Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 11

Hầu như ngay từ khi tỉnh lại trong chiếc lán tối tăm ở Sion, và sau đó phát hiện ra rằng nàng, Nicky và Angus đang bị giam giữ ở Peru, Jessica chấp nhận vai trò là người cầm chịch, giữ vững tinh thần cho cả ba trong lúc hiểm nghèo. Cả hai thứ đó đều cần thiết cho sự sống còn của họ trong khi chờ đợi và hy vọng được giải thoát. Bằng không, họ sẽ lâm vào tình trạng tuyệt vọng, dẫn tới sa sút tinh thần, có thể đưa họ tới chỗ chết.
Angus tuy can đảm, nhưng quá già yếu chẳng giúp được gì nhiều, mà có lẽ rồi cũng phải dựa vào Jessica. Còn Nicky bao giờ cũng là một quan tâm trước hết của Jessica.
Cứ cho là họ sẽ qua ơn ác mộng này một cách an toàn (Jessica không chịu tin kết cục có thể khác), nó vẫn có thể để lại thương tổn tinh thần cho Nicky. Jessica có ý định làm sao không để điều đó xảy ra, cho dù tới đây, họ có bị khốn quẫn thế nào đi nữa. Nàng sẽ dạy Nicky, và nếu cần, cả Angus, rằng dẫu thế nào cũng phải giữ lòng tự trọng và phẩm giá của mình. Nàng biết cách làm việc đó. Nàng đã theo một khoá huấn luyện, mà một vài bạn bè cho là chuyện viễn vông. Lẽ ra Crawford phải theo lớp đó, nhưng không có thời gian. Nghĩ rằng trong gia đình nên có người theo học, Jessica liền đi thay.
Ôi, cám ơn và cầu Chúa phù hộ cho tướng Wade! Khi nghe ông giảng, cũng như thực hành các bài luyện, chẳng bao giờ tôi lại nghĩ có lúc nào đó tôi cần dùng đến những gì ông đã dạy tôi!
Thiếu tướng Cedric Wade, huân chương chữ thập, huân chương chiến công, vốn là trung sĩ quân đội Anh trong chiến tranh Triều Tiên, sau này là sĩ quan trong tình báo quân đội nổi tiếng của Anh. Sau khi giải ngũ, ông sống ở New York và thường tổ chức các khoá huấn luyện chống khủng bố quy mô nhỏ. Ông nổi tiếng đến mức quân đội Mỹ đôi khi cũng cử người theo các khoá huấn luyện của ông.
Năm 1951 ở Triều Tiên, ông đã bị các lực lượng Bắc Triều Tiên bắt làm tù binh, bị biệt giam trong một hố rộng khoảng mười bộ vuông nằm sâu dưới đất. Miệng  hố có nắp sắt khoá chặt tha hồ nắng rọi, mưa xối. Trong suốt thời gian bị giam cầm, ông không hề được ra khỏi cái hố đó, không được nói chuyện với gác ngục, không có gì để xem ngoài mảnh trời qua khung sắt.
Trong một bài giảng, ông có nhắc đến việc này, mà cho đến bây giờ Jessica vẫn còn nhớ gần như từng chữ: “Ngay từ đầu tôi đã biết chúng muốn đánh gục ý chí của tôi. Tôi quyết không bao giờ để chúng làm được điều đó, rằng bất luận thế nào, dù tôi có chết trong cái hố ấy, tôi cũng không bao giờ để mất lòng tự trọng của mình”.
Thiếu tướng Wade nói với các học viên rằng ông giữ bằng cách giữ nếp sinh hoạt bình thường dù mỏng manh đến mấy. Ông bắt đầu phân cho mỗi góc của hố giam nhỏ bé một chức năng riêng. Trước hết phải tính đến việc không hay hớm gì. Ông không có cách nào khác là tiểu tiện và đại tiện ngay trên nền hầm. Một góc dành riêng cho việc đó. Ông cố gắng không để dây ra các góc khác. “Lúc đầu mùi hôi thối không thể chịu nổi; lâu dần rồi cũng quen, vì tôi biết mình phải như vậy”.
