Dịch giả: Phan Đan và Phan Linh Lan
- 6 -
MỒNG SÁU THÁNG TƯ, NĂM 1928

Đã là điếm thì suốt đời vẫn là điếm, tôi đã bảo mà. Tôi nói mẹ mới phải lo về chuyện nó trốn học đi chơi là còn may đấy. Tôi nói  bây giờ lẽ ra nó phải ở dưới bếp, thay vì cứ ở lì trên phòng, bôi son trát phấn lên mặt, chờ sáu thằng mọi đen không sao đứng dậy nổi khỏi ghế trước khi có được một chảo đầy bánh với thịt để lấy lại thăng bằng mà dọn bữa ăn sáng cho nó.
"Nhưng để cho các ông giám hiệu ở trường nghĩ là mẹ không dạy nổi nó, rằng mẹ không thể".
"Phải" tôi nói "thì đúng là mẹ không thể, phải không nào? Mẹ chưa bao giờ cố dạy bảo nó một điều gì" tôi nói. "Đến lúc đã quá muộn, nó mười bảy tuổi rồi mẹ mới bắt đầu thì còn mong gì?"
Bà ngẫm nghĩ một lúc.
"Nhưng để họ nghĩ là…thậm chí mẹ không biết nó có phiếu liên lạc của nhà trường. Từ mùa thu năm ngoái nó đã bảo mẹ rằng năm nay họ bỏ không dùng phiếu ấy nữa. Bây giờ bỗng nhiên giáo sư Jurkin gọi điện thoại cho mẹ bảo rằng nếu còn trốn học một lần nữa nó sẽ bị đuổi học. Làm thế nào mà nó ra nông nỗi này cơ chứ? nó đi đâu vậy? suốt ngày con ở dưới phố, lẽ ra con phải thấy nó la cà ngoài đường chứ?"
"Phải" tôi nói "nếu nó la cà ngoài đường. Tôi nghĩ là nó trốn học chẳng phải để làm những việc mà nó có thể làm công khai trước thiên hạ đâu".
"Con nói thế nghĩa là sao?" mẹ nói.
"Chẳng nghĩa là gì hết" tôi nói "Mẹ hỏi thì tôi trả lời thôi". Rồi bà lại bắt đầu khóc, kể lể rằng bây giờ chính máu thịt của bà lại gây chuyện làm bà điêu đứng.
"Mẹ hỏi tôi mà" tôi nói.
"Mẹ không bảo con" bà nói. "Con là đứa duy nhất không làm mẹ thấy hổ nhục".
"Hẳn rồi" tôi nói "Vì tôi không có thì giờ đấy thôi. Tôi chẳng có thì giờ để đi Harvard như Quentin hay uống say đến ngã xuống huyệt như bố. Tôi phải làm việc. Nhưng dĩ nhiên nếu mẹ muốn tôi theo dõi nó xem nó làm gì thì tôi có thể bỏ việc ở cửa hiệu và kiếm một chỗ làm đêm. Như thế tôi có thể trông chừng nó ban ngày, còn ban đêm mẹ sai thằng Ben".
"Mẹ biết mẹ chỉ là gánh nặng cho con" bà nói, úp mặt vào gối khóc.
"Tôi biết rồi" tôi nói "Mẹ nói mỗi câu ấy suốt ba chục năm nay. Bây giờ đến cả thằng Ben nó cũng biết. Mẹ có muốn tôi nói chuyện với nó không?"
"Con nói liệu có ích gì không?" bà nói.
"Nếu mẹ cứ xuống nhà nói xen vào đúng lúc tôi vừa mở miệng thì chẳng ích gì cả" tôi nói. "Nếu mẹ muốn tôi coi chừng nó thì mẹ chỉ việc nói thế, và đừng có dây vào. Cứ mỗi lần tôi thử dạy dỗ nó là mẹ lại phá ngang để nó cười vào mặt cả mẹ lẫn tôi".
"Nó cũng là máu mủ ruột thịt với con mà" bà nói.
"Hẳn rồi " tôi nói. "chính đấy là điều tôi đang nghĩ tới – ruột thịt. Và cả một chút máu nữa, nếu tôi làm được theo ý mình. Khi người ta đã hành động như bọn mọi đen thì dù là gì, cũng chỉ có một cách là phải trị thẳng tay với bọn mọi đen".
"Mẹ sợ con nổi nóng với nó" bà nói.
"Phải" tôi nói "cái lối giáo dục của mẹ chẳng đi đến đâu. Mẹ có muốn tôi dạy nó hay không nào? Có hay không thì mẹ nói, để tôi còn đi làm".
