Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 3

Tại trụ sở hãng CBA ở New York, thứ sáu là ngày có rất nhiều hoạt động, trong đó một số đã có kế hoạch từ trước, nhưng phần nhiều là mới nảy sinh.
Như thường lệ, vào lúc sáu giờ sáng, một ngày mới bắt đầu bằng chương trình “Nhật báo buổi sáng”. Trong chương trình này, cũng như trong các chương trình khác của ngày hôm đó, việc báo trước các tin sẽ phát trong ngày được đưa cùng các mục quảng cáo thương mại. Mục này đã được ghi hình từ trước, do Harry Partridge phụ trách:
Hôm nay, trong bản tin chiều toàn quốc của CBA, sẽ có tin đặc biệt về những diễn biến mới nhất về vụ bắt cóc người nhà Crawford Sloane.
Và vào lúc chín giờ tối (giờ miền Đông), tức là bảy giờ tối (giờ miền Trung) sẽ có Bản tin đặc biệt một tiếng với tựa đề “Hãng truyền hình bị đe doạ: Vụ bắt cóc gia đình Sloane”.
Các bạn đừng bỏ lỡ Bản tin chiều và chương trình tin đặc biệt dài một tiếng tối nay.
Việc chọn Partridge là thích hợp, bởi vì anh thường xuyên phụ trách đưa tin các vụ bắt cóc trong bản tin tối. Vả lại cũng tiện, vì sự hiện diện của anh ngụ ý là anh vẫn đang ở Mỹ, mặc dù lúc sáu giờ, anh đã ở Peru được mười tám tiếng đồng hồ.
Les Chippingham theo dõi mục báo trước các tin sẽ phát trong ngày khi đang dùng bữa sáng tự nấu lấy vội vàng trong căn phòng của anh ở phố Tám mươi hai. Ông chủ tịch Ban tin đang vội, vì biết rằng hôm nay sẽ có rất nhiều việc. Qua cửa sổ nhà bếp, ông thấy chiếc Limousine sang trọng và người tài xế đang đợi bên ngoài. Chiếc xe làm ông nghĩ tới mệnh lệnh của Margot Lloyd Mason khi họ gặp nhau lần đầu là ông phải đi làm bằng tắc xi; ông phớt lờ lệnh của bà ta. Tuy nhiên, ông không được quên báo cho bà ta biết tin và ngay khi đến nhiệm sở ông phải gọi điện cho bà, vì có lẽ bà ta cũng đã theo dõi chương trình sáng nay.
Quyết định của ông xem ra không cần thiết. Ông vừa ngồi xe, người lái xe đã trao cho ông ống nghe và lập tức ông nghe Margot gắt um trong máy.
“Những diễn biến mới này là thế nào? Tại sao tôi không được báo gì cả?”.
“Sự việc xảy ra quá đột ngột. Tôi định sẽ gọi điện cho bà ngay khi tôi đến trụ sở”.
“Dân chúng đã biết, còn tôi tại sao lại phải đợi?”.
“Margot, họ đã biết gì đâu; tối nay cơ. Còn bà, tôi sẽ báo ngay khi tôi đến nhiệm sở, chứ không dám dùng điện thoại này, vì chúng ta không biết được còn ai nghe nữa đâu”.
Đầu dây bên kia im lặng và ông nghe tiếng thở mạnh. “Gọi ngay cho tôi khi anh đến nơi”.
“Nhất định rồi”.
Mười lăm phút sau, Chippingham gọi điện cho chủ tịch hãng CBA, đồng thời là uỷ viên hội đồng chấp hành của Tổ hợp. Ông mở đầu: “Có rất nhiều chuyện cần nói”.
“Anh nói ngay đi!”.
“Trước hết, theo cách nhìn nhận của bà thì triển vọng là cực kỳ tốt đẹp. Những phóng viên giỏi nhất của chúng ta đã thu lượm được những tin tức đặc biệt. Bản tin chiều nay của CBA sẽ thu hút số người xem đông nhất trong lịch sử của hãng, đồng thời cũng đưa hãng lên thứ bậc cao. Song cũng đáng buồn là tin về vụ bắt cóc người nhà Sloane chẳng hay hớm gì đối với Crawf”.
“Họ đang ở đâu?”.
“Ở Peru. Sendero Luminoso giam giữ họ”.
“Peru ư? Anh có chắc không?”.
“Như tôi vừa nói, một số phóng viên giỏi nhất của chúng ta, đặc biệt là Harry Partridge, đang theo dõi vụ này. Những điều họ phát hiện được rất đáng tin cậy. Tôi không có gì phải nghi ngờ và tôi chắc là bà cũng vậy”. Thế nhưng, việc Margot có vẻ giật mình khi nhắc đến Peru làm Chippingham ngạc nhiên, không biết có chuyện gì.
