Dịch giả: Nguyễn Thành Châu & Phan Thanh Thảo
Chương 14

Vào cách xa con đường nơi chiếc Cheyenne II đã đậu, còn đường xuyên rừng trở nên khó đi, làm Partridge và mọi người đi chậm lại.
Con đường mòn, nếu có thể gọi như vậy, cỏ mọc um tùm, che kín không thấy lối đi. Để qua được những đám dây rừng rậm rì treo trước mặt, họ phải dùng dao mở lối, hy vọng sẽ thấy khoảng trống ở phía sau. Tàn lá cây cao phủ kín trên đầu, bầu trời âm u báo hiệu cơn mưa sắp tới. Nhiều thân cây rất to lồi lõm, xù xì và lá mượt. Partridge nhớ đã đọc ở đâu là có tới tám ngàn loài cây khác nhau ở Peru. Ở tầng thấp hơn, các loại tre nứa, dương xỉ, dây leo và tầm gửi đan chằng chịt khắp nơi, tạo thành cái mà trong tài liệu anh đọc mô tả là “địa ngục màu xanh”.
Từ “địa ngục” thật thích hợp với hôm nay, vì cả bốn người đang phải chịu đựng cái nóng hầm hập như trong nồi hầm. Mồ hôi tuôn ra khắp người, và tệ hại hơn nữa là đám côn trùng, sâu bọ. Lúc đầu họ xoa thuốc chống muỗi khắp người, vừa đi lại vừa bôi thêm nhưng như O’Hara mô tả: “Lũ quỷ nhỏ này hình như thích thứ thuốc này hay sao ấy”.
Rất may là khi họ lại tìm thấy đường mòn, ở nhiều nơi tán lá ken dầy trên đầu làm cho cây cỏ đỡ rậm rạp, và vì thế họ đi cũng dễ dàng hơn. Rõ ràng không có con đường mòn này thì không thể đi được.
“Lối này chẳng mấy ai đi”, Fernandez nói. “chính thế mà lại hoá hay”.
Mục tiêu của họ là Nueva Esperanza, nhưng họ sẽ ở xa phía ngoài, tìm một vị trí cao hơn để từ đó, náu kín trong rừng, họ sẽ quan sát làng đó chủ yếu là vào ban ngày. Rồi tuỳ tình hình cụ thể họ sẽ tính toán kế hoạch hành động.
Toàn bộ khu vực rộng khoảng hơn một trăm dặm vuông, từ chỗ con sông Huallaga chảy qua, là rừng rậm xen lẫn vùng đồng bằng mấp mô. Song trên tấm bản đồ, đường mức tỷ lệ lớn Fernandez mang theo cho thấy gần mục tiêu của họ có mấy ngọn đồi, một ngọn có thể dùng làm đài quan sát. Từ chỗ họ đến Nueva Esperanza khoảng chín dặm, một khoảng cách có thể vượt qua trong điều kiện như thế này.
Một điều Partridge còn nhớ là thông báo thứ hai của Jessica trong cuốn băng ghi hình. Như Crawford Sloane viết trong thư dán kín mà Rita cầm tay sang Peru cho anh, Jessica đã gãi tai trái, có nghĩa là: việc canh phòng ở đây đôi khi lỏng lẻo. Từ ngoài tấn công vào có thể thành công. Không lâu nữa, sẽ biết thông tin đó chính xác hay không.
Còn lúc này, họ vẫn đang vật lộn với rừng rậm.
Mãi xế chiều hôm ấy, khi mọi người đã gần kiệt sức, Fernandez mới báo là có thể đã gần đến Nueva Esperanza. “Tôi nghĩ chúng ta đã đi được khoảng bảy dặm”, anh ta nói, rồi dè chừng trước: “Không được để ai thấy chúng ta. Nếu nghe có người tới, chúng ta lập tức phải tản vào rừng”.
Nhìn đám cây rậm đầy gai góc hai bên lối mòn, Minh Văn Cảnh nói: “Anh nói chí phải, nhưng hy vọng chúng ta không phải làm thế”.