"Mẹ biết con phải làm quần quật như nô lệ cả đời cũng vì gia đình" bà nói. "Con cũng biết nếu mẹ có quyền, con đã có hãng riêng để làm chủ như một người họ Bascomb. Bởi vì con đúng là người họ Bascomb, chỉ trừ cái tên. Mẹ biết, giá như bố con biết nhìn xa trông rộng".
"Phải" tôi nói. "Tôi nghĩ thỉnh thoảng ông cũng có quyền lầm lẫn như người khác, ngay như nhà Smith hay nhà Brown ấy". Bà lại bắt đầu khóc.
"Lại phải nghe con mỉa mai cay độc người cha đã khuất của con" bà nói.
"Thôi" tôi nói "được rồi. Mẹ cứ làm theo ý mẹ. Nhưng vì tôi không phải là ông chủ hãng, nên tôi phải xoay sở với những gì tôi có thôi. Mẹ có muốn tôi nói chuyện với nó không?"
"Mẹ sợ con nổi nóng với nó" bà nói.
"Được rồi" tôi nói "vậy thì tôi sẽ không nói gì hết".
"Nhưng phải làm một cái gì chứ" bà nói. "Để người ta nghĩ là mẹ cho phép nó bỏ học đi lêu lổng ngoài phố, hay là mẹ không dạy nổi nó, Jason…Jason" bà nói "sao con đành? Sao con đành lòng bỏ mặc gánh nặng này cho mẹ?"
"Nào, nào" tôi nói "mẹ sắp tự làm mình phát ốm lên bây giờ. Sao mẹ không khoá trái nó ở nhà cả ngày, hoặc là giao hắn nó cho tôi, khỏi cần lo lắng gì về nó nữa?"
"Máu mủ của mẹ mà" bà vừa khóc vừa nói. Nên tôi nói "Thôi được. Tôi sẽ trông chừng nó. Giờ mẹ đừng có khóc nữa".
"Con đừng nổi nóng" bà nói. "Nó còn con nít mà".
"Không" tôi nói "tôi sẽ không nóng". Tôi đi ra, đóng cửa lại.
"Jason" bà nói. Tôi không đáp. Tôi đi xuôi hành lang."Jason" bà nói sau cánh cửa. Tôi tiếp tục xuống cầu thang. Không có ai trong phòng ăn, rồi tôi nghe tiếng nó trong bếp. Nó đang cố nài nỉ Dilsey thêm một tách cà phê nữa. Tôi bước vào.
"Chắc đây là đồng phục đến trường của mày, phải không?" tôi nói. "Hay hôm nay là ngày nghỉ?"
"Chỉ nửa tách thôi vậy, Dilsey" nó nói. "Nào!"
"Không là không" Dilsey nói. "Tôi không cho cô nữa. Cô làm gì mà đòi uống hơn một tách, con giá mới mười lăm tuổi đầu. Cuối cùng nói đến những điều bà Cahline dặn. Cô lên gác thay đồ ngay đi để còn nhớ xe cậu Jason. Cô lại sắp trễ giờ học nữa bây giờ".
"Không, sẽ không muộn đâu" tôi nói. "Chúng tôi sẽ giải quyết việc đó ngay bây giờ". Nó nhìn tôi, tay vẫn cầm cái tách. Nó hất mớ tóc xoã xuống mặt ra đàng sau, cái áo kimono trật khỏi vai. "Mày để cái tách xuống rồi vào đây một lúc đã" tôi nói.
"Để làm gì?" nó nói.
"Nào!" tôi nói "Bỏ tách vào bồn rồi vào đây!"
"Jason, cậu định làm gì vậy?" Dilsey nói.
"Mày tưởng mày có thể qua mặt tao như mày qua mặt bà ngoại và mọi người chắc?" tôi nói. "Nhưng mày sẽ thấy. Tao cho mày mười giây để bỏ cái tách xuống như tao đã bảo".
Nó không nhìn tôi nữa. Nó quay sang Dilsey "Mấy giờ rồi, Dilsey?" nó nói. "Khi nào hết mười giây, cậu huýt sáo cho tôi biết. Chỉ nửa tách thôi mà, Dilsey, nào!"
Tôi tóm cánh tay nó. Nó để rơi cái tách. Tách vỡ tan và nó đứng lại nhìn tôi, nhưng tôi giữ chặt tay nó. Dilsey đứng lên khỏi ghế.
"Cậu Jason" bà nói.
"Cậu buông tôi ra" Quentin nói "Không tôi tát cho bây giờ".
"Mày tát hả?" tôi nói "Mày tát hả?" Nó vung tay tát tôi. Tôi tóm lấy tay nó và giữ chặt như giữ con mèo hoang. "Mày tát hả?" tôi nói. "Mày dám thế à?"