“Tôi muốn nói chuyện với Partridge”, Margot xẵng giọng. “Tôi e rằng không thể được. Anh ta đang ở Peru từ ngày hôm qua. Chúng tôi đang chờ tin mới nhất của anh ta cho buổi phát tin thứ hai”.
“Tại sao các anh hành động nhanh thế?”.
“Làm tin là thế đấy, Margot ạ. Chúng tôi luôn phải làm như vậy”. Câu hỏi của bà ta làm ông ngạc nhiên. Giọng Margot nghe có vẻ bối rối và lo lắng, nên ông hỏi: “Bà có vẻ quan tâm đến Peru. Xin cho tôi biết lý do, được không?”.
Margot im lặng, rõ ràng là lưỡng lự trước khi trả lời: “Lúc này tổ họp Globanic đang dàn xếp một chuyện làm ăn lớn ở đó. Chúng ta bỏ vào đó rất nhiều tiền, vì vậy giữ quan hệ tốt với chính phủ Peru là điều quan trọng”. “Tôi xin được nói rõ CBA không hề có mối quan hệ nào, dù xấu hay tốt với chính phủ Peru hoặc với bất cứ chính phủ nào khác”.
Margot nói giọng bực bội: “CBA thuộc Globanic. Globanic đang liên minh với Peru, thì CBA cũng phải làm như vậy. Đến bao giờ anh mới hiểu một việc đơn giản như vậy?”.
Chippingham muốn trả lời “Không bao giờ”. Song ông biết là không thể nói như vậy. Vì thế ông đáp: “Chúng ta trước hết là một hãng đưa tin, và phải đưa sự việc đúng như nó xảy ra. Tôi cũng xin nói rõ thêm, chúng ta không nói Peru dính líu vào vụ này. Chính Sendero Luminoso đã bắt cóc người nhà Sloane. Dù sao chăng nữa, sau khi chúng ta công bố tin tối nay, tất cả các hãng tuyền hình báo chí đủ loại sẽ nhảy bổ vào câu chuyện về Peru này”.
Chippingham bất giác tự hỏi: cuộc nói chuyện này là thực ư? Ta nên cười hay nên khóc đây?
“Có gì báo tôi ngay”, Margot nói. “Nếu có gì thay đổi, đặc biệt là liên quan đến Peru, tôi muốn biết ngay lập tức, chứ không phải đợi đến hôm sau”.
Chipp nghe thiếng dập máy “cạch” một cái, rồi im.
Trong văn phòng sang trọng của bà ở Stonehenge, Margot Lloyd Mason đang ngồi suy tính. Khác với mọi ngày, lần này bà không biết mình nên làm gì. Có nên báo cho chủ tích Globanic, Theo Elliott biết không? Bà ta nhớ lại lời đe của ông ta trong cuộc họp tại Câu lạc bộ Fordly Cay: “Tôi không muốn xảy ra chuyện gì có thể phá hoại  mối quan hệ còn đang rất tế nhị… và do đó tổn hại cái có thể trở thành hợp đồng của thế kỷ”. Cuối cùng, bà quyết định phải báo cho ông ta biết. Như thế hay hơn là để ông ta biết qua tin tức.
Khi nghe báo tin, Elliott tỏ ra bình thản đến mức không ngờ. “À, nếu đúng là bọn Con đường sáng chuyên khích động quần chúng ấy tiến hành vụ bắt cóc, tôi nghĩ không thể không đưa tin được. Nhưng đừng quên là chính phủ Peru không có liên quan, vì họ và Con đường sáng là hai kẻ tử thù. Người của bà phải nhớ nói rõ điều đó”.
“Tôi sẽ lo liệu việc ấy”, Margot trả lời.
“Họ còn có thể làm hơn thế nữa”, Elliott nói tiếp. “Sự kiện này cho ta một cơ hội tạo cho chính phủ Peru bộ mặt tốt hơn, và CBA nên tận dụng cơ hội ấy”.
Những lời của ông ta làm Margot lúng túng. “Tận dụng bằng cách nào?”.