Ngay sau lúc Fernandez nói, đường trở nên dễ đi hơn và có nhiều lối mòn khác cắt ngang lối họ. Fernandez giải thích rằng toàn bộ vùng đồi dốc này là vùng trồng côca, mà vào lúc khác trong năm, hoạt động nhộn nhịp. Trong mùa trồng côca, khoảng từ bốn đến sáu tháng, cây côca ít cần phải chăm nom; vì thế, người trồng phần lớn sống ở nơi khác, đến vụ thu hoạch mới đến trở lại và ở trong nữhng lán tren đồi.
Dùng bản đồ và địa bàn, Fernandez tiếp tục dẫn đường cho ba người kia, đồng thời họ biết là đang leo ngược đường đồi vì bước đi phải mất nhiều sức hơn. Một tiếng sau, họ tới một khoảng đồi trống và nhìn thấy một chiếc lán trong đám cây rừng.
Tới lúc này Partridge thấy rõ Fernandez biết vùng này rõ hơn anh ta thừa nhận trước đây. Khi được hỏi, anh ta thú nhận: “Trước đây tôi đã đến đây nhiều lần”.
Partridge nén tiếng thở dài. Có phải Fernandez cũng là một người trong đám người có vẻ đàng hoàng song lại kiếm lời một cách ranh ma, vụng trộm trong nghề buôn bán ma tuý ở đâu cũng gặp này không? Mỹ Latinh, đặc biệt là Caribe đầy những kẻ vờ vĩnh loại này; rất nhiều người trong số đó ở những chức vụ cao.
Như đoán được điều anh đang nghĩ, Fernandez nói thêm. “Một lần tôi tới đây dự cuộc “đi săn” mà chính phủ nước tôi tiến hành theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao nước ông. Có một vị khách, tôi nghĩ là ông Bộ trưởng Bộ tư pháp và các phương tiện thông tin báo chí cũng được đưa đến. Tôi là một người trong số đó”.
Mặc dù có ý nghĩ lúc trước, Partridge bất giác mỉm cười trước cái từ “đi săn” mà anh ta dùng. Các phóng viên dùng từ đó với ý miệt thị khi chính phủ một nước dàn dựng cảnh chống ma tuý để gây ấn tượng với phái đoàn Mỹ đang ở thăm nước đó. Partridge có thể hình dung ra cảnh đó ở đây; quân đội do máy bay trực thăng chở tới “đột nhập” khu vực này, nhổ và đốt một vài mẫu cây côca, và dùng thốc nổ phá huỷ một hai xưởng chế biến. Các vị khách sẽ ca ngợi cố gắng chống ma tuý của của chính nước chủ nhà, vì không biết hoặc giả bộ không biết việc hàng ngàn mẫu côca và hàng chục xưởng chế biến gần đó vẫn không hề bị đụng đến.
Ngày hôm sau, ảnh các vị khách xuất hiện trên báo chí, cùng những lời tuyên bố của họ; sau đó đến lượt truyền hình lặp lại. Các phóng viên, tuy biết mình đang dự một trò đánh đố, nhưng không bỏ qua được vì những người khác cũng đang ghi ghi chép chép, nên đành vuốt bụng mà nuốt cho trôi.
Chuyện đó đã xảy ra ở Peru, một nước chẳng phải độc tài hay cộng sản, nhưng Partridge nghĩ không lâu nữa nó sẽ là một trong hai loại ấy.
Fernandez kiểm tra khoảng trống họ vừa tới, kể cả chiếc làn, hài lòng thấy không có ai ở đó. Sau đó anh ta lại dẫn mọi người theo hướng nam vào rừng. Mới đi được một đoạn, Fernandez ra hiệu cho mọi người dừng lại. Lát sau, anh rẽ đám dương xỉ và vẫy mọi người lại nhìn. Từng người một tới coi, thấy một số ngôi nhà xiêu vẹo cách chỗ họ đứng chừng nửa dặm và thấp hơn khoảng hai trăm phít. Có khoảng hơn hai chục túp lều trên bờ sông. Một con đường lầy lội chạy từ các ngôi nhà ra bến sông bằng gỗ xù xì neo mấy chiếc thuyền đủ loại chắp vá.
Partridge nói nhỏ: “Mọi người giỏi thật”. Rồi anh nói thêm, giọng vui vẻ: “Tôi nghĩ chúng ta đã tìm thấy Nueva Esperanza”.