"Cậu Jason!" Dilsey nói. Tôi lôi nó vào phòng ăn. Chiếc áo kimono tuột hẳn ra lùng nhùng quanh người nó, mẹ kiếp, gần như trần truồng. Dilsey khập khiễng chạy theo. Tôi quay lại sập cánh cửa ngay trước mũi bà.
"Mammy tránh ra" tôi nói.
Quentin đứng dựa vào  bàn, thắt lại dây áo kimono. Tôi nhìn nó.
"Bây giờ" tôi nói "tao muốn biết mày định giở trò gì, trốn học đi chơi, nói dối, giả mạo chữ ký của bà, làm bà lo đến phát ốm. Mày định giở trò gì?"
Nó chẳng nói câu nào. Nó kéo áo đến tận cằm, quấn chặt quanh người, mắt vẫn nhìn tôi. Nó chưa kịp tô mặt vẽ mày và mặt nó trông như vừa được đánh bóng bằng giẻ và mỡ bò. Tôi lại gần túm cổ tay nó. "Mày định giở trò gì?"
"Việc gì đến cậu?" nó nói. "Cậu bỏ tôi ra".
Dilsey vào phòng. "Cậu Jason" bà nói.
"Mammy ra ngoài kia, tôi đã bảo mà" tôi nói, không buồn quay lại nhìn. "Tao muốn biết mày đi đâu lúc mày trốn học" tôi nói. "Mày không ở dưới phố, nếu có thì tao đã thấy. Mày đi với đứa nào? Mày lại vào rừng với một thằng khốn kiếp đầu láng bóng phải không? Phải mày tới đó không?"
"Cậu – đồ chết tiệt!" nó nói. Nó vùng ra, nhưng tôi giữ chặt nó. "Lão già chết tiệt!" nó nói.
"Tao sẽ cho mày thấy" tôi nói. "Mày có thể làm một bà già sợ cuống lên, nhưng tao sẽ cho mày thấy ai đang nắm đầu mày". Tôi giữ nó bằng một tay, rồi nó không vùng vẫy nữa và nhìn tôi, mắt nó trợn trừng và đen láy.
"Cậu định làm gì nào?"
"Mày cứ đợi tao rút cái thắt lưng này ra thì biết" tôi nói rồi rút thắt lưng ra. Rồi Dilsey giữ chặt tay tôi.
"Jason" bà nói. "Cậu Jason! Cậu không biết xấu hổ à?"
"Dilsey!" Quentin nói. "Dilsey!"
"Tôi không để cậu ấy làm thế đâu" Dilsey nói. "Đừng lo, cưng ạ!" Bà đeo dính vào cánh tay tôi. Rồi sợi dây lưng tuột ra và tôi giật tay hất văng bà. Bà ngã nhào vào cái bàn. Bà đã già quá rồi chẳng còn làm được gì ngoài việc nặng nề đi lại trong nhà. Nhưng thôi cũng được. Chúng tôi cũng cần có người ở dưới bếp để thanh toán những món mà bọn trẻ không còn ních vào bụng được nữa. Bà tập tễnh chen vào giữa chúng tôi, cố giữ tay tôi. "Đánh tôi đây này" bà nói, "nếu chỉ có đánh người khác mới làm cậu hả dạ. Đánh tôi đi!"
"Mammy tưởng tôi không dám à?"
"Tôi cũng biết là cậu ac đến thế mà" bà nói. Rồi tôi nghe tiếng mẹ trên cầu thang. Lẽ ra tôi phải biết rằng bà sẽ không để mặc chuyện này được. Tôi buông tay. Nó ngã dập người vào tường, tay giữ chặt áo kimono.
"Thôi được" tôi nói. "Cứ tạm gác chuyện này lại đã. Nhưng đừng tưởng mày có thể qua mặt tao. Tao không phải một bà già, cũng không phải một mụ da đen đã một chân dưới huyệt. Đồ ranh con chết tiệt!" tôi nói.
"Dilsey!" nó nói. "Dilsey, mẹ tôi đâu?"
Dilsey lại gần nó. "Thôi nào" bà nói. "Còn tôi đây thì cậu ấy chả dám động đến cô đâu." Mẹ xuống thang.
"Jason" bà nói. "Dilsey".
"Nào, nào" Dilsey nói "tôi không để cậu ấy đánh cô đâu." Bà đặt tay lên Quentin. Nó hất tay bà ra.
"Đồ mọi đen già" nói nói. Nó chạy ra cửa.
"Dilsey" mẹ nói trên cầu thang, Quentin chạy lên gần ngang qua bà. "Quentin" bà nói "Quentin". Quentin vẫn chạy. Tôi nghe thấy tiếng nó khi nó tới đầu cầu thang, rồi trong hành lang. Rồi cửa đóng sầm lại.
