- 2 -
NHIẾP ẢNH GIA TÀI BA QUA LĂNG KÍNH NGHỆ THUẬT.

Nhiếp ảnh là môi trường ưu việt có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để hợp nhất

nghệ thuật với khoa học. Nhiếp ảnh đã được phát sinh trong những năm,
trong giai đoạn khởi sự, báo hiệu  thời đại khoa học.
Nó là hiện thân, là kết quả của cả khoa học lẫn nghệ thuật. [2]

Berenice Abbott

 

 

Nếu ta có thể coi đời người như một dòng sông thì ta có thể ví LVK như một dòng sông xanh, tươi mát mãi mãi trôi chảy không ngừng, không biết mệt mỏi.
Thật vậy, anh đã cống hiến trí tuệ, tài năng ưu việt, và thời gian hạn hữu của đời mình cho toàn sự nghiệp mà anh đã theo đuổi. Trong đó nghệ thuật nhiếp ảnh là một trong các nổ lực anh đã luôn say sưa, phụng sự.
Có thể trong tâm thức sâu kín của một tín hữu cơ đốc giáo thuần thành, anh đã tự coi mình như là một thừa sai của Thượng đế, để qua ống kính và bằng đôi mắt tinh anh, sắc sảo ghi nhận lại màu sắc nét xinh đẹp của sông núi, biển cả, của thân, lá cây rừng, của thế nhân…rồi trải đều, gieo cấy trong tâm hồn giới thưởng ngoạn, hầu làm đẹp cho đời, hầu thăng hoa cuộc sống của con người vốn dĩ vương mang nhiều hệ lụy, nhiểu nhương.
Trái với anh tôi là Anh Thuần [Phan Bá Thuần Hậu], một ký giả thâm niên của các nhật báo Việt ngữ, Hoa ngữ tại Sàigòn và cũng là phóng viên chiến trường của Phòng Báo Chí Quân Đội, của nhật báo Tiền Tuyến và Đài Phát Thanh, tôi lại là kẻ mù tịt về kỷ thuật, nghệ thuật nhiếp ảnh. Cả đời tôi chưa bao giờ biết cách sử dụng máy ảnh, dù là các kiểu máy đơn sơ, giản dị. Giống như Helmut Newton tôi không phải là người ham mê, thường xuyên tham dự các cuộc triển lảm hay những cuộc nói chuyện về ngành mỹ thuật này. Tôi đơn giản chỉ là kẻ thiếu kiến thức, trình độ. Còn Helmut Newton thì nhờ biết tôi luyện, về sau ông đã trở thành một nhiếp ảnh gia thời trang đại tài. Tôi chỉ có thể nhận ra chân giá trị của ảnh nghệ thuật sau khi có người hướng dẩn, diễn giải để biết thích thú trước những bức ảnh của các anh Nguyễn Ngọc Hạnh, Lê Văn Khoa, Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Cao Đàm, Thái Đức Nhã…Vì vậy, nên tôi lại xin dùng những lời của những chuyên gia trong nghề nhiếp ảnh đã nói, đã viết về LVK để người đọc có thể thấu hiểu thêm một tài năng sinh động nổi bật khác của anh:
“Người nghệ sĩ cầm máy, sử dụng máy như là một phương tiện để tỏ bày tâm trạng của mình hay sử dụng nghệ thuật như là một phương tiện để khám phá ghi nhận những hình ảnh mới. Ảnh đẹp nhưng không có chiều sâu về mặt nội dung, không ẩn chứa sâu sắc một ý niệm nào đó thì cũng chưa hẳn là một tác phẩm nghệ thuật cho trọn nghĩa... “Nghệ thuật phải chăng là sự sáng tạo của con người có tiềm ẩn một ý niệm, một sắc thái đi vượt lên trên cái bản chất căn bản cố hữu của nó... “Hình, thần và ý”  là những điều kiện cần phải có cho một tác phẩm nghệ thuật...
Âm nhạc và nhiếp ảnh vẫn luôn gắn liền với nhau trong con người nghệ sĩ của ông nên có đôi khi người nghe sẽ thấy được hình ảnh trong âm nhạc của ông hay ngược lại người xem sẽ nghe được những âm thanh, tiếng nhạc trong tác phẩm nhiếp ảnh của ông... Giáo sư Lê Văn Khoa đã trình bày về ý niệm này trong một buổi phỏng vấn của đài truyền hình Fox 11 KTTV,  Los Angeles,  để vinh danh các nghệ sĩ của khu vực Thái Bình Dương (Celebrating the Creative Spirit for Asian Pacific American Heritage Month, May 1997).
 [Phạm Mạnh Tiến - Lê Văn Khoa và Nghệ Thuật]
Được biết ngay từ độ tuổi đôi mươi LVK đã say mê và tự tìm hiểu, tự học qua sách vở nước ngoài về ngành chuyên môn này và đến năm 1968 anh đã sáng lập Hội Ảnh Nghệ Thuật VN tại SG và anh cũng như các thành viên trong hội đã chiếm nhiều giải thưởng, huy chương cao quý qua các cuộc thi ảnh quốc tế. Chính anh cũng là một trong những nhiếp ảnh gia tài danh sớm đoạt giải ảnh nghệ thuật của Tổng Thống VNCH.
●●●
Sau khi miền Nam vừa rơi vào tay tập đoàn Cộng sản anh đã nhanh chóng sang định cư tại Hoa Kỳ và đã tái lập, tái hoạt đông Hội Ảnh Nghệ Thuật. Hiện giờ hội đã có nhiều ngàn hội viên trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong nhiều năm qua Hội Ảnh Nghệ Thuật VN đã liên tục đoạt các huy chương vàng, đặc biệt là các cuộc thi tại Áo quốc với các giải thưởng
“Top 10 Photo Clubs” [ Al Thani - 2006], “Best Print Clubs” [Trierenberg Super Circuit – 2007 và 2009]... Đây là những cuộc tranh giải đầy cam go giữa các hội ảnh, các nhiếp ảnh gia tên tuổi hàng đầu, lừng danh quốc tế.
LVK còn là người VN đầu tiên có ảnh được trưng bày tại Quốc Hội Hoa Kỳ và đã từng là giáo sư bộ môn nhiếp ảnh tại một số trường đại Học tại Hoa Kỳ. Anh cũng là người VN duy nhất cùng với các họa sĩ Henry Coe, George Founds, James Plum và W. Robert Tolley được Baltimore Museum of Arts (Maryland) tuyển chọn để tài trợ một cuộc triển lãm lưu động lấy tên là “Five From The Eastern Shore” kéo dài từ 1977 đến 1979.
 