*

Trên đường đi, Partridge trao cho Fernandez quyền dẫn đường, nhưng tới lúc này anh trở lại nắm quyền chỉ huy.
“Chả mấy lúc nữa là trời tối”, anh nói với mọi người. Mặt trời đã xuống gần đường chân trời; chuyến đi kéo dài hơn họ tưởng rất nhiều. “Tôi muốn quan sát được càng nhiều càng tốt trước khi trời tối. Minh, hãy mang ống nhòm tới đây với tôi. Fernandez và Ken đứng cảnh giới, một anh canh chừng, đề phòng có người phía sau tới. Tuỳ hai anh phân công nhau, nếu có người báo tôi ngay”.
Gần tới vạt rừng mà từ phía dưới không nhìn thấy họ, Partridge nằm xuống, bò, mang theo chiếc ống nhòm, Minh cũng làm theo, đang bò cạnh anh. Họ dừng lại khi đã nhìn rõ phía dưới, người khuất sau lùm cây.
Partridge từ từ giương ống nhòm quan sát khu bên dưới.
Không thấy động tĩnh gì. Ngoài bến sông, hai người đàn ông đang tháo động cơ gắn ở sau thuyền. Một phụ nữ đem đổ một chậu rác ở sau túp nhà rồi lại trở vào. Một người từ trong rừng đi về phía một nhà khác và mở của vào. Hai con chó gầy giơ xương đang bới tìm ăn trong đống rác. Rác rưởi quăng lung tung khắp nơi. Nhìn chung Nueva Esperanza có vẻ là một khu ổ chuột trong vùng rừng rậm.
Partridge chiếu ống nhòm quan sát từng nhà một, mỗi nhà mấy phút. Có thể các con tin đang bị giam giữ trong những ngôi nhà đó, nhưng không biết rõ là ở nhà nào. Anh nghĩ rõ ràng cần phải quan sát hẳn một ngày, nên không thể ngay đêm nay vào cứu mấy người và đưa đi bằng máy bay vào sáng ngày mai. Anh nằm im, chờ đợi và quan sát trong khi trời tối hẳn.
Ở xứ nhiệt đới bao giờ cũng vậy, trời sập tối ngay khi mặt trời lặn. Ánh đèn leo lét xuất hiện trong các nhà, xoá đi dấu vết còn lại của một ngày. Bỏ ống nhòm xuống, Partridge giụi mắt đang mỏi căng sau hơn một giờ tập trung quan sát phía dưới. Anh tin là hôm nay họ không thể thấy gì thêm.
Đúng lúc đó, Minh kéo tay anh, chỉ về phía những túp nhà bên dưới. Partridge lại đưa ông nhòm lên quian sát. Lập tức anh trông thấy trong ánh sáng lờ mờ, bóng một người đàn ông đi về phía cuối đường giữa hai dãy nhà, có vẻ đi làm một việc gì đó có định trước. Có cái gì đó khang khác, Partridge căng mắt nhìn và đã nhận ra. Người kia đang đeo trên vai khẩu súng trường. Cả Partridge và Minh tiếp tục dùng ống nhòm theo dõi.
Cách xa các ngôi nhà khác là một túp nhà nhỏ trơ trọi. Trước đó, Partridge cũng đã thấy nó nhưng không chú ý vì chẳng có gì đặc biệt. Lúc này, gã đàn ông đã tới và vào trong ngôi nhà. Tường trước ngôi nhà có một chỗ hổng, hắt ra ánh đèn mừ mờ.
Họ vẫn tiếp tục quan sát đến mấy phút nhưng không thấy gì. Rồi từ trong nhà đó, bóng một người khác bước ra. Ngay cả trong ánh đèn mờ, họ cũng thấy rõ hai điều: đây là một gã đàn ông khác, và gã này cũng mang súng.
Partridge hồi hộp tự hỏi có phải họ vừa chứng kiến việc đổi gác tù hay không? Cần phải xác minh thêm, nên họ sẽ phải tiếp tục theo dõi. Song rất có thể là túp nhà đứng trơ trọi kia chính là nơi Jessica và Nicky đang bị giam giữ.