Góc đối diện, là nơi cách góc kia xa nhất, được dùng làm nơi ăn những thức ăn tồi tệ mà họ thả xuống hầm cho ông. Góc thứ ba được dùng làm nơi ngủ, còn góc thứ tư là chỗ ngồi dùng làm nơi tập thể dục, ba lần trong một ngày, kể cả việc tập chạy tại chỗ. “Tôi tự nhủ, giữ cho người khoẻ mạnh cũng là một cách làm cho mình, còn là con người và giữ gìn nhân phẩm”.
Mỗi ngày ông được phát một ít nước uống, nhưng không cho nước rửa ráy. Ông phải dành ra một ít từ nước uống để lau người. “Chuyện đó không phải dễ, đôi lúc tôi muốn uống hết  luôn nhưng rồi lại thôi. Vì thế, người tôi luôn sạch sẽ - đó cũng là cách quan trọng để tự giữ mình”.
Vào cuối tháng bị giam thứ chín, lợi dụng lúc gác ngục sơ ý, trung sĩ Wade trốn khỏi hầm. Ba ngày sau, ông bị bắt lại, bị tống vào hầm, nhưng hai tuần sau các lực lượng hoa Kỳ đánh chiếm đồn này và giải phóng ông. Ông đã kết thân với họ, điều này về sau đã giúp ông ở lại sinh sống tại Mỹ.
Tướng Wade còn dạy Jessica và các học viên khác CQB, tức là cận chiến, một hình thức trong đó người bé nhỏ, nhẹ cân dù tay không nhưng biết đúng miếng và thế đánh có thể tước vũ khí của kẻ tấn công mình, làm hắn hoặc gãy tay, mù mắt, gãy chân hoặc gãy cổ. Jessica tỏ ra là cô học viên sáng dạ và dẻo dai.
Từ khi bị giam giữ ở Peru, cũng đã có nhiều dịp có thể áp dụng những điều đã được luyện về cận chiến, nhưng lần nào Jessica cũng tự kiềm chế, vì biết rằng làm thế chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Vì vậy nàng giấu kín khả năng ấy, chờ giây phút quyết định mới đem ra thi thố. Nhưng ở Nueva Esperanza, giây phút đó chưa tới; khả năng xuất hiện giây phút đó cũng không.
Trong những phút đầu tiên khi ba người bị ném vào ba cũi riêng biệt, Jessica đã khóc khi nghe tiếng Nicky thổn thức. Đó là giai đoạn rối loạn tinh thần và đau khổ vô phương cứu chữa. Jessica, cũng giống như mọi người, đã trải qua giai đoạn đó, nhưng không lâu. Khoảng mười phút sau, Jessica dịu dàng hỏi con: “Nicky, con nghe thấy mẹ nói chứ?”.
Một phút im lặng, rồi một giọng yếu ớt trả lời: “Con nghe, mẹ ạ”. Rồi nghe thấy tiếng Nicky bước lại gần tấm vách ngăn hai cũi. Tuy không thò được tay sang, nhưng hai mẹ con đã nhìn thấy nhau vì  mắt đã quen dần với bóng tối lờ mờ.
“Con không sao chứ?”, Jessica hỏi.
“Con nghĩ thế”, rồi nàng nghe giọng con run run: “Con không thích ở đây”.
“Ôi, mẹ cũng thế, con ạ. Nhưng nếu chưa thể làm được việc khác, thì chúng ta cứ đành phải ở đây. Con hãy luôn nhủ mình rằng cha và những người khác đang tìm kiếm chúng ta”. Jessica khuyên nhủ con, hy vọng giọng nói của nàng làm con yên tâm.
“Bố nghe thấy con, Jessica ạ. Ông nghe cả tiếng Nicky nữa”, Angus từ cũi phía bên kia nói, nhưng giọng nghe có vẻ rất yếu. “Hãy tin rằng chúng ta sẽ thoát khỏi đây. Nhất định thế”.
“Ba ơi, cố nghỉ đi ba à”. Jessica nhớ tới cảnh ông bố chồng bị Miguel đánh ở trong lán khi họ hồi tỉnh, cảnh họ rã rời lê bước qua rừng rậm và Angus gục ngã, chặng đường dài trên thuyền và cảnh ông giằng co ở đó.
