như người bằng vai phải lứa; đôi khi anh làm người ta có cảm giác rằng anh không quan tâm đến chuyện gì cả, nhưng đó là một mẹo có tính toán Partridge đã sớm học được, ngay từ khi bước chân vào nghề làm báo, là anh sẽ biết được nhiều hơn khi làm ra vẻ không quan tâm đến quyền lực và giấu kín sự sắc sảo và trí thông minh đặc biệt của mình.
Họ cũng xuất thân từ các nguồn gốc khác nhau.
Crawford Sloane sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Cleveland, và đã sớm được đào tạo ngành vô tuyến truyền hình ngay tại thành phố này. Harry Partridge tập nghề đưa tin vô tuyến ở Toronto, tại hãng CBC – tức là hãng Truyền hình Canada – và trước đó anh đã làm quảng cáo viên – phát thanh viên tin – phát thanh viên chương trình thời tiết cho một đài phát thanh nhỏ và những đài truyền hình ở phía tây Canada. Anh sinh tại Alberta, cách Calgary không xa, trong một xóm nhỏ tên là De Winton, nơi bố anh làm nghề nông nghiệp.
Sloane tốt nghiệp trường đại học Columbia, còn Partridge thì lại chưa học hết trung học, nhưng làm việc trong giới báo chí nên kiến thức thực tế của anh phát triển nhanh chóng.
Trong suốt một thời gian dài công việc của họ tiến hành song song: kết cục là có vẻ như họ trở thành đối thủ của nhau. Bản thân Sloane coi Partridge là một đối thủ, thậm chí còn là một đe doạ cho sự tiến bộ của anh. Anh không chắc là liệu Partridge có nghĩ về anh như vậy không?
Sự ganh đua giữa hai người tỏ ra mạnh nhất là thời gian cả hai cùng đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Họ được hãng cử sang đó vào cuối 1967, trên danh nghĩa là cùng một nhóm, và về một mặt nào đó thì họ có làm việc với nhau. Tuy nhiên Sloane coi cuộc chiến là một cơ hội bằng vàng để anh tiến thân; ngay lúc đó anh đã nghĩ tới nghề phát thanh viên và chương trình Bản tin tối Toàn quốc.
Sloane biết rằng điều cơ bản trên con đường tiến thân của anh là phải xuất hiện trong Bản tin tối càng thường xuyên càng tốt. Vậy nên, ngay sau khi đặt chân tới Sài Gòn, anh quyết định không đi lang thang quá xa khỏi cái “Lầu Năm góc Phương Đông” – Tổnh hành dinh của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, cách Sài Gòn chừng năm dặm – và, khi anh phải đi lấy tin thì cũng không vắng quá lâu.
Giờ đây, sau bao năm tháng, anh vẫn còn nhớ lần hai người nói chuyện với nhau và Partridge đã lưu ý: “Crawford ạ, cậu sẽ không bao giờ hiểu được cuộc chiến tranh này bằng cách dự các cuộc nhảm nhí hoặc cứ ru rú ở Caravelle đâu” – Điểm trên là tên giới báo chí dùng để gọi các cuộc họp báo để thông báo về tình hình quân sự, tên sau là một khách sạn nổi tiếng mà giới báo chí quốc tê, các nhân viên quân sự và dân sự cao cấp của Sứ quán Mỹ thường tụ tập ăn uống, nhảy nhót.
“Nếu cậu định nói về mạo hiểm” – Sloane ngạo mạn đáp, - “thì tôi sẵn sàng lao vào các chuyện mạo hiểm như cậu ấy”.
“Quên các chuyện mạo hiểm đi. Tất cả chúng ta đều lao vào chuyện mạo hiểm cả. Tôi đang nói về chuyện đưa tin có chiều sâu cơ. Tôi muốn đi sâu vào đất nước này và hiểu rõ nó. Nhiều lúc tôi muốn dứt ra khỏi đám quân sự, không chỉ lẽo đẽo bám theo trong các trận đánh, đưa tin chiến sự như họ muốn chúng ta làm. Vì thế thì quá dễ. Và khi đưa tin về các vấn đề quân sự thì tôi muốn tin đó phải là từ các mặt trận để xem bọn nhân viên Hãng thông tin Mỹ nói có thực hay không?”.
“Để làm được tất cả chyện đó, - Sloane nhấn mạnh, - thì cậu phải đi mất mấy ngày, có khi mỗi lần hàng tuần ấy chứ”.
Partridge có vẻ thích thú: “Tôi thấy là cậu hiểu vấn đề nhanh đấy. Tôi dám chắc là cậu cũng hình dung được là cách tôi dự tính làm sẽ giúp cho cậu có khả năng xuất hiện trên màn hình hầu hết các buổi tối”.
Sloane khó chịu vì người ta đọc được ý nghĩ của mình mọt cách dễ dàng, tuy nhiên thực tế là như vậy.
Không ai có thể nói rằng trong thời gian ở Việt Nam, Sloane không làm việc hết mình. Anh đã làm việc nhiều, lao vào mọi chuyện nguy hiểm. Có lần anh đi vào những vùng việt cộng đang hoạt động, thỉnh thoảng lao vào giữa các trận đánh, và trong những lúc gian nguy như vậy, anh không dám chắc, với nỗi sợ hãi thông thường là mình còn sống để trở về hay không.
Trong thực tế, anh vẫn sống sót trở về và hiếm khi đi lâu hơn hai mươi bốn tiếng. Và bao giờ anh trở về thì cũng có được nhiều tin cùng với những hình ảnh chiến đấu đầy ấn tượng và những câu chuyện khiến người ta quan tâm về những chàng trai trẻ Mỹ trên chiến trường, là loại mà New York muốn có.
Tiếp tục dự tính của mình một cách khôn ngoan, Sloane đã không dấn quá sâu vào những chuyên đi nguy hiểm và thường có mặt ở Sài Gòn để dự các buổi thông báo tình hình quân sự và ngoại giao mà thu lượm được nhiều tin tức đáng gái. Chỉ mãi về sau này người ta mới nhận ra là loại tin mà Sloane đưa nông cạn đến mức nào, mà đối với vô tuyến truyền hình thì những hình ảnh đầy ấn tượng phải được đưa lên hàng ưu tiên số một, cùng với những lời phân tích thận trọng. Nhưng đến khi người ta hiểu rõ điều đó thì cũng chảng ảnh hưởng gì đến Crawford Sloane nữa.