Mẹ dừng bước, rồi mẹ đi xuống bếp. "Dilsey" bà nói.
"Vâng, vâng" Dilsey nói "tôi lên ngay. Cậu đi lấy xe đợi ngoài kia" bà nói "để còn đưa nó tới trường chứ".
"Đừng lo" tôi nói "Tôi sẽ đưa nó đến trường và canh chừng nó ở đó. Tôi đã bắt tay vào là sẽ làm đến nơi đến chốn".
"Jason" mẹ nói trên cầu thang.
"Bây giờ cậu đi đi" Dilsey vừa nói vừa đi tới cửa. "Cậu lại muốn bà lên cơn bệnh nữa à? Tôi lên đây, cô Cahline".
Tôi đi ra. Tôi nghe tiếng họ trên những bậc thang. "Cô về giường nằm nghỉ đi", Dilsey nói. "Cô không biết là cô cuối cùng đủ sức để đứng dậy à? Về giường đi. Tôi sẽ bắt nó đi học đúng giờ".
Tôi đi ra sau nhà, cho xe lùi, rồi phải đánh một vòng ra trước sân mới thấy chúng.
"Tao tưởng mày để cái vỏ ấy lên phía sau xe rồi chứ?" tôi nói.
"Cháu không có thì giờ" Luster nói. "Không có ai trông cậu ấy tới lúc mammy xong việc dưới bếp".
"Phải" tôi nói. "Tao nuôi một lũ mọi đen chết tiệt đầy chật cả bếp chỉ mỗi một việc là trông nom nó, thế mà chỉ thay có cái vỏ bánh xe tao cũng phải làm lấy".
"Cháu biết để cậu ấy cho ai trông" nó nói. Rồi thằng kia bắt đầu rền rĩ sướt mướt.
"Đưa nó ra đàng sau" tôi nói. "Ai khiến mày dẫn nó ra đây cho người ta nhìn?" tôi đuổi chúng đi trước khi nó bắt đầu rống lên như  bò đẻ. Chủ nhật đã quá tệ rồi, đầy sân một lũ người chẳng phải lo ăn cho sáu cái miệng da đen, chỉ mỗi việc đánh qua đánh l.ai một viên băng phiến cỡ lớn. Nó sẽ chạy tới chạy lui dọc hàng rào và rống lên mỗi lần trong thấy ai cho đến khi điều trước tiên mà tôi biết là họ sẽ bắt tôi đóng tiền golf trừ phi tôi cho chúng thắp đèn lồng mà chơi đêm, rồi mẹ và Dilsey sẽ phải tìm cho ra một cặp nắm đấm cửa bằng sứ và một cây batoong để chúng chơi. Rồi có lẽ người ta sẽ gửi tuốt cả lũ đi Jackson. Ai mà biết được, đến lúc việc ấy xảy ra, có khi chúng lại tổ chức tuần lễ Mái Nhà Xưa (Old Home Week: tuần lễ tiến hành các lễ hội cố hương của những di dân ở Mỹ) cũng nên. Tôi trở lại nhà để xe. Cái vỏ xe còn ở đó, dựa vào tường, nhưng bây giờ mà vần nó lên xe thì quả là đoạ địa ngục. Tôi lùi xe ra và đánh một vòng. Nó đứng bên lề đường. Tôi nói
"Tao biết mày chẳng mang sách vở gì hết, giả sử như đó là việc của tao thì tao cũng chỉ muốn hỏi rằng mày vứt chúng đi đâu rồi. Dĩ nhiên tao không có quyền hỏi" tôi nói "tao chỉ là thằng đã phải chi mười một đô la sáu mươi lăm xu mua sách hồi tháng Chín thôi".
"Mẹ tôi mua sách cho tôi" nói nói. "Chẳng có một xu nào tiền của cậu trên người tôi hết. Tôi thà chết đói còn hơn."
"Thế hả?" tôi nói. "Mày thử nói với bà câu ấy xem bà bảo sao. Mày chưa đến nỗi cởi truồng đấy" tôi nói "ngay cả những thứ mà mày trát lên mccòn che đậy mày nhiều hơn những thứ mày đang mặc trên người kia".
"Cậu nghĩ là cậu hay bà phải bỏ ra một xu nào để trả cho những cái đó chắc?" nó nói.
"Hỏi bà ấy" tôi nói. "Hỏi bà xem mấy tấm ngân phiếu ấy đi đâu. Tao nhớ là mày cũng thấy bà đốt nó một lần mà". Nó cũng chả buồn nghe, mặt nó bự phấn, mắt gườm gườm như mắt chó dại.