Đang nói, nàng nghe thấy tiếng chân người bước, và từ bóng tối ngoài cũi một bóng người xuất hiện. Đó chính là tên mang súng áp giải họ trên đường, cái thằng để ria và về sau họ biết tên là Ramon. Hắn giương khẩu súng trường Kalashnikov nhằm vào Jessica và ra lệnh: “Yên lặng”.
Vừa định lên tiếng phản đối, Jessica nghe thấy Angus nhẹ nhàng khuyên: “Jessica, đừng con!”. Nàng kịp kìm mình và họ im lặng. Một lát sau, Ramon hạ súng xuống, trở lại chiếc ghế hắn ngồi lúc trước.
Cuộc va chạm cho họ thấy quanh họ luôn có lính gác mang súng, một tên luôn có mặt trong lán và chúng đổi ca gác bốn giờ một lần.
Họ nhanh chóng phát hiện ra rằng bọn gác tính khí có khác nhau. Kẻ dễ dãi nhất là Vincente, người đã giúp Nicky khi ở trên xe, và sau này theo lệnh của Miguel đã cắt dây trói tay họ. Vincente để họ tha hồ nói chuyện với nhau, chỉ làm hiệu cho họ là nói nhỏ  thôi. Ramon là tên khắt khe nhất, tuyệt đối không cho nói chuyện, trong khi những đứa khác cũng không đến nỗi.
Trong khhi nói chuyện, Jessica truyền lại cho Nicky và Angus những điều nàng đã học trong khoá huấn luyện chống khủng bố, đặc biệt là những gì tướng Wade đã trải qua và cách thức ứng xử của ông. Nicky có vẻ hứng thú nghe câu chuyện tướng Wade, có lẽ vì đó cũng là điều giúp cho nó  quên cảnh giam cầm và đơn điệu. Với một đứa trẻ mười một tuổi, rất thông minh, hiếu động như Nicky, thì đây thực là sự trói buộc tàn ác; ngày nào cậu bé cũng hỏi tới mấy lần: “Mẹ ơi, mẹ nghĩ hiện nay bố đang làm gì để cứu chúng ta ra khỏi đây?”.
Jessica luôn luôn phải tưởng tượng ra những câu trả lời. Có lần nàng bảo: “Bố con biết rất nhiều người nên không có ai là bố con lại không nhờ giúp. Mẹ nghĩ chắc bố đã nói với tổng thống; ông chắc sẽ huy động nhiều người ra công tìm cứu chúng ta”.
Giá có thế thật, thì đó cũng là điều hợm hĩnh mà lúc thường chắc Jessica sẽ không bao giờ nói ra. Nhưng để làm Nicky thêm hy vọng, thì nói thế cũng chẳng sao.
Jessica khuyên hai ông cháu theo đúng gương của tướng Wade. Về chuyện vệ sinh, họ tôn trọng nhau bằng cách nghoảnh mặt đi chỗ khác khi người kia yêu cầu và không nói gì đến chuyện mùi hôi thối xông lên. Bắt đầu từ ngày thứ hai, Jessica đi đầu trong việc tập thể dục, hai người kia làm theo.
Qua mấy ngày đầu, họ đã quen với cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Mỗi ngày ba lần, họ được khẩu phần ăn nhạt nhẽo, đầy mùi dầu mỡ, nấu từ sắn, gạo và mỳ sợi. Ngày đầu, Nicky không nuốt nổi món ăn nấu dầu có vị chua, còn Jessica suýt nữa thì nôn mửa.  Dù lợm giọng, nhưng cuối cùng vì đói, họ phải nhắm mắt nuốt cho trôi. Khoảng hai ngày một lần, một người phụ nữ da đỏ lại tới mang bô vệ sinh đi đổ. Thảng hoặc có được rửa, thì cũng chỉ sạch bên ngoài, chứ bô vẫn nặng mùi như cũ. Nước uống được đưa tới tận cũi trong những vỏ đồ uống cũ; thỉnh thoảng được đựng vào bát và thêm một ít nước để lau mình. Bọn gác dùng tay ra hiệu cho họ không được uống thứ nước đục ngầu dùng để rửa ráy ấy.