“À, chính phủ Peru chắc sẽ làm hết sức mình, sử dụng quân đội và cảnh sát để tìm kiếm và giải thoát những người Mỹ bị bắt cóc. Vì vậy, chúng ta cần cho mọi người biết những việc họ làm, bằng cách đưa nhiều hình ảnh sống động trong bản tin truyền hình. Rồi tôi sẽ gọi điện cho Tổng thống Castaneda mà với tôi là chỗ thân quen và nói: “Này ông! Chúng tôi đang làm mọi người biết đến ông và đất nước ông đấy nhé”. Việc này sẽ có lợi cho chúng ta khi Tổ hợp Globanic và chính phủ Peru xem xét các văn bản cuối cùng của hợp đồng “Chuyển nợ thành giảm thuế kinh doanh”.
Đến như Margot mà cũng còn do dự. “Tôi cũng chưa nghĩ xa đến thế, Theo ạ”.
“Thì bây giờ nghĩ đi! Tôi biết bà đang nghĩ là chúng ta thao túng tin tức. Đối với việc quan trọng như thế này, thì cũng đành phải thế thôi!”. Ông chủ tịch Globanic cao giọng: “Lạy Chúa! Cái hãng truyền hình khốn kiếp ấy thuộc sử hữu của chúng ta, đúng không? Vì vậy đôi lúc cũng phải tận dụng quyền sở hữu ấy chứ? Đồng thời cũng cạnh tranh, chạy theo lợi nhuận; vì thế nó mới trả lương một bộ phận của ngành kinh doanh ấy. Nếu họ không thích, thì chỉ có cách duy nhất là cuốn xéo”.
“Theo, tôi hiểu ý ông”, Margot nói. Vừa nghe, ghi chép, Margot quyết định về một tạm ước gồm ba giai đoạn: một là, bà ta sẽ gọi điện cho Chippingham chỉ thị dứt khoát rằng Ban tin CBA phải nói rõ chính phủ Peru vô can trong vụ này, đúng như Theo yêu cầu. Hai là, với tư cách là chủ tịch CBA, bà ta sẽ liên hệ với bộ ngoại giao Mỹ yêu cầu gây sức ép ngay với Peru để họ tìm mọi cách, kể cả sử dụng quân đội và cảnh sát, giải thoát cho ba người nhà Sloane. Ba là, việc chính phủ Peru hợp tác, sẽ được CBA đưa tin rộng khắp. Đồng thời, Ban tin CBA đưa theo hướng tích cực những tin về các nỗ lực thực sự của họ.
Chắc chắn sẽ có khó khăn và tranh cãi, nhưng Margot biết chắc một điều: mối quan hệ với Theo Elliott và lòng trung thành của bà ta đối với Globanic quan trọng hơn tất cả những vấn đề khác.
Les Chippingham dần dần quen với phong cách không lường trước được của Margot. Vì vậy, tuy vừa mới gọi xong, bà ta đã lại gọi ngay lần nữa cũng chẳng làm ông ngạc nhiên. Tuy nhiên, chủ đề câu chuyện lần này làm ông khó chịu, vì nó là sự can thiệp trực tiếp của công ty vào nội dung đưa tin. Việc này đôi lúc có xảy ra ở các hãng, nhưng với các tin tức quan trọng  thi hầu như chưa bao giờ có chuyện ấy. Rất may là trong trường hợp này, ông cũng có thể thấy an tâm. “Bọn tôi đều biết chính phủ Peru không dính dáng đến vụ bắt cóc”, ông trưởng ban tin nói. “Tôi chắc rằng bản tin tối nay sẽ bao hàm ý đồ một cách rõ ràng”.
“Không chỉ là hàm ý! Tôi muốn nói phải rõ hẳn ra”.
Chippingham lưỡng lự. Ông biết mình cần phải bảo vệ tính độc lập của Bản tin, nhưng cũng biết vị trí bấp bênh của ông tuỳ thuộc vào Margot. “Tôi cần phải xem bài viết đã”, ông trả lời – “Mười lăm phút sau tôi sẽ gọi lại bà”.
“Không được để lâu hơn đấy”.
Mười phút sau, Chippingham gọi lại. “Tôi nghĩ điều này chắc sẽ làm bà vừa lòng. Đây là những điều Harry Partridge viết trước khi đến Peru và sẽ được phát trong bản tin tối nay:
Từ nhiều năm nay, chính phủ Peru và Sendero Luminoso là kẻ thù của nhau, bên này gắng sức tiêu diệt bên kia. Tổng thống Peru Castaneda đã từng tuyên bố “Sự tồn tại của Sendero là hiểm hoạ của Peru. Bọn tội phạm này là con dao thọc vào sườn tôi”. Lời tuyên bố này sẽ được đưa cùng hình ảnh và tiếng của Castaneda”.
Giọng Chippingham nghe vừa có vẻ nhẹ nhõm vừa giễu cợt. “Tôi nghĩ Harry đọc được suy nghĩ của bà, Margot ạ. Hy vọng nó làm bà hài lòng”.