Thủ đoạn của Sloane đã thành công. Trước đó anh luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem, và hồi ở Việt Nam thì ấn tượng còn mạnh mẽ hơn. Anh đã trở thành một người được các chủ nhiệm chương trình ở Vành móng ngựa New York ưu ái và thường xuyên xuất hiện trên Bản tin tối, có khi tới ba bốn lần mỗi tuần; đó là cách một phóng viên xây những bước tiếp tiếp theo, không chỉ với khán giả, mà với những người có quyền quyết định tại trụ sở của hãng CBA.
Ngược lại Harry Partridge vẫn giữ kế hoạch hoạt động của mình và làm khác hẳn. Chính anh đã lao vào những câu chuyện sâu sắc hơn, đòi hỏi phải điều tra lâu hơn và đã buộc anh cùng với một người quay phim, đi tới những vùng đất xa xôi ở Việt Nam. Anh đã tự học hỏi để có được những hiểu biết về chiến thuật, về quân Mỹ và Việt cộng. Anh nghiên cứu thế cân bằng lực lượng, nằm lại các vùng chiến sự để thu thập số liệu về các cuộc tấn công trên bộ cũng như trên không, các số liệu về thương vong và hậu cần. Một số tin của anh đưa mâu thuẫn với những tuyên bố chính thức của giới quân sự ở Sài Gòn. Một số tin khác đã khẳng định những tuyên bố đó, và chính loạt tin thứ hai này – mà giới quân sự Mỹ cho là đứng đắn – đã tách Partridge và một nhóm nhỏ khác ra khỏi phần đông các phóng viên đang đưa tin về Việt Nam.
Lúc đó ở Mỹ người ta đón nhận những phóng sự về cuộc chiến tranh Việt Nam với một thái độ đối địch. Thế hệ các phóng viên trẻ - một số đồng tình với những người phản đối chiến tranh ở Mỹ - không tin tưởng, thậm chí còn coi thường giới quân sự Mỹ, và hầu hết giới báo chí đã phản ánh nhận thức đó. Cuộc tấn công vào dịp Tết Mậu Thân là một thí dụ. Giới báo chí đã lớn tiếng cho đó là một chiến thắng vang dội của cộng sản: điều này hai thập kỷ sau những nghiên cứu bình tĩnh hơn cho thấy là không đúng.
Hary Partridge là người lúc đó đã đưa tin rằng lực lượng quân Mỹ đã chiến đấu khá hơn là người ta nghĩ, rằng kẻ thù chiến đấu kém hơn là người ta đưa tin và đã không đạt được một số mục tiêu. Đầu tiên các chủ nhiệm chính của Vành móng ngựa đã nghi ngờ những tin đó và chần chừ không muốn đưa. Nhưng sau khi bàn bạc họ thấy những tin tức xưa nay Partridge đưa thường rất chính xác do đó hầu hết đều được phát.
Có một bài của Partridge không được phát đó là bài phản bác lại ý kiến cá nhân của ông Walter Cronkite, lúc đó là phát thanh viên rất nổi tiếng của hãng CBS.
Từ Việt Nam, Cronkite đã tuyên bố trong một “chương trình đặc biệt” sau Tết Mậu Thân của hãng CBS là “kinh nghiệm đẫm máu của Việt Nam” sẽ “chấm dứt trong bế tắc” và “bằng mọi cách chúng ta phải leo thang, kẻ thù có thể đương đầu nổi với chúng ta…”.
Ông ta nói tiếp: “Nói rằng chúng ta đã đến gần thằng lợi tức là tin rằng… những người lạc quan đã sai lầm trong quá khứ”. Do đó, Cronkite khuyên nước Mỹ nên “thương lượng, không phải là với tư cách của những người chiến thắng, mà với tư cách của những người đáng kính, thực hiện đúng cam kết của họ là bảo vệ dân chủ, và đã làm hết sức mình”.
Vì lời lẽ mạnh mẽ này lại là của Cronkte, cộng thêm với những tin tức trung thực nên đã có tác động ghê gớm, và theo lời một nhà bình luận, nó đã “đem lại cho phong trào phản chiến sức mạnh và tính hợp pháp”. Nghe nói tổng thống Lyndon Johnson đã nói nếu ông mất Walter Cronkite có nghĩa là ông mất cả đất nước.
Partridge qua cuộc phỏng vấn với một loạt người trên chiến trường, đưa ra lập luận là Cronkite không những đã sai lầm, mà vì ông ta biết mình có đầy đủ quyền lực và ảnh hưởng, nên theo lời của một người được phỏng vấn phát thanh viên này của hãng CBS “đã xử sự như một tổng thống không được bầu và mâu thuẫn với các giáo lý của chính bản thân ông ta về tính vô tư của báo chí”.
Khi bài của Partridge về tới New York, người ta đã phải bàn cãi về nó mất hàng tiếng đồng hồ và phải đưa lên tới cấp cao nhất của hãng CBA trước khi có được sự nhất trí rằng tấn công vào “Walter” – người nổi danh toàn quốc – sẽ chỉ là một cuộc thí quân không hòng thắng lợi. Tuy nhiên, những bản sao không chính thức bài của Partridge đã được lưu hành trong giới làm tin vô tuyến.
Những chuyến đi của Partridge vào các vùng chiến sự ác liệt thường khiến anh phải rời Sài Gòn hàng tuần lễ, có khi còn lâu hơn. Một lần, khi anh bí mật vào sâu trong đất Campuchia, anh đã mất liên lạc tới gần một tháng trời.
Tuy vậy, lần nào anh cũng trở về với những bản tin đầy ấn tượng và sau chiến tranh người ta vẫn còn nhớ một số bài của anh vì tính sâu sắc của nó. Không một người nào, kể cả Crawford Sloane, lại tỏ ý nghi ngờ Partridge không phải là một nhà báo kiệt xuất.
Chỉ có điều số lượng bài của Partridge ít hơn, anh cũng ít xuất hiện hơn Sloane trên màn ảnh, do đó anh không được người ta chú ý như Sloane.
Một nhân tố khác ở Việt Nam đã ảnh hưởng tới tương lai của Partridge và Sloane. Đó là Jessica Castillo.
Jessica…