Điều quan trọng nhất đối với Jessica là tinh thần của Nicky, tuy không vui vẻ nhưng xem ra cũng ổn định. Cậu bé tỏ ra dẻo dai chịu đựng khi cú sốc đầu tiên đã qua.
Hồi còn ở New York, Jessica có tham gia các hoạt động xã hội giúp đỡ các gia đình nghèo khổ. Nàng có nhận xét rằng trong những tình huống bi đát, trẻ con thường vượt được qua dễ hơn người lớn. Nàng nghĩ có thể vì trẻ em suy nghĩ chân thật và ít phức tạp hơn, hoặc có lẽ khi gặp cảnh khó khăn, chúng suy nghĩ như người lớn. Trong trường hợp Nicky, không hiểu sao, cậu bé xem ra rõ ràng là vượt qua được.
Cậu bé bắt đầu tìm cách bắt chuyện với bọn gác. Tiếng Tây Ban Nha của cậu còn lõm bõm, nhưng cậu cũng đã trao đổi qua lại và biết được một vài thông tin, vì trong đám gác có người tốt tính và kiên nhẫn. Vicente là người dễ nói chuyện nhất.
Qua Vicente, họ biết tay “bác sĩ” sắp sửa ra đi, rõ ràng đó là tên mà Jessica gọi là thằng mặt bị rạch, và Vicente thì tin là hắn “săp về nhà ở Lima”. Tuy nhiên  “mụ hộ lý” vẫn sẽ ở lại, tức là con mụ mặt quàu quạu mà họ phát hiện ra tên là Socorro.
Họ trao đổi với nhau tại sao Vicente lại tử tế hơn, khác hẳn với những tên gác khác. Chính Jessica lại phải dè chừng Nicky và Angus: “Hắn cũng chẳng khác bọn kia đâu. Hắn cũng là tên cùng hội áp giải và giam giữ chúng ta ở đây; hai ông cháu chớ quên điều đó. Nhưng hắn không đến nỗi vô lương tâm và keo bẩn như lũ kia, vì vậy có vẻ tử tế đó thôi”.
Còn một vài khía cạnh trong chuyện này mà nàng muốn nói, nhưng quyết định để dành cho những dịp sau. Cần phải có những chủ đề mới cho những câu chuyện giữa họ với nhau trong những ngày mà nàng thấy trước là vô cùng buồn chán. Vì vậy, nàng nói thêm: “Vì hắn ta là người như vậy, ta hãy cố mà tận dụng”.
Theo gợi ý của Jessica, Nicky hỏi Vicente liệu tù nhân có được phép ra khỏi phòng giam không. Vicente lắc đầu, nhưng không rõ câu trả lời là không, hay vì anh ta không hiểu câu hỏi. Jessica cứ nhất định yêu cầu anh ta chuyển lời của nàng tới Socorro là họ muốn gặp ả ta. Nicky cố hết sức dịch lại, nhưng câu trả lời vẫn chỉ là lắc đầu, nên họ không biết là lời yêu cầu có được chuyển tới ả hay không.
Việc Nicky tương đối thành công trong việc dùng tiếng Tây ban Nha làm Jessica ngạc nhiên, bởi vì cậu bé  mới bắt đầu học tiếng ở trường được vài tháng. Khi nàng hỏi, Nicky cho biết cậu có hai người bạn là dân Cu Ba nhập cư và chúng thường nói chuyện với nhau khi ở sân chơi bằng tiếng Tây Ban Nha. “Bọn con cứ nghe, rồi hiểu dần dần…”. Cậu ngừng lại, vẻ mặt vui vẻ. “Con kể điều này chắc mẹ không thích đâu, nhưng bọn nó biết đủ các từ tục tĩu. Bọn nó dạy chúng con cả những ừ đó”.
Angus lắng nghe, rồi hỏi: “Cháu có học được từ tục để lăng mạ nào không?”.
“Ông ơi, có chứ”.
“Cháu dạy ông mấy từ nhé. Để khi cần ông dùng chửi cho bọn này một trận”.
“Không biết mẹ cháu có đồng ý thế không…”.