Anh cố không nghĩ tới khả năng là cho tới một hai hôm trước, Angus Sloane cũng bị giam ở đấy.

*

Mấy giờ trôi qua.
Partridge bảo mọi người: “Chúng ta cần phải biết các hoạt động ban đêm ở Nueva Esperanza thế nào, trong bao lâu và khi nào các nhà tắt đèn đi ngủ. Tôi muốn ghi lại tất cả những cái đó”.
Theo yêu cầu của Partridge, một mình Minh tiếp tục ở lại chờ quan sát một giờ nữa, sau đó Ken O’Hara sẽ đến thay anh ta.
“Mọi người cố mà nghỉ ngơi”, Partridge ra lệnh. “Nhưng phải luôn có người ở vị trí quan sát và cảnh giới, tức là chỉ có hai người có thể ngủ một lượt”. Sau khi trao đổi, họ quyết định sẽ đổi gác cho nhau hai tiếng một lần.
Trước đó, Fernandez đã buộc võng, mắc màn trong túp lều họ tìm thấy khi mới đến. Nằm võng cũng chẳng thoải mái gì, song sau một ngày mệt rã rời, chẳng ai để ý và đều lăn ra ngủ. Đêm ấy, khi trời đổ mưa to, mái lều dột, mọi người càng thấy việc mang theo ni lông là đúng. Fernandez khéo léo phủ kín võng, nên những người đang ngủ không bị ướt. Những người ở ngoài co ro trong tấm ni lông; hơn nửa tiếng sau cơn mưa mới tạnh.
Ăn uống cũng không thành vấn đề. Mỗi người tự lo đồ ăn thức uống, nhưng tất cả đều biết rằng phải dè xẻn đồ ăn khô. Số nước mang theo từ Lima hôm trước đã uống hết, nên mấy tiếng trước đó, Fernandez đã lấy nước suối vào đầy các chai và cho thuốc khử trùng vào. Anh đã báo trước là hầu như nước ở đây đều bị ô nhiễm vì hoá chất mà các nhà chế biến ma tuý sử dụng. Nước trong chai có vị rất kinh, nên mọi người chỉ uống rất ít.
Rạng sáng hôm sau, Partridge đã có câu trả lời cho những vấn đề có liên quan đến các hoạt động về đêm ở Nueva Esperanza; không có gì nhiều ngoài tiếng ghi ta trong cơn say từ nhà vọng ra. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng ba tiếng rưỡi từ khi trời tối. Đến một rưỡi sáng, cả làng im lìm và tối đen.
Cứ cho giả thiết của Partridge về tụi gác và nơi giam con tin là đúng, họ vẫn vần biết bao lâu chúng đổi gác một lần, và vào lúc nào. Cho tới sáng, họ vẫn chưa biết được điều đó. Có thể, chúng thay gác lúc nào đó trong đêm, song họ đã không nhận thấy.
Việc theo dõi tiếp tục cả ngày hôm sau.
Việc cảnh giới và cử người theo dõi vẫn được duy trì; ngay cả ban ngày, võng vẫn được mắc cho người không phải làm nhiệm vụ. Mọi người đều tranh thủ nằm nghỉ trên võng, hiểu rằng họ cần phải giữ sức cho những việc về sau.
Buổi chiều, đến lượt nằm nghỉ trên võng, Partridge trầm ngâm suy nghĩ về những gì anh và mọi người đang làm, mơ màng tự hỏi: Tất cả chuyện này là thực ư? Một lực lượng nhỏ, không chuyên như thế này mà định tiến hành cứu con tin sao? Chỉ vài giờ nữa chứ không hơn, họ sẽ phải lao vào chém giết hoặc bị giết. Như thế có phải là điên rồ không? Giống như câu trong Macbeth: “…cơn sốt thất thường của cuộc đời…”.
Anh là một phóng viên chuyên nghiệp, đúng không? Một phóng viên truyền hình, người theo dõi đưa tin chiến tranh và xung đột, chứ không phải là kẻ trong cuộc. Thế mà bỗng nhiên, tự anh quyết định trở thành một kẻ phiêu lưu, một lính đánh thuê, một kẻ đóng vai người lính. Liệu việc đổi vai như vậy có phải lẽ không?