*

Crawford Sloane vừa suy nghĩ, vừa phóng xe trên con đường mà ngày nào anh cũng thường qua lại hai lần. Anh rẽ khỏi phố Năm mươi chín để sang đại lộ York. Đi một quãng anh ngoặt sang phải để vào đoạn vòng FDR về phía bắc. Một lúc sau, dọc bờ sông Đông và không còn bị những ngã tư và đèn hiệu cản trở, anh nhấn ga tăng tốc độ. Từ đây đến nhà anh ở Larchmont thuộc vùng Long Island Sound phía bắc thành phố còn phải đi mất nửa giờ nữa.
Phía sau anh, một chiếc xe Ford Tempo màu xanh cũng tăng tốc độ.
Sloane lòng thanh thản, như anh thường cảm thấy vào thời điểm này trong ngày, giờ đây dòng suy nghĩ của anh quay về với Jessica, cô gái mà khi còn ở Sài Gòn đã từng là người yêu của Partridge, nhưng sau rồi lại lấy Crawford Sloane.

*

Ngày đó tại Việt Nam, Jessica hai mươi sáu tuổi, nàng thanh mảnh, có mái tóc nâu buông dài, thông minh và khá đanh đá. Cô nhân viên trẻ của Phòng tông tin Mỹ (gọi là USIS hải ngoại) này không bao giờ nói những chuyện dông dài với các nhà báo.
Trụ sở của hãng nằm ở đường Lê Quý Đôn, trong “Thư viện Lincoln” rợp bóng cây trước kia là rạp hát Rex, và bảng hiệu cũ của rạp hát vẫn để nguyên trong một thời gian Phòng Thông tin Mỹ ở đó. Các chàng nhà báo đôi khi tới đó nhiều hơn là cần thiết, mang theo những câu hỏi để có cớ gặp Jessica.
Jessica. Cũng đùa với mối quan tâm của họ và nó làm cho nàng thấy vui vui. Nhưng khi Crawford Sloane lần đầu gặp nàng, anh đã biết rằng Harry Partridge đã trở thành người được nàng ưu ái nhất.

*

Cho đến tận bây giờ, Sloane thầm nghĩ – vẫn còn có những chuyện trong mối quan hệ trước đó giữa Partridge và Jessica mà anh hề hay biết, anh chưa bao giờ đả động đến và có lẽ sẽ không bao giờ biết rõ. Nhưng việc đóng kín cánh cửa vào quá khứ suốt hơn hai mươi năm vẫn… chưa bao giờ… sẽ không bao giờ… làm anh hết hồ nghi về những chi tiết về sự thân mật giữa hai người dạo đó.