"Cậu biết tôi sẽ làm gì nếu tôi nghĩ cậu hay bà gạt bỏ một xu ra mua cái này không?" nó nói, đặt tay lên áo.
'Mày sẽ làm gì nào?" tôi nói. "Đeo thùng gỗ chắc?"
"Tôi sẽ xé tan nó và ném ra giữa đường kia kìa" nó nói. "Cậu không tin hả?"
"Hẳn là mày sẽ xé" tôi nói. "Lần nào mày chả làm thế".
"Thử xem tôi dám không" nó nói. Nó nắm cổ áo bằng cả hai tay trông như sắp xé thật.
"Mày thử xé xem" tôi nói. "Tao sẽ cho mày một trận đòn mà mày sẽ phải nhớ suốt đời".
"Thử xem tôi có làm không?" rồi tôi thấy nó thực sự cố sức, giật cái áo ra khỏi người. Lúc tôi dừng xe lại và túm được tay nó thì đã có hơn chục người quay lại nhìn. Tôi giận điên lên đến nỗi mờ cả mắt mất một lúc.
"Mày cứ làm như vậy một lần nữa thì tao sẽ khiến mày phải hối tiếc mỗi lần mày hít thở" tôi nói.
"Bây giờ tôi  cũng hối tiếc rồi" nói nói. Nó thôi, rồi mắt nó trông thật lạ lùng và tôi nghĩ bụng mày mà khóc ở trên xe, giữa đường thế này thì thế nào tao cũng quật mày. Tao sẽ dần xương mày ra. May cho nó là nó không khóc, vì vậy tôi buông tay nó và lái xe đi. Cũng may nữa là chúng tôi đang ở gần một đường hẻm nên tôi có thể chạy xe vào đó để khỏi phải qua quảng trường. Họ đã dựng lều trên khoảnh đất của Beard. Earl đã đưa tôi hai tấm vé xem hát. Nó ngồi quay mặt đi, cắn cắn môi. "Bây giờ thì tôi cũng đã hối tiếc" nó nói "Tôi không hiểu mình sinh ra làm gì nữa".
"Còn tao cũng biết chí ít là có một người không hiểu tất cả những gì mà hắn biết về chuyện đó" tôi nói. Tôi dừng xe trước ngôi trường. Chuông đã reo, và đứa học trò cuối cùng vừa chạy vào. "Dẫu sao thì mày cũng đúng giờ được một lần" tôi nói. "Mày vào đi và ở lại trong đó, hay là tao phải vào  với mày?" nó ra khỏi xe và đập cửa đánh sầm. Nhớ những gì tao bảo mày đấy" tôi nói "tao đã nói là làm. Còn một lần nữa tao nghe nói mày lẩn lút đường ngang ngõ tắt với một thằng nhãi ranh chết tiệt nào đó thì liệu".
Nó quay lại khi nghe câu đó. "Tôi chẳng phải lẩn trốn ai hết" nói nói. "Tôi thách ai biết được tôi làm gì đấy".
"Ấy thế mà ai cũng biết" tôi nói. "Khắp cả tỉnh ai cũng biết mày là cái thứ gì. Nhưng tao không muốn chuyện ấy lặp lại nữa, nghe chưa? Riêng tao thì chẳng cần biết mày làm gì". Tôi nói "nhưng tao có địa vị ở cái thị trấn này, và tôi sẽ không để co bất cứ người nào trong gia đình tao xử sự như một con điếm. Mày nghe rồi chứ?"
"Tôi cóc cần" nó nói. "Tôi xấu hổ thì tôi xuống địa ngục! tôi cóc cần. Tôi thà ở địa ngục còn hơn ở bất cứ nơi nào có cái mặt cậu".
"Nếu tao còn nghe nói mày trốn học một lần nữa thì mày sẽ ước ao được xuống địa ngục ngay đấy". Nó quay đi và bước nhanh qua sân. "Một lần nữa thôi, nhớ đấy" tôi nói. Nó không nhìn lại.
Tôi phóng xe đến bưu điện lấy thư rồi quay về đỗ trước cửa hiệu. Earl nhìn tôi khi tôi bước vào. Tôi tạo cho hắn một dịp để khiển trách tôi về việc tới muộn, nhưng hắn chỉ nói:
"Máy xới đến rồi đấy. Cậu giúp già Job một tay để lắp ráp".
Tôi đi xuống phía sau, chỗ già Job đang dỡ máy ra khỏi thùng, với tốc độ khoảng ba cái đinh bù loong một giờ.
"Lẽ ra lão phải làm cho tôi mới đúng" tôi nói. "Tất cả những gã đen vô tích sự ở tỉnh này đều ăn cơm tại bếp nhà tôi".