Dù câu trả lời là thế nào, vẫn có một câu hỏi khác. Nếu anh, Harry Partridge không làm được những gì cần làm ở đây, vào lúc này, thì ai sẽ làm được?
Rồi nữa: một phóng viên đưa tin chiến tranh, nhất là phóng viên truyền hình luôn gần kề với bạo lực, chấn thương, trọng thương và chết đột ngột. Anh ta, hoặc chị ta luôn sống trong nguy hiểm, chia sẻ, nhiều khi chịu đựng nguy hiểm, để rồi đêm đêm đưa chúng đến các phòng ở gọn gàng, sạch sẽ của các gia đình trong các thành phố của nước Mỹ, nơi chúng chỉ còn là những hình ảnh trên màn hình, và vì vậy, không còn nguy hiểm đối với người xem.
Thế nhưng, những hình ảnh ấy ngày càng trở nên nguy hiểm, ngày càng gần hơn, cả về thời gian lẫn không gian, và chẳng bao lâu sẽ không chỉ là những hình ảnh trên tuyền hình, mà trở thành một thực tế phũ phàng trong các thành phố và đường phố Mỹ, nơi tội ác đã mò tới. Giờ đây, bạo lực và khủng bố trong cái nửa thế giới bị thiệt thòi, bị chia rẽ và bị chiến tranh tàn phá ấy đã đến gần, ngày càng gần nước Mỹ hơn.
Đó là điều không tranh khỏi, là điều các học giả quốc tế đã tiên liệu từ lâu.
Học thuyết Monroe, đã từng được coi là lá bù hộ mệnh của Mỹ không còn thiêng nữa; bây giờ ít người còn nói tới học thuyết ấy. Việc bọn tay chân của nước ngoài bắt cóc người nhà Sloane ngay tại nước Mỹ cho thấy khủng bố quốc tế đã lan tới nơi này. Rồi sẽ còn nhiều, rất nhiều vụ đánh bom khủng bố, bắt cóc con tin, bắn giết trên đường phố. Bi kịch là ở chỗ không có cách nào tránh được điều ấy. Và bi kịch không kém, dù thích hay không cũng vậy, là rất nhiều người không phải trong cuộc chẳng bao lâu cũng phải dính vào.
Vì vậy vào lúc này, Partridge nghĩ, việc anh và ba người kia tham gia vào vụ này không phải là không thực. Anh ngờ rằng nhất là Minh sẽ không thấy gì mâu thuẫn trong tình huống này. Minh, người đã trải qua và sống sót trong cuộc chiến tranh chia rẽ khủng khiếp ngay trên đất nước của anh ta, sẽ chấp nhận việc họ hiện đang làm dễ dàng hơn những người khác.
Trùm lên tất cả những suy nghĩ ấy của anh, và theo một cách rất riêng tư, là hình ảnh Jessica. Jessica có lẽ đang gần kề bên anh, đâu đó trong túp nhà kia. Trong tâm trí của anh, những kỷ niệm và tính cách của Jessica-Gemma hoà trộn với nhau.
Sau đó… anh thấy thoàn thân trã rời… và ngủ thiếp đi.
Tỉnh dậy trước khi đến lượt ra nơi quan sát khoảng mười lăm phút, anh nhảy khỏi võng và ra ngoài kiểm tra tình hình chung.
Vẫn như lúc trước, người cảnh giới không thấy có gì cần phải báo động. Tuy nhiên, nơi quan sát đã có được những thông tin và nhận định cụ thể:
Một người mang súng trường đến thay cho người kia ở đúng nơi mà họ thấy tối hôm trước. Như vậy có thể là mấy người đang bị giam giữ trong ngôi nhà đứng tách biệt những nhà khác ấy. Có lẽ cứ bốn giờ đổi gác một lần, nhưng vào lúc nào thì chưa biết chính xác. Việc thay gác có khi chậm đến hai mươi phút, và Partridge tin rằng điều đó cho thấy bọn gác cũng làm cho qua chuyện, xác minh điều Jessica bảo: việc canh gác ở đây đôi khi lỏng lẻo.