“Đúng vậy. Anh đọc lại đi, tôi muốn ghi đoạn đó”.
Nói chuyện xong, Margot gọi thư ký và đọc cho cô ta ghi gửi Theo Elliott:
Kính gửi ông Theo,
Sau cuộc nói chuyện của chúng ta, kết quả là bản tin chiều nay sẽ có đoạn sau: Từ nhiều năm nay, chính phủ Peru và Sendero Luminoso là kẻ thù của nhau, bên này gắng sức tiêu diệt bbeen kia. Tổng thống Peru Castaneda đã từng tuyên bố “Sự tồn tại của Sendero là hiểm hoạ của Peru. Bọn tội phạm này là con dao thọc vào sườn tôi”.
Lời tuyên bố này được thu âm và phát cùng hình ảnh của Castadena.
Cám ơn ông đã gợi ý và giúp đỡ.
Margot Lloyd Mason
Bức thư này sẽ do người liên lạc đặc biệt trao tận tay ông chủ tịch tại trụ sở của Tổ hợp công nghiệp Globanic.
Sau đó, Margot gọi điện cho ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao ở Washington.
Ở CBA, từ sáng cho tới tận lúc phát tin chiều vào lúc sáu giờ rưỡi ngày thứ sáu, các biện pháp an ninh được tăng cường, vì người ngoài tìm mọi cách khai thác, cố moi được tin đặc biệt mà CBA suốt ngày hôm ấy đã kích thích trí tò mò của người xem cũng như các hãng cạnh tranh. Nhân viên ban tin của các hãng truyền hình, đài phát thanh và truyền thanh và báo chí liên tiếp gọi điện cho bạn bè và người quen ở CBA, đôi khi hỏi thẳng, nhưng phần nhiều là kiếm cớ gì đó mà họ nghĩ ra để cố biết nội dung tin sắp đưa cụ thể là gì. Nhưng tại trụ sở CBA, bằng cách hạn chế đến mức thấp nhất số người biết tin và tạm thời tách các máy tính điện tử chính khỏi mạng lưới chung, nên các máy điện thoại đều bị kiểm soát chặn lại và giữ được bí mật.
Vì vậy, khi tin được phát đi, nó lập tức được ghi lại và truyền tiếp khắp thế giới, có ghi chú thích tin của CBA. Ở các hãng truyền hình  khác, người ta sẽ mau chóng điều tra xem: “Tại sao chúng ta bỏ lỡ tin này? Lẽ ra ta phải làm gì mà lại không làm? Tại sao các anh không kiểm tra tin này, hoặc tiếp tục theo dõi tin đó? Không ai nghĩ đến chuyện tới đó sao? Chúng ta cần phải làm gì để không xảy ra chuyện thế này nữa?”.
Trong khi đó, các hãng truyền hình vội vã thay đổi nội dung buổi phát tin thứ hai, sử dụng các băng video vừa mới có, in dòng chữ “Hãng CBA cung cấp”, còn các báo phải sắp đặt lại trang đầu của số báo hôm sau. Đồng thời, tất cả các hãng thông tấn lớn đều báo động các mối tin thường xuyên của họ ở Peru và vội vã phái phóng viên, kỹ thuật viên âm thanh và ghi hình của mình đáp máy bay qua ngay Peru.
Trong lúc đó, sự việc lại có diễn biến mới:
Don Kettering, lúc này lãnh đạo nhóm đặc nhiệm của CBA, nghe được tin đó trước khoảng mười giờ đêm, tức là lúc sắp kết thúc chương trình một tiếng đặc biệt. Trên màn ảnh của người xem truyền hình, Kettering rõ ràng vẫn đang ngồi ở bàn phát thanh viên cùng Harry Partridge, nhưng thực ra đó chỉ là băng ghi hình Partridge.
Norman Jaeger, tranh thủ lúc ngừng phát tin để quảng cáo thương mại, đã gọi điện báo tin cho phát thanh viên. Từ khi Rita Abrams ra sân bay Teterboro và đáp máy bay qua Peru cách đây một giờ Jaeger thay cô làm chủ nhiệm chính.
“Don, sau khi hết chương trình, chúng ta phải họp ngay nhóm đặc nhiệm”.
“Có tin mới phải không, Norm? Nóng hổi chứ?”.
“Nóng như hoả nghục! Les – vừa bảo tôi. Ở Stonehenge họ vừa nhận được đòi hỏi của bọn bắt cóc, cùng với băng video ghi hình Jessica Sloane”.