"Tôi làm vừa ý nnnào  trả công cho tôi vào tối thứ bảy thì thôi chứ" lão nói. "Như thế tôi còn thì giờ đâu để làm vừa ý người khác nữa". Lão vặn được một cái ốc. "Bây giờ đã có ai làm nhiều, trừ phu đồn điền bông" lão nói.
"Lão nên ăn mừng vì lão không phải phu đồn điền bông để đánh vật với mấy cái máy này" tôi nói. "Không thì lão làm đến chết gục cũng chẳng ai ngăn".
"Lại chả thế à?" lão nói. "Phu đồn điền bông làm tróc da tay ấy chứ. Suốt bảy ngày trong tuần dầm mưa dãi nắng. Nhà cửa trống huếch trống hoác, lại còn phải trồng dưa hấu, thứ Bảy cũng chả nghĩa lý gì với họ".
"thứ Bảy cũng chả nghĩa lý gì  với lão" tôi nói "nếu như tôi là người trả công cho lão. Dỡ những thứ này xếp vào trong kia".
Tôi mở thư chị ấy trước và rút tờ ngân phiếu ra. Thật đúng là đàn bà. Chậm sáu ngày. Thế mà họ cứ cố làm cho đàn ông tin rằng họ cũng biết làm ăn như ai. Đàn ông mà họ tưởng mùng một là mùng sáu thì còn làm được gì nữa. Đã thế, khi ngân hàng gửi giấy báo tài khoản đến, bà cụ sẽ lại hỏi tại sao tôi không bao giờ gửi lương vào ngân hàng trước mùng sáu. Chuyện như thế đàn bà đâu có biết.
"Tôi không được biết tin tức gì về cái áo Phục sinh của Quentin. Áo nhận được rồi chứ? tôi cũng không nhận được hồi âm của hai lá thư gần đây tôi viết cho nó, mặc dù tờ ngân phiếu trong thư sau đã được lĩnh cùng với tờ trước. Nó có đau ốm gì không? Cho tôi biết ngay, nếu không tôi sẽ đến tận nơi. Cậu đã hứa sẽ cho tôi biết nó cần gì. Tôi sẽ đợi thư cậu từ nay đến mùng mười. Không, tốt nhất là cậu đánh điện cho tôi ngay. Cậu lại mở thư tôi gửi cho con bé. Tôi biết rõ điều đó như tôi ngồi trước mặt cậu vậy. Cậu phải đánh điện ngay cho tôi biết về nó theo địa chỉ này".
Lúc đó Earl bắt đầu rầy la Job nên tôi phải gạt mọi thứ sang một bên để lên dây cót cho lão già tí chút. Cái nơi này cần là nhân công da trắng. Bọn đen nhâng nháo ấy cứ phải để đói rã họng vài ba năm thì mới biết cái sướng của chúng bây giờ.
Đến khoảng mười giờ, tôi ra cửa trước. Một tay chào hàng đang đứng đó. Lúc ấy là mười giờ kém vài phút, tôi bèn mời gã đi làm vài ly Coca. Chúng tôi quay sang nói chuyện về mùa màng.
"Chả có gì bí ẩn cả" tôi nói. "Bông là một mặt hàng đầu tư. Bọn đầu cơ phỉnh nịnh nông dân để họ nai lưng ra cày cuốc cho chúng đem bông ra thị trường mua bán đổi  chác, vét túi mấy tay mơ mới vào nghề. Chứ anh nghĩ nông dân thì được cái gì ngoài việc quần quật ngoài nắng đến cháy cổ và gãy cả lưng? Những người đổ mồ hôi sôi nước mắt ngoài đồng mà kiếm đủ ăn là phúc". Tôi nói. "Được mùa cũng chẳng bõ công, còn mất mùa là đói nhăn răng. Thế thì làm để làm gì? để cho mấy thằng Do Thái miền Đông bẩn thỉu xơi tất chứ còn gì, tôi không nói mấy người theo đạo Do Thái" tôi nói. "Tg biết có những người Do Thái đàng hoàng tử tế. Có lẽ anh cũng là người như thế" tôi nói.
"Không" hắn nói "Tôi là người Mỹ".
"Đúng thế đấy" tôi nói. "Với tôi thì quyền lợi ai người nấy hưởng, dù theo tôn giáo nào đi nữa. Còn riêng tôi chẳng có thù oán gì với người Do Thái" tôi nói "chẳng qua là vấn đề chủng tộc. Anh phải công nhận là họ chẳng làm ra được cái gì. Họ chỉ bám theo những người khai phá đất mới và bán quần áo cho họ".
"Anh định nói mấy người Armenia" hắn nói "phải không? mấy tay đi mở đất đâu cần quần áo mới".