“Không sao, con cứ bày cho ông cũng được”, Jessica nảo. Nghe Nicky cười, nàng mới sung sướng làm sao!
“Nào, ông. Nếu ông muốn chửi rủa ai, ông có thể nói…”. Nicky đi qua phía cũi bên kia, nói thầm với ông qua vách ngăn.
Jessica chợt hiểu là họ đã có thêm được một cách nữa để giết thời gian.
Cuối ngày hôm đó, Socorro tới theo như nàng đã yêu cầu.
Ả đứng phía ngoài cửa – cái bóng thanh mảnh, nhanh nhẹn của ả không lẫn vào đâu được. Ả đưa mắt quan sát ba chiếc cũi, nhăn mũi vì mùi hôi nồng nặc.
Jessica nói ngay: “Socorro, chúng tôi biết chị là hộ lý. Chính vì thế chị mới biết và yêu cầu cắt dây trói cho chúng tôi, và cho chúng tôi sôcôla”.
Socorro nói, giọng cáu kỉnh: “Không phải là hộ lý, mà là giúp vào việc đó thôi”. Ả đến gần cũi, môi mím chặt.
“Dẫu sao ở đây thì cũng thế cả. Bây giờ ông bác sĩ sắp đi, chị là người duy nhất biết về ngành y”.
“Bà cố phỉnh phờ tôi, nhưng không ăn thua gì đâu. Tại sao bà muốn gặp tôi?”.
“Bởi vì chị cho thấy là chị muốn chúng tôi sống và khoẻ mạnh. Nhưng nếu chúng tôi không được ra ngoài hít thở khí trời một chút, thì chúng tôi sẽ ốm to”.
“Bọn bà bắt buộc phải ở trong này. Họ không muốn người khác thấy bọn bà”.
“Tại sao không? Mà “họ” ở đây là ai?”.
“Cái đó không phải việc của bà, và bà không có quyền hỏi”.
Jessica đáp lại: “Tôi có quyền của một bà mẹ lo cho con mình, còn ông bố chồng tôi già yếu và còn bị đối xử tàn bạo nữa”.
“Lão ấy đáng bị như thế. Lão nói quá nhiều. Bà cũng vậy”.
Linh tính cho nằng biết rằng Socorro cố tạo thái độ thù địch ấy mà thôi. Nàng lựa lời khen ả: “Chị nói tiếng Anh giỏi quá. Chắc chị đã ở Mỹ lâu”.
“Đó không phải việc…”, Socorro ngừng nói, nhún vai. “Ba năm. Tôi ghét nó, một đất nước xấu xa, bẩn thỉu”.
Jessica nhẹ nhàng: “Tôi không nghĩ chị thực sự tin như thế. Tôi nghĩ người ta đã đối xử tốt với chị, nên chị cũng thấy khó khi phải căm ghét chúng tôi”.
“Tôi sẽ nghĩ về điều bà muốn”, Socorro nói cộc lốc, rồi đi. Ra đến cửa, ả quay lại bảo: “Tôi sẽ cố làm cho phòng này thông thoáng hơn”. Môi ả dúm dó trông như đang cười. “Như vậy lợi cho sức khoẻ bọn gác hơn”.
Hôm sau có hai người đến mang theo dụng cụ. Chúng đục mấy lỗ trên tường đối diện với cũi, làm thành cửa sổ thông thoáng. Lập tức phòng giam mờ tối sáng hẳn lên, nên ba người bị giam nhìn rõ nhau và bọn gác. Không khí bên ngoài ùa vào, đôi lúc có cả gió mát, mùi xú khí tuy không hết nhưng đỡ hẳn.
Với Jessica, đó là một thắng lợi; nàng nghĩ nó còn cho thấy Socorro không đến nỗi hận thù như ả cố tạo ra trên nét mặt, một điểm yếu mà về sau nàng có thể khai thác được nhiều hơn.
Nhưng chuyện ánh sáng và khí trời ấy chỉ là một thắng lợi nhỏ, chứ nàng vẫn còn phải qua những nỗi dằn vặt lớn hơn. Jessica hoàn toàn không biết một việc như thế đang hình thành.