Để có thể nhận thức hoàn hảo hơn về Hội Ảnh Nghệ Thuật VN, xin mời quí vị đọc qua bài viết của nhiếp ảnh gia Võ Văn Thạnh, người cùng quê hương Bình Thuận với tôi:. Anh này là người đã gia nhập hội ảnh ngay trong những ngày đầu Hội Ảnh Nghệ Thuật VN vừa thành lập.
 
“Những nhiếp ảnh gia tại Phan Thiết như Ngô Ðình Cường, Thân Trọng Duyệt, Ðinh Văn Anh, Trương Vĩnh Ðức, Xuân Hải, Nguyễn Văn Thịnh, Phạm Gia Cẩn (cháu nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi), giáo sư Chuyết, Hồng Anh, Ðông Phương và tôi, Võ Văn Thạnh, đều có chung ý hướng làm đẹp quê hương VN qua nhiếp ảnh. Chúng tôi cùng nhau sinh hoạt đều đặn, cho đến năm 1967. Vào mùa thu năm 1967, đài phát thanh, báo chí và đài truyền hình VN loan tin Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam được chính thức thành lập dưới sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa. Anh em chúng tôi cảm thấy có một niềm tin mới, một hướng đi rõ rệt và một tinh thần đoàn kết để cùng tạo uy tín cho ngành nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng tôi trao đổi thư từ với Sài Gòn để ủng hộ và ngỏ ý muốn sinh hoạt chung với Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam. Sau nhiều trao đổi văn thư, nghiên cứu nội quy, đến tiếp xúc cá nhân, anh em nhiếp ảnh gia Phan Thiết và Phan Rí (Lê thiện Tích, Kiệt) đã họp lại, chính thức gia nhập và trở thành chi hội Bình Thuận của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam. Ðiều mà chúng tôi không biết là đồng thời những nhiếp ảnh gia rải rác ở khắp miền Nam cũng có cùng quan niệm như chúng tôi, đồng kết để tạo thế lực lớn cho nhiếp ảnh miền Nam.
 
[Võ Văn Thạnh: Lê Văn Khoa và Tôi]