"Công nhận là thế" tôi nói. "Tôi chẳng có định kiến tôn giáo với ai".
"Chắc chắn rồi" hắn nói. "Tôi là người Mỹ. Cụ tổ tôi có lai chút maú Pháp, cứ nhìn mũi tôi thì biết. Tôi là người Mỹ chính hiệu".
"Thì tôi cũng vậy" tôi nói. "Chẳng còn mấy người như bọn mình. Những kẻ tôi vừa nói đến là những thằng chó ngồi ở tận New York mà cạo lông bọn ngốc tập tành buôn bán kia".
"Đúng thế" hắn nói. "Nghèo thì lấy gì ra mà liều. Lẽ ra phải có một đạo luật về chuyện này chứ?"
"Anh thấy tôi nói có đúng không?" tôi nói.
"Phải" hắn nói "Anh nói đúng lắm. Xem ra chỉ có nông dân là thiệt thôi".
"Tôi cũng nghĩ là tôi đúng" tôi nói. "Thật là một sự hút máu, trừ phi người ta có tay trong thông đồng với nhau mọi chuyện. Ngẫu nhiên tôi lại làm ăn chung với mấy người trong cuộc. Họ có một tay cò mồi ngoại hạng ở New York làm cố vấn. Cái cung cách kinh doanh của tôi ấy à" tôi nói "tôi không bao giờ liều những cú lớn cùng lúc. Chính mấy gã khỜ cứ tưởng cái gì mình cũng biết định vét làng với ba đô la, chỉ tổ làm mồi ngon cho chúng thôi. Chúng phất cũng chỉ nhờ có thế".
Rồi đồng hồ đánh mười tiếng. Tôi lại nhà bưu điện. Họ chỉ mở cửa một lúc, đúng như người ta nói. Tôi tới một góc lấy bức điện ra đọc lại cho chắc. Tôi đang xem thì có thông báo mới. Lên hai điểm. Thiên hạ xô nhau mua. Nghe họ trao đổi với nhau tôi biết thế. Lên xe. Cứ như là họ không biết xe có thể chạy nhưng chỉ chạy một chiều. Cứ như là có một đạo luật hay gì đó cấm không được lam  gì khác ngoài việc mua vào. Ờ thì cứ cho là bọn Do Thái miền Đông kia cũng cần phải sống. Nhưng nếu bất cứ thằng ngoại quốc nào không sống nổi ở cái đất Chúa đã đặt nó vào cũng có thể đến xứ này móc túi dân Mỹ, mà rồi không loạn cả lên thì cứ đem đầu tôi ra mà chặt. Lại lên hai điểm nữa. Vậy là bốn điểm. Nhưng mẹ kiếp, tôi ở đó và biết rõ thực hư thế nào. Tôi không nghe lời khuyên của họ thì mỗi tháng tôi phải trả họ mười đô la làm quái gì. Tôi đi ra, rồi sực nhớ và quay lại gửi bức điện. "Ổn cả. Q. Viết thư hôm nay".
"Q. à?" tay trực nói.
"Phải" tôi nói. "Q. Anh không biết chữ Q à?"
"Tôi hỏi lại cho chắc" anh ta nói.
"Anh cứ đánh như tôi viết, tôi nói là đúng" tôi nói. "Ghi vào người nhận trả".
"Cậu gửi gì đấy, Jason?" Doc Wright nói, nhìn qua vai tôi. "Mật điện để mua hả?"
"Chẳng ăn nhằm gì" tôi nói. "Quý vị cứ làm theo ý mình. Quý vị còn rành hơn bọn New York kia mà".
"Ờ, tôi rành chứ" Doc nói. "Năm nay tôi vớ được một món mỗi bảng lời hai xu".
Một thông báo nữa đến. Xuống một điểm.
"Jason đang bán đấy" Hopkins nói. "'Nhìn mặt hắn thì biết".
"Tôi làm gì mặc tôi" tôi nói. "Quý vị cứ làm theo ý mình. Bọn Do Thái New York ông kễnh ấy cũng cần sống như ai chứ" tôi nói.
Tôi quay về cửa hàng. Earl đang bận đàng trước. Tôi ra phía sau chỗ bàn giấy và đọc thư Lorrain. "Bố yêu ước gì bố ở đây. Vắng bố chẳng có gì vui. Nhớ bố yêu". Nàng nhớ là cái chắc. Lần vừa rồi tôi mới cho nàng bốn mươi đô la. Cho nàng món đó. Tôi không bao giờ hứa gì với một người đàn  bà hay để họ biết tôi sẽ cho họ cái gì. Đó là cách duy nhất để nắm gáy họ. Lúc nào họ cũng sẽ phải đoán mò. Nếu không nghĩ ra cách nào khác để làm họ bị bất ngờ, chỉ còn cách đấm trẹo quai hàm họ.