Buổi sáng có một phụ nữ đến chỗ mà họ cho là nơi giam giữ các con tin hai lần, mang theo những thứ có lẽ trong đựng đồ ăn. Cũng chính người đem đồ ăn tới này lại ra khỏi nhà hai lần, mang bô đổ vào rừng.
Trong làng, chỉ có căn nhà nói trên là có gác hoặc trạm gác.
Tuy bọn gác được trang bị súng trường tự động, song trông chúng không có vẻ là lính, hoặc đã được huấn luyện quy củ.
Ban ngày, việc ra vào Nueva Esperanza đều bằng thuyền. Không thấy đường ô tô. Các động cơ gắn ở thuyền hình như không có khoá; vì vậy, nếu thoát ra bằng đường sông, có thể dễ dàng lấy trộm được thuyền. Mặt khác, còn rất nhiều thuyền mà chúng có thể dùng để đuổi theo chiếc bị mất. Rất thạo thuyền, Ken O’Hara xác định được ngay những thuyền tốt nhất.
Những người quan sát đều có cảm giác, mới chỉ là cảm giác, bọn đang bị họ theo dõi có vẻ ung dung, chứng tỏ chúng không nghĩ người ngoài có thể đột nhập vào được. “Nếu không”, Fernandez vạch rõ, “chúng đã tổ chức tuần tra khu vực xung quanh, kể cả ở đây, để tìm những người như chúng ta”.
Chập tối, Partridge gọi ba người kia lại và bảo: “Chúng ta quan sát như vậy là đủ. Tôi nay chúng ta sẽ vào làng”.
Anh bảo Fernandez: “Anh sẽ dẫn đường. Tôi muốn đến được căn nhà đó vào lúc hai giờ sáng. Dọc đường mọi người phải giữ im lặng. Nếu muốn báo cho nhau cái gì phải nói thầm”.
Minh hỏi: “Anh có phân nhiệm vụ chiến đấu không, Harry?”.
“Có”, Partridge trả lời. “Tôi sẽ vào gần xem xét, rồi lọt vào nhà trước. Tôi muốn anh Minh theo sát bảo vệ phía sau cho tôi. Fernandez ở ngoài theo dõi các nhà xem có ai ra không, rồi nhập bọn chúng tôi khi cần”.
Fernandez gật đầu.
Quay sang phía O’Hara, Partridge bảo: “Ken, anh ra thẳng bến sông. Tôi đã quyết định chúng ta thoát ra bằng thuyền. Tôi không biết tình trạnh sức khoẻ của Jessica và Nicky hiện giờ ra sao, song có thể họ không đủ sức cho chuyến đi như lúc ta tới”.
“Hiểu rồi”, O’Hara bảo. “Tôi nghĩ anh muốn tôi kiếm một hiếc thuyền”.
“Đúng, và nếu có thể được, anh hãy phá hỏnng những chiếc khác. Nhưng nhớ là đừng gây tiếng động”.
“Nhưng khi nổ máy sẽ có tiếng ồn…”. “Không”, Partridge nói. “chúng ta sẽ phải bơi thuyền ra giữa sông, rồi để thuyền trôi xuôi. Rất may sông chảy đúng theo hướng ta đi. Khi thuyền đã cách xa làng mới nổ máy”.
Ngay cả trong lúc đang nói, Partridge cũng biết đó là trong trường hợp mọi chuyện đều trôi chảy. Nếu không, họ sẽ phải tìm mọi cách xử lý các tình huống ngay tại chỗ, kể cả sử dụng vũ khí.
Nhớ đến việc hẹn hãng Aerolibertad cho máy bay tới đón vào lúc tám giờ sáng, Fernandez hỏi: “Anh đã quyết định máy bay sẽ tới đón ở đâu chưa, ở Sion hay chỗ khác?”.
“Khi đi thuyền tôi sẽ chọn, tuỳ thuộc vào kết quả ta làm và có bao nhiêu thời gian”.
Việc cần làm lúc này, Partridge kết luận, là kiểm tra vũ khí, bỏ bớt các trang bị không cần thiết cho gọn nhẹ và có thể đi được nhanh.
Mọi người đều cảm thấy xen lẫn nỗi lo âu.