Tôi xé vụn thư, đốt rồi bỏ vào ống nhổ. Tôi có cái lệ là không bao giờ giữ một mẩu giấy nào có nét chữ đàn bà, và tôi cũng không bao giờ viết cho họ. Lorrain luôn luôn hối thúc tôi viết thư cho nàng, nhưng tôi bảo anh có quên nói điều gì thì cứ để dành đến khi anh lại tới Memphis nhưng tôi bảo thỉnh thoảng viết cho anh dùng phong bì trơn cũng không sao, nhưng nếu em cứ thử gọi điện thoại cho anh thì Memphis không giữ nổi em đâu, tôi nói thế. Tôi bảo khi anh tới đó thì anh cũng như mọi người thôi, nhưng anh sẽ không để bất kỳ một người đàn bà nào gọi điện cho anh. Đây cầm lấy, tôi nói và cho nàng bốn mươi đô la. Nếu như có lúc nào em quá chén rồi nảy ra ý định gọi cho anh, hãy nhớ kỹ điều đó và đếm đủ đến mười hãy gọi.
"Vậy đến bao giờ?" nàng nói.
"Cái gì?" tôi nói.
"Bao giờ anh lại đến?" nàng nói.
"Anh sẽ cho em biết sau" tôi nói. Rồi nàng định mua bia nhưng tôi không cho. "Giữ lấy tiền" tôi nói. "Mua cái áo mà mặc". Tôi cũng cho chị hầu phòng năm đô la. Dù sao, như tôi đã nói tiền chẳng có giá trị gì, chẳng qua là ở cái cung cách mình tiêu nó. Nó chẳng phải của ai, vậy thì việc quái gì phải kí cóp. Nó chỉ là của kẻ nào làm ra được và giữ được nó. Ở ngay Jefferson này có một anh chàng kiếm được bộn tiền bằng cách bán đồ thiêu thối cho bọn đen, sống trong một căn phòng như chuồng lợn trên gác mái cửa hàng và tự nấu ăn lấy. Khoảng bốn, năm năm trước hắn đổ bệnh. Sợ hết hồn nên khi vừa khỏi là hắn theo đạo, mua cho mình một chân truyền giáo Trung Hoa, mỗi năm đóng năm ngàn đô la. Tôi cứ nghĩ hắn mà chết đi sẽ chẳng thấy cái thiên đàng nào, lại tiếc năm ngàn đô la mất toi mỗi năm, không biết hắn sẽ khùng tới cỡ nào. Như tôi nói đấy, hắn dám liều mặc xác bệnh với tật, chết thì chết vẫn kí cóp.
Khi thư đã cháy hết tôi định nhét mấy lá thư còn lại vào túi thì  bỗng có cái gì xui tôi nên mở lá thư gửi cho Quentin trước khi về nhà, nhưng đúng lúc đó Earl kêu tướng lên gọi tôi nên tôi đành cất đi và ra trước quầy đứng hầu một gã nhà quên chó chết mất cả mười lăm phút mới quyết định được nên mua cái dây cương hai mươi lăm xu hay  ba mươi lăm xu.
"Anh bạn nên xài loại tốt này thì hơn" tôi nói. "Làm sao anh bạn đi đứng ngon lành được nếu dùng của rẻ?"
"Nếu loại này không tốt, " hắn nói "sao anh lại bán?"
"Tôi không bảo là nó không tốt" tôi nói "tôi chỉ bảo là nó không tốt bằng cái kia".
"Làm sao anh biết nó không tốt bằng" hắn nói. "Anh đã bao giờ dùng nó chưa?"
"Bởi vì loại này không đòi những ba mươi lăm xu" tôi nói "Vì thế mà tôi biết nó không tốt bằng ".
Hắn nắm chặt đồng hai mươi xu trong tay, đồng xu lòi cả ra kẽ ngón. "Chắc tôi lấy cái này" hắn nói. Tôi đề nghị để tôi gói ghém tử tế nhưng hắn cuộn lại và bỏ vào túi quần. Rồi hắn lấy ra một túi đựng thuốc và loay hoay cởi dây buộc, dốc ra được vài đồng kền. Hắn đưa tôi đồng hai mươi lăm xu. "Mười lăm xu là đủ bữa chiều đấy" hắn nói.
"Phải rồi" tôi nói. "Anh sành sỏi lắm. Nhưng sang năm đừng có đến kêu ca với tôi lúc phải sắm đồ mới đấy nhé".
"Tôi đã làm vụ mùa năm tới đâu" hắn nói.